Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Hồ Nước Mùa Xuân - Nguyễn Thị Minh Ngọc

Rực rỡ mùa hoa xuân phương Bắc

 

Tôi ngồi giữa một nơi có nhiều nhóm người đang làm những chuyện khác nhau. Dưới gốc tre là một nhóm đang tập ca hát cho những buổi diễn ban đêm ở đây vào tuần tới. Kế, những người đánh bài. Kế, những người uống cà-phê. Sát bức tường thành là hai vợ chồng chăng võng chờ khách đến mua cây kiểng. Bên trong là phòng tranh của nhiều tác giả, lác đác người vào xem, rồi đi, hoặc tấp vào một trong những nhóm ngoài sân. Tôi cũng là một nhóm gồm có tôi và những nhân vật của tôi. Người ta dặn tôi, viết chuyện tình nhé, hoặc làm một cái gì đó, êm ái, cho mùa xuân. Tôi tự hỏi mình còn khả năng đó không, khi một người yêu cũ của tôi đang ngồi kia, mà tôi thì đang tìm đủ mọi cách để cắt lìa, để anh ấy thấy cắt lìa là một chuyện hoàn toàn làm được, không như anh và những người thân khác của tôi đang vướng vào những hệ lụy, tưởng là khi chết mang theo.

 <!>

Loáng thoáng trong những người vào xem tranh, có mái tóc bồng bềnh vàng. Hắn kéo ghế ngồi sau lưng tôi, dường như gọi cà phê, xem tập hát. Và một lúc nhạc lắng, tôi nghe loáng thoáng tên mình được hỏi đằng sau: “Tố Cầm!? Tố Cầm!?” Cậu bé phục vụ không biết tiếng Anh, bước đến hỏi tôi: – “Dường như thằng này có biết cô!” Tôi quay lại. Hắn mừng rỡ, reo lên: “Ðúng là Tố Cầm rồi! Nhưng mà vui không? Khỏe không? Sao tóc đi đâu mất?”

Sau một số câu huyên thuyên khác nữa, tôi vẫn chưa nhớ ra hắn là ai. Ðến lúc hắn nhắc Ann tôi mới nhớ. Hồi đó gặp chúng nó, tôi luôn cười vì nhìn hai đứa tôi cứ liên tưởng đến màu cờ vàng đỏ. Hỏi Ann đâu, nó nói đang sống với một cô gái khác. Tôi ngó đồng hồ, xin lỗi có chuyện phải đi. Và hỏi Mike phải không? Nó dạ, Mike đây! Mốt phải rời Việt-Nam làm sao gặp lại Tố Cầm? Tôi ngồi soát lại những việc sẽ làm, và nói chỉ còn một cách thôi. Trưa nay, mười bốn giờ tôi sẽ phải đi đến một buổi biểu diễn cách đây một trăm cây số. Ðang trống một chỗ sau lưng, nếu nó rảnh thì cùng đi. Mai về.

Mike hơi phân vân, hỏi có chắc về sớm không vì chiều mai nó phải có mặt ở Sài Gòn để dự đám cưới của cô người yêu tên Thư Cươm. Tôi nói, dư sức qua cầu với điều kiện không có tai nạn dọc đường.

Ðúng mười bốn giờ chúng tôi đi. Ðường xá ngày Tết bụi ồn lâu lâu lại nghẽn tắc… Khi thoát được ra đường lớn phóng nhanh, tôi chợt cảm giác không còn Mike sau lưng. Ngó bóng người in dưới lòng đường mới an tâm. Hóa ra anh chàng luôn giữ khoảng cách một tấc với tôi. Chắc mấy hôm trước, khi được cô bồ người Việt chở đi, Mike cũng luôn giữ khoảng cách thế này. Hèn chi…

Xe tôi thắng không ăn. Luôn luôn ở tư thế không ăn dù tôi sửa thế nào. Những đứa bạn tôi có dịp dùng qua chiếc này đều hỏi bồ mầy đâu, đây là chuyện đàn ông phải lo. Cây số ven đường ghi mức không kilometre. Con đường được đếm từ đây. Và nó sẽ tận cùng bằng cái gì? Cái gì sẽ trôi trong đầu tôi trong suốt quãng đường này với một người khác phái, ngồi cách tôi một decimetre. Tốc độ trung bình đang là bốn mươi cây số một giờ. Nhiều chiếc xe tải đi ẩu vượt qua lấn đường đẩy tôi ép lề. Tôi cảm giác Mike có sợ nhưng khoảng cách một decimetre còn nguyên, không đổi.

Ði dọc đường người ta bày bán củ sắn và kiệu. Hai màu lớn đang trôi dạt quanh tôi là xanh lục và nâu. Những số ghi trên cột tăng dần. Tôi căng óc điều khiển chiếc xe thắng không ăn của tôi được an toàn trước hai luồng xe, từ bốn đến mười bốn bánh dập dìu lên xuống, thỉnh thoảng ngó nghiêng lòng đường yên tâm còn đó, Mike Skufca. Chợt nhớ chuyến lên xuống Tầm Vu đóng phim với Lê. Mấy lần định hỏi thăm cuộc tự tử thất bại của nó, nhưng nó cứ tía lia một điều bà xã em, hai điều má vợ em, mơ mộng vẽ ra một tương lai ấm áp hạnh phúc nên tôi ngậm miệng luôn. Chẳng ngờ vài tháng sau, nghe tin Lê lại tự tử, lần này thì nó thành công.

Thỉnh thoảng tôi lại hỏi chừng người ngồi sau mệt không, cần uống nước không. Mike đề nghị khoảng nửa đoạn đường mình sẽ ngừng một chút cho Tố Cầm nghỉ. Tôi chọn chỗ rẽ vào đường nhỏ – nơi có tấm bảng ghi Dầu Tiếng bốn mươi bảy kilometre – để dừng. Thôi không hỏi về Ann Halbach lẫn Thư Cươm. Nó lại khui ra, hỏi về cái ông thỉnh thoảng là chồng tôi. Tôi ra vẻ ba lơn. Anh ta đang cố cai xì-ke. Còn tôi thì đang cố cai anh ta ra. Nếu anh ta thành công trong việc cai nghiện, Tố Cầm có thể trở lại không? Tôi kêu không tin. Không tin. Không tin. Anh ấy đã cai mấy chục lần. Nhưng riêng lần này tôi tin tôi. Vì nếu dịp này không dứt được, tôi sẽ chết. Chết kiểu nào không rõ. Có thể là trên một chiếc xe thắng không ăn. Có thể là để mặc bốn mươi mụn u-xơ trong dạ con tôi tha hồ chòi đầu sống lại mà không chữa trị. Có thể là một kiểu mới nào đó chưa ai làm. Nhưng chắc chắn là không bao giờ uống thuốc như Lê. Tôi không thích hình ảnh thân xác tôi bị tọng nước vào đầy rồi có người đạp ấn để tống tháo nước quyện thuốc trôi ra. Mạng tôi là Trường lưu thủy, nước chảy xuôi dòng. Nếu chọn nước tham gia vào việc phá hủy thân xác, thà tôi ngâm người vào một cái hồ nước nào đó, thích hơn.

Mike có vẻ an tâm hơn với con đường rẽ trái vì ít xe hơn. Nhưng ít hay nhiều xe gì, Mike vẫn giữ khoảng cách một decimetre không chịu đổi. Tôi lại phải tiếp tục cuộc độc thoại với chính mình để quên đường dài. Con đường này tôi đã đi lại khá nhiều lần nhưng chưa bao giờ tôi thong thả được ngồi chung với cả đoàn trong chiếc xe ca của Công Ty Cao Su xuống đón. Bao giờ tôi cũng có những công việc nào đó phải ở lại thành phố rồi canh giờ diễn chạy lên, chạy về. Chạy mãi riết quen, đường dài thành ngắn. Càng lúc tôi càng ý thức hơn, đường xa cách mấy nhưng nếu chịu khởi đi, mãi rồi cũng sẽ đến. Chỉ có điều, giờ sống tôi không còn bao lăm, có lẽ không nên tiêu phí quá nhiều thời gian để rãi cho những dặm đường xa…

Nắng quái ngoài đôi kính đen của tôi có lẽ còn khá chói. Ðường thưa người dần. Một vài nhóm trẻ tan học chạy xe đạp nghênh ngang giữa đường với những cây nan tre vót dài dường như để thực tập một bài tập thủ công nào đó. Mike chợt hỏi, những người dân ở đây sẽ nghĩ sao khi thấy một người Mỹ đi về vùng này. Chắc chẳng nghĩ gì đâu. Hố bom đã lấp cạn. Một vài bia chiến công lác đác dựng, ghi những con số người chết, trong đó có trận nuốt đến cả vạn người… Tôi chạnh nghĩ, giờ này “xì-ke của tôi” đang làm gì, ở đâu, với ai… Rồi tôi vội “cắt cơn” tôi ngay. Có nhiều kiểu chết. Nhưng hãy cố không chết vì ma túy là vũng lầy đã dìm vài người thân của tôi vào cõi chết và vì tôi cũng đã có lời nguyền sẽ không đắm mình vào nỗi đau đớn đó.

Tôi tháo kiếng ra, những hàng cao su hoang lạnh chạy dài. Ðường dốc lên nhiều hơn lũng xuống, và dằn xốc đến độ chiếc kính đen trên tay tôi rớt mất một gọng. Chỗ quẹo thứ hai ghi bảng Trung Tâm Nghỉ Mát Cần Nôm 6 Km. Cao su cứ thế trùng trùng. Lúc đầu tiên phóng xe vào đây, tôi cảm giác chui vào một cái mùng khổng lồ. Mấy đứa cùng đi lúc đó đùa, lạc đường đêm ở đây khi chui ra ắt hẳn đã có con. Một lần đến một vùng cao su huyện khác để làm phim, khi về, cả đoàn đi xẩn quẩn trong đêm đầy sao, thấy lô nào cũng giống hệt nhau. Cuối cùng nhờ gặp một đóm thuốc đỏ của người thức canh rừng mà dò hỏi được lối ra. Anh nói vì những chuyến đi của em nên anh dính lại. Em nói vì anh dính lại nên em phải đi để quên. Bạn bè giảng hòa thôi ai cũng có lỗi coi như huề để sống lại với nhau. Có cần không, phải sống với nhau khi lòng tự trọng lúc nào cũng phải lớn hơn tình yêu một chút, với tôi…

Trôi qua hai cái mùng khổng lồ dệt bằng cây cao su, chúng tôi đến nơi. Phải xà ngay vào mâm cơm. Mike ngồi gắp rón rén vài lát dưa, cọng lang… Tôi hỏi cây ớt của tôi đâu. Chị bếp nói bọn sinh viên Triều Tiên lên đây tháng trước đã lặt sạch sẽ không còn một trái.

Sau buổi cơm, Ánh quơ vài diễn viên lại để thay vai gấp cho một người vừa ngã bệnh. Mike một mình thơ thẩn ra hồ. Tôi lên đây diễn bao chuyến, ngủ lại bao đêm vẫn chưa có giờ ra thăm hồ. Chuyên đề của những câu chuyện gẫu đang xoay quanh chữ ghen. Anh bạn Công an của cô đàn bầu cho biết lúc này người ta đã bớt dùng acid. Anh đàn kìm cung cấp thêm, thành phố đang có hai trăm năm mươi mốt ngàn lẻ tám chục cô gái đang và lỡ thì sống độc thân… Ánh khều tôi coi chừng cậu bạn của chị nhảy xuống… Câu chuyện lan man sang con chó nhỏ của hề Vũ Tèo. Nó đang đến cạ thân vào chân tôi để làm quen. Tèo kể chiều qua đi câu về thấy nó đang đứng ngơ ngác trên một mảng bè tre mục. Bọn nhạc sĩ tăng cường buồn chẳng biết làm gì, dụ nó bước xuống bè rồi dùng cây đẩy ra xa. Cô ca sĩ đứng trên bờ lu loa khóc, hỏi không ai cứu nó sao. Thấy Tèo, nó mới ăng ẳng kêu. Tèo lấy cây thọt cho nó rớt xuống nước. Trong tiếng kêu thảng thốt của cô ca sĩ, nó ăng ẳng bơi vào…

Tôi bước lần ra hướng hồ. Nước trải ra một dải vàng nâu dưới ánh chiều tà úa. Tôi đi theo rặng cây ven hồ và luôn giữ khoảng cách giữa Mike và tôi. Bóng Mike mờ dần khi sương chiều xuống. Nước trong leo lẻo gợi thèm lăn vào, quên hết. Có lẽ chuyện tôi nhúng người vào nước sẽ “không giống”, nên chẳng ai thèm canh chừng tôi, như đã chẳng ai thèm canh chừng Lê.

Tôi chợt đứng lại. Thấy nước và cái hơi mát lạnh của nó quyến-rũ-như-chưa-bao-giờ-quyến-rũ-như-thế. Ngó xuống gương nước. Thấy Lê. Thấy “xì-ke của tôi”. Thấy cô ca sĩ khóc. Thấy con chó nhỏ ngơ ngẩn dưới lòng hồ. Và thấy đâu độ hai trăm năm mươi mốt ngàn lẻ bảy mươi chín cô gái khác đang thò đầu soi mình xuống gương nước như tôi… Và tôi thắng lại kịp nỗi khát khao được nhúng người vào nước mát. Tôi sợ chốn đông người…

Ðể rồi vài giờ sau tôi lại phải chui vào một chốn đông người khác. Bãi diễn đâu độ vài ngàn người. Ban ngày nơi đó là một sân đá banh. Nhiều hàng quà đêm thắp đèn hột vịt ngồi xen lẫn với khán giả. Lòng vòng chung quanh thanh niên thiếu nữ dập dìu. Không khí vui như ngày hội. Ðèn trên sân khấu bật diễn thì bên dưới lặng trang. Ðược vài tiết mục, trời bỗng mưa lâm thâm. Anh em ánh sáng í ới gọi nhau lấy giấy che đèn sợ nổ. Hạt mưa rắc sợi xéo trong ánh đèn treo tạo nét đẹp kỳ ảo đầy bí ẩn của những bức ảnh phân sắc độ tương phản trắng đen. Khán giả ngồi yên chưa động tịnh. Tôi vẽ mặt hề chuẩn bị bước ra. Tiếng khán giả cười không giảm cường độ, dù mưa. Khi tôi vừa lột tóc cúi chào thì mưa rầm rầm đổ. Khán giả lúc đó mới táo tác chạy. Ðoàn đành phải cuốn gói về luôn. Về căng-tin nông trường, chỗ đãi cháo khuya, gà chưa kịp chín. Tôi hỏi Mike có cần về sớm thì có thể theo xe chở phông cảnh về ngay sau bữa cháo. Mike nói không cần đâu, cũng không thay đổi được gì cái đám cưới ở dưới kia một trăm cây số.

Trong lúc đợi gà chín, các anh hậu đài nhờ tôi hỏi Mike xem cảm tưởng thế nào khi dự một buổi diễn dở dang. Mike nói thường thôi. Lúc ở Ðài Loan, Thái-Lan, Mike vẫn có dịp dự những buổi biểu diễn “dã chiến” như vậy, và dở dang như vậy… Từ chỗ ăn cháo về căn nhà nghỉ cạnh hồ, có người đề nghị kiếm một quán ven đường hỏi mua một bộ bài tây và tứ sắc để chơi cho qua đêm – hay chơi cho qua đời, theo kiểu nói của hề Vũ Tèo – nhưng không quán nào có. Mike nói riêng cảnh tượng giữa đêm khuya đập cửa đi mua bài như vầy thì lần đầu tiên cậu mới được chứng kiến. Nhưng vui không, một anh hậu đài hỏi. Chắc phải vui rồi, một anh khác trả lời thay.

Về nhà nghỉ, cũng chưa đủ khuya để sáng đèn. Bảo vệ chạy đi kêu người phụ trách máy đèn. Kép Trọng Thủy lượm được một bộ bài của người khách nào đó bỏ quên trong phòng nghỉ. Nhiều người hùn thêm tiền mua dầu để có thể kéo dài thêm giờ đèn sáng, đánh bài. Ðêm ấy tôi đặt mình xuống chiếc giường đơn của nhà nghỉ hồ Cần Nôm mà tưởng như mình được thả xuống hồ. Nhưng tôi không nổi lên mà chìm trong ánh sáng trắng xóa và tiếng lao xao cu-ky, sức-ky, khui, sắn, xảnh, cù-lủ, tấp-pi, thùng, tẩy, pha…

Bốn giờ sáng. Cả đoàn nháo nhác sửa soạn lên đường. Bà Thìn đồ hội dặn hai đứa đi xe hai bánh là Vũ Tèo và tôi rán chờ vài tiếng sau hẵng đi để tan bớt sương và hơi thở của rừng cao su.

Bảy giờ. Xe tôi có Mike sau lưng, vẫn cách khoảng một tấc. Mike chỉ sang xe Tèo có con chó ngồi phía trên bình xăng, rồi chỉ ngược lại xe mình nói two, two… Chúng tôi chui khỏi cái mùng-lá-cao-su thứ nhất, lượn một vòng hồ để chuẩn bị chui vào cái mùng lá thứ hai. Nước hồ sớm mai hắt màu lục của rừng cây biêng biếc như một loại lá gấm xanh ngàn năm.

Gần tám giờ, đi ngang qua một trảng cỏ, xe tôi bị bể lốp. Ði bộ cả cây số mới gặp được một phụ nữ ngồi bằm chuối cạnh chiếc bảng sửa xe. Chị lôi ruột ra mằn mòi một lúc rồi đạp xe đi kêu chồng đang chơi đá gà cách đó không xa vì chị không biết vá đầu vòi. Một bà cụ lòa lẫn mang chiếc rổ may ra ngồi vá, nhíp. Mike thắc mắc ở đây người ta đi chơi sớm thế sao. Nghe tôi dịch câu hỏi cho Vũ Tèo, bà cụ lầm thầm:

“Nó đi chơi từ hôm qua!”

Khá lâu sau, người vợ chở người chồng với chiếc xe đạp giơ cao trên đầu về. Nghe tiếng xe quen, cụ lại nói, như thể nói cho mình nghe:

“…Trả cho hết nợ, còn gì là duyên…” (*)

Người chồng hí hoáy một chút là xong. Mike hỏi sao rẻ thế. Chỉ ba ngàn đồng. Chưa tới nửa đô. Suốt đoạn đường còn lại, trên chiếc xe thắng không được ăn, tôi chỉ muốn ngủ thiếp trên lưng ai đó. Vũ Tèo cứ nhắc chừng tôi cẩn thận, đừng phóng nhanh.

Rốt, rồi có ai chết đâu. Mike vẫn về kịp dự đám cưới của Thư Cươm. Vũ Tèo đang có một mối tình mới. Tôi vẫn an toàn trên chiếc xe không thắng của mình. Sinh vật duy nhất chết trong bốn đứa lại là con chó nhỏ. Vũ Tèo cho biết hôm Tết nó tham ăn nên hóc xương gà mà chết. Cô ca sĩ ngạc nhiên vì sao mình đã không khóc một giọt lúc nghe tin đó bởi cô đã từng khóc-như-chưa-bao-giờ được-khóc-như-thế khi nó bị các anh thợ đàn thả trên mảng bè tre mục rồi đẩy ra xa trên lòng hồ vàng nâu lúc chiều tà và lục ngọc trong sương mai.

Gánh hát của chúng tôi sau đó rã vụn như bèo gặp gió giông. Các khán giả ái mộ dần dà quên bẵng Lê. Mike về Ðài-Loan để dạy học ngay sau đó và gởi sang cho tôi tấm post-card có hình chiếc cầu gãy màu trắng nâu ở Việt-Nam hồi đầu thế kỷ, mà không ghi thêm một chữ nào. Ngó tấm thiếp, Tèo hỏi nó muốn gì vậy, rồi suy diễn đủ điều. Tôi chỉ biết đường đi nào dù dài khó đến đâu nhưng nếu đã chịu đi, thế nào cũng sẽ có lúc đến. Và dĩ nhiên, không phải con đường nào cũng tận cùng bằng một hồ nước bồng bềnh ảo diệu như ở Cần Nôm, để tôi có thể lắng lòng soi mình vào đó, cùng hai trăm năm mươi mốt ngàn bảy mươi chín cô gái khác, cùng con chó nhỏ, cùng cô ca sĩ khóc, cùng Lê, và cùng một người tôi đang cố quên tên…

 

Nguyễn Thị Minh Ngọc

1 nhận xét:

  1. Truyện viết hay quá. Văn phong sắc xảo. Truyện hay đâu cần phải có đầu, có kết. Chắc phải gặp lão PVN mượn đọc kịch Cô đào hát của tác giả nầy.

    Trả lờiXóa