Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

THƠ TRẦN YÊN HÒA: Nặng Tình Với Quê Hương - Bích Huyền

 

Thơ Nhạc – Bích Huyền | Hoàng TrọngVOA News:Amazon.com:Appstore for Android
 

nhà văn bích huyền

 

Nhà thơ Trần Yên Hòa thuộc thế hệ của Hoàng Lộc, Phan Xuân Sinh, Thái Tú Hạp, Phạm Xuân Đài...và cũng sống một khoảng đời nhiều thăng trầm, chìm nổi tương tự như các nhà văn thơ xứ Quảng nói trên.

Anh sinh tại làng Kỳ Mỹ, Tam Kỳ, Quảng Nam.

Học trường Trần Cao Vân, và sau đó gia nhập khóa 2 trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt. Sau 1975, anh vào tù Cộng Sản, ra tù đi làm rẫy. Sau khi định cư tại California từ 1995, Trần Yên Hòa sáng tác nhiều hơn.Rất nhiều tác phẩm thơ và truyện ngắn được xuất bản và được độc giả đón nhận.

Tình trong thơ của Trần Yên Hòa không chỉ thu nhỏ trong tình Cha, tình Mẹ, tình yêu đôi lứa, tình bằng hữu mà còn rộng lớn hơn, mênh mông hơn… Đó là tình quê hương, sông núi.

<!>

Một chiều buồn như trăm năm trước

Ta bơ vơ đứng gọi thất thanh

Quê nhà, quê nhà đâu mất hút

Mà ta như gãy cánh lìa cành

 

Trong tập thơ "Khan Cổ Gọi Tình, Về" chúng ta có thể tìm ở đó, ngoài những bài thơ về tình yêu trai gái dễ thương, còn có rất nhiều bài viết về quê Tam Kỳ của anh như "Ngày trở lại Tam Kỳ", "Gởi Cô Gái Tam Kỳ, Đất Khổ", và rất nhiều những câu, những chữ nặng lòng với quê hương…

 

tần ngần trở lại hiên xưa

nắng vàng rưng, nhớ ngày mưa thuở nào

 

Thơ Trần Yên Hòa là tâm sự đời ông, như tiếng nước sông Thu vỗ dưới chân cầu Bà Rắn, Câu Lâu, Vĩnh Điện, vọng lại như những đi ngữ "Mù xa, mù xa", "Quê nhà, quê nhà..." thiết tha, nghẹn ngào và xa vắng.

Hình như những bài thơ cảm động nhất của các nhà thơ xứ Quảng thường là những bài thơ viết về quê hương hay chia xẻ cái đau xót, sự chịu đựng của thân phận họ, quê hương họ.

 

Thời gian qua...đã mấy mươi năm

nhánh sông tuổi thơ vẫn còn chảy mãi

Tam-kỳ và ta, một thời thơ dại

đốt đuốc tìm hoài cái thuở mười lăm

 

Trần Yên Hòa không chỉ thu nhỏ nơi vùng quê hương xứ Tam Kỳ mà còn trải dài mênh mang tới Sài Gòn, nơi ông đã có “những ngày tháng có bước chân Sài Gòn”. Và Hà Nội, nơi ông gặp hoài trong trí tưởng:

 

Chẳng hề quên mùa thu mênh mông

Ngày tháng cũ

Ở một nơi có bầy chim bay về xao xác

Hình như trong lòng ta vọng tưởng

Những mùa thu xa ngái

Ở một nơi ta đến theo cánh chim bay

Có lá vàng rụng ngoài hiên vắng

Đó là xứ sở thần tiên

Mà ta gặp hoài trong trí tưởng

Mùa thu nào có bước chân Hà Nội

Bước chân lang thang trên phố Quan Thánh

Ta chợt thấy Khái Hưng

Ngất ngưởng trên chuyến tàu điện

Thấy Nhất Linh từ trường Thăng Long bước ra

Thấy Thế Lữ, Thạch Lam, Hoàng Đạo

Ôi một thời làm ta rưng rưng nhỏ lệ

Mùa thu bây giờ ở đâu?

 

Nếu không phải là một kẻ tha hương, làm sao ta biết được thế nào là lòng viễn xứ. Nếu không ở trong một buổi xế chiều, nếu trong đời không có một lần tiễn biệt làm sao ta có thể hiểu được thế nào là cái mỏng manh của hy vọng và tuyệt vọng, hiểu được thế nào là ngày không-còn-là-ngày nhưng đêm chưa tới…

Khi yêu vào trong cái thời khắc gợi cảm của chiều đi đêm xuống, người tình ở đâu cũng có thể có những tình cảm giống nhau. Thế giới chỉ còn lại hai người và con đường tình nào cũng đầy say đắm, mơ mộng nhưng cũng lắm mấp mô…

 

từ em, bỏ cội bỏ nguồn

bỏ con sông nước đứng buồn nhìn theo

nhánh sông chảy miết qua đèo

anh heo hút đợi, bơ vơ một mình

cũng đành thôi một cánh chim

bay xa, bay mãi, hút chìm nơi đâu

bớ em, sương rớt thấm đầu

bớ em, vô lượng ngàn sau có về

bớ em, rời cõi u mê

anh khan cổ gọi, em về cùng anh

có con chim nhỏ trên cành

líu lo hót đợi mùa xanh hoa vàng

đợi em, bên vườn địa đàng

xin em hãy ghé cài tràng hạt xưa

 

Bài thơ Khan Cổ Gọi Tình, Về thơ Trần Yên Hoà đẹp như

một khúc ca dao.

 

Bích Huyền

(từ VOA, 08.04.2010)

(Bài sẽ đăng trong tập truyện Bạn Văn Và Trần Yên Hòa sắp xuất bản) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét