Thứ Tư, 18 tháng 10, 2023

Một thuở Chợ Trời - Trần Yên Hòa

 Tâm bình yên trong tranh Hồ Hữu Thủ | Harper's Bazaar Việt Nam

tranh hồ hữu thủ

 


Chung cư là một khu building lớn, năm tầng lầu, mỗi tầng được xây nhiều phòng để cho thuê. Sau ngày 30 tháng tư bảy lăm, Hoài chạy từ miền trung vào tá túc ở đây.
Ông M, dân biểu đơn vị tỉnh Q...Bà BD, vợ ông. Sau hai nhiệm kỳ, ông bà phất lên trông thấy. Một căn nhà ở đường Lý Thường Kiệt. Cái building này và một căn biệt thự phía trong. Căn biệt thự chiếm một khu đất rộng, chung quanh có tường cao được gắn miểng chai phía trên, chơm chởm để đề phòng kẻ gian đột nhập. Bên ngoài là cánh cổng sắt to đùng luôn luôn được khóa chặt, ai muốn vào phải bấm chuông. Bên phải có một khung chữ mạ vàng được gắn lên bức tường: Biệt thự BD. Ai nhìn vào cũng cứ nghĩ như là một dinh cơ của quan phủ, quan tuần ngày còn chế độ phong kiến.
 

<!>
 

Ông M. hoạt động trong một đảng phái chống cộng. Hồi kháng chiến mười năm, ông bị cộng sản bắt giam ở nhà lao Tiên Hội một thời gian. Sau đó ông được thả ra đến ngày quốc gia tiếp thu, ông hoạt động trở lại. Cuộc đời tham gia hoạt động chính trị của ông cũng trầy trật bầm dập trăm bề. Hết tù cộng sản đến tù chính quyền Ngô Đình Diệm. Với khát vọng của tuổi trẻ lên đường, ông rất lý tưởng. Nhưng khi ông ngồi vào được chiếc ghế dân biểu, ông lại bị bà vợ lái ông để làm giàu. Cái ngày ông đứng trước sân vận động tỉnh lỵ hứa    với nhân dân những điều ông sẽ thực hiện, như công bằng xã hội, đạp đổ áp bức, bất công, đem ruộng về với dân cày, xây cầu đường, đắp đê điều cho nước tưới khắp đồng xanh. Ông cũng đã quên dần với thời gian những lời hứa đó.

Bà nhờ uy danh ông mà áp phe thành công nhiều chuyện như trúng thầu giặt áo quần lính Mỹ ở khu căn cứ Long Bình. Hàng ngày bà dùng hai chiếc xe vận tải chở quần áo lính Mỹ dơ đem về thuê công nhân giặt với giá rẻ mạt. Cứ thế bà tiếp tục phất lên. Một cái nhà rồi hai cái. Rồi khu building này.
Con đường Nguyễn Văn Thoại, đoạn đường từ trường Nữ Quân Nhân đến Ngã Tư Bảy Hiền là một nơi ăn chơi của quân đội Mỹ. Hàng dãy snack bar mọc lên như nấm. Người ta vẫn ví von, ở đâu có lính Mỹ là ở đó có đĩ. Lính Mỹ đóng ở phi trường Tân Sơn Nhất, ở căn cứ Long Bình, đêm đêm kéo về đây uống rượu và chơi gái. Những cô gái mới lớn lên ngữi thấy mùi đô la thơm quá cũng nhảy vô vòng chiến, làm thân gái bán bar, đem thân cho lính Mỹ nhào nắn, bốc hốt và cuối cùng là nó kéo lên giường. Bà Bách Diệp có đôi mắt tinh đời và cái lỗ mủi đánh hơi rất nhạy, nên bà cho xây căn chung cư này với mục đích là cho Mỹ thuê.
Chung cư có năm tầng lầu được xây thành từng căn phòng nhỏ, được trang trí đầy đủ tiện nghi như một căn phòng khách sạn. Có chiếc giường ngủ đôi, phòng tắm, lavabô, kiếng soi mặt, bàn cầu vệ sinh. Những anh chàng GI viễn chinh sau khi đã ăn nhậu no say với em út dưới quán bar, đến lúc cần giải quyết sinh lý thì tìm lên đây. Ở đây cho thuê từng giờ, từng đêm hay một tuần, một tháng. Tùy theo thời gian mà giá cả lên xuống thêm bớt chút đỉnh. Quân đội viễn chinh nào cũng mang bản mặt riêng của nó, lính Mỹ xa nhà nên nhu cầu sinh lý rất cần thiết. Số gái làm điếm và lấy Mỹ càng ngày càng đông nên khu chung cư này là bãi đáp lý tưởng cho họ. Và như thế là dãy building cho thuê của bà BD đắt như tôm tươi.
Sau khi ký hiệp định ngưng bắn Paris và quân Mỹ từ từ rút ra khỏi Việt Nam, khu chung cư không còn khách nữa. Năm tầng lầu cao ngất ngưỡng vắng khách như chùa bà đanh. Bà BD dùng căn nhà trệt làm phòng cho thuê, như một thứ phòng trọ, phòng ngủ. Nhưng cũng không ăn khách gì mấy. Còn các tầng trên thì bỏ trống.
Cuộc di tản đã đẩy một số dân chúng từ miền Trung chạy vào Sài Gòn lánh nạn. Họ tấp vào đây, khu chung cư này. Vì nghĩ rằng, họ là những người dân của ông, là cử tri của ông, là đồng chí của ông, nên trong lúc thất cơ lỡ vận, họ xin ông cho tạm trú trong những căn phòng bỏ hoang đó một thời gian, để xem tình hình như thế nào. Nhưng bà thì không nghĩ thế. Thà là bỏ hoang những căn phòng trên, bà còn yên tâm hơn là cho họ ở. Họ sẽ chiếm nhà bà như chơi. Nên bằng mọi cách bà phải đuổi họ đi. Nếu còn chế độ cũ bà sẽ phone cho cảnh sát trưởng quận, là lập tức có xe cảnh sát tới hốt ngay, quăng đồ đạc của họ ra đường là xong. Nay chế độ mới về chưa đầy hai tháng, bà có chút e dè, vì chế độ mới là đối địch với hoạt động chính trị của ông. Nhưng bà nghĩ lại, chế độ nào cũng vậy thôi, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nên bà dùng phương pháp cũ, dùng tiền bạc để mua những người cách mạng, nghĩa là ai có mang súng, bận áo quần bộ đội, mang băng đỏ, là bà mua. Bà chỉ cần làm sao tống cổ dân cư ngụ trên building của bà ra đường là được rồi.
Và sáng nay, bà vợ của ông dân biểu đã kéo được những anh chàng “cách mạng ba mươi” đó đến building, gõ cửa từng phòng, thẳng thừng bắt họ dọn ra khỏi nhà trong vài ngày. Nếu ai không ra khỏi nhà bà, bà sẽ nhờ “cách mạng” cho đi cải tạo cả nút. 

 

 

***

 

Phố ngồi đợi Thủy Trúc ở quán cà phê trên đường Trương Minh Giảng. Hôm nay là ngày cuối cùng anh bán ở chợ trời nên anh diện một bộ đồ rất kẻng. Quần tây màu xám xếp nếp đôi, áo sơ mi ngắn tay màu xanh dương, trông Phố vẫn còn phong độ lắm, ít ra anh còn giữ được dáng dấp của chàng đại úy trẻ trước đây ba tháng, lúc nào đi ra đường cũng tươm tất, giày "bot de chaud" láng bóng, áo quần lính bốn túi được ủi hồ cứng. Đó cũng là phong cách của anh ngày cũ.
Anh trở thành người xốc xếch buôn bán ở chợ trời gần tháng nay. Anh muốn thu hình vào một chỗ tối nhất, không ai biết đến mình, để kiếm miếng ăn. Bỗng nhiên Thủy Trúc tìm được anh từ xó xỉnh ấy, kéo anh ra. Anh thấy những ngày tháng cũ bỗng gần gủi hơn. Thủy Trúc chiêu dụ anh. Tự dưng, Phố thấy cuộc đời cần đáng sống, đáng tranh đấu để vươn lên chứ chuyện gì phải chun vào chỗ tối.
Cô ca sĩ nhỏ bé xinh đẹp của cao nguyên, một thời, hồi anh còn độc thân mê mệt. Đến khi anh biết nàng là người tình bé con của ông tướng thì anh dang ra. Nhưng bây giờ, mọi sự đã đổi thay, ông tướng đã bỏ của chạy lấy người, bỏ quan bỏ quân dọt lên trực thăng bay ra biển. Anh còn sợ gì nữa cơ chứ, với lại Thủy Trúc có một sự thu hút lớn, có phải thế không?
Bây giờ anh ngồi ở đây, điểm hẹn, để bàn về kế hoạch cho chuyến đi, mà chỉ có hai người biết thôi.
Thuỷ Trúc đến với quần jean bạc màu, áo polo màu vàng sậm, trông nàng trẻ trung. Cô cầm cái xách tay màu đen. Cái xách tay chứa năm cây vàng cô còn giữ được từ ngày cô bỏ Pleiku mà chạy. Cô đã cất giữ nó mọi nơi, mọi xó xỉnh để còn lại được và bây giờ cô đem đến để cho Phố biết là cô có thật, để anh tin tưởng, cùng đi với cô. Bỏ xứ.
Thủy Trúc ngồi xuống ghế, dáng điệu thật nhẹ nhàng. Nàng nói qua nụ cười rất tươi:
- Anh chờ em có lâu không?
- Anh cũng vừa mới đến. Em uống gì? cà phê sữa đá nhé.
- Dạ.
Giọng Thủy Trúc nhẹ quá, nàng nói mà như đang hát vậy. Người con gái như vầy mà đã qua tay ông tướng. Tự nhiên Phố thấy thương nàng hơn là ghét. Phố nói:
- Em hãy nói cho anh nghe, nhà người bà con của em ở Rạch Giá thế nào, tình hình bây giờ ra sao? Tất cả có đáng tin tưởng không?
Thủy Trúc nói, giọng nghiêm trang:
- Em đã hỏi dò những người bạn ở miền Tây, họ nói dưới đó chính quyền mới vẫn còn lỏng lẻo lắm. Nhà dì em ở Rạch Giá, ngoài sát biển, em nghĩ mình xuống tá túc dưới đó một thời gian rồi có dịp mình đi, dượng em làm nghề đánh cá mà anh.
Phố nói:
- Như em biết đó, anh không có vốn bao nhiêu, anh không có ý định ra đi, chỉ muốn làm ăn đợi ngày đi trình diện học tập. Nay gặp em, mọi chuyện đều đổi thay. Nhưng mình không bộp chộp được, cái gì kỹ lưỡng vẫn hơn. Bây giờ anh chỉ còn tiền trong vốn buôn bán chợ trời với Toại. Như em biết đó, tổng cộng tất cả độ năm chục nghìn, khoảng ba chỉ vàng, cả anh và thằng Soại chung, phải chia cho nó.
Thuỷ Trúc nhíu mày:
- Em biết điều đó, anh có góp với em được bao nhiêu thì em mừng bấy nhiêu, em chỉ muốn anh thật tâm muốn đi với em.
- Anh sợ em nói anh lợi dụng em.
- Sao anh lại nghĩ vậy? Có anh em đi mới an tâm, một mình em đi, em sợ lắm.
Phố nhìn chăm vào mắt Thủy Trúc, anh thấy đôi mắt đó đang long lanh, anh hỏi lại:
- Sao Thủy Trúc lại tin anh mà rủ anh đi cùng em?
Thủy Trúc cũng nhìn Phố một hồi lâu rồi mới nói:
- Chuyện cũng dễ hiểu thôi, anh và em biết nhau từ trước, anh lại là sĩ quan, chắc anh không muốn ở lại với tương lai đen tối. Hồi trước, khi em chưa là bồ của ông tướng, em biết anh thích em, em nhìn vào mắt anh lúc đó em biết mà, đàn bà con gái có giác quan mạnh lắm anh. Bây giờ em là người tự do, em muốn cùng anh đi chung một đường, có lợi cho cả đôi bên.
Phố cũng nói thật lòng:

-Thật tình anh rất thương vợ con anh, anh nghĩ anh bỏ vợ con ở lại không đành.
Thủy Trúc nói nhanh:
- Em đâu cướp anh của chị đâu, anh với em chỉ cùng đi thôi. Qua bên đó mình sẽ trả tự do cho nhau, anh sẽ gởi tiền về nuôi chị ấy. Chứ anh ở lại chắc chắn có yên ổn sống không? làm ra có đủ nuôi chị ấy và mấy đứa nhỏ không?
Phố hơi chùng lòng, anh nghĩ đến một thế giới khác, một thế giới mà các ông lớn tìm đến, đã thoát chạy trước để tìm sự an thân, chắc chắn sẽ hơn xứ sở này, xứ sở này đã đổi chủ. Phố nghĩ tới những ngày còn trong quân đội, anh đã thành công cả với cấp bậc lẫn chức vụ, mà anh có đi tác chiến ngày nào đâu, vẫn lên xe xuống ngựa, vẫn có lính sai bảo, vẫn tiền hô hậu ủng. Cuộc đời phải bon chen với nó chứ đâu tự nhiên mà có được sự vinh hoa.
Phố suy nghĩ một lúc, anh cầm tay Thủy Trúc:
- Anh đồng ý với em là cùng đi, ngaỳ mai anh thu tiền xong mình về nhà Toại để chia tiền cho nó. Anh thương bạn anh lắm, nó thật thà và hiền hậu. Sau đó anh với em sẽ đánh ván bài sấp ngữa. Một ăn, một thua.
Thủy Trúc để yên bàn tay trong tay Phổ, nàng cần một chút hơi ấm. Trời bên ngoài gió thổi hiu hiu, mát dịu. Tâm hồn nàng hôm nay mới cảm thấy được một chút bình yên, nàng như được vỗ về, chìu chuộng. Những ngày qua, nàng sống như một cái bóng, vật vờ. Những toan tính lo lắng về một cuộc sống, về sự ra đi, đã choáng hết chỗ trong tâm trí nàng. Bây giờ ngồi đây, trong quán cà phê vắng, được Phố cầm tay nàng, ấu yếm vỗ về, nàng thấy như mình được an ủi. Những ngày tháng cũ như một quá khứ hút xa mà nàng muốn quên đi để nhường chỗ cho những ngày rất mới.



                                                  ***

 

 

Đã năm giờ chiều. Toại loay hoay dọn những hàng còn lại, cũng chẳng còn bao nhiêu. Hôm nay là ngày cuối buôn bán chợ trời, anh thấy nhẹ người một chút. Đã gần nửa tháng làm ăn tại đây, ngày nào cũng như ngày nào. Soại dậy thật sớm, vệ sinh qua loa rồi đi xuống mười bậc thang lầu ra đường, đón xe buýt đến đây. Anh giăng lên những tấm bạt, rồi vào kho lấy hàng ra sắp trên những chiếc kệ, xong đâu đó anh mới đi lại chỗ quán cà phê vỉa hè mua một ly đen uống cho tỉnh táo người. Khoảng chín giờ Phố mới đạp xe tới. Soại có tính nễ bạn, biết Phố ở tuốt tận dưới Thanh Đa, đạp xe đạp lên đây cũng mất bốn mươi lăm phút, nên Soại đồng ý mình ra dọn hàng trước. Phố lên chỉ xem qua hàng hóa, hàng nào còn hàng nào hết, rồi đạp xe đi thu mua hàng. Còn lại một mình Soại vừa chào mời khách, vừa bán, vừa thu tiền, nên anh cũng mệt ứ hơi. Tuy nhiên anh cũng thấy vui vui vì công việc chiếm hết khoảng thời gian của anh, anh không có thì giờ suy nghĩ viễn vông. Thỉnh thoảng buồn quá, anh rủ Phố về phòng mình ở, mua xị rượu đế và một ít xí quách về cùng nhậu cho vui, thế thôi. Đôi lúc anh cũng muốn quên mình đi, hoàn cảnh này, nhớ đến, lo lắng mãi, tính toán mãi chắc điên cái đầu.
Hồi chiều, trước khi đi, Phố dặn:
- Mày dọn hàng nhớ đem số hàng còn lại qua sạp bên cạnh, tau nghĩ giờ đến tối cũng không bán được bao nhiêu đâu. Tau đã kê số hàng còn lại cho họ và nhận tiền rồi. Mấy tấm bạt đem trả lại cho chủ thuê. Xong mày đợi tau. Chút nữa tau sẽ trở lại đây với Thủy Trúc, giới thiệu cho mày biết mặt rồi cùng về nhà mày nhậu một bữa, rồi chia tay.
Soại nghe lời bạn và lo làm xong công việc của mình. Anh thầm nghĩ, bán ở đây, nếu chịu cực chịu khổ, cũng có lời. Nghề nào cũng vậy, chăm chỉ, tận tụy sẽ thành công. Mới bán được gần nửa tháng thôi mà anh nhẫm tính đã có lời kha khá. Ngoài số tiền anh lấy hằng ngày để ăn uống, cà phê, đi xe buýt, anh thấy số vốn có lên, ít nhất cũng lời được năm ngàn về phần anh. Như vậy phần anh sẽ được mười lăm ngàn. Anh dự định sẽ gởi về cho vợ mười ngàn cho vợ vui. Còn lại, ngày mai anh đi trình diện học tập, anh chỉ đem theo năm ngàn thôi. Mười ngày đi học tập sẽ qua rất nhanh, và anh cố ăn tiêu dè sẻn. Sáng mai trước khi đi trình diện anh sẽ ghé chị Vân gởi tiền về cho Nại Hiên.
Phố và Thủy Trúc đèo nhau trên chiếc xe đạp. Phổ đã kể chuyện Thủy Trúc cho Soại nghe, nói là một người quen cũ ở Pleiku, nàng là ca sĩ, đã có một thời Phố đã mê. Bây giờ gặp lại, tình cũ không rủ cũng tới. Phố đã dấu đi dự tính ra đi của hai người, dấu đi Thủy Trúc có một thời là bồ ông tướng. Phố muốn loè Soại về tính đào hoa của mình cũng như tính đa tình của mình nữa.
Soại không có ý kiến gì. Đôi bạn mới gặp lại nhau, mới làm ăn chung và tương lai cũng chẳng có gì ràng buộc nhiều, nên anh không có ý kiến. Anh cũng mới biết gia đình Phố, vợ và các con đang ở Thanh Đa. Có một lần anh tới chơi, thấy cuộc sống cơ cực lắm. Anh nghĩ, mối tình này Phố cũng chỉ qua đường. Với lại, thường thường, mối tình với ca sĩ chỉ là những mối tình văn nghệ mà thôi.
Phố hôm nay vui vẻ ra mặt, anh dựng xe rồi cùng Thủy Trúc bước vô chỗ Soại đang xếp đồ đạc. Cũng đã xong, mấy món hàng hàng đã đem qua cho sạp bên cạnh, mấy tấm bạt trả lại cho chủ nhà cho thuê. Soại phủi tay, khoẻ, thế là xong, là hết hàng ngày dang dưới nắng chói chan chào mời khách. Thấy Phố và Thủy Trúc bước vào, Soại tươi cười đứng lên. Phổ chỉ Soại rồi giới thiệu:
- Đây là anh Soại, bạn cùng học với anh thời trung học, nay buôn bán chung với anh. Còn đây là Thủy Trúc, mình đã nói với Soại rồi, từ Pleiku di tản về đây. Ban gái mình.
Soại nghiêng chào Thủy Trúc, Thủy Trúc hôm nay bận quần tây đen sẩm, áo sơ mi ngắn tay màu hoa khế, trông rất xinh. Anh nghĩ, Thủy Trúc như một cô học trò thơ ngây hơn là một ca sĩ. Nàng nhỏ bé quá.
Soại nói nhỏ:
- Hân hạnh được biết chị.
Thủy Trúc nói lại:
- Nghe anh Phố nói nhiều về anh, hôm nay em mới đến thăm anh được. Em quen với anh Phố từ ngày còn ở Pleiku.
Phố nói xen vào:
- Xong hết rồi hả Soại, thôi bây giờ mình về nhà mày nhé. Tau chở Thủy Trúc lại chỗ chợ ông Tạ mua ít đồ nhậu và chai rượu về uống chơi để tiễn biệt. Mai mình đi trình diện rồi, biết có còn gặp nhau nữa không?
Soại hơi khựng lại vì câu nói của bạn. Nhưng anh cũng nói theo:
- Thôi tau về nhà trước tắm rửa chút đã, rồi chờ hai bạn nha.
Phố và Thủy Trúc đèo nhau trên xe đạp, còn Soại đi bộ lên đến lăng cha Cả đón xe buýt về ngã tư Bảy Hiền.

 

                                            * * *

 

Buổi tối.
Ba người ngồi trên nền nhà, ở giữa trải mấy tờ giấy báo. Phố đã mua một con gà quay, một ít lòng heo thêm một mớ rau sống. Thế là đủ một bữa nhậu. Thủy Trúc ngồi bên Phố, nàng ăn tô mì Phố mua từ tiệm ông già người Tàu tại ngã ba ông Tạ.
Ngày trước, nàng đã nhiều lần đến tiền đồn hát cho lính nghe, đã từng ăn cơm gạo sấy với thịt hộp, thịt ba lát, từng núp hầm để tránh pháo kích, từng di tản chạy lạc trong rừng đói khát cả tuần, thì sá gì chuyện nhậu nhẹt của mấy ông sĩ quan bại trần này.
Phố nói:
- Tau không ngờ gặp lại mày ở chốn này. Mình lưu lạc nhau mỗi người một ngã, gặp nhau được là mừng. Rất tiếc là không như ngày trước, mình mất hết nên nay mình chỉ vui với nhau bằng rượu đế, uống đi Soại. Nào, dô, dô đi.
Soại cầm ly lên, anh xoay qua Phố, rồi qua Thủy Trúc:
- Mời Thủy Trúc uống một ly với tụi tôi cho vui.
Thủy Trúc nói:
- Mời hai anh đi, em không biết uống rượu, em uống nước trà đá được rồi.
Soại đưa ly qua phía Phố, hai người cụng một cái, rồi cả hai cùng nâng ly uống cạn. Ly rượu nóng, chảy từ cổ xuống ngực, bụng. Rượu chạy tới đâu, thấm tới đó.

Phố nói:
- Mày thấy rượu này uống không tệ chứ, tau khoái rượu Gò Đen vì uống không nồng.
Phố quay qua Thủy Trúc, anh gắp thịt gà bỏ vào tô mì Thủy Trúc. Thủy Trúc ăn uống nhỏ nhẹ, như một con mèo con.
Hai người đàn ông có rượu vào thì lời ra sang sảng. Phố bắt đầu nói, anh kể lại những ngày đi lính đóng ở Pleiku, anh quen biết nhiều, từ các sĩ quan cao cấp đến các tướng lãnh:
- Khi mất Ban Mê Thuột thì Pleiku cũng rung rinh. Tiểu đoàn 610 Truyền Tin Diện Địa tuy là một đơn vị không tác chiến nhưng mình cũng trang bị súng ống, nón sắt, áo giáp đầy đủ. Bọn mình chuẩn bị tử thủ Pleiku. Nhưng không ngờ lại có lệnh di tản chiến thuật chứ có đánh đấm gì đâu. Chạy như một bầy vịt.
Soại:
- Chứ mình từ Sư Đoàn 2 di tản thì sao, còn tệ hơn bầy vịt nữa. Khi tiểu đoàn mình rút xuống bãi biển Chu Lai thì Việt cộng pháo kích theo, bọn mình lên tàu chạy ra xa nhìn vào thì thấy như một biển lửa, bọn nó pháo kích cả mấy ngàn quả.
Thủy Trúc chen vào:
- Thôi bỏ chuyện lính tráng của mấy anh đi, nói hoài chuyện lính tráng, chuyện di tản chỉ làm mình buồn thêm. Bây giờ mình nói chuyện văn nghệ, em sẽ hát cho hai anh nghe những bản nhạc nào hai anh thích, em làm em gái hậu phương đây.
Có chút hơi rượu vào, hai chàng không còn sợ nữa. Thủy Trúc hát Tình Thư Của Lính rồi Lính Xa Nhà, rồi Người Yêu Của Lính, rồi Một Mai Giã Từ Vũ Khí. Giọng nàng như có một âm vang buồn não nuột, đưa hai chàng trai trẻ trở lại một ngày trước đây không lâu, còn khoác trên mình chiếc áo trận.
Soại đã say khướt, anh nằm gục xuống sàn. Giọng của Thủy Trúc đâu đó, bay bay trong giấc mơ anh.
Khi thức dậy, nắng đã lên bên ngoài, hai người bạn đã đi. Phố để lại cho Soại mười lăm ngàn đồng trên ghế. Soại cầm lấy xấp tiền đếm qua rồi bỏ vào trong bóp, định bụng một chút nữa dọn dẹp xong, trả căn phòng. Anh sẽ đem tiền xuống nhờ chị Vân gởi về cho Nại Hiên.
Soại nói thầm trong bụng:
- Thằng này chơi được, sòng phẳng.

 

Trần Yên Hòa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...