Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

Lại Nhớ Anh Sáu Giáng.- Cung Tích Biền


 

buigiang-ky-hoa-khanh-truong
Bùi Giáng - ký họa Khánh Trường

1

Bùi Giáng qua đời tại Sài-gòn tháng 10-1998, tới tháng 10 năm này, 2023, đúng là 25 năm, một phần tư thế kỷ “Vắng bóng người Điên giữa kinh thành”.
Trong tất cả các bút hiệu của Bùi Giáng, Sáu Giáng là tên hiệu dễ thương với mọi người, Bùi Giáng lại thích “anh Sáu Giáng” nhất; bởi/từ cái gốc gác quê mùa, đồi sim, ruộng lúa, tiếng gà trưa, con cò bãi nước xa, cái nền nhà lát gạch hoa, đứa con thứ sáu trong gia đình tộc Bùi, thằng bé Giáng tập bò tập đi.
 
 
<!>

Con người càng bao năm càng cao dần, nhưng chẳng cao bằng cây mít cây tre trong vườn. Anh Sáu rời vườn xưa ra đi, vẫn mang hình bóng tre mít trong lòng, nhưng tre mít chẳng bao giờ biết trong vuờn quê này từng có Sáu Giáng. Sáu Giáng là ai? Chính anh cũng mơ màng, trôi dạt, đến nhớ nhung chính mình.

“Lên đường gõ cửa nhà ma
Kêu thằng Bùi Giáng bước ra tao chào”

2

Tháng 10 năm nay, 2023, nghe râm ran qua mạng rằng các nơi, Sàigòn. Đà Nẵng, Huế, cả Hà Nội đều có lễ giổ, tưởng niệm Bùi Giáng. Cuộc đồng loạt mở lòng tưởng nhớ này rất đúng tầm lễ nghĩa. Nhưng cũng ngặt cho anh Sáu.

Hẳn là sẽ có hương trầm chuông mõ, lời tưởng niệm, diễn văn, hoặc ai đó đọc bài thơ tặng Bùi Giáng. Có một lần ở Hà Nội, mần lễ tưởng niệm Bùi Giáng, rất nhiều phát biểu yêu thơ ca Bùi Giáng, bao nhiêu người nhận đã từng gặp Bùi Giáng chuyện trò, nhưng tấm hình chân dung Bùi Giáng to đùng treo trong hội trường là hình của…họa sĩ Th. H. Vị này, đang sống nhăn, già, nghèo, sống nhờ tại chùa Nghệ sĩ, một hình thức nhà cứu tế dưỡng lão, tại Gò Vấp.

Gập ghềnh, gian truân hơn, nhân dịp này, Bùi Giáng có thể được tưởng thưởng cái huy chương Lao động hạng Nhứt; được nhận giải văn chương.

Rất khiêm nhượng, Bùi Giáng cũng như bao người có thực tài, khi cầm bút chẳng ai nghĩ mình đang lao động. Mặc dù có động -- động não; và có lao – lao tâm lao trí, cần cù mới có tác phẩm, nhưng nó không nằm trong hai từ lao động thường hằng như cày bừa bửa củi.

Trong văn chương thi họa, bọn người ấy cũng mang một xác thân lấm đầy những bụi trần gian, lẫn lộn đời thường. Nhưng họ có thêm một riêng Cõi để chan hòa. Giữa khung trời huyền vi, viễn mộng, chẳng ai trong họ thấy nơi xa xa có treo lơ lửng một cục tiền, tấm huy chương, cái bằng danh dự, trả giá. Họ ẩn mình, lánh xa đám đông, những trò đời làm vẩn đục sự tinh khiết của tâm hồn.

Bùi Giáng cũng minh triết tự biết mình, cô đơn như người trăm năm cũ. 

Nguyễn Du từng tự hỏi:

“Văn tự hà tằng vi ngã dụng – chữ nghĩa ta dùng giúp được gì cho ta”
Nguyễn Khuyến cũng từa tựa Nguyễn Du thuở kia, “Sách vở ích gì cho buổi ấy!”

Tan Đà đau đớn hơn :

“Văn chương hạ giới rẻ như bèo”.

3

Tôi chưa hề khen thơ Bùi Giáng hay. Thơ không phải chén mắm tôm, kẻ mê tơi, người bịt mũi.

Đến với anh Sáu Giáng là đến với một nơi chốn có cái để nhìn ngắm, có nắng ngoài kia, bóng mát dưới tầng lá này, có bốn mùa ấm lạnh cây kia đứng một mình.

Bùi điên, Bùi cô đơn, nhưng Bùi rất thân ái với cuộc đời, yêu cả những chủng loài vô danh nhỏ bé, bọn này chẳng dính dấp chi tới diễn văn, tưởng thưởng.

Xin yêu mãi và yêu nhau mãi
Trần gian ôi! cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.
 Bùi đầy lòng quyến luyến, biết ơn trần gian:
Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu
Bùi kỹ lưỡng, thầm trách cả chim chóc thiếu tình giả biệt:
Bay về tổ chín từng cao,
con chim vĩnh biệt quên chào mái hiên
Bùi Giáng thông tuệ, linh ứng, tiên tri chính xác, cả ngày mình xa ngái bầy trẻ con thân mến:

bui giang
Ông chào các con,
Ông từ viễn mộng tương lai
Về trong hiện tại ngàn mai giậy giàng
Mậu Dần mật thể thênh thang
Ông về chín suối đá vàng chào con
 
Năm 1998 là năm Mậu Dần, bổn mạng Thành Đầu Thổ. Bùi Giáng mất đúng ngày 7 tháng 10 năm ấy.
 
 4
Không những gởi lời tạ từ, Sáu Giáng còn uống chung rượu với em, tâm tình rất mực. Em đây, em gái Huế dịu dàng, em châu thổ thênh thang thang Châu Đốc Long Xuyên, em hưu nai ngã Bảy Ngã Ba phố thị, em Mọi từng than thở cùng Marilyn Monroe, nàng tài danh này tự tử bất ngờ khi minh tinh màn bạc hãy còn rực rỡ tháng ngày:
 
Mọi nhỏ – Tại sao chị tự tử?
 Monroe – Tại vì chị là người da trắng. Huống hồ nữa là...
 Mọi nhỏ – Là sao huống nữa?
 Monroe – huống nữa là màu da trắng của chị còn trắng hơn tất cả màu da của mọi người da trắng khác.
Monroe – Chị tự tử đã đành. Sao em cũng tự tử? Em ở trong rừng mát mẻ, em tự tử làm gì cho phí mất màu da bồ quân bánh mật của em như thế?
Mọi nhỏ – Em đâu có tự tử. Chính là thật ra cái hòn đạn nó tự tử em.

Sài-gòn vẫn sáng ửng nắng vàng để rong chơi, “Đi lên đi xuống đã đời du côn”, nhưng Bùi Giáng tự biết ngã đường chia biệt:

Uống với em trước giờ giã biệt.
Uống xong ly rượu cuối cùng
Bỗng nhiên chợt nhớ đã từng đầu tiên.
Uống như uống nước ngọc tuyền
Từ đầu tiên mộng tới phiền muộn sau
Uống xong ly rượu cùng nhau
Hẹn rằng mai sẽ quên nhau muôn đời
Em còn ở lại vui chơi
Suốt năm suốt tháng suốt nơi lan tràn
Riêng anh về suốt suối vàng
Trùng phùng Lý Bạch nghênh ngang Tản Đà
Em còn ở với sơn hà
Anh còn mất hút gần xa mất hoài
[Uống rượu] 

Viết về Bùi Giáng, lòng ta rưng rưng.
Như, cái buổi sáng đầu tiên thức giấc, sau một khuya khoắt người thân yêu của ta vừa qua đời.
 
5
Với Bùi Giáng, Thơ và Sống là một. Ông có bước qua nhiều lĩnh vực chữ nghĩa, biên khảo, dịch thuật, triết luận, nhưng tựu trung dù quánh đặc hay phiêu bồng, luôn không rời khỏi cái hồn và phong vận thi ca nơi ông.

Bùi Giáng là thoát ngoài, một Tâm vô sở trú, nhưng ông không là một người hư vô chủ nghĩa. Ông ở trong cõi đời thân mật và đầy trách nhiệm, một kẻ dấn thân. Ông xúi giục một cách nhiệt tình cuộc vào đời, tuy  ngôn ngữ trầm tư, ẩn mật:

“Muốn suy tư đúng lối không thể không lên đường dâu biển mấy cuộc trải qua, giấn mình vào sinh ra tử, mấy lần đọ mặt vi lá cỏ hư không vắng lặng đọan trường”.

Từ tư thế này Bùi Giáng luôn là một kẻ “Sống thật”, qua cái nhìn trực diện vào hố thẳm địa cầu. Lời Bùi Giáng:

“Những người làm văn nghệ hoặc không làm văn nghệ, nhưng có dở sống d chết trong bi kịch thi đại đều nghe rõ tiếng kêu của Weil, của Einstein. Khoa học giết người, triết học giết người. Khoa học giết người, ta nhìn thấy rõ. Triết học giết người, ta nhìn không thấy rõ… Khoa học đã hồn nhiên gây bóng tối. Nhưng cái ghê tm nhất là cái bóng tối t ở giữa lòng triết học tỏa ra.”

Bùi Giáng là một nhân phận trọn đời hiến tế cho thi ca. Tận hiến ấy thể hiện một thiên tài rực rỡ và kỳ vĩ, nhưng ông không trong khoảnh vùng hạn hẹp, trong cái gọi rằng thời thế, thời cuộc, được định vị qua lịch sử chính trị. Ông là một tự do. Là thể điệu vĩnh trường, trọn một đời không để mình bị một định chế nào trói buộc.

Cõi thơ Bùi Giáng rộng tỏa qua mọi thể điệu, mọi nếp gấp nhưng ông không, và chưa hề hô hào cho một thể chế trị nước đương quyền nào, một chủ nghĩa tư tưởng, ý thức hệ chính trị nào. Với ông, không phải bận rộn, cực nhọc moi móc, tìm kiếm những hận thù để hô hào con đường lửa máu cho đấu tranh, giải thoát. Nơi Bùi Giáng là cõi an nhiên tự tại. Và, thừa trí huệ để hiểu ra sự sa đọa, cuộc đoạn trường điêu linh như một đương nhiên, chúng ta không hề và chẳng thể rên rỉ mà thoát ra ngoài.

Từ vị trí này, trần gian chỉ còn là một hí trường – chỉ là nơi chốn bày ra trò vui buồn của tạo hóa; hay chỉ là một giấc Nam kha – một giấc ngủ trưa ngắn ngủi, thức giấc lúc nồi kê chưa chín, đã thấy trọn/suốt cuộc hành trình đời mình trong một cơn mơ thoáng chốc, trong ấy  đã thấy ngay mình đưa tang mình; cũng vậy, trong mơ trần thế, Trang Tử đã thấy mình hóa bướm; hoặc, rất có thể trần gian ấy, là một “lò cừ nung nấu”, cách nói của Nguyễn Gia Thiều - mỗi phận người được số mệnh trau chút qua những nỗi đau, buồn thẳm, đọa đày.

6

Có rất nhiều nhận xét, cho rằng Việt Nam chỉ có hai nhà thơ lớn, Nguyễn Du và Bùi Giáng. Đúng sai hạ hồi phân giải, nhưng đây không là câu nói qua đường. Dịch giả Bửu Ý có một tập sách viết về Bùi Giáng, tựa đề, Bùi Giáng truyền nhân của Nguyễn Du.

Cảm hoài về nhân thế có chỗ giống nhau, thực tế về tự thân giữa hai thiên tài Nguyễn Du và Bùi Giáng lại rất đổi khác nhau.

Nguyễn Du ra làm quan dưới triều Vua Gia Long với một nỗi lòng đau. Bậc sĩ phu, kẻ nghĩa liệt không ai làm bầy tôi, thờ hai vua – Trung thần bất sự nhị quân, một trung thần không thể làm quan dưới hai vua. Vua cuối cùng của triều trước [tiên triều] và vị vua đầu của triều kế tiếp. Không kể Vua Quang Trung, triều Lê mới là tiên triều với dòng họ Nguyễn Du. Thân phụ Nguyễn Du, Nguyễn Nghiễm là đại thần của Nhà Lê. Nổi đau này là một Đoạn trường, một tiếng thét Tân Thanh, nơi Nguyễn Du. Nàng Kiều là biểu kiến của nổi trôi, phận bạc.  

Bùi Giáng khác hơn. Không có một tiểu sử bị nắng mưa đời dày xéo như Nguyễn Du.

Bùi Giáng, cõi tự tại, thong dong rất mực.

Lý Bạch xưa đã từng uống rượu của triều đình, Đào Tiềm đã lỡ ra làm quan sau mới “Qui khứ lai từ”;  Bùi Giáng không hẳn đã hơn Đào Tiềm, Lý Bạch nhưng ông xuất xử không như thế.

Khuất Nguyên giải quyết bế tắt qua buông mình xuống dòng Mịch La, Bùi Giáng cũng thấy ra là đời đời, mãi mãi nơi nao, cũng chỉ là “Địa địa xứ xứ giai Mịch La”- khắp chốn nơi, đâu cũng là chốn nên nhảy ùm tự vẩn. Nhưng ông thanh thản rong chơi; kịch liệt đùa rỡn, luôn thông thái đổi mới cách chơi ngày ngày; nguy nga tạo dựng một nhân sinh quan rộng tỏa trên mọi nẻo đường tư tưởng; mãi tràn lan cuộc vui cùng nhân gian tháng rộng năm dài.

7
Ghê thật, Bùi Giáng đỉnh cao. Bùi siêu nhiên viễn mộng. Có thật như rứa không? Giỡn chơi hoài. Bùi Giáng có những chuyện vui ít ai ngờ. Ngộ là chàng Khờ, anh Ngố, chẳng sai.

Hai chuyện này vui.

- Năm 1971, anh em xúi Bùi Giáng gởi thơ dự thi Giải thưởng Toàn quốc, lấy tiền uống rượu chơi. Bùi Giáng gom nhặt một mớ, không phải nguyên một tập thơ nào. Nộp. Không được giải nào, thậm chí giải khuyến khích! Hà Thượng Nhân, một giám khảo phê, ‘Thơ cà rỡn, thiếu nghiêm túc, khó hiểu”.

- Vào giữa thập niên 90 thế kỷ trước, trong nước, anh Nguyễn. Đg. Tr. một nhà thơ trẻ, đang chủ trương một nguyệt san văn chương. Vốn yêu mến và kính trọng những nhà văn nhà thơ tiền bối, anh có lòng mần một số báo đặc biệt về Bùi Giáng. Anh khéo nói làm sao Bùi Giáng mê tơi, không những đồng ý, mà còn hăng hái, tự tay viết một lá thư vui vầy, ký ngay tên Sáu Giáng cuối thư. Lá thư được trình trọng in ngay trang đầu số báo.

Số báo ra đời, in khá đẹp. Sáu Giáng vác một cái chuỗi chà đi tìm nhà thơ chủ nhiệm báo.

Trong số báo này, anh bạn trẻ khá vô ý, đăng những bài viết, kể lễ ba chuyện trà dư tửu hậu không đáng, những giai thoại về Bùi Giáng, hư cấu, vẽ vời, quá dung tục.

Gặp nhau, quán nhậu 81 đường Trần Quốc Thảo, Sáu Giáng chửi “Thèng tồ lô, đồ bôi boác” [giọng Quảng Nam, dịch nghĩa, “Thằng tào lao, đồ bôi bác”].
Cô Dung mang ra ba chai bia, ba cái ly bự. Bùi Giáng bảo Dung, “Không bỏ đóa”. Dung vô tình, thuận tay bỏ luôn cục nước đá vào ly anh Sáu. Bất ngờ, mặt hầm hầm, Bùi Giáng thò ngay bàn tay bụi bẩn vào ly móc cục nước đá, nạt “Tổ choa mi tau bổ không bỏ nước đóa sô mi bỏ”. Dung sợ khiếp đứng yên, chưa kịp phản ứng gì. Chỉ một vài giây đồng hồ, vẫn cục nước tổ bự trong lòng tay, ông lại nạt Dung, “Tau ném chết cha mi sô mi còn đứng đó, không chạy đi”.

Bùi Giáng là vậy. Cơn giận dỗi lơ lửng như cái hoa vàng trên dòng nước nhẹ trôi.

Một trời dâu bể, một đời thơ. Hai mươi lăm năm qua, vẫn như là ngày vừa qua, “Có phải anh Sáu đó không?”

Giữa con đường Nguyên Xuân:

“Xin chào nhau giữa con đường,
Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau”.
 
 
Cung Tích Biền
Lão Xá,
Gác đền Rao, tháng 10 – 2023.
  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...