Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ viên tịch
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, bậc cao tăng uyên bác từng bị nhà cầm quyền CSVN kết án tử hình, đã viên tịch lúc 4 giờ chiều Thứ Sáu, ngày 24 Tháng Mười Một (nhằm ngày 12 Tháng Mười năm Quý Mão) tại Chùa Phật Ấn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, theo Hội Đồng Hoằng Pháp thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN).
<!>
Theo bản tiểu sử do hội đồng đưa ra, “Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, thế danh Phạm Văn Thương, sinh ngày 15-2-1943 theo khai sanh (gia đình khai tăng tuổi để thầy đi học), tuổi thật sinh ngày 05 tháng 4 năm 1945 (nhằm ngày 23 tháng 02 năm Ất dậu), tại tỉnh Paksé, Lào.”
Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ húy thượng Nguyên hạ Chứng, đời thứ 44 Dòng Lâm Tế Chánh Tông và đời thứ 10 Thiền Phái Liễu Quán, là Chánh Thư Ký kiêm Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Sau một thời gian nằm bịnh viện, ông được đưa về Chùa Phật Ấn hôm Thứ Năm.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư thực thụ của Đại Học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền CSVN, theo trang mạng Quảng Đức.
Ông thông thạo tiếng Trung Hoa, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Ông được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật.
Lúc bị CSVN bắt năm 1984, ông và Thích Trí Siêu, được coi là hai nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đang soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.
Ông qui y Phật lúc 7 tuổi, học Phật pháp trong Viện Hải Đức tại Nha Trang, rồi sau đó là tại Thiền Viện Quảng Hương Già Lam tại Sài Gòn.
Ông tốt nghiệp Viện Cao Đẳng Phật Học năm 1964, Viện Đại Học Vạn Hạnh phân khoa Phật học năm 1965, được đặc cách bổ nhiệm là giáo sư thực thụ Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1970 nhờ nhiều công trình nghiên cứu và khảo luận triết học nổi tiếng. Ông là chủ bút của tạp chí Tư Tưởng do Viện Đại Học Vạn Hạnh phát hành. Ông cũng làm thơ, viết một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Khởi Hành (1969-1972), Thời Tập (1973-1975). Ngoài ra ông cũng hiểu biết rất nhiều về triết học Tây phương. Ông là người đầu tiên thuyết trình về Michel Foucault tại Việt Nam.
Sau năm 1975 ông về lại Nha Trang, đến năm 1977 thì vào sống tại Thị Ngạn Am, chùa Già Lam ở Sài Gòn. Đầu năm 1978 ông bị tù 3 năm, đến năm 1980 thì được thả.
Ngày 1 tháng Tư năm 1984 ông bị bắt cùng với ông Thích Trí Siêu (Lê Mạnh Thát). Tổ chức Ân Xá Quốc Tế tin rằng nguyên nhân việc bắt giữ Thích Tuệ Sỹ và Thích Trí Siêu là do hai ông là thành viên của GHPGVNTN, một tổ chức tôn giáo CSVN không công nhận và thường xuyên đàn áp.
Tháng Chín năm 1988 ông và Lê Mạnh Thát bị CSVN tuyên án tử hình vì tội hoạt động lật đổ chính quyền nhân dân. Tháng Mười Một năm 1988 sau một cuộc vận động quốc tế, bản án giảm xuống còn tù chung thân. Ngày 1 tháng Chín năm 1998 ông được thả về từ trại Ba Sao-Nam Hà ở miền Bắc Việt Nam. Một năm sau, vì tiếp tục hoạt động cho GHPGVNTN, ông cùng với Hòa Thượng Thích Quảng Độ lại bị đe dọa giam giữ và bị công an triệu tập tra hỏi.
Năm 1998 tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards cho Thích Tuệ Sỹ và 7 người Việt khác gồm có Hoàng Tiến, nhà văn Lữ Phương, Nguyễn Ngọc Tần, Phạm Thái Thụy, Thích Trí Siêu và hai người được giấu tên.
Theo di nguyện của Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ lập ngày 19 Tháng Chín năm 2023, đăng tải trên trang mạng của Hội Đồng Hoằng Pháp GHPGVNTN, kim quan được quàn tại chùa Phật Ân ở Long Thành, tang lễ sẽ do Hòa Thượng Thích Minh Tâm làm trưởng ban tổ chức. Sau đó, nhục thân sẽ đưa đi hỏa táng và tro cốt rải ngoài khơi Thái Bình Dương.
Tại Hoa Kỳ, thông bạch của Hội Đồng Hoằng Pháp cho hay, sẽ có buổi lễ truy tán công hạnh và tưởng niệm Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ vào 4 giờ 30 chiều Thứ Bảy, 2 Tháng Mười Hai, 2023, tại Tu Viện Đại Bi, 13852 Newland Street, thành phố Garden Grove. (TTHN)
(từ: nguoiviet.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét