nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Tập Những Chuyến Mưa Qua của Trần Yên Hòa như một cuốn phim buồn về một giai đoạn lịch sử của đất nước.
Cuộc kháng chiến chống Pháp đã bùng nổ ở khắp mọi nơi. Và cũng ở khắp mọi nơi, đất nước được chia ra từng vùng. Vùng do Pháp kiểm soát. Vùng do Việt Minh kiểm soát. Nhưng nói như thế cho dễ phân biệt, chứ trên thực tế, trừ những thành phố lớn, tình hình có vẻ rõ ràng như vậy, chứ tại các vùng xa, vùng quê, thì luôn ở trong tình trạng xôi đậu, từ đặc biệt của thời đại để chỉ cái cảnh một cổ đôi tròng, ban ngày Tây kiểm soát, tối thuộc tay Việt Minh.
<!>
Tây muốn bắt ai thì bắt.
Việt Minh muốn giết ai thì giết.
Bởi vì, đêm Việt Minh về làng, sáng Tây về càn, ai ở trong làng cũng có thể là Việt Minh cả.
Cũng có thể có cả Việt Minh thật nữa, một vài người nào đó, là dân làng, bí mật hoạt động cho kháng chiến, ai, ai cũng biết nhưng không ai giám tố cáo. Vì làm như vậy chắc chắn phải lãnh cái chết.
Tây biết trong làng có Việt Minh không bắt được, sẽ bắt bất cứ ai Tây nghi ngờ, để khủng bố, đe dọa, điều tra...
Thảm họa ấy, người ta chỉ diễn ra ở các vùng quê miền Bắc, không ngờ cả miền Trung, miền Nam, dân chúng ta đều phải chịu cảnh trên đe dưới búa tương tự.
Nhân vật của Trần Yên Hòa, hay chính tác giả, là một đứa trẻ lờn lên trong bối cảnh ấy, ký ức ghi đầy những chuyện tang thương: "Gia đình sống bằng nghề nông, ở thôn quê, bộ đội về đóng trong nhà, máy bay Pháp oanh tạc, chợ búa nhóm họp ban đêm, ăn cơm phải độn khoai sắn, bữa nào ăn thịt cá thì phải dấu diếm. Năm đình chiến 1954 anh đến tuổi đi học thì thay đổi chế độ. Anh lớn lên trong một số năm thanh bình ít ỏi, và trưởng thành với một cuộc chiến khác, cho đến ngày miền Nam sụp đổ thì anh đã là sĩ quan trong ngành Chiến Tranh Chính Trị của miền Nam. Lại thêm một số kinh nghiệm sống phong phú thời kỳ sau 75, cho đến ngày đi định cư tại Mỹ."
Trần Yên Hòa đã kể lại những kinh nghiệm ấy, tái hiện quá khứ ấy, bằng một ý thức tan nát dàn trải theo thời gian, từ ký ức non nớt của một đứa trẻ đến ý thức của một người trưởng thành, một sĩ quan chính trị, vừa ngó nhìn vừa tham gia vào các sinh hoạt của người di dân tại đất Mỹ.
Viết về tập Những Chuyến Mưa Qua của Trần Yên Hòa, Phạm Xuân Đài nhận định:
"Có thể nói Trần Yên Hòa là một sản phẩm điển hình không pha tạp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Với một chút ký ức non nớt của tuổi thơ ấu thời kháng Pháp, anh được học hành nuôi dưỡng, hình thành ý thức chính trị, rồi vào đời hoàn toàn với khung cảnh và khí hậu của hai mươi năm tồn tại của miền Nam. Truyện của anh đi sát với cảnh đời mà anh trải qua dù là về thời niên thiếu đi học ở Tam Kỳ, lớn lên đi dạy, đi lính, hay là tình trạng xảy đàn tan nghé sau 1975, ở Việt Nam, cũng như ở Hoa Kỳ. Các mảnh đời anh đề cập đến, có thể là xa tít trong quá khứ hoặc sờ thấy được trong hiện tại của cuộc đời tị nạn. Anh trìu mến với từng kỷ niệm, từng niềm vui cũng như từng nỗi đau. Những Chuyến Mưa Qua mời chúng ta tham dự vào các nỗi niềm của cả một thời gian dài, mà người miền Nam nào rồi cũng nhận ra mình là một phần trong đó.
"Vâng, đọc Trần Yên Hòa và một số các tác giả khả khác, kể cả những người lớp trước hay lớp sau Trần Yên Hòa, những người đặt cả ý thức của mình vào công việc viết văn, bằng cách viết, bằng văn chương nhìn
lại mình, nhìn lại hoàn cảnh đất nước, đôi khi làm chúng ta
sợ. Sợ vì cái quạnh quẽ mênh mông bao phủ từng phận người và trên cả đất nước.
Truyện của những người ở trong nước, truyện của những người ở ngoài nước, đều có chung một nỗi bơ vơ, tựa hồ con người không còn chỗ để sống. Mọi sự đều nhuốm vẻ tạm bợ. Người ta không muốn nghi ngờ ai nhưng cũng không biết tin ai. Tất cả hy vọng đều mờ nhạt. Nếu hạnh phúc của con người là một điều gì đó ràng buộc với quê hương thì bao giờ chúng ta mới tìm thấy hạnh phúc.
'
Nguyễn Đình Toàn
(từ: Bông Hồng Tạ Ơn, tập 2, trang 440-442)
(bài trích từ sách "Bạn Văn với TYH" sắp xuất bản)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét