Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2023

hoàng trúc ly, huyền ảo những chiêm bao - Cung Tích Biền



Hoàng Trúc Ly

 

Đôi dòng tiểu sử: Hoàng Trúc Ly, tên Khai sinh Đinh Đắc Nghĩa. Sinh tại Bình Định ngày 14/4/1933. Không vợ con, không trong quân đội, không từng giữ một chức vụ gì quan trọng trong các chính quyền. Ông có một đời sống thanh thản, hiền hòa, bay thoát, một kẻ lãng du. Thi phẩm Trong Cơn Yêu Dấu, ấn hành năm 1963, tại Miền Nam là tác phẩm nổi tiếng nhất của Hoàng Trúc Ly. Sau Tháng Tư 1975, Hoàng Trúc Ly có một hoàn cảnh sống cô đơn, cơ cực. Ông mất vì một tai nạn giao thông khi đang băng qua đường Phan Thanh Giản [tên đường thời Cộng Hòa], tại Sàigòn ngày 23/12/1983.

<!>

Một chiều, chúng tôi đang vui vẻ bên bàn rượu, bỗng nghe một tin buồn, “Hoàng Trúc Ly bị tai nạn xe, đã qua đời”. Trong bình sinh, sống với anh em bạn bè, cõi lòng thân thiết nó buộc ta quên rằng có một ngày kẻ ấy sẽ bỏ-ta-mà-đi, hoặc ta-sẽ-lìa-xa-họ. Bỗng một hôm, một người với chiếc ảnh lộng khung, màu hoa với làn hương khói cuộn nhẹ nhàng, như chẳng muốn bay, lòng kẻ-ở mới đau đớn phút ly biệt. Một phần sự thực đã biến ra hư huyễn. Máu xương có cái cách riêng của máu xương, và đường Đi-Về riêng nó.

Thời còn trẻ, thường hơn mười giờ đêm tôi và Kim vẫn ghé một quán phê quen thuộc, cùng nhấm nháp tách cà phê đen đậm, thì thầm bao câu chuyện tình chuyện đời. Về sau, cái thú cùng uống cà phê về khuya đã làm mất giấc ngủ, chúng tôi chỉ giữ một thói quen khác, để dìu giấc ngủ, là vài bản nhạc cổ điển không lời, êm dịu. Một đêm, tình cờ Kim mở một bản nhạc Việt, có lời “Ngoài kia trời mưa, buồn không em / Xa hỡi ngàn xa, bóng nhạn chìm / Thương nhau ái ngại tìm đôi mắt / Chưa biết đêm nào đêm trắng đêm”.

Thơ Hoàng Trúc Ly, Trầm Tử Thiêng phổ nhạc, qua tiếng hát của một ca sĩ từng nổi danh. Ba tài hoa ấy hợp lại với nhau, con đường mây trắng, sông nước khói sương. Rất lạ, những thơ, tiếng hát êm đềm ấy không dìu ta vào giấc ngủ, mà là khơi dậy một nỗi buồn hoang. Nhớ người, nhớ cả nắng mưa xa lắc lơ trong dĩ vãng. Nỗi nhớ càng đau càng rộng khi Hoàng Trúc Ly và Trầm Tử Thiêng, hai người bạn thân thiết của tôi, đã ra người Trăm Năm cũ.

Trầm Tử Thiêng, trước kia là chỗ thân quen, cùng một màu áo lính, cùng một quê Xứ Quảng. Tôi ở Thăng Bình vùng cận biển Đông. Trầm Tử Thiêng quê Đại Lộc huyện của núi rừng Trường Sơn.

Trên quan lộ bắc-nam, từ thị trấn Vĩnh Điện, có một con đường rẽ về hướng tây, qua tháp Chàm Bàng An, chợ Phong Thử, đến thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc của Đông Trường Sơn. Một thời tôi dạy học, hai năm liền trước khi động viên và Võ Bị Thủ Đức, tại trường Trung học Kỳ Châu, ngay Phong Thử. Một dịp hiếm có tôi đi thăm thú các vùng Vu Gia, Giao Thủy, Quảng Huế, Bồ Bồ, đến Ái Nghĩa, và sâu trong núi rừng, tận Bàu Quyền, Hà Nha… con đường mòn cùng sông Thu chảy trong núi liền núi từ cực bắc vùng Kontum, trầm mặc và u viễn.

Người quê tôi, gọi các vùng bên này núi liền núi là “Nguồn”. Có thể đó là nơi khởi đầu những con sông lớn nhỏ, đổ về xuôi. Vườn cây xanh tươi, những thung lũng nhỏ, con đường quanh co, chiều ta đi, đi cùng nắng vàng với gió rừng. Thiên nhiên ấy đẹp như tranh vẽ. Từ cha ông, để tỏ cái tình kẻ ven biển với người chân núi, đã có ca dao “Ai về nhắn với nậu nguồn / mít non gởi xuống, cá chuồn gởi lên”. Thiên nhiên cẩm tú này, có thể là một phần hồn trong lời ca giọng nhạc, tài hoa và sâu sắc, của Trầm Tử Thiêng.

Riêng Hoàng Trúc Ly, chúng tôi thân thiết với nhau hơn. Yêu thơ lẫn yêu người.

**

Đọc thơ của Hoàng, Phạm đã viết:

“Thơ Hoàng Trúc Ly có ma lực kỳ quái của loại phù chú. Ngôn ngữ hãy còn mới tinh, mỗi chữ đều mang một linh hồn, mỗi chữ là một sinh mệnh. Tôi gọi Hoàng Trúc Ly là thi sĩ lớn, là nhà thơ bậc thầy của thi ca hiện đại.”

Tính cách Phạm Công Thiện, bậc nhất tài hoa, luôn là ngôn ngữ tuyệt cùng, luôn đẩy tầm nhìn tới điểm cực đoan, tận cùng chiều kích. Nhưng không ngoa. Hoàng Trúc Ly, một cõi thơ đáng cho ta ngợi ca như thế.

Hoàng Trúc Ly luôn ốm gầy, chính anh tự nhận “Nhà anh nghèo anh đau tim yếu phổi / Đời lạnh lùng bốn hướng gió và mưa.” Đi đứng gần như ẻo lả, giọng nói dịu dàng, chẳng tranh cãi cùng ai. Gặp điều bực mình thì cười nhẹ, làm như nhận lỗi, như chính mình gây bực mình cho người kia. Uống rượu nhiều, ngồi quán bình dân, luôn đi bộ lang thang. Miền Nam một thuở có khá nhiều hình bóng lang thang như Trần Tuấn Kiệt, Bùi Giáng, Nguyễn Bắc Sơn… Làm như ngã ba ngã bảy là nhà. Ngồi uống cốc rượu chỗ ngã bảy tưởng là ngã ba. Đứng chỗ ngã ba, nhìn xe cộ tưởng hưu nai / xe cộ nhiều bỗng nhảy cẳng như hưu.

Đặc biệt Hoàng Trúc Ly có một đôi mắt cực đẹp, ngơ ngác, trong sáng nhưng mơ hoặc, như luôn đang nhớ những hồn ai phiêu bạc. Có thể đọc dưới đây một đoạn viết rất thâm thúy, của Đặng Tiến, một nhà nghiên cứu phê bình văn học nhiều cẩn trọng và có chuẩn mực, về nhân diện Hoàng Trúc Ly:

“Tôi bắt đầu vẽ ngay nụ cười, một nụ cười khoan dung, chấp nhận, lúc nào cũng hiền hòa giản dị, nhưng lúc nào cũng xa vắng, mênh mông như từ bên kia cuộc đời gửi lại. Tôi sẽ vẽ thêm đôi mắt trong xanh và cái nhìn cũng hiền hòa, dịu dàng như nụ cười, đôi mắt vuốt ve, lưu luyến. Tôi sẽ ngưng lại ở đây, vì thi sĩ Hoàng Trúc Ly chỉ gửi vào thi ca có đôi mắt và nụ cười trong sáng, e ấp quan niệm sống, phản chiếu một ý thức nghệ thuật sau những ngập ngừng dò dẫm suốt hơn mười năm sáng tác”.

Về tài thơ Hoàng Trúc Ly, Đặng Tiến đã viết tiếp:

“Thơ Hoàng Trúc Ly có cái bình thản âu yếm của kẻ đã đạt tới đạo, hiểu theo nghĩa Đông Phương: y hồ thiên lý, nhân kỳ cố nhiên. Văn chương hiện đại là một thứ văn chương sáng suốt, nghĩa là một thứ gương phản chiếu. Thơ Hoàng Trúc Ly trái lại chỉ là một khối thủy tinh, không trả lại hình ảnh nào, không đón đợi mà cũng không phải là không đón đợi, chỉ biết thích ứng với tất cả những gì đến với mình. Như thế tâm hồn Hoàng Trúc Ly đã đạt đến hạnh phúc tối cao, đã liên hợp được cái ngã và cái vô ngã trong sự thong dong không bờ bến.

“Do đó, thơ Hoàng Trúc Ly, không mang những ký hiệu ‘tuyệt vọng’ của thi ca thời đại. Thật ra, trên đời này không có ‘văn chương tuyệt vọng’, vì lý do giản dị là tuyệt vọng luôn luôn câm nín, không tình tự, không thở than. Tuyệt vọng chỉ là một trong những cái cớ của văn chương, ghép lại, ‘văn chương tuyệt vọng’ lại là… mâu thuẫn danh từ. “Hoàng Trúc Ly là một nghệ sĩ khéo lựa tiếng đàn. Trong thi phẩm từ ngữ luôn luôn tạo thành một hòa âm tinh tế. Thường những bài lục bát của Hoàng chỉ có bốn câu, nhưng bốn câu ấy tựa vào những âm vọng, âm hưởng hòa hợp lẫn nhau để tạo thành một sinh khí, một cơ thể, một năng lực.

“Nghệ thuật diễn tả của Hoàng Trúc Ly đạt đến độ tài tình. Hoàng Trúc Ly phả hơi thở mới vào các hình thức đã già nua. Hoặc bằng nhạc điệu, hoặc bằng từ vựng, Hoàng Trúc Ly chứng tỏ rằng thi ca Việt Nam vẫn còn những kho tàng chưa khám phá.

“Hoàng Trúc Ly đến với nhân gian dưới khuôn mặt hào hoa, phong nhã, với thái độ chừng mực của một khán giả, một khách lạ. Nhưng trong cô đơn, ông đã dùng cả tinh lực để pha chế từng màu sắc đậm nhạt, dung hòa từng ánh sáng mờ tỏ, để tạo ra một thế giới thật hơn thế giới chúng ta…”

**

Đầu những năm 1960 thế kỷ trước, ngoài những ca sĩ đã thành danh có một ca sĩ đang lên, đó là Thanh Thúy. Cô hát nhạc boléro của Trúc Phương, người nhạc sĩ lừng danh một thời. [*]

Giọng Thanh Thúy khàn đục, một cái khan đầm ấm, cái đục ngọt ngào chất Huế, huyền hoặc liêu trai, hút hồn bao người, cô nhanh chóng trở thành một hiện tượng.

Cô cũng gặp thời. Thời chiến tranh Bắc-Nam, khí hậu ý thức hệ chính trị đối kháng đã gay gắt trong xã hội. Thêm gia vị, là những nguồn tư tưởng triết học Tây phương đang ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến tuổi trẻ Miền Nam. Ca từ của Trúc Phương qua giọng ca Thanh Thúy, rỉ rả giải bày, đã phần nào giải mã được những tâm tư, bao dấu hỏi lẫn dấu than thời cuộc.

Thế hệ trẻ thời ấy không chìm trong giấc ngủ, mà thường trực thao thức. Ngoài những vấn nạn của đời sống hàng ngày đang bày ra, còn những nan vấn siêu hình về thân phận con người. Sự phi lý của hiện hữu. Sự nghịch đảo, hai chiều đối kháng niềm tin tư tưởng. Buồn nôn, hay buồn tủi, một đất nước thời phân tranh, một giống nòi chia rẻ. Những mảng oan khiên đời đời khó thể tự thân liền vết. Hòn bom trái đạn ồn áo khôn xiết. Nên giọng ca Thanh Thúy, trở nên quyến rũ, lời ủy mị cần thiết để hạ nhiệt những nóng bỏng nỗi lòng.

Trên báo chí đã có rất nhiều bài viết nghiêm chỉnh, từ những cây bút có uy tín. Khen ngợi giọng ca, tặng cho cô những mỹ từ “Tiếng hát liêu trai”, “Ảo ảnh Thanh Thúy”, Hoàng Trúc Ly, lụy tiếng hát, ông viết “Sầu Ca Sĩ”, tặng Nàng:

Từ em tiếng hát lên trời
Tay xao dòng tóc, tay vời âm thanh
Sợi buồn chẻ xuống lòng anh
Lắng nghe da thịt tan tành xưa sau.

**

Tôi gặp Hoàng Trúc Ly trong một quán rượu. Tôi dân nhà binh, Hoàng Trúc Ly một đời không biết súng đạn là gì. Anh có vẻ sợ lính. Nhưng quen nhau dần dà, có cốc rượu, câu chuyện văn chương nó dẫn lối đưa đường, nên gần gũi nhau hơn.

Bước vào nhà hàng Thanh Thế, nơi những Huy Cường, Hùng Cường, Tô Kiều Ngân, chung chung là các nghệ sĩ trình diễn đang thường lui tới, thấy một người ngồi lặng lẽ riêng một bàn, biết ngay Hoàng Trúc Ly, tôi bước tới chào. Hoàng Trúc ly nói ngay tên tôi, mời ngồi. Hai ly rượu mạnh.

Thời Cộng hòa, các anh mần văn nghệ có tiếng tăm tí chút, gặp nhau biết nhau ngay, như đã từng choảng nhau từ đâu kiếp trước. Vì cái nhân diện của anh mần thơ viết văn, mần ra bản nhạc, thường được nêu tên, in hình trên các báo trước đó.

Quen mấy hôm, anh dẫn tôi đi hút thuốc phiện.

Tiệm hút, trên một căn gác rộng, trong hẻm nhưng nhà cửa hai bên khang trang, đường Lý Thái Tổ. Tôi còn trẻ lắm. Một phụ nữ rất xinh đẹp, gọi tôi bằng em ngọt ngào. Em nằm xuống đây. Gác ván láng bong, không có giường. Một chiếc chiếu hoa trải trên nền. Tường dán giấy hoa, treo vài bức tranh dân gian, loại mộc bản Đông Hồ. Chị này chừng là từng trải, từng tiếp xúc với các văn nhân thi sĩ qua làn khói nâu chốn này.

Tôi nằm dài. Đầu gối lên chiếc gối bông mềm mại. Hoàng Trúc Ly hút xong, ngồi nhấm nháp ly trà; nhìn tôi, anh trung úy tập tành vào con đường “nghiện ngập”. Giữa tôi với người nữ là khay thuốc, ống tiêm, bàn đèn, ngọn đèn mờ tỏ.

Chị, giọng nói ngọt ngào quyến rũ. Bàn tay điệu nghệ dùng cây que sắt, đầu que có dính viên thuốc dẻo nhỏ tí tẹo. Nghệ thuật lắm, chị đặt nó trên ngọn lửa đèn, ngón tay vân vê nhẹ, tròn cây que kim. Thuốc sôi, và chảy đều, một viên tròn lỏng, rồi đưa vào chỗ dọc tẩu. Tôi, lần đầu tiên biết, và hít một hơi đầu đời.

Hoàng Trúc Ly cũng là một người đặc biệt. Khi vừa ra khỏi chỗ ấy, anh khuyên tôi, “Làm nhà văn, thi sĩ, mình dẫn Biền đi cho biết cái mùi đời vậy thôi. Chớ nên tới lần thứ hai, sẽ nghiện ngập”. Chính anh đã là người đã nghiện thuốc phiện, từ quen thuộc buổi đó gọi “hít tô phe”, từ vài năm trước.

**

Tôi rủ anh đi nhảy đầm. Anh bảo, Chân cẳng mình không hợp với món nghệ thuật ấy. Không nhảy đầm thì ngồi uống rượu nghe nhạc. Anh lắc đầu, trả lời, nghe nhạc mà bị chi phối bởi nhảy đầm, thì nhạt lắm.

Ăn uống ở Sài Gòn hằng ngày ngần ấy món, chán, tôi rủ anh vào Chợ Lớn ăn óc khỉ, có gái Tàu. Anh bảo, con khỉ cũng có một đời sống như con người, mổ óc khi chúng đang còn sống mà ăn thì không nên.

Hút thuốc phiện cùng anh một lần. Nhảy đầm, chẳng bao giờ. Ăn óc khỉ thì sợ vi phạm “Khỉ quyền”. Vậy, lang thang, nhàn nhã, bia rượu quán xá lề đường. Hạnh phúc nhất là anh em giữ mãi sự hiền hòa thân thiện, đời thơ ngây như bọn trẻ đánh đáo chơi bi cùng nhau. Hoàng Thi Sĩ theo khai sinh là 1933, anh luôn bảo Bà Mẹ đẻ anh ra năm 1937, cùng tuổi với tôi, hai ta bạn đồng niên.

Anh có một bài thơ, nói rõ anh sinh 1937, và tiên đoán sẽ qua đời năm 1980. Hóa là, 1983, anh bị tai nạn, xe cán khi đi bộ băng qua đường.

Hoàng Trúc Ly, đã từng biết, khi từng viết:

Rồi mai khởi sự xa đời
Chuyến xe trăm tuổi đưa người nghìn năm
Trăng sao bốc cháy chỗ nằm
Áo xanh mây lá vết bầm núi non
(Hoàng Trúc Ly, “Vĩnh biệt”)

**

Hoàng Trúc Ly có gia đình anh em giàu có, nhưng anh sống một mình, không nhờ vả ai. Một đêm chúng tôi uống ngà say rồi về cùng ngủ với anh. Một căn phòng nhỏ, trong thành Ô-ma. Phòng không rộng lắm, không nhiều sách vở, không bày biện mỹ thuật bình hoa, tranh treo tường. Chiếc mùng giường ngủ nhiều chỗ cháy vì tàn thuốc, muỗi mòng tha hồ chui vào. Không có ai chăm sóc, phòng nhiều bụi bặm, ẩm mùi mốc.

Nằm một hồi, tôi ra chiếc ghế duy nhất trong phòng, ngủ ngồi. Anh bảo sao không ngủ trong mùng. Tôi nói ngủ ngoài này thà muỗi tha hồ cắn, vẫn hơn ngủ mùng, một đôi con phá bĩnh giấc ngủ. Thành Ô-ma cũng gần ngã Sáu, nơi vào năm 1967, được dựng tượng Đài Phù Đổng to đùng. Một hai giờ sáng nơi này ồn ào như chợ. Sà đà những bãi đủ loại món ăn khuya. Bọn móc túi giựt dọc, bọn mua hàng chôm chĩa, bọn đàn ông nhảy đầm, bọn vũ nữ tan hàng, ra ăn khuya.

Có vũ nữ về khuya là có bọn đầu nậu cho vay nặng lãi, bu vào thu nợ. Chung chung các cô gái xinh đẹp, không riêng là vũ nữ, bất đắc dĩ phải làm các nghề lả lơi, “ngực bị người ta sờ, mông bị vỗ”, hầu hết xuất thân trong hoàn cảnh nghèo. Oái ăm xiếc bao.

Gái mới vào nghề, còn nghèo khó, là nợ tiền học nhảy, mua áo quần, son phấn, thuê phòng, tiền cho bọn cai thầu, môi giới, bảo kê, nuôi cha mẹ già nghèo khó chốn quê. Tiền đâu ra. Vay lãi, một phần trăm mỗi ngày. Vay thôi. Vay một trăm ngàn, mỗi ngày chỉ trả một nghìn đồng. Nhẹ hều. Mỗi đêm nhảy nhót với khách, về, ăn khuya, những chuyện mép rìa vô tận, không tính vào. Nhưng, một năm trả 365 nghìn, còn nguyên nợ một trăm nghìn! Nhiều đêm khuya, gái già – năm mươi tuổi với một nhà giáo nữ là còn trẻ, hai mươi lăm tuổi là… vũ nữ già – mặt mày rã rời son phấn, túi tiền chỉ đủ ăn một tô cháo trắng. Lạ gì gái nhảy.

Tôi chui tận cùng chỗ tối tăm cuộc đời để viết vớ vẩn câu văn. Hoàng Trúc Ly, anh bay bổng ngoài. Nhưng niềm đau nhân thế chẳng lìa bỏ ai.

**

Cùng nòi nghệ sĩ, ngày nào cũng phải có rượu. Hoàng Trúc Ly luôn ngồi các quán dân dã. Ít khi thấy anh ngồi nhà hàng sang trọng. Sớm mai, café Năm Dưỡng nằm góc Nguyễn Thiện Thuật – Hồng Thập Tự. Lang thang trưa chiều các quán bên lề dọc các đường, Phạm Ngũ Lão, Võ Tánh.

Hai con đường này trước 1975 vui vầy lắm. Đường Phạm Ngũ Lão hôm nay là Khu phố Tây, hồi ấy là có nhiều nhà in tầm cỡ, nhà xuất bản, tòa soạn của Tuần báo Nghệ Thuật, sau là Khởi Hành, Tạp chí Văn, Nhà in Nguyễn Đình Vượng. Đường Võ Tánh, chỉ từ Ngã Sáu Phù Đổng tới khu nhà thờ Huyện Sĩ, thời cụ Diệm có tòa báo Tự Do, Thời Đệ Nhị Cộng Hòa, là Tòa soạn các nhật báo lớn, như Độc Lập, Sóng Thần, Điện Tín, Đông Phương, nhà in Quê Sơn Võ Tánh. Quán rượu, hàng cà phê, đủ mặt các ký giả, nhà văn, nhà thơ, anh em bên âm nhạc, trình diễn ghé chơi. Cuộc sum họp, tôi thường gặp Hoàng Trúc Ly.

Nhà thơ Tạ Ký, tác giả Sầu Ở Lại, đoạt giải Thơ toàn quốc, thường trực, sau mỗi chiều dạy văn trường Petrus Ký xong, là ra ngồi chợ khu chợ Đũi, với đông anh em. Hôm nào có thêm Hoàng Trúc Ly, là có cái hương vị êm đềm. Vì, Tạ Ký uống rượu thì ngâm thơ, nói nhiều, những giai thoại văn chương, cực sảng khoái, Hoàng Trúc Ly thì tuyệt cùng im lặng. Hai thi sĩ này rất yêu thơ, quý trọng nhau.

**

Gia đình anh em của Hoàng rất giàu có, em gái có một tiệm sách lớn ngay đường Lê Lợi, nhưng anh sống đạm bạc, thong dong, hẳn là không nhờ vả gì. Thời Cộng Hòa cũng dễ sống. Hoàng Trúc Ly có viết sách, có khi truyện đăng từ kỳ, hằng tuần cho các báo, cả các ông thầu, chủ nhà in người Tàu.

Cũng như Trần Tuấn Kiệt, Nghiêm Lệ Quân, anh viết những loại sách ngôn tình nhẹ thoảng, kiếm hiệp, võ thuật, chuyện kỳ bí ma quái, nói chung những lọai dễ viết, bình dân, dễ đọc bán rất chạy. Với những tựa đề Tiếng Hát Lang Thang, Huyền Sử Một Kiếp Hoa… nghe cũng mùi.

Đặc biệt, ông Khai Trí chủ một nhà sách và hệ thống in ấn lớn tại Miền Nam thuở ấy là Mạnh thường quân của Trần Tuấn Kiệt và Hoàng Trúc Ly, hai thi sĩ luôn rỗng túi, lại cần tiền cho rượu. Khai Trí mua đứt bản quyền, ứng tiền trước với giá cao, ngay cả khi hai nhà văn này chỉ mới cái tựa sách, chưa có… trang sách nào.

Khai Trí là một nhà giàu có, quảng bá sách vở, gìn giữ những gia tài văn học, vốn quý của văn hóa. Yêu quý những nhà văn, người làm văn hóa. Ông đã tài trợ cho một số nhà văn in ấn phát hành một số tạp chí viết về giáo dục, tuổi trẻ, thiếu nhi. Sau 1975, toàn bộ gia sản của ông bị tịch thu, tiền mấy chục triệu trong ngân hàng mất trắng, ông đi tù một thời gian. Ra tù, bà con thấy một ông Khai Trí ốm o, chân đi dép nhựa, đầu chiếc nón phốt cũ, trên tay một cái bị lát, ông đi quanh quẩn, nộp đơn vào cơ quan này, ngân hàng nọ, xin lại số tiền trong ngân hàng, và nguyện vọng là sẽ mở lại một… tiệm sách. Đời ông thà đói cơm không đói sách.

Trên quê nhà, mấy chục năm qua, có hằng triệu con người thân ái, sống với tháng ngày đầy mong đợi lẫn những mơ hoang.

**

Sau tháng Tư 1975, dân chúng Miền Nam thua trận. Đói kinh. Chẳng ai bảo ai, phải ra lề đường xó chợ kiếm ăn. Bùi Giáng ta thán “Những tưởng lề đường thương xó chợ / Ai ngờ xó chợ cũng thương nhau”. Những món quý giá, dễ bán bán trước, nếu có, là xe Honda, Yamaha, Suzuki, máy hát, hàng trăm đĩa nhạc băng nhạc, bán cả cây đàn, radio, tủ lạnh, đồng hồ đeo tay, treo tường, máy ảnh, bộ xa lông, tủ cẩn xa cừ… cán bộ mua tất. Ngoài, xứ Bắc, bao năm dài trụi hủi, tay trơn. Bán cạn láng. Úp om. Mỗi người đạp xe đạp, mang một cái bị vải chứa gì trong đó, toàn là đồ “gặp thời thế mày không thể sống sót trong nhà” đi đìa-rét ra chợ trời.

Dọc các lề đường, bãi cỏ công viên, chẳng phải thuê đâu xa, một tấm ni lông, trải nó ra trên nền đất, bày bán. Nguyễn Nghiệp Nhượng, Nguyễn Thụy Long bày bán phụ tùng, xe đạp cũ. Phù Hư, Trần Dạ Lữ… lượm ve chai. Thu Mai, Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Đạt, bán sách cũ, họa sĩ Cù Nguyễn hớt tóc dạo, dao cùn, không rành nghề, có người chảy máu đầu. Ca sĩ Ngọc Long, tu sĩ Thanh Tuệ, bán cà phê lề đường… Nói chung Miền Nam có bao nhiêu nhơn mạng mần thơ viết văn, đàn ca sáo thổi, vẽ vời… nếu không đành lìa xa cố quận mà đi ra biển, thì phải chịu chung số phận.

Hoàng Trúc Ly không vợ con, không đầu tắt mặt tối, nên rỗi rảnh, đi lang thang đó đây. Ngồi tình với anh em, chỗ này một lúc, lại tà tà qua chỗ kia một lát. Uống cốc cà phê thấy ly đen thui nhưng toàn trong ấy là nước cau khô, đậu đen cháy ra bột. Ngày la cà uống năm bảy ly chẳng thấy ép phê chi. Uống một ly rượu đế, thấy ly rượu trong vắt vì rượu gạo rượu khoai mì, nấu xong màu nước rất đục, người ta cho thêm mấy giọt thuốc trừ sâu rầy, nước đục trở nên trong vắt. Cái thời thèm đủ thứ, thứ gì cũng ngon mồm cả, cả cơm thiu. Tính Ly hiền hòa, không đòi hỏi chi.

Ngồi với anh em có gì uống nấy. Uống khan, chỉ một bịch đậu phụng rang lót dạ cũng đủ vui.

Những ngày sau cùng tôi đến thăm anh, là lúc anh có ‘công ăn việc làm’. Giữ áo quần cho một hồ bơi tại câu lạc bộ Lao Động, cơ ngơi của Lion Club thời Cộng Hòa trên đường Hồng Thập Tự. Tôi chở hai thằng con đến hồ bơi. Bọn nhỏ thay áo quần, ôm một mớ trước ngực vào gởi. Chúng chạy ra bảo, Bác Hoàng Trúc Ly giữ áo quần cho tụi con.

Một việc làm đơn giản như thế, nhưng phải có người giới thiệu, mới xin được việc làm. Chiều chiều lúc anh đổi ca, tôi cũng như vài anh em thân tình, thường đến chở anh đi uống cốc rượu, ăn tối món gì đó qua loa, trái bắp nướng, hoặc vài cái hột vịt lộn. Vốn dáng người mảnh mai, gầy là cái sở trường, cái thường trực của anh, nay anh lòi thêm một mớ xương sườn nữa. Khuôn mặt hốc hác. Thương anh vô cùng.

**

Năm 2013, anh em văn nghệ Sàigòn có in một tập thơ Hoàng Trúc Ly, nhân kỷ niệm ba mươi năm ngày anh bị bánh xe cán bụp, lúc anh vừa tròn 50 tuổi. Buổi lễ kỷ niệm rất trang nghiêm thân mật, nhưng lặng lẽ, trong một quán cà phê, chủ quán là một nhà thơ trẻ.

Tôi được nhà thơ Mặc Tuyền. mời dự, Tới nơi thấy Dương Nghiễm Mậu, cùng tới. Anh em có chụp hình hai “Nhà văn già còn lại” vài tấm hình kỷ niệm.

“Trong Cơn Yêu Dấu”, 1963, một tập thơ khá mỏng vỏn vẹn chỉ 22 bài, mấy mươi trang sách, Hoàng Trúc Ly đã từ giã người đọc bằng một trang “Tuyệt Bút”.

Mai này tôi chết đi
Nằm nghe hồn cô độc
Trời chiều không nói năng chi
Em ơi sao em không khóc

Mai này tôi chết đây
Vì sao em không khóc
Vết thương mửa máu tôi nào hay
Như xế chiều nay như sáng nay

Tôi viết từng trang tuyệt bút
Mai này tôi chết đây
Nắng ơi trời ơi nắng
Nửa đêm sáng quá tôi nào hay

Mùa xuân vừa nguôi cay đắng
Xin rũ tóc dài lên gối trắng
Người yêu nằm mộng thấy tôi về
Xin gọi tên tôi dù xa vắng
Thịt da ngời ánh lửa tình khuya

Mai này tôi chết đi
mai này tôi chết đi
em bé mười lăm năm tóc xõa xuân thì
đời lên mấy vạn lần nhan sắc
đau đớn vô cùng đêm biệt ly.
[tuyệt bút]

Một đêm của trời Cali, đêm xa xứ.
Nhớ ai tôi viết đôi dòng.

Cung Tích Biền
Mùa Vu Lan, 8-2023

[*]

Ghichú:

Trúc Phương tên thật là Nguyễn Thiên Lộc, sinh năm 1933 tại Mỹ Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh. Qua đời vào ngày 18 tháng 9 năm 1995 vì bệnh sưng phổi, được gia đình an táng tại nghĩa trang Lái Thiêu, tỉnh Sông Bé.

Trúc Phương là một nhạc sĩ tài hoa. Lời nhạc của ông sâu sắc, đầy ý tưởng, đặc biệt là biểu tỏ những ưu tư của tuổi trẻ về tình yêu, thời thế chiến chinh, phận người.

Hai sáng tác sớm nhất của ông viết vào năm 1957 là Tình thương mái láTình thắm duyên quê. Tiếp sau đó là Chiều làng em (1958) và Đò chiều (1959). Đột nhiên đầu thập niên 1960 Trúc Phương cực nổi tiếng, qua giọng hát Thanh Thúy, với loạt boléro, Tàu đêm năm cũ, Ai cho tôi tình yêu, Buồn trong kỷ niệm, Hai lối mộng, Chiều cuối tuần, Mưa nửa đêm, Nửa đêm ngoài phố…

Chừng là giữa môt nhạc sĩ và một ca sĩ có cái duyên cái nợ đời với nhau, như Thái Thanh-Phạm Duy, Khánh Ly- Trịnh công Sơn, Thanh Thúy-Trúc Phương.

Riêng Thanh Thúy, Trúc Phương đã viết tặng 5 bài, Hình bóng cũ, Lời ca nữ, Mắt em buồn, Tình yêu trong mắt một người, Mắt chân dung để lại.

Trong những phát biểu của Thanh Thúy về sau này, cô cũng thực lòng đa tạ Trúc Phương.

Thơ, đôi bài, của Hoàng Trúc Ly

Cõi nghìn trùng

Mai mốt em về, em về đâu?


Con sông nước chảy trắng chân cầu


Tiếng hát già nua người bạn cũ


Đêm dài muôn thuở buộc lòng nhau

Ngoài kia trời mưa buồn không em


Xa hỡi ngàn xa bóng nhạn chìm


Thương nhau ái ngại tìm đôi mắt


Chưa biết đêm nào đêm trắng đêm

Mái tóc em bồng bềnh bể khơi


Áo mỏng vì em đây nhớ đời


Chiêm bao nửa giấc trời mưa bụi


Thấp thoáng em về như lá rơi…

[*] Bài thơ này được Trầm Tử Thiêng phổ nhạc, tên ca khúc là Bên kỷ niệm

Gặp Người Em

Những người xưa đi rồi không về nữa


Một mình anh lại gặp một mình em


Chiều lửng lơ nghe nắng rụng bên thềm


Em cúi mặt mắt buồn ươn ướt đỏ

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi


Đời anh lạnh lùng bốn hướng gió và mưa


Ta lạc nhau từ em còn bé nhỏ


Anh thương em câm nín đến bao giờ.

Bởi vì đâu da em xanh giá rét?


Nắng rưng vàng lên mái tóc mồ côi


Ngày giặc giã quê hương mình mỏi mệt


Mười năm qua hình ảnh có ngậm ngùi

Nhà anh nghèo, anh đau tim anh yếu phổi


Em bềnh bồng, anh phiêu lãng về đâu


Không dĩ vãng cho đêm dài đợi sáng


Không mai sau cho nước chảy qua cầu

Em bảo anh người đi không trở lại


Nấm mồ ai như giọt lệ chưa tan


Ngọn gió nào mang anh vào mộng mị


Em giang hồ làm tiếng hát lang thang

Ta đến bên nhau sao chùng bước mỏi


Lời sắp xé môi sao bỗng nghẹn lời


Anh nhớ em: núi cao càng hiu hắt


Anh thương em: máu vọt bốn phương trời…

Mưa Chiều Nay

Mùa mưa nghe trời ướt mắt xanh


Gió thổi mưa xưa hờn kinh thành


Hôm nay lưu luyến về bên ấy


Em lạnh lùng không khi nhớ anh

Ngày quen em phượng nở môi son


Chiều tiễn đưa lá rụng dép mòn


Từ mang ly biệt vào năm tháng


Thao thức cho bằng mấy núi non

Mùa Xuân Nằm Mộng Thấy Tam Ích

Người về cát bụi như giun dế


Hồn gặp linh hồn không nói năng


Người quàng khăn đỏ như em bé


Trong truyện thần tiên bị sói ăn

Tôi hôn khô héo bờ môi chết


Da thịt mồ hoang không máu tươi


Nắm tay tê tái bàn tay chết


Áo khói sương khuya hỡi dáng người

Tôi thấy người nhìn le lói quá


Ánh trăng vừa rụng một hồn ma


Tôi biết người cười chua xót quá


Vui đời, ai nhắc bạn hôm qua?

Trừng mắt đau theo chân người đi
Lòng nghe vô tận một chia ly
Xiết bao ngày tháng căm căm nhớ
Buồn dựng ngang mày một tử thi

[*] Tam Ích là nhà văn, nhà phê bình, giáo sư, sinh năm 1915, qua đời ngày 5 tháng 1, 1972, khi tuổi đời. chỉ vừa 58. Ông là một cây bút khuynh tả, Đệ Tứ Quốc tế, tài năng ở nhiều mặt. Ông tự tử bằng cách treo cổ tại tư thất số 563/74 đường Phan Đình Phùng Sàigòn, để lại bốn bức thư tuyệt mạng gửi cho nhà chức trách, thân nhân và ông Ngô Đình Căn, Hội Subub.

Tam Ích, dùng nhiều quyển tự điển và các sách bìa cứng xếp chồng lên nhau, chui đầu vào chiếc thòng lọng đã buộc sẵn từ một sà ngang, rồi đạp đổ chồng sách dưới chân, tự treo mình.

Hoàng Lan

Có phải vì em đang gỡ tóc


Cho mây từng sợi rối chân chim


Có phải hoa bay đầy cánh bướm


Vì em thay áo mái tây hiên

Ôi mới hôm nào như hôm qua


Tay ai bùa phép nắm đôi ta


Như nắm mùa đông hơ ngọn lửa


Cho tuyết đầu non chảy máu ra

Ôi mới hôm nào như hôm kia


Con đường chở nặng những đêm khuya


Cho nên bóng tối bay thành khói


Ánh mắt mờ sương lạc lối về

Ôi có hôm nào là hôm nay


Anh ghen vì gió đã choàng vai


Em đi như vẽ trên đường nắng


Em nói như đàn trong miệng ai

Anh là dòng sông mơ chín suối


Em là mặt trăng thèm mặt trời


Cách trở bốn mùa vây trái đất


Còn nghe đau xót thuở nào nguôi?

Về Xuân

bây giờ ngày mai chưa đến


và những ngày xưa qua đi


thơ anh là thuyền nhớ bến


đố em thuyền cập bến gì?

bây giờ mùa xuân sẽ đến


trên môi trên má em hồng


lửa ở lòng anh lạnh quá


làm sao sưởi ấm mùa đông

em có còn đau nét mặt


những đêm mưa đạn trắng rừng


em có vàng hoe nước mắt


những hoàng hôn khóc rưng rưng

anh sẽ viết lời thương nhớ


trên môi trên má em hồng


anh sẽ si tình trọn kiếp


ơi mùa gạo chợ nước sông

Tự Thán

Đời biết anh là kẻ hào hoa


Riêng gởi anh lời tao nhã


Sao em không mê anh?

Đời biết anh là kẻ tình si


Riêng gởi anh niềm chung thủy


Sao em không hôn anh?

Đời biết anh là kẻ quyền uy


Riêng gởi anh hồn thi sĩ


Sao em không quỳ bên anh?

Dĩ vãng

Tôi đứng bên này bờ dĩ vãng


Thương về con nước ngại ngùng xuôi


Những người em nhỏ bên kia ấy


Ai biết chiều nay có nhớ tôi

Tôi muốn hôn bằng môi của em


Mùa xưa thê thiết nắng hoe thềm


Lòng trong đã trắng tình nguyên thủy


Nghe bước xuân về êm quá êm

Em lắng tai đâu… chiều lửng lơ


Thơ tôi vừa hát khúc ban sơ


Lòng chưa tội lỗi mà vô cớ


Bỗng muốn gục quỳ bên tuổi thơ

Em là em – tôi có là tôi?…

Dù nghĩa thời gian ngăn cách rồi
Tôi đứng bên này lưu luyến quá
Những người em nhỏ của tôi ơi!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...