Gốc gác giòng họ tôi trước đây không đến nỗi tệ.
Ông ngoại tôi là ông Xã Trang (xã trưởng Hội An). Thời Pháp thuộc, Hội An chỉ
là một xã, sau lên thị xã (tỉnh lỵ Quảng Nam), hiện nay là thành phố.
Ông nội tôi là ông Quản Ðồ (quan quản tên Phạm Ðồ), thời Pháp là xếp thương
chánh (quan thuế?) của tỉnh Quảng Nam. Ông chú tôi (em ông nội tôi) làm lãnh
binh, xếp xòng lính khố xanh (?) tỉnh Quảng Nam.
Năm 1945-1946, ba tôi đi kháng chiến rồi mất tích, tôi thành mồ côi, con nhà
nghèo.
Tuổi trung học tôi lớn rất nhanh. Tôi còn nhớ, năm đệ ngũ, lúc sắp hàng vô lớp,
tôi nhỏ nhất, được xếp đứng đầu hàng, nghỉ hè vô, tôi bị đuổi xuống cuối hàng
vì cao nhất lớp (nhỏ đứng trước, lớn đứng sau). Má tôi biết tôi lớn nhanh nên
dặn bác thợ may phải lên hai ba lớp gấu, nghĩa là cuối ống quần phải gấp lên
vài ba lần, để ít lâu, (chỉ vài ba tháng thôi), là phải xuống gấu quần mới che
được mắt cá chân tôi. Vậy mà, đến giữa năm, sau khi xuống hết gấu quần, tôi mặc
vẫn cụt ngũn, giống quần Phi Thoàng! Tuy có áo quần mới nhưng tôi vẫn mặc đồ cũ
để đi chơi với các bạn. Chúng nó nhà còn nghèo hơn tôi, ngày tết không có đồ
mới. Bạn có về Việt Nam trong mấy ngày tết, nhất là các tỉnh lẻ, bạn sẽ thấy
ngoài đường có mấy đứa trẻ, trên dưới mười tuổi, mặc quần đùi, áo đứt nút, hở
rốn, có đứa ở trần, kéo nhau năm bảy đứa đi lang thang trên các đường phố nhìn
thiên hạ ăn tết. Ngày xưa, tôi là một đứa trong bọn nhỏ đó. Ðó là những đứa trẻ
nhà nghèo, những đứa trẻ mồ côi. Không phải nhà nghèo mà không có thú vui. Vui
nhiều hơn mấy cậu con nhà gia giáo vì rất tự do, muốn làm gì thì làm, chẳng có
ai la rầy. Lớn lên, khi đã có vẻ thanh niên, chúng tôi không mặc quần đùi,
nhưng vẫn thả rểu với nhau ngoài đường, chứ không hề đến nhà ai. Không bao giờ
tôi mặc đồ mới trong mấy ngày tết.
Ngày tết, ở Hội An thường có các thú vui cờ bạc. Ðánh bài chòi, lắc bầu cua,
đánh tài xỉu. Trong nhà thì đổ xâm hường, đánh xì lác, cách tê, tứ sắc...Tôi
nhớ, lúc đó tôi còn tiểu học, trên mười tuổi, một buổi sáng, tôi lên chỗ ngã tư
đường Phan Chu Trinh và Lê Lợi, xem người ta đánh bạc. Tôi thấy có một bàn tài
xỉu, trước ga-ra sửa xe, quãng đường lên chùa Phật Học, người ta đứng đầy chung
quanh đặt tiền, tôi cũng chen vào sát bàn tài xỉu đó để xem. Ðây là loại bàn
thường thấy ở các gia đình bình dân, dùng làm bàn học, bàn ăn cơm hoặc bàn tiếp
khách. Bàn thường có một cái hộc nhỏ, để vật dụng. Tôi đứng trước bàn, đối diện
với người làm cái, là ông chủ ga-ra xe. Lúc đó tôi còn rất nhỏ, vai tôi vừa tầm
với mặt bàn, hai tay tôi khuất dưới bàn. Tôi chỉ việc hơi nghiêng người là thò
tay xuống dưới bàn, lách mấy ngón tay vào kẽ hở của hộc bàn, nhón lấy tờ bạc mà
chủ cái bỏ vào đấy mỗi khi "vùa tiền". Khèo được tờ nào, tôi đặt bạc
tờ nấy. Ăn thì tôi đặt dồn vào, thua, tôi móc tờ bạc khác dưới bàn lên đặt
tiếp. Tôi cứ thua hoài! Ông chủ cái thấy vẻ bất thường của tôi (Tiền đâu mà đặt
mãi?), cứ nhìn tôi nghi ngờ. Tôi thấy không ổn, rút lui. Ông chủ cái nầy là chủ
ga-ra sửa xe. Ga-ra Nam. Ông ta trên bốn mươi tuổi, người cao lớn, giọng nói ồ
ề, hay chửi thề, ai cũng ngán.
Một lần khác cũng vào ngày tết, ông chủ ga-ra Nam không làm chủ cái mà làm nhà
con, đến các bàn tài xỉu, đặt tiền. Sáng bữa đó, ông ta say rượu, cứ móc túi
đặt đồng nào thua đồng nấy. Ông ta là chủ ga-ra xe nên có rất nhiều tiền. Ðặt
riết, thua sạch, móc túi nào cũng trống trơn! Mọi người thấy thế, cười ồ lên.
Nhà cái cũng cười khoái chí vì đã lột được ông ta. Ông ta nổi xùng, mặt đỏ gay,
mắt trợn ngược, vẹt mọi người chung quanh, sấn đến, lôi ông chủ cái vất mạnh ra
xa, khiến ông ta ngã lăn xuống đất. Rồi ông ta kéo hộc bàn, vơ hết tiền vào bàn
tay hộ pháp, giơ lên và nói "Từ sáng đến giờ tao thua nhiều rồi" Ai
nấy chưng hửng! Ông chủ cái ngồi dưới đất cũng im re. Ông ta đang say rượu,
chọc ông ta nổi giận, dộng cho một phát, chắc chết! Thấy ai cũng yên lặng đứng
nhìn, ông ta nói tiếp "Tao thua, tao lấy tiền lại". Cũng chẳng ai nói
gì! Ông ta coi bộ bị "quê" nên nói tiếp "Tao lấy. Tao đi!"
Vậy là ông ta nhét tiền vô túi, bỏ đi. Mọi người tò mò, theo sau ông ta một
bầy. Ông ta quay lại trợn mắt, hét lên "Ði chỗ khác!" Ai cũng thất
kinh, chạy tứ tán.
Tỉnh lẻ, rất ít phương tiện giải trí. Khoảng thập niên năm mươi (thế kỷ trước),
Hội An có gánh hát bội sau chùa Ngũ Bang. Những người lớn tuổi, nhất là các bà,
là khán giả thường xuyên, đêm nào cũng đi xem. Cả thành phố vài chục nghìn
người mà gánh hát cứ ăn dầm nằm dề, năm nầy qua tháng khác. Tuồng hát diễn đi,
diễn lại vẫn là những tuồng Tàu. Mạnh Lệ Quân, Ðơn Hùng Tín, Tam Hạ Nam Ðường,
Phàn Lê Huê,Tiết Nhơn Quí Chinh Ðông, Tiết Ðinh Sơn Chinh Tây... mà khán giả
đêm nào cũng đông nghẹt. Xem riết, họ thuộc lòng từng màn, từng cảnh, giống như
bây giờ ta xem đi, xem lại mấy băng (DVD) ca nhạc Paris By Ninght, Asia, Vân
Sơn vậy. Buổi tối thỉnh thoảng tôi đi coi hát bội với chúng bạn. Không đứa nào
có tiền nên chỉ đi "coi ké" Thông thường, khán giả có thể dẫn
theo con, cháu cùng đi mà khỏi mua vé. Tụi tôi đứng hơi xa chỗ xét vé (cho
người xét vé không thấy), chờ khách đi xem thì đến năn nỉ "Ông cho con đi
theo "coi ké". Nghe ông!" Nếu ông ta gật đầu thì cứ níu tay ông
ta khi qua cửa xét vé. Lọt qua cửa là tôi buông tay ông ta, chạy quanh tìm bạn,
cũng là những đứa "coi ké", hỏi thăm "Thằng A, thằng B vô được
chưa?", gặp được bạn thì mừng lắm. Chúng tôi như những con chuột nhắt,
chạy lung tung, chui chỗ nầy, chỗ kia chứ ít khi chịu ngồi một chỗ (dưới đất) để
xem, ngoại trừ những màn "xáp chiến" và yêu đạo hóa phép.
Trong tuồng hát, khi yêu đạo hóa phép thì niệm thần chú "Khẩu mật niệm
chân ngôn...Hô biến!" Tức thì đèn đóm tắt hết, tối thui, trên sân khấu
hiện ra con rồng, lưỡi kiếm, hoặc cây búa...(là những lồng đèn nhỏ, có thắp đèn
bên trong). Ðối phương cũng niệm thần chú và một con vật hay vũ khí nào đó bay
lên nghinh chiến. Hai vật xà quần nhau một lúc, "phe ta" niệm thần
chú "Hô thâu!", phép màu của yêu đạo biến mất, coi như bị phe ta tịch
thu vào hồ lô. Ðèn sáng lên, yêu đạo đánh đỡ quờ quạng mấy đường rồi bỏ chạy.
Chúng tôi vỗ tay, hoan hô rầm trời. Màn xáp chiến cũng hồi hộp lắm. Hai tướng
giáp trụ oai phong, gươm giáo sáng ngời, đội mão có gắn hai cái lông chim trĩ,
cao vòng ra sau, lưng có năm cây cờ lịnh năm màu. Trước khi giao chiến, hai bên
khiêu khích nhau "Mau quì xuống lai hàng, kẻo đầu treo cổ ngựa" Ðối
phương tức giận, "xừng mang trợn mắt" "Cẩu tặc chớ nhiều lời!
Hãy xem ngọn đao (lưỡi kiếm) của ta đây" rồi nhào vô đánh liền. Nói rằng
xáp chiến chứ vũ khí hai bên chỉ chạm nhau tượng trưng thôi. Bên đánh, bên đỡ,
quay vòng, điệu bộ ăn khớp nhau rất đẹp. Quân sĩ hai phe thì chạy lòng vòng, có
khi cũng đánh nhau loạn xạ, trong lúc đó trống trận nổi lên dồn dập, trống chầu
cũng thúc vô, khiến chúng tôi hồi hộp, chỉ mong "kẻ địch" thua. Một
lúc "bên thua" bị đối phương đạp cho một đạp, lăn mấy vòng rồi lăn
tuốt vô trong màn, coi như bỏ chạy. Bên thắng trận vênh mặt lên "Chưa đổ
mồ hôi ngựa, cẩu tặc đã chạy dài! Quân bây. Truyền tấn binh!". Tuồng nào
cũng vậy. Hễ đánh nhau là cũng chừng đó động tác, chừng đó câu nói, đến độ
chúng tôi thuộc lòng! Chúng tôi còn biết tới màn nào là các bà sẽ khóc nên chờ
để nhìn các bà, các cô mếu máo chùi nước mắt. Nhất là các cô đi xem hát với các
anh lính. Chúng tôi nhỏ, không ai để ý, không biết rằng chúng tôi đang rình xem
anh chị làm gì. Xem hát có hai hạng, hạng vé ngồi và hạng vé đứng. Mấy anh chị
nầy hay đứng chen nhau để dễ ôm nhau. Thường thì các chị hất tay anh ta ra,
nhưng đến màn lâm ly, anh ta làm gì mặc kệ, chị ta chỉ chú ý xem rồi khóc ngon
lành.
Tôi còn nhớ tên mấy nghệ sĩ hát bội thời bấy giờ. Ông Ðiền, Ông Thành, Ông Tâm,
bà Dần...Ban ngày, chúng tôi hay ra sau chùa Ngũ Bang, chỗ gánh hát cư ngụ để
chiêm ngưỡng mấy ông, bà nghệ sĩ nầy. Trên sân khấu họ oai phong, lẫm liệt bao
nhiêu thì ban ngày họ trông thật thảm não bấy nhiêu. Họ hút thuốc phiện nên ốm
nhom, lờ đờ, tơi tả, vợ con nheo nhóc. Các nữ nghệ sĩ có khá hơn, ban ngày cũng
còn đẹp. Bà Dần đóng vai nào cũng hay. Làm tướng (Phàn Lê Huê), mắt phượng mày
ngài, múa kiếm, xáp trận rất đẹp mắt. Ðóng vai Ðiêu Thuyền, liếc mắt đưa tình,
làm nũng với Lữ Bố y như thật.
Coi ké, không phải lúc nào cũng thành công. Vì ông xét vé quen mặt, thấy là đẩy
ra vì biết không phải con, cháu gì của khán giả cả. Chúng tôi có cách khác là
leo tường. Một thằng to con đứng làm cái thang cho mấy đứa khác leo lên vai,
trèo tường vô trong. Vô phước, vừa nhảy xuống đất lại gặp ngay ông trật tự đứng
chờ sẵn. Ông ta phang cho mấy gậy vô đít, vô lưng, xách tai đau điếng, lôi ra cửa,
tống cổ ra ngoài. Phải chạy vòng ra sau, báo động "Ðừng leo vô nữa. Có
thằng già đứng chờ phía trong!"
Một cách coi hát bội không tiền nữa là đi "Rao bảng". Buổi chiều, vô
rạp cho người ta "vẽ mặt" nhân vật chính sẽ diễn tối đó. Vài ba đứa,
mặt mũi xanh đỏ, mang râu, đội mão ngồi trên một chiếc xích lô. Hai bên xích lô
có hai tấm bảng giới thiệu "tuồng hát tối nay". Một thằng đánh trống,
thằng kia thì cho "chương trình", là tờ giấy ghi đêm nay sẽ hát
tuồng gì. Ðứa nào "rao bảng", tối đó được vô coi hợp pháp, nghĩa là
đường hoàng vô cửa. Nhiều lần tôi và vài đứa bạn bon chen, xin được rao bảng,
nhưng không tranh được với mấy thằng lớn hơn, cô hồn hơn.
Ðêm diễn sắp đến màn cuối thì có "thả cửa" (trong Nam gọi là"thả
giàn"), nghĩa là mở cửa, ai muốn vào coi cũng được, lúc đó, có người đứng
ra giới thiệu đêm mai sẽ hát tuồng gì, sự tích ra sao.
Mấy ngày tết thường hát những tuồng có hậu, vui vẻ để khán giả gặp hên suốt
năm. Nhiều người chờ "thả cửa" vào bói xem năm nay sẽ gặp được gì?
Ðoàn tụ, làm giàu, thêm con cháu...? tùy theo phần kết của tuồng.
Ngoài hát bội, chúng tôi còn cách giải trí khác là mướn truyện Tàu, truyện
trinh thám, truyện đường rừng, chuyện ma về đọc. Trong con hẻm Phan Chu Trinh
có chỗ cho mướn truyện. Vợ chồng ông chủ nầy hút thuốc phiện, thơm ra đến ngoài
đường. Một quyển sách ông ta chia ra làm nhiều tập mỏng dánh, độ năm mươi
trang. Chúng tôi mướn vài tập rồi chia nhau đọc. Ðứa chi tiền thì đọc tập
trước, không tiền đọc tập sau, mấy đứa kia ngồi dòm, đọc ké. Thằng Ðỗ Ðình Tân
thường có tiền mướn truyện, tụi tôi chẳng có đồng nào. Bồng Hiệp Khách, Kim Hồ
Ðiệp, Long Hình Quái Khách, Phi Thiên Thần Long, Người Nhạn Trắng Gặp Sáu Mạnh,
Nửa Bồ Xương Khô, Nhất Chi Mai...Chúng tôi đọc hết mấy kệ sách của ông chủ hút
thuốc phiện đó. Ðứa nào cũng đọc rất nhanh, chỉ nửa giờ là xong, lại chạy đi
mướn về đọc tiếp, có khi ngồi ngay vệ đường, chúi đầu mà đọc, quên cả thế gian.
Lúc đó không có kiếm hiệp Kim Dung, nhưng mấy chuyện "phi hành" (đi
trên ngọn cây, nhảy lên mái nhà, phóng phi tiêu) cũng dư sức làm say mê bọn
nhóc chúng tôi. Mỗi khi đọc hết tập truyện, chúng tôi cùng hô to "Phi
hành!", vậy là đứa nào cũng cong cổ chạy theo kiểu "cà xơn" như
ta đây là hiệp khách đang lướt trên ngọn cây đi "hành hiệp giang hồ".
Ðôi khi lấy một khúc tre nhỏ, gài vô lưng quần đùi, lọt qua ống quần, giống như
đeo kiếm, vừa chạy vừa giữ lưng quần, kẻo nó tuột xuống, lòi chim.
Một môn giải trí khác là đá banh. Thời tiểu học đá banh tơ nít (tennis), nhỏ
bằng trái cam, lên trung học đá banh lớn. Lớp nầy thách đấu với lớp khác. Bọn
ban C (văn chương) tụi tôi đá bết nhất, trận nào cũng thua, nhưng cũng
hăng lắm. Trước khi ra trận, mấy lớp khác chọc ghẹo "Có đem theo cái giỏ
đựng trứng không?". Bọn ban B. đá dữ nhất, mỗi trận, chúng ăn ban C. chúng
tôi hàng chục quả trở lên. Tôi được giao làm thủ môn. Banh xuống là tôi chắp
tay năn nỉ "Ðá ra ngoài giùm tao!" Chúng thấy tội nghiệp, cười rồi
hất banh ra ngoài khung thành. Vậy chứ ban C ra sân là khán giả rất đông, để
xem chúng tôi đá banh thua bao nhiêu quả rồi cười vui, thích thú lắm.
Bấy giờ Hội An chúng tôi có một cầu thủ đá banh nổi tiếng "Giáo Huê Chơi
Xấu". Khi tranh banh, ông ta làm bộ vung vẫy hai tay, rồi thình lình
"vẫy" mạnh tay vào chim đối phương, khiến đối phương ngã lăn ra, ôm
chim lăn lộn. Trọng tài không dám thổi phạt, có lẽ sợ ông ta cũng
"vẫy" cho một phát thì nguy. Ðây chỉ là các trận đấu "giao
hữu" giữa các đội banh của các quận, xã với nhau, nhưng giao hữu kiểu đó,
mà nghe có Giáo Huê tham dự là ai cũng ngán.
Thời trung học chúng tôi có một có một thú vui mà ít người được hưởng. Ðó là đi
bắt gà trộm nấu cháo ăn. Cứ chạng vạng tối là chúng tôi đi rảo khắp các xóm,
trong hẻm, dòm ngó xem mấy con gà nhà người ta ngủ chỗ nào. Thường là trên cây
trong vườn hoặc sau hè. Ðến tối, thằng Trần Ngọc Lợi (đã có vợ, có con và còn
đi học với chúng tôi, như đã kể ở trên) chở tôi đến bằng xe đạp, tôi leo rào
vào, ôm gà ra và nó đạp như bay. Chúng tôi rất thú vị với trò nầy, vừa hồi hộp
vừa sợ. Tôi bắt gà trộm rất tài. Cứ lòn tay dưới bụng con gà và nâng nhẹ lên,
con gà chỉ kêu cúc cúc nho nhỏ chứ không vùng vẫy, kêu la gì cả.
Gà lớn, gà bé, chúng tôi trộm tuốt. Tiện nhất là gà người ta mới mua về, còn
nhốt trong lồng để trước cửa hoặc cột chân vào gốc cây cho gà quen chỗ. Thằng
Lợi dừng xe đạp ngoài đường, tôi lẻn vào, ôm chạy ngon ơ. Bạn bè tụi tôi thời
đó, hầu như đứa nào cũng được ăn cháo gà. Buổi tối, bạn nào đi ngang qua nhà
thằng Công cũng được mời vào thưởng thức cháo gà.
Có bữa, đi rảo khắp nơi mà không tìm được gà để bắt trộm, tôi về trộm gà ở nhà,
của má tôi nuôi, đem lại nhà thằng Công nấu cháo. Khi bị mất gà, má tôi chửi
thôi, bể làng bể xóm. Chửi khơi khơi chứ có biết ai trộm gà đâu? Tối thứ bảy
mất gà, sáng chủ nhật, khi cho gà ăn và điểm danh mấy con gà, thấy vắng mặt một
con là má tôi chửi. Tôi đang ngủ phải vùng dậy bỏ đi.
Nhiều khi hẹn nhau đến nhà thằng Công ăn cháo gà mà tìm không ra gà thì thằng
Mạc Phi Hoàng rủ tôi lên lầu nhà nó bắt bồ câu. Cứ rải ít gạo trên sân thượng
trong cái thúng có cây chống, chim bước vào ăn gạo thì giật sợi giây, úp chim
trong thúng. Thường chỉ bắt được bồ câu già, nấu hoài mà vẫn dai nhách, nuốt
không vô! Nhưng có cháo để xì xụp với nhau là vui rồi. Thằng Công có mấy đứa em
gái dễ thương, hiền lành, cứ bị nó sai xuống bếp nấu cháo gà (trộm), trong khi
bọn tôi ngồi trên lầu tán phét chờ ăn. Ba thằng Công đi làm xa, chỉ có mẹ ở
nhà. Bà mẹ rất hiền và thương con, tụi tôi đến làm gì mặc kệ. Nó có thằng em
trai tên Bổn, sau thành nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ. "Dạ Vũ" không phải là
ca nhạc nhảy đầm như ở Mỹ mà có nghĩa là đêm mưa, (Ðêm Mưa Bến Tần Hoài). Thằng
Công chỉ biết có một bài hát duy nhất, từ tiểu học đến trung học, là bài
"Anh ơi, tôi lên đường phố cũ tìm anh chiều hẹn hò. Trao nhau niềm vui
cuối tuần..." Trong lớp, hễ giảng bài xong, còn dư mấy phút, thầy (cô)
thường bảo "Ai biết hát, lên hát một bài" Vậy là tụi tôi đẩy nó lên
"Công! Lên hát Anh ơi tôi lên đường phố cũ đi!" Như tôi đã kể ở một
chuyện ngắn khác, thằng Công thường bị chúng tôi đem ra để chọc ghẹo những nữ
giáo sư mới ra trường còn ngây thơ. Hễ cô gọi thằng Công lên trả bài là chúng
tôi nhao nhao "Công ngủ rồi cô!". Có một thằng khác tên Vương Tử
Hoàng, cũng chỉ một bài, hát hoài, từ tiểu học lên trung học "Ðêm dâng với
ngọn triều. Dô hà dô kéo thuyền nhổ neo. Vi vu buồm lên cao. Dô hà dô sóng reo
dạt dào..." Hai đứa nó hát mãi như thế khiến cả lớp đều thuộc lòng. Về
sau, lớn lên, lang bạt khắp nơi, mỗi khi nghe lại những bài hát đó, đứa nào
cũng nhớ Hội An, nhớ bạn bè, nhớ hai thằng ca sĩ "chỉ biết một bài duy
nhất".
Có một chuyện bắt gà trộm mà tôi vẫn nhớ mãi. Một thằng bạn khác, rủ tôi đi bắt
gà trộm. Nó khoe cách của nó ngon hơn "Cứ nắm cổ gà cho thật chặt, rồi ôm
chạy. Làm sao nó kêu được?" Thế rồi một lần, tôi theo nó vào một đường
hẻm. Nhiệm vụ tôi là đứng ngoài rào canh chừng, nó leo rào vô sau nhà người ta.
Một lúc nó đi ra, tôi không thấy nó ôm gà mà cầm vật gì trong tay, cứ đưa ra
phía trước và đi hối hả ra đường, không nói tiếng nào. Tôi đi theo, ra đường
chính, có ánh đèn điện. Trời đất quỉ thần ơi! Nó cầm trong tay đầu một con rắn.
Mình con rắn quấn quanh cánh tay nó. Tôi hoảng kinh, đứng xa mà nhìn chứ không
biết cách nào cứu nó. Thế rồi nó ngồi xuống lề đường, bắt đầu mài đầu con rắn
xuống mặt đường nhựa. Thì ra có một loài rắn, là rắn rồng hay gì đấy, thường vô
nhà bắt chuột hoặc ăn trộm trứng gà trong các ổ gà. Con rắn cứ nuốt nguyên cái
trứng vào bụng, chỉ một lát sau, nó nhả ra cái vỏ trứng dẹp lép, tròng trắng,
tròng đỏ đã tiêu hóa hết. Vì con rắn cũng đang rình, tìm cách ăn trộm trứng gà
của con gà mái đang ấp, nó ngóc đầu chờ dịp thuận tiện bên cạnh con gà, vậy là
thằng bạn tôi tưởng đầu rắn là đầu gà, chộp lấy. Khi biết là con rắn, nó không
dám buông tay, cứ nắm chặt mà đi. Nó ngồi mài mãi, đến khi cái đầu rắn đã mòn,
lậm đến thịt tay, nó vẫn mài. Tôi đến gần, thấy con rắn đã mất đầu, buông lỏng
mình, mới bảo nó rằng con rắn chết rồi, nó mới ngừng tay. Bữa sau đi học, thấy
tay nó bị băng vải, không viết bài được.
Không chỉ bắt gà trộm, chúng tôi còn hái trộm trái cây trong vườn nhà người ta.
Về khuya, chúng tôi đi lang thang ngoài đường, ngứa ngáy chân tay, thấy vườn
nhà ai có trồng cây ăn trái, chúng tôi leo rào, vào bứt đại, vì ánh đèn đường,
chỉ thấy lờ mờ, nên non già gì cũng vơ hết. Hái cho vui chứ chẳng ăn được gì.
Ổi non chát ngắt, chanh chua lè...cứ vất ngay trước cổng nhà người ta, để chọc
tức chơi.
Khi chúng tôi lên đệ tam, đệ nhị (lớp mười, mười một), tâm hồn bắt đầu có vấn
đề. Chúng tôi mơ mộng, vui buồn không có nguyên nhân. Ði chơi chung thì ít nói,
ngang qua nhà người đẹp nào cũng dòm vào (chẳng biết để làm gì?). Thời đó,
ngoài cô Kín và cô Mỵ, còn có các người đẹp khác như cô Hà thị Tuyết, cô Lê thị
Thanh, cô Thục Anh, cô Liên Chuột Bạch...Ðứa yêu cô nầy, đứa yêu cô kia mà
không nói ra. Chúng tôi, tuy đã lớn, đã "nhổ giò" (lớn nhanh), vỡ
giọng (ồ ề) nhưng vẫn còn "gà tồ" (ngu ngơ). Bọn con gái cùng tuổi
khôn hơn, tinh ý hơn. Thấy thằng con trai nhìn mình mà mặt cứ thộn ra, chân tay
luống cuống là biết hắn ta đã bị hớp hồn, nên các cô (cũng là chỗ quen biết)
thường tặng cho một nụ cười. Thế là anh chàng sướng mê. Từ đấy chàng ta trồng cây
si cô nàng, gọi là yêu thầm hay yêu đơn phương cũng vậy. Yêu đơn phương bao giờ
cũng nhiều mơ mộng nên thường làm thơ, gửi đăng báo, hi vọng người đẹp biết đến
"thi sĩ", nhưng thơ dở quá, chẳng báo nào đăng, vậy là thưởng thức
một mình chứ không dám cho ai biết, sợ quê. Có cậu còn viết thư tình gửi người
đẹp. Ðây là màn phiêu lưu rất nhiều nguy hiểm. Lá thư sẽ được người đẹp chuyền
cho người khác đọc và bình luận. Thành phố nhỏ, học trò đều biết nhau, vậy là
anh chàng thành "nổi tiếng".
Tuổi đó, chúng tôi còn con nít nhưng lại muốn làm người lớn. Khoảng đầu thập
niên 1960, có cô Thanh Thúy hát nhạc của Trúc Phương hay vô cùng. Bên hông ty
bưu điện Hội An, trên con đường đâm ra bờ sông, có quán cà phê của cô Phượng,
tụi tôi đi ngang qua, hễ nghe bản "Nửa Ðêm Ngoài Phố" là ngồi xuống
lề đường phía đối diện quán cà phê, lắng nghe. Thành phố Hội An, buổi tối vắng
người, đường hẹp như những con hẻm, đèn vàng hiu hắt, nghe bản "Nửa Ðêm
Ngoài Phố", thấy như tâm sự của chính mình trong đó.
Một lần, thấy ngồi lề đường nghe nhạc không đúng điệu, chúng tôi góp tiền, vào
quán, gọi mỗi đứa một ly cà phê đen, ngồi lắng nghe, vẻ đăm chiêu, suy tư ghê
lắm, (làm ra vẻ người lớn vậy thôi, chứ biết suy tư gì đâu!), nhưng tối đó, về
nhà, đứa nào cũng thức "trợn trắng con mắt". Cà phê đắng ngắt, phải
ráng uống, uống vô mất ngủ.
Tôi vì tham gia "ngồi quán uống cà phê nghe nhạc" mà tiêu mất tiền má
tôi cho để hớt tóc. Thấy tóc tôi quá dài, má tôi lại cho tiền mà không la mắng.
Từ đó, má tôi biết phải cho hai lần tiền tôi mới hớt tóc một lần, mà tôi lại
thích để tóc dài cho có vẻ nghệ sĩ. Tóc tôi dài đến độ, có lần, trường tổ chức
trại hè Mỹ Khê, Ðà Nẵng, tôi được đi, khi tập trung trước sân trường để lên xe,
thầy hiệu trưởng Hoàng Trung gọi tôi đến, bắt giở mũ ra, thấy tóc quá dài, bèn
móc túi cho tiền, bảo đi hớt tóc ngay, nếu không sẽ không cho đi.
Kể chuyện Phố Hội có thể chấm dứt sau khi tôi thi xong tú tài, rời thành phố.
Nhưng khi tôi thi tú tài hai năm 1964, cũng có vài chuyện vui. Thời đó, thi tú
tài một phải ra Ðà Nẵng, tú tài hai ra Huế. Thế nên bọn học trò đệ nhất chúng
tôi kéo hết ra Huế, theo đúng truyền thống "Học trò trong Quảng ra
thi..." Thằng Phùng Ngọc Nhựt, bạn cùng lớp, có người bà con ở Huế, rủ tôi
và năm ba đứa nữa ra ở trọ. Nhà trọ nằm sau bến xe Nguyễn Hoàng, trên đường
Trần Hưng Ðạo, chỉ cần đi bộ, xuống đò bến Thừa Phủ là qua bên đường Lê Lợi,
đến hai trung tâm thi là trường Quốc Học và Trường Ðồng Khánh. Thông thường,
một ngày thi hai môn, sáng một môn, chiều môn khác. Thi xong, chúng tôi về ăn
uống, nghỉ ngơi hoặc ôn bài, hai giờ qua thi tiếp. Có một thằng, trưa đó nằm
ngủ say. Khoảng một giờ, chúng tôi vặn đồng hồ lên ba giờ, rồi trốn hết, chỉ
sai một con bé, con chủ nhà đến đánh thức hắn ta "Anh, dậy đi thi. Mấy anh
kia đi hết rồi!" Hắn bừng mắt, thấy đồng hồ ba giờ, nhà vắng hoe, hoảng
kinh, vùng dậy vơ đại áo quần, cầm trên tay, cứ chân không mà chạy như ma đuổi.
Chúng tôi phải chạy theo kêu lại. Chúng tôi thì cười, hắn thì chưởi, mặt từ tái
ngắt sang đỏ gay! Nhưng rồi sau đó hắn cũng cười, mừng là không bị trễ giờ đi
thi.
Trong phòng thi, tôi ngồi cạnh ông Liêu Công (cùng vần C). Ông ta là giám thị
trường Hàm Nghi, tuổi trên năm mươi tuổi. Ông ta bảo, thi tú tài hai gần mười
năm rồi mà không đậu vì học hoài mà không nhớ gì cả. Ông cần cái bằng tú tài
hai để lên ngạch, trật gì đó, khi về hưu, tiền hưu sẽ khá hơn. Ông ta ngỏ ý xin
được cọp dê (copy) bài thi của tôi. Tôi đồng ý với điều kiện. "Bùa"
(sách vở) tôi đem vào, ông ta lót dưới đít, không ai thấy. Khi nào tôi cần, ông
ta chỉ nhỏm đít lên là tôi sẽ rút ra, tìm bài. Ông ta chịu ngay. Thực ra, tôi
cũng thuộc bài, không cần "bùa", nhưng tôi là đứa ba trợn, chẳng sợ
gì, hơn nữa ông ta giữ bùa, tôi không phải lo bị bắt. Trong lúc làm bài thi,
tôi quên là phải cho ông ta cọp dê, mãi viết bài, khiến ông ta phải chồm qua để
nhìn bài của tôi. Vô phước, giám thị thấy dưới mông ông ta một cọc bùa
(sách vở, tài liệu). Vậy là ông ta bị bắt quả tang đem tài liệu vào phòng thi.
Tôi thấy ông ta kinh hoàng, khiếp đảm chứ không phải sợ. Mồ hôi ông toát ra như
tắm, chân tay run lập cập. Ông ta cứ theo ông giám thị, thì thầm năn nỉ gần như
khóc, và được "tha tào". Hú vía! Tôi bảo "Cùng lắm bác thi rớt,
như mấy năm trước chứ có chi mà bác sợ dữ vậy?" Ông ta bảo "Thi đậu
hay rớt không thành vấn đề. Tôi là giám thị trường Hàm Nghi mà lại gian lận
trong phòng thi thì có nước chui xuống đất chứ mặt mũi nào mà đến trường làm
giám thị nữa!"
Nhờ cọp dê bài của tôi, ông ta thi đậu bài viết. Qua vấn đáp, vì giáo giới với
nhau, ông ta dễ được giám khảo thông cảm, tệ lắm cũng cho đủ điểm để đậu. Năm
đó tôi cũng gặp may. Vô vấn đáp, môn vạn vật, giám khảo nhìn thẻ học sinh của
tôi và hỏi "Anh học vạn vật với thầy nào?" Tôi thưa với thầy
"Ðồng Ðỏ" (Lúc đó trường Trần Quí Cáp có hai thầy Ðồng, một thầy da
ngăm ngăm, học trò gọi là thầy Ðồng Ðen, thầy kia mặt lúc nào cũng hồng như con
gái, gọi là thầy Ðồng Ðỏ) Thầy giám khảo hỏi vớ vẩn gì đó rồi bảo "Tôi cho
anh bảy điểm. Gặp thầy Ðồng thì nói tôi gửi lời thăm thầy" Tôi cám ơn rối
rít. Ði thi được năm điểm là đủ đậu rồi. Hai điểm còn dư, để cứu các môn khác.
Nhờ tôi cho cọp dê bài nên ông Liêu Công thi đậu tú tài hai. Ông ta không cho
tôi về Hội An ngay mà giữ lại Huế mấy ngày. Ông ta có một chiếc xe hơi
"con cóc", giống như xe ta xi ở Sài Gòn bấy giờ. Chiều nào ông ta
cũng đem xe đến chở tôi đi lòng vòng thành phố Huế. Danh lam thắng cảnh, nơi
nào cũng đến. Sau đó chở tôi về nhà ông ta. Cao lương mỹ vị dọn lên, chỉ ông ta
với tôi ngồi đối ẩm, vợ con ăn dưới nhà. Sau bữa ăn, tráng miệng một mâm đầy
nhãn lồng, hái từ cây trồng trong vườn. Nhãn lồng xứ Huế, dày cơm, giòn, ngọt
và thơm. Sau bữa ăn, tôi tà tà xơi hết nửa mâm nhãn. Vài hôm sau, mắt tôi đổ
ghèn!
Sau nầy, tôi làm việc ở Huế nhưng tìm nhà ông ta không ra để thăm. Có lẽ
"ông cụ" đã về hưu lâu rồi.
Nhân nói chuyện tình yêu, tôi xin kể một trong những mối tình đơn phương của
tôi mà đến nay tôi vẫn còn nhớ.
Năm đó tôi học đệ tam, Trường Trần Quí Cáp. Bấy giờ, vì thiếu phòng học nên một
phòng giành cho hai lớp. Buổi sáng một lớp, chiều lớp khác. Tôi học buổi sáng.
Là vua trốn học nên thỉnh thoảng tôi và vài đứa nữa, leo cửa sổ, chui rào (Lúc
đó trường chưa xây tường) chạy đi chơi. Cứ tưởng tượng chui khỏi rào, đứng nhìn
các lớp học lặng trơ, tụi bạn phải trả bài, làm bài, còn mình thì thảnh thơi,
mới thấy cái thú trốn học. Chúng tôi thích nhất là đi tắm sông. Bơi lội, hò
hét, đùa nghịch cho đến chán thì mặc áo quần, trở lại trường, lại chui rào, vào
lớp học tiếp. Thân thể mát mẻ, tinh thần thoải mái, học thêm mấy giờ nữa là tan
trường!
Một lần, tôi với thằng bạn trốn học, xuống phía chùa Sư Nữ tắm sông. Ðây là
vùng ngoại ô, cách trường hơn cây số. Khi chúng tôi chuẩn bị lên bờ
thì có hai chị đàn bà ôm áo quần xuống bến giặt giũ. Không biết hai chị tâm sự
gì mà cứ nói mãi, chúng tôi không thể lên bờ mặc áo quần được. Vì bến sông
thuộc vùng quê, vắng vẻ, nên chúng tôi tuy đã học đến đệ tam, lớn rồi, mà vẫn
cứ tắm theo kiểu ông Adam, nghĩa là cứ tuột hết đồ ra, nhảy ùm xuống sông, nô
đùa đến chán thì lên bờ mặc áo quần vào.
Vì không thể đưa chim ra trước các bà khi lên bờ, nên hai đứa tôi cứ lội lên,
lội xuống mãi cho đến trưa, hai chị đàn bà ra về, mới lên mặc áo quần, vội vả
đến trường, thì đã đến giờ của lớp buổi chiều. Sáng hôm sau đi học, thấy trong
hộc bàn, sách vở vẫn còn nguyên, nhưng có thêm một mãnh giấy nhỏ, trên đó có
mấy câu, chê rằng đi học mà "đút vở bụi tre" (trốn học) không biết
xấu hổ. Thấy nét chữ chân phương, tôi đoán là chữ con gái nên để ý xem cô nào
đã ngồi chỗ của tôi. Hoá ra đó là cô Lê thị Thanh học lớp đệ ngũ. Cô nầy có
chiếc miệng rất xinh với đôi môi mọng, hồng tự nhiên, khi mím lại, dễ thương
hết sức, cô được xem như có duyên nhất trường. Tóc cô nhiều, phủ đầy lưng, đôi
mắt thông minh, sáng trưng.
Ðược một người đẹp như thế ngồi chỗ của mình, tôi dại gì mà không viết thư bỏ
hộc bàn! chẳng phải thư mà chỉ là mãnh giấy nhỏ. Tôi viết bằng tiếng Anh, khi
làm thơ tặng cô thì tôi viết tiếng Việt. Tôi học đệ tam, ban C (văn chương) mà
tiếng Anh, tôi viết xong, về nhà giở tự điển ra mới thấy trật bậy, trong khi cô
học đệ ngũ, trả lời, có những chữ tôi không hiểu! Tôi làm thơ tỏ tình thì cô
nói sang chuyện học hành, đại ý muốn cô đọc thơ tôi thì phải chăm học, không
được trốn học nữa.
Cứ cách vài bữa, tôi tặng cô một bài thơ, có khi chỉ vài câu, toàn thơ con cóc.
Suốt một năm như thế, bầy cóc đó, nếu chép ra, chắc cũng được một tập thơ
dày.
Cô Thanh học rất giỏi, năm nào cũng lãnh phần thưởng nhất lớp, đôi khi còn thêm
phần thưởng hạnh kiểm nữa. Năm nào, lễ phát phần thưởng, tôi cũng đến dự để
được ngắm cô yểu điệu lên lãnh thưởng. Cô còn nhỏ nên đôi khi ôm phần thưởng
lớn, che cả mắt, không thấy đường, tôi rất hồi hộp và thương cô vì sợ cô vấp
ngã.
Hết năm đệ tam thì tôi không còn ngồi chung chỗ với cô Thanh nữa. Nhưng buổi
tối, tôi thường đi ngang nhà cô, trước chợ Hội An, để được thấy cô ngồi học ở
một bàn nhỏ trong phòng khách. Từ năm đệ nhị, tôi phải gạo bài để thi tú tài,
nên tối nào tôi cũng thức khuya. Ðang học bài mà mệt mỏi, tôi buông sách vở,
lang thang ngoài đường phố một lúc cho thảnh thơi tâm trí, để về học tiếp. Dù
đi đâu, tôi cũng vòng xuống phía chợ, ngang qua nhà cô Thanh một lần. Ðôi khi,
đang ngồi học, nhìn ra, thấy tôi, cô đứng dậy, bước ra cửa để tôi được gặp.
Chúng tôi chỉ nói vơ vẩn mấy câu, độ năm, mười phút, cô bảo "Về học bài
đi! Sắp thi rồi" Nghe thế, tôi ngoan ngoãn đi về, lòng sung sướng lắm, học
bài mau thuộc.
Từ năm tôi học đệ tam đến năm đệ nhất, thi xong tú tài hai, tôi và cô Thanh chỉ
gặp nhau vào buổi tối, nói với nhau vài câu. Suốt mấy năm, cũng chỉ có mấy câu
chào hỏi đó thôi.
Tôi là thằng ba trợn. Ðánh lộn, trốn học, chọc gái đủ thứ, vậy mà tôi sợ
cô Thanh! Ði ngoài phố, thấy cô từ xa là tim tôi đập như trống trận, nếu ai đi
bên cạnh ắt sẽ nghe được tiếng thình thịch. Tay chân tôi luống cuống, người run
lên, thở không ra hơi, tâm thần bấn loạn. Khi đến gần, cô nhìn tôi và tặng tôi
một nụ cười. Khỏi nói! Lúc đó tôi sướng đến mê người.
Lúc đó tôi không biết cách nào tỏ tình, hơn nữa tôi xấu trai, mặt có sẹo, lại
học dở, không biết ca nhạc, không biết viết văn, làm thơ nên chẳng đáng để cô
quan tâm. Cô thì còn nhỏ, khoảng mười bốn, mười lăm tuổi, chưa biết gì. Cô xem
tôi như bạn hay người anh, nên hai đứa không tiến thêm một chút thân tình nào.
Có duy nhất một lần. Một buổi tối, tôi đến để từ giả cô vào Sài Gòn học đại
học. Cô ra cửa, đứng cạnh tôi. Vô tình, tay cô chạm vào tay tôi. Chạm nhẹ thôi,
vậy mà tôi lại nghĩ, đó là cô ban cho tôi một chút cảm tình, ưu ái nên tôi nổi
hứng, tối đó, tôi về, thức trắng đêm, sáng tác ngay một bức "tình
thư", năm bảy trang. Chắc là ướt át, mê ly lắm! Tôi gửi cho cô. Cô đưa lá
tình thư của tôi cho gia đình và bạn bè đọc. Sau khi mọi người nghiên cứu, bình
luận chán chê, cô Thanh trả lại cho tôi bức tình thư. Thú thật tôi không còn
nhớ mình viết những gì? Nếu nhớ, tôi kể ra đây để bạn cùng thưởng thức.
Ðọc đến đây, chắc bạn đã chán ba chuyện yêu đương lẩm cẩm của tôi rồi. Tôi xin
kể qua chuyện tôi về lại Hội An, vào năm 2001, sau mấy chục năm xa thành phố cổ
đó.
Tôi từ Mỹ đi
máy bay về Sài Gòn, rồi đón xe về Hội An.
Hội An vẫn thế, nhưng nó đã mất cái hồn, mất cái tình đối với tôi rồi. Tôi như
người ngoại quốc đến một xứ lạ, cứ lơ ngơ, nghiêng ngó mà không gặp được một
người quen. Trước giờ vẫn thế. Tuổi trẻ Hội An, lớn lên là như con chim xa tổ.
Ðứa nào cũng nghĩ đến một phương trời khác, thế là chúng đi biệt. Sau năm bảy
lăm, đổi đời, chúng bay còn xa hơn, đến cả phương trời tây. Ðứa bị kẹt lại cũng
tìm cách ra khỏi Hội An. Vô Sài Gòn, ra Ðà Nẳng, chí ít cũng Tam Kỳ, Tiên
Phước...
Buổi tối, ngay hôm về lại Hội An tôi lang thang qua các con phố cũ. Về khuya,
mọi người đều rút vào nhà. Ðường phố hẹp, vắng tanh trong ánh đèn vàng vọt,
khiến con đường thêm âm u, hun hút như đường hầm. Tôi vòng xuống ngã chợ, nơi
nhà cô Thanh. Vẫn mái hiên nơi cô và tôi thường đứng chuyện trò, nhưng cô không
còn ở đó nữa. Tôi ra ngồi trên bờ sông lộng gió, lắng nghe tiếng sóng vỗ tí
tách và nhìn giòng sông tối đen. Giòng sông mà các ông thi sĩ gọi là
"giòng sông tuổi thơ", đã hoàn toàn xa lạ. Cậu học trò năm xưa, tâm
hồn trong trắng, tự tin nay đã thành một người lớn tuổi, chán ngán sự đời. Công
danh sự nghiệp như phù vân. Ngẫm lại, chỉ thấy thời đi học là thần tiên hơn
cả.
Tôi về lại Sài Gòn, tìm thăm một người bạn, tên Châu Ðình Khôi, là anh rể của
cô Lê thị Thanh. Anh ta cho biết cô Thanh, nay đã là góa phụ (chồng
chết), có hai con, học hành nên người. Tôi ngỏ ý muốn đến thăm cô. Người bạn
đưa tôi đến nhà cô, gần ngã tư Bảy Hiền.
Chúng tôi vào nhà cô. Cô đứng lên, bước tới, nhìn tôi và cười. Thật kỳ lạ! Ðã
bao nhiêu năm mà cô vẫn không thay đổi. Môi cô vẫn hồng, mắt vẫn sáng, thông
minh.
Mục đích tôi đến thăm là để xin lỗi cô về những bài thơ, câu thơ và cả bức
"tình thư", đã làm phiền cô. Vì lúc đó cô còn nhỏ quá, học đệ ngũ,
khoảng mười bốn, mười lăm, đâu biết gì! Thế nên tôi mới nhắc chuyện cũ.
"Thanh còn nhớ? Lúc Thanh học đệ ngũ, anh học đệ tam. Hai đứa ngồi cùng một
chỗ, anh thường viết cho Thanh, để trong hộc bàn..." Cô cười "Anh để
trong hộc bàn còn quí! Có khi lấy phấn vẽ mũi tên, chỉ lòng vòng, chỗ nầy, chỗ
kia, nhét dưới chân ghế, chân bàn, làm Thanh phải đi tìm" "Anh còn
làm thơ con cóc..." Cô nhìn tôi "Ðể đó mà con cóc! Thanh không quên
đâu! Anh gửi cho Thanh những câu như thế nầy...Và những câu nầy nữa..." Cô
đọc mãi, đọc mãi, những câu thơ ngô nghê của tôi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét