Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Tuổi già trong văn chương - Trần Doãn Nho



Hình minh họa: cottonbro studio



Trong tiểu luận bàn về văn chương và tuổi tác, Anne Strasser cho rằng, kể từ đầu thập niên 1970, văn chương người lớn (adult literature) chuyển biến, tạo ra một “mô hình mới của hy vọng” (a new paradigm of hope). Sự sáng chế ra các loại thuốc chữa bệnh mới đã kéo dài tuổi thọ, đồng thời cải thiện cuộc sống của con người lúc về già. Từ đó, ngành xuất bản cũng như tác giả thừa nhận việc viết và đọc của những người sau tuổi 60. Một số tác giả như nhà thơ Virginia Adair (Mỹ, 1913-2004), các nhà văn Penelope Fitzgerald (Anh, 1916-2000), Mary Wesley (Anh, 1912-2002), và Molly Keane (Ái Nhĩ Lan, 1904-1996) bắt đầu sự nghiệp văn chương vào những lứa tuổi 60, 70 và 80. Nhà thơ Stanley Kunitz (1905-2006) được bổ nhiệm là “Nhà Thơ Quốc Gia Hoa Kỳ” (U.S. Poet Laureate) lần thứ hai vào tháng 7/2000, lúc đã ngoài 90 tuổi. Ông ký hợp đồng xuất bản ba tác phẩm vào tuổi 92.

 <!>

Có lẽ vì thế, nên văn chương không còn chỉ đề cập đến tuổi trẻ như một số tác giả các thập niên 1920 và 1930 đã làm để lôi cuốn độc giả. Kết quả là các nhân vật lớn tuổi và người già xuất hiện thường xuyên hơn và đóng nhiều vai trò hơn trong tiểu thuyết so với thời gian trước. Trong nhiều trường hợp, họ còn là những nhân vật chính.

Một cái nhìn khá lạc quan.

Ngay lúc còn thơ, đối với tất cả chúng ta, thế giới người già chung quanh – những ông nội bà nội, ông cố bà cố – là một thế giới chứa nhiều hình ảnh tiêu cực. Hiện thực đó phản ảnh vào trong văn chương dường như khiến cho tính tiêu cực đó càng đậm nét hơn. Nhân vật người già trong tiểu thuyết, nói chung, thường là những nhân vật phụ. Nếu là nhân vật chính và dù được diễn tả với sự trân trọng và yêu mến, họ đều nhuốm cái mà Trần Mộng Tú gọi là “mùi già nua”, thứ mùi nghe buồn bã, tàn tạ. Tất cả vô hình trung góp phần tạo nên thứ “ý thức hệ tuổi tác” (age ideology), một vết hằn tâm lý khó phai ở tất cả mọi người thuộc mọi lứa tuổi, tạo nên thứ tâm lý sợ hãi và chán ngán tuổi già.

Nhân vật trẻ được gọi là chàng, nàng, anh, cô, cô gái, chị; nhân vật già được gọi là ông, cụ, bà, ông lão, bà lão, ông cụ, bà cụ, lão già, bà già, bà lão. Theo thói quen, chẳng nhà văn nào sử dụng đại từ “chàng” và “nàng” khi đề cập đến những nhân vật lớn tuổi. Những chàng, nàng, anh, cô thì tươi, trẻ, hăng hái, năng động, yêu đời đủ kiểu đủ dáng đủ vẻ; còn những ông, bà, cụ thì tóc bạc, lưng còng, da nhăn nheo, đồi mồi, mắt lòa, tai điếc, tay chân thô ráp, chai sần, miệng móm mém, đầu óc quên trước quên sau, vân vân và vân vân. Các nhà tâm lý học Tây phương thường ví von tuổi già là thời kỳ trẻ con lần thứ hai (old age as a period of a second childhood), một sự trở lại thuở ban đầu, nhưng với một tính cách hoàn toàn khác. Thử đọc một đoạn văn của Tô Hoài mô tả bà lão Tứ, nhân vật chính của một câu chuyện tình rất buồn.

Nhà vắng, bà lão Tứ lần xuống bếp. Bà lão sờ soạng các thứ từ cái mâm chõng ăn cơm lên chạn. Có bát tương, bà lão thò hai ngón tay chấm rồi đưa vào hàng móm mút chùn chụt. Chỗ cơm nguội còn đến lưng liễn. Bà lão bốc một nắm to. Mỗi lần bốc rồi, bà lão lại lấy tay san phẳng vun khéo lại như cũ. Hai hàm răng bà lão đã rụng hết, lâu nay chỉ nhai bằng lợi. Hình như của ăn vụng bao giờ cũng ngon hơn hay là bà lão đương đói, lại đứng trong bếp một mình, cho nên cứ việc bốc bải, nhai nuốt, mặc sức mặc nhiên.”[1] 

  Bà Tứ chuyên đi ăn vụng này, thời thiếu nữ, đã yêu tha thiết một người, nhưng gia đình lại quyết định gả cho một người khác. Không chấp nhận cuộc hôn nhân ép buộc đó, bà trốn gia đình, trốn cả người yêu, đi “theo không” làm vợ một người thợ ngõa (thợ nề) ở làng khác, sinh được ba đứa con, đứa nào cũng thành đạt. Sau khi chồng mất vì bệnh già, bà ở một mình. Cho đến lúc biết mình sức tàn lực kiệt, bà lão mới nhờ đứa con trai trưởng trở về làng cũ tìm cho được một ông già tên Cõi. Gặp nhau, bà tha thiết xin lỗi ông Cõi – chính là người yêu năm xưa –, vì bà đã lỗi hẹn với ông. Nói lời xin lỗi xong, bà trút hơi thở cuối cùng, “nước mắt thì nóng ấm đầm đìa lòng bàn tay” ông Cõi. 

Nhân vật ngưòi già được tìm thấy ở một số truyện của nhiều nhà văn nổi tiếng khác.

“Tiếng Núi” (The Sound of the Mountain) của Kawabata Yasunari, nhà văn Nhật Bản, Nobel Văn Chương 1968. Nhân vật chính là Shingo Ogata, một doanh nhân, sáu mươi hai tuổi. Dù vẫn còn khỏe mạnh, nhưng ông giống như một đứa trẻ, sống phụ thuộc vào người thân. Đêm đêm, ông lắng nghe tiếng núi mạnh mẽ, sâu thẳm như tiếng rền của đất, nhắc cho ông về ngày tận số của mình. Một truyện khác, cũng của Kawabata, “Nhà Của Những Người Đẹp Say Ngủ” (The Houses of the Sleeping Beauties), nhân vật chính là Eguchi, một ông lão ngoài 60. Theo lời giới thiệu của một người bạn, ông tìm tới “ngôi nhà của những người đẹp say ngủ” để mỗi đêm ông lại được nằm cùng với một cô gái đẹp, cô nào cũng khỏa thân nhưng hoàn toàn chìm trong giấc ngủ. Vui sướng, nhưng ông lão đồng thời bị rơi vào tâm trạng u buồn vì cảm thấy một cái gì trong ông đang dần dần đi đến chỗ kết thúc. 

“Hồi Ức Về Những Cô Gái Điếm Buồn” (Memoria De Mis Putas Tristes”/Memories of My Melancholy Whores/) của Gabriel Marquez (1927–2014) nhà văn Colombia, Nobel Văn Chương 1982. Nhân vật chính cũng là một ông lão. Vào lúc sinh nhật 90 tuổi, ông ao ước được ngủ với một cô gái trẻ còn trinh. Qua mối lái, ông tìm được một cô gái 14 tuổi. Nhưng khi gặp, đối diện với “nữ thần trinh trắng” trần trụi, mọi dục vọng đam mê bỗng tan biến. Bên ông, cô bé mệt mỏi ngủ say như chết vì phải làm lụng vất vả suốt ngày. Ông phát hiện ra niềm thích thú thực sự khi được ngắm nhìn thân thể người con gái ngủ say mà không bị áp lực của dục vọng hay bối rối vì ngượng ngùng. Ông mong mỏi cô bé sẽ cứ mãi mãi trinh tiết như thế. 

“Người Đàn Ông Trăm Tuổi Trèo Ra Cửa Sổ Và Biến Mất” (The Hundred–Year–Old Man Who Climbed Out the Window and Disappeared) của nhà báo Thụy Điển Pär–Ola Jonas Jonasson (1961–) là một truyện hài hước, với nhân vật chính là Allan Karlsson. Vào lúc kỷ niệm sinh nhật lần thứ một trăm của mình, thay vì dự tiệc sinh nhật như đã dự tính thì Karlsson nhảy ra khỏi cửa sổ và thực hiện một cuộc phiêu lưu qua nhiều nơi trên thế giới như một chàng tuổi trẻ. 

Nếu lưu ý, ta sẽ nhận ra những nhân vật tuổi già vừa nêu trên đều là đàn ông. Rõ ràng là có sự khác nhau giữa bà già và ông già. Trong lúc người phụ nữ khi về già thường tàn tạ nhan sắc, thể chất suy nhược, tinh thần yếu đuối (như bà lão Tứ) thì người đàn ông già thường vẫn giữ lại được ít nhiều phong độ không những về tinh thần mà cả thể xác. Thậm chí có những ông lão 70, 80, 90 “càng già càng dẻo càng dai”, tìm cách cưới thêm vợ bé!

Có lẽ xuất phát từ sự khác nhau đó, mà Simone de Beauvoir (1908–1986), nữ triết gia Pháp, đã viết một tác phẩm có tựa đề “La vieillesse” (Tuổi Già), bàn về tuổi già và ý nghĩa của quá trình “trở thành già” của con người. Xuất bản vào cuối thập niên 1970, tác phẩm nghiên cứu các khía cạnh khác nhau của hiện tượng già, qua đó, sự già đi và sự kỳ thị phái tính tạo nên một thách đố đối với người phụ nữ già. Theo bà, già không chỉ là một tiến trình sinh lý mà đồng thời cũng là tiến trình xã hội và văn hóa. Ý nghĩa và giá trị của tuổi giả được hình thành bởi các quan niệm và tiêu chuẩn xã hội và văn hóa đó. Già mang tính tiêu cực và là điều không đáng ao ước, nhất là đối với phụ nữ, vì người ta cho rằng phụ nữ thì phải gắn liền với sự hấp dẫn, với cái đẹp suốt cả đời người. Sự mong mỏi này hoàn toàn không đúng, do đó, tạo nên một sự hỗ thẹn và mặc cảm đối với phái nữ. Người ta đã vô hình trung đặt ra một tiêu chuẩn kép về tuổi già. Trong lúc tuổi già đối với đàn ông gắn liền với sự khôn ngoan, dày dạn, thì tuổi già đối với phụ nữ “bị” gắn liền với sự đánh mất tuổi trẻ và sắc đẹp. Tiêu chuẩn này khiến phụ nữ già thường bị đặt ngoài rìa xã hội và bị lãng quên.

Có lẽ Simone de Beauvoir không quá lời.  

Trần Mộng Tú có một truyện ngắn mà nhân vật chính là hai người già, một nam một nữ, tuổi xấp xỉ tám mươi: ông Thành góa vợ đi thăm bà Lâm góa chồng, do sự sắp xếp của cô con gái bà Lâm. Hai ông chồng là bạn thân từ thời còn trẻ, cùng trưởng thành, ra đời làm việc, lập gia đình, cùng đi di tản, tiếp tục giao du thân mật với nhau. Tiếp bạn, bà Lâm “trang điểm nhẹ nhàng một chút, trông cho tươm tất tuổi già”, và ông Thành “để ý đến những bông hoa nhỏ tím đậm trên chiếc áo len mỏng mầu xám bà mặc, mầu sắc trông rất hài hòa.” Trong bữa ăn chỉ có hai người, bà Lâm bồi hồi kể lại một kỷ niệm cũ, lúc chưa lấy chồng, được gặp ông Thành lần đầu tiên khi cả ba người – ông Thành, ông Lâm, bà Lâm – cùng nhau đi thăm vườn măng cụt ở Lái Thiêu. Theo bà, ông Lâm đã dắt bà vào một nơi kín đáo rồi tỏ tình với bà. Bà nói: 

Tôi để cho ông hôn tôi, nhưng tôi từ chối tình yêu của ông, vì lúc đó anh Lâm đã ngỏ lời cầu hôn trước ông. Chắc ông còn nhớ, hôm đó tôi mặc chiếc áo dài có những bông hoa mầu tím đỏ. Ông bảo mầu hoa trên áo đẹp giống mầu vỏ măng cụt, rồi ông bửa một trái măng ra chia cho tôi ăn một nửa, mầu vỏ tím hồng nhuộm mấy ngón tay ông, ông quệt lên má tôi, nói: ‘Em không cần thoa má hồng nữa, anh thoa cho em rồi.” 

Nghe kể, ông Thành ngớ mặt ra, tưởng rằng mình đã bị mất trí nhớ. “Cả một dĩ vãng lãng mạn nên thơ như vậy, người đàn bà nhớ được, mình lại quên bẵng như đầu óc được nhúng vào một dung dịch hóa chất thì tệ thật. Ông không chối nữa, ông nhìn người đàn bà trước mặt, nhìn hai con mắt, mí đã sụp xuống nhưng tròng đen vẫn lóng lánh pha một chút tinh nghịch. Ông hạ mắt nhìn xuống cặp môi, cặp môi đều đặn, hơi cong, thoa một lớp son mỏng mầu hồng. Ông cố hình dung ra cặp môi thời còn trẻ của bà, cặp môi chắc tươi như bông hoa mận, căp môi theo như bà nhớ, ông đã cúi xuống hôn trong vườn măng cụt.” 

Sau những nét tích cực ban đầu, ở cuối truyện, nhà thơ tình yêu Trần Mộng Tú đi đến một kết luận không lấy gì làm vui. Lúc đưa ông Thành về nhà, cô con gái bà Lâm mới tiết lộ là bà Lâm bị Alzheimer nặng, “quên hết dĩ vãng thật của mình, và ngày nào cũng vẽ ra một câu chuyện mẹ con tin là đã xẩy ra trong đời mình.” Gục đầu lên vai ông Thành, cô “ngửi được mùi già nua trên cổ bác phả ra” tựa như “mùi của ba cô ngày trước”.

 Dẫu vậy, theo tôi, “Vườn Măng Cụt” là một chuyện tình (già) đẹp: trái tim của hai nhân vật người già vẫn còn hơi ấm tình yêu.

*

Đúng như Anne Strasser nhận xét, nhân vật người già đã xuất hiện thường xuyên hơn trong văn chương. Nhưng dù có lạc quan đến đâu, nhà văn không thể nào tẩy xóa đi được “mùi già nua” của người già. Già là già. Văn chương không có phép thần thông để biến già thành trẻ được.  

Lẽ ra, tôi chấm dứt bài viết ở đây. Nhưng tình cờ, tôi tìm thấy trên Internet một câu chuyện vui về người già (không có tác giả), tạm tóm lược như sau:

Ở làng nọ, có một ông già. Dân làng rất chán ông vì mặt mày ông lúc nào cũng sầu muộn, khí sắc u ám và hễ mở miệng ra là nói lời than phiền. Toàn thể dân làng đều tránh mặt ông, sợ bị lây nỗi bất hạnh của ông. Nhưng một ngày nọ, khi ông bước sang tuổi tám mươi, một điều khó tin đã xảy ra: ông trở nên vui vẻ, không hề than phiều điều gì và mặt mày tươi tỉnh hẳn lên. Thấy lạ, dân làng tụ tập quanh ông, hỏi: Sao độ này ông vui vẻ vậy? Ông già trả lời: Chẳng có gì đặc biệt. Chả là tám mươi năm qua, tôi luôn luôn chạy đi tìm hạnh phúc, thật là một điều vô ích. Bây giờ tôi quyết định sống không cần hạnh phúc, chỉ cần vui với những gì mình có trong đời sống. Thế là bây giờ tôi cảm thấy hạnh phúc. [2]

Nhân vật trong câu chuyện này đúng là già, mà không già tí nào!

Trần Doãn Nho 

(Nhuận sắc 3/2024)

Chú thích:

[1] Tô Hoài, Tình buồn

[2] Nguyên văn tiếng Anh: “Nothing special. Eighty years I’ve been chasing happiness, and it was useless. And then I decided to live without happiness and just enjoy life. That’s why I’m happy now.”

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...