Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Nguyễn Bắc Sơn – một nẻo đời khác



Nguyễn Bắc Sơn

 

Đôi dòng tiểu sử: Nguyễn Bắc Sơn, tên khai sinh Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1944 tại Phan Thiết, Bình Thuận. Theo lời những người gần gũi với Sơn, anh bị khủng hoảng tinh thần rất sớm, Năm 15 tuổi, đã đến nghĩa địa, cắt gân tay nằm chờ chết. Có người tìm thấy, cứu cậu bé thoát chết. Sau này nhảy lầu tự tử “nhiều lần”, nhưng không chết. Thân phụ Nguyễn Bắc Sơn là cán bộ miền Nam ra Bắc tập kết năm 1954, sau 30/4/1975 về đoàn tụ gia đình, cấp bậc Đại tá Quân đội nhân dân. Nguyễn Bắc Sơn là lính Việt Nam Cộng Hoà, nhập ngũ năm 1962. Trong quân ngũ, có thời gian làm thông ngôn cho cố vấn Mỹ’. Vắng mặt trên trái đất tháng 8 năm 2015, tại quê nhà.

 <!>

 

1

Kể lạ, ở “nước non mình”, bút hiệu của các nhà sáng tác qua nhiều lãnh vực văn chương, thi ca, âm nhạc, hội họa, nghiên cứu phê bình, truyền hình, báo chí, diễn viên, có bút hiệu/danh, là Sơn [không kể Sơn ở đầu như Sơn Nam, Sơn Tùng, Sơn Vương, Sơn Bắc, Sơn Hà…], là đông vô số kể. Thiếu Sơn, Triều Sơn, Trúc Sơn, Phạm văn Sơn, Trịnh Công Sơn, Mai Sơn, Phong Sơn, Vân Sơn, Trần văn Sơn, Linh Sơn, Trần Áng Sơn, Từ Sơn, Vinh Sơn, Hoàng Xuân Sơn, Tiến Sơn, Cao Sơn, Ngô văn Sơn, Lê Thái Sơn, Nguyễn Lê La Sơn, Lê Tây Sơn. Chu Sơn, Tùng Sơn, Hoài Sơn, Đào Bá Sơn… Trong đó hai ông Sơn thi sĩ là… đáng yêu nhất. Nguyễn Đức Sơn và Nguyễn Bắc Sơn. Đáng yêu, vì hai ông này đều có tài, đều có cái lạ trong thơ, lẫn ngất ngư, ngất ngưỡng, ngất ngây trong đời sống.

Nguyễn Đức Sơn, thuở kia ở đồng bằng phố thị – Bình Dương, Sàigòn. Sau tháng Tư 1975 ông đưa vợ con lên lập Phương Bối am, vùng rừng núi Lâm Đồng, nên có Biệt danh Sơn Núi. Sống đời hoang dã, cách biệt với thế gian.

Nguyễn Bắc Sơn ở Phan Thiết, hiền hòa, lãng du, nhưng lúc 15 tuổi Sơn đã biết cắt gân tay, nhảy lầu tự diệt.

Lưỡng Sơn này mần thơ rất dễ dàng như lỗ mũi hít vào thở ra, dung dị như thiếu nữ làng quê đi chân đất, hoa rừng tự nhiên, nắng và gió không hề kiểu cách.

Sơn Núi, Kỳ Sĩ Phương Bối Am, lồng lộng một nỗi đời:

Một mai cha chết đừng chôn
Ngại chưa xuất kịp chút hồn thiết tha
Cái gì cha nói chưa ra
Biết đâu còn sót trong da máu này.

Sơn Trung Du, Phan Thiết phố thị, một anh lính Cộng Hòa, thời Nam-Bắc phân tranh:

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui.

2

Bài viết này từ đây trở đi, chỉ nói về Sơn Trung Du. Thử đọc vài ý nghĩ sơ khởi của Sơn:

Đôi lúc nghĩ trời sinh mỗi mình ta là đủ
Vì đám đông quậy bẩn nước hồ đời
Nhưng lại nghĩ trời sinh thêm bè bạn
Để choàng vai ấm áp cuộc rong chơi

… Dù mỗi ngày ta xé đi năm mười tờ lịch
Nhưng thời gian đâu có chịu trôi nhanh
Dù đen bạc là nơi cố xứ
Nhưng đi biền biệt cũng không đành

[Mai Sau Dù Có Bao Giờ].

Có một thời, miệt Phan Rang Phan Thiết, nơi có Bà Mẹ đẻ ra Người con Thi sĩ, với tôi là trời hoang đường. Từ thuở lên tám, tôi ở Xứ Quảng Nam, dân cả nước chỉ “25 triệu đồng bào”, làng xóm chen lấn với rừng là rừng bao quanh. Bà con truyền tụng, “Cọp Khánh Hòa ma Bình Thuận”. Những làng xóm người Chàm cô quạnh, những dãi cát mênh mông. Những hồn đi trong nắng. Phan Rang, Phan Rí Lầu…

Quê tôi đi đâu cũng gặp tháp Chàm. Vào hướng nam bốn cây số đã thấy tháp Bà Rầu Con Nghê, tháp Khương Mỹ trên cánh đồng lạnh, con dơi bay, tiếng chim hoang đỉnh tháp, chiều chết trong nắng vàng. Đi ra phía Bắc một buổi đường đã gặp quần thể Tháp Đồng Dương, kinh đô của người Chàm. Lịch sử đã chết. Thời gian nơi này không đi thêm bước nào. Xa hơn về phương bắc, vùng Duy Xuyên, là quần tháp Mỹ Sơn, hàng chục ngôi tháp lẫn quất trong rừng xanh, sau này là Di Sản Thế Giới.

Tôi sống ở một khu chợ quê. Mỗi đầu tháng Giêng, thấy từng đoàn người Chăm “về” tới. Người quê tôi, gọi là “Họ về”, không phải “tới”. Xưa kia đất này là quê hương của họ, tổ tiên còn sâu đậm dấu tích, di chỉ trên vùng Đất Quảng này.

Mỗi lần đọc thơ Sơn, một nhà thơ rất cách biệt thế giới Chàm, nhưng tôi bị huyễn hoặc bởi “Đoàn người du Xuân ấy”. Y phục nhiều sắc màu đẹp đẽ. Bọn nhỏ chúng tôi chạy lon ton theo xem. Họ đi thẳng người, thong dong hai tay buông thòng, khi đang đội trên đầu một cái giỏ bự, trong đó đủ thứ hàng hóa. Họ bày bán những loại thuốc nam, bùa ngải, sừng nai hươu, nanh voi, mật gấu. Buổi tối quần tụ trong lồng chợ người Việt, người Chàm – Chăm, thức thâu đêm, âm thầm trò chuyện, những tình nước tình đời. Tôi mê nhất là bên ánh lửa khuya, với cây đàn ghi-ta và tiếng hát. Lời Chăm. Giọng buồn. Một kể lể. Những lời bọn nhỏ chúng tôi chẳng hiểu gì, nhưng chẳng rời xa họ được.

Cha tôi bảo, trong xa hút về xưa, quân nước Việt vào Đất Quảng Nam, từng sống chung với người Chăm bản xứ, hòa trộn trên một trăm năm người Chăm cuối cùng mới biến hẳn đi. Sự giao hòa ấy, có khi một đàn con có cha Việt mẹ Chăm ra đời. Chúng tôi có một họ ngoại dân tộc Chăm. Tình ấy huyền hoặc. Một thiêng liêng rung chuyển tận máu me.

Đi ra từ những ấn tượng mờ hoang ấy, sau này mỗi lần gặp một người trong phương nam, lòng tôi rờn rợn, như thấy bóng mà không gặp người. Thật ra họ rất thân thiết hiền từ, những người bạn quý, có quê nhà Phan Rang Phan Thiết, như Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Từ Công Phụng, Trần Thiện Hiệp, Nguyễn Bắc Sơn…

Y Uyên, người sĩ quan trẻ, một nhà văn tài năng, tử trận đồn Nora. Y Uyên lại dẫn tôi tới Phan Thiết xa xăm, những địa danh rất đỗi mơ màng. Phù My, động Thái An, Hòn Hồng, Hòn Rơm, Bầu Ông, Bầu Bà, Ma Lâm, Phan Rí Chàm, Tà Dôn, Suối Hồng… Cõi hoang huyền ấy giúp gì cho hồn thơ của Sơn?

3

Tôi đọc thơ Sơn, qua một mối giao cảm khá lạ lùng. Một cõi hoang mạc lại rực rỡ màu sắc tuyệt cùng.

Tướng giỏi cầm quân trăm trận thắng
Còn ngại hành quân động Thái An
Cát lún bãi mìn rừng lưới nhện
Mùa khô thiếu nước lính hoang mang

Đêm nằm ngủ võng trên đồi cát
Nghe súng rừng xa nổ cắt-cù
Chợt thấy trong lòng mình bát ngát
Nỗi buồn sương khói của mùa thu

Mai ta đụng trận ta còn sống
Về ghé sông Mao phá phách chơi
Chia sớt nỗi buồn cùng gái điếm
Đốt tiền mua vội một ngày vui

Ngày vui đời lính vô cùng ngắn
Mặt trời thoáng đã ở phương Tây
Nếu ta lỡ chết vì say rượu
Linh hồn chắc sẽ thành mây bay

Linh hồn ta sẽ thành đom đóm
Vơ vẩn trong rừng động Thái An
Miền Bắc sương mù giăng bốn quận
Che mưa giùm những đám xương tàn.

[Mật Khu Lê Hồng Phong]

Đọc thơ Nguyễn Bắc Sơn, trong tôi, có tiếng vang dội lại từ những khoảng trống, nơi chiến chinh bày ra cho những giấc mơ lẻ loi:

Lòng suối cạn phơi một bầy đá cuội
Rừng giáp rừng gió thổi cỏ lông măng
Đoàn quân anh đi những bóng cọp vằn
Gân mắt đỏ lạnh như tiền sắc mặt

Bốn chuyến di hành một ngày mệt ngất
Dừng chân nơi đây nói chuyện tiếu lâm chơi
Hãy tựa gốc cây hãy ngắm mây trời…
Hãy tưởng tượng mình đang đi picnic

Kẻ thù ta ơi các ngài du kích
Hãy tránh xa ra đừng chơi bắn nheo
Hãy tránh xa ra ta xin tí điều
Lúc này đây ta không thèm đánh giặc

Thèm uống chai bia thèm châm điếu thuốc
Thèm ngọt ngào giọng hát em chim xanh
Kẻ thù ta ơi những đứa xâm mình
Ăn muối đá mà điên say chiến đấu

Ta vốn hiền khô ta là lính cậu
Đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
Mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
Xem cuộc chiến như tai trời ách nước

Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi
Chiến tranh này cũng chỉ một trò chơi
Suy nghĩ làm chi cho lao tâm khổ trí

Lũ chúng ta sống một đời vô vị
Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau
Mượn trời đất làm nơi đốt hoả châu
Những cột khói giả rừng thiêng uốn khúc
Mang bom đạn chơi trò chơi pháo tết
Và máu xương làm phân bón rừng hoang

[Chiến Tranh Việt Nam Và Tôi]

Nguyễn Bắc Sơn, một đơn vị người tuồng là vô nhiễm, giữa một môi trường ô uế lý tưởng, ồn ào đạn bom, huyên náo chợ đời.

Có thật, “Lũ chúng ta sống một đời vô vị / Nên chọn rừng sâu núi cả đánh nhau”, Phải chăng, “Ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước / Vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi” Ai đã đặt khối chất nổ nơi nhà hàng, rạp chiếu bóng, đêm khiêu vũ? một con mắt người ướt máu dán trên vách tường ám khói? một cẳng chân của một ai, lủng lẳng treo trên trần nhà, quán rượu? Ai đốt cả xóm làng, em bé quê trần truồng hoảng chạy chiều lửa khói? Ai rải cái màu da cam vào bụng mẹ, đứa con thân yêu con mắt chỗ vành tai, lỗ mũi phía cần cổ? Có thời thế sáng mắt. Lại thời thế đui mù.

4

Có thật, “Lũ chúng ta sống một đời vô vị”?

Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, bậc tiền nhân, xưa kia vào đời mà bất phùng thời, buổi non sông dưới ách nô lệ của người Pháp, sống mà không “được sống”, đã tỏ nỗi lòng:

Lũ chúng ta lạc loài năm bảy đứa
Bị quê hương rùn bỏ giống nòi khinh
Bể sâu rộng sá gì phương hướng nữa
Thuyền ơi thuyền xuôi gió hãy lênh đênh

Hai cái “Lũ chúng ta” của hai thời thế, hai thế hệ, là hai phương trời cách biệt. Vũ Hoàng Chương có cái cô đơn, sầu muộn, nhẹ tênh phiêu họat Xuân Diệu, “Hôm nay trời nhẹ lên cao / tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn”; cách lạc loài thảnh thơi Huy Cận, “Người về nước cũ sầu trăm ngã / Củi một cành khô lạc mấy giòng”. Đi trong thanh bình mà đau đớn “Phận thanh bình”. Nhưng đau đớn ấy là cõi tịch lặng những trầm tư.

“Lũ chúng ta” thế hệ Nguyễn Bắc Sơn, là đầy sức nóng của lửa đạn, trong áp suất của hy vọng hòa máu, hỏa mù của cay nghiệt lý tưởng. Nhưng Nguyễn Bắc Sơn, giàu trò quên lãng, hay thầm đau mà quên lãng, đã phù thủy hóa cái trần gian ma quỷ này ra chỗ / nơi / cuộc đùa chơi. Những dòng máu tuôn chảy, nóng hổi, xao xác dưới ánh sáng mặt trời, đã đau đớn được vùi chôn trong tịch mịch, đêm đen của Cõi lòng. Chỉ là bồng bồng phi lý. Lửa khói, điêu linh, đã trú ẩn trong cái thế giới thơ, vừa đùa vừa âm u ấy. Ngôn ngữ ấy chính là trò ảo dụ của Nhà ảo thuật Nguyễn Bắc Sơn.

5

Kể từ tháng Tư 1975, Miền Nam bị loại thuốc tẩy hạng nặng tẩy rửa sạch trơn, không còn cả cái tên Nước Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng trên cái nền nhà tang chế ấy, hãy còn một khoàng trống sau khi thi hài vừa chuyển đi. Một khoảng trống buồn hoang. Và, những dấu vết quen thuộc bắt đầu biến dạng.

Tô Thùy Yên, dáng dấp một thi hào, đã nói về quê hương cũ của mình, nơi ông đã giã từ để tìm Miền Đất Mới:

Ở chốn mệnh danh là chốn cũ
Dân gian thay đổi những truyền kỳ
Đất trời ủ lửa chiêm bao khác
Dâu biển làm mưa nắng lạ đi

Khó thể có một truyện nào mô tả đầy đủ mà gọn gàng, chẳng thể có bức họa nào vẽ ra cái Nơi Chốn Cũ, nơi chiếc áo quan vừa chuyển đi, ma quỷ đã nhanh chóng ngồi vào chỗ Đất Chết ấy, mọi sự đời đã thay đổi cả, trùng trùng biến dạng bãi bể với nương dâu, mà rõ nét lại kín đáo, mơ màng, mà trời rộng biển xa, như bốn câu thơ trên, tuyệt cú của Tô Thùy Yên.

Đọc thơ Tô Thùy Yên, không cần khen hay, mà cần phải hiểu. Muốn hiểu, phải tự giải thích được nó, rồi mới hiểu. Muốn giải thích, phải tự hiểu được nó rồi mới giải thích. Nó, là cái gì? Là nghệ thuật thượng thừa sử dụng ngôn ngữ Tô Thùy Yên.

Đọc thơ mà phải hiểu, phải giải thích thì mệt và vô duyên lắm. Nhưng người đọc hôm nay đâu còn cái tâm thái an nhiên, để lay động với “dây tơ”. Thơ đã là chiếc búa. Thơ sống với những trái tim vỡ máu nằm ngoài lồng ngực.

Trong cái buổi giao thời sau tháng Tư ấy, tôi lại gặp Sơn. Chiếc bàn đầy bụi đường, cà phê vỉa hè đường Nguyễn Huệ, Sài Gòn hoàng hôn đỏ hoét ráng chiều. Những đỏ hoét mông lung ấy phủ trên thân cây, bờ tường, đường phố, tưởng như cỏ cây, gạch đá kia cũng nhiều máu, quê nhà tỏa hương máu.

Nguyễn Bắc Sơn bỗng mất đi cái bình thản, trong ánh mắt, nụ cười, giọng nói biểu hiện một trạng thái tâm thần không ổn định. Anh nói lơ mơ, hoang tưởng nhiều điều. Tôi hiểu, “Cha tôi đã trở về”. Với người lính Miền Nam, “Cha tôi đã trở về”, có nghĩa là “Tôi nên chết đi”.

Một người đàn ông mang quân hàm Đại Tá, chân dép râu, đầu nón cối, áo bạc màu chàm, hớn hở bước vào nhà. Năm 1954, từ Miền Nam, ông ra xứ Bắc bằng đường biển, tàu thủy nước Ba Lan, nay trở về từ núi sâu Trường Sơn, bằng vũ khí Liên Xô, lương khô Trung Quốc. Ông nói vui, “Tôi mang súng, đã phải chạy rất nhanh trên đồng bằng, quân Ngụy bỏ trống đồn lũy nhiều quá”. Nguyễn Bắc Sơn tâm sự, “Hôm ấy em nhậu oát cần câu, khuya quên đường vào nhà, ngủ công viên”.

Người cha ấy ra đi từ Mùa Thu 1945, lên đường kháng chiến chống Pháp, bảo vệ quyền độc lập tự do, danh dự giống nòi, sẵn trớn chống Mỹ cứu nước luôn một thể, mất ba mươi năm đời người.

Nguyễn Bắc Sơn đã mô tả lẫn xiển dương sự nghiệp lớn lao của cha mình như vầy:

Bố tôi ước mơ làm cho loài người sung sướng
Và thế là ông từ tuổi thanh xuân
Cùng bạn bè đi làm cách mạng
Ông càng làm cách mạng chừng nào
Thì loài người càng thêm sặc máu

Tạc tượng người cha xong, Sơn tự thán:

Tôi ước mơ cõi đời tốt đẹp
Và thế là tôi làm thơ ca tụng loài người
Tôi càng ca tụng chừng nào
Thì loài người càng xấu xa chừng nấy
Bi kịch của bố con tôi
Là bi kịch của hai thằng tây đen
Cùng đi kiếm con mèo đen
Trong đêm đen mù mịt

Các vị thánh hiền thời xưa
Bảo thế giới loài người
Giống như chiếc đuôi cong
Của loài chó
Chúng ta là những đứa trẻ con
Chổng khu vuốt chiếc đuôi này cho thẳng
Vuốt cho thẳng rồi
Thả tay ra là nó cong trở lại

Nếu mỗi chúng ta có làm điều gì tốt đẹp
Chẳng qua là để thêm một tấm lòng son
Còn trái đất cứ ngày đêm sáng tối
Thịnh đã rồi suy
Suy rồi lại thịnh

Bố ơi bố đã ra về
Con ở lại làm thơ và chữa bệnh
Chúng ta đến nơi này để phát huy một tấm lòng son
Thành hay bại chỉ là chuyện vặt

Sơn đã tài tình vẽ ra một thảm kịch thời đại. Mỗi con người, chúng ta đang có mỗi não thùy rỉ máu. Mỗi chúng ta, mỗi con người đều có / ở hai vị trí cùng lúc, một con chim trên cành, cùng lúc cũng là anh thợ săn nhắm đích, bắn bùm con chim. Lý tưởng trọng thương, dãy đành đạch.

Có rất nhiều người đã khuyên tôi, “Hãy tự tay băng bó vết thương chính mình. Không ai đâu. Đừng mong đợi ai.”

Sơn rất cô đơn.

6

Nguyễn Bắc Sơn là nhà thơ gây ấn tượng nhanh, và lan rộng đối với giới yêu thơ tại Miền Nam, trước 1975. Điểm đặc biệt là anh không, hoặc rất ít khi dùng từ Hán-Việt, mà thông thường văn thơ có loại từ ngữ này nhiều, được gọi là “hàn lâm”. Trong thơ Sơn rặt từ thuần nôm, dân dã, văn là văn nói thông thường, chỗ đường sá, chợ búa, quán nhậu. Nhưng, khi mớ ngôn ngữ này nằm trong thơ Nguyễn Bắc Sơn, chúng nó như được thoát xác, bỗng dưng bay bổng, thanh thoát, khoác chiếc áo thi ca; đích thực là hư ảo, đa tầng ngữ nghĩa.

Trong cõi thơ viết về chiến tranh trước 1945, hiếm có ai viết tài tình, sâu sắc và khiến người đọc giật mình, về chỗ nghênh ngang bất cần, khinh bạc, mà trầm thống nỗi đời, mà lạnh cơn u hàn những hoang mạc phận người, như Sơn.

Bất cứ một thể tài nào, cả chuyện vặt, qua Sơn, đã hiện ra thơ. Sớm mai vợ cho tiền đi hớt tóc, sa đà vào những câu chuyện thời cuộc vớ vẩn, vài bàn cờ tướng, thua độ, hết ngày, tóc mái đầu còn nguyên. Mà thơ hay, cực hay.

Trích vài đoạn:

Buổi sáng mang tiền đi hớt tóc
Vô tình ngang một quán cà-phê
Giang hồ hảo hán dăm thằng bạn
Mải mê tán dóc chẳng cho về.

Về đâu, đâu cũng là đâu đó
Đâu cũng đìu hiu đất Hán Hồ
Hớt tóc cạo râu là chuyện nhỏ
Ba nghìn thế giới cũng chưa to.

[…] Tháng giêng có kẻ đi tìm cúc
Nhưng cõi đời không có Cúc Hoa
Thấy đám phù bình trên mặt nước
Biết mình đi lộn nẻo bao la.

[…] Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
Một ngày loáng thoáng một ngày qua.

[Một Ngày Nhàn Rỗi]

Hãy đọc thêm, Nguyễn Bắc Sơn chuẩn bị “vũ khí” trước lúc ra trận:

Khi tao đi lấy khẩu phần
Mày đi mua rượu đế Nùng cho tao
Chúng mình nhậu để trừ hao
Bảy ngày sắp đến nghêu ngao trong rừng

Mùa này gió núi mưa bưng
Trong lòng thiếu rượu anh hùng nhát gan
Mùa này gió bãi mưa ngàn
Trong lòng thiếu rượu hoang mang nhớ nhà

Những thằng lính trẻ hào hoa
Lưu đày trong cõi rừng già núi xanh
Lao mình vào cuộc phân tranh
Tiếc thương xương máu sinh thành được ư.

Phải thành thật nhận rằng anh hùng cũng có lúc nhát gan. Đời vội quá. Hãy nhàn nhã một đôi khi.

 

Cung Tích Biền.
Orange County 2023

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...