Thứ Sáu, 16 tháng 12, 2022

Trần Huy Quang (1943–2022): Linh Nghiệm và Lời khai của một bị can


Nhà văn Trần Huy Quang. TL. Nguồn: Báo Thanh Niên

 

Lời giới thiệu: Nhà văn Trần Huy Quang, một trong những nhà văn tiêu biểu của văn học Việt Nam giai đoạn đổi mới, đã qua đời vào lúc 17 giờ 40 chiều 15.12.2022 vì bệnh ung thư, thọ 80 tuổi. Chung tôi xin đăng lại một vài sáng tác của ông, trong đó có truyện ngắn Linh nghiệm được viết cách đây 30 năm, nhưng vẫn không hề mất đi ý nghĩa và tính thời sự; và phóng sự “Lời khai của một bị can” về ông Vua Lốp Nguyễn Văn Chấn (19262013), người đã gây dựng nên một tài sản lớn từ hai bàn tay trắng, nhưng đã phải chịu nhiều oan trái, tù tội một cách phi lý. Cuộc đời Vua Lốp là một trong bằng chứng “sống” cho sự bất công của nền pháp luật XHCN Việt Nam và sự ngu dốt, nghi kỵ, hẹp hòi của những cá nhân, cơ quan phụ trách điều tra, thực thi pháp luật ở Việt Nam.

Đáng tiếc là cho đến tận bây giờ, cả nền pháp luật và những con người như thế vẫn không khá hơn bao nhiêu…

<!> 

 

 

xxxx

 

Một số tác phẩm của
nhà văn Trần Huy Quang.
TL. Nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM 

Linh nghiệm  Truyện ngắn

Truyện ngắn “Linh nghiệm” được đăng trên tuần báo Văn Nghệ, số 27 ra ngày 04.7.1992. Bị thu hồi và có lệnh hủy sau khi phát hành 4 ngày, tác giả Trần Huy Quang bị treo bút 3 năm. 

 

H…INH là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân không nghèo nhưng cũng không giàu có gì lắm. Cha anh ta có đỗ đạt, đã từng làm quan, nhưng tính khí thất thường, lòng đầy ham hố nên quan trên không mặn mà gì nên đã bỏ quan, khi đi dạy ở chốn kinh kỳ, khi ngồi bốc thuốc ở vùng sơn cước.


Hinh thừa hưởng ở dòng họ và khí chất của vùng chôn rau cắt rốn cái nết cơ bản cần cho kẻ có hoài bão tham chính là tính đa mưu túc kế, lòng dạ thật không bao giờ lộ ra mặt, bạn bè cùng lứa không ai dám kết thân làm bằng hữu. Hinh sáng dạ, lại có chí, học đâu biết đó, hai mươi tuổi làm thơ chữ Hán, đọc Rút-xô, Mông-tét-ski-ơ ... bằng nguyên bản nhưng Hinh chán học, chỉ nhăm nhăm một dạ xuất ngoại. Đạo học không có đường tắt, mà lập thân bằng con đường học vấn thì mù mịt, xa vời quá. Bằng văn chương thì chỉ khi thế cùng lực tận, bất đắc dĩ mà thôi.


Hàng ngày Hinh sống như người nuốt phải quả chùy gai vào bụng, buốt nhói, nhăn nhó, bồn chồn, vừa ngồi đã đứng lên, mới ngủ đã vùng dậy, trán nhăn tối, mắt xa xăm. Như đang phải lòng một tiểu thư khuê các ...


Nhưng Hinh đâu phải là người dại dột, không bao giờ để phí chí khí, sức lực vào chuyện đàn bà. Vớ vẩn. Chiếm mười trái tim đàn bà đâu có khó nhưng một trái tim nhân loại thì phải vượt trùng dương. Hinh ngước cái nhìn mong đợi lên bầu trời, hoài vọng bóng dáng một con tàu, tìm kiếm một phép thần thông, mong đợi một dấu vết của cõi Thiện hoặc hơi hướng của miền Cực lạc để đưa về cho chúng sinh. Tháng ngày như sợi chỉ căng mà lòng khao khát làm trai hải hồ, khắc khoải mong một phút được quỳ dưới chân bậc Chí Thánh và nói : "Ơn Người, Người là nguồn ánh sáng dẫn dắt chúng con ... Lũ chúng sinh con khao khát được gặp Người ..." Thế rồi như sự linh nghiệm của lời nguyện cầu, một đêm giông tố bão bùng, đất trời như trong cơn đau sinh nở, Hinh đã lên chín tầng Thánh địa để được gặp đấng Chí Linh.

Bắt đầu là một ngọn nến, ánh lửa dịu ấm tỏa một quầng sáng hình nón. Vầng sáng ấy tỏa hào quang, tia hào quang không thẳng mà có hình gấp khúc. Cuối cùng ở trung tâm vầng sáng ấy hiện ra khuôn mặt kiều diễm của một cô gái tóc vàng.


- Kính thưa ... Hinh bàng hoàng thốt lên.

- Không phải ! Cô gái mỉm cười độ lượng. Tôi chỉ là sứ giả của đấng Lập Đạo. Anh có lời thỉnh cầu gì gấp lắm không ? Người đang bận, việc hành đạo mới chỉ ở bước khởi đầu ...

- Kính thưa, tôi là người của xứ sở Nhọc nhằn tăm tối ...

- Thôi anh không cần phải nói, chàng trai ạ, người xứ Nhọc nhằn có khát khao ánh sáng thì việc hành đạo mới càng được dễ dàng. Đây anh cầm lấy, theo đạo thư này, anh sẽ tìm được chân lý.


Vị sứ giả trao cho Hinh đạo thư quý giá ấy rồi nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi chỉ còn như một cái chấm chính giữa vầng hào quang rồi biến mất giữa bao la. Hai tay đỡ cuốn sách trước trán, Hinh vẫn quỳ và thành kính đặt lên đó một cái hôn, rồi anh run run dở ra đọc.


"Hãy đi về phía Nam theo con đường một bên là cây và một bên là nước, cuối con đường có quán bia hơi và thịt chó, đừng vào chốn đam mê ấy và đi thật chậm. Dọc đường sẽ có người hỏi : "Có đi không ?" thì đừng đi. Đó cũng là người cần lao chứ không phải ma quỷ cám dỗ, nhưng phải đành từ chối. Đi tiếp sẽ gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất để "tìm cái này". Cứ thế ... chỉ cần một lúc sau, anh sẽ có được thiên hạ ..."


Hinh ấp cuốn đạo thư vào ngực tức tưởi. "Trời ơi, bảo bối, bảo bối ..." Hinh sung sướng hét toáng lên. Tiếng anh vang rất to trong đêm và lúc ấy Hinh mới biết mình vừa qua một giấc mơ. Nhưng trời ơi, tại sao những điều anh nung nấu trong tâm can bấy lâu nay lại được giải đáp trong mơ. Anh sung sướng và cảm động đến mức nước mắt giàn giụa. Ôi chúng sinh nhọc nhằn và tăm tối của ta, bảo bối này sẽ soi sáng đường chúng ta đi ...


Sáng hôm sau, Hinh thành kính chuẩn bị lên đường. Quần áo tươm tất, mũ miện đàng hoàng. Trước nhà anh có một đại lộ chính Nam, có lẽ đúng là con đường này nên anh dần bước ra đi. Một bên cây và một bên nước, hay một bên rừng và một bên biển ? Anh cứ đi, qua vài đoạn phố nữa thì anh thấy mình đi đúng, con đường men theo cái hồ. Và giữa phố có hàng bia hơi thịt chó mà vài lần anh cũng đã bị cuốn vào đó. Ôi, sự linh nghiệm không sai một dấu phẩy. Đường phố trong veo, lui cui dăm chiếc xe đạp chở kẹo bánh, than tổ ong đi bỏ mối cho các hàng nước vỉa hè, lọc cọc đôi chiếc xích lô cà tàng đi tìm khách. Vài cô điếm vật vờ.


- Có đi không ? Một cô gái điếm rủ rê. Hinh nhớ đến giấc mơ mà thấy lạnh xương sống, trong mơ cũng ba chữ ấy. Đến cuối phố, Hinh thấy một ki-ốt sách báo thật, chủ quán vừa mở cửa. Tại sao có sự kỳ diệu thế này, khi tỉnh anh nào có biết chỗ này có một quán sách ? Đi tiếp, gặp một ki-ốt sách báo nên rẽ trái, trước mặt đã là vườn hoa nhỏ. Hinh liền rẽ trái, đi một đoạn qua các cửa hàng bách hóa đã thấy vườn hoa Mùa Xuân. Kẻ hành đạo không chần chừ đắn đo, đi tới giữa vườn hoa, lòng như ngây ngất hơi men, một nửa muốn bay lên, một nửa muốn trì xuống. Mắt Hinh hoa lên, đâu Thiên Thần, đâu Địa Thánh, không biết con đang đứng giữa Địa đàng hay mặt đất. 


Rồi anh chợt tỉnh lại ... "Tìm cái này" là tìm cái gì, anh không hiểu nhưng không dám nghi ngờ lời vàng ngọc của đấng Tiên tri. Vườn hoa nằm cạnh đại lộ, lúc này đang vắng hoe, chỉ có mấy ông già tập thể dục muộn, dăm chàng thanh niên đá bóng và một tốp học sinh cấp ba sắp đi qua. Bây giờ anh phải khom người xuống, đi chậm từng bước một, mắt nhìn xuống mặt đất ... Hinh vừa cúi lom khom chăm chú tìm kiếm vừa lẩm nhẩm đọc. Anh như bị thôi miên, không biết mình đang tìm cái gì, nhưng anh cứ trung thành với lời chỉ giáo, người cúi lom khom, mắt dán xuống đất và từng bước một chậm rãi.


Những người qua đường lấy làm lạ ...


Bắt đầu là một nhóm học sinh cấp ba, mấy đứa con trai vốn hiếu kỳ, đi đến và tự hỏi, không biết ông kia tìm cái gì nhỉ ? Chúng không thể tự giải đáp được. 

- Anh ơi, anh tìm cái gì đấy ?


Hinh mải mê không hề nhìn lên, chỉ buột miệng trả lời:

- Tìm cái này.


Đối với chúng, câu trả lời ấy, làm ngứa ngáy chân tay. Nhất định cha này mất nhẫn, dây chuyền hay hạt xoàn gì đó thôi, chúng mình mà vớ được thì hay lắm.


Thế là cả bọn, cặp sách dồn lại một đống, nhảy vào cuộc tìm kiếm. Khi cả một đám người bò ra sục sạo tìm kiếm thì sự lạ tăng lên hàng chục lần. Người đi qua vườn hoa không bao giờ hết, dân lang thang thất nghiệp, dân nhà quê bỏ ra thành phố kiếm cơm, đang đói rách hy vọng vớ được một chút may mắn, những người này đi đến và không thể không hỏi :

- Tìm cái gì đấy ?


Lần này thì tụi trẻ con đã mau miệng trả lời :

- Tìm cái này.


Câu này đối với người lớn làm ngứa ngáy đầu óc. Thế là họ bỏ cả gồng gánh, xe cộ, nhảy vào quảng trường. Hỏi tiếp đến ...


Bây giờ là dân xích lô, ba gác, dân ăn xin, trẻ mồ côi bán báo, dăm cô điếm, đám bụi đời móc túi nghe tin cũng tìm đến.

- Tìm cái gì đấy?

- Tìm cái này.

- Mả mẹ chúng nó, giấu như mèo giấu cứt. Nhất định là hạt xoàn, ru bi, có lẽ tối qua, tụi đào đá đỏ qua đây đánh nhau đổ ra bì đá đỏ không chừng. Mẹ chúng nó, ông mà biết trước, ông rào lại, ông đuổi tất. Ê, ông kia được một viên rồi hả, bắt nộp phạt chúng mày ...


Cứ thế ...


Và số người hy vọng có một chút no ấm bò lê trên vườn hoa để tìm vật báu, đến lúc này đã đông như một đàn kiến.


Hinh chợt nhận ra tiếng ồn của đám đông và anh ngạc nhiên đứng lên nhìn họ, hóa ra thiên hạ đã bu lại xung quanh mình. Một lúc sau anh sẽ có được thiên hạ ... Hinh sung sướng đến rơm rớm nước mắt và mãn nguyện ra về. Cái đám đông ấy cứ như dòng nước trong lòng sông, trôi đi chứ không cạn. Người đến trước, thất vọng ra về trước, người đến sau, thất vọng ra về sau. "Tìm cái này" là cái gì thì không ai biết nhưng cứ hy vọng có chút no ấm mờ mờ phía trước cũng đã hấp dẫn để họ trở thành một dòng nước.


Trưa.

Rồi chiều.

Và ... vẫn còn đám đông xúm xít giữa vườn hoa Mùa Xuân.

 

Trần Huy Quang - Báo Văn Nghệ ngày 4-7-1992.

xxxx

 

Nhà báo Bùi Tín viết về truyện ngắn Linh nghiệm và nhà văn Trần Huy Quang:
Câu chuyện «người dám vuốt râu Ông Cụ»

26/05/2012


Lăng Hồ Chí Minh tại Hà Nội

Lăng Hồ Chí Minh tại Hà Nội

 

Ông Hồ Chí Minh sinh ra đã được tròn 122 năm, ngày 19 tháng 5 năm 1890.

Vừa rồi một blogger trẻ ở Sài Gòn gửi «meo» cho tôi hỏi rằng tôi đánh giá về ông Hồ ra sao? Rằng năm nay, gần đến ngày 19 tháng 5, ông tuyên giáo thành ủy Sài Gòn vẫn còn kêu gọi thanh niên học tập đạo đức Hồ Chí Minh, nghe sao lạc lõng quá.

Tôi liền nghĩ đến câu chuyện cách đây đúng 20 năm, về một bài báo tôi còn nhớ mãi, coi là một tuyệt tác của nền văn học – thông tin báo chí thời hiện đại. Đó là bài báo xuất hiện trên tuần báo Văn nghệ, cơ quan của Hội Nhà Văn Việt Nam, số 27, ra ngày 4 tháng 7 năm 1992. Số báo này được nghiêm lệnh «tuyệt mật» của Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương đảng CS hồi đó «triệt để thu hồi» ngày 8 tháng 7, sau khi ra được 4 ngày.

Các bạn trẻ ngày nay chắc chưa biết gì về hiện tượng văn hóa - chính trị lý thú này.

Đó là bài Linh Nghiệm, rất ngắn, chỉ chừng 2 ngàn chữ, hơn một trang báo khổ nhỏ. Bài báo nói về một con người, về tham vọng và “học thuyết” của con người ấy, về quần chúng bị con người ấy mê hoặc, và về sự kết thúc là công toi, là trắng tay, nhưng vẫn còn nhiều người bị cám dỗ đi theo hoài. Tác giả là nhà văn Trần Huy Quang, trong tòa soạn báo Văn nghệ, lúc ấy ở tuổi 49, tuổi vận hạn. Anh bị đuổi khỏi báo, bị treo bút 3 năm. Nhà văn Hữu Thỉnh, chủ bút báo bị khiển trách.

Bài báo vừa kín đáo như đánh đố bạn đọc, vừa gợi mở, với giọng điệu diễu cợt hóm hỉnh, lại vừa nghiêm trang triết lý, nói về cuộc đời của một anh thanh niên gốc nông dân lại không muốn tu tỉnh học hành. Anh ta chỉ muốn xuất dương tìm một nguồn học thuyết thần bí để tiến thân thành lãnh tụ. Do thủ thuật tinh ma, anh ta mê hoặc và lôi kéo vô vàn con người, lũ lượt theo chân mình để đi tìm “cái ấy”, nhưng không bao giờ tìm thấy Vườn hoa Mùa Xuân – Thiên đường trên trái đất.

Anh ta là ai vậy?

Ngay chữ đầu tiên của bài báo đã nêu rõ tên anh ta, vậy mà rất ít người nhận ra. Nhà văn Trần Huy Quang thật khôn khéo, có thể nói vui là tinh ranh. H…INH là tên. H rồi 3 chấm, rồi INH, ai cũng đọc là Hinh, nhưng không phải, đó là tên “Hồ Chí Minh» được cô gọn lại. Kín mà hở, hở mà vẫn kín, vì thời trẻ ông Hồ mang tên Nguyễn Sinh Coong, rồi Nguyễn Tất Thành. Chả thế mà qua mắt được 2 người duyệt, có chữ ký duyệt của thủ trưởng ban biên tập và của thư ký tòa soạn trước khi đưa in. Không ai nghĩ H…INH là Hồ Chí Minh cả. Và lọt lưới suốt 4 ngày, rồi cả Ban Tư tưởng - Văn hóa mới giật bắn mình, thốt lên: Thằng này láo quá, dám vuốt râu cụ Hồ, tội đáng chết, đáng xử trảm. Nhưng chậm quá rồi. Lệnh thu hồi, phá hủy không mấy có hiệu quả. Không thể ra lệnh công khai, càng kích thích tò mò và gây chú ý, sẽ bất lợi to. Cho nên quả sơ xuất này cay, cay hơn ớt chỉ thiên.

Ngày 19-5 năm nay, nhân dịp trong nước Ban Tuyên huấn của đảng CS lại kêu gọi thanh niên học tập đạo đức Hồ Chí Minh tôi xin có vài lời nhắc đến bài báo Linh nghiệm vừa đúng 20 năm trước,để các bạn trẻ biết.

Từ những năm 1980 Trần Huy Quang đã có những phóng sự Ông Vua Lốp, Lời khai của bị can, Người làm chứng, Chiếc áo màu lửa rất được chú ý, vì luôn bênh vực những người bị cường quyền áp bức..

Được biết sau Linh nghiệm anh được bạn bè gọi yêu là «Người dám vuốt râu Ông Cụ”.

Nguồn: VOA


xxxx

Lời Khai Của Bị Can – phóng sự


Tôi bán rau cần được bảy đồng. Để cho vợ tôi ba đồng, tôi cầm bốn đồng, vừa đủ tiền mua một cái vé xe đi Hà Nội. Biết rằng ba đồng vợ tôi với một đứa con chỉ sống được một tuần, trong khi nhà không còn gì. Nhưng cô ấy là người tháo vát có thể sống tạm. Còn bây giờ mọi thứ đang ở phía trước: cơm ăn, hy vọng và tuyệt vọng. Đất kinh kỳ, tôi không quen ai, không nghề không tiền. Biết thế mà tôi đâu có sợ.

Tôi cứ lang thang từ phố này đến phố khác, tôi không sợ lạc, bởi vì chưa có định hướng, cứ đi, đến đâu thì đến. Thoả thích ngắm xem các cửa hàng, cửa hiệu. Hàng cắt tóc. Hàng gò hàn. Hàng phở. Hiệu thuốc lào. Hàng hương. Đồ điện. Cứ đi và nhìn ngắm, thèm khát. Khi thích thì đứng lại hàng tiếng. Đến chợ Hàng Da. Có năm bảy cửa hiệu làm dép lốp. Mới hoà bình, sau kháng chiến chống Pháp, dép lốp Bình Trị Thiên đang thịnh. Ngày bé, tôi cũng đã mấy năm làm dép thuê ở Thanh Hoá. Tôi ngồi lại ngắm cảnh thợ bóc lốp. Mỗi hiệu, một anh thợ hoặc hai, bóc lốp, cắt đế, đóng quai. Chủ, khi có khách, mới ra bán, bán lẻ hoặc bán buôn. Các bà chủ khoảng độ ba mươi, bốn mươi, đầu còn chít khăn nhiễu, áo dài gấm, sang mà lạnh lùng. Có hiệu thật sang, quầy dép lốp bên ngoài, bên trong là xập gụ, tủ chứa, xa lông mặt đá: dưới cái màu ong ong của đèn dài, trông thâm nghiêm và sờ sợ. Có nhà giản dị hơn, bà chủ hiệu cũng chỉ áo cộc, búi tóc, guốc mộc.


Tôi nấn ná, rồi bắt chuyện một anh thợ. Anh thợ thật tài hoa, dao đưa mềm mại và đẹp như múa, lớp nào ra lớp ấy, bóng nhẵn. Cắt đế, dao đi ngọt lịm, liền mạch, gọt như gọt dưa. Tôi hỏi chuyện lung tung, nhưng mắt dán chặt vào lưỡi dao, phải nhớ như đóng đinh vào đầu cái đường dao anh thợ múa, để mai kia tôi có thể xin vào làm thuê cho một hiệu nào đó.


Có một người đàn ông, chắc là chủ hiệu, săm sói nhìn tôi, đứng một lúc, đi ra khỏi nhà, rồi về. Bàn tay vỗ vào tay tôi:

- Anh vào đây.


Tôi hơi hoảng.

- Vào đây uống nước. Anh ta nói, ánh mắt khuyến khích hơn.


Tôi muốn vào nhưng lại sờ sợ. Chủ nhà chỉ cỡ tuổi tôi. Cái vai, cái ngực, cái tay hơi thô. Là dân quê, dân ruộng hơn là người thị thành. Những chi tiết bề ngoài ấy làm cho tôi bớt ngại. Chủ và khách nói chuyện, chủ yếu là ông ta hỏi mà không trả lời. Tôi thật thà nói tình cảnh của tôi lúc này. Đã lâu mà anh ta vẫn chưa muốn chấm dứt câu chuyện. Và tôi, vì thế, cũng chưa phải đi và cũng không muốn đi. Cái nhìn của anh ta, khi hỏi chuyện, tôi biết đó là người có tình, có lòng thương người. Hết ấm nước anh ta đứng dậy, tôi cũng đành phải đứng dậy, đã đến lúc phải đi. Tôi định cất tiếng chào thì cái tay anh ta bất ngờ choàng lấy vai tôi:

- Nói thật, Anh ta nói khi thấy tôi ngơ ngác, bây giờ thì anh không đi đâu được đâu. Tối rồi. Ở đây ăn cơm với tôi, cơm gia đình. Tôi có cái gác xép bỏ không, anh cứ ngủ ở đấy. Mai đi xin việc rồi về đây ăn cơm, đừng ngại.

Tôi nhìn người chủ nhà mà không hiểu. Nhưng đó là thật.


Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy tôi như người chết đuối, mà anh ấy là người vớt lên. Tôi mãi mãi nhớ ơn anh ấy. Tôi đang ngần ngại, tuy cùng đường nhưng cũng còn biết tự trọng. Người chủ nhà hình như hiểu tôi nên cứ lôi tôi vào dùng cơm. Tôi ở nhà anh ấy mấy năm rồi mới mua được nhà. Đối với tôi, anh ấy lúc đầu là chủ, sau là bạn, bạn chí cốt từ bấy đến nay, ba chục năm. Nay anh ấy đã có cháu nội, cháu ngoại, hiện ở Sinh Từ.


Sáng hôm sau, chủ nhà giới thiệu mấy chỗ cho tôi có thể xin được việc và cũng lại dặn tôi như hôm qua, cứ về chỗ anh mà ăn cơm, đừng ngại, lúc khó khăn mới phải thế.


Tôi đến mấy chỗ do anh chủ nhà giới thiệu. Toàn những cửa hàng xuyềnh xoàng. Đến đâu tôi cũng ngại ngùng, e dè.

- Ông có thuê người làm không? Tôi hỏi.

- Có. Anh có biết làm không?
- Có.
- Làm thử coi.

Chủ nhà dẫn tôi vào sân sau, chỉ cho tôi đống lốp ô tô cũ. Tôi cầm lấy dao, lúc đầu thì hăng hái, sau lo sợ. Đã vã mồ hôi ra, nhưng cứ loay hoay mà không bóc nổi. Tôi rất nhớ cách thức bóc của các anh thợ mà tôi đã xem, nhưng vẫn chịu. Thì ra nhìn, nhớ mới chỉ là lý thuyết. Chủ nhà có người dễ tính thấy thế chỉ cười, bảo tôi đi, không thuê thợ chưa biết làm. Thế là nhà đầu tiên trượt. Nhà thứ hai, thứ ba, thứ tư, cũng trượt, họ không nhận, nhưng qua bốn nhà ấy là được bốn lần tập dượt, tôi rút được kinh nghiệm. Đến nhà thứ năm, tôi đã làm gần được, nhưng có điều trông rất nham nhở, xấu xí. Ông chủ giao việc đã đi đâu, còn bà chủ trông hàng, làm việc vặt, khi trông thấy đám cao su nham nhở, kêu lên trời, bảo đi ngay đi không thì ông ấy về bắt đền đấy! Tôi tái mét mặt vì xấu hổ và thất vọng.


Cũng trưa rồi, và đói, tôi không đi hỏi việc nữa, trở về ăn cơm chịu nhà anh chủ nhà. Thấy cái thần sắc tôi, có lẽ anh ấy đoán hiểu nên không đả động đến chuyện công việc. Ai ngờ con người dáng vẻ thô kệch mà tính tình lại tế nhị ra trò, cám ơn anh. Cơm xong, tôi lại đi ngay.


Qua các nhà buổi sáng, tôi không dám nhìn vào. Qua nhà thứ năm tôi còn thấy khổ sở hơn, vừa xấu hổ vừa sợ bắt đền. Tôi ngó lơ sang bên kia đường và bước thật nhanh. Thế mà chỉ mới được một đoạn đã có tiếng gọi: “Anh gì ơi, này…” lại gọi nữa, đích thị là tiếng bà chủ hồi sáng. Nhất định tôi không quay lại, như không nghe thấy. Bây giờ thì không có gì mà đền cho bà đâu, nhưng khoan cho ít lâu, khi tôi kiếm được việc, tôi sẽ đến và đền. Nhất định tôi không để ai phải nghĩ xấu về tôi.

- Này, anh thợ lốp, quay lại đã …


Lần này thì tôi không thể không quay lại vì chị ta đuổi gần đến.

- Nhà tôi thuê đấy, anh quay lại đi! Chị ta nói thêm. Vào đây.


Anh chồng thấy “tội phạm” chỉ vào đống lốp hỏng, bảo:

- Mấy cái hỏng bỏ đấy, làm cái khác. Có hỏng mới thành nghề được, ai giỏi ngay được đâu!


Tôi cố nén lắm mới khỏi để rơi mấy giọt nước mắt biết ơn. Một thời sao có nhiều người tốt đến thế, và vì có nhiều người tốt nên mới làm nên một thời tốt đẹp.


Tôi lành nghề làm dép lốp ở đó. Bây giờ chúng tôi vẫn đi lại với nhau rất thân tình, vẫn như những ngày hàn vi. Một ngày sống, mọi mối quan hệ với nhau đều thấm đẫm tình người, đâu dễ quên được? Sau này trong một lần vui chuyện, ông chủ nhận tôi vào làm hồi đó có nói khi anh về nghe vợ bảo “Cái anh chàng nhận là thợ mà không biết làm gì cả”. Anh bảo: “Hay nó giả vờ để thó cái gì rồi?” Vợ chồng cuống cuồng lên soài lại của nả. Mất cái bút “Pac ke” rồi, không còn ở túi áo vét nữa. Vợ chồng chạy bổ ra đường đuổi theo, nhưng không bắt được kẻ trộm. Trở vào, chính anh chợt nhớ ra cái bút bỏ trong ngăn kéo. Hối hận vì đã nghĩ xấu cho một người vô tội mà vợ chồng anh thuê tôi làm, sòng phẳng ra thì anh không thuê thợ như tôi.

Được sáu tháng tôi có một ít tiền, trả tiền cơm một nửa, một nửa chịu, tôi về quê. Làng đang vụ giáp hạt, đói lắm. Tôi biếu bà con nội ngoại không sót ai, người một đồng, người vài đồng, rồi dắt díu vợ con ra ờ nhờ cái gác xép ấy của Hàng Da.


Năm ấy là năm 1958.


Rồi đến lúc hết thời dép lốp, người ta chạy theo “pa sô”, “tông”, nhựa, gỗ, “adidas”. Nhựa thịnh hành nhất. Dép lốp thoái vị, nhựa lên ngôi. Hàng họ cứ ế dần và đến lúc phải bỏ nghề. Làm gì để sống? Một hôm thằng con tôi đi học về mếu máo: “Bố ơi, bố mua cho con cái bút khác chứ cái bút đang dùng vỡ cổ rồi, mực chảy nhòe nhoẹt cả tay”. Tôi đi khắp các cửa hàng mậu dịch quốc doanh không nơi nào có, hoặc có thì bán phân phối. Tôi đành phải bỏ ra sáu đồng mua cho cháu một cái “Trường Sơn” mà giá phân phối chỉ có ba đồng. Tôi căm ghét cái ba đồng ngoài giá mậu dịch ấy. Vì tôi yêu đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi hơn cả bản thân tôi, hơn cả cuộc đời tôi. Tờ giấy bạc vào tay tôi thì khó tuột ra, vì tay tôi nhiều chai, ráp, và dâm dấp mồ hôi.

Tôi cầm cái vật nhỏ nhoi mà phải mua đắt thêm ba đồng kia, tháo tung ra. Nó là cái quái gì, chỉ có bảy bộ phận đơn giản, ba loại chất liệu mà chẳng phải trên trời cao hay dưới đất sâu, hay bên Tàu bên Tây nhập vào mới có, nó vương vãi đầy ngõ chợ. Mình không làm được chẳng qua là mình chưa chịu làm. Ý nghĩ đó tự nhiên kích thích tôi, làm tôi quay cuồng, người ngợm ngứa ngáy giống như tôi vừa nhiễm phải một chất kích thích nào đó. Ngay buổi trưa, tôi tuyên bố cho cả nhà biết là kể từ chiều nay tôi sẽ không làm bất cứ một việc gì khác, mẹ con chúng bay tự xoay xở lấy công việc, được đồng nào ăn đồng nấy. Còn tao làm gì mặc tao, cấm đứa nào hỏi. Cả nhà lo lắng đến nỗi có đứa làm rơi cả bát cơm. Nhưng thây kệ, “quyết nghị” đã ban bố rồi, không được thay đổi.


Và chiều hôm đó tôi đã đạp xe lượn khắp xó xỉnh các khu lao động, thấy các đồ nhựa hỏng vứt lay lắt không thiếu. Ngày ấy chưa ai mua đến cái mà ngày nay người ta giành giựt nhau gọi là nhựa phế phẩm, nên chưa ai đi gom nhặt. Đó là nguyên liệu, xong một khâu. Khuôn mẫu đặt thợ cơ khí là xong ngay, không bàn gì nhiều. Các chi tiết kim loại đi gia công cũng đơn giản. Cái khó là sản xuất thử. Pha chế nhựa rất khó. Phải qua hàng trăm công thức. Cái thì mềm, cái thì giòn. Cuối cùng cầm trong tay cái bút hoàn chỉnh do mình làm ra thật sung sướng như mình chết rồi được sống lại. Cả đêm không ngủ được. Sáng cầm đơn và tá bút máy lên phòng thủ công nghiệp quận xin đăng ký sản xuất. Sáng hôm ấy không hiểu sao, đi đứng như trên mây trên gió, hai lần suýt ô tô cán, ba lần định đâm vào xe người khác. Phòng thủ công vắng ngắt, những cái khoá nằm lù lù, to như cục gạch, nó cứ im ỉm, lạnh lùng trước mặt tôi đến gần hai tiếng đồng hồ mới có người tra chìa khoá cho nó. Hoá ra bây giờ mới đến giờ làm việc, lúc tôi ra đi có lẽ chưa đến năm giờ.


Tôi được mời vào phòng. Và nghe tôi đề đạt nguyện vọng, ai cũng tròn mắt ngạc nhiên, có chị há hốc mồm nhìn tôi từ đầu chí chân xem có là người bình thường hay không. Vâng, tôi rất bình thường, chỉ có điều tôi muốn được phép sản xuất bút nghiêm chỉnh. Mười hai cái bút đem theo, tôi xin được trình làng. Chúng cùng một lúc được bơm mực và thi nhau chạy trên mười hai tờ giấy. Xong việc viết thử đến phần giải phẫu. Phần này hơi lâu nhưng rồi cũng xong. Kết luận đầu tiên bằng miệng nhưng cũng đáng mừng: Bút máy kiểu “Trường Sơn” của ông Nguyễn Văn Chẩn không “mác” đạt yêu cầu sử dụng.

- Tuy nhiên, để có kết luận chính thức, thì phải qua một thời gian sử dụng đã, ít nhất là ba tháng. Họ bảo tôi.

- Còn đăng ký sản xuất? Tôi hỏi.
- Để xem sản phẩm có dùng được không rồi mới nói đến đăng ký. Nhưng ông là cá thể hay hợp tác xã?
- Thủ công gia đình.
- Tức là cá thể. Nói trước để ông khỏi phải chờ: chưa có lệnh cấp đăng ký kinh doanh cho cá thể.


Thế là sự lao tâm khổ trí gần một năm trời ném xuống sông. Thôi đành cứ chờ đợi… Cũng may, sau khi dùng thử thấy được, người ta cho đăng ký sản xuất. Đang làm ăn được, mỗi ngày ra hai trăm chiếc không đủ bán cho khách, thì bất ngờ các ông ở phòng tài chính quận Hoàn Kiếm đến khám nhà, kiểm tra đăng ký sản xuất. Tôi trình giấy tờ đủ, nhưng họ vẫn tịch thu toàn bộ công cụ, nguyện liệu, sản phẩm, thuê xe đưa về quận Hoàn Kiếm. Tôi khiếu nại, vì sao tôi ở quận Ba Đình mà Hoàn Kiếm lại bắt! Hoàn Kiếm thấy bí, bèn thương lượng với quận Ba Đình, nhưng Ba Đình, nghe đâu không làm. Thế là Hoàn Kiếm lại xe các thứ trả lại.


Sản xuất ra hàng hoá, bỏ sức lao động ra mà làm, kiếm việc cho con cháu làm, chứ đâu phải buôn lậu, tàng trữ của trộm cắp gì đâu, mà sao họ làm khó dễ đến như thế? Làm mà cũng khó, hình như không ai muốn cho mình làm. Sản xuất ra của cải, bằng các phế liệu rõ ràng ra đó, thế mà cũng gần như phạm tội.


Sau vụ phòng tài chính Hoàn Kiếm làm cái việc vô nguyên tắc ấy rồi, tôi tưởng sẽ được làm ăn yên ổn, được thảnh thơi mà nghiên cứu và cải tiến kỹ thuật để hàng hoá cho tốt. Ai ngờ đó chỉ là một khúc dạo đầu thôi, một cái đường viền. Sau này tôi còn phải trải qua những bận gian lao, tù tội gấp trăm ngàn lần như thế. Sau này tôi nghĩ lại mới thấy sợ. Những tai hoạ cứ liên tiếp, cứ dắt đẩy nhau, trước tiền đồ cho sau, tất cả như có thiên định.


Năm ấy là năm tuổi, tôi có hạn. Đầu năm tài chính Hoàn Kiếm khám nhà, thu mười trả hai, chả nghĩ đến đòi. Cuối năm Ba Đình lại khám nhà, bắt người. Tịch thu mô tơ, khuôn mẫu, mấy tạ dép đứt, mấy cân phu gia và hàng ngàn chi tiết bút. Vụ án được khởi tố. Toà án Hà nội xử 30 tháng tù vì tội tàng trữ, đầu cơ, sản xuất trái phép, vân vân …


Tôi chống án nhưng không được xử phúc phẩm. Ngồi “Hỏa Lò” mười tám tháng, ở trại Yên Bái mười hai tháng, thân tù tội cũng qua được ba mươi tháng. Nghĩ mà sợ. Tôi đâu phải là người phản nước hại dân, tôi chỉ làm ra của cải cho mọi người tiêu dùng một cách chính đáng. Ra tù, tôi vẫn ấm ức, thấy mình oan uổng. Tôi kêu oan, được Toà án tối cao xử phúc phẩm ngày 25-5-1972, án số 22 xử Nguyễn Văn Chẩn phạm tội đầu cơ. Phạt: cảnh cáo và nộp phạt một trăm đồng. Tôi thưa toà rằng như vậy tôi bị tù oan, hai năm rưỡi tôi chống án, tại sao toà không xét? Ông chánh án trả lời tôi giữa phiên toà là người ta quên. Như vậy tôi chỉ đáng cảnh cáo mà ngồi tù ba mươi tháng!


Tôi ra tù không có nghề nghiệp gì làm. Đào ngó sen bán, một thời. Làm thuê ở Công ty vệ sinh, mấy tháng. Nối săm xe đạp thuê ở Công ty xe đạp. Đành quay lại với nghề dép lốp, có cải tiến tí chút nên dép bán được. Lốp xe hơi cũ không còn dư dật và dễ kiếm như thời trước, cách đây trên chục năm. Có những chiếc lốp mòn vẹt, lớp cao su bong ra. Không ai mua, tôi mua về nghĩ cách dán lại. Dán thì phải có nhựa tốt, do vậy mà tôi ngẫu nhiên có một nghề mới: sản xuất nhựa vá săm. Lúc đầu thì làm nhựa để mà dán những cái đế dép bị bong như trên đã nói. Nhựa bình thường không ăn thua gì, đi vài tháng bong. Tôi cứ mầy mò pha chế nhiều cách, cuối cùng được một loại nhựa “cực kỳ”. Dán đế dép còn chắc thì vá săm xe đạp, xe máy có thể nói là vĩnh cửu. Sáng dậy, mở cửa ra đã thấy khách xếp hàng chai lọ đầy cả vỉa hè. Nhà tôi rót nhựa vào từng chai, khách trở lại lấy, tính tiền. Khách đông nghịt, khách ở tỉnh xa lấy từng can.


Sự thịnh vượng ấy kéo dài chỉ được hai năm. Đầu năm 1974, Công an Ba đình lại đến khám nhà bắt người. Hàng họ, nhà cửa tan tác. Tôi bị giam ở quận công an. Một hôm có người đàn ông to béo, mặc áo va rơi vào phòng giam bảo tôi: “Tôi ở trên Bộ Nội vụ, tôi muốn gặp anh”. Người ta cho tôi ra và dẫn lên gác hai. Anh ta bảo: “Tôi đề nghị anh cho tôi biết công thức nhựa vá săm của anh”. Tôi đọc cho anh ta ghi. Tất nhiên, đó là công thức một loại nhựa bình thường, không phải là nhựa đặc biệt. Có lẽ vì thế mà số phận tôi không thay đổi.


Tôi đệ đơn khiếu nại lên Viện Kiểm sát tối cao và sau ba tháng giam thì được tha. Trong bản QUYẾT ĐỊNH THA, TẠM THA in ti pô, công an giao cho tôi, lúc đầu họ xoá chữ tha ở giữa. Tôi hỏi vì sao tôi chỉ được tạm tha, anh công an lại xóa tiếp chữ tạm cạnh đó, cuối cùng còn bản QUYẾT ĐỊNH (cách một quãng) THA. Bản quyết định tha đề ngày 30-3-1974, không có số, do ông Nguyễn Khắc Linh ký, mục Can tội để trống. Đáng lý phải ghi “Không có tội”, nhưng còn ba tháng tù. Nếu ghi tội gì cũng không được, vì tôi không có tội. Nên bỏ trống.


Năm mươi tuổi. Hai lần ngồi tù. Ra tù lần này, tôi không cảm thấy xấu hổ. Dạn dày rồi. Trải qua nhiều nhục nhã, bất công. Quen cả với sự khinh bỉ, hằn học của những người có quyền. Và cũng đủ tỉnh táo để nhìn nhận nhân tình thế thái, cũng sẵn sàng để đón nhận những bất công mới. Gần ba năm tù mà vô tội! Oan uổng ấy qua rồi, nhưng may con người, còn sống và sống thì còn phải làm ăn. Cái đau của nỗi oan lâu cũng qua; nhưng có những định kiến, ác cảm với những người có của không ai cho qua, mà cứ tăng dần. Tôi nói sẵn sàng chờ đến những bất công mới, không ngoa đâu. Một thời chúng ta rất căm ghét những người giàu, dù họ giàu có bằng lao động thật sự. Làm ăn phát đạt, nhưng chỉ được phát đạt đến một giới hạn nào đó thôi, quả là sinh sự. Giàu thì phải có giới hạn, một giới hạn nghiêm ngặt, nhưng nghèo khổ thì không có giới hạn, được phép xuống tận cùng. Ai đâu có biết rằng dân nghèo thì làm sao nước mạnh được?


Lần bắt giam thứ hai đơn giản lắm: thằng Chẩn làm lăn trúng thế này chắc phải có gian lận. Và tống giam nó thì không khó, nó là phần tử có tiền án tiền sự, dù bị oan đấy, nhưng hồ sơ vẫn “đã hai lần vào tù, có tiền án, tiền sự”.


Sau hai lần tù oan, tôi định không làm gì nữa. Mở hàng nước, “đổi” tem phiếu hoặc “chỉ trỏ” nhì nhằng. Hoặc rong chơi. Ở đời rong chơi ăn bám là kẻ giá áo, túi cơm lại thường được coi là thanh liêm, trong sạch. Còn làm ăn cật lực, ngày mười lăm, mười sáu tiếng lại bị phê là làm giàu, kẻ ghen ăn ghét ở vu oan, lại trở thành người có tội. Tôi vốn keo kiệt, tham lam, con mượn cái xe đạp cũng hẹn giờ: kỹ thuật không hở cho một ai, kể cả con cái, bỏ đồng tiền ra khỏi hầu bao cảm thấy mệt nhọc và khổ sở lắm. Nhưng đó không phải là yếu tố cấu thành tội phạm.


Một hôm tôi gặp lại người bạn cũ chữa xe đạp ở phố Nguyễn Thái Học. Chúng tôi nói chuyện làm ăn, ông ta khuyên tôi nên đi chữa xe đạp. Tôi thấy được và mua ngay cái khuôn hấp lốp chín. Đến lúc ấy mới biết mình mua phải khuôn tiết diện bé, rất khó làm. Tôi nghĩ mãi mới tìm ra cách lót thêm một vòng đậm. Không ngờ được cái khuôn vạn năng. Hấp và vá lốp được, thì có lẽ làm hẳn một chiếc lốp mới cũng được. Nhựa dán của tôi tuyệt vời. Nhựa sống ở bãi thải của các Nhà máy cao su rất nhiều. Còn tanh và vải.


Tôi xin nói lại: Tôi làm nghề cao su từ hồi còn nhỏ, từng mổ xẻ nhiều loại lốp ô tô, cấu tạo nó như thế nào tôi biết. Và đó là sự gợi ý có tính chất quyết định nhất: tanh và mành bóc từ lốp ô tô. Nhưng khi làm phải hỏng tới vài chục chiếc lốp mới tìm ra được cách bóc thành từng tấm mảnh như bây giờ ta thấy. Chiếc đầu tiên tôi để mép gấp ra bên ngoài, vì như thế dễ làm. Chiếc lốp ấy ra đời cũng đẹp lắm, tôi nhờ một ông xích lô lắp vào đi hộ. Bơm thật căng. Không ngờ ông ấy đi được đến Kiêm Liên thì mành bật ra, tanh ra tanh, lốp ra lốp, ông xích lô cầm một nhúm, ném toẹt vào nhà. Tôi không buồn, ngược lại, rất vui nữa là đằng khác. Vì tôi biết nó hỏng cái gì! Như vậy gấp mép ra không được mà phải gấp vào, đúng là phải gấp vào.


Làm ra chiếc lốp không khó, nhưng đạt đến độ bền như lốp “Quyết Thắng” của tôi thời tám mươi, tám mốt đó thì tôi phải qua năm năm tìm kiếm pha chế. Cái nhà mười mét vuông ở phố Nguyễn Thái Học chật quá, năm bảy lăm tôi mua một mảnh đất trong làng Ngọc Hà, năm bảy sáu xin giấy phép, năm bảy bảy làm một ngôi nhà bốn gian, lợp ngói, tường con kiến. Ở đây pha chế tìm kiếm thật yên tĩnh.


Năm tám mốt, tám hai, tám ba, những năm lốp tôi bán rất chạy, khách cứ đùa tôi là “vua lốp”. Mỗi năm xuất hai ngàn đôi cho nhà nước.


Sau khi được tặng huy chương đồng tại triển lãm Giảng Võ, báo chí động viên. Tiếng tăm, theo sau nó là tai hoạ, chữ tài liền với chữ tai. Giữa năm tám ba, tai hoạ ập xuống. Lại khám nhà. Lại niêm phong. Tôi bị bắt phải thao diễn kỹ thuật trong ba ngày trước hàng chục quan sát viên trong nghề. Không đưa ra bí quyết nghề nghiệp thì lốp không được như lốp đã bán, người ta kết tội là không phải dùng phế liệu mà dùng cao su chính phẩm, vật tư Nhà nước quản lý, để sản xuất. Sẽ rũ tù. Muốn khỏi tội thì phải tung bí quyết nghề nghiệp ra. Tôi chọn cách thứ hai và cũng là cách trung thực nhất. Thế là những bí quyết phải tung ra giữa bàn dân thiên hạ, và ai đã lợi dụng dịp này để móc kỹ thuật, tôi biết cả.


Ngày 8-7-1983, lục soát kê biên tài sản. Ngày 25-7-1983 khởi tố vụ án và bắt giam Chẩn. Ngày 27-8-1983 xử lý hành chính đặc biệt thu nhà, tài sản, công cụ, nguyên liệu, bằng một quyết định ông Nguyễn Đông ký sẵn. Vợ chồng con cái tôi tay không ra khỏi nhà. Tôi có tội xin được trừng trị bằng pháp luật. Nhưng một cô dân dù có tội gì thì họ cũng có thể chịu nổi hai hình phạt thi hành cùng một lúc được. Treo cổ thì thôi chém đầu, chứ chém đầu thì không còn cổ để treo.


Tôi lại không mệt mỏi gửi đơn khiếu nại đến nhiều cơ quan pháp luật và chính quyền. Tôi được phúc tra và xem xét lại. Viện Kiểm sát tối cao yêu cầu Hà Nội ra quyết định đình chỉ điều tra Nguyễn Văn Chẩn. Nhưng cơ sở Công an Hà Nội ra quyết định miễn tố. Miễn tố là có tội nhưng miễn cho. Ai cũng biết chỉ có Viện Kiểm sát mới có quyền ra quyết định miễn tố hay chỉ điều tra. Nhưng Sở Công an cứ ra. Tại sao lại làm thế, chả nhẽ Sở Công an Hà Nội không biết luật định tổ chức? Có lẽ Sở Công an mới trả lời được. Cuối cùng Viện Kiểm sát tối cao phải ra quyết định hủy bỏ quyết định miễn tố của Sở Công an Hà Nội và ra quyết định đình chỉ điều tra, thừa nhận tôi vô tội và yêu cầu Hà Nội trả lại tài sản để tôi sản xuất. Thế nhưng bên dưới vẫn “im lặng một cách đáng sợ”.


Rồi tôi nhận được thư trả lời của ông Phương Minh Nam đề ngày 16-12-1986 nói rằng việc Hà Nội thu nhà của ông bà là đúng đắn và từ nay không có cơ quan nào giải quyết đơn khiếu tố của ông bà nữa. Lại một cái tên được ký tên và đóng dấu sẵn. Thế là tôi hết quyền khiếu tố, không biết như thế có đúng luật khiếu tố không?

Năm nay tôi lên sáu mươi, tuổi Dần. Bính Dần. Bính biến vi tù, tử vi nói vậy. Nhà tôi ngoài cái bàn thờ tổ tiên có thêm một bàn thờ nữa để thờ Công lý và Pháp luật. Mồng một, ngày rằm tháng nào tôi cũng cúng: Lạy Thánh, lạy Thần, xin Thánh thần phù hộ độ trì cho các ông quận, ông thành, ông công an, tài chính khỏa mạnh, sáng láng để làm việc cho đúng pháp luật, đừng bắt oan người dân vô tội; xin pháp luật soi sáng mọi nhà, trừng trị kẻ nhân danh cái thiện mà làm cái ác. Tôi tuy tính có keo kiệt, cầm đồng tiền đổ mồ hôi tay nhưng cũng là người lao động cật lực. Nghĩ lại đời tôi nhiều gian truân quá, có lẽ do tôi ương ngạnh. Có người khuyên tôi “chạy”, nhưng tôi không, cương quyết không, tôi không sai, việc gì phải “chạy”. Vừa tin ở Công lý, cũng vừa tiết tiền, cả hai đều có trong tôi, mỗi bên một nửa. Có một bà quen biết, vừa được Z.30 trả nhà, mắng tôi mà tôi thấy không giận được: “Phải chi bác phải hơn em, bác sản xuất, em buôn bán, bác nhà nhỏ, em nhà to, nhưng bác là người keo kiệt (bác đừng giận); bác cậy bác phải, bác đi đằng trước, em hơi trái em biết cái thân em phải lụy đường nào …”


Tôi đang là bị can của một vụ án, vụ Z.30. Đây là lời khai của bị can. Hôm nay bị can mới được nói về số phận của “cái kiến”. Ai cho phép “cái kiến” quyền được nói? Tôi xin quỳ xuống đất và xin được vái hai cái: một cho đồng chí N.V.L. và một cho báo chí…

———————————

Trần Huy Quang

(trích tập truyện ký Lời Khai của Bị Can)

Nguồn: Facebook của nhà báo Võ Văn Tạo

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...