Thứ Ba, 28 tháng 3, 2023

Tiếng Nói - Trần Yên Hòa

 Ngỡ ngàng xem những bức tranh thiếu nữ 'khỏa thân xanh' của cố họa sĩ Bửu  Chỉ

 

Ngày Thước bước ra, nàng không mang theo bất cứ thứ gì nàng đã sắm trong năm năm. Nhớ nàng, Thụy có ê hề những thứ nàng để lại, nào bàn, ghế, sô pha. Những TV nhỏ, lớn. Những hình, ảnh, những giỏ hoa, nàng thường để trên bàn trang điểm, vẫn còn.

 <!>

Cái bàn trang điểm để lại trong phòng ngủ. Thụy nói với Ngà. Em xài cái bàn này đi, em hãy ngồi, ít nhất, mỗi sáng, cũng từ ba mươi phút tới một tiếng đồng hồ trước gương, soi mặt, rồi lựa chọn màu son nào tươi nhất, màu kem nào tốt nhất, thoa lên mặt, rồi đánh phấn hồng lên cho da mặt em thật mịn, thật nhuyễn. Anh định nói thêm, như Thước ngày xưa ấy. Nhưng Thụy chợt tỉnh lại và ngưng ngay.

Ở trên chiếc bàn này, Thước đã ngồi hàng giờ, thong thả tỉa từng sợi lông mi, tỉa thật kỹ, chà xát gương mặt để rồi quay lại hỏi anh. Đẹp hôn? Đẹp há! Anh nói. Đẹp lắm. Giọng cô gái miền tây sông nước, ngọt ngào như mía. Lúc đó nàng mới thu dọn đồ nghề, thay quần áo đi làm.

Bây giờ không còn Thước nữa, mà là Ngà. Ngà đã bước vào đời anh, thế chỗ Thước vừa bước ra.

Chuyện xảy ra hàng ngày trên cái bàn trang điểm, làm sao anh quên, nên bây giờ Ngà ngồi lên, anh lại tưởng Thước. Tưởng thôi. Thước đã nổi trôi, đã lềnh bềnh, dập dềnh, mọi lúc, mọi nơi, trong trí nhớ Thụy, trong giấc ngủ Thụy, kể cả trong giấc mơ của Thụy nữa.

Anh nói tiếp với Ngà, chiếc bàn này đẹp chứ em, của vợ người bạn, gia đình nó dọn đi xa, định cho Good Will, anh thấy đẹp nên mang về.


Ngà ngồi lên cái ghế có lót tấm vải nâu mềm. Nàng có vẻ sung sướng, hạnh phúc, hí hửng. Nàng nói, cái ghế ngồi êm lắm. Em thích.


Ngà đến với anh là sự tiếp nối, như một chương tiếp theo trong cuốn tiểu thuyết đời...Khi mất Thước rồi, anh thấy đàn bà sao mà quý giá. Mất nàng như mất hết. Kiếm một người khác bằng hay thấp hơn một chút, cũng khó khăn quá.

Đàn bà thật dễ tìm, mà cũng thật khó. Anh đã đứng hàng giờ trong những cái chợ, nhìn người. Trong quày bán trái cây, nhiều cô, bà, mặt hoa da phần, áo quần bảnh bao, "mốt miết" không thể tả. Họ đang đứng bên quày trái cây. Những bịch nho tươi, trái lớn. Các bà (cô) đẹp đẽ ấy, mở bọc nhựa ra, rồi vừa bốc từng nhúm bỏ vào miệng nhai (ngồm ngoàm), rồi tìm trong đó những nhành nho to nhất, chắc nhất, ngọt nhất, có lẽ thế, bỏ vào một bọc khác để sẳn. Xong, cầm lên lắc lắc. Sau khi đã chắc ăn một trăm phần trăm là bịch nho mình lựa mua là nhất, mới đi qua quày khác. Tiếp tục đến hàng trái bơ. Cô (bà) đứng lại, lục tìm trong đống bơ tươi vừa đổ xuống, lục lạo, tìm tận dưới đáy, cầm một trái lên, lại bấm, lại lắc lắc, đưa vào tai nghe có đặc hay rỗng. Lại nhấc lên, để xuống, rồi cầm lên trái khác. Xong, mới bỏ vào bọc ni lông của mình. Chỉ nội mua bịch bơ khoảng 5, 7 trái, thế mà cũng mất cả chục phút. Thụy nhìn và nghĩ. Các cô, (bà) này mà về với anh, anh sẽ mệt lắm vì sự quá  kỷ tính.

Hay vào trong các Mall, nhìn các cô lựa quần áo, giày giép, son phấn, nữ trang...hay vào các nhà hàng ăn uống, các cô (bà) ngồi ăn uống (nhồm nhoàm), nói năng cười cợt to tiếng, như chỗ không người, anh lại lắc đầu ngao ngán. Lại tưởng tiếc tình yêu đã qua, tưởng tiếc Thước đã xa bay...


Cho nên, chuyện tưởng dễ mà khó. Anh chỉ cần có tiếng nói trong căn nhà này, tiếng nói con người, chứ không từ radio, cd, hay cassette. Mà con người. Anh nghĩ đến những người đàn bà kia. Ăn, uống, nói, luôn miệng ca tụng mình, gia đình mình, anh chị em mình...và nổ, nổ văng miễng, như từng ở bên kho đạn Long Bình, Thành Tuy Hạ ngày nào...thì chán mớ đời...

Cái anh cần là một-người-con-gái-khác.


Khi Thước bước ra, cái khoảng trống trong anh sâu hun hút. Anh tưởng sẽ suốt đời trống, trống hoát, như cái mạch nước đã vỡ, tràn nước ra, khó tìm một cái nút gì để đậy lại, cho nước ngưng tràn. Thế mà em đã đến, đã xuất hiện, phủ chụp lên anh. Đó là Ngà.

 

                                               *


Chị Hân bên tiểu bang lạnh trong một buổi họp mặt thân hữu, đến gần Thụy và ôm chầm lấy anh:

- Thụy phải không, phải không?

Thụy đáp lại với vẻ ngơ ngác:

- Xin lỗi.

- Chị là chị Hân, vợ anh Phòng đây, ở miền bắc về dự.

Thụy ôm chầm lấy chị:

- Ô! chị Hân, chị còn trẻ quá, em nhìn không ra, cũng mấy mươi năm rồi.

Thế là hai chị em nhìn lại nhau sau gần ba mươi năm biệt xứ. Cũng may có những cuộc hội ngộ như thế này.

Chị Hân cầm tay Thụy lắc lắc:

- Thụy cũng vậy. Em cũng còn quá trẻ mà. Vợ con đâu mà đi xô lô một mình?

- Hiện em sống một mình.

Chị Hân ngẩn người. Thụy là em bà con xa với chị, hồi nhỏ hai chị em chơi thân với nhau, cùng một làng quê, cùng một xóm quê, chơi ô ăn quan, cò cò, u mọi. Rồi thời gian, rồi chiến tranh, rồi biển dâu...Đủ mọi thứ...Mấy mươi năm cho một đời người.

- Ở xứ này mà sống một mình chịu sao nổi, để chị lo.

 

*

 

Ngà ở một tiểu bang xa, rất xa, nếu đi bằng máy bay nội địa giá rẻ, thì có thể hơn 5 giờ bay. Nhưng Thụy không đến đó. Anh chỉ nói chuyện qua phôn.

Anh như con gà trống, bới đất, xù lông xù cánh, rồi gáy lên o o:

"Em à. Anh độc thân, sống một mình từ mấy mươi năm nay. Bây giờ nhìn lại đời sao thấy vô vị quá. Sao mình lại thui thủi thế này. Có ai biết nỗi cô đơn của anh không? Sống? Đồng nghĩa với vui vẻ, hạnh phúc, mà sao anh chưa có được những ngày vui. Em đến với anh đi. Hai tâm hồn, hai cuộc đời, cô đơn, nhập vào nhau làm một, đi em, như người ta vẫn thường nói. Hãy tìm một nửa của nhau. Đã lâu rồi, anh tìm mãi tìm hoài...mà không ra, bỗng dưng, dây tơ hồng nào đưa em đến với anh. Đúng em là một nửa của anh rồi."

Rồi anh gởi cho nàng qua phôn, hàng chục bản nhạc tình, trong đó có những bản, "Bài tango cho em", của Lam Phương, Từ ngày có em về, nhà mình toàn ánh trăng thề. Giòng nhạc tình đang tắt lâu, tuôn trào ngọt ngào như giòng suối. Lời nhạc, tự tình, rộn ràng, hy vọng, lạc quan, yêu đời. Rồi Tôi còn yêu, tôi cứ yêu của Phạm Duy, tôi còn yêu, tôi cứ yêu! tôi còn yêu, tôi cứ yêu! tôi còn yêu mãi mãi mãi, tôi còn yêu đời, tôi còn yêu người, tôi còn yêu tôi!

Ngà nhận tới tấp những lời phủ dụ đó, nàng chấp chới, nửa tin nửa ngờ. Tình đâu từ trên trời rơi xuống vậy cà? Nhưng niềm tin là một sự lặp đi lặp lại. Thụy biết những bài bản, nhứt cự ly, nhì tốc độ. Nhất lý, nhì lì. Anh thì quấn lấy, vơ vào. Nàng thì lần đầu tiên gặp "người đâu lì như con chi chi", cứ hai, ba tiếng đồng hồ là điện thoại reo, và khi nàng áp tai vào điện thoại, thì tiếng chàng trầm xuống, em yêu, anh nhớ em quá.

Tiếng nói chàng đã đánh động tâm hồn nàng, tâm hồn đã nằm im tiếng suốt bốn mươi năm. Trước đây, tình yêu với nàng, nàng thấy thật mơ hồ, nào công việc, nào chăm lo sức khỏe cho cha mẹ, nào những đứa em. Nó đã chiếm hết ở nàng một phần đời...Bây giờ cha mẹ đã mất, nàng bơ vơ thấy rõ, con bơ vơ trên cõi đời này quá! anh em, chị em làm sao bù đắp được khoảng trống của lòng con. Bỗng dưng chị Hân gọi điện thoại. Ngà ơi! Em đón nghe điện thoại của chàng trai này nghe. Chị nghĩ em sẽ vui. Và chuyện gì tới đã tới.


Tuyết và gió ở một tiểu bang lạnh đã làm nàng sợ. Sợ cái lạnh đến thấu xương. Chàng hằng ngày vẫn phủ dụ nàng "như con gà trống bới đất rồi gáy o o", em qua đây, miền này ấm áp như quê mình, như đà lạt, như nha trang...Qua đi em, qua với anh đi em. Anh thề sẽ yêu em mãi, mãi mãi.

Thế là nàng qua...

 

*

 


Mỗi khi ôm Ngà trong tay, mắt Thụy lim dim như tận hưởng một hạnh phúc. Mùi thơm từ da thịt, từ lotion, từ nước hoa tỏa ra ngào ngạt. Mà thật lạ lùng, sao Ngà lại hao hao giống Thước ngày xưa nhỉ, mái tóc dài, gương mặt trái soan, nụ cười hiền hòa...Nhiều lúc như vậy, anh cứ ngỡ ngàng gọi Thước, nhưng rồi anh dừng lại. Hai hình bóng cứ chập chùng, thay qua đổi lại. Ngà nói, áo anh dính cà phê rồi nè, để em đem vào rest room giặt cho, để lâu giặt không ra đâu anh. Anh thiệt tình! Rồi Ngà ngồi vụt dậy, ra khỏi vòng tay Thụy, đem giặt ngay chiếc áo.

Những buổi sáng trong veo, gió lạnh, anh ôm choàng qua bên, thấy trống vắng một khoảng giường nằm. Thụy biết Ngà đã dậy, đã xuống bếp chế cà phê, nấu cháo, nấu "ốt miu", giặt sạch chiếc khăn lau mặt bằng nước nóng, sửa soạn kem đánh răng để sẳn trên sink cho chàng. Lúc Thụy trở dậy, tiếng Ngà nhè nhẹ bên tai, anh dậy rồi hả, ngồi chút trên giường rồi hãy đi, cẩn thận nhe anh. Nhiều lúc nàng vào dìu anh đứng lên, hơi ấm tỏa lan, mùi hương tóc, hương da thịt. Anh trầm mình vào trong niềm yên vui nhẹ nhàng khó tả đó.

Những điều đó đã đi quá ước mơ chàng. Ước mơ chỉ cần tiếng nói, tiếng người, trong căn nhà nhỏ này. Nhiều buổi sáng dậy sớm, nghe tiếng ho của ai đó ở nhà hàng xóm, một bà Mỹ già hay bà VN già? anh chợt thấy mình đắm chìm trong niềm an vui. Anh nghĩ như mình như đang ở một xóm nhỏ phường 6, Tân Bình ngày xưa cũ, hay đường Vườn Lài, Tân Phú...Hay xa hơn, như tuổi thơ anh, trong căn nhà cha mẹ ở chợ Quán, sáng ngủ dậy, đã nghe lao xao tiếng người. Người mẹ tất bật đi làm đồng, vào trong giường lay gọi, cu em, dậy chuẩn bị rữa mặt, ăn uống, rồi đi học, con. Sáng rồi đó. Mấy củ khoai lang mẹ để ở chạn bếp lấy ăn nghe. Dậy đi con, trưa trờ, trưa trật rồi...

Rồi những buổi trưa nơi xóm quê kia, trên đường đầy nắng, nắng chạy loanh quanh trong những khu vườn, bay tít lên những ngọn cây cao, trên đó có những con chim đứng im tránh nắng, mắt chim lim dim như ngủ. Có những con chim cu đất cất tiếng gù gù. Tiếng chim se sẻ bay vòng quanh mái nhà, những con chim chiền chiện tít trên cao và hót giữa khoảng trời xanh!

Anh chợt nhớ câu thơ:

Một buổi trưa không biết ở thời nào,
Như buổi trưa nhè nhẹ trong ca dao,
Có cu gáy, có bướm vàng nữa chứ,
Mà đôi lứa đứng bên vườn tình tự.

(Huy Cận)

 
Anh lại nghĩ, Ngà đã đem lại cho anh không những là tiếng người, mà đem lại cả một vùng quê tuổi nhỏ, khu Đồng Đất, chợ Quán, con đường tỉnh lộ, những người nông dân chân lấm tay bùn... những bà Đương, bà Sử, bà Trà. Các chú Tham, chú Yên, chú Đàn, những thầy giáo Sam, thầy Khánh...Cả một vùng quê tuổi thơ bát ngát trong lòng anh...Sống dậy trong anh...bát ngát.

Tiếng nói làm vui cả một căn nhà, nó ríu rít trong từng ngõ ngách...trên từng bữa ăn, có món rau muống luộc, có gỏi gà trộn bắp chuối, tiếng nói, tiếng nói của em, tiếng nói quê kiểng của anh ngày xưa.


Thước chỉ còn về trong những giấc mơ, thoáng qua trong trí tưởng, tim anh không còn bị nhói đau như trước nữa. Những ngày trước, mỗi khi nhớ Thước, anh đã nhói đau như có trăm ngàn mũi kim đâm vào da thịt. Ánh mắt đó, nụ cười đó, bây giờ đã thay bằng đôi mắt Ngà, trong veo.


Thụy nghe như vang trong hồn, âm thanh nhỏ nhẹ của Ngà:

- Mai anh thích ăn món gì, em nấu.

 

 Trần Yên Hòa


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...