tranh nguyễn trung
Nhiều lần chờ con trước cỗng trường, cứ nhìn hoài người đàn bà ngồi bán khoai, chuối nướng. Trí nhớ hụt hơi, thấy dì quen thuộc, thân thiết, biết đã từng cùng nhau ăn vài bữa cơm, nhưng vẫn không nhớ người đàn bà kia là ai, đã từng gặp ở đâu. Về nhà nói với má có đi qua trường học thì nhìn giùm một người quen. Má cười, ngồi quạt than ngay góc đường có bà bạn hàng xáo…
<!>
Nhà máy chà gạo, phải rồi, dì từng qua đó, như tôi.
Gặp nhau trong khung cảnh trùng trùng lúa đã vào bao, chất cao khỏi
đầu, nằm dọc ngang trong những gian nhà thênh thang nối tiếp. Mấy anh
khuân vác đen trũi, bụng mướt mồ hôi nghiến chân lên dốc gỗ đổ lúa vào
thùng. Tiếng máy thở è ạch qua ống khói. Một cái thềm chồm ra quá mé
sông, vương vãi trấu lẫn trong gạo, tấm và lúa hạt. Ở đó, có một trưa
nào má con tôi đã cùng dì ngồi ăn cơm nguội với ba khía muối trong lúc
chờ mua một mẻ gạo thơm tho đầu mùa. Lâu lâu gió thổi những xoáy bụi cám
bay lên. Bụi rất thơm.
Hồi đó, nhà có chiếc xuồng be mười, xong mùa lúa,
hai má con rủ nhau đi làm hàng xáo. Chúng tôi đi mua lúa dài theo xóm,
chở tới nhà máy chà gạo, rồi lấy gạo, cám bán lại cho bà con. Tôi lại
học thêm một nghề, học nhìn hạt gạo và gọi đúng tên, giống nào là Tài
Nguyên, Tiên Lùn, Nàng Gáo..., loại gạo nào dẻo cơm, loại gạo nào nở
bung nồi. Lăn lóc với nghề hàng xáo, má thôi không còn ướt sũng trên
đồng, chân dung má bạc màu bụi cám. Đôi mày, tóc mai, và cả mi mắt đều
nhuốm bụi, như những người hàng xáo khác. Cuộc mưu sinh giữa nơi bụi mù
này đã làm cho mỗi người trở nên bàng bạc, mơ màng.
Đó là chốn mua bán duy nhất mà tôi đã từng qua
không có tiếng rao, không tranh giành háy nguýt, không chen chúc xô đẩy.
Một cái chợ bình yên. Dường như người ta tin vào sự tồn tại trù phú và
miên viễn của cây lúa trên những cánh đồng. Dường như hạt gạo quá linh
thiêng nên khi mua bán chúng người ta vẫn giữ chút lòng lành. Dường như
những chuyến mua lúa lang thang trên những con sông, trên những dòng
kinh xa thẳm đã làm người ta trở nên chân tình và cởi mở.
Tôi hay ngồi vắt vẻo trên những bao lúa, cắn gạo
sống lóc cóc, nhấm nháp cái vị béo ngậy bùi bùi của nó, ngóng chuyện
sông hồ từ bạn hàng xáo. Nên mỗi khi có xuồng lúa về nhà máy, tôi mừng
trước hết, thấy rộn ràng trước hết. Ở đâu đó có ông thầy bùa chữa bệnh
bằng… tàn nhang hòa trong nước lã. Ở đâu đó có ông già bảy mươi tuổi
cưới một cô mới hai mươi hai. Ở đâu đó có buồng chuối hơn sáu chục nải. Ở
đâu đó có con vịt xiêm hai đầu. Ở đâu đó có ma cứ dẫn xuồng lúa đi lạc
cả đêm, nên tới bữa nay mới về được đây nè.
Và đâu đó, có những lão nông chỉ chịu khui bồ bán
lúa khi gặp lại bạn hàng xáo quen. Vì ông già nhớ một cái nắm tay căn
dặn từ mùa trước, “năm tới bác Hai nhớ để giành lúa cho tụi con…”. Lời
nói như mũi tên bay vào mịt mùng, mơ hồ như thể không hy vọng và chờ
đợi. Bạn hàng xáo quay trở lại, ông già cười hễ hả, “tao trông bây
miết…”. Lúa đong vô bao rồi, ông già cứ tần ngần theo rờ rẩm hoài, lúa
gạo không đơn giản là một món hàng, mà là mồ hôi nước mắt, là hy vọng.
Một bạn hàng xáo giỏi, họ không chỉ thuộc lòng giống lúa của từng vạt
đất, bồ lúa của từng nhà, mà còn hiểu nết ăn ở của người dân ở đó… để
giữ cái duyên bán mua cho tới mùa sau.
Những người đàn bà ngồi nhổ tóc sâu cho nhau đã dẫn
dắt tôi từ chuyện ly kỳ này sang chuyện ngộ nghĩnh khác, từ xa xôi này
đến xa xôi khác. Chúng mê hoặc và ám ảnh. Tôi cứ tưởng như bất tận, cho
đến ngày những câu chuyện bỗng dưng nhuốm ngậm ngùi. Thấp thỏm. Thảng
thốt. Ở đâu đó có những người dân đã phá đập để dẫn nước mặn vào đồng. Ở
đâu đó có những góc nhà không còn bồ lúa, ngoài đồng giờ nước trắng
xóa, chỉ con tôm. Những lão nông lọm khọm đi mua từng lon gạo về nấu cơm
chiều… Cây lúa bị rượt cùng đuổi tận, bị hắt hủi. Ai đó thở dài, chan
chứa nhiều linh cảm, “chắc phải bỏ nghề hàng xáo…”.
Sau này có vài dịp đi qua nhà máy cũ, qua cái nền
đất chỉ còn chơ vơ ống khói, nghe lạnh, như qua một lò rèn tắt lửa, một
lò đường bỏ hoang, một lò cốm quá vãng… Như thể tiếng thở dài của những
con người đã từng gắn bó cùng chúng vẫn phảng phất. Đã từng nhộn nhịp.
Đã từng vàng son. Giờ thềm xưa đã xanh ngắt bìm bìm, ngó sao mà nhớ
những trưa nằm ngủ thẹn thò trên đống lúa. Nhớ những người đàn bà thích
nhai gạo sống, ngồi chuyện vãn bên thềm, chung quanh bụi bay bàng bạc.
Và bụi thì thơm nồng nàn mùi đồng đất, mùi rạ rơm.
Từ ngày giũ bụi hàng xáo, có thím cất cái quán bán
bánh xèo, bánh khọt. Có người về cuốc đất trồng rau. Có người quạt than
nướng chuối bên đường. Nhắc cái nhà máy cũ, dì cười, ‘trời, con nhỏ hay
kẹp hột lúa nhổ tóc ngứa cho tao hồi đó…”.
Không hiểu sao nghe bùi ngùi, như có hạt lúa nào đâm nhói ran bàn chân trần ở thềm nhà máy cũ...
Nguyễn Ngọc Tư
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét