Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

HỒ ĐÌNH NGHIÊM, TẬP 2.- SONG THAO

 

Hồ Đình Nghiêm cùng sự phát triển văn học hải ngoại | Đàn Chim Việt Online  - Thông tin - Chính trị - Nghị luận

hồ đình nghiêm

 

Đừng bao giờ chờ phôn của Hồ Đình Nghiêm, anh em Montreal ai cũng biết như vậy. Nghiêm không bao giờ phôn ai, chỉ nhận phôn. Phôn nhà, phôn tay có đủ, lại là thứ phôn xịn, iPhone đời gần mới nhất. Nói đời gần mới nhất là vì chàng ta chuyên ăn theo phôn của con. Thực ra chúng tôi ai cũng vậy. Con cái mua phôn mới, thải phôn cũ là chúng tôi thầu. Nghiêm may mắn có hai anh con trai là fan cứng của Apple. Apple ra phôn mới là chúng móc túi chi tiền không nghĩ ngợi. Nếu muốn Nghiêm có thể tay mặt một phôn tay trái một phôn, a-lô mệt nghỉ. Nhưng không phải vậy. Đi đâu cũng kè kè iPhone bên người nhưng phôn của Nghiêm không có sim. Chỉ dùng để chụp hình. Và khi tối trời làm đèn pin. Đây có lẽ là cái đèn pin xịn nhất.

 <!>

 

Chỉ cần nói chuyện phôn phiếc đủ biết Nghiêm là người nhút nhát trong giao tiếp. Vòi chàng co lại. Nhưng nếu có họp mặt nhậu nhẹt thì Nghiêm mở máy nói với tốc độ khá hào hứng. Chàng ta nói huyên thuyên, vui như tết. Kể cũng lạ. Lạ nhất là chàng rất cởi mở. Tôi cho anh chàng này thuộc loại nói phải có đối tượng lù lù trước mắt mới có hứng. Nói phôn với…thinh không chẳng ra sao cả.

Là người ít tuổi nhất trong số anh em viết lách của thành phố này nhưng Nghiêm lại giao du với bệnh viện nhiều hơn ai hết. Té gãy xương bàn tọa, vào bệnh viện sắm bộ xương mới, chàng ta chống gậy đi họp…hội nghị. Trẻ nhất mà gậy gộc trông rất…hỗn. Ít lâu sau, chàng vứt được cây gậy đi, hỏi sự tình, chàng nói là bệnh viện mới thay cho mấy viên bi nên đi đứng trơn tru. Lần khác chàng bí đường tiểu. Tôi còn nhớ bữa đó có nhà văn Minh Ngọc từ New York sang chơi. Chàng bảo sẽ tới. Chờ mãi chẳng thấy bóng dáng cặp xương hông có bi, tưởng chàng xù. Sau chàng giải thích bữa đó sửa soạn ra đi thì bụng chướng lên, rặn không ra. Thay vì tới nhà hàng, chàng quẹo qua nhà thương. Bác sĩ, y tá xúm lại giải quyết sự tình. Một em y tá tóc vàng sợi nhỏ, xinh như mộng, đã thực hiện thao tác luồn ống vào đường tiểu tháo nước ra. Hỏi chàng cảm tưởng ra sao? Thằng em lúc đó tình trạng ra sao? Chàng lơ là: “Ốt dột chi đâu! Mặt trơ ra như đá!”. Đề tài này là chủ đề thảo luận rất sôi nổi cho bữa nhậu đó. Nhiều anh em không nói ra nhưng bụng rất ưng được bí bách đường tiểu!

Cầu được ước thấy. Dòng đời đưa đẩy tới ngày tôi cũng vào nhà thương tuy không bí bách đường tiểu. Tôi chỉ được bác sĩ bảo đi soi bàng quang. Hồ Đình Nghiêm tháo nước ra, tôi bị cho cái camera vô. Ra vô khác nhau nhưng cùng qua một cửa hẹp. Ngồi chờ mà hồi hộp. Một em y tá, cũng tóc vàng sợi nhỏ, kêu vô. Leo lên chiếc ghế chuyên dụng, y chang như chiếc ghế của các bà bầu lúc lâm bồn, em bắt gác dạng chân trên hai cái càng hai bên, em kéo chiếc áo khoác bệnh viện lên, tơ hơ. Lúc đó tôi nghĩ tới Nghiêm và sự tình ngày đó. Đâu có ngờ tênh hênh lộ hàng một cách tức tưởi như vậy. Em báo sẽ xịt nước sát trùng. Một luồng nước lạnh tê tái, như cơn bão tuyết đổ xuống. Cây cối chi chịu thấu mà không ủ rũ. Cây muốn lặng mà tay em không ngừng. Rồi chiếc camera bé tí teo cũng tiến vào vị trí. Bịch nước vàng vàng chẳng biết là thứ chi treo trên cây cột được cho nhỏ tí tách từng giọt. Nhìn nước chậm rãi nhỏ trong khi thân dưới mát mẻ ông địa, lạy trời cho nước nhỏ nhanh nhanh, cứ như vậy biết chừng nào mới hết bịch nước to bằng hai bàn tay. Trời thương, không chờ tới hết bịch nước, cô bác sĩ trẻ tuổi, cũng tóc vàng sợi nhỏ, vô thao tác. Cô nắm mục tiêu, lắc qua lắc lại. Trên màn hình, bên trong bàng quang hiện ra một màu đỏ hồng. Bên ngoài, chắc mặt tôi cũng đỏ hồng. Rồi cũng xong. Nhưng chưa. Cô bác sĩ còn bonus một cú móc tay vào cửa hậu để khám prostate. Xong, đậy lại. Cười. Cười chi nổi, trời! Từ nay, mỗi khi gặp Nghiêm, chắc tôi cũng cười mỉm. Đồng bệnh tương lân, hiểu nhau quá, chuyện chúng mình hai đứa!

Trong thế giới thiệt, Nghiêm dè dặt, ưa trò chơi trốn tìm như vậy. Nhưng trong thế giới ảo của Facebook chuyện lại khác. Nhiều năm trước, khi chúng tôi ai cũng có một chỗ trên Facebook, tên tuổi trưng ra đàng hoàng thì Nghiêm, tuy trẻ nhất, vẫn ngậm tăm làm thợ lặn. Chàng ta không chơi trò này. Thỉnh thoảng ngứa…bút, chàng viết một vài lời trên Facebook của vợ, giấu biệt tên tuổi. Nhưng văn của Nghiêm thì lẫn lộn với ai được. Tôi biết nhưng làm ngơ để Nghiêm tiếp tục chơi trò anh hùng núp. Rồi tới một ngày anh hùng núp thò mặt ra. Chàng pháo kích post mỗi ngày lên Facebook, không chỉ một mà ba bốn cái mỗi ngày, anh em tối tăm mặt mũi. Hình như chàng chơi bù thời gian đã mất trước đó. Không chỉ tung ra chữ nghĩa, chàng Nghiêm còn post hình của mình lên nườm nượp. Hình đi chơi, hình đi chợ, hình đi mua áo quần, đồng hồ trong các tiệm bán đồ cũ. Có bữa hứng chí, chàng hết …nghiêm: chơi ngay một tấm hình đội vỏ bưởi trên đầu với nụ cười nhí nhảnh khi ấy em còn thơ ngây. Gió đổi chiều, chàng bỗng “cháy” hết mình, anh em chép miệng chịu thua. Cuộc đời tình ái và sự nghiệp, chàng tung hết lên Facebook cho bà con thiên hạ tỏ tường. Mới đây, ngày Father’s Day, chàng post dòng chữ mang tên “Three amigos”. Three amigos đơn giản chỉ là ba người bạn. Father's Day hai ông bạn trẻ dẫn ông bạn già đi kéo ghế. Già ăn bún bò, một trẻ chọn phở và trẻ ít tuổi nhất lựa hủ tiếu khô. Hai trẻ đã ngầm hội ý, sau khi ăn lót lòng xong, sẽ thong thả cùng nhau xuống phố, xô cánh cửa gương sáng ánh điện có hình quả táo đã bị Adam cắn mất một miếng, mua tặng ông già cái MacBook Air bởi thấy ổng chăm viết lách lung tung đầu bù tóc rối”. Vậy là người chuyên mua đồ cổ, chuyên thửa iPhone second hand, cũng có cái mới toang.

Facebook của Nghiêm biến đổi không ngừng, thiên hình vạn trạng. Buổi sáng nói chuyện thể thao. Đội tuyển túc cầu nữ Việt Nam thi đấu nơi này nơi kia. Chưng hình ngôi sao tennis Sharapova trên sân đấu, váy viếc bay theo gió, lộ ra chốn hang cùng ngõ hẻm. Thoắt cái, nhảy qua chuyện hội họa. Kèm theo tranh, tranh các nhân vật nữ trần trụi. Chuyển qua chuyện đi chợ, vật giá bữa nay ra sao. Chuyển tiếp qua chuyện phim ảnh, minh tinh rạng rỡ cũng quần áo hụt trước thiếu sau. Hình trên Facebook của ông nhà văn rất mặn mà này cũng toàn là thứ không cần thêm muối. Kiểu chưng hình này đúng xì-tin của Nghiêm. Giới mày râu rất vừa ý.

Rất nhiều khi chán nói chuyện thiên hạ, chàng ta nói chuyện mình. Chuyện những ngày xưa khi ta còn bé kèm theo những tấm hình đen trắng rất mực ngây thơ, ngây thơ thiệt chứ khi đó chưa ngây thơ cụ. Những kỷ niệm xưa còn vương vấn với những bạn văn, người còn sống nhăn, người đã ra thiên cổ. Lâu lâu chàng lại lục chồng sách cũ do bè bạn ký tặng để nhắc lại một thời sách vở còn được trọng vọng. Nhiều khi chàng thảy lên một câu tiếng Anh của các tác giả nổi tiếng ngoại quốc. Có khi chàng post một loạt chuyện cười, đánh số đàng hoàng, mỗi lần khoảng chục chuyện. Hình như trang Facebook của Nghiêm là nơi chia sẻ những thứ đang ôm trong bụng, không nói được thì viết ra cho nhẹ bớt cái bao tử.

Có một điều mà nhà văn Hồ Đình Nghiêm đổi mới là kể từ khi chàng có Facebook, chàng bỗng nổi máu thơ thẩn. Ông Luân Hoán và ông Hoàng Xuân Sơn bỗng có thêm đồng nghiệp. Thơ chàng có bàu khí riêng, không giống ai. Thử đọc bài “Đổ, Tháo”

Tìm đến nhau gieo mộng đầu

Tới hồi gió lạnh thấm sầu ẩm trang

Giấy vàng chữ chít khăn tang

Em còn đọc thấy đôi hàng nghĩa xưa ?

Đem phơi tuồng tích nắng trưa

Ký lô lệch đủ nặng lòng cân chưa ?

Ngoài ngõ vẳng tiếng rao vừa

Người mua đồng nát dạm thưa gửi lời

Tôi đi vẫn chậm với đời

Trái cây chín rục chẳng mời mọc ai

Bông lan nở tựa hoa nhài

Dừng khe suối vắng sớm mai cởi truồng.

Montreal có ba người thuần viết văn. Võ Kỳ Điền, Hồ Đình Nghiêm và tôi. Thêm ông Trang Châu thỉnh thoảng phụ thơ nhảy qua văn. Nay ông Hồ Đình Nghiêm phụ văn nhảy qua thơ. Chỉ còn ông họ Võ và tôi trơ thân cụ làm đích tôn của văn. Kể cũng cô đơn. Nhưng học đòi đặt vần theo ông Hồ thì không đủ hơi sức. Tôi đã vậy, ông Võ Kỳ Điền lại càng xếp ve.

Mà tại răng ông Hồ Đình Nghiêm bỗng di chuyển chiến thuật như vậy? Tại vì ông biết đi chợ nấu ăn. Trong bài “Chuyện Trong Quán Phở”, ông kể lại gặp một cố nhân tên Hồng Phương. Họ bàn chuyện thơ trong khói của tô phở:

... Còn nhớ ông A không? Mới xem bài thơ ông ấy post lên, hay quá chừng quá đỗi.

- Hay ra sao mà khen rối rít thế ?

- Ơ. Một người có hiếu với vợ lại thương con như ảnh thì làm thơ buộc phải hay thôi. Nói năng chi cũng bằng thừa.

- Vậy thì ông B, chị thấy sao ?

- Thèm vô ! Đây không quỡn, bộ hết cái để đọc rồi à ? Thằng cha này phụ bạc vợ con, tối ngày cứ thích mèo mả gà đồng. Thơ hay thế chó nào được.

- Thơ ông A cũng than van đôi ba cuộc tình tan vỡ, cũng yêu vung vít đó thôi.

- Xời, ảnh giả bộ đó, ảnh dựng chuyện, đừng có tin, tui rất mến một người suốt đời chỉ biết cơm nhà quà vợ. Thơ ảnh làm rất dễ thu phục cảm tình của người đọc như tui. Này, bộ không tính làm thơ hả ? Đi chợ nấu ăn chùi nhà đổ rác thêu thùa may vá công dung ngôn hạnh như anh thì làm thơ hay cho nhức nách, tin tui đi. Người mẫu mực đạo đức khi sáng tác phải hơn đàn ông quen thói trăng hoa.

- Thiệt hả ? Xin lãnh giáo lời khuyên nặng ký của chị. Tui làm thơ post lên facebook mà bị bà con ném đá là lỗi của chị đó nhen.

- Ừa. Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Thiệt vàng sợ chi lửa, cứ mần đại xem sao. Tui sẽ nhào vô comment "Thơ hay, ảnh kín đáo".

Túm lại, muốn làm thơ hay phải nội trợ giỏi. Thảo nào thơ Hồ Đình Nghiêm hay ớn. Các ông Hoàng Xuân Sơn, Lưu Nguyễn nội trợ giỏi hay không, tôi không rõ. Nhưng ông Luân Hoán thì tôi biết rõ. Ông thầy này thì nội trợ chi. Vậy mà thơ ông hay…nhức nách!

Trong chốn ảo của mạng xã hội, ông Hồ Đình Nghiêm đã đổi lốt thấy rõ. Từ một ông thợ núp, ông chường mặt ra, hình hài rõ ràng, có hình post lia chia làm chứng. Tôi gọi sự đổi lốt này là  Hồ Đình Nghiêm, Tập 2. Mong có ngày ông nhích thêm một chút, cũng đổi lốt trong thế giới thật, như đã từng trong thế giới ảo. Lúc đó chúng ta sẽ có Hồ Đình Nghiêm, Tập 3!

 

 Song Thao

(Tác giả gởi)                                                                                              07/2023

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...