Thứ Ba, 5 tháng 12, 2023

Tản mạn ngày xuân - Nguyên Hạnh HTD

 

CON ĐƯỜNG RIÊNG CỦA HỒ HỮU THỦ - Tạp chí Mỹ thuật

tranh hồ hữu thủ

 

 Hình như không khí đón xuân của người Việt Nam dù ở nơi đâu cũng khởi đầu bằng âm nhạc qua các bài hát xuân và một trong những bài hát xuân nổi tiếng và phổ biến rộng rãi khắp nơi là bài Ly rượu mừng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Cứ nghe điệu nhạc thân quen của bài hát này trổi lên, ai cũng có thể thì thầm hát theo và biết là Tết đã gần kề:

    “ Ngày Xuân nâng chén ta chúc nơi nơi. Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi...

       Nhấp chén đầy vơi. Chúc người người vui ...“

<!>

 

       Không biết từ lúc nào “Ly rượu mừng“ đã trở thành bài hát biểu tượng cho việc đón Tết của người Việt Nam khắp nơi. Gần như không có chương trình văn nghệ đón xuân nào mà lại thiếu bài hát này, vì nội dung nó hàm chứa đầy đủ những ý tốt lành mà người Việt Nam thường chúc nhau ngày Tết. Bài hát đó có thể xem như là “quốc ca mùa Xuân.“

       Đúng là: “Đón xuân này tôi nhớ xuân xưa.“

      Tôi nhớ ngày xưa còn bé, khi nào gần Tết là tôi phải tỏ ra ngoan ngoãn học hành, biết nghe lời thì sẽ được Ba tôi cho đi thăm chúc Tết bà con và thế nào cũng được thêm tiền lì xì mừng tuổi cho mau ăn chóng lớn.

     Tôi bâng khuâng nhớ lại khung cảnh tất bật nhưng đầm ấm của gia đình. Mẹ tôi lo đặt lá dong, đặt đậu xanh loại thượng hạng để gói bánh chưng, bánh tét. Tối tối, trẻ con ngồi chầu rìa xem người lớn chẻ lạt từ mấy cái ống tre đã ngâm nước trước mấy hôm cho trắng ra. Những sợi lạt mỏng tanh và mềm như lụa được bó sẵn thành bó. Sung sướng nhất vẫn là lúc chờ Mẹ gói gần xong, bỏ bánh vào nồi nấu chín, sau đó trẻ con sẽ được phân phát một đòn bánh tét nho nhỏ cho riêng mình, để rồi cứ đem ra vừa ngắm nghía vừa hít hà mãi, không dám ăn!

      Tôi lại ngẫm nghĩ nuối tiếc một thời tuổi thơ đã trôi qua. Với tôi, ngày xưa đi chợ Tết cốt để tận hưởng cái không khí nhộn nhịp vô cùng đặc biệt mà mỗi năm chỉ có một lần. Tôi nhớ những lần đi chợ Tết với Cô tôi, đã được Cô dắt đi đây đi đó, tung tăng trong chợ Tết. Cô đã mua cho từng viên kẹo mè xững, từng bịch chè chuối. Tôi đã từng đứng khá lâu trước những sạp bánh mứt đủ màu, hít thở bầu không khí nồng nàn và ngọt lịm, cảm nhận một mùa xuân rộn ràng đang về.

     Rồi trước những gian hàng chuối chưng, chuối hấp, chuối nướng lại gợi cho tôi hình ảnh “bụi chuối sau hè“, luôn luôn mang đậm nét quê hương.

    Bây giờ tất cả không còn nữa! Tất cả đã trở thành quá khứ xa xưa. Ước gì tôi có thể nhỏ trở lại một lần nữa, như ngày xưa còn bé, để được tâng tiu trong vòng tay người Cô thân yêu.

      Đón Tết có phong tục đốt pháo mà tôi cũng rất thích. Tết mà thiếu pháo như “kỳ vô phong“. Những nhà khá giả gặp người thích chơi pháo “xịn“, họ treo một chuổi pháo kết lại cứ vài phong pháo tẻ lại xâu một cái pháo tống rất lớn, kết xâu lặp lại nhiều đoạn như vậy cuối cùng thành xâu pháo thật dài. Khi đốt lên tiếng pháo tẻ nổ liên thanh tạch tạch, cháy đến pháo tống thì nổ đùng một tiếng như “lựu đạn“ rồi lại nổ tung tóe tiếp tục như thế cứ mỗi lúc đùng... rồi... lại đùng vang dội cả không gian một khoảng thời gian khá lâu. Mùi pháo tết ngợp ngàn, khói tỏa mờ mịt và xác pháo la liệt. 

      Ngoài ra tiếng pháo nổ đì đùng khắp nơi như xua đuổi tà ma, rộn ràng chào đón năm mới như tràng pháo tay cổ võ cho những đoàn lân hăng say theo nhịp múa cầu chúc nhà nhà an khang thịnh vượng.

     Tết ở quê người, nhiều gia đình Việt Nam vẫn còn giữ tục lệ cúng đưa Ông Táo về trời vào chiều 23 tháng chạp và đến tối 30 Giao thừa lại cúng rước Ông Táo trở về trần. Tục lệ cúng Giao thừa, xuất hành hái lộc, xông đất năm mới vẫn còn được nhiều nhà đồng hương hải ngoại duy trì và tôn trọng rất thành kính. Bàn thờ tuy gọn nhẹ hơn ở quê nhà nhưng vẫn trang trọng với đèn nến, hoa tươi, nhang trầm, trà thơm, bánh chưng, bánh tét và mâm ngũ quả được bày ra.

     Nhớ lại những ngày ở quê nhà, 23 tháng chạp đưa Ông Táo về trời, đã nghe pháo nổ rộn rã gần xa liên miên không dứt. Dù đi đâu hay ở bất cứ nơi nào, chỉ nghe tiếng pháo nổ không thôi, tôi cũng đủ cảm thấy lòng rộn ràng chờ Tết đến. Đêm Giao thừa không hiểu người ta có chia phiên nhau không mà pháo cứ nổ liên tục ròn rã từ chập tối cho đến cao điểm là phút Giao thừa. Sáng ra những con đường, ngõ ngách ngập đầy xác pháo đỏ thắm. Không ai dám quét xác pháo trong ngày Tết vì kiêng cử là sẽ đuổi đi Thần tài mang lộc đến.

     Một trong những thú vui xuân khác nữa của người Việt là sắm hoa Tết, vì mùa xuân là mùa của nhiều loại hoa đua nở. Người ta mở ra chợ hoa để mọi người đến đó du xuân, ngắm hoa, chụp hình lưu niệm rồi mua hoa về nhà chơi Tết.

      Hồi còn ở quê nhà, tôi rất thích đi thăm Hội Hoa Xuân ở vườn Tao Đàn, được nhìn ngắm những cây mai vàng rực rỡ màu vàng  thắm, những cây mai bonsai uốn hình đủ kiểu với những hoa 5 cánh khoe sắc tươi mỹ miều, tượng trưng cho nét đẹp mùa xuân.

       Mai còn có ý nghĩa sâu sắc, thanh cao ám chỉ con người đang sống trên cõi trần ai đầy uế nhiễm, hứng chịu bao sóng gió cuộc đời nhưng nếu ai có thể cố tu tập vượt thoát để giác ngộ ý nghĩa của cuộc sống. Qua đó Thiền sư Hoàng Bá đã có bài thơ thiền, trong đó có hai câu:

 

       Nếu chẳng một phen sương buốt lạnh

      Hoa Mai đâu dễ ngát mùi hương.

    

      Bên cạnh đó cũng không biết bao nhiêu là kỳ hoa dị thảo từ khắp các miền đất nước mang về triển lãm. Đặc biệt là cả rừng hoa đào khoe sắc hồng thắm, khiến tôi nhớ lại hồi còn ở Huế vào những ngày xuân ngắm hoa đào trên chùa Từ Hiếu.

     Hoa đào cũng là loại hoa biểu tượng cho mùa xuân, thịnh hành trên đất Bắc và cũng chính trên đất Bắc thành Thăng Long cách đây hai trăm mấy chục năm đã có một mùa Xuân huy hoàng đi vào lịch sử. Đó là sự kiện vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Một trận đánh thần tốc oanh liệt của vua Quang Trung hạ hai đồn Ngọc Hồi và Khương Thượng ( hay còn gọi là Đống Đa vì xác quân Thanh chết chất đống thành 12 gò cao có những cây đa mọc um tùm chung quanh) để tiến vào thành Thăng Long đuổi quân xâm lược vào mồng 5, mồng 6 Tết năm Kỷ dậu 1789. Và theo truyền thuyết ngay sau khi chiếm đóng Thăng Long vua Quang Trung đã sai quân phi ngựa ngày đêm đem một cành bích đào trồng tại đất Dinh Lẫm, Hà Nội ( loại hoa cánh dày, lâu héo tàn) mang về thành Phú Xuân tặng Ngọc Hân Công chúa để thông báo tin đại thắng. Hoa đào đất Bắc đã đi vào huyền thoại lịch sử, dấu ấn khó quên cho niềm tự hào dân tộc đuổi quân xâm lăng ra khỏi cõi bờ.

     Giờ đây tôi xa quê hương đã khá lâu, cứ gần Tết là tôi lại mang một tâm trạng lãng đãng phiêu phiêu, trầm lặng. Với ngày tháng trôi qua nhanh hay chậm tùy vào những buồn vui bất chợt vụt đến rồi vụt đi. Dù có cảm giác mình xa quê là đã đánh mất tất cả nhưng tận đáy lòng tôi vẫn rưng rưng biết ơn khi nhận ra một điều là trái tim trẻ thơ của tôi vẫn còn hiện diện đâu đó mỗi khi xuân về.

     Người Việt dù có xa xứ vẫn một lòng thiết tha đối với cội nguồn, với quê hương mến yêu nhất là trong những giờ phút thiêng liêng Giao thừa. Và dù chúng ta đang sống ở một đất nước thanh bình với đời sống vật chất đầy đủ, nhưng ngày Tết lòng mọi người vẫn chùng xuống để nhớ về quê hương yêu dấu bên kia bờ đại dương.

     Quê hương chúng ta, nơi Phật giáo đã ăn sâu vào lòng dân tộc, gắn liền với nếp sinh hoạt của người dân nên tục lệ đi chùa vào ngày đầu năm Tết Nguyên Đán và Rằm tháng Giêng đã có từ xa xưa. Cũng từ khi Nho giáo và Đạo giáo du nhập vào Việt Nam, phát triển mạnh vào thế kỷ 13, hòa nhập vào Phật giáo thành “Tam giáo đồng nguyên “và kết hợp đi đến “Tam giáo đồng qui “, thì những tín ngưỡng ảnh hưởng từ Nho giáo và Đạo giáo như cúng bái, xin xăm, coi quẻ, hái lộc... cầu bình an, may mắn cho cả năm đã xuất hiện trong nhân gian.

     Qua bao vật đổi sao dời, tập tục ấy vẫn còn tồn tại và lưu truyền tới ngày nay trở thành “Truyền thống Văn hóa Cổ truyền Dân tộc Việt Nam“. Biến cố 75 khiến người Việt Nam phải lưu vong, nhưng theo bước chân Tăng lữ, chùa chiền đã được gầy dựng lại tại hải ngoại và làn sóng người Việt tị nạn vẫn còn có cơ duyên tìm về Mái Chùa xưa. Ngoài những lễ khác trong năm như Phật đản, Vu lan... Tết Nguyên đán và Rằm tháng Giêng được các chùa tổ chức lớn, nhỏ tùy theo môi trường, hoàn cảnh nơi cư ngụ.

      Tại Đức, chùa Viên Giác, Hannover do Hòa Thượng Phương Trượng Thích Như Điển khai sơn và kể từ khi Thầy lui về vị trí Phương Trượng để có nhiều thời gian tham khảo, nghiên cứu Kinh sách, dịch thuật và sáng tác. Từ đó đến nay trải qua nhiều thời kỳ với các Vị Trụ trì lần lượt tiếp nối, đầu tiên là Thượng Tọa Thích Hạnh Tấn (2003- 2008), tiếp đến Đại Đức Thích Hạnh Giới (2008- 2017) rồi Đại Đức Thích Hạnh Bổn v.v...    

      Dù ở thời kỳ nào Tết Nguyên Đán và Rằm tháng Giêng vẫn được quý Thầy nhất tâm tổ chức trọng thể tại chùa Viên Giác dưới sự chủ trì của Hòa Thượng Phương Trượng trong không gian thiêng liêng khói nhang, hương trầm nghi ngút, kinh cầu phật niệm nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của người Việt nam ly xứ vẫn hoài niệm về những cái tết cố hương.

     Ngôi chùa tiêu biểu mái nhà chung - Mái nhà Việt Nam - là nơi qui tụ trong dịp Tết cổ truyền trong ý nghĩa đoàn viên của những người con Việt lưu lạc, là nơi tìm về để cùng nhau hòa chung niềm vui đón xuân sang giữa những ngày băng giá.

     Trong ý nghĩa đó, tôi xin chân thành cầu chúc mọi người, nhà nhà Việt Nam sang năm mới một cái Tết Giáp Thìn an bình, đoàn viên, dồi dào sức khỏe và vạn sự như ý mong cầu.

    

Nguyên Hạnh HTD

 ( Đầu tháng 11- 2023)

(Tác giả gởi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...