2
giờ sáng, cơn mưa ập xuống, gió thốc làm tấm bạt che kêu phành phạch.
Ông Lâm dậy dắt chiếc xe cà tàng lên vỉa hè rồi quay lại chiếc võng quen
thuộc. Nhấc chiếc túi vải lấy ra bộ quần áo, ông nói vọng vào phía bà
chủ quán: "Bán tui gói dầu gội", rồi vắt khăn qua cổ đi vào nhà tắm. Lối
vào nhà vệ sinh chung xộc lên một thứ mùi khó tả, trộn lẫn mùi mồ hôi
bốc ra từ những chiếc võng vải dù móc sát nhau. Người đàn ông 62 tuổi,
quê Bến Tre dùng nửa gói dầu gội vừa tắm vừa gội, nửa còn lại để giặt bộ
quần áo lao động dính đầy bụi xi măng. Đoạn đường dọc quốc lộ 1A nằm
trên địa bàn phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân tập trung gần chục
quán võng ngủ đêm.
<!>
Gần 10 năm nay, những quán võng như thế này là sự lựa chọn của lao động thu nhập thấp như ông Lâm. Ông Lâm nói:
-
Thuê nhà trọ tốn ít nhất mỗi tháng 1 triệu, chưa kể phải sắm chiếu,
quạt... Ngủ lại những quán võng chỉ 20.000 đồng một đêm, được bao điện
nước, wifi. Nếu đóng trước cả tháng, giá chỉ 500.000 đồng.
Khách
qua đêm thường ngủ ở những chiếc võng cố định bên trên có kệ đựng đồ
dùng, nhiều năm trước, ở quê cũng chẳng có ruộng đất, ông Lâm lên Sài
Gòn làm phụ hồ. Lúc mới lên, ông cũng thuê nhà trọ cạnh chỗ làm với giá 1
triệu mỗi tháng. Không đủ sức khỏe, ông chỉ phụ việc nhẹ, lương chưa
đến 200.000 đồng mỗi ngày. Ông kể:
-
Chưa kể những ngày không có việc phải nằm nhà, tiền trọ, tiền ăn, tiền
điện nước, tôi không kham nổi. Suốt năm đầu làm việc ở thành phố, gói
ghém lắm nhưng vẫn không có dư.
Một
lần phải chuyển chỗ làm đến khu vực quận Bình Tân, ông Lâm biết đến
những quán võng ngủ đêm. Nhẩm tính, mình đi làm nguyên ngày, tối chỉ cần
chỗ ngả lưng, chi phí giảm một nửa nên ngay hôm sau, ông trả phòng trọ,
bán lại chiếc quạt điện, xách túi quần áo "nhập hộ khẩu" một quán võng
dọc quốc lộ 1A.
Hôm đầu tiên ngủ
dọn đến quán võng, ông Lâm chọn chiếc võng ngoài cùng cạnh gốc cây trứng
cá vì những người cũ đã nằm kín những chiếc võng trong nhà. Dù đã quen
ngủ võng từ thuở lọt lòng nhưng đêm đó ông gần như thức trắng vì tiếng
xe tải rầm rập, tiếng muỗi vo ve.
Nửa
đêm, cơn mưa ập xuống. Người đàn ông giật mình tỉnh giấc, tay sờ ngay
xuống túi quần bên trái rồi túi quần bên phải kiểm tra chiếc điện thoại
và ví tiền rồi thở ra nhẹ nhõm vì số "tài sản" quý giá nhất vẫn còn
nguyên. Theo chân vài người khác tiến vào bên trong tìm võng trống, ông
thiếp đi vì mệt. "Sáng hôm sau, tui bị trẹo cổ đau nhức suốt mấy ngày
mới khỏi", ông Lâm kể.
Không
có một số tiền lớn để thuê trọ vì phải đặt cọc 2 tháng, vợ chồng chị
Loan chọn cách ngủ võng, gia đình 3 người mỗi ngày hết 60 nghìn, vợ
chồng chị đã ở quán võng gần một năm.
Giữa
trưa, khách đi đường hướng Sài Gòn về miền Tây trên trục đường quốc lộ
nườm nượp khách ghé quán võng của anh Trình (44 tuổi, quê Bình Định)
nghỉ chân. Dưới tán hàng cây sanh um tùm, hai người phụ nữ trung niên
tranh nhau quét lá rụng và dọn dẹp những ly nước khách vừa uống xong.
Chị Thủy nói lớn rồi quăng chổi một bên, đi vội ra sau:
- Mày lấy quần áo vào chưa Hoa?
Vơ vội mớ quần áo trên sào tre, chị nói:
- Để quên tới chiều là mất đấy. Sống thế này đến đôi dép còn phải tự bảo quản.
Chị
Thủy làm nghề bán cá viên chiên còn chị Hoa bán vé số. Cả 2 người phụ
nữ đều được anh Trình giúp đỡ không lấy tiền ngủ võng suốt những tháng
dịch Covid-19. Để trả ơn, họ giúp anh làm việc vặt và quét dọn quán khi
rảnh rỗi.
6
năm trước, anh Trình mở tiệm cắt tóc kèm vài chiếc võng móc sát vỉa hè
dưới gốc cây bán nước cho khách vãng lai. Dần dần, khi thấy nhu cầu ngủ
tạm qua đêm ở những quán võng tăng lên, anh mua thêm võng, trồng thêm
cây, thuê rộng mảnh đất hơn để mở quán.
Quán
của anh có chừng 40 chiếc võng, móc sát nhau dưới tán cây, bên trên che
tạm những tấm bạt ni lông cũ nhàu. Ban ngày bán nước cho khách vãng
lai, đêm đến thì phục vụ khách ngủ lại. Anh thuê thêm 2 người trực ca
đêm và giữ xe cho khách. Anh Trình nói:
- Khách đến đây đủ mọi thành phần, từ người lao động nghèo, ăn xin, người lỡ đường, người nhậu xỉn cũng có luôn.
Mở
quán võng cho khách qua đêm tạm ngả lưng nhưng những ông chủ như anh
Trình e ngại nhất là các khách trọ người già vì mức độ rủi ro cao. Mỗi
khi có người già đến thuê võng ngủ, anh đều hỏi thông tin cá nhân, địa
chỉ, quê quán. Anh phân trần:
- Họ có bệnh gì làm sao tôi biết, đêm hôm gió máy nhỡ có mệnh hệ gì thì mang họa.
Năm
ngoái, anh Trình phải đưa một cụ ông vào bệnh viện cấp cứu vì cơn tai
biến lúc nửa đêm. Ngoài việc phải tạm ứng trước viện phí, anh còn phải
cất công ba lần đến quận 8 tìm người thân của ông. Vài ngày sau, vị
khách cao tuổi qua đời đúng lúc anh tìm được người thân của cụ. Thấy gia
cảnh khó khăn, anh Trình không đòi lại số tiền 2 triệu tạm ứng. Anh
trải lòng:
- Cái tính cẩn thận đã cứu tôi. Không cho mấy người già vào ngủ thì không đành, nhưng cho vào lại thêm lo.
Ông Nguyễn Quan Minh, phó chủ tịch phường Bình Trị Đông B chia sẻ:
-
Những quán cà phê võng trên địa bàn phường đều có đăng ký giấy phép
kinh doanh. Chúng tôi không quản lý khách đến quán, việc ngủ lại qua đêm
là tùy vào nhu cầu của mỗi người. Thường mỗi năm phường tổ chức kiểm
tra định kỳ một lần, nhưng nếu trong quá trình hoạt động của quán nảy
sinh các vấn đề khác thì sẽ kiểm tra thường xuyên hơn.
Chị Loan cùng chồng và con trai 7 tuổi là khách quen của quán võng từ gần 1 năm nay.
3
giờ chiều, trong một quán võng khác cách chỗ anh Trình gần 100 m, vợ
chồng anh Hưng, 39 tuổi, chị Loan, 35 tuổi đang rửa 5 kg đậu phộng, luộc
trăm cái trứng cút chuẩn bị cho một đêm bán rong ở các quán nhậu.
Vợ
chồng chị Loan cùng đứa con trai dắt díu nhau tìm đến quán võng khi bị
chủ trọ đuổi vì thiếu tiền phòng từ năm ngoái. Cậu con trai chị đã 7
tuổi nhưng chưa một ngày được đi học, tối tối theo mẹ đi bán hàng rong.
Anh
Hưng sức khỏe yếu, ngồi không nhiều hơn đi làm. Chị Loan bị bệnh tim,
không làm được việc nặng. Mỗi ngày, nguồn thu nhập từ bán rong đồ nhậu
vặt mang về cho cả gia đình khoảng 100.000 đồng. Chị nói:
- Bữa nào có thì mua 2 hộp cơm 3 người ăn, bữa nào thiếu thì 1 hộp, xin chủ quán pha thêm gói mì.
Hàng
ngày, chị Loan đi bán từ 5 giờ chiều đến 11 giờ đêm. Chiếc xe máy cũ,
cái bếp lò, cái nồi luộc trứng đều được chủ quán cho mượn. Khi đến quán
võng, của cải gia đình chị chỉ có 2 túi quần áo xách trên tay và 1 chiếc
điện thoại "cục gạch". Rất muốn thoát cảnh ngủ võng, nhưng từ đầu năm
đến nay, chị Loan chưa bao giờ dư được 1 triệu đồng trong tay. Muốn ra ở
trọ phải đặt cọc ít nhất 2 tháng. Chị nói giọng bất lực:
-
Tôi biết đóng tiền võng 3 người mỗi ngày hết 60 nghìn còn tốn hơn thuê
trọ. Nhưng ngày nào đắp ngày đó thì được, chứ có đâu ra một lần mấy
triệu mà đi thuê nhà.
Hàng
ngày, khi chị Loan trở về sau buổi bán hàng, trong quán đã có gần 70
người, nằm kín những chiếc võng, chủ yếu là đàn ông. Người nằm cách nhau
chừng nửa mét nhưng mỗi người một việc. Những người già vùi đầu cuộn
tròn trong chiếc võng, thanh niên thì cầm trên tay chiếc điện thoại, có
người lại xem tivi đặt giữa quán, ngủ lúc nào không hay. Trên trần nhà,
những chiếc quạt quay vù vù hết công suất đuổi muỗi.
Đêm
nay, người phụ nữ trở về với chiếc rổ trống sau xe, chị dẫn cậu con
trai vừa đi vừa dụi mắt ra sau hè xối ca nước rửa mặt. Bước về phía 3
chiếc võng quen của gia đình, chị nói với chồng:
- Nay cuối tuần bán hết trơn.
Đặt
lưng xuống võng, chị choàng hai tay ôm chặt bụng với 150.000 đồng tiền
lãi trong túi áo khoác rồi thiếp đi với cái bụng chỉ có vài quả trứng
cút luộc vỡ, ăn từ chiều.
Diệp Phan
(Theo Vnexpress)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét