Bữa
29/9 vừa qua, một thầy giáo dạy Anh văn tại trường Phan Huy Chú, Thạch
Thất, đã bóp cằm, chỉ tay vào một học sinh trong lớp 10A9 và mắng: “Mày
có hiểu không, con chó này?”. Sự việc đã được học sinh trong lớp quay
video. Năm ngày sau thầy đã xin lỗi học sinh và học sinh cũng đã xin lỗi
thầy vì có lời nói và cử chỉ thiếu tôn trọng. Sau đó, ông thầy đã xin
thôi việc.
<!>
Ít
ngày sau, tại trường Nguyễn Chí Thanh, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa,
cũng có một vụ cãi nhau giữa thầy và trò. Ngày 16/10, ông Hiệu Trưởng
Hà văn Thọ cho biết: “Nữ học sinh có trêu chọc thầy, sau đó có lời qua
tiếng lại. Học trò thì cá tính còn thầy mất bình tĩnh, từ đó mọi chuyện
đổ bể. Một phần nữa là hoàn cảnh gia đình của cả thầy và trò đều đặc
biệt nên trong lòng chất chứa nỗi bức xúc”. Trên đoạn video dài 5 phút
có ghi lại cảnh nữ sinh ngồi ở bàn đầu đã cãi nhau tay đôi với thầy
giáo. Cô này đã liên tiếp văng tục, xưng “mày-tao” và thách thức thầy
giáo trước hàng chục học sinh trong lớp.
Đây
là hai hoạt cảnh mà tôi, một người đã từng dậy học, không nghĩ là có
thể xảy ra trong môi trường giáo dục. “Mày-tao” là hai nhân xưng đại
danh từ chỉ sự khinh miệt, bất lịch sự, thô tục mà những người có ăn có
học không dùng tới. Nhưng “mày-tao” cũng là những đại danh từ chỉ sự
thân mật khi được dùng trong gia đình, hoặc giữa những người thân thiết.
Tôi
có một bạn học từ hồi tiểu học, thời mà lũ học sinh nhỏ nhít chúng tôi
không xưng hô với nhau bằng “mày-tao” thì gọi nhau bằng chi. Thường thì
những bạn học thời nhỏ nhít đó đã phân tán, khi khôn lớn không còn gặp
nhau nữa, mỗi người một phương. Khổ cho tôi là anh bạn thời tiểu học cho
tới nay vẫn nhìn thấy mặt nhau hoài. Chúng tôi cùng ở chung một thành
phố, cùng ăn uống nhậu nhẹt với nhau. Bạn mới thì nhiều, bạn thời còn
mũi giãi lòng thòng đó chỉ có hai thằng. Đầu chúng tôi nay vẫn một thứ
tóc nhưng tóc đã đổi màu trắng xóa. Gặp nhau hai chúng tôi vẫn cứ tỉnh
rụi “mày-tao” như xưa. Hai ông già đầu bạc mày tao với nhau là một
chướng tai với những người chung quanh. Bạn bè và vợ con nhắc nhở hoài
về sự kệch cỡm này nhưng chúng tôi quen thói vẫn không bỏ được. Ngộ một
điều là khi mày tao với nhau chúng tôi cười nói phớ lớ hết sức, có khi
còn có lợi cho sức khỏe.
Dân
còn mày-tao thiệt hết sức thú vị khi đọc được một nghiên cứu mang tên
“Tao Mày” của Giáo sư Phan Cẩm Thượng in trong cuốn “Nghệ Thuật Ngày
Thường”, Tập 2. Theo Giáo sư Thượng, từ thời xa xưa người Việt chỉ xưng
hô với nhau bằng hai đại từ nhân xưng “mày-tao”. Đây là lối xưng hô của
người Việt cổ, ngày nay còn sót lại trong ngôn ngữ của các dân tộc
Thượng. Ông viết: “Nghe những người thiểu số nói chuyện, tôi thấy hai
ngôi tao mày duy nhất vẫn được dùng phổ biến, điều này cũng thấy cách
đây ba bốn mươi năm ở các tỉnh từ Thanh Hóa đổ vào trong”. Tiếng nói họ
dùng phát âm là “mi” và “tau”. Cha mẹ nói với con cái, anh chị em nói
với nhau, đàn ông đàn bà cùng trang lứa…tất cả phổ biến là “mi” và
“tau”. Giáo sư Phan Cẩm Thượng cho “mi và tau” hay “mày và tao” là ngữ
âm cổ của người Việt. Ông nhận định: “Tôi nghi ngờ rằng vào một thời xưa
nào đó người Việt cũng chỉ dùng phổ biến đại từ nhân xưng đơn giản “tao
và mày”, rồi vì một lý do nào đó, thời nào đó, cách thức xưng hô thay
đổi theo chiều hướng gia đình hóa cho tới hiện nay”.
Bộ sách “:Nghệ Thuật Ngày Thường” của Phan Cẩm Thượng
Chuyện
xưng hô “mày-tao” cũng đã được ghi trong văn bản tại một hội nghị giải
quyết những bất đồng liên quan đến thuật ngữ Kitô giáo bằng tiếng Việt
do Giám Sát Dòng Tên vùng Trung Nhật triệu tập tại Macao năm 1645. Giáo
sư Phan Cẩm Thượng viết: “Hội nghị đưa ra mô thức rửa tội bằng tiếng
Việt có viết: “Tau rữa mâi nhân danh Cha ùa Con, ùa spirito santo” (tao
rửa mày nhân danh Cha và Con, và spirit santo). Văn bản này có trong
cuốn Dinh trấn Thanh Chiêm Quảng Nam (Đinh trọng Tuyến và Đinh Bá Truyền
biên soạn). Ở đây, việc xưng hô giữa cha xứ và con chiên được nói bằng
hai ngôi “Tau” (tao) và “Mâi” (mi, mày). “Ngày nay, nếu một đức cha mà
xưng mày - tao với con chiên trong nhà thờ thì quả là không ổn, nhưng
điều đó cho thấy có thời việc xưng hô hai ngôi đơn giản là rất phổ biến ở
Đàng Trong, nhất là xứ Quảng Nam, nơi cha Francisco de Pina được coi là
người đầu tiên dùng chữ Latin phiên âm tiếng Việt”.
Giáo sĩ Francisco de Pina.
Từ
khi nào mày-tao không còn là lối xưng hô duy nhất của người Việt, nhà
nghiên cứu Phan Cẩm Thượng viết: “Người ta cho rằng, sau những cuộc
chiến tranh ác liệt thời Trần và thời Lê với quân Nguyên Mông và quân
Minh, người Việt phải đi sơ tán trong toàn quốc, người sơ tán và người
địa phương phải coi nhau như người nhà, nên gọi nhau là anh em, chú bác,
đồng bào”. Ảnh hưởng của Nho giáo, lấy lễ nghĩa cương thường là rường
mối xã hội, có thể cũng là một nguyên nhân khiến cách xưng hô của người
Việt thay đổi. Từ mày-tao giản dị tới cách dùng những đại danh từ nhân
xưng trong quan hệ gia đình. Từ đó “ông-bà, cha-mẹ, anh chị, cô dì chú
bác” và nhiều đại danh từ nhân xưng khác được dùng một cách thường xuyên
trong xã hội.
Tác giả Phan Cẩm Thượng.
Theo
nhận xét của nhà văn Võ Kỳ Điền thì người Việt, nhất là người miền Nam,
có lối xưng hô theo tình nghĩa gia đình vì chúng ta sống theo kiểu chòm
xóm. Ra đường, chúng ta như vẫn chưa ra khỏi nhà, chào hỏi xưng hô anh
Ba, chị Hai, chú Tư, cô Năm, bác Bảy với tất cả mọi người.
Việc
“gia đình hóa” cách xưng hô khiến nhiều người trong chúng ta tự hào là
tiếng Việt phong phú, không giống các nước khác chỉ trơ trọi mày-tao như
Pháp je / tu, Anh I / you. Phong phú thật nhưng đây là một thách đố khá
khó chịu cho người ngoại quốc học tiếng Việt cũng như cho con em chúng
ta ở hải ngoại.
Chuyện
tưởng đã xong, mày-tao đã mất chỗ đứng nhưng tại sao mãi tới năm 1924
học giả Phan Khôi vẫn còn phải bận lòng với mày-tao? Trên Thực Nghiệp
Dân Báo số 972, ngày 14/1/1924 ông viết bài : “Cách Xưng Hô Mày-Tao”.
Ông cho cách xưng hô mày-tao là tiếng của kẻ trên xưng với kẻ dưới hay
là người lớn xưng với trẻ con. Còn đối với những trường hợp khác, chúng
ta có một cách xưng hô lễ phép tùy tuổi tác, thứ bậc, địa vị. Nhưng xã
hội thời ông không chuộng tôn ti trật tự như vậy. Ông than phiền: “Thế
mà trong khoảng gần đây có một bọn người dấy lên toan đang tay mà dứt
cái dây ấy, phá đổ cái nền ấy. Họ tính bỏ hết cách xưng hô nhã nhặn, mặn
mòi, đượm đà của ta mà lập riêng một cách khác. Họ xưng với nhau bằng
mày - tao… Nay thì bọn người đó đã mày tao với nhau như cơm bữa rồi, dầu
ai nấy làm trái tai mặc lòng chứ tự học thì cho thế là văn minh, lịch
sự. Nào những thế thôi, cả những tiếng An Nam như tiếng “cha tôi, mẹ
tôi, anh tôi” họ cũng khinh bỉ không thèm nói đến, dường như nói đến thì
hổ thẹn, mà phải nói đổi sang tiếng Pháp là “mon père, ma mère, mon
frère” thì họ mới bằng lòng”. Lối xưng hô mày-tao thời kỳ này là ảnh
hưởng lối xưng hô của Pháp “je – tu /vous” và Anh “I – You”.
Tấm
lòng của học giả Phan Khôi coi bộ không đi tới đâu. Người ta vẫn cứ
mày-tao cho giống Tây. Bảy năm sau ông Đinh Huy Hạo lại phải lên tiếng.
Trên báo Trung Lập số 6393 ra ngày 17/3/1931, ông viết: “Hai tiếng xưng
hô “mày - tao” là hai tiếng xấu xa tục tằn nhất trong tiếng ta, mà chán
ngán thay nó còn sống ở trong tiếng ta mãi mãi, cái số người dùng những
tiếng ấy càng ngày càng thấy nhiều thêm”. Theo ông, hai tiếng “mày -
tao” phân biệt được hẳn giai cấp, bởi vì “chủ nhà gọi đứa ở là “mày”
xưng là “tao”, đốc công nói với phu phen, thầy kí nói với thợ thuyền, vô
số người dùng hai tiếng “mày - tao”. Xưng mình là “tao” gọi người là
“mày” tức là khinh bỉ người ta, đặt người ta xuống một cái hàng đứng
dưới chân mình vậy... Nếu ta không biết ngăn ngừa đi sớm, chỉ e cái tục
tằn nó bành trướng lên to. Vì người ta thường lúc đầu chỉ nói đùa mấy
tiếng tục có ý ngượng nghịu, nhưng lần lần nay một câu, mai một câu, sau
nói tục không còn vấp váp chút nào, có khi quên hẳn tiếng nói ấy là
tục. Hai tiếng “mày - tao” là tiếng tục tằn, xấu xa nhất trong tiếng
Việt Nam ta, người đã cắp quyển sách đi học không bao giờ nên dùng đến,
bất cứ đối với hạng người nào”.
Mày-tao
có lẽ là cách xưng hô duy nhất mà người Pháp tại Việt Nam học được. Họ
nghênh ngang miệt thị dân bản xứ. Điều này để lộ bộ mặt thực dân mà ngay
cả nhà cầm quyền thuộc địa Pháp cũng không muốn cho mọi người thấy. Họ
cũng phải ra lệnh chấm dứt lối xưng hô này. Báo Đông Phương số 581, ra
ngày 14/11/1931 có đăng bài báo mang tên: “Một tờ thông tư của quan Toàn
Quyền về việc bỏ lệ xưng hô mày-tao”. Nguyên văn như sau: “Hôm 10
Novembre (tháng 11) vừa rồi, quan Toàn quyền Pasquier vừa gửi một tờ
thông tư cho các ông chủ các sở đại để nói: “Có người cho bản chức biết
rằng: Những viên chức người Pháp hoặc lớn, hoặc nhỏ, thường trong khi
giao thiệp với các viên chức bản xứ lại hay dùng câu “mày - tao”. Vậy
bản chức yêu cầu ngài nên dặn những viên chức Pháp dưới quyền ngài bảo
từ nay phải bỏ cái lối cư xử ấy đi”.
Lối
xưng hô mày-tao bị truy quét rối rít, cả từ làng báo Việt tới chính
quyền thực dân. Nhưng mày-tao vẫn chưa biến mất hẳn trong cách xưng hô
của người Việt. Loại mày-tao như thầy xưng với trò hoặc ngược lại, trò
với thầy như mới xảy ra tại nhà trường trong nước là loại đáng bỏ vào
sọt rác. Nhưng loại mày-tao bày tỏ tấm lòng thân thương giữa những người
bạn tấm mẳn có cần phải bỏ không? Nếu hỏi tôi, tôi sẽ lắc đầu. Ngày
nay, tuổi đã…hạc, tôi và anh bạn tiểu học ngày xưa vẫn không bỏ được lối
xưng hô mày-tao. Khi xưng hô với nhau như vậy, chúng tôi như sống lại
tình bạn chân thật ngày còn nhỏ nhít. Chẳng ai cảm thấy bị khinh miệt
hay nhục mạ. Chỉ có tình bạn thời lòng còn trong trắng, chẳng có chút
tính toán nào, mới làm cho mày-tao trở nên hết sức hồn nhiên.
Với
thời gian, con người lớn lên, mất dần cái ngu ngơ thời trẻ dại, mày-tao
không còn là đại danh từ nhân xưng thích hợp. Nói thế cũng không đúng
hẳn. Chúng ta còn tình bạn trong quân ngũ. Cùng sống với nhau như trong
một gia đình, ăn uống chung đụng hàng ngày, cưu mang nhau lúc hiểm nguy,
những người lính chia đều nhau những oan trái bất ngờ trước hòn tên mũi
đạn, còn có tình bạn nào khắng khít cho bằng. Vậy nên họ cũng mày-tao
với nhau thân thương như thời trẻ dại.
Ngửi mày một tí xem làm sao
Thân thể mày bay mùi binh đao
Ngày trước mày hiền như đất cục
Giờ mở miệng ra là chửi tục
Hà hà ra thế con nhà binh
Ngôn ngữ thơm tho như mùi cứt
(Nguyễn Bắc Sơn)
Thời
chiến mày-tao là ngôn ngữ của dân nhà binh, chẳng họ hàng hang hốc chi
mà sống với nhau như anh em một nhà, cùng chia nhau bom đạn, che chở
nhau như tình nhân. Rồi khi chinh chiến tàn lụi, mang thân kẻ thua trận,
cùng nhau hứng sự thù hận trong các trại tù, đám chiến bại lại chia
nhau tủi nhục, lại nảy sinh ra tình mày-tao. Mày-tao trong sinh hoạt
hàng ngày vun những người tù cam chịu tủi nhục thành một gia đình.
Bạn lính, người ngoài vòng cương tỏa, người chôn chân trong chốn ngục tù, chuyện vui chuyện buồn vẫn mày-tao nhắn nhủ:
Không nói tao sợ mày phiền
Nói ra, với rượu, tao buồn gấp hai
Em mày đi lấy chồng rồi
Gặp tao ngoài phố ngậm ngùi nhìn nhau
Tao nhìn tao thấy mày đau
Nó nhìn nó thấy trong tao có mày.
(Nguyên Sa)
Mày-tao
là sản phẩm dịu dàng của thời học trò, thời lính hoặc thời tù đày.
Nguyễn Xuân Hoàng với tôi không học chung một năm nào, từ tiểu học tới
Đại học; không bạn lính tráng chi vì cả Hoàng lẫn tôi đều không có mặt
trong quân đội; không cùng tù đày sau cuộc chiến, vậy mà chúng tôi vẫn
mày-tao với nhau. Kể cũng lạ. Chúng tôi chỉ gặp và chơi với nhau khi
cùng cộng tác với báo Văn Học của Dương Kiền và Phan Kim Thịnh tại Sài
Gòn. Báo quán ngày đó đặt tại đường Lê văn Duyệt. Nơi đây, những chiều
thứ bảy, chúng tôi tụ họp nhau lại tán dóc. Những buổi gặp nhau như vậy
không chỉ có Hoàng và tôi mà còn nhiều anh em viết lách khác, vậy mà với
những anh em khác, chúng tôi chẳng bao giờ mày-tao. Chỉ có tôi và
Hoàng. Sau 1975, chúng tôi không gặp nhau một thời gian dài, cho tới khi
tôi qua Cali, tới gặp Hoàng khi đó đang làm cho tờ Người Việt. Thời
gian đổi đời làm đảo lộn mọi thứ nhưng chuyện mày-tao của tôi và Hoàng
không hề thay đổi. Nhìn thấy nhau nơi xứ lạ quê người sau bao nhiêu bầm
dập, chúng tôi vẫn mày-tao tiếp. Có lần tôi hỏi Hoàng tại sao chúng tôi
lại mày-tao như vậy, Hoàng cũng lắc đầu không biết. Cho tới khi Hoàng bỏ
đi xa thiệt xa!
Song Thao
10/2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét