Một buổi kia vào youtube nghe nhạc nhìn thấy một cô bé nhỏ nhắn dễ thương đàn violon trên đường phố, một thành phố Châu Âu nào đó, bài hát mà cô say mê đàn là một bài hát kinh điển của Johann Strauss: Le Beau Danube Bleu, có một cái dĩa nhỏ để trước mặt cô. Người ta đi lại, dừng lại nghe, có người chụp hình, có người quay phim, có người vỗ tay bày tỏ sự ngưỡng mộ, thậm chí một cặp tình nhân qua đường còn tình tứ ôm nhau khiêu vũ theo tiếng nhạc. Khi cô đàn xong, điệu đà nhún chân chào khán giả với vẻ mặt tươi vui trẻ thơ, ống kính lướt qua cái dĩa nhỏ để trước mặt cô, cái dĩa trống trơn. Không, hình như có một cái gì đấy, một quarter, một cái coin một phần tư đồng, có lẽ đứa bé nào đấy đã để vào, Ống kính cứ dí mãi vào cái coin ấy, nhìn sốt ruột quá.
<!>
Điều đó làm người xem chạnh lòng, vì thấy nó… hơi giống cảnh trong nhà thờ. Một người đang cố gắng hết sức thuyết phục mọi người bằng bài thuyết giảng về mục đích Chúa Jesus đến thế gian, đã sống một đời sống tận hiến, chết trên cây gỗ, sống lại và về trời, trước khi về trời Ngài để lại một di huấn… kinh điển cho những người theo Ngài: Hãy đi khắp thế gian, giảng Tin Lành cho mọi người. Có nhiều người ngồi nghe, nhiều người Amen, Amen cách thành kính. Nhiều người nói: xin Chúa chúc phước cho Mục sư. Rồi người ta tản mác dần, giống như cảnh tượng trong câu chuyện người đàn bà tà dâm, khi Chúa Jesus hỏi rằng có ai thấy mình vô tội thì hãy ném đá người. Người thuyết giảng vẫn đứng đó, cố gắng nói, nhưng người ta đi hết rồi, không ai làm gì cả.
Ống kính chĩa vào trang Kinh Thánh sách Giăng 1:23: Ta là tiếng của người kêu trong đồng vắng rằng: Hãy ban đường của Chúa cho bằng, như đấng tiên tri Ê-sai đã nói. Tiếng kêu ấy đã vang lên từ hơn hai ngàn năm trước cho đến bây giờ, dù là tiếng kêu trong đồng vắng, nhưng nhiều tâm hồn nhạy cảm đã nghe thấu, đã nghe lời, đã rời bỏ chỗ an toàn của mình, ra khỏi đồng vắng của đời mình, đi vào các thành phố, các quận huyện, các làng xã, tới với những người đang ở trên núi cao, những người ở nơi mé biển, người sống tận rừng sâu, kêu lên tiếng kêu của Giăng Báp-tít. Nhờ đó mà cộng đồng Cơ-đốc giáo ra đời.
Tưởng rằng sau hơn hai ngàn năm, hai tỉ người trở lại với Tin Lành của Chúa Jesus như vậy đã đủ, nhiều rồi mà. Nhưng sao Giăng Báp-tít vẫn cứ ở trong đồng vắng, vẫn miệt mài kêu gọi, vẫn cứ nói về một đề tài đã cũ quá, Chúa Jesus chết vì mọi người. Bây giờ thời đại công nghiệp này có quá nhiều đề tài hay, trong giảng đường, trên sân khấu, các phòng zoom, facebook, youtube, website…, các diễn giả hùng biện đầy lửa, khắp mọi nơi trên thế giới đầy màu sắc. Vậy mà Giăng Báp-tít vẫn cứ đứng trong đồng vắng để nói. Tiếng kêu của ông cứ dội lại trong đồng vắng, ít người nghe lắm rồi. Tội nghiệp Giăng Báp-tít, hình như ông đã lỗi thời rồi, ông nên lui lại sau hậu trường để nhuờng chỗ cho thế hệ sau tiến lên. Lạ, Giăng Báp-tít chẳng nghe ai khuyên, cứ đứng đó và nói, ông không có những cái mic hiện đại, giàn âm thanh cao cấp, hệ thống mix siêu đẳng, chẳng ánh sáng màu mè rực rỡ sân khấu, một sân vận động mấy chục ngàn người, ông chỉ nói bằng cái giọng đã khàn khàn, đã hụt hơi của mình vì tuổi già, người ta đi dần ra ngoài, nơi có những điều hấp dẫn họ hơn, chẳng mấy ai còn nghe ông, sao ông vẫn cứ nói. Sao ông vẫn cứ trung thành với một sứ điệp đã cũ. Ông vẫn nói cách nhiệt thành như nó chưa bao giờ cũ, mà vẫn còn mới, mới hôm qua đây thôi. Thương biết mấy.
Ống kính chiếu vào Giăng Báp-tít mờ dần, rồi hiện lên hình ảnh Chúa Jesus lúc còn trẻ, khoảng 30 tuổi, lứa tuổi đẹp nhất của thanh xuân, khi sự nông nổi của thời 20s đã qua, bây giờ đã chín rồi, đã trưởng thành. Chúa Jesus không đẹp trai như hình người ta vẽ, vì yêu Ngài mà cố làm cho Ngài đẹp trai một chút. Ngài chắc chắn không là sexiest man alive thời bấy giờ, mà vẻ mặt đã già trước tuổi, đã khắc khổ của một người làm nghề lao động chân tay, một người thợ mộc trong một cái xưởng mộc nhỏ trong một làng nhỏ, ở xứ Giu-đê thời ấy có cái gì là lớn. Chàng thanh niên Do Thái có lẽ nghèo, vì chỉ mặc một cái áo, như một cái mền, cái khăn lớn, không có đường may, chàng đang đi bộ dọc theo bờ biển Ga-li-lê, tay không, không hành trang. Chàng vừa đi vừa nhìn ngó, như thể đang tìm ai đó. Quả là chàng có đang tìm thật. Chàng tìm những người có thể đi chung với chàng trong cái sứ mạng chàng đã cưu mang từ thuở vào đời. Chàng là người mà Giăng Báp-tít đã cố gắng nói to lên rằng: Này là Chiên con của Đức Chúa Trời đã đến để cất tội lỗi của thế gian đi.
Ống kính lại chĩa vào một người đàn ông khác, dường như không muốn ai chĩa ống kính vào mình, lẳng lặng đi con đường riêng của mình ở một quãng xa xa, nơi những người nghèo bán hàng rong trên lề đường, những trẻ con, người tàn tật bán vé số, những nông dân ngư phủ trong các làng mạc quê mùa, những người còn rất hoang sơ trên các dãy núi cao, che một túp lều để ở, này là người đàn bà địu con mắt ngơ ngác nhìn mây trắng bay, người già trĩu nặng lưng còng thời gian cúi nhìn mặt đất, người đàn ông cố gắng đi về những hướng ấy, những nơi mà ít ai muốn đến, vì nhọc nhằn quá, trả giá lắm, phải hy sinh một chút, hay nhiều hơn một chút, Ống kính càng vươn tới càng nhạt nhòa, vì người đàn ông ấy cứ lẩn khuất trong những bụi bờ, không ai thấy rõ,
Người đàn ông đang đi lại con đường mà ngày xưa Chúa Jesus đã đi, kêu lại tiếng kêu trong đồng vắng của Giăng Báp-tít, người đàn ông tự nhủ. Chúa Jesus đã đi những đoạn đường gập ghềnh sỏi đá của xứ Giu-đê, đến với những người còn có thể nghe Ngài nói, ngay cả những người không muốn nghe Ngài nói. Ngài vẫn nói, như thề ngày mai người không còn có thể nói. Vì đó là sứ mạng của Ngài. Ngài đã được định rằng sinh ra để chết. Chữ born to die là chữ chỉ dành riêng cho Ngài. Ngài đang làm một việc mà ngày nay người ta có thể cảm thấy lạ lùng, hơi một chút ngông cuồng, muốn thay đổi một xã hội Do Thái quá cuồng nhiệt với giáo luật mà không màng đến tình cảm con người. Nhưng nếu Ngài không làm thì không ai làm, không ai muốn làm, không ai muốn làm một việc có thể ảnh hưởng đến sự sống của mình, lấy đi sự thoải mái, sự an toàn của mình. Vì thế mà Chúa Jesus vẫn đi trên con đường không ai muốn đi, làm những việc không ai muốn làm, cho đến lúc ngã quỵ trên con đường via dolorosa dẫn đến đồi sọ, cũng chỉ có những người đàn bà đấm ngực khóc. Sao không thấy người đàn ông nào khóc. Người ta tiếc thương, chỉ tiếc thương lúc người trên đồi sọ, sao không đi cùng lúc người còn trên đường dài.
Tại sao bây giờ, giữa một thế giới văn minh cuồng nhiệt, hãnh tiến, với vô vàn công nghệ hiện đại phục vụ cho tất cả những nhu cầu của con người, thì Giăng Báp-tít lại chọn trở lại đồng vắng, và cất tiếng kêu ở đó, thay vì kêu lên giữa phố phường nhộn nhịp. Người ta đang ở trong những ngôi nhà trăm tỉ không thể nghe, ngồi trong những siêu xe “khủng” bịt kín không thể thấy, người ta còn mải mê check-in ở những khách sạn nhiều ngôi sao, những địa điểm du lịch mà nhiều người không thể thấy trong mơ. Người đàn ông nhìn lại Giăng 1:23, nhìn lại mình. Thương cho Chúa Jesus, thương lắm Giăng Báp-tít. Mình cũng đang làm một việc khá… ngông cuồng, muốn chinh phục những linh hồn người thất lạc cho Chúa Jesus bằng khả năng vô cùng hạn hẹp của mình, kêu lên những tiếng kêu của chim nhỏ vào buổi sáng khi thức giấc, buổi tối trước khi ngủ. Những tiếng kêu ấy dường như cũng rơi vào tiếng vọng âm của núi đá, của sa mạc, dội lại trong tâm hồn cô đơn của mình.
Gõ lại youtube, tìm lại cái video clip cô bé đàn violon trên đường phố,. Cô lại hiện ra, vẫn trẻ thơ, vẫn vui vẻ, tươi tỉnh đàn, dường như cô chẳng chú ý gì đến ai, những người qua đường đang dừng lại, đứng nhìn cô, chụp hình cô, quay phim cô, khiêu vũ theo tiếng đàn của cô, vỗ tay. Cô cũng chẳng để ý gì đến cái dĩa cô để phía trước. Cô đàn là để thỏa mãn cái đam mê âm nhạc của mình, vì một thiếu nữ trẻ tuổi với tiếng đàn điêu luyện như thế chắc không đi ra đường phố đàn để kiếm tiền. Cô cần kiếm tiền không, chắc không đến nỗi, trông cô ăn mặc tươm tất đẹp đẽ thế kia, dáng dấp trong trẻo kiêu sa thế kia, chắc cũng xuất thân từ một gia đình khá giả. Sao cô lại ra đường biểu diễn vậy?
Người đàn ông cũng vỗ tay, nhưng không đứng ngoài, ông ta len lỏi vào bên trong những người đang đứng xung quanh nghe cô bé đàn, đến gần cô. Cô cũng vừa đàn xong bài nhạc kinh điển ấy, ngừng lại, đưa đôi mắt nhìn xung quanh, đôi mắt trong trẻo hồn nhiên không vướng một chút bụi. Hình như cô cũng không quan tâm lắm đến cái dĩa nhỏ để trước mặt. Đôi mắt cô chạm phải đôi mắt người đàn ông lớn tuổi hơn cô rất nhiều, chắc cũng đáng tuổi ông nội, ông ngoại cô. Hai đôi mắt hai châu lục khác nhau vướng vào nhau cách vui vẻ, không ẩn ý gì hết, họ có quen biết gì nhau đâu. Hai đường hướng họ theo đuổi khác nhau Và hai lãnh vực mục đích cuộc sống họ cũng không giống nhau, Nhưng dường như họ có giống nhau một cái gì đó.
Cô bé hỏi: bác đang tìm kiếm điều gì vậy?
Người đàn ông nói: tôi đang tìm kiếm những tâm hồn.
Cô bé nói: cháu cũng vậy.
Cô bé cúi xuống thu dọn nhạc cụ của mình và vác lên vai, chuẩn bị đi. Người đàn ông cũng đưa tay chào cô bé, rời khỏi con đường nhộn nhịp đẹp đẽ đầy sắc mầu của thành phố, đi về hướng của mình đã chọn. Con đường dài, không thấy đích đến, nhưng người vẫn đi, lập lại lời mình nói: tôi đang tìm kiếm những tâm hồn.
Trần Nguyên Đán
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét