Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Người Thả Ống Lươn - Đặng Văn Sinh

 

w-hopluu97-t134_0_142x300_1Trịnh Doãng cùng họ với tôi. Hắn ở ngành dưới. Xét về thứ bậc, Doãng phải gọi tôi bằng ông cho dù hắn hơn tôi cả một giáp. Tôi là dân thợ mộc, quanh năm xách cưa đục đi kiếm ăn thiên hạ, thỉnh thoảng mới về làng, mỗi lần về lại được nghe một chuyện về Doãng, thật có mà người ta thêu dệt thành giai thoại cũng có, cứ rối tung rối mù chẳng biết đâu mà lần. Thời gian hầu như không tác động mấy đến tính cách của Doãng. Con người hắn vẫn như mấy chục năm trước, chỉ có khuôn mặt là nhàu đi, kéo những vết sần lỗ chỗ, hậu quả của trận đậu mùa, giãn ra, trông lại có vẻ dễ coi hơn trước.

<!>

Trong ba người con của ông Cả Duệch thì Doạng và Doan thuộc loại làm ăn cơ chỉ, tính hạnh hiền lương, chỉ riêng Doãng, anh thứ hai là trái tính trái nết. Doãng tuổi Ất Hợi, năm lên bảy bị bệnh đậu mùa, toàn thân phủ dày một lớp mụn to bằng hạt đậu, mọng nước như phỏng dạ. Những mụn ấy vỡ, nước vàng chảy ra bốc mùi khăn khẳn không chịu được. Người Doãng quắt như con mèo hen, miệng hớp hớp không khí chẳng khác gì con cá mắc cạn, thở khò khè. Ông lang Ích thăm bệnh xong, lắc đầu:
- Tôi chịu, ông bà sắp chiếu, chẻ lạt đi là vừa...
Ông Duệch thương con không nỡ. Thôi thì còn nước còn tát. Nghĩ vậy, ông bảo Doạng chạy ra xóm Bãi gọi bà Phó Lễ vào xem có cứu được không. Bà Phó Lễ là lang vườn kiêm nghề cô đồng. Thuốc của bà toàn nước thải với bùa chú thêm ít rễ cây trộn lẫn cho con bệnh uống. Vậy mà đến chập tối Trịnh Doãng tỉnh lại. Lúc ra về bà Phó dặn:
- Mệnh thằng bé này lớn lắm. Nó vốn là tướng Nhà Giời bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian hầu hạ “Chúa Bà” nên không thể “đi” được.
Lớn lên Trịnh Doãng không thích học mà chỉ khoái chia phe chơi trò đánh nhau. Dạy học ở làng Yên là ông đồ Sách. Đồ Sách dữ đòn, trò nào mới nhập môn cũng bị nện ba roi thật đau để nhớ câu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Doãng là đứa ngỗ nghịch lại lười nên nên hay bị thầy nọc ra sập gụ đánh đòn. Hắn căm lắm, lựa hôm đồ Sách đi ăn đồng môn, lẻn vào nhà vạch chim đái vào nghiên mực với ống bút. Ồng Duệch biết chuyện, trói hai tay Doãng treo lên xà nhà, nện cho một trận nhừ tử. Doãng gan lỳ, trơ ra như đá, không khóc cũng chẳng van xin, ông bố chịu phép, phải tha. Từ đấy hắn bỏ học chuyên đi thả ống lươn.
Đầu năm Bính Thân, ông Cả Duệch bị trúng gió độc vào hôm đưa ma lão Quản Tháp, được hai ngày thì mất. Lúc ấy Doạng đã có vợ, ăn riêng nhưng ba anh em vẫn ở chung một nhà. Ông bố vừa nằm xuống là Doãng đòi chia gia tài. Doạng bàn với Doan cắt cho Doãng phần đất sát đường có ngôi nhà ngang ba gian lợp ngói mũi nhưng hắn không nghe mà ngang ngược đòi mọi thứ phải chia ba, anh nào không thích có thể bán cho người khác. Gay nhất là toà nhà chính. Doãng tranh gian giữa. Chị dâu không chịu được, nói mấy câu bị thằng em trời đánh vả cho một cái hộc máu mồm. Ông trưởng công an đến dàn xếp, Doãng cầm con dao mác vót nan đứng giữa cửa, mặt hằm hằm, cặp môi dày chĩa ra như môi cá ngão:
- Kẻ nào cả gan dám bước qua bậc cửa là Doãng này lấy mạng đổi mạng.
Vua cũng thua thằng liều. Cuối cùng, anh em Doạng, Doan phải chấp nhận phương án chia ba. Chia buổi sáng, chiều Doãng gọi người bán tài sản của mình. Doạng hốt quá, sợ cơ nghiệp mấy đời cha ông chắt bóp mới có được bỗng chốc sang tay người khác, liền bàn với Doan vay giật mỗi nơi một ít, gom đủ số tiền, tất nhiên là cao hơn so với giá nhà đất hiện thời, đưa cho ông em đầu bò. Mấy hôm sau Doãng tìm mua được miếng đất cuối làng gần khu Mả Gạch của ông Vệ Tuân. Ông này thua xóc đĩa phải gán nợ về ở với con . Khu đất rộng chừng hai sào có túp nhà ba gian lợp rạ. Từ đấy anh em Doạng Doãng không thèm nhìn mặt nhau.

Không biết Doạng học thả ống lươn ở đâu, vì làng Yên đến lúc ấy mới chỉ có công nghệ móc cua, đánh giậm, chạy dủi và đơm đó. Móc cua là thứ nghề hạ đẳng, chủ yếu dành cho trẻ con và đàn bà. Cua đồng là của trời cho, nhiều vô thiên lủng, rẻ như bèo, không bõ bẩn tay những đấng nam nhi. Đánh giậm và chạy dủi có khá hơn nhưng tốn sức, cuối buổi cá tép thường ươn, khó bán. Đặt đó lại phải thức canh đêm, lơ đi một tí là công cốc, vì trộm ở xóm Rộc như rươi. Có thằng chơi đểu, sau khi dốc hết cá tép trong chúm, còn co chân đạp bẹp hết lượt. Cuối cùng chỉ thả ống lươn là sống được, thậm chí sống phong lưu nếu biết cách giữ độc quyền, không để bí quyết rơi vào tay người khác. Kỹ thuật làm ống lươn khá đơn giản. Nguyên liệu chính là một đoạn nứa ngộa có đường kính cỡ bắp chân, đầu mặt trổ vài lỗ thông khí, đầu rỗng dùi hai lỗ đối nhau, lắp hom rồi xuyên qua một thanh tre vạt nhọn là thành cái bẫy bắt lươn khá hiệu quả. Thứ mồi hấp dẫn nhất là ốc vặn đập dập trộn với giun đất. Bí mật nghề nghiệp của Doãng là ở công đoạn chọn vị trí cắm ống. Lươn ưa cư trú ở những ao tù nhiều bùn. Làng Yên thuộc vùng chiêm trũng, mười hộ thì có đến bảy, tám vật đất đắp nền nhà, thành ra, chỗ nào cũng có ao chuôm, thùng vũng, rất thuận tiện cho Doãng hành nghề.

Thường thì ban ngày hắn la cà khắp nơi, có khi lẩn vào những chỗ ngóc ngách, rậm rạp quan sát bằng con mắt dày dạn kinh nghiệm. Ai không biết, tưởng hắn vô tích sự, mải chơi. Mặc kệ. Doãng không thèm chấp. Chập tối, sau khi đã chuẩn bị đồ nghề đầy đủ, hắn khoác chùm ống lên vai đến những vị trí ban ngày nhắm được. Thao tác của Doãng rất gọn, có khi chưa đầy ba phút đã thả xong một ống. Những ngày tối trời, giáp mặt không nhìn thấy nhau, Doãng cứ bước phăm phăm, khỏi cần đèn đóm. Đàn bà, con gái rất sợ gặp tay thả ống lươn ban đêm vì cho rằng hắn là hiện thân của mọi sự rủi ro. Có lần chàng ta vừa lỉnh kỉnh bê ống lươn đến đầu Cầu Đá ngăn giữa hai thôn Đông, Đoài gặp ngay anh bí thư chi đoàn đang bóp vú cô phân đoàn trưởng. Thoáng thấy bộ dạng hắn, cô gái ngỡ là ma hiện hình, hoảng quá, rơi tõm xuống ngòi. Cực chẳng đã, anh bí thư đành phải nhảy xuống nước cứu nhân tình sau khi cô ta đã uống no bụng thứ nước nhờn nhợt khá nặng mùi được thải ra từ một trại chăn nuôi lợn tập thể.
Xong việc, Doãng quay về làm một giấc. Cuối canh tư, thức dậy trong lúc cả làng còn đang ngái ngủ, hắn rảo một vòng quanh các ao thu hết những chiếc ống đã cắm hồi đêm. Trời vừa sáng, Doãng lần lượt tháo hom dốc những con lươn béo múp, vàng ươm ra chiếc rổ sề. Hắn chọn toàn con to thả vào nồi hông bán buôn cho cô Mít. Loại nhỏ, hắn cho vào om củ chuối nhắm rượu hoặc thả xuống ao nhà để ăn dần. Có hôm Doãng đổ ra được ba con rắn, toàn loại cạp nia, khúc đen khúc trắng. Của này độc hơn cả hổ mang chúa, vô phúc bị nó mổ, chỉ vài giờ sau là đóng ván. Gan lỳ như Doãng mà cũng sợ chết khiếp, sau lần ấy, không dám thọc tay vào ống như trước nữa.
Sau khi chia gia tài, Doãng được năm sào ruộng đồng Gà. Chân ruộng này thuộc loại thượng đẳng điền, năm hai vụ, làm chơi ăn thật nhưng phải cái mùa khô thường khan nước. Đến vụ cày cấy, Doãng một mình xoay trần ra không thèm nhờ ai. Giai thoại hay được bà con nhắc đến là có lần hắn tát nước với cọc. Quê tôi có lệ tát nước gầu dai, mỗi bên một người thành cặp. Những sòng tát cao người ta đóng đến ba bốn cặp. Thích nhất là tát nước đêm trăng. Từng đôi, kẻ bên này, người bên kia, đong đưa theo nhịp. Từng gầu nước lẫn ánh trăng sóng sánh, chao theo một đường vòng cung rồi bất ngờ vãi tung toé trên mặt ruộng, loang ra một màu trắng bạc. Chẳng biết có bao nhiêu thanh niên nam nữ nên vợ nên chồng từ những đêm trăng tát nước huyền ảo như vậy. Nhưng với Doãng thì khác. Hắn ghét cay ghét đắng lối vần công và mọi kiểu chung chạ. Năm ấy hạn nặng. Như đã nói, đồng Gà thuộc diện cao, nước từ ngòi máng chảy vào ít, các chủ ruộng phải thương lượng với nhau tát theo giờ. Doãng nhận vào lúc nửa đêm, chắc là vì không muốn thiên hạ nhìn thấy cung cách làm ăn quái gở của mình. Đợi cho mọi người về hết, Doãng mới lấy hai chiếc cọc tre đóng bên kia sòng. Sau khi buộc cố định dây thừng vào cọc, hắn thả gầu rồi vung tay chao nước. Khốn nỗi, cọc tre hoàn toàn vô cảm, không có khả năng điều khiển linh hoạt như bàn tay người, thành ra, gầu vừa lên được nửa chừng đã dốc miệng hết sạch nước. Nhùng nhằng mãi chẳng ăn thua, tay thả ống lươn tức mình ném cả cọc lẫn gầu xuống ngòi rồi nằm ngửa đếm sao. Đêm ấy thưa sao, trời sáng mờ mờ. Gió đông nam phe phẩy khiến Doãng thiu thiu. Chợt có tiếng cười từ xa. Doãng giật mình, lập tức bật dậy. Hắn vốn là kẻ bạo gan nhưng giữa đồng không mông quạnh cũng thấy rờn rợn. Từ lâu, người ta đồn cánh đồng này thường có Mẹ Hétb hiện hình thành thiếu nữ tóc trắng trêu các bà các chị đi chợ sớm. Có lẽ mụ ta thật. Doãng nắm chắc cán cuốc và từ từ quay lại... Không phải ma mà là một người con gái bằng xương bằng thịt đang lại gần. Hắn mê ngủ chăng? Bởi vì người con gái đó chính là Nhụ. Bố Nhụ là ông Trản, chuyên nghề quăng chài, máu rượu, một lần uống say quá, vác chài ra ngòi Vạn, ngã xuống nước chết, để lại cho vợ ba cô con gái. Con bà Trản cô nào cũng phục phịch, hay lam hay làm và mắn đẻ. Cô chị và cô út đã lấy chồng, có con, riêng Nhụ ưa nhìn nhất lại chưa cùng ai. Nhà Nhụ chỉ cách nhà Doãng một quãng. Đêm ấy, biết Doãng mang cọc với gầu đi, cô ta cũng giả đò ra thăm ruộng nhà mình.
Nhìn thấy Nhụ, Doãng sững người. Hắn có tật nói lắp, mãi mới hỏi được một câu hoàn toàn vô nghĩa:
- Cô... cô là... là... người hay...ma?
Cô hàng xóm khẽ cười, giọng ỡm ờ:
- Là ma đến tát nước hộ người đây. Cái gầu có tội gì mà quẳng nó xuống ngòi? Nào, lội xuống vớt lên, đây tát cho...
- Thật chứ? Doãng có vẻ không tin lại hỏi một câu rất thừa.
- Ai nói dối làm gì, mau lên kẻo trời sáng người ta bắt gặp...
Khỏi phải nói, đêm hôm ấy Doãng cảm động đến mức nào. Hai người mải tát quên cả thời gian, đến lúc vợ chồng nhà Quýnh xách gầu ra đòi sòng mới biết nước đã tràn bờ...
Mấy hôm sau, lúc làm đồng về, gặp Nhụ ở gốc đa, Doãng lén cầm tay hỏi khẽ:
- Nhụ có bằng lòng về ở với tôi không?
Cô gái tỏ ra khá bạo dạn:

- Thích thì nhờ người mang trầu cau sang nói với mẹ người ta...
Hắn nhờ bà Cõn làm mối thật. Hơn tháng sau thì cưới. Đám cưới của vợ chồng hắn thế mà đông, có điều toàn khách nhà gái. Họ nhà trai không có ai kể cả anh em Doạng Doan.
Cưới nhau chưa được một năm, Nhụ đẻ sinh đôi hai thằng con trai. Doãng thích lắm đặt tên là Dọng và Dõng. Hai thằng giống nhau như hai giọt nước, người ngoài không thể nào phân biệt được thằng nào là anh, thằng nào là em. Còn bé mà chúng nghịch hơn cả quỷ sứ. Trong nhà có thứ gì dễ vỡ đều phải treo cao, sểnh một chút là các ông nhóc moi ra, nghịch chán chê rồi đập. Khi đã choai choai, Dõng và Dọng toàn gọi nhau bằng mày tao, không đứa nào chịu đứa nào. Nhiều hôm hai anh em đánh nhau chảy cả máu mồm máu mũi. Có bận hai thằng bảo nhau rút rơm nướng khoai. Lửa cháy to quá bén sang cả nhà bếp. Doãng tức lắm, bắt nằm sấp vụt mỗi đứa ba roi đau quắn mông nhưng chỉ được một lúc lại chứng nào tật ấy.
Dọng và Dõng khá đẹp trai, nói năng lưu loát chứ không ngọng líu ngọng ló như bố. Điều giống bố duy nhất ở chúng là thói bán giời không văn tự. Dân làng Yên vốn ghét thói ba hoa thường nói sau lưng Doãng là “giỏ nhà ai quai nhà nấy”.
Cuối năm năm chín, làng Yên thành lập hợp tác xã nông nghiệp. Doãng dứt khoát không viết đơn mặc dù cán bộ xã đã nhiều lần vận động. Hắn lý sự:
- Vào hợp tác xã nông nghiệp là hoàn toàn tự nguyện. Chủ trương của Đảng và Chính phủ là như vậy. Ai không muốn vào thì thôi, vì sao các ông cán bộ lại ép bà con?
Ông chủ nhiệm coi Trịnh Doãng là dân đầu mấu, khó cải tạo tư tưởng liền tuyên bố:
- Những đối tượng chống lại chủ trương chính sách của cấp trên, ban quản trị sẽ trả ruộng ở đồng Mả Đá.
Khu Mả Đá là địa giới giữa hai xã An Trạch và An Nhân, bỏ hoang đã nhiều năm, đưa các hộ cá thể đến đấy khác gì bắt đi đày. Doãng nuốt nước bọt đến ực, nghiến răng, cắm phập lưỡi dao phát bờ, dõng dạc tuyên bố:
- Ruộng này là cha ông họ Trịnh để lại chứ không phải của vớ được hồi cải cách nhá. Kẻ nào động vào một hòn đất là ăn đòn.
Không hiểu ban quản trị sợ Doãng hay là họ không thèm chấp thằng khùng mà các hộ cá thể khác đã tự nguyện chuyển đến vùng đất mới, riêng mấy sào ruộng của Doãng vẫn ngang nhiên “ngự” tại khu đồng Gà như cái gai trước mắt trêu ngươi nhà chức trách. Nhưng Doãng sức mấy thi gan được với tập thể. Hợp tác xã chi công điểm đào đắp hệ thống mương máng thuỷ lợi dẫn nước vào ruộng. Hắn là dân tự do chẳng thuộc tổ chức đoàn thể nào, bị “cấm vận” ngay từ vụ đầu tiên. Chẳng nhẽ cứ nằm đấy chờ nước trời trong khi trời lại đang đại hạn. Ruộng của vợ chồng hắn đã nứt chân chim, lúa héo đến nơi. Nóng ruột quá, nửa đêm thức dậy, Doãng lẻn ra đồng. Hắn đang hì hục tháo trộm nước thì cánh cờ đỏ tuần tra bắt được. Nói mãi Doãng không nghe, tay đội trưởng sấn vào giằng cuốc đắp lại bờ bị hắn tống cho một quả vào quai hàm. Phải vất vả lắm họ mới điệu được gã “ thủy tặc” về trụ sở hợp tác xã. Chuyến ấy Doãng bị giải lên công an huyện làm khách của đám muỗi vằn mấy đêm. Không biết ở cơ quan bảo vệ pháp luật người ta nói những gì mà sau hôm được thả, dân xóm Rộc thấy hắn lử khử như tù mới xuất trại, đến ban quản trị xin đổi ruộng.
Vợ chồng Doãng xoay trần ra với mấy sào ruộng xấu. Hắn sang cồn Láng cắt lá về làm phân xanh, còn Nhụ quẩy đôi quang sảo khắp làng nhặt phân trâu bò bón ruộng. Không có hạt đạm nào mà lúa của hắn tốt bời bời, năng suất gấp mấy lần hợp tác xã. Khổ nhất là hồi chưa mua được trâu, Doãng phải nai lưng kéo cày. Hai vợ chồng hắn, người đi trước, kẻ bước sau, nhũng nhẵng mấy ngày mới làm xong đất. Ý chí quyết tâm làm giầu của Trịnh Doãng thật đáng nể. Trong có mấy năm, hắn vừa làm được nhà ngói ba gian xây gạch chín, tậu được con nghé, lại bổ sung dân số cho làng Yên hai thằng con trai làm cho chủ nhiệm Tào Văn Hỗ tức điên lên. Lão bèn triệu tập cuộc họp ban quản trị khẩn cấp chuyên bàn về lĩnh vực ao, hồ, đầm, ngòi. Sau hai ngày cãi nhau khá căng thẳng, cuối cùng ban lãnh đạo cũng ra được nghị quyết với nội dung cơ bản như sau: “Các diện tích mặt nước trong làng và ngoài đồng đều thuộc quyền sở hữu tập thể, cấm mọi hình thức đánh bắt cá. Ai vi phạm sẽ bị xử phạt tùy theo mức độ nặng nhẹ”. Thông báo trên được gã Tuyển Què trong ban Cờ Đỏ kẻ chữ son lên bảng tin ngay cổng làng và trước trụ sở hợp tác xã. Ngoài ra, mỗi ao chuôm thùng vũng còn được cắm biển gỗ viết sơn đỏ dòng chữ ngắn gọn: “Cấm mọi hình thức đánh bắt cá”.
Xã viên kháo nhau, phen này Trịnh Doãng hết đường làm ăn. Những kẻ ghen ăn tức ở nhìn ngôi nhà ngói đỏ của hắn nhếch mép cười nhạt. Thế nhưng, biển cấm cắm hôm trước, sáng hôm sau vợ Doãng vẫn có lươn mang ra chợ Tổng bán. Chủ nhiệm Hỗ cáu tiết gọi trưởng ban bảo vệ ra lệnh:
- Đêm nay cậu cho anh em đi kiểm tra một lượt các ao trong làng, nếu gặp tay Doãng, không nói lôi thôi, cứ điệu cổ về đây, tội vạ đâu tôi chịu.
Phải đến tối thứ ba cánh dân quân mới tóm được Doãng trong khi hắn đang lúi húi gài ống ở cầu ao nhà ông Phó Duyệt. Chẳng nói chẳng rằng, thằng Cửu và thằng Hiệp quàng ngay dây thừng vào cổ nạn nhân , trói nghiến lại dong về uỷ ban xã. Hắn vừa chửi vừa la :
- Ới dân làng ơi! Chúng nó trói người...
Doãng bị vứt nằm queo ở nhà kho suốt một đêm. Bên ngoài có hai dân quân cầm súng đứng canh. Sáng hôm sau, chủ nhiệm Hỗ, phó chủ tịch Trần Sớ, trưởng ban bảo vệ Tiệp Cò cho dẫn Doãng vào trụ sở hỏi bằng giọng đắc thắng:
- Anh có biết vì sao bị bắt không?
Doãng lừ mắt, điểm hết lượt các vị chức sắc, giọng ráo hoảnh:

- Các ông bắt trói người vô cớ là vi phạm pháp luật.
- Đề nghị anh ăn nói nghiêm chỉnh! - Chủ nhiệm Hỗ lên giọng răn đe - Vậy anh có biết hợp tác xã đã cấm mọi hình thức đánh bắt cá không?
- Biết. Doãng nói cộc lốc.
- Tại sao vẫn cố tình vi phạm?
Doãng nhếch mép cười gằn:
- Tôi không bắt trộm cá của tập thể mà là bắt lươn. Thưa các ông cán bộ, lươn không nằm trong danh mục cấm.
- Anh, anh... láo, còn già mồm cãi hả? - Chủ nhiệm Hỗ bị cú điểm huyệt đâm ra đuối lý nhưng vẫn cố nói liều để vớt vát sĩ diện. - Lươn cũng là... cá thuộc tài sản hợp tác xã.
- Này các ông! - Doãng lại hếch cặp môi cá ngão về phía chủ nhiệm hợp tác xã - Các ông ra văn bản cấm mọi hình thức đánh bắt cá mà lại cho dân quân rình trói thằng thả ống lươn, thế có phải là phường lừa đảo không? Được, tôi sẽ theo kiện vụ này lên tỉnh, tỉnh không xong sẽ vác đơn lên trung ương.
Từ chuyện ấy, Ban quản trị hợp tác xã làng Yên đâm ra ngại đụng chạm với Doãng. Thấy chính quyền lờ đi, hắn mặc sức tung hoành, đồng thời nghiên cứu, nâng cao kỹ thuật bắt lươn lên hàng công nghệ. Có lần Doãng được đích thân chủ nhiệm Hỗ đặt hàng hai trăm năm mươi con. Chuyện có vẻ khó tin nhưng hoàn toàn là sự thật. Dạo ấy làng Yên nổi tiếng khắp cả nước về làm thủy lợi nội đồng, được ông bí thư tỉnh uỷ dẫn một đoàn khách tham quan cùng mấy chục nhà báo “quốc doanh” về thăm. Ông bí thư vốn thích món lươn om củ chuối. Vậy là Trịnh Doãng được triệu đến. Người hắn thì nhếch nhác, bẩn thỉu nhưng các món đặc sản do hắn chế biến từ lươn thì ngon không chê vào đâu được. Trước khi về tỉnh, ông bí thư bắt tay và ban cho hắn lời khen, thậm chí còn mời hắn đến nhà chơi nếu có dịp về thị xã. Vậy là, bỗng chốc tay thả ống lươn trở nên nổi tiếng. Cánh cán bộ xã từ đấy có ý gờm cho dù hắn chỉ là anh nông dân cá thể, một đối tượng mà đáng lý ra mọi người luôn phải cảnh giác.
Dọng và Dõng chưa học hết lớp bốn, đã muốn bỏ, Doãng gật đầu bảo các con:
- Họ Trịnh nhà mình không có mả làm cán bộ, học lắm cũng vô ích. Tốt nhất chúng mày cứ theo nghề bắt lươn. Thứ này thời nào cũng cần, tuy chẳng giầu nhưng cũng không đến nỗi nhếch nhác như đám xã viên ngày công hai lạng thóc.
Đầu năm bảy ba, thằng Dõng có giấy gọi nhập ngũ. Doãng vừa ở đồng về, vẫn còn mặc quần đùi, tay chân lấm bùn đất, chạy đến nhà xã đội trưởng sừng sộ:
- Nó mới mười bảy tại sao các ông đã bắt lính?
Xã đội trưởng Quản văn Bền biết tính Doãng, mở ngăn kéo , lấy bản danh sách sao từ sổ hộ khẩu đặt trước mặt hắn:
- Đến tháng ba năm nay, hai cháu Dọng, Dõng vừa đủ mười tám. Số liệu tôi lấy bên uỷ ban, ông xem. Xã ta đợt này cuối tháng tư mới tuyển quân nhưng chúng tôi báo trước để bà con có sự chuẩn bị.
Doãng hiểu ra nhưng chưa chịu về ngay. Hắn ngẫm nghĩ một lúc rồi nhấm nhẳng bảo xã đội trưởng:
- Nói thật, thích thì tôi cho thằng Dõng thậm chí cả thằng Dọng nữa đi bộ đội, còn không, thách các vị đấy...
- Ông nói toàn giọng phản động. - Xã đội trưởng xua tay bảo - Đi bộ đội là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông không giữ mồm là vào... nhà đá.
Doãng lắc lư mái tóc tổ quạ, nghểnh cái cổ ngẳng như cổ cò ruồi, lý sự cùn:
- Vậy tôi hỏi nhá, ông Sầm, chủ tịch xã, có hai thằng con đều đã quá tuổi mười tám, sao chúng không đi làm “nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi người dân” mà lại sang Liên Xô học? Hơn nữa, từ trước đến nay nhà nước có quan tâm gì đến những hộ cá thể đâu mà bắt con người ta đi lính?
Xã đội trưởng không thể kiên nhẫn giải thích được nữa, khoát tay bảo:
- Nói như ông thì mất nước từ lâu rồi. Xã hội phân công mỗi người một việc, thắc mắc cái gì. Ai bảo hai đứa nhà ông chỉ học đến lớp bốn rồi bỏ?
Có điều Trịnh Doãng không ngờ đến là, thằng Dõng vừa nhập ngũ được bốn tháng thì đến lượt thằng Dọng, chẳng biết ai xui, đã dấu bố mẹ làm đơn tình nguyện gửi lên huyện đội. Bà Nhụ thương con, ngăn không được, khóc vật vã mấy ngày liền, hắn thản nhiên bảo:
- Nhà mình những bốn thằng con trai, cứ để nó đi cho thoả chí tang bồng. Mà tôi nói thật, có giữ cũng chẳng được. Họ tuyên truyền giỏi lắm, nghe nói bên xóm Chùa có mấy đứa viết đơn bằng máu...
Hôm tân binh lên đường, Doãng tổ chức bữa liên hoan, các món ăn toàn chế biến từ lươn. Lúc thằng Dọng khoác ba lô lên vai, hắn rơm rớm nước mắt dặn:
- Đã đi thì phải đi đến nơi đến chốn, hễ mà đào ngũ thì đừng có vác mặt về nhà...
Bà vợ nghe chướng tai vội trách chồng:
- Ơ kìa! Sao chưa chi ông đã mắng con thế?
Hắn lấy những ngón tay xù xì quệt nước mắt chống chế:
- Tôi chỉ... dặn nó chứ mắng... đâu mà.
Thằng Dọng vào Nam sau em ba tháng. Hơn một năm hai đứa chẳng thư từ gì. Vợ chồng Doãng sốt ruột lắm. Vào đúng hôm thanh minh, Doãng choáng người vì có giấy báo thằng Dọng mất tích. Mất tích hay đầu hàng địch? Câu hỏi cứ lởn vởn trong tâm trí hắn. Không ai bảo ai, từ cán bộ đến xã viên làng Yên đều mặc nhiên nhìn vợ chồng hắn như là bố mẹ của kẻ phản bội. Ban đêm, thỉnh thoảng thức dậy, linh tính báo cho hắn biết, hình như có kẻ nào đó rình mò sau nhà.
- Mặc mẹ chúng mày! - Doãng làu bàu chửi, cốt để những vị khách không mời nghe thấy - Có giỏi thì đêm nào cũng đến đây canh trộm cho ông.
Nói thế nhưng hắn cũng mài sẵn cây mác, rót thêm dầu lạc vào chiếc đèn “ló”c để phòng bất trắc.
Cuối năm bảy tư thằng Dõng có thư về. Nó được phong danh hiệu “dũng sỹ diệt xe tăng” và tặng thưởng huân chương chiến công. Doãng mừng lắm, đem khoe khắp xóm. Từ hôm ấy, hắn để ý không thấy có kẻ rình rập ban đêm nữa.
Giải phóng miền Nam được một tháng, Thằng Dõng giải ngũ, mang theo chiếc khung xe đạp và con búp bê nhựa gần bằng đứa trẻ mới đẻ. Còn thằng Dọng, hết năm bảy nhăm, qua năm bảy sáu vẫn bặt vô âm tín. Cứ vài tuần một lần, Doãng lại đạp xe lên huyện đội hỏi, và lần nào cũng vậy, người cán bộ chính sách đều trả lời: “Chưa xác minh được”. Tuy không nói ra nhưng trong thâm tâm, Doãng nghĩ thằng Dọng đã hy sinh mà đồng đội không tìm thấy xác. Thật khổ cho nó. Con người ta chết được công nhận liệt sỹ, còn con mình sao lại chết mờ ám thế. Những ngày tháng chờ đợi càng dài, niềm hy vọng vủa vợ chồng Trịnh Doãng càng vơi. Gặp người làng, nếu ai vô tình nhắc đến chuyện ấy là hắn nổi cáu:
- Ông đừng có mà xỏ xiên, nay mai người ta cấp bằng liệt sỹ cho thằng Dọng rồi khối đứa trắng mắt ra...
Doãng già đi trông thấy. Chưa đến bốn nhăm mà tóc hắn đã lốm đốm hoa râm, khuôn mặt nhằng nhịt những vết tàn nhang, bình thường vốn đã khó coi, giờ nhăn nhúm như chiếc bị rách trông càng hãm tài. Đã thế, cặp môi cá ngão dầy quá mức bình thường mỗi ngày một thêm dẩu ra, đẩy lưỡi về phía sau, làm hắn nói năng rất khó khăn. Thỉnh thoảng Doãng lại hỏi thằng Dõng:
- Mày gặp các ông chỉ huy đơn vị thằng Dọng người ta bảo thế nào?
- Con đã nói rồi, bố cứ hỏi mãi. Họ bảo anh ấy có khả năng bị địch bắt rồi chúng thủ tiêu.
- Thế có khốn nạn không chứ! - Doãng thở dài thườn thượt - Đợi ít lâu nữa rồi tao với mày phải vào trong ấy xem sao. Chẳng nhẽ họ lại vô trách nhiệm với người lính như thế...
- Được rồi, con đi. - Thằng Dõng nhấm nhẳng - Nhưng bố mẹ phải cưới cái Nụ cho con.
- Mày ra điều kiện với tao đấy hả? - Doãng cáu, nói lập bập - Con với cái.

***

Nhiều năm qua đi...
Thằng Dõng, thằng Dung, thằng Dị đã lấy vợ ra ở riêng. Ba thằng chẳng thằng nào theo trọn nghề của bố. Dõng kiếm được ít vốn chạy tuyến biên giới buôn hàng Trung Quốc. Dung cùng với mấy anh bạn nhận đấu thầu khu đồng trũng thả cá và nuôi vịt đẻ tận quán Năm Gian. Riêng thằng Dị không chịu cảnh đất chật người đông chỉ độc canh cây lúa đã dắt vợ vào Lâm Đồng lập nghiệp. Doãng vẫn túc tắc thả ống lươn kiếm đồng ra đồng vào. Có điều, bí mật công nghệ đã bị đánh cắp, làng Yên hình thành một đội ngũ hành nghề khá đông, chuyên cung cấp hàng cho cửa khẩu Móng Cái, thành ra lươn ít dần, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều lúc ngồi nhắm rượu với lươn om riềng bên cạnh bà vợ kém mắt, Doãng than thở:
- Nghề của tôi mạt vận đến nơi rồi bà ạ!
Giữa năm chín hai, Trịnh Doãng nhận được thư thằng Dọng từ Pháp gửi về. Vậy là nó còn sống nhưng tại sao lại theo bọn “thực dân đế quốc”? Doãng giận lắm, định xé thư đi. Thằng Dung vội ngăn lại:
- Thầy nóng tính quá, cứ đọc hết xem anh ấy nói những gì đã.
 Doãng lườm con:
- Nó bỉ mặt tao. Chuyện này mà lộ ra thì nhục với cả làng.
Dung đọc xong, mặt ông bố tươi tỉnh hẳn lên. Hoá ra sự việc cũng đơn giản chứ không phức tạp như Doãng nghĩ.
Đầu năm bảy tư, trong một trận đụng độ với tiểu đoàn 7 thủy quân lục chiến quân đội Sài Gòn, đại đội 12 bị đơn vị thiện chiến này tập kích gây tổn thất nghiêm trọng. Trung đội của Dọng toàn lính mới, tuy chiến đấu dũng cảm nhưng chưa có kinh nghiệm với những tình huống phức tạp ở chiến trường, thương vong khá nhiều. Số còn lại, trong đó có Dọng, bị trực thăng hốt đưa về căn cứ Phước Tân. Tại đây, phần lớn tù binh phải lên rừng chặt gỗ hoặc khai thác đá ở sườn núi Ông Tượng. Một lần đi làm, nhận thấy toán quân cảnh giám sát có vẻ lỏng lẻo, nhóm sơn tràng của Dọng giết chết một viên thiếu uý, trói mấy người lính, nhét giẻ vào mồm rồi rủ nhau trốn trại. Nhưng cuộc tháo chạy thất bại, ngay đêm hôm ấy, tất cả đều bị bắt lại. Dọng nhận hết về phần mình, như thế có nghĩa là chấp nhận hình phạt xử bắn. Viên trung tá giám thị trại giam, người gốc Phát Diệm, thấy gã Việt cộng trẻ măng, vẻ lanh lợi, lại có hành động nghĩa hiệp, trong lòng phục lắm liền gợi ý:
- Tôi có thể miễn tội chết cho cậu nhưng với một điều kiện.
- Điều kiện gì? - Dọng nhìn viên sỹ quan với vẻ cảnh giác, hỏi cộc lốc.

- Đơn giản thôi, làm lính hầu cho tôi.
Dọng nghĩ một thoáng rồi khẽ gật đầu:
- Được... nhưng xin ông đừng xử bắn những người kia.
- Cậu là thằng đầu têu mà tôi còn tha huống hồ anh em khác.
Cuối tháng hai, viên trung tá có dự cảm cuộc chiến sắp tàn, nền Đệ nhị cộng hoà khó mà đứng vững, nếu không thoát ra mau sẽ có nguy cơ chìm thuyền, bèn xin giải ngũ đem cả vợ con sang Pháp. Ông ta bảo Dọng:
- Cậu được tự do nhưng theo tôi nên xác lập cho mình một tương lai chắc chắn ngay từ bây giờ.
- Trung tá nói sao?

- Từ giờ đến lúc kết thúc chiến tranh có lẽ cũng chẳng còn mấy, và ai biết chuyện gì sẽ xẩy ra đối với những tù binh như cậu, cho nên, tốt nhất là di tản cùng gia đình tôi.
- Nhưng còn bố mẹ, anh em tôi ở miền Bắc?
- Nhà cậu còn những ba gã con trai đúng không? - Viên cựu giám thị kiên nhẫn thuyết phục - Vả lại, Bắc Việt đang đói và có lẽ còn rất lâu mới thoát ra khỏi ảnh hưởng tai hại của cuộc nội chiến chó má này. Khi đã có chút tài sản trong tay, về nước lúc nào chả được.
Nghe ông ta tán, thấy cũng có lý, Dọng gật đầu bảo:
- Trung tá nói đúng, ông bố tôi suốt đời làm nghề thả ống lươn, có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến chuyện sang Pháp.
Mười mấy năm qua, Dọng biết quê nhà đã có nhiều thay đổi. Chính quyền hiện tại không còn định kiến nặng nề với những người vì hoàn cảnh bắt buộc phải rời tổ quốc kiếm sống ở phương trời xa. Nó dự định sẽ về thăm quê.

Mấy tháng sau, Dọng đưa vợ con về thật. Vợ nó chính là con gái viên trung tá giám thị trại tù binh Phước Vĩnh năm xưa. Vợ chồng Dọng ở nhà một tháng. Nó biếu họ hàng quà cáp chu đáo, giúp vốn các em làm ăn và cho bố mẹ đủ số tiền xây ngôi nhà hai tầng đẹp nhất làng Yên. Trước khi về Pháp, Dọng ra ủy ban xã xin góp năm ngàn dollars để xây trạm xá.
Trịnh Dọng nghiễm nhiên trở thành Việt kiều yêu nước. Lão Doãng bao năm khổ sở vì cái nghi án mất tích của con trai, nay được mở mặt mở mày với hàng xóm, trong lòng vô cùng tự đắc.
Sau tết nguyên đán, Dọng gửi giấy bảo lãnh cho bố sang Pháp chơi mấy tháng. Lão Doãng đến Paris cứ như người từ hành tinh khác xuống vậy. Gặp cái gì lạ lão cũng “ồ”, “à” hệt như dân làng Yên ra tỉnh nhìn thấy những manequind ăn mặc hở hang trong tiệm may đo. Thằng Dọng là chủ cửa hàng cơm chuyên bán những món đặc sản Việt Nam, nổi tiếng nhất là lươn, ếch, ba ba. Lão không thể hiểu, ở cái xứ sở cách quê nhà cả chục ngàn cây số, quanh năm giá lạnh này mà chúng vẫn kiếm được hàng thùng lươn béo mẫm, phục vụ khẩu vị của các thượng đế tha hương.
Sang đây với con, Doãng đâm ra nghiện món bánh mỳ sốt vang thịt bò. Người lão đẫy ra, những vệt rỗ nhằng nhịt - di chứng của căn bệnh đậu mùa - hình như đang lặn dần. Khuôn mặt nhăn nhúm vốn dĩ khó coi của lão giờ giãn ra, bóng nhẫy, linh động, đầy sinh khí. Hết đi thăm các danh lam thắng cảnh lại ở nhà bật máy thu hình (toàn người Tây, chữ Tây) xem mãi cũng chán, Doãng đòi về. Vợ chồng Dọng giữ mãi không được đành phải chiều ông bố trái tính.
Về đến nhà, như lời thằng Dọng dặn, Doãng mang tặng ủy ban bảy ngàn dollars để xây trụ sở theo sự gợi ý của ông chủ tịch vốn là bạn đánh giậm với nó thuở trước. Số còn lại, lão bàn với vợ gửi ngân hàng lấy lãi. Từ đấy họ Trịnh bỏ hẳn nghề thả ống lươn.

Trụ sở ủy ban hai tầng, mặt tiền ốp đá, mái chóp, nổi tiếng hàng huyện. Để ghi nhớ công lao của Trịnh Doãng có được người con làm vẻ vang cho quê hương, ông chủ tịch đề nghị dựng tượng lão ở ngay phía sau khuôn viên trụ sở. Công trình hoàn tất, rất nhiều người đến xem và bình phẩm. Đó là một hình người thô kệch bằng xi măng cốt thép, đứng ưỡn ngực trên bệ cao, vai khoác chùm ống lươn, chiềng ra trước thiên hạ bộ mặt vênh váo, do nhà điêu khắc Quang Đệ nổi tiếng lãng tử của Hội văn nghệ tỉnh sáng tác.
Dạo này, bụng Trịnh Doãng có xu hướng mỗi ngày một to bởi từ khi giải nghệ, ít vận động, tỳ vị đâm ra ngưng trệ. Vì thế, sáng nào lão cũng đạp chiếc xe Peugeot cánh trả qua lối cổng chùa Vĩnh Hưng, lên đường trục liên xã rồi sang Phố Phủ làm vại bia cỏ, bát tiết canh và tô phở tái. Vừa ăn, lão vừa thả lời ong bướm tán tỉnh bà chủ quán phốp pháp còn khá trẻ, có cặp mắt hiếng.
Trên đường về, Doãng đạp xe thật chậm rãi như người tập thể dục dưỡng sinh. Đến trụ sở ủy ban, thế nào lão cũng vòng ra phía sau vườn ngắm tượng của mình. Có lần, ngắm xong lão chép miệng:
- Cái tay Quang Đệ nói phét một tấc đến giời. Tượng chẳng giống mình tí nào. Thật phí tiền... 


Đặng Văn Sinh
 
Ghi chú:
a - Là loại nứa ống to trên rừng, dân sơn tràng khai thác rồi đóng bè chuyển về miền xuôi bán để đan cót hoặc làm ống lươn.
b - Một loại ma đàn bà hay trêu người trong truyền thuyết dân gian vùng đồng bằng sông Hồng.
c - Đèn thắp bằng dầu lạc hoặc dầu trẩu, mỡ lợn, đặt trong hộp có mặt kính là một khối chỏm cầu dày khuếch đại ánh sáng.
d - Giá treo quần áo được làm theo hình người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...