Thứ Năm, 15 tháng 2, 2024

TẾT TRƯỚC TẾT - Song Thao

 Tôi, ̣Đứa Con Người Tù “Học Tập Cải Tạo” – Lê Xuân Mỹ



Tết được nhắc tới từ lễ Giáng Sinh. Đêm Giáng Sinh chúng tôi khoảng chục người tụ họp nhau bên gốc ổi ngoài sân ngay trước cửa phòng. Mấy gốc ổi thấp lè tè được chúng tôi bứng về trồng theo đồ án thiết kế của Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ. Từ đồ án Dinh Độc Lập đến đồ án sân trước của Nhà 2 trại Cải Tạo Làng Cô Nhi Long Thành, Kiến Trúc Sư giải Khôi Nguyên La Mã đang trượt dốc. Chúng tôi cũng đang cùng xuống dốc với ông. Suốt ngày lũ chúng tôi giang nắng kẻ khẩu hiệu trên tường, trồng cây ngoài sân, rãy cỏ quanh hiên nhà, vẽ cờ trước đầu nhà... Chúng tôi đây là Tổng Bộ Trưởng, công chức cao cấp, dân biểu, nghị sĩ, thẩm phán, giám sát viên, đô trưởng... mới được gọi chung dưới cái tên ngụy quyền. 
<!>
 
Sát cánh với chúng tôi là các tên tuổi như Trần Trung Dung, La Thành Nghệ, Trần Văn Tuyên, Nguyễn Xuân Phong, Nguyễn Bá Lương, Trần Minh Tiết, Bùi Tường Huân, Văn Văn Của...Phía bên kia nhà chúng tôi là Khối Cảnh Sát gồm các sĩ quan Cảnh Sát cấp Tá. Cạnh Khối Cảnh Sát là Khối Đảng Phái có mặt từ Ông Vũ Hồng Khanh đến các đảng viên của các Đảng hoạt động dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Và sau chót là Khối Tình Báo gồm tất cả cấp chỉ huy và nhân viên tình báo chậm chân.

Chúng tôi từ các điểm trình diện học tập được di chuyển về đây với đoàn bộ đội hộ tống trang bị tới răng, mũi súng lúc nào cũng chăm chăm muốn nhả đạn. Trong đêm tối, ngồi trong xe bít bùng bốn bề kín mít, chúng tôi thi nhau đoán mò địa điểm được chở tới dựa theo những vòng quẹo của xe. Chẳng ai đoán đúng cả. Chỉ khi bước chân xuống xe vào lúc hai giờ sáng, nhìn quanh quất, nhóm Bộ Xã Hội mới nhận ra Làng Cô Nhi Long Thành, một địa điểm quen thuộc của họ. Sáng hôm sau, mở mắt dậy, chung quanh toàn những tai to mặt lớn quần xà lỏn áo may ô ngồi thừ người trên chiếu cá nhân, tôi bỗng có cảm tưởng như mình đang ở hậu trường sân khấu. Mới Tổng Bộ Trưởng, Dân Biểu, Nghị Sĩ, Tổng Giám Đốc, Giám Đốc... đó mà giờ đây ngồi giơ xương ra với nhau chẳng rằng chẳng nói.

Hơn sáu tháng đã trôi qua kể từ ngày chúng tôi đi trình diện để học tập cải tạo một tháng. Đúng thời gian một tháng quả là có những dấu hiệu lạ. Nhà thầu dọn dẹp bếp núc, thu vén nồi niêu soong chảo trong nỗi mừng khấp khởi của chúng tôi. Ai cũng chong mắt nhìn ra cửa trước cho xe đò tới rước về. Một đám bụi mù tung ngoài đường đất cũng bóp nghẹt được cả ngàn con tim. Rồi xe cũng xuất hiện bon bon chạy vào trong trại. Chỉ có hai xe. Làm sao đủ? Nhưng những chiếc cổ mà bây giờ có cho cài khuy cổ thắt cà vạt chắc nút cà vạt sẽ lỏng le, vẫn cứ nghểnh lên chăm chú quan sát. Xe dừng lại trước vuông đất trống gần nhà bếp. Quản giáo te te tái tái tập trung một đội tù dắt ra xe. Từng bao gạo được khiêng xuống. Gạo sao mà nặng thế! Từ đó chúng tôi có thói quen nhìn gạo trong kho nhà bếp để đoán ngày về giống như mấy ông thày bói nhìn chân gà khô để đoán vận mạng con người. Lấy chân gà mà đoán số cho người cũng như lấy gạo để đoán thời gian ở tù dĩ nhiên là sai bét. Nhưng chúng tôi chẳng biết bấu víu vào đâu cứ nhè lấy mấy bao gạo làm phao hy vọng. Chìm là cái chắc!

Chán gạo chúng tôi đi tìm ngày về ở thế giới siêu hình. Hai pho tượng Đức Mẹ và Phật Bà Quan Âm lớn bằng người thật do Làng Cô Nhi lập ở ngoài sân được chúng tôi thành tâm hỏi han nhiều nhất. Rồi đoán mộng, cầu cơ, tử vi, bấm độn, coi chỉ tay, bói dịch, coi lá... Chẳng thứ nào chúng tôi chê cả. Mọi khả năng để mở cửa trại ra về được chúng tôi phát huy triệt để. Nói chuyện với quản giáo, chúng tôi cố gài những câu hỏi xa gần để xem có khai thác được tí ánh sáng nào không. Mỗi nhà có một quản giáo, tính tình và trình độ học vấn khác nhau. Quản giáo nào cũng như thần thánh. Mỗi câu nói được chúng tôi suy đoán, tán hươu tán vượn ra rồi đồn nhau. Từ nhà này qua nhà kia lời đồn đãi mỗi lúc mỗi phồng lên. Mà chúng tôi có tới 8 nhà tất cả. Đủ khả năng để từ một trái banh quần vợt phồng lên thành trái bóng chuyền! Lời đồn nào cũng đầy hồ hởi được chúng tôi ôm trong lòng làm thức ăn nuôi hy vọng. Không hy vọng làm sao mà sống!

Lời đồn đắt giá nhất được mọi người vểnh tai nghe và căng người ra cho đợi phát ra từ Khối Đảng Phái. Một ông bạn của Nguyễn Hữu Thọ, đã từng nuôi con của Nguyễn Hữu Thọ khi ông này vào bưng làm Chủ Tịch Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, đang nằm trong khối này. Một bữa có một phái đoàn báo chí Saigon gồm các ký giả đội nón cối tới thăm trại. Con trai của Nguyễn Hữu Thọ có mặt trong phái đoàn này tới gặp riêng người đã nuôi mình. Anh hỏi ông có cần gì để anh mang vào. Tao chỉ cần thuốc suyễn thôi! Bác cần bao nhiêu viên? Về hỏi bố mày xem muốn giam tao bao nhiêu ngày thì mang vào từng đó viên.

Không biết anh ký giả này có mang thuốc vào không và mang bao nhiêu viên nhưng ngày lễ Độc Lập 2 tháng 9 ông này được ra về cùng với khoảng chục người đa số là các chị ở nhà nữ. Chúng tôi tái tê trước một sự thực đơn giản mà chẳng ai nghĩ ra: vào cùng ngày nhưng không phải về cùng ngày. Tái tê hơn nữa khi báo Nhân Dân đăng tin người học viên cải tạo cuối cùng của Trung Quốc vừa được thả về sau hai mươi lăm năm học tập. Chúng tôi xìu như bánh tráng gặp mưa. Nhưng chỉ ít ngày sau lại đồn đãi, lại hy vọng. Chúng tôi ở cái thế không hy vọng không được. Gặp nhau chào hỏi bằng câu:

" Có tin gì không?". Rồi thì thầm bơm hơi cho nhau sống.

Hy vọng của chúng tôi đặt vào lễ Giáng Sinh. Nhưng lễ Giáng Sinh cứ lừng lững tiến tới mà chẳng có chuyển động gì. Chúng tôi lại bé cái lầm lần nữa. Cộng Sản đâu có mừng lễ Giáng Sinh! Không những không mừng mà còn cấm chúng tôi mừng lễ nữa. Chúng tôi có xin phép cử hành thánh lễ. Câu trả lời dứt khoát là không được. Thêm một lệnh cấm trước ngày lễ: không được hát thánh ca. Chúng tôi cảm thấy hụt hẫng. Dù theo Thiên Chúa Giáo hay không, dân miền Nam vẫn coi lễ Giáng Sinh như một ngày vui tỏ bày sự thân ái và an bình giữa gia đình và bằng hữu. Chúng tôi tự động từng nhóm một quây quần nhau trong đêm thánh này để sưởi ấm cho nhau.
Nhóm chúng tôi khoảng chục người tụ họp nhau bên cạnh gốc ổi. Vài anh có sáng kiến cắm đèn cầy vào hũ đựng chao treo toòng teng trên những cành ổi. Trên tấm ván nhỏ dùng làm bàn chúng tôi gom góp lại được ít viên kẹo, vài thanh đường tán, lon gô trà và chiếc điếu thuốc lào. Chúng tôi kể cho nhau nghe những lễ Giáng Sinh trong đời mình. Dưới ánh đèn cầy lung linh và những vệt sáng đỏ bập bùng từ chiếc điếu thuốc lào chuyền tay nhau, tôi nhìn quanh những khuôn mặt đồng cảnh chung quanh. Nửa năm tù đã đẽo gọt mặt mũi bạn bè tôi thành những góc cạnh cứng cỏi vêu vao. Chúng tôi có chung những đôi mắt buồn bã vô hồn. Nỗi chán chưong hằn rõ trên từng khuôn mặt. Vài anh bạn trẻ, bất chấp lệnh cấm, hát nho nhỏ những bài thánh ca quen thuộc. Chúng tôi ngồi chết lặng. Nước mắt chực hờ chỉ muốn chảy ra. Đại Sứ Phạm Trọng Nhân tóc lơ thơ bạc trắng, hàm răng nhấp nhổm chỉ muốn nhào ra khỏi miệng, rít một hơi thuốc ròn rã, thở ra một chùm khói và một câu than:
- Buồn bỏ mẹ, các cậu nhỉ!

Một anh bạn trẻ đưa tay đỡ chiếc điếu cày, tay vê vê bi thuốc, cười buồn:
- Sắp tết rồi còn buồn kỹ hơn nữa, bố ơi!

Chữ tết thốt ra như một mũi kim chích đau nhói. Tôi chưa có thể tưởng tượng ra một cái tết trong tù, nhưng chắc phải lạnh tanh và buồn tủi lắm. Tôi hoảng hốt ném ra một câu thăm dò:
- Chắc tết thế nào cũng có đợt về!

Hòn đá tôi ném ra khá nặng ký. Mọi người ào ào tranh cãi. Nói tới về thì có là thánh cũng chẳng thờ ơ được. Tán đi tán lại một hồi bao giờ mọi người cũng thú vị với những lời tán lạc quan nhất.

Tết như trái bóng sặc sỡ treo lơ lửng trong đầu chúng tôi. Các hãng tin đồn hoạt động mạnh mẽ xoay quanh con số người sẽ được thả. Nhà bếp đã bắt đầu mua heo về vỗ thịt. Bao nhiêu con heo? Bao nhiêu người chia nhau một con heo? Lấy tổng số tù trừ đi số người sẽ ở lại ăn thịt heo thì ra số người được thả về. Dĩ nhiên toàn là đoán mò không. Anh nào cũng lắc đầu quầy quậy chẳng thèm ăn thịt heo tuy cả mấy tháng nay có trông thấy miếng thịt heo nó ra làm sao đâu.

Rồi tíu tít thông báo thi đua thể thao, lập ban văn nghệ, làm bích báo, tranh giải cờ tướng nhân dịp tết. Nghe mà phát nản. Nhưng rồi cũng phải tham gia. Sống với mấy anh quản giáo tích cực quá cũng có ngày sanh chuyện mà lè phè quá thì bị điểm mặt thường xuyên. Tôi nghĩ làm cho mình chìm đi trong đám đông là thượng sách. Phải nín thở qua sông. Tôi tham gia vào ban hợp ca toàn trại vừa ra cái điều không lè phè vừa được miễn lao động ở nhà tập dượt. Trưởng ban văn nghệ là nhạc sĩ Vũ Thành An, rất tích cực được quản giáo biết mặt, cán bộ biết tên. Từ ngày vào trại, chỉ với một đề tài " học tập tốt, lao động tốt " mà anh đã sáng tác được tới năm bảy bản nhạc được cán bộ phụ trách văn nghệ duyệt y để cho cả trại gân cổ tập hát mờ người. Trong một buổi tập dượt của ban văn nghệ, nhạc sĩ họ Vũ đã ôm đàn đứng hát cho anh em nghe chơi một bài anh vừa sáng tác, bài Giao Thừa phổ thơ của Lưu Trưong Khương cũng là một cải tạo viên trong trại. Trước khi hát anh giáo đầu là với bản nhạc này, anh đã trở lại dòng nhạc của anh. Thắp nến hồng lên em. Giao thừa về rồi đó. Ánh sáng ngoi trong đêm. Như bình minh đã lên. Ngoài kia xuân đang tới. Thơm ngát ............. Bao cành non lộc mới. Lòng thương em bấy nhiêu. Nôi con thơm giấc ngủ. Giấc thiên thần..........Hãy ru con nho nhỏ......... Bản nhạc nói đúng tâm trạng thương con nhớ vợ của chúng tôi trong những ngày cận tết nên được chuyền tay nhau chép lại để ngâm nga cho vơi niềm thương nhớ. Hai mươi mốt năm đã qua lời nhạc tôi chỉ nhớ lỗ mỗ phần đầu. Phần kết còn có hẹn hò ngày về coi đó mới là xuân thật. Xuân trong lòng xuân tươi.

Bích báo được diễn nôm là báo tường thì bắt buộc mỗi Nhà phải có một tờ. Đại Sứ Phạm Trọng Nhân ở cùng tổ với tôi bò lăn bò càng ra chiếu làm thơ. Dĩ nhiên là thơ xuân. Bài thơ khá dài tán nàng xuân ráo riết rồi kết bằng hai câu:
Xuân nay đoàn kết xuân đoàn tụ
Sao mãi thằng Nhân chửa thấy về!

Sứ Thần Ngoại Giao Nguyễn Cao Quyền nằm sát tôi và cụ Nhân vội can. Con xin cụ, cụ đưa bài thơ này ra thì tụi nó hành cụ nhỏ xác! Cụ cười nhạt. Moa đếch sợ, tỏi là cùng chứ gì! Bài thơ được treo trên tường. May phước chẳng sao cả. Anh em tủm tỉm thú vị. Cụ cười khoái chí. Nhưng cứ mỗi lần cụ lên cơn buồn cụ lại phán. Các toa ạ, chắc moa tỏi mất! Vật đổi sao dời, sau đó cụ cũng bảy tám năm lê bước chân cải tạo khắp đất Bắc, rồi cụ về, cụ qua Pháp đoàn tụ gia đình, cụ qua Montréal diễn thuyết về thơ Bàng Bá Lân. Tôi gặp cụ tại thành phố tuyết này. Bá vai bá cổ nhau, vỗ lưng nhau bồm bộp, cả hai cười toe toét. Này cụ! Khó tỏi gớm nhỉ? Mặt cụ căng lên. Tỏi thế chó nào được!

Trông cụ cổ cồn cà vạt lại nhớ ngày cụ may ô xà lỏn. Bữa ăn thì đâu có gì. Một tô cơm và một chén canh lõng bõng toàn nước. Vậy mà bữa nào cụ cũng trải chiếc khăn trắng, xếp muỗng xếp đũa thẳng thớm trước khi đi lãnh cơm. Rõ ra là một ông Đại Sứ. Nhiều lần nhìn cụ bày biện tôi nghĩ tới khóa học ngắn hạn Nghi Lễ và Ngoại Giao được tổ chức tại Bộ Ngoại Giao dành cho viên chức các Phủ Bộ lo về nghi lễ hai năm trước. Trong khóa này cụ là giảng viên chính và tôi là một học viên. Trong bài dậy về tổ chức tiệc ngoại giao cụ đã chỉ cặn kẽ cách bày bàn tiệc, xếp chỗ ngồi, nghi thức dự tiệc, nghi thức đón khách.... Từ bàn tiệc tráng lệ dọn làm mẫu tại Bộ Ngoại Giao tới vuông vải trắng trên chiếc chiếu cá nhân và dáng ngồi ăn lom khom của cụ, tôi thấy như mình vừa hụt chân hụt cẳng.

Giữa ba chúng tôi, cụ luôn luôn cười phô răng ra chống đỡ những châm chọc của Quyền và tôi. Một hôm Quyền liếc mắt về phía cụ lớn giọng nói với tôi cốt cho cụ nghe. Đáng lẽ cụ tếch được đấy chứ nhưng vướng em út nên cụ kẹt, giờ cụ nằm đây kỹ quá chắc các em cho cụ dze từ khuya rồi! Cụ cười hì hì. Tôi chẳng hiểu nụ cười của cụ. Có thật hay không? Nhưng buổi tối họp sinh hoạt Nhà tập hát bài Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây tôi bỗng nổi máu đùa dai ngồi nghĩ đổi lời bài hát để chọc cụ. Qua một đêm tôi cải biên xong lời ca. Ngày hôm sau tôi ghé tai hát nhỏ cho Quyền nghe. Anh phá ra cười rồi tìm cụ mách. Thằng này nó chọc cụ, cụ ơi! Cụ đòi nghe. Ra chỗ vắng vẻ tôi hát. Cùng đứng ngắm chung một vầng trăng, hai đứa ở hai đầu xa thẳm. Đường ra về mùa này đẹp lắm. Người bên đông nhớ người bên tây. Ở bên đông anh ăn, anh ăn khoai sắn hơi nhiều, con đường cải tạo khó khăn gập ghềnh cho đời anh nát. Hết rắn rồi anh bắt cóc anh ăn. Còn bên tây em sống vẫn phây phây, hết ăn rồi lấy xe đi tìm kép, biết rằng em bắt được kép lạ, chắc em quên đời có anh rồi... Nghe xong cụ lại cười hì hì.

Quyền dặn tôi đừng hát cho ai nghe không lại khốn cái thân. Dĩ nhiên tôi ngu gì mà trình diễn ca nhạc miễn phí. Ăng ten loe ngoe trong nhà, biết ai thật biết ai không. Cán bộ quản giáo bao giờ cũng ca cái điệp khúc cũ rích. Ở hay về là tùy ở các anh, cứ học tập tốt lao động tốt là ra về thôi. Trong mục học tập tốt dĩ nhiên có khoản báo cáo với cán bộ những hành vi của anh em. Một số người cam tâm làm ăng ten để mong sớm được về. Cỏ đuôi chó chỗ nào mà chẳng mọc được. Một ông làm tới Tổng Giám Đốc đã làm một bài thơ ca tụng họ Hồ nhân ngày lễ Độc Lập. Trong một buổi họp Nhà nhân ngày lễ lớn, viên quản giáo vắt vẻo ngồi trên ghế, ông khúm núm đứng đọc bài thơ, đọc xong lại khúm núm dâng bài thơ cho cán bộ bằng cả hai tay. Mắt ông chẳng quên nhỏ chút nước mắt cho thêm phần đậm đà. Chúng tôi chỉ cười thầm với nhau và tránh xa những tên khả nghi.

Chiều chiều cơm nước xong ( cơm nước có gì đâu mà không xong! ), chúng tôi thường kéo nhau đi bách bộ trên con lộ chính trong trại, hành động được gọi là bát phố Catinat! Người đi lên đi xuống kìn kịt. Rặt một thứ may ô quần đùi. Tất cả các Nhà đều túa ra ngoài. Gặp bạn quen là hỏi nhau có tin gì mới không. Chỉ có một thứ tin được chú ý. Về! Ngày nào cũng hàng đống tin. Toàn những diễn giải lạc quan tếu. Nghe cho vui rồi cứ ôm ảo ảnh mà hy vọng.

Quyền là một người lúc nào cũng lạc quan yêu đời. Ít khi vắng nụ cười trên chiếc miệng rộng nằm trên bộ mặt dài. Anh có nhiều tài. Hát. Vẽ. Chẳng gì cũng là anh của họa sĩ Ngy Cao Uyên. Anh vẽ chân dung khá đạt. Tôi nằm bên cạnh được anh lôi ra vẽ chân dung đến mòn da mặt. Nói chuyện tếu cũng là cái tài của anh. Dép nhựa được chúng tôi mang theo chỉ vài tháng là đứt quai lung tung. Chúng tôi khắc phục bằng cách dùi lỗ lấy dây ni lông cột lại. Dây thì vớ được mẩu dây là quí xá chi cái chuyện màu sắc lặt vặt.

Lệnh của cán bộ là cấm đi dép vào trong nhà lát gạch bông nên dép xếp đầy ngoài cửa. Quyền nhìn đống dép cột dây mầu loạn xạ, phán. Cứ y như đồng bóng, điệu này thì vợ nó bỏ hết cả lũ!

Khi cán bộ loan báo cho phép gửi thư về nhà báo tin nhân dịp tết nhà nước khoan hồng cho mỗi người nhận 5 kí đồ gửi qua bưu điện, người nào người nay buồn muốn khóc. Hy vọng gì vào đợt về tết nữa! Quyền cười toe. Moa sẽ viết một đơn đặt hàng thật khẳm, ít ra cũng phải một kí giò lụa cắn cho ngập răng.

Bác sĩ Thăng, một cây chịu chơi, đồng ý ngay. Thăng có bộ mặt rất ngổ ngáo được Quyền đặt cho hỗn danh là Đốc Tơ Django. Một bữa buồn tình tôi lê tới chiếu của Thăng đấu:
- Này cậu, ở trong này đi khám bác sĩ tiện thật. Cứ xà lỏn thoải mái lại chẳng phải chi xu nào cả.

Thăng trợn mắt nạt:
- Ăn nói hay nhỉ! Có bệnh gì thì khai đại ra đi.
- Bệnh đau bụng.
- Có mỗi một cái bụng mà cũng bày đặt đau. Mà cơm canh có mẹ gì đâu mà đau bụng!
- Bị hôm qua có thằng bạn không biết xoay đâu ra mà cho một miếng cháy có phết chút mỡ. Vừa đút vào miệng là nó trôi tuột xuống bụng cấp kỳ.
- Đúng rồi! Lâu ngày không ăn thịt ăn mỡ, ăn vào đau là phải. Lần sau bạn có cho thì đưa tớ ăn cho!
Chúng tôi cứ chia nhau những niềm vui nho nhỏ như vậy cho qua ngày tháng. Ngày tháng cứ tấp tểnh nhảy bước một tới cái tết. Mỗi ngày trôi đi là niềm hy vọng ngày về của chúng tôi hụt mất một mảnh. Mãi tới khi ông Táo về trời xong xuôi rồi tin đồn mới nở rộ lên. Mấy ông thày địa lý, thày bói dịch, thày xem lá... cũng xác định là sẽ có chuyển động. Mặt tên nào tên nấy nở thêm ra một chút. Đêm nằm ngủ tôi cứ vơ vẩn với ý nghĩ được ra về. Thư của vợ gửi vào cho biết là bây giờ dạy học chẳng có giờ giấc gì. Dạy một, họp hành và học chính trị tới mười. Nhiều đêm phải ở lại trường khuya lắc khuya lơ. Hai đứa con một phải gửi bà nội, một gửi bà ngoại. Gia đình có bốn người chia làm bốn mảnh. Càng nghĩ càng thấy nẫu lòng.

Sáng dậy tỉ tê với Quyền:
- Mùa này ra về chắc đẹp lắm toa nhỉ?

Quyền toác miệng ra gọi cụ Nhân:
- Này cụ, thằng này nó đòi về đấy cụ ạ.

Cụ Nhân buồn ra mặt, chậm rãi:
- Thì ai về được mừng cho người đó. Chắc tớ còn lâu lắm.

Tối 25 tết có hiện tượng lạ. Quản giáo kêu ba người lên làm việc. Gặp quản giáo về, ba anh mặt hớt hơ hớt hải im thin thít không nói tiếng nào. Anh em rề rề theo hỏi các đương sự cứ lơ đi. Nhiều anh nổi cáu chửi thề um sùm cũng chẳng có kết quả gì. Miệng nào miệng nấy như được đóng khằng năm lần bảy lượt. Rất khuya, đợi cho anh em chui vào mùng ngủ hết, các đương sự mới lò mò thắp đèn cầy trong mùng ngồi viết. Quyền vạch mùng nói nhỏ với tôi:
- Tụi nó viết cảm tưởng. Chắc chắn mai sẽ có đợt về.

Mặt tôi giật giật tê điếng. Lạy trời cho có tên tôi. Người tôi như có nguyên một ngọn núi lửa đang phun xối xả. Lật qua lật lại chán mà chẳng ngủ được, tôi mò dậy đi tiểu. Vừa quơ được đôi dép bước ra cửa tôi giật mình nhìn ra bụi cây trước nhà. Một bóng trắng đầu phủ khăn cũng trắng toát ngồi bất động giữa lùm cây. Tôi tính quay vào kêu Quyền thì bóng trắng nghe thay tiếng động quay người lại. Tôi lên tiếng:
- Ai đó?
- Hướng đây.
- Cậu ngồi làm gì đó?

Tôi tiến sát tới bên Hướng. Giọng anh nặng nề:
- Hồi hộp quá ngủ không được ra ngồi cầu nguyện.

Tôi ngồi chồm hổm bên cạnh Hướng. Mặt anh đẫm nước mắt. Tay anh nắm chặt chuỗi tràng hạt. Anh thều thào:
- Mai mà không được về chắc tôi chết mất cậu ạ!

Tôi định an ủi anh nhưng miệng nói không nên lời. Lòng tôi cũng đang tơi bời còn an ủi được ai. Tôi không muốn dối mình dối người. Tôi lẳng lặng bỏ đi. Mai mà không được về tôi sẽ ra sao? Tôi rùng mình. Trời đêm cuối năm thật lạnh.

Sáng hôm sau, 26 tết, cán bộ tất tưởi tay cầm cuộn giấy lên kêu họp nhà. Mọi người vội vàng vào hàng ngũ. Chưa bao gio anh em lại tập họp nhanh nhẹn đến như vậy. Tôi nhìn quanh. Mọi khuôn mặt đều căng lên hồi hộp. Bụng tôi đánh lô tô. Đang ngồi tôi đứng lên nói với đám bạn quen ngồi cạnh:
- Đứng lên một cái lấy hên!

Chẳng ai cười. Người nào cũng còn đang bận đội một thúng chì trên đầu. Mọi cặp mắt đều dồn vào tờ giấy trên tay cán bộ. Tôi thấy trang giấy đen kịt chữ. Chắc cũng phải vài chục tên. Có tên tôi trong đó không? Tôi nhấp nhổm như muốn soi thủng những con chữ trên tờ giấy.

Cán bộ lên tiếng yêu cầu im lặng. Căn phòng lặng ngắt tức thì. Cán bộ giáo đầu cà kê về chính sách khoan hồng của nhà nước. Tim tôi nhảy loạn xạ. Được về hay ở lại? Hai tình huống xa nhau như Thiên Đàng Địa Ngục. Tai tôi hững hờ với những sáo ngữ rỗng tuyếch đang phát ra từ cái miệng bôi mỡ. Rồi giây phút định mệnh cũng đến. Tên người đầu tiên được xướng lên. Kẻ diễm phúc đứng phắt dậy mặt mũi ngơ ngác tái mét. Tôi bấm đốt ngón tay đếm từng tên. Ngón tay cái chạy gần hết bốn ngón tay kia thì tên tôi được đọc lên. Tôi đứng phắt dậy. Có phải chân tôi đang chạm đất đây không? Đầu tôi lỏng le như chẳng có gì ở trong. Mặt mũi tôi tê rần. Tai tôi lùng bùng nghe tiếng quản giáo hỏi:
- Anh ở nhà này à? Sao tôi ít thấy mặt anh?

Lạy trời đừng có gì trục trặc. Môi tôi như gắn hàm thiếc không nói năng được gì. Tai tôi lại lùng bùng nghe:
- Anh ngồi xuống.

Tôi ngồi phịch xuống. Chiều nay mình sẽ ở nhà mình. Tôi cố làm quen với ý nghĩ mới mẻ này. Những khuôn mặt quanh tôi nhũn ra khi cán bộ gấp tờ giấy lại. Tôi nhìn thấy nét bàng hoàng hoảng hốt, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt vội vã, tôi nhìn thấy những khuôn mặt nặng nề cố nuốt nỗi thất vọng. Và tôi cũng nhìn thấy nỗi mừng vui cố dấu kín của những người có tên. Hướng nhìn tôi cười. Anh cũng được về. Một anh mới bị cảnh cáo vì tội trộm rau ngoài vườn cũng có tên trong số những người...học tập tốt! Chúng tôi về chỗ thu xếp đồ đạc để lên hội trường. Một vài người bám lấy quản giáo hỏi han. Bỗng quản giáo lớn tiếng kêu:
- Anh nào là Đào Văn Hướng?

Hướng vội chạy lại đáp:
- Thưa cán bộ, tôi.
- Anh sinh năm nào?
- Thưa cán bộ, năm 1937.
- Lộn rồi. Anh không có tên. Tên trong danh sách là Đào Văn Hưởng, sanh năm 1927, là anh này đây.

Người Hướng đổ nhào xuống. Nỗi tuyệt vọng đã đánh gục anh. Mắt anh như đôi mắt giả vô hồn ngơ ngáo nhìn quản giáo. Mọi người xúm lại quanh anh.

Tôi ngồi thừ trên chiếu. Bạn bè tôi túa đến. Người dặn dò tôi ghé qua nhà, người xin các vật dụng cá nhân, người dúi vội mẩu giấy nhắn tin về nhà... Tôi bỏ lại hết đồ đạc lèo tèo của mình cho anh em, nhẹ tênh ra sắp hàng lên hội trường. Quyền chạy theo tôi. Nhớ ghé nhà moa nghe! Tôi đảo mắt tìm cụ Nhân. Bóng cụ ủ rũ ngồi dựa tường. Tôi nhìn hàng người lố nhố đứng nhìn những con người may mắn bước ra khỏi cổng trại. Bên kia hàng rào có chòi gác là hội trường. Tiếng máy phóng thanh thúc dục ra lệnh làm thủ tục ra về. Mỗi người được phát một ổ bánh mì thịt. Tôi đứng gặm bánh mì nhìn vào trại. Trời giữa ngọ nắng gắt chói chang. Những bóng người lụm cụm lui tới. Phải mất bao nhiêu thời gian để các bạn tôi tiêu hóa được nỗi bất hạnh ngày hôm nay. Thăng đứng cạnh tôi đã lủm gần hết ổ bánh mì. Tôi nhìn bụng anh, anh nhìn bụng tôi. Hai đứa toét miệng cười. Cái bụng có đau thì kệ thây nó!
Đoàn xe bộ đội đưa chúng tôi về bò ra khỏi con đường đất bụi mịt mù gặp Quốc lộ 15 quẹo mặt. Đường về Saigon. Nỗi bàng hoàng chưa rời khỏi chúng tôi. Ôm nỗi vui mừng quá lớn lao mà chúng tôi ngồi im thin thít không dám nói năng gì. Gió lồng lộng tung hồn tôi lên cao. Tôi nhắm mắt tận hưởng nỗi sung sướng tưởng chừng như nổ tung người ra. Cầu Xa Lộ. Ngã tư Hàng Xanh. Saigon đây rồi. Đoàn xe chạy vào vườn Tao Đàn. Dân chúng đổ xô chạy theo. Khi xe ngừng cho chúng tôi xuống thì con đường nhựa giữa vườn nối liền hai cổng đường Nguyễn Du và đường Hồng Thập Tự đã đầy nhóc người. Những câu hỏi tíu tít trả lời không kịp. Mọi người, nhất là các bà có chồng đi học tập, muốn níu chúng tôi lại hỏi chuyện. Chúng tôi thì muốn bay về nhà ngay. Tôi vất vả luồn lách ra được tới đường Hồng Thập Tự. Một anh xe ôm trờ tới:
- Thày lên xe em chở về.

Tôi leo lên xe. Anh xe ôm vui tính bắt chuyện suốt đoạn đường về tới Thị Nghè. Tới nhà tôi bước xuống bảo chờ tôi vào lấy tiền ra trả. Anh khoát tay:
- Tiền nong gì thày! Em là lính cũ. Các thày về là mừng rồi. Thôi, chào thày em đi.

Tôi ngẩn ngơ đứng nhìn chiếc xe rú ga lao đi.Cạnh tôi, một nhóm người tụ tập quanh chiếc xe ba bánh trên có một thùng phuy và chiếc bơm. Một hàng can nhựa cáu bẩn xếp hàng ngoằn ngoèo trên vỉa hè. Mặt mũi người nào cũng thấy căng thẳng nhìn vào mực dầu hôi trong chiếc bơm. Chắc là dầu tiêu chuẩn ngày tết. Tôi quay bước vào đường hẻm. Đứng trước cửa nhà tim tôi đập loạn xạ. Tôi đã về tới nhà. Chúa ơi, sao lại có lúc sung sướng đến như thế này! Bên trong cửa sắt tiếng cười nói ồn ào. Tôi thò tay vào mở cửa. Con chó vàng sủa inh ỏi. Mày không nhận ra tao sao kiki? Bố mẹ tôi, anh chị tôi, vợ tôi, các em tôi há hốc miệng ra nhìn. Mấy can dầu, dăm ba gói nhu yếu phẩm trong những bao nhựa đen đúa nằm ngổn ngang dưới đất, những thứ vừa mang lại tiếng cười nói vui vẻ ồn ào của gia đình tôi, bỗng bị bỏ quên. Mọi người tái mặt chạy ra ôm lấy tôi nắn nắn xem có thực là tôi không. Chắc chẳng ai ngờ tôi lại hiện ra vào những ngày giáp tết như thế này.

Tôi cúi xuống ôm đứa con gái đầu lòng. Nó te tái chạy vào phòng, núp sau cánh cửa ló đôi mắt đen nhánh ra nhìn. Nó chẳng nhớ tôi là ai. Phải vài ngày sau con tôi mới ôm tôi thỏ thẻ với giọng ân hận: Con lạ ba! Tôi ôm chặt lấy con. Làm sao có thể nói cho đứa con ba tuổi hiểu được rằng chính tôi cũng chẳng còn là tôi. Mất đi gần chục kí thịt có nhằm nhò gì so với khoảng mù mịt trước mặt, khoảng mù mờ sau lưng. Tôi trắng tay quá khứ và què quặt tương lai.

Tôi cố xua đi mọi phiền muộn. Dù sao tôi cũng lê được cái thân xác xơ về với gia đình vào một ngày cận tết. Chẳng phải cận tết. Năm đó tôi chỉ có một cái tết. Vào ngày 26 tháng chạp! ./.

Song Thao

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét