Thứ Hai, 4 tháng 3, 2024

Ngõ cụt - Hoàng Chính

 Phong thủy xấu nhà ở ngõ cụt và cách ...

 

“Em sẽ cho anh một đứa con.” Tim tôi ngưng đập. Tiểu Quyên vừa nói với tôi như thế. Ấy là một buổi sáng tháng Hai. Trời lạnh. Nắng trong. Tuyết lưa thưa như bông gòn đầu cành những cây phong viền hai bên đường phố. Và trắng xóa khu rừng sau nhà. Mấy phút sau tôi mới hoàn hồn. Em sẽ cho anh một đứa con. Câu nói mất hút trong cái tĩnh lặng của căn phòng nhưng lại loang trong trí tưởng, như tiếng chuông ngân nga từ một ngôi chùa trên đỉnh núi.

<!>

“Nghe em nói không?” Tấm thân thể mềm như cái gối ôm dựa vào tôi. Ấm áp, mềm mại. Trần nhà võng xuống và không gian căn phòng dần thu hẹp lại. Như con thú bất ngờ lọt vào lưới thợ săn, tôi chết lặng. Rồi tôi hít đầy hai lá phổi hương của tóc và mùi lửa đốt củi khô liu riu trong lò sưởi, loay hoay tìm câu trả lời. Có nghe thấy không? Tôi hỏi tôi. Tôi có nghe thấy không? Một bông đùa, một hứa hẹn vu vơ của một đứa con gái. Dù là một đứa con gái rất thân, rất gần gũi. Hơn cả một người tình. Tôi nghe, nhưng tôi sợ tôi nghe lầm.

Và có nên tin không?

“Quyên nói gì, nói lại cho… anh nghe đi.” Tôi hụt hơi nói với vệt nắng vắt bên khung cửa sổ, bò lan tới tấm nệm giường. Tôi phải nói với vạt nắng, bởi tôi có bao giờ nói với Tiểu Quyên bằng thứ ngôn ngữ ngọt ngào như thế đâu. Tôi chưa kịp quen với những lời tình tự. Với ai khác thì dễ dàng, nhưng với Tiểu Quyên thì câu với chữ cứ chần chừ ở đầu môi. Tôi ngại. Tôi ngượng. Tôi xoay người đổi thế nằm trên tấm nệm dày. Hơi ấm ủ lưng tôi như lúc dựa vào tấm vỉ lò sưởi. Cái mềm mại lan man trên da thịt.

“Em sẽ cho anh một đứa con.” Tiểu Quyên nhìn tôi, thì thầm. Hẹn hò trong ngôn ngữ, thề thốt trong mắt nhìn.

Tôi nhìn qua khung kính cửa sổ. Những con chim sẻ loi choi trong khoảng sân hẹp. Mấy hôm nay khí hậu bỗng dưng ấm áp nên chúng rủ nhau ra tắm nắng.

Cái đầu tròn dựa trên vai tôi. Cái gánh nặng dịu dàng thì thào câu hỏi, “Nghe em nói không?”

“Nghe.” Tôi thì thầm với những con chim đang tỉa lông ngoài sân nắng. Rồi tôi quay sang Tiểu Quyên, nhìn vào đôi mắt một mí lót, “Có thật không?”

Tiểu Quyên mỉm cười, đưa một ngón tay lên trước mặt, “Em sẽ cho anh một đứa con. Hứa đó.” Và cô gái tuôn ra cái câu bất ngờ nhất, “Anh muốn con trai hay con gái?”

“Con trai.” Tôi buột miệng, và ngay lập tức tôi bối rối. Có thật tôi thích một đứa con trai không? Lời hứa bất ngờ của Tiểu Quyên xoáy tôi vào cơn lốc. Tôi không biết thật giả ra sao. Tôi không hiểu đây vẫn là trò chơi hay đã là sự thật.

“Có đứa con trai giống anh chắc thích lắm.” Tiểu Quyên suýt soa.

“Ai thích?” tôi hỏi.

“Em thích, bộ anh không thích sao?”

“Thích chứ,” tôi nói vội. “Con của mình mà.”

“Con của chúng mình. Phải nói rõ như vậy.” Tiểu Quyên dằn từng tiếng.

Rồi cả hai cùng im lặng. Không có gì để nói biết bao lâu. Cứ lặng im như thế chẳng bao lâu chúng tôi sẽ hóa kiếp thành những vật thể vô sinh đông cứng trong vuông nắng màu hổ phách. Bỗng dưng, Tiểu Quyên lay nhẹ vai tôi, đổi giọng rủ rê, “Đi dạo không anh?”

Tôi lười. Hôm nay tôi lười. Nên tôi ngần ngừ. Chúng tôi vẫn vào rừng những sớm mai. Đã năm, sáu năm trời như thế. Mùa hạ, bàn tay níu bàn tay. Mùa đông mỗi người tháo một bên găng tay để có một bàn tay trần, đan những ngón tay nhau. Như thể buông nhau ra, sẽ có một người đi lạc. Đôi bàn tay ấm áp tuyệt vời. Trên lối mòn trong khu rừng nhỏ, những con sóc màu nâu tròn mắt nhìn chúng tôi. Những con thỏ lông xám ngập ngừng bên bụi cỏ rồi lủi nhanh vào bụi rậm. Mùa hạ, nắng lọt qua kẽ lá, rụng đầy trên tóc. Mùa đông, bông tuyết vướng cả vào chóp mũi, đọng lại ở cánh môi. Tôi chỉ biết ngẩn ngơ nhìn. Bởi tôi đã hứa với lòng. Bởi tôi đã tự dặn dò sẽ mãi mãi là như thế. Bởi tôi vẫn nguyện sẽ không bao giờ làm hoen mực tôi lên trang Quyên giấy trắng. Những buổi sáng chúng tôi vẫn đi dạo với nhau như thế. Nắng hay mưa, đủ cả bốn mùa. Từ khi Tiểu Quyên còn là một con bé tóc thả sau lưng thích đi dạo trong khu rừng nhưng không dám đi một mình. Từ ngày mùa hạ nào đó, con bé Tiểu Quyên chạy xe đạp tới cuối đường, ở khúc quanh căn nhà tôi thuê, dựng xe bên cái bảng “Dead End” và men theo lối mòn, bắt gặp tôi rải thức ăn cho con mèo hoang mà tôi vẫn gặp mỗi sáng. Từ cái ngày chúng tôi thành đôi bạn đồng hành. Một người ở tận cuối thị trấn, sát bìa rừng, một người ở đâu đó có thể thật xa nhưng cũng thật gần. Cái nơi xa hay gần ấy tôi không bao giờ hỏi tới.

“Đi không?” Tiểu Quyên nhắc.

Tôi ậm ừ, “Lười…”

“Sao vậy?”

“Valentine.”

Hôm nay là ngày lễ Tình Yêu. Chúng tôi đang là người tình. Mỗi năm chỉ có một ngày chúng tôi là tình nhân của nhau. Như Ngưu Lang Chức Nữ mỗi năm chỉ một lần hò hẹn. Chúng tôi quen nhau lâu nhưng chỉ là quen biết. Là bạn. Là chú với cháu. Chú cháu năm này qua năm khác. Trong trắng như những trang giấy một cuốn vở mới tinh. Rồi một dịp Valentine kia chúng tôi đề nghị sẽ cho nhau một món quà. Trong hai mươi bốn tiếng của ngày Valentine, chúng tôi là tình nhân. Trọn ngày lễ Tình Yêu chúng tôi nhìn nhau như nhân tình. Và cư xử với nhau như hai kẻ đang yêu. Chỉ trọn ngày hôm ấy. Hết hai mươi bốn tiếng, hai chúng tôi lại là bạn bè, lại là ông chú khật khừ và con nhỏ cháu lý lắc.

Vì vậy tôi không muốn rời căn phòng ấm cúng này vào ngày lễ Tình Yêu. Chúng tôi đang có quà. Chỉ còn mười mấy tiếng đồng hồ nữa, khung ký ức sẽ mở ra, gói quà sẽ lại được cất vào ngăn sâu nhất để dành cho năm tới. Tôi là đứa bé ngậm từng viên kẹo ngọt giấu trong gói quà. Tôi không muốn rời xa nó.

“Em nói thật đó. Em sẽ cho anh một đứa con trai.” Tiểu Quyên ghé sát tai tôi, thì thầm. Tiểu Quyên hôm nay dạn dĩ trăm lần hơn Tiểu Quyên ngày hôm qua, và liều lĩnh ngàn lần hơn Tiểu Quyên ngày mai. Chỉ có tôi là vẫn rụt rè.

Ngày của tháng Hai bỗng dài lê thê như bị chằng kéo gữa hai cột mốc thời gian. Hôn nhé. Câu nói thật vớ vẩn nhưng rất ngượng ở đầu môi. Hôn ở đâu? Câu hỏi rất nhảm mà nghe như có đầy hơi thở hụt. Ở đâu cũng được. Những môi hôn gian nan, vất vả. Đã là tình nhân mà còn hỏi những câu lẩn thẩn. Môi miệng ngượng ngùng bởi thường ngày đã quen chú ở đầu môi đã rành cháu nơi chót lưỡi. Ngày dài, thật dài. Mười bốn tháng Hai. Mỗi năm chỉ có một lần mười bốn tháng Hai. Quà tặng ấy chỉ dành cho những kẻ yêu nhau. Và không phải kẻ yêu nhau nào cũng nghĩ ra được.

2

Rồi chúng tôi lạc mất nhau. Có lẽ cũng cả năm trời. Dường như con nhỏ cháu không muốn thân với ông chú nữa. Tôi cũng chẳng hỏi han hay thắc mắc. Tin nhắn không trả lời. Vậy là hiểu rồi. Tiểu Quyên có vô số đàn ông theo đuổi. Các chú các bác các anh bu quanh Tiểu Quyên như lũ ruồi khát mật. Cũng có thể Tiểu Quyên trở lại trường để tiếp tục cuộc học vấn dở dang. Tôi đóng trang Facebook của mình. Đã đến lúc phải quên đi. Phải tìm cho mình một công việc có đồng lương cố định. Và một mình lầm lũi trên lối mòn chật hẹp đời mình.

Vậy mà thật bất ngờ, một buổi chiều mùa đông, rất gần ngày lễ Tình Yêu, cô gái gõ cửa nhà tôi. Tay bồng con, tay xách túi. Khăn áo lù xù như hai mẹ con gấu trắng vùng Bắc Cực.

Cánh cửa vừa hé, Tiểu Quyên đã lách ngay vào, như ngày xưa.

“Baby của cháu đó chú. Đẹp trai không nè.”

Tôi đứng sựng, ngơ ngác bên khung cửa. Tiểu Quyên đẩy đứa bé vào tay tôi. Tôi lọng cọng đỡ lấy cái bọc tròn tròn, âm ấm. Cô cởi chiếc áo khoác mùa đông mắc vội lên lưng chiếc ghế phòng khách, rồi quay về phía tôi và thằng bé.

“Chú vẫn phong độ như hồi đó há.”

Sao lại cháu với chú rộn lên như thế, tôi toan thắc mắc nhưng chợt nhớ hôm ngay không là lễ Tình Yêu.

“Cái gì… cái gì thế này?” Tôi ấp úng.

“Thì Quyên đã hứa sẽ cho chú một đứa con. Cháu giữ lời hứa. Lại là con trai nữa, đúng như điều chú mơ ước.”

Tiểu Quyên nhìn quanh. Ánh nhìn lấp lánh hai con mắt một mí lót. “Bao nhiêu năm mà chú vẫn ở nguyên chỗ cũ. Chú đúng là người chung thuỷ. Ơ kìa, đôi giầy cao gót của ai sao lại lạc vào đây?” Tôi còn đang bối rối thì Tiểu Quyên đã tiếp, “Cháu tìm cách báo tin cho chú mà không có địa chỉ cũng chẳng nhớ số điện thoại, Facebook của chú tìm hoài không ra. Nhưng nếu cứ đi đại thì Quyên sẽ tìm đúng ngay chóc căn nhà ngày xưa, bên mé rừng. Quyên không bao giờ quên cái bảng Dead End cạnh nhà chú. Cháu nhớ, bởi ngày xưa hai chúng mình đi dạo ngoài đó hoài. Và cháu cũng muốn đến thăm chú thật bất ngờ. Bất ngờ mới thú vị.”

Có một điều bất ngờ không mấy thú vị mà tôi sẽ phải nói cho Tiểu Quyên biết, ấy là tôi đang sống chung với một người đàn bà. Trong cơn đại dịch công việc thất thường, tôi phải tìm người thuê, chia chung căn nhà hẹp. Đó là một người đàn bà vẫn còn trẻ, có công ăn việc làm vững chãi, có đôi mắt long lanh cái nhìn hút hồn cùng nụ cười nửa miệng đầy quyến rũ.

Tiểu Quyên nói không ngừng. Tôi kéo ghế cho cô ngồi. Cô kể về người thanh niên ấy. Một gã cao lớn, sáng sủa, có giọng nói thật trầm và hát rất hay. “Nó bắt Quyên phá, Quyên đâu có chịu. Quyên đã hứa với chú rồi. Nó chỉ chịu làm đám cưới với cháu khi cháu còn độc thân thôi. Nó giàu lắm. Cả chục căn nhà cho thuê, nhà nào cũng có hồ bơi. Nó là ai hả? Quyên nghĩ chú chẳng cần biết làm gì.”

Cứ liến thoắng như thế, hệt như hồi còn trò chuyện thân thiết mỗi ngày.

Tiếng xe tắt máy bên ngoài. Cô bạn ở chung nhà với tôi đi làm về tới. Cánh cửa mở, những con mắt ngơ ngác nhìn nhau. Đỡ vội đứa bé từ tay tôi, Tiểu Quyên vén mép cái mũ len trên trán thằng bé, đon đả, “Chào bác đi con.”

Tôi lúng túng, “Đây là con nhỏ em gái út.” Tôi cố uốn lưỡi tìm câu nói dối nghe cho được, “Nó bỏ nhà ra đi từ năm mười sáu tuổi.” Thực ra tôi không nói dối, bởi mười sáu là cái tuổi con bé Quyên này vừa tròn ngày mới quen tôi.

Tiểu Quyên chớp mắt, mỉm cười, “Tại anh là anh cả mà hư hỏng, làm em út hư theo.”

Đầu óc tôi xoay vòng. Tôi làm Tiểu Quyên hư hay Tiểu Quyên làm tôi hư. Tôi vạch mép cái mũ len để nhìn mặt đứa bé. Nó có nét gì giống tôi không? Tôi cố nhẩm tính những ngày, những tháng. Đầu óc tôi rối bời. Lần Valentine trước cách đây đã hơn một năm và đứa bé chắc cũng được ba, bốn tháng.

Tôi vuốt má thằng bé, băn khoăn, “Cháu bé được mấy tháng rồi?”

“Ba tháng,” Tiểu Quyên nhanh nhảu. Rồi nhân lúc cô bạn tôi vào nhà vệ sinh thay đồ, Tiểu Quyên ghé sát tai tôi, “Không phải của chú đâu, đừng lo.”

Tôi thở phào.

Liếc về phía nhà vệ sinh, Tiểu Quyên thì thầm, “Chị ấy đẹp quá. Chú với chị ấy thật xứng đôi. Mà chị ấy là ai vậy? Hồi đó, có cô nào, bà nào chú cũng kể cho Quyên nghe mà có bao giờ chú kể gì về chị ấy đâu.”

3

Buổi sáng. Tiếng khóc đứa bé đánh thức tôi dậy. Bình sữa pha sẵn và một mảnh giấy gấp làm tư nằm trong tủ lạnh. Tôi run run mở tờ giấy. Ngả nghiêng nét chữ mỏng mềm con gái, “Con anh đấy. Hãy thương nó và thay em nuôi dưỡng nó.”

Tim tôi ngưng đập. Tôi vo vội mảnh giấy và nhét ngay vào túi quần.

Đứa bé khóc. Tôi vỗ về cái chăn bông quấn chặt thằng bé như cái kén bọc con sâu. Tôi nhét cái núm vú cao su vào miệng nó. Nó ngậm được vài giây rồi lại nhằn ra và khóc. Vậy là mẹ nó bỏ đi thật rồi. Bây giờ tôi cũng không biết phải làm gì với đứa bé này. Đem nó cho viện mồ côi thì không nỡ. Dù sao nó cũng là giọt máu của Tiểu Quyên, người con gái (dường như) tôi yêu thầm suốt năm, sáu năm trời. Chẳng phải tôi đã từng khao khát có đứa con với cô ấy để thương yêu và để vất vả với nó đấy sao. Và dù sao – theo lời Tiểu Quyên thì – nó cũng là con tôi, tính từ cái ngày Tiểu Quyên nghịch ngợm hứa cho tôi một đứa con đến hôm nay, thằng bé được ba tháng tuổi là đúng rồi.

“Anh muốn em gọi cảnh sát không?” Cô bạn hỏi.

Tôi ngập ngừng. Cô tiếp, “Coi chừng người ta nghi mình bắt cóc trẻ con.”

“Để khoan đã,” tôi chần chừ. Tôi cần suy nghĩ thật kỹ.

Tôi lục tủ lấy cuốn niêm giám điện thoại, tìm địa chỉ của một cơ quan nhận nuôi trẻ em vô thừa nhận. Tôi quên hỏi Tiểu Quyên tên đứa bé. Nên bây giờ tôi phải nghĩ cho nó một cái tên. Thằng bé không chịu ngậm cái núm vú bình sữa và tiếp tục khóc. Nó khóc hoài. Nó làm tôi nhức đầu.

“Em à,” tôi nhìn cô bạn, ngập ngừng, “Em cho nó bú tạm được không?”

“Lấy sữa đâu mà cho bú,” cô bạn nhếch mép. Một nửa nụ cười nở ra trên khóe môi. (Tôi đã mê nụ cười nửa miệng ấy ngay khi cô ấy vừa dọn vào). Cô nói như thở dài, “Em đã bao giờ có con đâu mà có sữa.”

“Thì cứ cho nó ngậm để nó bớt khóc. Có hơi phụ nữ, nó tưởng hơi mẹ nó. Cũng đỡ phần nào.”

Người đàn bà ngần ngừ một chút rồi bế thằng bé lên, ngồi xoay lưng lại phía tôi, vạch áo, phơi ra khoảng lưng trắng nõn, hằn vết dây áo ngực, và đẩy miệng thằng bé vào ngực mình.

Tôi lúng túng bước về phía cửa sổ, nhìn qua khung kính. Tuyết phủ trắng mặt đường và một góc tấm bảng có hai chữ Dead End. Tôi lẩm bẩm hai chữ ấy. Ngõ Cụt. Trên lối vào cái Ngõ Cụt ấy chỉ có những vạt nắng dìu nhau nhảy múa lung linh trên tuyết trắng.

Hoàng Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...