Thứ Tư, 18 tháng 1, 2023

MÊ CA - Lưu Na

 pham duy va con duong cai quan

 

Vào trung học được vài năm, khi đã thôi đọc Tuổi Hoa Xanh tôi bắt đầu có thần tượng.  Thần tượng đầu tiên của tôi là cô Mỹ hàng xóm.  Cô là sinh viên Văn Khoa, thường mặc áo dài tím đi Velo Solex mỗi khi đến trường.  Xe bắt đầu chạy thì vạt áo tím kẹp yên sau phồng lên như tấm lụa trương gió, và những khi cô về đến cửa dựng xe xong đều “thưa Mợ con mới về” với bà cụ Xếp vấn khăn nhung đen áo bà ba trắng ngồi trước cửa chờ con. 

<!>

Cô vừa ngoan vừa mới, nhưng tôi mê cô vì cô có nhiều sách cho tôi mượn đọc, và nhất là cô biết đàn tranh.  Chiều chiều tôi leo gác ngồi chò hõ chờ cô gảy những bài Qua Cầu Gió Bay, Lý con Sáo, Tiếng xưa...  Sau mỗi bài cô thường so lại dây, và cô thường nói sẽ tập bài trường ca Con Đường Cái Quan nên ngày nào tôi cũng chờ mà chưa bao giờ được nghe.  Tôi hóng trên radio, trên TV những khi có bài hát nào dài thòng xem có phải bài trường ca ấy mà không bao giờ bắt gặp.

Hai mươi năm qua đi, ra nước ngoài tôi vẫn không quên cái thắc mắc ngày xưa nên khi nghe quảng cáo trình diễn hợp xướng bài Con Đường Cái Quan thì mua vé liền.  Vé xi nê lúc đó hình như 4 đồng, chờ thứ Ba thì chỉ 2 đồng, mà vé chương trình hợp xướng tới 30 đồng và còn phải mua thêm một vé để rủ anh bạn đi chung vì không muốn phải đi một mình.

Trong sự ngỡ ngàng (và hơi dốt) của tôi, trường ca CĐCQ không phải là 1 bài hát dài mà là một tập hợp 19 bài hát tả lại bước chân của người đi từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau với lịch sử lồng trong lời hát.  Bài hát thật đẹp cả ý nghĩa lẫn ca từ.  Ngỡ ngàng và thích thú hơn nữa là hình thức trình bày.  Bốn bè cất tiếng âm thanh lúc hòa lúc đối nhưng không kèn cựa hay phá giọng phá lời nhau; dàn nhạc hòa tấu với cung bậc Tây phương nhưng âm điệu bài hát vẫn không bị Tây hóa.  Tôi biết ra hợp xướng là thế nào, tôi biết ra không chỉ Thái Thanh mới hát được giọng cao giọng khỏe, và không cần gầm rống mà giọng hát vẫn cao tít trời mây.

Con Đường Cái Quan thành một ước vọng, một ám ảnh – làm sao để tôi học hát bài này đây. 

Năm sau ban hợp xướng thông báo tuyển ca viên, tôi mừng hết lớn.  Học sẵn một bài của Trần thiện Thanh (không quá sến cũng không khó như nhạc thính phòng), tôi quyết tâm tới dự tuyển – dẫu có rớt thì mình cũng đã gắng!

Đó là một ngày nắng ấm.  Tôi mặc áo cánh quần short đội nón rơm cỡi xe đạp tới địa chỉ tòa soạn báo NV mà tôi tưởng là một căn phòng nhỏ được mượn cho việc tuyển ca viên và có lẽ chỉ 2 người làm việc đó. 

Trước cửa, một đám thanh niên huýt sáo khi tôi đạp tới, hoảng quá tôi chạy luôn tới cuối đường tính bỏ về.  Nhưng tôi không muốn lỡ dịp may hiếm có nên quay trở lại.  Họ đã rút đi hết, rút đi đâu?  Rút vào trong hội trường nơi tôi sẽ thử giọng!  Không chỉ tôi hết hồn, mấy anh ca viên khi nãy huýt sáo bây giờ cũng vỡ nợ lui vào một góc bởi họ không ngờ dự tuyển mặc quần short áo cánh.

Anh nhạc trưởng ngoắc ngoắc, anh bảo tôi tới đứng bên piano và à a á a à theo tiếng đàn rồi xỉ qua bên phải phán “soprano.”

Bắt đầu 5 tháng huấn nhục của tôi.  Mỗi chiều Chủ Nhật cả ca đoàn học nhạc lý với các anh chị trưởng bè nửa buổi, và nửa buổi tập bài hát.

Mỗi tối thứ Tư hay thứ Năm nhóm ca viên mới tuyển phải đến nhà một ca viên để nhạc trưởng tập thêm cho giọng và bài hát.

Tôi sợ bị đuổi nên cần mẫn lắm.  Tôi học thuộc cả nhạc lẫn lời để chỉ chú tâm tập hát cho đúng theo ý nhạc trưởng, nên dù chưa đủ trình độ “ổng” vẫn cho đi trình diễn trong chương trình ở San Jose.

Đứng hàng thứ hai và sau dàn nhạc hòa tấu, sau nhạc trưởng, trên sân khấu mênh mông mà khi đèn tắt màn mở tôi run bắn.  Tim đập nhanh hơn cả ngựa phi và mồ hôi vã ra, tôi thều thào hát giữa đám ca viên phơi phới nhởn nhơ.  Tôi tin mình không hát sai, nhưng có sai thì cũng có ai nghe được đâu vì cái đám đó nó át giọng léo nhéo của mình rồi!  Xong buổi trình diễn, chúng tôi kéo nhau đi ăn và tôi đã chính thức là một ca viên của ban hợp xướng.

Ước vọng biết hát bài CĐCQ nay đã thành, tôi có quyền dông, nhưng nhạc trưởng đã bắt đầu cho tập 3 bài Hòn Vọng Phu, không thể bỏ qua.  Tôi lại hẹn với lòng học xong 3 bài này nữa.

Rảnh rang nhạc trưởng bắt đầu dí các ca viên mới, bị bắt ngồi hàng đầu xen kẽ với ca viên cũ.  “Hàng sau cùng hát cho tôi.”  “Hàng thứ hai.”  “Hàng thứ nhất” (có tôi). “Phân nửa hàng thứ nhất” (có tôi).  “Phân nửa của phân nửa” (có tôi).  Còn lại 2 người, dĩ nhiên kẻ hát quờ quạng là tôi.  Khóe miệng cong lên một chút như cười khẩy, “ổng” gõ nhịp cho vào bài hát.

Tôi ngượng, thấy mặt mình dầy hẳn lên, nhưng cũng đồng thời lòng tự ái khiến tôi bảo mình phải tập hát cho đến khi không còn là gánh nặng của ca đoàn.  Tôi vác xác đi học thêm một lớp nhạc lý ở trường, rồi mua thêm sách solfege về tự học.  Tôi bịa nốt nhạc dài ngắn để tập nhịp.  Tôi ông ổng mỗi khi rảnh đến nỗi ông xã bực mình bảo “dẹp đi, làm như thiệt!”

Dĩ nhiên tôi hết bị dí, bởi tôi đã thành ma cũ.  Nghĩa là luôn ngồi hàng thứ 3 để tiếng của mình khó du hành tới tai ổng.  Lựa một trự to miệng mà ngồi kế để tiếng của hắn lấp tiếng của mình.  Đếm nhịp cho kỹ vì sai nhịp là sẽ lòi ra mình.  Khiêm tốn nhỏ nhẹ lúc hát vì gầm rống là ổng sẽ nghe ra.  Sau bốn năm, tôi đã tham dự 3 buổi trình diễn và đã hát CĐCQ 2 lần, tôi sẽ từ giã ổng.

Bây giờ tôi mới nhận ra tôi đã mê hát ca đoàn.  Những khi mấy chục giọng cao thấp trong đục già trẻ cất lên thì như trăm con nước đổ vào một giòng, theo tay nhạc trưởng mà lúc ồ ạt như quân tiến bước như thác qua ghềnh, lúc thong thả khoan thai như suối qua đồng, lúc êm ái thầm thì lúc trăn trở buồn thương.  Tôi sung sướng được hòa giọng cùng các ca viên khác, được ăn ý với nhạc trưởng.  Tiếng hát là tiếng chung, và thành công thất bại là của chung.  Cho dẫu mỗi lần tập hát là mỗi lần bị hò hét, bị thuyết giảng (biết rồi, khổ lắm...), tôi hài lòng được là một thành viên của ban hợp xướng, được hát và được tham gia một sinh hoạt khởi sắc cho cộng đồng Việt Nam vừa ổn định và bắt đầu phát triển những hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Tôi lẽo đẽo theo nhạc trưởng hơn 20 năm, qua những thịnh suy của hai ban hợp xướng cho đến khi vì lý do sức khỏe mà nhạc trưởng không còn có thể viết nhạc và điều khiển dàn nhạc.  Ngồi không tôi nhớ đến những lần hát với các nhạc trưởng khác.  Có ông đánh nhịp, hát 3 dịp thì cả 3 dịp ca đoàn bị lỡ nhịp lạc nhịp.  Có ông biết điều khiển dàn nhạc nhưng không biết dạy hát và lúc trình diễn thì xem như không có ca đoàn.  Có ông thì không nghe ra giọng lệch âm, không nghe ra tiếng nhạc thiếu quân bằng.  Không chỉ nhạc trưởng ca trưởng mong có đội ngũ ca viên vững vàng để có thể thong thả hưởng thú dẫn nhạc, các ca viên cũng mong có một ca trưởng không chỉ biết nhạc mà phải biết hát để dạy mình hát những chỗ khó khăn khúc mắc của giọng, dìu dắt mình hát giữa rừng âm thanh của các nhạc khí; một ca trưởng biết liều lượng mà dẫn ca đoàn tiến lui, để khi bước lên bục hát mình an tâm gieo tiếng mong mang những âm thanh đẹp đẽ cho đời.

Đóng góp hay phục vụ được bao nhiêu chưa biết, nhưng hát ca đoàn đã là một phần của cuộc sống, đã thay đổi tính cách và suy nghĩ của tôi, khiến tôi thấy cuộc sống mình giàu có hơn.  Giờ đây, khi đã may mắn tìm được một ca đoàn khác để trụ, tôi mong mình còn đủ sức đủ đam mê để tiếp bước.  Không còn mấy khi hát nhạc đời, tôi mong có ngày mình lại được hát lại bản trường ca CĐCQ, được hát lên những lời yêu mến quê hương và cũng để sống lại cái bước ngoặt tình cờ thú vị của đời mình.

 

Lưu Na

01032023

(Tác giả gởi)

 

Mời nghe:

 

Trường Ca "Con Đường Cái Quan" (Phạm Duy) PBN 91

 Tặng những SVSQ Khóa 2/TĐH/CTCT/ĐL với nhựng đêm Văn Nghệ ở Vũ Đình Trường

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...