Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

Giỗ Hậu - Trần Thanh Cảnh

 Top 20 loại hoa chơi Tết 2023 đẹp ý nghĩa thu hút tài lộc bạn nên mua

  

Năm Giáp Thân, tháng sáu, 1884.

 Nước sông Thiên Đức lên sớm hơn mọi năm.

 Cả Làng Ngọc nháo nhác như ong vỡ tổ. Tiếng trống ngũ liên thúc ầm ầm, dân làng chạy ra cánh bãi ven sông cố thu hoạch chút hoa màu đang bị hà bá rình cướp trắng. Nước lên rất nhanh, dòng nước đục ngầu, đỏ bầm, sủi bọt như mang theo hung khí của thần sông gào réo tràn vào cánh bãi mới đây còn mướt mát đỗ vừng cùng với khoai rau. Làng ít ruộng cấy lúa, nhưng có cánh đồng bãi ven sông khá rộng, cách một con đê. Hàng năm, nước sông dâng cao tràn lút bãi thành một bể nước mênh mông từ bờ đê bên này đến bờ đê bên kia, tít tắp. Những trận lụt của dòng sông Thiên Đức hệt như tay sai của quân ác, chỉ rình rập dân lành để ra tay cướp bóc. Thông thường, vào khoảng cuối tháng sáu hoặc đầu tháng bảy âm lịch là nước sông dâng cao. Qua rằm tháng bảy thì hầu như không còn nước ngập bãi nữa. Lúc đó nước chỉ lấp xấp bờ vở. Các cụ trên đã truyền lại là sau rằm con nước trở mã, không to như lũ chính. Nhưng cũng có năm, nước lụt tràn về ngay từ cuối tháng năm, đầu tháng sáu, làm cho dân hai bên bờ sông một phen khốn khổ chạy đua cùng con nước đang lừ lừ dâng cao từng phút, cố gom nhặt vớt vát chút ngô đỗ non choẹt lên bờ đê. Rồi vợ chồng con cái cả nhà phờ phạc ngồi nhìn đống hoa màu chưa đến kỳ thu hoạch, nhìn xuống dòng nước đang cuồn cuộn mà thắt lòng nghĩ đến tháng tám đói kém sắp kề bên.

<!>

 Nhưng con nước lụt hàng năm ấy không chỉ có phá.

 Khi nước rút đi, để lại một cánh bãi phẳng phiu mỡ màng của màu phù sa non. Cả cánh đồng rộng ven sông nục nạc ngon lành như đĩa giò lụa ngày tết. Dân làng chỉ việc đi be bờ, gieo lúa xuống là lên nhanh như thổi, hoặc là đợi thêm vài ngày cho đất phù sa ráo nước, tra ngô đông xuống. Cây ngô gặp đất phù sa mới vươn lớn từng ngày, thân to như cổ chân trẻ lên ba, lá xanh đen. Bắp ngô thì nở nang như bụng chân của trai lực điền. Cả nhà hân hoan chặt cây, tẽ bắp trong niềm vui no đủ thơm ngọt mùi ngô luộc, ngô nướng, ngô rang.

 Đấy là chuyện của những nhà có chút ruộng bên bãi sông. Còn ông Lư, chả có một tấc cắm dùi. Nước lên, ông lại thấy vui. Ông mặc kệ cả làng nháo nhào chồng quát vợ mẹ hét con chạy lụt, ông vác nơm đi úp cá. Nước tràn vào bãi, những con cá chép, cá trôi, cá ngạnh, cá nheo từng đàn theo vào kiếm ăn, vật đẻ bên những bụi cỏ. Ông Lư mải miết rình úp đàn cá say mồi say tình đang vật vã quần nát đám cỏ. Cái giỏ đại ông để trên bè chuối kéo theo mình đã gần đầy. Trời cũng sắp tối, nước tràn mênh mông khắp bãi, không còn nơm được nữa. Ông đang định đẩy bè bơi về chân đê thì bỗng từ phía trên, một cái bè chuối bị dòng nước đẩy dạt vào cánh bãi. Cái bè chuối trôi ngay vào cạnh bè của ông Lư đang cắm ở chỗ trước đây vốn là một bờ vùng đắp cao. Ông bỗng giật nảy mình khi nhìn thấy trên bè là một người đàn bà trẻ.

 

***

 Ông Lư là người tứ cố vô thân trong làng.

 Xuất thân, không phải ông đã thế. Ông vốn là con nhà cũng có máu mặt, thuộc họ Vương, một họ lớn trong làng. Bố ông là cụ đồ có tiếng. Nhưng ông khác tính với các anh chị em trong nhà, ông chả thích ngồi ê a quan quan thư cưu… và vẽ mấy cái chữ vuông như hòm. Ông nhất định không theo đòi bút nghiên. Cụ đồ Quảng, cha của ông ép buộc đòn roi mãi không được cũng chán bèn lấy vợ sớm cho ông, năm mười lăm tuổi. Rồi gây dựng cho một cơ ngơi kha khá. Kể với thiên hạ thì không biết, chứ so trong làng thì gia sản mà vợ chồng ông Lư được bố mẹ cho cũng khá. Ba gian nhà gỗ, một sào vườn, ba sào ruộng lúa nhất đẳng điền và thêm hai sào đất bãi trồng màu. Vợ chồng ông Lư cùng đứa con gái nhỏ cứ chí thú, chồng cày vợ cấy thì cuộc sống dù không phong lưu hơn ai nhưng chắc là cũng mát mặt. Có điều là, ông Lư cũng như đa số đám đàn ông con trai trong làng có máu mê cờ bạc. Cái môn mà ông mê nhất lại là xóc đĩa. Ở làng người ta đã bảo, con trâu mộng to như thế, nhưng cái cánh đổ bác cho được vào trong cái bát với cái đĩa bé tẹo, lắc một cái là biến mất ngay, thế mới tài. Ông Lư tài trai làng Ngọc hơn cả. Ông la đà với đám bạc từ lúc tóc còn để chỏm. Được bố cưới cho cô vợ là gái làng Ao Xá, xinh xắn lại đảm đang. Hơn nữa, lúc đó cụ đồ Quảng còn sống, còn có người đe nẹt bảo ban riết róng chuyện làm ăn nên, ông Lư cũng không dám đam mê quá. Năm ông ngoài ba mươi, đứa con gái khoảng mươi tuổi, thì cụ đồ Quảng mất. Thế là từ đấy, ông như con trâu đực sứt sẹo. Ông lăn lóc với đám cờ bạc xóc đĩa hết ngày dài lại đến đêm thâu. Không ai nói được. Vợ can thì ông đánh vợ. Anh em họ hàng nói thì ông chửi tất. Ông bảo anh em kiến giả nhất phận, thằng nào có thân thằng ấy lo. Nên cha vừa chết chưa giỗ đầu, mà ông đã chơi bạc hết cả nhà cửa, ruộng vườn. Hôm hội làng Ao Xá, ông sang chơi cháy túi chả còn gì. Tay trương tuần Cửu bên ấy, ngày xưa mê vợ ông mà không lấy được vì nhà nghèo, gạ ông chơi một tiếng chót gán vợ. Thế mà ông Lư lại thua. Vợ ông nghe tin, uất, không chịu nổi, chạy một mạch ra bờ sông nhảy luôn xuống. Nhưng con gái làng Ao Xá, cũng gần sông Thiên Đức, năm nào chả lũ lụt nên bơi giỏi. Phàm những người đã biết bơi thì nhảy xuống nước không chìm. Trương tuần Cửu nghe tin, cứ chạy dọc bờ sông gọi vợ ông Lư vào không được, bèn nhảy xuống bơi ra. Chả biết hai người ấy sống chết thế nào nhưng không thấy về làng nữa. Sau này, có người đi buôn nước mắm dưới mạn Hải Đông về nói, thấy có đôi vợ chồng thuyền chài giống với trương tuần Cửu và vợ cũ ông Lư, nhưng hỏi thì không nhận, chả biết thực hư ra sao. Ông Lư thua hết sạch cả sản nghiệp.Vợ nhảy xuống sông. Cõng đứa con gái, khoác tay nải ra bến đò Bình, định bố con đưa nhau lên mạn ngược kiếm ăn. Đến đấy gặp một ông người Mán gạ, bèn bán đứa con gái mười một tuổi lấy năm quan tiền. Uống rượu say sưa ngoài bến hết một quan tiền rồi về làng định tá túc tạm nhà anh em. Nhưng cả làng cả họ không ai chứa. Họ nói gán vợ đánh bạc, bán con uống rượu thì không còn là giống người rồi. Lư tức quá chửi vung lên, từ nay tao chả họ hàng anh em gì với đứa nào trong làng. Lư ra sau chùa chỗ cánh đồng xóm Tây vẩy túp lều tá túc. Năm ấy Lư cũng mới chỉ khoảng băm nhăm băm bảy gì đó. Lư cứ sống ở đấy, ngày đi lang thang sang các làng bên cạnh làm thuê làm mướn hoặc là đi kiếm cá dưới sông, ngoài đồng. Tối về túp lều sau chùa uống rượu say rồi lăn ra ngủ.

 Trận lụt năm Giáp Thân, khi ông Lư vớt được người đàn bà hoang thai mạn trên trôi về thì ông cũng đã ngoài lục thập. Nhìn người đàn bà tóc bị cắt nham nhở, lại còn bị quét vôi ngang dọc nằm thoi thóp trên cái bè chuối, ông Lư biết ngay đây là người chửa hoang không có tiền phạt vạ bị làng đem trôi sông. Ở làng Ngọc quê ông không có lệ ấy. Nhưng nhiều làng các vùng khác có lệ, con gái chả may hoang thai không có người nhận, nhà lại nghèo không có tiền nộp cho làng phạt vạ, phải gọt trọc đầu, bôi vôi đem đóng bè thả sông. Làng Ngọc vốn dĩ huê tình. Đầu làng có giếng Ngọc. Đình làng thờ bà Cái lúc nào cũng kè kè bộ sinh thực khí. Hội làng năm nào cũng tháo khoán cả đêm thì có trôi sông cả làng. Ông Lư đem người đàn bà về túp lều của mình ở sau chùa làng đổ cháo cho hồi lại, rồi lấy lá thuốc nam trong vườn chùa hãm uống giải cảm.

 

***

 Chùa làng Ngọc nằm ở rìa bên cánh đồng xóm Tây.

 Dân làng Ngọc vốn không mộ đạo nên chùa làng cũng nghèo và nhỏ, không được bề thế như chùa Dâu của tổng Khương hay chùa Bút Tháp bên tổng Đình. Chùa làng thường chỉ có giới các cụ bà, tuổi khoảng ngoài năm mươi, đã sạch mình. Đêm đêm ra tụng kinh, thắp hương thờ Phật, cầu cho con cháu bình an và cho mình khi chết được lên cõi niết bàn. Trụ trì chùa là sư bà Đàm Chân đã già lắm rồi, người làng cũng chả ai biết sư bà bao nhiêu tuổi. Chỉ biết đã ở chùa rất lâu, từ lúc còn là tiểu lon xon quét dọn vườn. Chùa làng nhỏ, ba gian nhà xây vừa thờ Phật, vừa là nơi ở của sư. Thì kẻ tu hành, ăn ở cũng chả đáng là bao. Được cái vườn chùa khá rộng, phải cỡ ba mẫu, trong vườn trồng đủ các loại cây quả hoa trái. Sư cụ Đàm Chân chỉ cần thu hái lâm lộc cũng đủ sống tùng tiệm. Ở xế ngay đầu hồi chùa, giáp với sân là một cái ao sen nhỏ. Bờ ao trồng mấy cây sung, la thân ra mặt nước. Sung chín, quả rơi lõm bõm xuống, lũ cá chuối, cá chép tranh nhau đớp ăn. Mùa hạ, hoa sen nở thơm mát cả vườn chùa. Đàn bà con gái các xóm quanh đấy hay ra ao chùa, ngồi trên bậc tam cấp bằng gạch chỉ bó vỉa, dội nước ào ào những buổi trưa buổi tối.

 Gian lều của ông Lư nằm ép sau chùa. Khi ông Lư nhặt mấy cây tre khô và ôm ít rơm rạ, cất cái lều gá vào sau tường nhà chùa để ở thì lý trưởng làng sai tuần đinh ra phá, vì can tội dám tự tiện lạm chiếm đất làng. Nhưng sư bà Đàm Chân ra can, bảo ông ấy là kẻ cùng đường rồi, đừng có đẩy con người ta vào chỗ chết ông lý ạ, cứu một người phúc đẳng hà sa. Ông Lư ở yên ổn cạnh chùa, ngày đi lần mò cua cá, làm thuê làm mướn kiếm ăn. Tối chui vào lều ngủ, không thấy phá phách hay quấy nhiễu gì ai. Thỉnh thoảng, bên chùa có cây đổ hay có việc gì nặng sư bà không làm được, ông lại sang giúp. Tuần rằm mùng một, có phong oản hay quả chuối thắp hương Phật xong, sư bà lại đem cho. Cuộc sống của ông Lư cứ như thế trôi cho đến trận lụt to năm Giáp Thân, ông vớt được một người đàn bà đem về lều. Người đàn bà ấy khi tỉnh táo lại nói rõ nguồn cơn quê quán từ một vùng xa tít mạn trên, chỉ vì lụy tình mà sinh ra nông nỗi. Ông Lư năm ấy cũng đã ngoài sáu mươi. Mấy chục năm ở bên chùa, nghe kinh mõ sớm chiều, không có hơi đàn bà nên hầu như cũng đã tắt lửa lòng. Nhưng tự dưng thấy thương người đàn bà trẻ nhỡ nhàng. Dạo này, buổi tối ông hay sang ngồi ngoài sân chùa nghe các vãi già tụng kinh. Thỉnh thoảng lại sang ngồi uống trà nghe sư bà nói về công quả của đức Phật. Hình như ông cũng thấm được ít nhiều. Ông cho là Phật gửi người đến nên ông giữ người đàn bà đang mang thai lại nuôi nấng. Chả biết là hai người có ăn ở với nhau như vợ chồng không, nhưng ông Lư chăm người đàn bà chửa rất mực. Ông toàn nấu cháo cá chép sông dưỡng thai. Ông không cho thị đi làm gì, chỉ quanh quẩn sang chùa giúp quét tước sân thềm vườn tược. Mấy tháng sau, đến kỳ sinh nở, sư bà vào gọi bà mụ trong làng ra đỡ, sinh được một bé gái. Nhưng mẹ bị băng huyết nhiều quá, không cầm được, xỉu dần rồi chết trong đêm.

***

 Năm Hàn Xuân mười ba tuổi thì ông Lư cũng chết.

 Tên Hàn Xuân là do sư bà Đàm Chân đặt. Mẹ Hàn Xuân sinh nàng vào đúng tiết lập xuân năm ấy, giá cóng người. Khi mẹ nàng lâm bồn, ông Lư đã đốt một đống to củi gộc tre, cháy rừng rực cả một góc làng mà mẹ nàng vẫn run cầm cập. Sư bà về bên chùa thắp hương, rung chuông cầu đức Phật bà quan âm nghìn mắt nghìn tay phổ độ. Có lẽ mẹ nàng vắn số, chỉ được đến đấy nên cứ thiếp đi trong lạnh giá tiết xuân.

 Vì thế sư bà mới đặt tên cho nàng là Hàn Xuân, mùa xuân lạnh.

 Đứa bé gái đỏ hỏn nằm trong tấm áo bông tàu cũ của sư bà như chả cần biết đến tiết trời giá lạnh bên ngoài, cứ nằm mủm mỉm một nụ cười sau khi được một chị trong xóm đang nuôi con nhỏ chạy ra cho bú thép. Sư bà rồi cả làng, ai cũng bảo ông Lư đem đứa trẻ cho nhà nào có điều kiện nuôi nấng. Nhưng ông không nghe, ông bảo rằng đây là trời Phật đã đem nó lại cho ông thì ông phải nuôi nó… Một người đàn ông, tuổi ngoài lục thập, hàng ngày bế một đứa con gái nhỏ đi xin bú chực khắp làng. Rồi cháo búp, rồi cũng hát ru à ơi… cơ man nào là khổ cực. May là bên cạnh ông Lư có sư bà đỡ đần nên rồi cũng dần qua. Được cái con bé chắc là có Phật đỡ cho, nên nó hay ăn chóng lớn, chả đau ốm gì. Người làng cũng lấy làm lạ, trước họ bảo cái loại người đã từng bán vợ đợ con ấy thì làm sao nuôi nổi đứa trẻ đỏ hỏn, rồi lại giết nó mất thôi. Cả họ cả làng, rồi ông chánh ông lý đâu mà không bắt cái người ấy đem đứa trẻ cho nhà nào hiếm hoi trong làng làm con nuôi, cho khỏi khổ thân nó. Mà đấy cũng có phải là bố đẻ nó đâu, mẹ nó khi vớt dưới sông lên thì đã có mang nó rồi. Họ hàng nhà ông Lư không can thiệp, từ lâu, ông đã ra khỏi họ rồi. Anh em đã từ nhau mấy chục năm nay, có ai hỏi đến ai đâu. Dân làng cũng bận kiếm ăn, có nói vài ba câu, sáng mai ngủ dậy lại quên hết. Nhưng rồi nhãng đi mấy chốc, đã thấy đứa trẻ xinh như tiên đồng lon ton chạy chơi với sư bà ở sân chùa thì họ lại bảo, thật là kỳ tài. Đàn ông một mình đã khổ, thế mà nay lại nuôi được đứa trẻ lớn khôn. Thế rồi dân Làng Ngọc như quên hết chuyện xưa, lẳng lặng mỗi người một tí, cho bố con ông Lư cất được gian nhà trên căn lều cũ khi xưa.

 Cả làng này, chưa thấy ai chiều con gái như ông Lư. Con ông đòi gì thì cho dù nửa đêm gà gáy ông cũng vùng dậy đi kiếm cho bằng được. Những con cá con tôm to nhất ngon nhất kiếm được, ông đều để cho con gái ăn, không bán. Có khi vì thế mà con gái ông dài rộng hơn hẳn những đứa trẻ khác cùng lứa trong làng. Hàn Xuân lớn lên có tình thương của người cha và sự bao bọc của sư bà nên cũng không thấy thiếu thốn gì. Nhưng khi nàng đang như bông sen bắt đầu hé nở thì ông Lư mất.

 Đám tang ông Lư chỉ có một người đội khăn trắng đi sau quan tài là Hàn Xuân. Sư bà vào làng gọi các vãi ra đội cầu tụng kinh đưa bố Hàn Xuân về nơi yên nghỉ.

 Hàn Xuân khóc hết nước mắt. Mới đầu nàng còn gào được thành tiếng. Sau, nàng chỉ còn thì thào không ra hơi, giơ tay cào níu vào cái quan tài gỗ tạp được mấy người đàn ông trong làng, do sư bà Đàm Chân thuê, khiêng ra nghĩa địa.

 Sau đám tang ông Lư, sư bà đón Hàn Xuân sang ở bên chùa với mình.

 Hàn Xuân đang bước vào tuổi cập kê. Đêm nằm ngủ, Hàn Xuân vật vã khóc nhớ cha. Sư bà ngồi bên vuốt ve dỗ dành nàng. Bàn tay sư bà dịu dàng xoa lên tấm thân con gái bắt đầu dậy thì của Hàn Xuân. Những nét xuân thiếu nữ đã bắt đầu nở nang lớn bổng. Thân thể đẹp đẽ này không phải do người cha vừa mất sinh ra. Nhưng người ấy đã đắp nên bằng những con cá chép cá trôi sông Thiên Đức, bằng những con tôm con cua trên cánh đồng làng. Lan man nghĩ ngợi về thân phận Hàn Xuân trong đêm vắng, bỗng sư bà thấy chạnh lòng. Ai đã là người sinh ra nhục thể của mình? Sống ở chùa từ lúc mới đẻ ra, giờ đã là bao nhiêu năm trên cõi đời này, sư bà cũng không nhớ nữa. Cuộc sống tu hành từ bé hình như cũng đã diệt mọi ý nghĩ về cuộc sống trần tục. Nhưng nhiều lúc trong đêm khuya, sư bà day dứt tự hỏi ai là những người đã cùng nhau tạo nên nhục thể dương gian của mình mà, cả bao thời gian ấy, tịnh không có ai hỏi đến? Những lúc như thế, sư bà Đàm Chân cũng vật vã không ngủ được. Sư bà thường trở dậy thắp một nén hương rồi niệm tràng hạt trước ban tam bảo. Sư bà niệm lời của thầy mình rằng, ta là chúng sinh của Phật, mọi khổ ải trần thế chỉ là do người đặt ra để thử thách, xem có vững tâm về cõi niết bàn không mà thôi…

 

***

 Cả làng Ngọc cũng không ai biết sư bà Đàm Chân từ đâu đến.

 Một buổi sớm tinh mơ từ lâu rồi, khi sư thầy trụ trì chùa ra mở cổng thì thấy một hài nhi đỏ hỏn quấn trong cái váy đụp đã nằm đấy tự bao giờ. Sư thầy cho đây là căn duyên của mình nên giữ đứa bé lại nuôi. Sư thầy cũng như ông Lư nuôi Hàn Xuân, bế trẻ đi xin bú chực khắp làng. Đàn bà làng Ngọc hình như được ăn nước giếng thần đầu làng nên khi đẻ bà nào cũng nhiều sữa, bà nào cũng sẵn lòng chia bớt một bên ti cho những đứa trẻ chẳng may mất mẹ. Thế nhưng sư bà Đàm Chân được sư thầy nuôi dưỡng bằng thức ăn nhà chùa, nên khi lớn sư bà ở lại chùa tu hành kế nghiệp thầy mình như là chuyện tự nhiên. Hàn Xuân lại khác. Nàng được cha nuôi bằng cá thịt nhiều hơn cơm. Cá dưới sông Thiên Đức rất nhiều, cá ở dải đầm sen mênh mông kéo dài mãi mạn Lương Tài cũng rất nhiều. Mà ông Lư, cha nàng rất sát cá. Hình như ông giời không triệt đường sống của ai bao giờ nếu người ta chưa tận số. Sau khi phá tán hết cơ nghiệp, mất cả vợ con thì ông Lư lại thành ra một tay cua cá giỏi nhất làng. Nhờ tài ấy mà ông cũng sống được và nuôi cô con gái lớn lên. Ông chiều Hàn Xuân lắm, chỉ một lần nó sang tắm bên ao chùa, bị gai sen cào xước bắp chân. Hôm sau ông bỏ cả ngày, sang xin sư bà cho dọn sạch một khoảng sen, chỗ bậc thềm cầu ao. Ông lặn ngụp vét sạch bùn đến khi còn trơ đất sét. Rồi ông đi nhặt sỏi cuội các nơi về đổ xuống khoảng đáy ao. Từ đó sen không mọc được vào chỗ Hàn Xuân đứng tắm, mà cũng không có bùn vẩn lên làm bẩn nước mỗi khi con ông vùng vẫy tập bơi.

 Nhưng cha nàng nay đã mất rồi.

 Hàn Xuân nằm khóc cha suốt hai ngày không ăn uống gì. Đến ngày thứ ba, sư bà dỗ dành: “Thôi con dậy ăn bát cháo bà nấu rồi phải về bên nhà thắp hương cho cha không thì tủi vong linh ông ấy, chỉ có mình con là thân thích”. Nàng dậy ăn bát cháo nóng rồi về gian nhà nhỏ của hai cha con sau chùa. Gian nhà xưa vốn đầy hơi cha, nay vắng lặng trong chiều hè oi bức. Nén nhang thơm cắm trên bát gạo trắng lững lờ tỏa khói, luẩn quẩn vấn vít trên bài vị cha là thanh gỗ mộc, dán tấm giấy điều trên có mấy chữ nho đen do sư bà viết. Nàng ngồi yên lặng trước bàn thờ cha, nước mắt không chảy nữa, hình như đã cạn khô rồi. Chập choạng tối, sư bà lại gọi nàng sang ăn cơm. Từ khi biết thì nàng cũng đã coi chùa như là nhà, sư bà như là mẹ mình. Ăn xong, nàng thấy nóng bức ngột ngạt trong người bèn ra ao chùa tắm. Lúc ấy trăng đã lên, ánh trăng mùa hạ chiếu khắp vườn khắp sân, chiếu xuống ao sen, sáng rờ rỡ. Hàn Xuân trầm mình xuống nước ao sen mát lạnh thơm ngát. Nàng tuột hết quần áo mấy ngày tang ma của cha không thay rửa. Ngập mình kỳ cọ trong khoảng ao mà cha đã dọn dẹp riêng cho nàng. Nước mát và hương sen thơm nức như làm dịu bớt nỗi đau. Nàng thấy cha vẫn còn hiện hữu đâu đây, như là ông vẫn đang ngồi uống trà nói chuyện với sư bà ở sân chùa, để trông chừng mỗi khi nàng tắm.

 Nhưng trên cây sung to mọc bên kia bờ ao chùa, thân cành la ra gần giữa ao tối hôm ấy có một người không phải là cha nàng cũng đang trông chừng. Người ấy là thằng Vũ, bạn duy nhất của Hàn Xuân trong làng. Vũ hơn nàng ba tuổi, là con ông Đồ Lận, một nhà khá giả họ Ngô Văn. Ngày nàng lên tám, không hiểu sao nàng lại nằng nặc đòi cha bắt cho mình con dế. Thế là cha phải cõng nàng ra sườn đê đổ dế. Nhưng cha nàng là ông già chỉ quen lặn ngụp bắt cá dưới sông vụng về chả biết tìm hang dế ở đâu. Nàng đã mếu máo chực khóc thì một thằng bé cũng đi đổ dế gần đấy đến cho nàng một con. Thế là nàng thân với Vũ. Hôm đám tang cha nàng, Vũ cũng đến giúp. Thấy nàng khóc lịm đi, Vũ cũng không dám vào chùa an ủi nàng. Nhưng bức tượng ông hộ pháp râu đen mặt đỏ phừng phừng đao kiếm. Những bức tượng Phật sơn son thếp vàng lúc nào cũng mờ ảo khói hương. Rồi những cây muỗm, cây nhãn cổ thụ âm u xanh thẫm… Tất cả tạo cho ngôi chùa vẻ huyền hoặc bí hiểm linh thiêng. Vũ nhớ cô bạn của mình nhưng cũng không dám vào chùa hỏi thăm. Vũ đành leo lên thân cây sung bên bờ ao ngồi ngóng. Lúc trăng lên. Hàn Xuân ra tắm, Vũ đã gọi khe khẽ nhưng nàng mải khoát nước, không nghe tiếng. Ở làng, gái trai cùng tắm trần trên đầm sen có gì lạ đâu. Khi thấy Hàn Xuân ngụp đầu trong nước thì Vũ lại thôi, không gọi nàng nữa. Vũ cứ ngồi yên lặng trên cây sung ngắm Hàn Xuân tắm trong ao sen, dưới trăng. Tắm xong, nàng cầm mớ quần áo vừa giặt ở tay, rẽ nước ao bước lên bậc thềm, nước ao sen dưới ánh trăng mùa hè chiếu sáng lấp lánh, lung linh tràn trên thân thể.

Nhà Vũ vốn dòng dõi bút nghiên. Bố Vũ là ông đồ Lận rất mê truyện Kiều. Một trong những thú vui tao nhã của ông đồ Lận là uống rượu với mấy ông bạn đồng môn rồi bình truyện Kiều. Những buổi như vậy, Vũ thường được bố sai làm chân điếu đóm, lúc thì hái mấy nhánh rau thơm, lúc thì rang thêm vài củ lạc để các cụ nhắm rượu. Rồi Vũ cũng mê mẩn cô Kiều lúc nào không hay. Đêm nằm một mình, Vũ nhớ những câu thơ tả cảnh, tả tình trong truyện sao mà hay đến thế. Những câu thơ tả về sắc đẹp của Kiều làm trí não của Vũ thao thức đêm đêm. “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà / Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”. Tối nay, trong ánh trăng sáng như bạc, Vũ đã cảm được câu thơ bố mình và các bạn ông hay gật gù ngâm vịnh, tòa thiên nhiên… Vũ đi như kẻ mất hồn về nhà và gọi ngay bố mình ra ngoài tràng kỷ ấp úng thưa chuyện.

 

***

 Ngày thứ năm mươi mốt kể từ khi ông Lư mất.

 Hàn Xuân về làm dâu nhà ông đồ Lận. Hôm ông đồ cho bà mối ra nói chuyện với sư bà, xin cho Hàn Xuân về làm bạn với Vũ, sư bà vừa mừng vừa thương. Sư bà cùng cảnh ngộ với Hàn Xuân nên thương xót bao bọc nàng từ bé. Nhưng sư bà cũng biết là Hàn Xuân không có căn kiếp tu hành. Con bé càng lớn càng xinh, con nhà lam lũ một bố một con mà da lúc nào cũng trắng hồng. Thân thể Hàn Xuân thì cao dài hơn hẳn các thiếu nữ trong nàng. Lúc nàng còn bé, mỗi lần tắm cho, sư bà hay bảo, bố mày bắt hết cá dưới sông Thiên Đức cho mày ăn nên người cứ dài như con lươn. Đến khi dậy thì, những cái giời cho để con gái làm duyên lại càng nở nang hơn người. Má nàng lúc nào cũng hồng. Môi nàng lúc nào cũng thắm màu cánh sen.

 Nghe sư bà nói chuyện lấy chồng, Hàn Xuân khóc nức lên. Nhưng rồi nàng cũng nghe ra khi sư bà tỉ tê nói, bà già lắm rồi, cháu phải lấy chồng về chỗ hẳn hoi để mà dựa dẫm, thân gái một mình có muốn sống lành cũng không được đâu con ơi. Hết tuần tứ cửu, bà sẽ làm lễ cầu siêu đưa bố con về hầu cửa Phật. Lúc nào bố con cũng sẽ được hương khói chu đáo. Tuần rằm mùng một, con ra thắp hương. Rồi Vũ cũng gặp nàng, Vũ cũng nói thương nàng, không muốn nàng phải cô quạnh một mình bên chùa. Mà từ xưa đến nay, Vũ rất hiền. Chơi với nhau từ bé, Vũ lúc nào cũng nhường nàng. Gia đình ông đồ Lận thuộc hàng khá giả trong làng, chấp nhận đón nàng về làm vợ Vũ là vì tối hôm ấy, ở chùa về, Vũ đã gọi cả bố mẹ dậy đòi ngay sáng mai phải cho người ra chùa nói chuyện với sư bà, nếu không Vũ sẽ bỏ đi biệt tích. Vợ chồng ông đồ Lận, đẻ bảy cô con gái, đi cầu mãi dưới đền Kiếp Bạc về, sinh ra được quý tử thứ tám nên rất chiều.

 Thế là Hàn Xuân về làm dâu nhà ông đồ Lận khi nàng mười ba tuổi, cha vừa mất. Lệ làng xưa nay, đại tang phải mãn ba năm mới được làm việc hỷ. Nhưng mà Hàn Xuân làm gì có gia đình họ hàng thân thích ở đây. Nàng chỉ có sư bà thì đã đại xá cho rồi. Niềm mong ước lớn nhất của sư bà lúc ấy là gửi gắm nàng vào một chỗ nào yên tâm tin tưởng. Về làm vợ Vũ, là chỗ thân tình từ xưa, Hàn Xuân cũng không phải lạ lẫm gì nhiều. Nàng chỉ vẫn còn vương vất hình ảnh người cha già vừa nằm xuống. Nhưng tuổi trẻ là một phép màu kỳ lạ của giời Phật. Tình yêu bắt đầu nhen nhóm giữa nàng và Vũ dần xua những tối tăm trên gương mặt. Ít lâu sau, đã thấy nàng rạng rỡ và dường như bông sen bắt đầu bừng nở. Vũ yêu nàng đắm đuối bằng tất cả sức lực trai trẻ ngày đêm. Hàn Xuân đáp lại chồng bằng cả tấm tình của người con gái mồ côi, cô đơn, nay tìm được một nơi chốn yên lành tin cậy. Hai vợ chồng son rất quấn nhau. Tuần rằm mùng một nào cũng lên chùa viếng cha, cầu Phật, thăm sư bà.

 Vào dịp đầu hạ năm sau, tối hôm rằm. Hai vợ chồng Hàn Xuân rẽ qua căn nhà cũ sau chùa của cha con nàng dọn dẹp, thắp hương trên ban thờ rồi sang chùa thăm sư bà. Trời oi nồng nóng bức, hai vợ chồng ngồi nói chuyện với sư bà ngoài sân. Về khuya, thỉnh thoảng hương sen từ ao đưa lên thơm mát khiến nàng đột nhiên muốn ra tắm trên cái khoảnh ao mà cha nàng khi còn sống đã cất công dọn dẹp. Sư bà thấy vậy dặn nàng, khi nào tắm xong thì đóng cổng chùa, rồi vợ chồng tự về để bà đi ngủ sớm. Hàn Xuân ra bậc thềm cầu ao tuột hết áo váy đưa cho chồng cầm rồi nhoài xuống khoảng ao sen mát rượi. Cả một năm nay, Vũ đã tưởng như thân thể vợ không còn gì để khám phá nữa. Nhưng ngắm nàng khỏa thân tắm trong rời rợi ánh trăng, thân thể đàn bà nảy nở rực rỡ phô bày trong trăng nước còn đẹp hơn nhiều lần hình ảnh của cô trinh nữ tắm trăng năm ngoái. Vũ trườn xuống ao sen cùng với vợ. Chàng quấn lấy Hàn Xuân, vũ điệu ái tình mê đắm của đôi giải thần truyền thuyết vẫn quấn nhau đêm trăng trên sông Thiên Đức. Nước ao sen tràn trề hương thơm thân thể đôi trai gái, quyện với mùi hương của những bông sen vừa hé, nồng nàn trong đêm. Vũ xiết chặt tấm thân vừa nóng bỏng, vừa mát lạnh của Hàn Xuân, cong người rít lên một tiếng lạ lùng. Đột nhiên, Vũ rời tay khỏi thân thể nàng, từ từ gục xuống ao.

 

***

 Vũ chết vì chứng thượng mã phong.

 Chuyện Vũ chồng nàng chết bất đắc kỳ tử ngay khi đang giao hoan, gia đình nhà ông Đồ Lận đổ hết lỗi cho nàng. Họ bảo nàng là con đàn bà dâm dục, quyến rũ con trai họ chơi bời vô hạn độ đến chết. Cứ nhìn cái dáng đi, cái con mắt, cái vú cái mông. Rồi cái thân hình uốn lượn khi đi như thân xà thế kia. Ôi trời ơi, ới ông đồ Lận ơi là ông đồ, mang tiếng là có chữ thánh hiền trong bụng mà sao ông không chọn vợ cho con cẩn thận, mà để đến nông nỗi này hở giời. Mẹ Vũ gào thét rủa sả cả chồng. Cứ thế, họ đổ hết lên đầu Hàn Xuân. Họ không cả cho nàng để tang chồng, gọi sư bà ra giao trả ngay trong đêm.

 Nàng chỉ biết khóc. Nàng yêu chồng. Nàng chiều chồng. Có ai dạy cho nàng về thuật phòng the đâu. Người đàn bà duy nhất gần gũi nàng từ khi tấm bé là sư bà cũng có biết gì để mà dạy nàng. Nhưng sư bà thương nàng, sư bà lau nước mắt cho nàng, sư bà nấu cháo hạt sen cho nàng ăn tĩnh tâm, sư bà bảo nàng đời là bể khổ, là kiếp nạn con phải gánh… Thế rồi Hàn Xuân trở về ở lại gian nhà nhỏ xưa kia của cha con nàng, ngay sau chùa, dù sư bà Đàm Chân muốn giữ nàng lại ở bên mình. Là vì, nàng thấy mình không xứng đáng ở nơi cửa thiền thanh tịnh. Hàng ngày, nàng sang dọn dẹp, làm vườn, cấy lúa với sư bà, ăn cơm chay với bà. Nhưng không bao giờ nàng bước vào gian chính điện, nơi đặt ban thờ tam thế của đức Phật. Cứ đến giờ hợi hàng đêm là nàng lại lặng lẽ quỳ bên gốc muỗm sân chùa, chắp tay trước ngực, hướng vào điện thờ thầm khấn: “Nam mô a di đà Phật, Phật pháp vô biên. Xin hãy che chở cho cha con, chồng con trên cõi niết bàn. Xin hãy cứu vớt con ra khỏi bể trầm luân…”

 

***

 

 Những đau đớn khổ hạnh của Hàn Xuân tưởng như đã là cùng cực. Sinh ra thì mất mẹ. Lớn lên trong bàn tay của một người đàn ông không cùng máu mủ tự nguyện làm cha thật tận tụy nhưng vụng về. Vừa chớm cập kê thì lại mồ côi. Làng vẫn có câu ca: “Lấy chồng từ thuở mười ba / Đến năm mười tám em đà năm con…” Hàn Xuân theo chồng năm mười ba tuổi. Mới được một năm, hương lửa đang nồng thì mất chồng mà chưa kịp có mụn con nào. Về bên chùa ở với sư bà, hàng ngày làm lụng ruộng vườn, cơm chay thờ Phật, nàng tưởng như cuộc đời mình từ nay an phận.

 Nhưng giời đã ban cho nàng một hình hài đàn bà hoàn hảo thì tất là đấng cao xanh ấy phải có ý gì. Năm mười ba tuổi, Hàn Xuân đã đẹp rồi, nhưng đấy là cái đẹp của nụ hoa mới hé. Cái đẹp mong manh non nớt của một cọng ngó sen trắng muốt vừa mới nhú ra khỏi đất bùn. Khi nàng thiếu nữ vừa chớm dậy thì, được một người con trai yêu chiều tưới tắm, bông hoa lập tức nở tràn hương sắc. Ngắm nhìn vẻ rạng rỡ của nàng khi ấy, làng vẫn bảo, gái phải hơi trai. Hàn Xuân vốn đã cao hơn hẳn các cô gái trong làng, khi da thịt nở ra viên mãn thì, mọi nhan sắc khác bỗng trở nên nhạt nhòa. Nàng rất trắng, sắc trắng hồng của làn da mỏng mềm như lụa. Một làn da tưởng như trong suốt nhìn rõ cả những mạch máu hồng bên dưới. Mái tóc của nàng dày nhưng lại không đen mượt như hầu hết gái làng. Mái tóc màu hung nâu lạ lẫm và bồng bềnh như mây mỗi khi thả ra. Đôi mắt của Hàn Xuân cũng là sự lạ, to, nâu, luôn mở ra nhìn thẳng thắn chứ không e lệ. Trên khuôn mặt, chiếc mũi cao vẽ một nét như tạc cùng với đôi môi lúc nào cũng đỏ thắm. Nhưng giờ đây, sắc đẹp của nàng bị vùi lấp trong nâu sồng, trong lam lũ của vườn ruộng. Những lời nguyền rủa của mẹ chồng tưởng như vẫn ngày đêm cắt xé trái tim nàng. Hàn Xuân nhiều lúc thấy căm ghét chính cái thân thể đàn bà nóng rẫy của mình. Nàng muốn diệt những cái cựa quậy trong đêm khuya thanh vắng bằng những bát nước rau răm đặc chát cay nồng của sư bà. Ba năm thanh đạm trôi qua như một chớp mắt. Với nàng thì giờ đây, thời gian đâu còn ý nghĩa. Hết đông thì xuân sang. Tan hè lại thấy thu về. Nàng không còn để ý đến sự đời nữa. Nhưng đời vẫn để ý đến nàng. Dù Hàn Xuân chả còn chăm sóc xống áo và trong con người nàng, mọi ý nghĩ ái ân đôi lứa như đã chết cùng chồng, nhưng nàng vẫn còn trẻ quá. Nàng mới mười tám tuổi. Cái tuổi ấy thì dù không trang điểm, nhan sắc của người con gái đương thì vẫn lồ lộ, bông hoa đến thì hoa vẫn cứ phải nở, dù là đông giá hay hè oi nắng lửa. Hàn Xuân không còn để ý đến sắc đẹp của mình, nhưng lý Khương, đương chức lý trưởng làng Ngọc, ra chùa ngắm cảnh để ý đến nàng. Lý Khương thấy trong vẻ lam lũ cam chịu của Hàn Xuân có một nét gì đấy vẫn toát lên vẻ xuân thì hiếm có. Lý Khương mê nàng ngay và rắp tâm chiếm nàng. Chuyện của nàng với Vũ, lý Khương biết cả. Ngồi trong chùa nhìn nàng đi lại dọn dẹp ngoài vườn, lý Khương thầm nghĩ, con người trường túc bất chi lao, mình xà uốn khúc thế kia thì thằng Vũ nhà ông đồ Lận chỉ tải được một năm rồi chết yểu là phải rồi. Phải tay ông…

 Nhà lý Khương thuộc loại danh giá trong làng, gia sản lừng lẫy. Năm ấy lý Khương mới ngoài bốn mươi nhưng đã có ba vợ. Bà vợ đầu, cưới năm mười bốn tuổi, hơn lý Khương hai tuổi. Ông thân sinh ra lý Khương là cụ chánh Lác, cưới cho con cô vợ để trông coi sản nghiệp gia đình. Mươi năm sau, vợ đẻ một đàn con thành nái sề, lý Khương bắt vợ đội cau thân sang làng Bùi hỏi cô hai về cho mình. Thế rồi khi vẻ vang sự nghiệp, nhậm chức lý trưởng, Khương lại đem cô ba, năm ấy cũng mới có mười sáu tuổi, về làm người nâng khăn sửa túi. Nhưng mà nhà lý Khương rất yên ổn nề nếp. Bà cả nhà ông lý đảm đang tháo vát quán xuyến việc nhà. Cô hai cô ba phận nào phận nấy răm rắp theo lệnh bà cả. Chuyện nhà yên ổn nên lý Khương chỉ lo việc quan, việc làng. Chuyện ba bà nhà lý Khương thuận hòa sống với nhau như chị em, được các ông trong làng lấy ra làm gương để răn dạy vợ mình. Chả là làng Ngọc, từ xưa đến nay vẫn có câu: “Trai anh hùng năm thê bảy thiếp / Gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Nên nhiều nhà danh giá, ăn nên làm ra, cưới vài vợ là thường. Có điều, kiếp chung chồng khó mà vừa lắm. Chả mấy nhà mà ông chồng không suốt ngày phải lo phân xử vợ lớn vợ bé, con lớn con nhỏ. Nhưng nhà lý Khương cứ vui như Tết, cả ba bà vợ lúc nào cũng chị chị em em. Làm gì mà chả vui, ruộng lắm, thóc nhiều, kẻ ăn người ở trong nhà đông, tòa ngang dãy dọc, mỗi bà một dinh cơ. Tối đến, lý Khương, sau khi làm vài chén rượu thuốc, rồi lần lượt ghé thăm đều các bà. Lý Khương là tay đàn ông cường tráng. Thuở thanh niên, Khương đã từng đi vật hội, chiếm giải khắp các làng trong vùng. Nhìn Hàn Xuân phăm phăm cuốc đất ngoài vườn chùa, cặp vú to nảy bần bật trong cái yếm nâu, lý Khương quyết lập mưu chiếm Hàn Xuân về làm vợ tư. Khương cho người ra chùa đánh tiếng với sư bà. Hàn Xuân nghe chuyện gạt đi ngay. Từ lâu, nàng không còn nghĩ đến chuyện vợ chồng. Nhưng lý Khương không chịu bỏ cuộc. Vào một đêm mưa to gió lớn, Khương dỡ cửa nhà Hàn Xuân vào cưỡng đoạt nàng. Hàn Xuân khỏe mạnh, nhưng không địch nổi sức của một tay đô vật. Nàng kêu cứu sư bà khản cả giọng nhưng mưa gió sấm chớp liên hồi nên chả ai nghe thấy.

Nhưng Khương là tay đàn ông có máu của người quân tử pha lẫn với máu giang hồ, dám làm là dám chịu, không ăn chằng đệch quỵt của ai bao giờ. Chỉ vì mê nàng quá mà ỷ thế sinh ra làm càn. Sáng hôm sau, lý Khương ra chùa nói với sư bà rồi sang bên nhà gặp Hàn Xuân. Không biết Khương nói với nàng những gì mà rồi nàng cũng chấp nhận làm vợ tư. Nàng đòi được ở lại ngôi nhà cũ sau chùa chứ không về dinh cơ trong làng. Lý Khương đồng ý ngay, bèn sai người dỡ nhà ra làm lại để lấy chỗ đi lại với cô tư cho đàng hoàng.

 

***

 Đúng một năm sau.

 Lý trưởng làng Ngọc Dương Xuân Khương lại chết bất đắc kỳ tử trên bụng vợ tư, nàng Hàn Xuân. Sinh thời, lý Khương vốn là đô vật nổi tiếng trong vùng, cậy khỏe. Ngày lý Khương đi làm việc quan, việc làng. Tối lý Khương cơm nước xong xuôi, thêm vài chén rượu thuốc như thường lệ, rồi rẽ qua các bà vợ. Một năm nay, cưới được Hàn Xuân làm bà tư, Khương mê lắm, bao giờ cũng ngủ qua đêm lại nhà nàng. Mấy bà vợ đã ngấm nguýt, ông cứ mê mải cái con giải cái ấy rồi có ngày mất mạng, ông không nhìn gương thằng Vũ con ông đồ Lận đấy à?

 Dân vùng ven sông vẫn kể, ở dưới sâu dòng nước có một loài thủy quái gọi là con giải sinh sống. Loài này dài đến mấy chục thước ta, trắng toát, khi bơi uốn mình mềm mại như con rắn. Con giải chuyên rút chân người bơi trên sông. Ai đang bơi mà thấy tự nhiên tụt đến ngủm một cái, mất tăm ngay, đích thị là bị con giải ấy kéo xuống đáy sông ăn thịt. Mùa lũ lụt cũng là mùa con giải giao hoan, đôi giải đực cái quần nhau cả ngày trên sông. Chúng vùng vẫy, uốn lượn, lao lên lặn xuống, làm cho nước sông đục ngầu, sủi bọt, cuộn sóng tạo ra những cái xoáy nước to. Thuyền bè, nhà cửa, súc vật, người trôi sông… bị nuốt vào đấy không bao giờ nổi lên nữa. Hồi trận lụt năm Giáp Thân, mẹ Hàn Xuân bị đóng bè thả sông, qua chỗ vẫn có đôi giải đang giao hoan, nhưng không bị xoáy nước cuốn vào mà lại dạt vào bãi. Sau này ngẫm lại, nhiều cụ cao tuổi trong làng nói rằng, Hàn Xuân là con của giải thần sông Thiên Đức nên mới được bình an mà qua xoáy nước như thế.

 Ở làng vẫn hay có câu cửa miệng, nhân bảo như thần bảo. Không biết thần linh có mượn mồm mấy mụ vợ nói ra không mà, lý Khương đang khỏe như trâu đực, chết thẳng cẳng trên bụng Hàn Xuân lúc mây mưa. Vì đã xảy ra việc với Vũ rồi, nên lần này Hàn Xuân khi thấy lý Khương trợn mắt, sùi bọt mép lúc đang giao hoan, liền để nguyên trên bụng, gào toáng lên cho sư bà sang cứu. Mọi người dỡ lý Khương ra khỏi người Hàn Xuân thì thấy thân thể Khương lạnh cóng như nước ao tiết đại hàn, mặc dù lúc đó đang là mùa hạ. Các bà vợ của Khương và người nhà đổ riệt cho Hàn Xuân tội giết chồng, bắt giải lên quan phủ. Nhưng bấy giờ người Tây đã về lập nhà thương trên tỉnh rồi, quan phủ bèn nhờ đốc tờ Tây khám. Đốc tờ Tây nói Hàn Xuân không có lỗi, quan phủ phải thả nàng về. Hàn Xuân lại ở một mình trong căn nhà sau chùa làng, bầu bạn với sư bà.

 Năm ấy nàng mới mười chín tuổi.

 Khi người chồng đầu tiên là Vũ chết, Hàn Xuân nghe lời sư bà, định diệt dục, theo nghiệp tu hành. Nhưng tay đàn ông bạo liệt không để cho nàng yên. Cái đêm mưa gió sấm chớp kinh người ấy, lý Khương đã làm cái việc thả con giao long hay là con giải cái như người làng gọi, từ cái ao tù ra ngoài sông Thiên Đức. Con giải cái trong nàng vẫn cứ ngày đêm quằn quại réo gào. Những bát nước rau răm đặc sánh cay nồng, những bài thuốc bí truyền của sư bà không còn hiệu nghiệm nữa. Ban ngày nàng bận ruộng vườn và bao nhiêu việc không tên tối tăm hết mặt mũi thì còn đỡ. Đêm về, trong thanh vắng u tịch của cảnh chùa. Và nhất là những đêm trăng sáng, Hàn Xuân nhớ da diết cả hai người chồng quá cố của mình. Vũ thì nhẹ nhàng êm dịu dắt nàng vào ái ân. Còn lý Khương thì bạo liệt cuồng khấu áp đặt, bắt thân thể đàn bà của nàng như phải trổ bùng hết hương sắc trong những cơn mây mưa dữ dội. Nhưng cả hai người chồng ấy đều không đương nổi với con giải cái một khi đã được đánh thức.

 

***

 Hồi ấy người Tây bắt đầu về đóng đồn tại phủ Thuận.

 Dân làng Ngọc vẫn có tiếng phóng khoáng cởi mở, hay đi làm ăn buôn bán các nơi nên thấy sự mấy ông Phú Lang Sa, mắt xanh mũi lõ, thỉnh thoảng ra chợ hay vào nhà chánh tổng, lý trưởng là thường. Các quan nhà mình thì bảo, quan Tây đóng đồn là để ngăn không cho quân ông Đề Thám từ trên mạn thượng du đánh về Hà Nội.

Hàn Xuân chả quan tâm đến những gì quan ta hay quan Tây nói.

Ban ngày nàng còn bận đủ việc.

Ban đêm, không ngủ được nàng sang bên ao chùa tắm.

Hè cũng như đông, nàng cứ khỏa thân đùa nước hàng tiếng dưới ao.

Trai làng Ngọc biết, kháo nhau, nhiều thằng lần mò ra bên ao chùa, leo lên cây sung ở bờ bên kia nhìn trộm. Hàn Xuân biết nhưng nàng mặc kệ. Những hôm trăng sáng, nàng vùng vẫy dưới ao chán rồi nằm ngửa, gối đầu lên bậc cầu ao, khẽ khàng vẫy đôi chân dài trắng muốt dưới nước cho phần thân dưới nổi lên, ánh trăng vằng vặc chiếu vào những ngọc ngà châu báu. Bọn trai làng đang ngồi trên cây sung ngắm nàng, không chịu nổi, thằng nào cũng vội vàng tụt xuống, chạy về nhà bắt mẹ đi hỏi vợ ngay trong đêm. Chúng muốn nàng quá, nhưng thằng nào cũng sợ. Gương thằng Vũ con ông đồ Lận, gương lý Khương còn sờ sờ. Thích thì thích thật, nhưng xong để mà chết thì chả thằng nào dám. Thế cho nên hàng đêm, Hàn Xuân cứ trần trụi vùng vẫy dưới ao sen trong vườn chùa. Cánh đàn ông con trai trong làng rủ nhau ra nhòm trộm, nhưng chả có tay nào dám mon men lại gần. Các bà vãi làng thấy thế chối quá, nói với sư bà là cấm nàng sang tắm bên ao chùa. Sư bà nghe, ư hữ nhưng chả nói gì.

 Mùa lụt năm ấy, nước to và ngâm lâu quá, lại mưa nhiều nữa nên đê sông Thiên Đức bị vỡ ngay quãng gần làng.

 Cơ man nào là người chết trong vùng. Chết vì nước. Chết vì đói. Chết vì bệnh tật.

 Biết bao nào là của cải, cửa nhà đắm chìm trong trận lụt dữ.

 Sang thu, nước rút, mưa tạnh. Quan trên về huy động dân đi hàn khẩu quãng đê bị vỡ.

 Hàn Xuân cũng đi làm phu đắp đê, vì ruộng vườn nhà chùa cũng bị nước ngâm chết hết. Nàng phải đi làm phu để lấy gạo về nuôi sư bà và nuôi thân. Cây cối hoa màu trong vườn chùa chết hết, nhưng sen dưới ao, nước rút đi lại nảy mầm đua lá ngát thơm.

 Quan Tây công sứ Bắc Kỳ, ngài Philip De La Roche về tận nơi kiểm tra, đôn đốc việc đắp đê. Dân phủ Thuận từ quan đến lính, thường chỉ gọi là ngài Phin. Là vì ngài Phin biết tiếng Việt và khá gần gũi. Ngài ở luôn nhà chánh tổng Lê Doãn Cự trong làng để tiện ra đê giám sát công việc. Ngài Phin lội xuống tận nơi để xem dân phu làm ăn thế nào. Ngài thấy một cô gái dáng người cao ráo, tròn lẳn trong bộ quần áo nâu sồng, băng băng vác những tảng đất sét to tướng từ thùng đấu về đê, mạnh mẽ không kém gì đàn ông. Khi lại gần Hàn Xuân, ngài Phin giật mình không hiểu sao ở cái xứ u mê mờ mịt này lại có một người con gái đẹp lạ, như lai Âu. Mắt to, mũi cao và bộ ngực ngoại cỡ so với phụ nữ An Nam thì chỉ chực làm bung chiếc áo nâu nàng đang mặc. Phin thấy lạ, ngài ngoắc ba toong gọi chánh tổng Lê Doãn Cự lại hỏi.

 Công sứ Bắc Kỳ Philip De La Roche năm ấy ba mươi lăm tuổi, chưa vợ. Ngài Phin, như dân làng Ngọc gọi, tốt nghiệp trường giao thông công chính Paris, con nhà quý tộc Pháp. Nhưng ngài vốn có máu phiêu lưu nên xin sang xứ An Nam thuộc địa xem nó thế nào. Ở Bắc Kỳ đã bảy năm, ngài đã học nói thông thạo tiếng Việt và biết khá rõ phong tục tập quán dân ngoài này.

 Khi nghe chánh tổng Lê Doãn Cự, cùng tầm tuổi, kể cho nghe về cuộc đời của nàng thôn nữ hai mươi nhăm tuổi, Phin rất tò mò. Nhất là những màn tắm trăng đêm đêm của nàng ở ao sen. Phin nhìn Hàn Xuân băng băng lội bùn vác đất, khuôn mặt đẹp của nàng hồng rực lên trong nắng chiều, đôi chân dài và cặp mông tròn lẳn thoăn thoắt lên xuống trên triền đê nhẹ nhàng như múa. Phin bảo Cự: “Tối nay, tôi với ông đi ra ao chùa xem nhé”. “Vâng, nhưng bẩm ngài, con này ngắm thì được, chứ động vào là chết bất đắc kỳ tử như chơi đấy. Làng này đã có hai thằng chết vì cái bướm của nó rồi”. “Thế bướm nó có độc dược à?” Phin hỏi lại. “Không, nghe nói là con này âm khí quá mạnh. Trong người nó có một con giải thần ẩn náu, đàn ông giao hoan với nó sẽ bị hút hết dương khí mà chết”. Ngài Phin nghe Cự nói vậy thì cười sằng sặc, ô la ô la la luôn mồm. Phin ở xứ này đã khá lâu, Phin lại là người hay để ý tìm hiểu tập tục của dân An Nam. Phin thấy dân xứ này có những niềm tin mơ hồ và kỳ lạ không giải thích nổi, vào những điều hoang đường, ma quái.

 Tối hôm ấy, cơm nước xong ở nhà chánh tổng Cự, hai thày trò dắt nhau ra chùa. Phin sai người vác bao gạo đến biếu nhà chùa. Cự còn cẩn thận đưa mấy tay tuần đinh đuổi hết đám trai tơ vẫn lảng vảng quanh chùa hằng đêm nhòm ngó.

 Cự và Phin vào chùa vấn an sư bà. Hàn Xuân sang đun nước pha trà cho sư bà tiếp khách rồi xin phép về nhà mình sau chùa. Hai thầy trò chánh tổng Lê Doãn Cự chuyện vãn với sư bà Đàm Chân một hồi rồi xin phép ra về. Nhưng Cự và Phin ra khỏi cổng chùa, không về nhà mà dắt nhau đi ra phía bờ ao bên kia, trèo lên cây sung ngồi. Lúc ấy, trăng hạ tuần bắt đầu nhô lên, ánh vàng trải khắp ngôi chùa bé nhỏ êm đềm. Những tiếng côn trùng rỉ rả điệu hát huê tình trong thanh vắng, Hàn Xuân lại không ngủ được. Nàng sang bên ao chùa khỏa thân xuống dầm mình trong làn nước lạnh thơm mát hương sen, làm dịu bớt đi cơn sóng lúc nào cũng chực bùng nổ trong lòng. Dầm mình trong nước chán, nàng lại lên bậc cầu ao, ngả người nửa nằm nửa ngồi trên bậc gạch, hai tay nàng tự vuốt ve, nắn bóp thân thể đàn bà ngồn ngộn, rờ rỡ dưới ánh trăng. Phin ở trên cây sung bên bờ kia được chiêm ngưỡng một thân thể đàn bà dưới ánh trăng quá đẹp, còn đẹp hơn những bức họa phụ nữ khỏa thân của các bậc thày hội họa bên kinh đô ánh sáng. Phin bấm tay Cự nhẹ nhàng xuống khỏi cây sung. Phin ghé tai Cự nói thầm: “Ông đứng ngoài này canh, tôi vào với nàng một cái”. “Lạy quan, không được đâu”. Cự hốt hoảng túm tay Phin van vỉ. Nhưng Phin đã tuột phăng quần áo ngoài, ném cho Cự rồi lách cổng chùa vào nhanh như chớp.

 Hàn Xuân nằm ngửa trên bậc cầu ao, vừa tự vuốt ve thân thể mình vừa nhớ đến cả hai người chồng quá cố. Cả hai cũng đã cho nàng hưởng thụ cái cảm giác đê mê sung sướng lúc được làm đàn bà. Rồi những người chồng vì ham hố quá, bị cái cơn lũ xuân của nàng dìm chết, những cảm giác nhục thể đàn bà không lụi đi, cơn lũ ấy vẫn hàng đêm nóng bỏng gào réo trong thân thể tràn trề sức sống của nàng.

Khi Hàn Xuân mê man mộng mị trong nỗi khát thèm trên bậc cầu ao ngàn ngạt ánh trăng hạ tuần thì Phin đã nhanh chóng áp sát và thành thạo như một tay thực dân chính hiệu, chiếm đoạt nàng. Hàn Xuân vẫn đương mơ màng trong giấc mộng tình tự mình tạo ra, chưa kịp hiểu chuyện gì, đã thấy một thân thể đàn ông to lớn, mạnh mẽ khác thường đang rầm rập tấn công vào đồn lũy nàng vẫn để ngỏ mời gọi bao đêm nay mà không kẻ nào dám vào. Phin vừa chiếm đoạt nàng vừa gọi tên nàng, vì sợ nàng kêu la: “Hàn Xuân, ta Phin đây, để ta yêu em…” Nhưng cái sự lo lắng của Phin là thừa. Thân thể nàng như một cánh đồng khô hạn gặp cơn mưa rào đầu mùa, những tảng đất phù sa nục nạc khô cong lâu ngày, như tan ra tức khắc dưới những hạt mưa đầu tiên. Hàn Xuân lập tức bị cuốn vào cơn lốc ái tình mà nàng đang thèm khát bấy lâu.

Sáng hôm sau, Phin lập tức ra chùa có lời với sư bà, xin đưa Hàn Xuân về ở nhà chánh tổng Lê Doãn Cự với mình. Ngày ấy, các quan Tây muốn gì được nấy, không ai dám ho he nửa lời. Nhưng mà ngài công sứ Bắc Kỳ Philip De La Roche không chỉ cậy quyền. Đêm qua, trước lúc chia tay Hàn Xuân bên ao chùa, Phin đã hôn lên khuôn mặt đẹp đẽ đang rực lên màu hạnh phúc dưới ánh trăng và ngỏ ý đón nàng về chung sống.

Thật ra thì Phin tuy chưa vợ nhưng là một tay ái tình sành sỏi. Phin đã chung đụng với nhiều phụ nữ trên đường đời phiêu lưu của mình. Khi gặp được Hàn Xuân, Phin vô cùng thỏa mãn với sắc đẹp hiếm có và khả năng tình ái hầu như không bao giờ cạn của nàng. Mới đầu, Phin cũng định đưa nàng về ở với mình trong đợt đắp đê, đến lúc xong việc, cho nàng một ít vốn làm ăn, rồi Phin lại đi. Nhưng sau một tháng, công việc đã xong, Phin quyết định cưới Hàn Xuân làm vợ chính thức. Một đám cưới vô tiền khoáng hậu diễn ra ở làng Ngọc, tại nhà chánh tổng Cự. Cưới xong, Phin đưa vợ về Hà Nội.

 Đêm trước khi rời làng Ngọc, Hàn Xuân và chồng ra chùa chào sư bà. Đêm ấy cũng là kỳ trăng tròn, ánh trăng thu long lanh như một dòng suối bạc đổ từ giời xuống. Hàn Xuân thổn thức ôm lấy sư bà, người đã cưu mang che chở vô điều kiện cho nàng từ tấm bé, rồi cả trong những lúc tai ương khốn khổ của cuộc đời, sư bà chưa bao giờ hắt hủi nàng. Hàn Xuân không biết mặt mẹ, trong thâm tâm nàng coi mẹ mình chính là sư bà Đàm Chân. Khi hai vợ chồng nàng từ trong gian phòng của sư bà bước ra ngoài sân, nhìn ánh trăng đang tuôn tràn, bỗng Hàn Xuân ôm vai chồng: “Mình cho em tắm một lần cuối trong ao sen đêm nay nhé”. Phin mỉm cười: “Ừ, mình xuống tắm cho thơm, tôi cầm quần áo cho”.

 Hàn Xuân từ từ khỏa thân, rồi lội xuống khoảng ao mà cha nàng đã dọn dẹp riêng cho con gái yêu. Những chiếc lá sen vừa mới mọc lên sau trận hồng thủy, xanh mơ, mịn màng, rập rờn nô giỡn dưới trăng đêm. Nàng ngụp đầu xuống nước, nước ao chùa thơm mát hương sen làm nàng thấy bình an lạ. Phin đứng trên bờ, vắt bộ quần áo của vợ trên tay, ngắm nàng đùa nước dưới ao. Thân thể tuyệt đẹp của nàng rực lên lấp lóa, như có vầng hào quang tỏa ra, làm cho nước trong ao sen lóng lánh.

 

***

 Vợ chồng quan công sứ Bắc Kỳ sinh được bốn đứa con, hai trai hai gái. Sau khi Hàn Xuân theo chồng một năm thì sư bà Đàm Chân mất. Vợ chồng nàng về làm ma chay rất to, hỏa táng, lập tháp an nghỉ cho sư bà ở ngay vườn chùa.

 Hàn Xuân theo chồng về Hà Nội, được chồng dạy bảo mà trở nên một mệnh phụ phu nhân nổi tiếng của đất kinh kỳ. Sau này nàng còn mở công ty buôn bán gỗ, rất giầu có. Nàng về làng xin với dân và sư trụ trì cung tiến làm lại toàn bộ chùa làng Ngọc như hiện nay. Nàng cho giải hạ mấy gian chùa cũ, rồi thuê cánh thợ dưới tỉnh Đông lên làm ròng rã suốt hai năm trời ngôi chùa năm gian bằng gỗ lim, chạm trổ rất tinh xảo. Phía sau, nơi gian nhà tá túc của cha con nàng khi xưa, nàng cho dựng ba gian nhà nhỏ nép vào chùa. Nàng còn đúc chuông, tô tượng, rồi cùng dân xây lại đình làng, lát gạch đường đi.

Rồi Hàn Xuân mua một cánh đồng hoang rộng mấy trăm mẫu, cho đắp bờ vùng bờ thửa, gọi dân cùng đinh không tấc đất cắm dùi ở làng Ngọc và các làng quanh vùng đến lập ấp, phát ruộng cho cấy rẽ. Chỗ ấy gọi là ấp bà Hàn. Dân ấp rất kính trọng bà, vì bà thu tô rẻ, chỉ bằng nửa các chủ đất khác trong vùng. Nhà nào khó khăn hoạn nạn, bà thường cho không.

Những tưởng cuộc đời bà Hàn Xuân từ nay trở đi ấm êm trong nhung lụa.

Nhưng ngài Phin là một tay thực dân thâm căn cố đế. Một trong những lý do để Phin xin sang xứ An Nam thuộc địa, là nghe nói đàn bà ở xứ ấy rất đẹp, làn da mịn như sứ, thân thể thì thơm ngon như chiếc bánh mì nóng hổi vừa ra lò. Thế nên mặc dù đã cưới được một giai nhân, nhưng Phin vẫn không ngừng sự nghiệp khai phá các vùng đất mới. Phin, trong vai thực thi trọng trách của mình vẫn đều đặn về các vùng xứ bắc, bắt bọn quan lại bản xứ phải tạo cơ hội để ngài thỏa mãn cái thú chinh phục đàn bà xứ An Nam. Dần dần rồi Hàn Xuân cũng biết cả những trò ma của chồng. Nhưng Hàn Xuân nín lặng không một lời phàn nàn. Dịp sau này Hàn Xuân rất hay về làng Ngọc, quét dọn lại căn nhà cũ sau chùa. Nhưng không bao giờ vào chùa thắp hương, nàng vẫn chỉ quỳ ở gốc cây muỗm ngoài sân mà bái vọng.

 Hồi những năm ba mươi của thế kỷ trước, có nhiều hội kín nổi lên trong vùng. Làng Ngọc cũng có một hội do tú Tràng, người họ Vương ở xóm Nội cầm đầu, nói là sẽ làm cách mạng. Trên vùng thượng du Bắc Kỳ, nhiều hội kín còn kéo cờ đánh nhau với quân Tây. Philip De La Roche, công sứ Bắc Kỳ cũng nằm trong danh sách cần phải ám sát của nhiều hội kín. Phin không biết, vẫn vô tư đi mò gái. Nghe bọn tay chân kể, ở vùng chân núi phía tây của dãy Yên Tử, thuộc mạn Bắc Giang, có một làng rất nhiều gái đẹp và lẳng. Tương truyền, đấy là hậu duệ của các cung tần mỹ nữ vua Trần, không chịu ở vậy thờ ngài, đã băng rừng trốn sang bên này để lấy chồng sinh con. Phin nghe kể, khoái quá, bèn tổ chức chuyến đi thăm thú. Mấy hội kín trên ấy biết được, bèn tổ chức phục kích. Đánh nhau loạn xạ giữa rừng hồi lâu, quân tùy tùng của Phin nhiều súng cũng đuổi được cánh phục kích vào rừng, nhưng trong lúc loạn đả, Phin bị một mũi lao vào thẳng hạ bộ. Quan quân vội vàng đưa Phin về nhà thương Đồn Thủy dưới Hà Nội chạy chữa, không mất mạng, nhưng có điều là cái dương vật lừng danh của Phin bị mũi lao xén gọn đến gốc, đốc tờ Tây chịu chết, không làm gì được.

Nằm nhà thương vài tháng, Phin lại khoẻ mạnh bình thường. Chỉ có điều, mất chim, Phin không còn là một người đàn ông hào hoa mã thượng đầy sức mạnh nữa, mà tự dưng biến thành một con quỷ. Từ một tay chơi thành thần, từng làm cho con giải cái lừng danh của làng phải lép một bề thì nay, Phin tối đến nhìn vợ hừng hực sức xuân mà đành chịu chết. Đàn ông xứ Phú Lang Sa của Phin rất coi trọng cái sự phục vụ quý bà, coi đấy là hạnh ngộ lớn lao. Nhưng hoàn cảnh này thật khốn khổ cho Phin, trong lòng vẫn tràn trề ham muốn, người vợ bản xứ đêm đêm vẫn rực lên vì đợi chờ, mà Phin, khốn nạn cho Phin, cái gậy thần của Phin đã bị mũi lao quái ác của đám hội kín miền rừng xén phăng, không còn chút nào. Phin cay đắng và điên khùng. Đêm đến, nhìn thân hình vẫn ngồn ngộn của Hàn Xuân, Phin đâm ra tức tối. Phin gầm gào, cắn xé như muốn xả nỗi bức bối không lối thoát trong lòng. Hai hòn cà sót lại chỉ càng thêm căng nhức đau đớn. Phin như một kẻ điên, nhảy chồm chồm trên tấm thân đàn bà mỡ màng của Hàn Xuân mà rú rít, cắn cấu. Này thì vú, này thì bụng, này thì… Mỗi cái này thì, bàn tay xưa kia vẫn chiều chuộng vuốt ve thân thể Hàn Xuân, nay thành ra như cái kìm sắt dứt da dứt thịt nàng. Hàn Xuân âm thầm nghiến răng chịu trận. Nàng đợi cho Phin hành hạ thân thể mình chán rồi mệt mỏi lăn ra ngủ. Lúc ấy, Hàn Xuân mới âm thầm chảy nước mắt khóc than cho số phận trớ trêu.

Dịp rằm tháng tám năm ấy.

Hàn Xuân xin phép chồng về quê.

Philip De La Roche, khi ban ngày tỉnh táo cũng hiểu sự đau đớn mà mình hàng đêm gây ra cho vợ. Phin bảo vợ về chơi ở quê mấy ngày cho thanh thản, cũng là tiện thể xem xét công việc ở ấp.

 Hàn Xuân ngủ lại ngôi nhà sau chùa khi xưa.

 Tối hôm mười sáu, Hàn Xuân sang sân chùa, quỳ bên gốc cây muỗm, hướng vào chính điện lầm rầm khấn Phật. Thân thể Hàn Xuân vẫn đau nhức vì những vết thương hàng đêm Phin gây ra. Hai hàng nước mắt rơi lã chã trong đêm trăng thanh vắng, Hàn Xuân nức nở nhớ đến cha, nhớ đến sư bà Đàm Chân. Gió thu thổi từ ngoài cánh đồng, qua ao chùa, mang theo hương sen cuối mùa thơm dịu như muốn an ủi Hàn Xuân. Trong lòng Hàn Xuân dâng lên nỗi thèm muốn được dầm mình dưới cái ao sen thơm mát, nơi cha nàng khi xưa đã dọn riêng cho mình. Lần nào về quê nàng cũng phải xuống ao sen thả mình dưới dòng nước mơn man. Lâu lâu không về không tắm thì lại cồn cào không yên. Bây giờ Hàn Xuân ra bậc cầu ao, trút bỏ quần áo, từ từ lội xuống.

 Đêm hôm ấy, hội kín của Tú Tràng họp ở miếu thổ thần gần chùa.

 Nghe tiếng Hàn Xuân ì oạp khoát nước bên ao, Tràng nói mọi người giải tán, gọi riêng tá điền Hán lại bảo, ông sang ao chùa dọa cái con me Tây ấy vài câu rồi đuổi nó đi, ô uế quá.

 Tá điền Hán nguyên là một tay cù đinh thiên pháo trong làng Ngọc. Sau khi bà Hàn lập ấp, đã gọi ra cho ruộng cày, nhưng quen thói cờ bạc rượu chè, không chịu làm ăn, bỏ ruộng hoang, bị bà đuổi đi. Lang thang ăn chực trong làng chán, gặp Tú Tràng, rủ vào hội kín. Hán chả biết quốc gia, độc lập là gì. Nhưng nghe Tràng bảo, đi đổi đời, thế là theo. Hán kém Hàn Xuân hơn mười tuổi, khi xưa lúc bé, đã từng theo bọn bạn ra gốc sung rình xem Hàn Xuân tắm đêm. Đêm nay, Hán ra ao sen bên chùa, theo lời Tú Tràng, định dọa đuổi Hàn Xuân đi. Đến nơi, nhìn thấy Hàn Xuân đang giỡn nước đêm trăng, Hán nhớ lại cảnh xưa. Dục vọng nổi lên, Hán nhảy xuống ao định cưỡng hiếp. Nhưng Hàn Xuân dứt khoát cự tuyệt. Đến lúc liệu chừng không thể chống lại được nữa, Hàn Xuân bèn cắn lưỡi tự tử, chết ngay tại chỗ. Hán hoảng quá, bỏ xác nàng nổi lập lờ dưới ao chạy trốn.

 Sáng hôm sau, sư thày trụ trì chùa làng ra ao nhìn thấy, cho người báo quan. Mật thám Tây về điều tra, nói đây là án mạng do hội kín gây ra. Ngài Phin cay quá, ra lệnh cho quân sĩ lùng bắt bằng được cả bốn tay hội kín. Hán can tội giết người phải đền mạng, còn ba tay kia, bị tống đi tù Côn Đảo.

Năm ấy là năm Quý Dậu, 1933.

Sau khi chôn bà Hàn cạnh mộ ông Lư, ngài Phin xin hồi hưu, cùng với bốn con về Paris. Từ đó, không thấy ông ta và các con lai vãng gì nữa. Nhưng dân làng Ngọc vẫn cảm công đức của bà Hàn Xuân khi còn sống, bèn thuê người tạc một bức tượng bà rồi đặt thờ tại nơi cha con bà ở khi xưa, sau chùa, gọi là nhà hậu.

 Hàng năm, vào ngày mười sáu tháng tám âm lịch, ngày bà Hàn Xuân mất, cả làng cúng giỗ chay rất to ở chùa, gọi là giỗ hậu.

 Mấy chục năm chiến tranh loạn lạc, nhưng dân làng không bao giờ quên giỗ hậu. Nhiều gia đình trong làng vẫn truyền lại cho con cháu ân đức của bà hậu cứu giúp những năm đói kém. Các bà vãi làng vẫn truyền khẩu câu ca dao:

                Dù ai buôn bán trăm bề

 Tháng tám, mười sáu nhớ về giỗ chay.

 

TRẦN THANH CẢNH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...