Thứ Năm, 13 tháng 7, 2023

Gặp gỡ [Phân đoạn 2-3] - Trịnh Y Thư

 


duythanh 3

Bản vẽ của Duy Thanh [1931-2019].


2.


Tôi không phải cậu trai học giỏi nên mãi đến năm mười ba tuổi tôi mới thi đậu vào trường Bưởi. Tôi thi đậu nhờ bố tôi chạy chọt nhờ vả người quen, chứ sức tôi thì tôi biết mình chẳng bao giờ được vào học cái trường trung học danh tiếng ấy. Gọi là trường Bưởi nhưng  thực ra nó không ở trên đất làng Bưởi mà đất chùa Chân Lâm. Người Pháp dời chùa đi để lập nhà in Schneider. Rồi lại dời nhà in về phố Hàng Bông thành nhà in Trung Bắc Tân Vân sau này, và nhường khu đất rất đẹp của làng Thụy Khuê cho trường. Trường nằm ven Hồ Tây, cảnh trí thật thơ mộng, và tôi đã có những buổi chiều thật đẹp nhìn ngắm không biết chán mặt gương sáng bạc của cảnh quan đẹp nhất Hà Nội ấy.
    <!>
 
Tôi học chưa được ba tháng, chưa kịp quen trường, quen lớp, thì có lệnh sơ tán vì phi cơ đồng minh không tập Hà Nội ngày đêm. Lúc đó Nhật đã chiếm Đông Dương và ngôi trường bị quân Nhật chiếm làm nơi đóng quân. Việc học của tôi coi như gián đoạn vì nếu muốn tiếp tục học tôi phải theo trường chạy ra Hà Đông ở trọ, một điều hết sức khó khăn đối với gia đình tôi lúc đó. Được ở nhà, không phải đi học, tôi càng thích. Có gì thú vị đâu, ngồi im trong lớp học hàng giờ nghe ông giáo sư già người Pháp giảng bài bằng tiếng Pháp mà tôi cố vểnh tai lên nghe mãi vẫn chẳng hiểu ông nói gì.
     Tuy mới vào học nhưng tôi kết bạn được với mấy thằng nhãi ranh nhà ở làng Thụy Khuê, và tôi hay vào chơi với bọn chúng. Không phải thằng nào cũng thật lòng chơi với tôi. Chúng chịu làm bạn với tôi chỉ vì mẹ tôi ngày nào cũng dúi cho tôi ít xu dằn túi. Có hai xu tôi mua túi kẹo lạc đem vào chia cho chúng nó. Mỗi thằng bỏ vào mồm hai miếng kẹo mạch nha ngào lạc rang ngọt lự là hết túi kẹo. Sau đó chúng rủ tôi đi bắn chim. Mỗi thằng đều có cây ná giắt lưng quần và đạn là những hòn đá bé bằng đầu ngón tay út bỏ trong túi áo. Chúng nó bắn giỏi lắm, lần nào cũng bắn được cả năm sáu con chim. Bắn xong chúng đem về vườn sau nhà một thằng nào đó rồi nổi lửa, vặt sạch lông chim, lấy một cái que dài đâm từ mỏ đến đít con chim đem nướng. Chúng ngồi quanh đống lửa, mỗi thằng cầm một cái que trên có xác con chim trắng hếu hơ trên đống lửa rồi không đợi thịt chim chín, đưa vào mồm vừa ghé răng xé thịt chim nhai nhồm nhoàm vừa hít hà.
     Có năm thằng cả thảy, thêm tôi nữa là sáu. Tôi nhớ cả tên chúng nó: Toại, Cát, Phong, Cu Nhớn, Cu Bé. Tôi không biết tên thực của Cu Nhớn, Cu Bé là gì. Chỉ biết hai thằng là anh em ruột. Nhà hai đứa nghèo lắm nên học chưa xong lớp Ba tiểu học đã phải ở nhà đi chăn trâu, chăn bò và phụ việc đồng áng. Ba thằng kia nhờ bố mẹ khá giả hơn nên đều là dân trường Bưởi như tôi. Học phí lúc đó là bốn đồng bạc Đông Dương một tháng, to lắm, nên không phải gia đình nào cũng cho con cái đi học được. Trong đám chỉ có thằng Toại, Cu Nhớn, Cu Bé là tỏ vẻ quý mến tôi. Thằng Cát, thằng Phong, chỉ chờ có dịp là bắt nạt tôi. Mỗi lần tôi bị bắt nạt, thằng Toại đều bênh tôi và nhờ thế trước sau tôi chỉ bị hai thằng kia đánh ba lần mà mỗi lần cũng không đau lắm. Cu Nhớn, Cu Bé thì hiền lành như hai cục đất. Hai thằng này được cho vào chơi chỉ vì tháo vát, bị bắt làm gần như tất cả các việc khó nhọc như nhặt củi, đào đất, chạy đi nhặt chim sau khi bị bắn rớt, chưa kể phải bồi dưỡng các cuộc đánh chén bằng các món phụ trội như ngô, khoai đem từ nhà đến. Hai thằng thích tôi vì ngoài kẹo lạc, thi thoảng tôi còn mua một tờ Tiểu Thuyết Thứ Bẩy vào đọc cho hai thằng nghe. Chúng nó đang ở tuổi dậy thì, thằng nào đầu óc cũng mơ mộng đủ thứ mặc dù lúc nào cũng ru rú trong ngôi làng nghèo khổ.
     Tiểu Thuyết Thứ Bẩy là một tờ báo giá bán ba xu chuyên đăng những truyện tiểu thuyết diễm tình lãng mạn ủy mị dành cho thanh thiếu niên đọc. Nó là chính sách ru ngủ thanh niên của thực dân Pháp hay bất cứ một chế độ độc tài nào.
     Giải trí của Cu Nhớn, Cu Bé sau bữa đánh chén thịt chim là ngồi bên cầu ao nghe tôi đọc truyện. Cái ao cá bên cạnh vài luống cải vàng, mặt ao bèo nổi xanh mượt mà, gió mát phe phẩy, thi thoảng một con cá đớp chân bèo, bọt nước sủi tăm. Đúng ra tôi cũng thấy thú vị ngồi đọc cho hai thằng nghe vì quan sát nét mặt hai thằng lúc nghe truyện – đôi mắt lúc thường thô lố bỗng nhắm lại mơ màng, mồm miệng trễ xuống, hàm răng vẩu chìa ra như cái bừa – tôi không thể nào nín cười được. Có hôm đang đọc tôi bỗng phì ra cười, hai thằng choàng tỉnh nhìn tôi ngơ ngác ra vẻ ngạc nhiên. “Đang núc tình tứ éo ne, sao anh Minh nại cười?” Cu Bé hỏi tôi. Trong bọn, nó mới mười hai, bé nhất, nên gọi ai cũng bằng anh, xưng em ngọt ngào. Tôi bảo nó tôi thấy hai con chuồn chuồn dú dí với nhau trên mặt nước ao nên phì cười. Nói thế mà nó cũng tin.
     Một hôm, sau bữa đánh chén thịt chim, thằng Cát quay sang tôi, nói như ra lệnh:
     “Thằng Minh! Ngày mai mày ra tiệm Phó đội Hy mua cút rượu đem vào cho chúng tao uống.”
     Tôi hơi bất ngờ. Cái yêu cầu uống rượu này thì chưa bao giờ tôi nghe.
     “Bao nhiêu một cút?” Tôi hỏi nó.
     “Năm hào.”
     “Năm hào? Tao đào đâu ra năm hào mua rượu cho chúng mày uống?” Tôi kêu lên.
     “Địt mẹ! Nhà mày giàu nứt đố đổ vách, ai cũng biết. Bố mày làm công chức, lại còn viết báo kiếm thêm tiền. Năm hào thì có là bao.”
     “Nhưng mẹ tao chỉ cho tao có năm xu mỗi ngày ăn xôi, đi tàu điện. Năm hào nhiều lắm, chứ mày tưởng ít, hả?”
     “Mày lấy trộm của mẹ mày, chắc mẹ mày không biết đâu.” Nó nói mặt tỉnh bơ.
     “Không được! Tao không lấy trộm của mẹ tao đâu, mày đừng bắt tao làm chuyện xấu xa đó.”
     “Địt mẹ mày, Minh! Mày ăn bao nhiêu chim của bọn tao bắn, có cút rượu năm hào mà mày bần tiện không dám tiêu, hả?”
     Nghe nó nói thế, tôi chỉ biết im lặng. Quả thật, trong những buổi đi bắn chim, tôi chẳng bao giờ bắn được con nào, mặc dù cái ná cũ của thằng Toại thuộc loại khá tốt mà tôi đem năm tờ Tiểu Thuyết Thứ Bẩy ra đánh đổi. Lúc chia phần, bao giờ chúng nó cũng cho tôi con bé ít thịt nhất. Ngoại trừ một lần duy nhất, thằng Toại bắn được con sâm cầm, mà chúng nó gọi là cốc vộc, và nó cho tôi cắn hai miếng. Sâm cầm đến mùa thiên di không biết từ đâu bay về Hồ Tây nhiều lắm. Công nhận thịt nó ngon tuyệt, dù chỉ nướng qua loa bằng lửa và chấm tí muối tiêu chanh của thằng Cu Nhớn vốn lúc nào cũng thủ sẵn một gói trong túi áo.
     “Mày để tao xem đã.” Tôi tìm kế hoãn binh.
     “Địt mẹ! Mày không mua rượu thì chúng ông đếch cho mày vào đây chơi nữa. Cút xéo đi chỗ khác!”
     Nó đề nghị tôi làm việc xấu như thế mà không hiểu sao tôi nghe lời. Tôi biết chỗ mẹ tôi cất tiền, trong cái tráp vuông vức màu đen cẩn xà cừ nằm dưới đáy rương quần áo. Đợi nhà vắng người, tôi lẻn vào phòng mẹ lục rương, rút ra năm tờ một hào.
     Bữa đánh chén có rượu vui hẳn lên. Thằng Cát, thằng Phong hình như đã từng uống rượu nên ực rượu như nước lã. Thằng Toại uống cầm chừng. Anh em Cu Nhớn, Cu Bé không uống. Tôi lần đầu thử thứ nước thánh ấy, chẳng thấy ngon tí nào. Nó đắng nghét, hăng xộc lên mũi và có mùi chua. Thấy tôi nhăn mặt sau khi uống một ngụm nhỏ, thằng Phong nói nửa đùa nửa thật:
     “Minh, mày phải tập hưởng mùi đời cho quen đi là vừa. Còn nhiều thứ trên đời lắm, bỏ là phí của Giời đấy, con ạ. Mày còn phải học rõ nhiều.”
     “Phong, mày hứa cho chúng tao xem xi la ma,” Thằng Cát bỗng chen vào. “Đâu, xi la ma của mày đâu? Uống rượu đánh chén xong rồi, tao muốn đi xem phim của mày.”
     Tôi ngỡ thằng Phong hứa cho cả bọn đi xem phim thật. Xem phim thì tôi chẳng lạ gì. Những buổi chiều thứ Bẩy rỗi rãi, bố tôi vẫn đưa mẹ con tôi đi xem phim ở rạp Majestic, Philharmonique quanh Hà Nội, đôi khi còn thuê xe kéo lên tận rạp Cầu Gỗ nữa, nếu trên đó có phim hay. Tôi thích xem phim lắm, thích nhất là phim Charlot.
     Nhưng anh em thằng Cu Nhớn, Cu Bé thì chắc chưa bao giờ trong đời được xem phim, tôi thấy hai thằng chẩu mặt về phía thằng Phong háo hức chờ đợi.
     “Gượm đã nào! Để tao uống cạn cút rượu đã. Hôm nay tửu lượng mày sao yếu thế, hử Cát! Chưa hết cút rượu đã đòi đi rồi.”
     “Ừ, tao uống đủ rồi. Hôm khác bắt thằng Minh mua hai cút uống cho say túy lúy luôn. Mấy lại hết thịt chim rồi, uống rượu không, nhạt mồm lắm.”
     Thằng Phong cầm cút rượu tu luôn một hơi đến cạn sạch, xong nó khà một tiếng như tay bợm sành điệu. Nó quay sang nhìn bóng cây cau dưới đất. Lúc đó chúng tôi đang ngồi ở vườn sau nhà Cu Nhớn, Cu Bé. Bố mẹ nó vẫn còn ở ngoài đồng. Các chị nó cũng không có nhà. Có ba bà chị, bà nào cũng phải đi làm công cho người ta. Cu Nhớn mười bốn, bà chị kế của nó chắc chỉ mới mười lăm. Mười lăm đã phải làm việc quần quật suốt ngày, chưa kể bị chủ chửi mắng, đánh đập không thương tiếc.
     Sau nhà có ba cây cau đứng thẳng băng như ba cây cột, nhìn bóng cây đổ dài trên mặt đất nâu bằng phẳng, thằng Phong biết mấy giờ. Đó là tài của những thằng nhãi sống trong làng, tôi chẳng bao giờ học được.
     “Còn sớm, nó chưa về đâu.”
     Tôi thắc mắc, còn phải đợi đứa nào về nữa? Suốt nửa năm nay chơi bời trong làng với chúng nó, tôi có thấy đứa nào nữa đâu. Thắc mắc nhưng tôi không tiện hỏi.
     Một lúc sau, hình như thằng Cát, thằng Phong đã ngà ngà say. Riêng tôi thì thấy nhức đầu vì ảnh hưởng của ngụm rượu. Thằng Phong đứng lên buông thõng một câu:
     “Chúng mày đi theo tao. Không đứa nào được mở mồm nói cái gì. Nghe rõ chửa? Nhớ đấy! Phải im lặng từ đầu đến cuối.”
     Thằng Cu Bé có vẻ thích chí với trò chơi mới này của thằng Phong. Nó líu ríu đi theo cả bọn, có lúc nó níu lấy tay Cu Nhớn nhưng bị Cu Nhớn hất ra. Nó lùi lại đi sau tôi, tôi thấy nó nắm áo tôi. Bọn tôi đi lâu lắm, xuyên qua những ngôi nhà lụp xụp xây bằng đá ong màu đỏ cam nhưng đã đen xỉn, những thửa ruộng mạ non xanh lõng bõng nước, những nấm mộ hoang phế vô tổ chức nằm dưới ruộng, đến một khu có độ hơn mười nóc nhà ngói đỏ, tường gạch quét vôi vàng, cửa ra vào, cửa sổ đều sơn màu đỏ sẫm, sân lát gạch Bát Tràng đỏ au, xúm xít dưới những tàn cây rậm rạp. Đây là khu nhà giàu trong làng. Tiên chỉ. Chánh tổng. Lý trưởng. Trương tuần. Và các tay hào phú trong làng, ruộng cả trăm mẫu, cò bay thẳng cánh. Tất cả tụ lại đây. Các cụ sống phè phỡn, ngày ngày ngồi đánh cờ, uống rượu, đánh chén, vịnh thơ, trong lúc đám dân đầu đen dưới kia làm việc như trâu như bò để cung cấp rượu thịt cho các cụ.
     Thằng Phong dẫn chúng tôi đi len lỏi đến một gốc cây bàng già cội thân mọc nghiêng chứ không thẳng đứng, có nhiều nhánh to đâm ngang. Nó có vẻ thành thuộc lối đi, vì từ bên ngoài nhìn vào chẳng ai có thể biết được trong này là một thế giới nho nhỏ kín đáo và thanh mát. Dưới gốc cây bàng, thằng Phong nhìn quanh rồi tụ cả bọn lại khe khẽ dặn dò:
     “Tao mấy lại thằng Cát trèo cành này, thằng Toại, thằng Minh cành kia, còn anh em Cu Nhớn, Cu Bé tụi mày lên cành ngoài cùng. Nghe rõ chửa. Không thằng nào được mở mồm nói gì. Nhớ đấy.”
     Thằng Phong trèo lên cây thoăn thoắt như con vượn. Đúng ra chỉ mình tôi khó nhọc trèo lên thôi, chứ mấy đứa kia trèo giỏi chẳng kém. Lên an vị một lúc khá lâu, tôi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Thằng Phong và thằng Cát ngồi vắt vẻo trên cành cây cách chỗ tôi độ hai sải tay. Cây lá nhiều nên tôi chỉ thấy nửa đầu hai thằng. Anh em Cu Nhớn, Cu Bé thì không thấy đâu. Có lẽ chúng nó nằm ở cành ngoài cùng bên dưới tôi. Thằng Cu Bé chắc nằm bẹp ôm cứng lấy cành cây chứ chẳng dám ngửng đầu lên đâu. Cái thằng nhát như cáy.
     Ngồi đây nhìn xuống, tôi thấy trước mắt là sân sau những ngôi nhà ngói đỏ. Trông chẳng có gì đặc biệt. Những giàn bầu, mướp, và hàng trăm thứ đồ đạc, vật dụng cũ kỹ lỏng chỏng chất đống bừa bãi bên những vại sành chứa nước mưa. Tiếng gió lay động đám lá xào xạc hòa lẫn tiếng ếch nhái từ ngoài đồng vọng về tạo thành một khúc nhạc chiều du dương. Không gian yên ắng, ngụm rượu vừa rồi khiến hai mí mắt tôi nhướng lên không nổi.
     Đợi thêm chừng năm phút nữa thì tôi hiểu nội dung cuốn “phim” thằng Phong dẫn chúng tôi đi xem. Từ trong nhà bước ra một cô gái chắc chắn hơn tuổi chúng tôi nhưng có lẽ không quá mười tám, mười chín. Cô đi về phía hai cái vại sành đựng nước mưa được quây xung quanh bằng một tấm nan sơ sài. Cô mở tấm nan, không buồn khép lại mà từ tốn cởi hết quần áo máng lên chậu cây thâm thấp bên cạnh rồi cầm gáo múc nước giội lên người. Da cô trắng muốt, mái tóc đen xõa tung trên hai bờ vai tròn lẳng. Từ chỗ nấp, tôi chỉ thấy phần trên thân thể với đôi vú căng tròn của cô, thằng Toại chắc cũng thế. Nhưng hai thằng giặc kia phải trông thấy toàn bộ pha cụp lạc vì tầm nhìn từ chỗ nấp của chúng rõ hơn chỗ của tôi và thằng Toại nhiều, và không bị tấm nan che. Còn hai thằng mán ngố thì chắc chỉ thấy cái đầu. Máu trong người tôi dồn mạnh, tim đập thình thịch. Tôi nghe thằng Toại nuốt nước bọt ừng ực, tôi cũng thế. Cô gái tắm lâu lắm, có cả xà phòng. Nhà giàu có khác. Cô xoa xà phòng khắp người, lúc xoa chân hay đùi, cô cúi người để lộ tấm lưng múp míp, còn lúc xoa bẹn, tôi có cảm tưởng cô khuỳnh hai chân theo tư thế người tập võ xuống tấn.
     Trong lúc tôi đang đê mê với cảm giác kích thích tột độ chưa từng có bao giờ trong đời thì đột nhiên tôi nghe tiếng kêu “Ái! Ái! Ái!” liên hồi từ đằng sau. Có lẽ tiếng thằng Cu Bé. Nó bị chuyện gì thế? Tôi hoảng vía. Thôi! Bỏ bu rồi! Điệu này động ổ mất rồi! Tôi nghe thằng Cu Nhớn xuỵt khẽ bảo nó im, rồi tiếng thằng Cu Bé: “Em bị kiến ló đốt, anh Nhớn ơi! Ái! Ái! Đau quá! Kiến ló đốt dái em, anh Nhớn ơi! Ái! Ái!” Tội nghiệp thằng Cu Bé. Nó bị kiến đốt nhưng sợ ngã hai tay vẫn bấu chặt cành cây nên chẳng còn tay đâu mà giết kiến, đành cắn răng chịu đau và kêu la chói lói.
     Tiếng “Ái! Ái!” luôn mồm của thằng Cu Bé vọng đến tai cô gái ngay. Cô ngước mặt ném tia nhìn thật nhanh lên phía chúng tôi nấp rồi tất tả ôm vội đống quần áo chạy ào vào nhà, vừa chạy vừa kêu to: “Bu ơi! Bu! Có đứa dòm con tắm. Bu ơi! Ra giúp con.”
     Cô vừa lọt người sau cánh cửa thì một mụ đàn bà đầu chít khăn mỏ quạ, áo cánh nâu, quần đen, từ trong xông ra. Mụ hét tướng:
     “Lại cái thằng Phong chết tiệt đi dòm con gái nhà người ta tắm! Tiên sư cha nhà mày! Mày có xuống đây ngay không thì bảo. Lần này tao cho thằng trương tuần dần cho mày một trận nhừ tử xem mày có chừa cái tật xấu xa bẩn thỉu ấy đi không. Tiên sư cha nhà mày. Đồ con nhà vô giáo dục!”
     Ba con chó dữ cũng xông ra theo mụ sủa vang. Mụ còn đứng chửi những câu thô tục khác nữa, lôi cả tam đại tông đường nhà thằng Phong ra mà chửi. Nhưng mụ không ra chỗ cây bàng được vì bức tường ngăn vườn sau với bên ngoài không có cổng. Nhân cơ hội ấy, chúng tôi tụt xuống tìm đường tẩu thoát. Thằng Phong, thằng Cát đã chạy một quãng xa vì vừa biết bị động ổ hai thằng đã mau chóng tụt xuống phóng chân chạy như bay, mất hút. Còn lại, thằng Toại chạy trước, rồi đến tôi. Cu Nhớn đáng lẽ chạy trước vì nó to khỏe hơn cả tôi lẫn thằng Toại, nhưng chốc chốc nó cứ phải đứng lại chờ thằng Cu Bé vì thằng nhãi con này chạy một quãng lại dừng. Dừng để thò tay vào trong quần gãi sồn sột, vừa gãi vừa nhảy tưng tưng. Khúc đường làng này lót toàn gạch vồ Hương Canh Vĩnh Phúc chắc khừ nên chúng tôi chạy nhanh lắm. Tôi tháo xăng-đan cầm trên tay chạy chân không như chúng nó. Suốt hai bên đường tiếng chó sủa râm ran nối tiếp nhau từ xóm trên xuống xóm dưới như khúc khải hoàn chào mừng đoàn quân chiến thắng trở về.
 
 
3.
 
Sau này tôi biết ra cô gái là con út cụ Chánh tổng Phùng Gia Tuyên khét tiếng cả vùng. Nhà thằng Phong gần khu vực giàu có ấy. Thảo nào nó rành rẽ đường đi nước bước, và chắc chắn hơn một lần “phạm tội.” Có lần tôi gặp cô gái ở vườn hoa Nghi Tàm, cô đi chụp ảnh với người bạn gái. Dĩ nhiên cô nào biết tôi là ai, cô nào biết tôi đã nhìn thấy cô trần truồng. Tóc cô lúc này phi-dê quăn tít, cô mặc chiếc áo dài Lemur của ông Cát Tường, nhưng nét quê mùa vẫn đặc quánh trên người cô. Chỉ được cái nước da trắng lốp. Khuôn mặt cô bầu bĩnh, mắt lá răm, hai môi dầy, người thấp lùn, nhưng đôi mông thì to lắm. Điều này tôi biết chắc, bởi lúc ôm đống quần áo tất tả chạy vào nhà, cô quên rằng nguyên phía sau cô lõa lồ, không một tí vải che từ đầu đến chân, và trước khi tụt xuống gốc cây bàng tôi đủ thời gian dán mắt vào đôi mông ấy. Núng nính. Nủng nỉnh. Như hai túi bột ai túm lại rồi lắc lắc. Đôi mông vẫn theo tôi ám ảnh mãi đến tận cuối đời, bây giờ.
     Tội nghiệp Cu Nhớn, Cu Bé. Chẳng biết ai đến nhà hai thằng mách bố mẹ chúng nó, thế là mỗi thằng bị mười cái roi mây quắn đít. Thằng Cát, thằng Phong, thằng Toại thì chẳng sao. Mỗi thằng chỉ bị mắng vài câu là xong chuyện. Tôi thoát nạn. Chẳng ai biết tôi con cái nhà ai, ở đâu, chỉ biết tôi học bên trường Bưởi. Nhưng cả trường lúc đó chẳng còn ai để vào mách. Đứng trước cổng trường ngày đêm là những tên lính canh Nhật mặt mày đằng đằng sát khí, lúc nào cũng sẵn sàng giơ súng bắn chết bất cứ ai dám bén mảng lại gần.
     Sau đó tôi cũng ít khi vào làng. Thằng Cát, thằng Phong biến đi đâu mất dạng. Anh em Cu Nhớn, Cu Bé thì bị bắt làm việc quần quật suốt ngày. Chỉ còn thằng Toại thi thoảng tôi gặp một lần. Tôi gần với thằng Toại hơn, tính tình nó mềm mỏng giống tôi, và biết lo cho người khác. Chính nó dạy tôi bơi, nhờ thế tôi thoát chết một lần sau này. Nhưng đó là chuyện về sau. Thằng Toại hơn tôi hai tuổi, nó thông minh học giỏi, nếu không xảy ra vụ sơ tán thì năm nay nó thi Đíp-lôm. Việc học hành bị dang dở, nhưng hình như nó chẳng mấy quan tâm. Có lần nó bảo tôi: “Nhiều lúc tớ cũng muốn học lên cao để ra đi làm kiếm tiền giúp đỡ bố mẹ, gia đình. Nhưng thú thực với cậu, tớ chán cái học này lắm. Nó chỉ khiến đầu óc mình càng ngày càng ngu muội đi thôi, vì nó là thứ học bắt người ta phải nghe lời, nghe lời người trên, tức là phải nhịn nhục, cam tâm làm nô lệ.”
     Nghe nó nói, tôi chẳng hiểu gì mấy, chỉ mơ hồ nhận biết nó là thằng trai trẻ có ý chí và ý hướng, khác hẳn tôi. Suốt thời gian chơi với nó, tôi học được nhiều điều, từ những điều vặt vãnh trong đời sống cho đến những chuyện cao hơn trong sách vở. Và tôi phục nó lắm.
     Thấy tôi chơi bời lêu lổng mãi, bố tôi mua ít sách về bắt tôi học ở nhà, phần nhiều là sách học tiếng Pháp và kiến thức phổ thông. Học thì học. Tôi cũng chẳng còn trò chơi nào nữa, vả lại, đời sống có vẻ như càng lúc càng khó khăn. Một hôm tôi nghe mẹ tôi bảo bố tôi:
     “Dạo này không thấy chị Xoan quảy gạo đến bán cho nhà ta nữa, cậu nhỉ?”
     Bố tôi trầm ngâm một lúc mới trả lời bà:
     “Chị Xoan không quảy gạo đi bán nữa vì dưới đó hết gạo rồi. Tôi nghe nói thôn quê bây giờ không còn gạo để đem lên bán trên thành phố nữa.” Ngưng một lát, ông nói tiếp, “Mợ không biết đấy thôi, chứ hiện nay có đến một triệu quân Nhật đang chiếm đóng từ Nam ra Bắc. Nhật nó cũng ăn cơm như ta, tức là phải có gạo cho chúng nó. Một triệu thằng lính Nhật ngày nào cũng ba bữa cơm trắng cá tươi thì tôi hỏi mợ lấy đâu ra mà cung phụng cơ chứ? Thằng Pháp bị thằng Nhật ép và thằng Pháp quay ra ép dân ta phải chịu đói. Sẽ đói to chứ chẳng chơi đâu. Nhà ta nên dè sẻn, ngộ nhỡ lúc thiếu thì còn cái mà ăn.”
     Ông nói như nhà tiên tri, bởi chỉ ít lâu sau, mẹ tôi mỗi ngày phải cầm thẻ phân phối ra chầu chực cả hai ba giờ đồng hồ trước cửa tiệm buôn lẻ mua được nửa lít gạo đỏ rắn như ngô sống đem về quấy quá nấu bữa cơm bữa cháo cho cả nhà ăn. Một bó rau cũng phải có thẻ phân phối mới mua được và giá cả thì khủng khiếp lắm. Tôi đang tuổi lớn, bữa nào cũng chỉ lưng bát cơm hay nửa bát cháo thì làm sao đủ no. Tối nào đi ngủ, bụng tôi cũng cồn cào vì đói. Nhưng ít ra bố tôi vẫn tháng tháng đem tiền về, tôi và chị tôi vẫn chưa đến nỗi phải ra đường đi xin ăn.
     Tôi thấy những đứa trẻ dơ bẩn đi bới rác tìm mẩu xương hay miếng cháy bỏ vào mồm. Có đứa rình đứa khác mua được ổ bánh mì hay cái bánh dầy là xông đến cướp rồi vừa chạy vừa bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến. Nếu bị đuổi kịp, nó chịu để cho đánh đến bầm mắt, chảy máu mũi, chứ không chịu nhả bánh ra khỏi miệng.
     Người thành thị đói một thì người thôn quê đói mười, vì ở thành thị, có tiền vẫn mua được lít gạo đỏ hay lạng thịt, trong khi ở miền quê, sau khi ăn hết đến cả chuột chù, rắn rết, đào cả củ chuối lên ăn thì chỉ có đói mà thôi. Tôi bắt đầu thấy những đoàn người áo quần rách rưới, gầy còm, má hóp, đôi mắt thất thần, những thây ma biết đi, dắt díu nhau lết từng bước một ngang cửa nhà tôi. Mỗi lần có người vào xin ăn, mẹ tôi cho đóng chặt cửa lại rồi kéo chị em tôi vào tuốt trong bếp trốn kín. Bà bảo cho một người, một nghìn người kéo đến như bên nhà bác Ba Định thì chỉ có mà tan nhà nát cửa. Ngày nào cũng thế, trời vừa ửng sáng tôi đã nghe tiếng xe bò lịch kịch đi ngang. Tôi hé cửa ra nhìn, thấy trên xe bò toàn xác người chất đống cao nghệu. Họ đang đi nhặt xác những người chết trong đêm. Mẹ tôi thấy tôi đứng nhìn, bà quát mắng bảo tôi đóng ngay cửa lại, đi vào.
     Một hôm, ở nhà mãi, cuồng chân, tôi lang thang ra bãi cát Phúc Xá ven sông Nhị. Tôi ngạc nhiên lắm khi thấy cả nghìn người lố nhố đen kịt ở đấy. Kẻ đứng, người ngồi, và không ít người nằm dài trên bãi cát. Tôi tò mò bước lại gần và biết ra đây là những người dưới quê lên xin ăn. Hôm đó, nghe nói có ban cứu tế nấu cháo phát chẩn, nên họ ùn ùn kéo đến. Tôi thấy có khoảng mười mấy chị, trên tay mỗi chị cầm một cái siêu nước. Sau một lúc tôi mới hiểu ra những cái siêu ấy không đựng nước mà cháo lỏng, nước cháo thì đúng hơn, và mỗi người ăn xin chỉ được ngậm cái vòi siêu không quá hai giây đồng hồ. Người đang ngồi hoặc nằm thấy đến phiên mình vội vàng nhổm dậy quỳ trên bãi cát, ngửa mặt, mồm há ra chờ cái vòi. Người đang đứng thì quỳ sụp xuống như cúi lạy van xin. Có người định cầm cái siêu dốc ngược thì bị chị cứu tế hất mạnh tay ra. Tất cả đều phải quỳ, ngửa cổ lên như bê con bú sữa bò mẹ. Có bà cụ người còm cõi, thấp bé như một đứa bé gái mười hai tuổi, không quỳ. Có lẽ bà không khuỵu đầu gối xuống nổi, hay vì bà thấy dù đứng thẳng, mặt bà chỉ ngang ngực chị cứu tế thôi, chắc không cần quỳ chị vẫn có thể đút cái vòi siêu vào miệng bà. Nhưng trái với dự liệu của bà, chị cứu tế quát to: “Quỳ xuống!” Bà líu ríu vâng lời, và bà ngã sấp mặt xuống cát. Bà cố ngồi dậy một cách khó nhọc, nhưng mắt mũi mồm miệng bà dính đầy cát, muốn có cháo vào bụng, bà phải chùi sạch miệng, nếu không sẽ ăn cả cát. Chị cứu tế còn đang ngần ngừ chưa biết phải làm gì thì đã bị ngay nhóm người khác bám vào, và bà cụ bị bỏ quên. Có người quá yếu không ngóc đầu dậy nổi, chị cứu tế phải ngồi thụp xuống bên cạnh tìm cách đút vòi siêu vào miệng, xong dốc dốc nhè nhẹ. Nhưng người đó chẳng còn tí sức lực nào để nuốt ngụm nước cháo, thế là cháo trào ra be bét trên khuôn mặt rúm ró, trào cả vào hai lỗ mũi, và người đó lên cơn sặc. Chị cứu tế hốt hoảng, vội vã đặt chiếc siêu xuống cát rồi đỡ người đó ngồi dậy, vỗ vỗ vào lưng, nhưng người đó ngồi không vững, đầu lắc lư như bà đồng, miệng vẫn ho không ngớt. Chị cứu tế nhìn quanh xem có ai đến phụ chị một tay không, nhưng các chị khác, ai cũng bị bám đen không hở một giây, thế là chị đành buông người đó cho nằm lại trên bãi cát và tiếp tục đi bón ăn cho những người khác.
     Một người đàn bà trong nhóm cứu tế luôn mồm nhắc: “Các chị nhớ đừng cho họ ăn nhiều quá. Bội thực chết lăn quay ra đấy!” Tôi thấy có nhiều xác chết, chẳng biết họ chết vì bội thực hay vì sức cùng lực kiệt trước khi được mút tí nước cháo vào bụng. Họ khiêng những xác chết chất thành đống, bỏ mặc đó.
     Cảnh tượng quái dị trước mắt khiến tôi như lạc mất cả hồn vía, tôi đứng đó há hốc mồm nhìn. Bỗng tôi giật mình kêu lên thành tiếng thảng thốt vì có ai đó từ phía sau vồ lấy tôi. Tôi quay lại, mặt tôi xuýt chạm vào mặt một người đàn ông. Ông ta dí mặt thật sát vào tôi, miệng van vỉ:
     “Cậu ơi, nhà cháu đói quá, cả tháng nay nhà cháu chả có hạt cơm nào vào bụng. Cháu đói quá, cậu ơi! Cậu cứu cháu, không cháu chết mất.”
     Tôi hoảng vía lấy tay cố gỡ hai bàn tay của ông, miệng hét to “Thả tôi ra! Thả tôi ra”, nhưng ông ta víu chặt lắm, chứng tỏ ông ta còn khỏe. Trông ông ta không giống những người đói kia, tức là da thịt còn đầm đậm, nhưng mái tóc rối bù và râu ria lởm chởm như cái chổi xể. Đôi mắt ông ta có những tia đỏ hung quang như sắp sửa bật máu. Chiếc áo cũ nhàu đứt hết cả khuy, hai ống quần móng lợn rách bươm để lộ một thân hình đen đủi, mốc meo. Trong lúc tôi vùng vẫy cố tìm cách thoát khỏi đôi tay cứng của ông ta thì ông ta vẫn lầu bầu cái gì đó trong miệng tôi không hiểu. Cuối cùng ông ta buông tôi ra rồi bật lên khóc. Ông ta khóc thật chứ không phải giả vờ. Miệng ông ta méo xệch khiến khuôn mặt đã xấu sẵn trở nên kinh dị như xác ướp Ai Cập. Thấy ông ta khóc, cơn sợ của tôi bỗng tan biến. Tôi bảo ông:
     “Bác ấy ơi, bác ra ngoài kia xin ăn đi. Họ có cháo cho bác đấy.”
     “Không,” ông ta lắc đầu. “Không, tôi chả ăn cái gì được nữa. Cậu đừng bảo tôi ăn. Tôi ăn nhiều lắm rồi. Bây giờ tôi chỉ muốn móc gan móc ruột mình ra mà không được. Tôi khổ lắm, cậu không biết đấy thôi.”
     Ông ta có vẻ bình tĩnh trở lại. Ông ta ngồi xổm dưới cát và không hiểu nghĩ sao tôi ngồi xuống theo ông. Không đợi tôi hỏi, ông ta nói tiếp:
     “Quê tôi dưới Thái Bình, cậu ạ. Mấy tháng qua làng tôi đói đến độ chết gần hết cả làng. Thoạt tiên là bọn trẻ con. Chúng chết nhanh lắm. Chỉ ba hôm không có cái ăn là bụng chúng ỏng ra, hai mắt như chó dại, ngồi đâu ngồi một chỗ, ruồi nhặng bám đầy mặt đầy người cũng không buồn xua đi. Chỉ một đêm là chết. Người lớn như chúng tôi thì khá hơn, nhưng đói quá thì đầu óc còn tỉnh táo gì được nữa. Lúc đó chỉ nghĩ đến cái ăn. Ăn bất cứ cái gì. Cứ nhắm mắt lại là nghĩ đến những món ngon mình từng ăn trước đây… Nhất là giò.”
     Nói đến đây, tôi thấy ông ta ngừng lại, nuốt nước bọt ừng ực. Đoạn ông nói tiếp:
     “Nhà tôi ba đời làm giò. Đến đời tôi thì khắp mấy tổng xung quanh đều biết tiếng. Trong những dịp Lễ Tết, các cụ khoán trắng việc làm giò cho tôi. Những dịp như thế, dưới tay tôi là ba tay trai tráng khỏe mạnh do chính tôi tuyển chọn để chỉ làm mỗi công việc là giã giò. Làm giò là cả một cái nghề công phu, cậu ở thành thị chắc chả biết đâu. Trước hết thịt lợn phải thật tươi luộc lên còn nóng hổi, không rửa nước, lọc nhanh để bỏ hết mỡ, gân, xơ, rồi thái miếng vuông vức trước khi cho vào cối đá, giã. Tay giã giò phải là người có sức khỏe, hai tay cầm hai cái chày giã liên tục, thật đều tay và bền sức, nghe đều đều như tiếng gõ mõ tụng kinh mới được. Nghe tiếng giã giò tôi có thể đoán được mẻ giò ấy được hay bỏ. Tôi đã mất nhiều công sức chỉ dạy cánh thanh niên trai tráng cách giã giò. Rồi đến nước mắm. Nhất định phải chọn loại nước mắm thật ngon. Luộc giò cũng rất quan trọng, nước trong nồi phải thật sôi mới thả giò vào theo chiều đứng, ngập trong nước. Giò phải được luộc vừa đủ chín, không quá lửa cũng không non quá. Kinh nghiệm bố tôi truyền lại: Khi cho giò vào luộc, thắp một nén hương dài độ ba tấc, đợi nén hương cháy hết là vớt giò ra. Giò ném xuống mặt thớt, nảy lên như quả bóng có nghĩa là giò chín. Ôi cái cảm giác khi cắn một miếng giò thật to để thấy nước ngọt của thịt tứa ra khắp miệng. Thử hỏi thế gian còn gì hơn thế?”
     Tôi chẳng hiểu ông ta thuật chuyện làm giò với tôi để làm gì. Lúc này bụng đang đói, nghe ông tả, tôi cũng thấy thèm. Đoạn ông nói tiếp:
     “Suốt đêm tôi không ngủ được mà chỉ nghĩ đến miếng giò. Thằng Cu Vĩnh nhà tôi chết rồi, nó chết từ nửa đêm, và tôi quyết định lóc thịt nó ra giã làm giò. Tôi chẳng nghĩ ngợi gì được, làm như cái máy. Tôi vẫn còn sức giã giò, và chỉ loáng một chốc tôi có năm khoanh giò ngon lành bày trên đĩa. Tôi ăn, nhai ngấu nghiến, chưa bao giờ tôi thấy giò tôi làm ngon đến thế, chỉ hơi thiếu vị của nước mắm vì nhà hết nước mắm từ lâu, tôi phải dùng muối thay vào. Ăn hết một khoanh giò, tôi đi gọi vợ tôi dậy bảo nó ăn. Nó cũng đói và nằm vật vờ trên chõng tre góc nhà suốt mấy ngày rồi. Nó yếu sức lắm. Tôi cố vực nó dậy đút miếng giò vào miệng nó. ‘Bu nó ơi, bu nó cố tỉnh lại ăn miếng giò tôi vừa làm này.’ Mùi thơm của khoanh giò nóng mới vớt trong nồi ra có lẽ làm nó tỉnh táo lại đôi chút. Nó há miệng cắn, nhai miếng giò, nuốt có vẻ khó khăn, nhưng sang miếng thứ hai, thứ ba thì bắt đầu ăn mạnh. Ăn gần hết khoanh giò nó lại nằm vật xuống chõng, không nói năng gì. Một lát sau, bụng khá no, tôi thấy người khỏe khoắn bèn vác cuốc ra vườn sau chôn đống xương và cái đầu của thằng Cu Vĩnh bên cạnh mộ cái Tẽo chết tuần trước. Máu me vẫn còn vung vãi khắp bếp, nhưng tôi chẳng nghĩ đến chuyện lau chùi dọn dẹp, định bụng làm xong vào ngủ một giấc, chiều dậy đi tìm thêm cái gì khác ăn.
     “Nhưng tôi nào ngủ được. Chưa vào đến cửa, tôi đã nghe tiếng kêu la thảm thiết của vợ tôi. Nó lăn lộn trên chõng, hai tay ôm chặt bụng, mắt trợn ngược. Đôi mắt nó khiếp đảm quá, toàn tròng trắng. Khoanh giò ăn lúc nãy, nó nôn ra hết, thành nhiều vũng bầy nhầy trên người nó, trên chõng và cả dưới nền đất. Tôi cuống quýt chạy lại vực nó lên, miệng hỏi han đủ điều, nhưng nó chả nói được tiếng nào, chỉ nghe nó rên xiết đau đớn lắm. Đoạn tôi chạy ra sân múc gáo nước mưa trong vại vào cho nó uống, nhưng chưa kịp uống nó đã tắt thở mất rồi, người nó rũ ra như con gà bị cắt tiết trên tay tôi. Nó bị đứt ruột mà chết. Đứt ruột vì ăn thịt con.”
     “Bác ấy bị bội thực đấy.” Tôi nhớ bà trong nhóm cứu tế dặn đi dặn lại các chị không được cho người đói ăn nhiều. Bội thực là chết lăn quay ra đấy. Nhưng người đàn ông hình như chẳng hiểu tôi nói gì. Đúng ra, từ ban nãy, ông như độc thoại, như đang nói với chính mình chứ không phải người đối diện, bởi mắt ông không nhìn vào tôi mà ra phía bờ sông. Ông ta lại nói tiếp:
     “Nó chết trên tay tôi. Tôi giết vợ tôi. Tôi gào lên khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Thế là tôi mất cả vợ lẫn hai đứa con. Tôi ôm xác nó quấn manh chiếu rồi đem ra sau vườn chôn. Một ngày tôi phải chôn hai người thân yêu. Nhìn ba nấm mộ nằm cạnh nhau, tôi khóc. Tôi khóc đến ba ngày ba đêm không ngớt, khóc thảm thiết, khóc đến khản cả cổ họng. Và tôi phát rồ. Phát rồ, tôi đi châm lửa đốt thiêu rụi ngôi nhà. Thấy nhà tôi cháy, chỉ có thằng mõ cầm mõ khua vang lên thôi, chứ chẳng ai chạy đến cứu giúp. Ngôi nhà ba gian hai chái có từ đời ông tổ tôi đến lập nghiệp, cùng tất cả bàn thờ tổ tiên, gia sản ông bà, bố mẹ để lại, tất cả chỉ trong vòng nửa khắc đổ sụp xuống thành một đống than nghi ngút khói. Tôi nhìn đống than lần cuối, rồi thất thểu một mình ra khỏi làng, hai tay không, trên người vỏn vẹn bộ áo quần này. Tôi không biết tôi sẽ đi về đâu, cứ đi, đi đâu cũng được miễn có cái gì ăn và ra khỏi địa ngục trần gian này. Đi được nửa ngày, tôi gặp một đoàn người cũng như tôi, bỏ làng đi kiếm cái ăn. Tôi gia nhập bọn họ, ban ngày vào các làng xin ăn, ban đêm ngủ bờ ngủ bụi. Sau một tháng trời đi như thế, tôi và đoàn người đến đây…”
     Người đàn ông hình như kiệt sức. Nhưng ông có vẻ bình thản trở lại. Bởi một duyên do kỳ quái nào tôi không hiểu, ông chọn tôi làm kẻ cho ông trút nỗi đau khổ chưa từng thấy của một kiếp người. Trong hoàn cảnh của ông, có lẽ chết là điều may mắn, hạnh phúc hơn. Nhưng tại sao ông không tự tử chết theo vợ con? Tại sao ông tiếp tục cuộc sống đọa đày này mà mỗi giây phút đều phải đối diện với cái quá khứ quá đỗi kinh hoàng, và hiện tại cũng như tương lai là vực thẳm? Có những điều tôi không giải thích nổi, lúc đó cũng như bây giờ ở tuổi gần đất xa trời này.
     Người đàn ông đứng dậy lảo đảo đi về hướng bờ sông. Con sông mùa này nước cạn, để lộ những doi cát màu hồng giữa dòng nước. Ông không gia nhập đám đông xin ăn vẫn xúm xít xung quanh các chị cứu tế, mà đi mãi về phía những doi cát màu hồng. Tôi thấy ông nhúng một chân xuống nước rồi lại rút lên. Tôi nhìn theo ông. Trong mắt tôi, cái bóng ông bây giờ chỉ còn nhỏ xíu. Vô cùng bé nhỏ, nhỏ đến độ không một chút trọng lượng giữa vũ trụ bao la này.

 

 Trịnh Y Thư

Từ: vietbao.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...