Thứ Ba, 9 tháng 4, 2024

Nguyễn Thanh Việt: The Sympathizer - Trịnh Y Thư

 diemsach

 
Bài điểm sách này được viết khi cuốn tiểu thuyết The Sympathizer mới xuất bản và được ca ngợi nồng nhiệt từ giới phê bình, độc giả Bắc Mỹ. Nhân cuốn tiểu thuyết được chuyển thể sang bộ phim 7 tập do kênh truyền hình HBO thực hiện, xin đăng lại nơi đây cùng với những bài liên quan khác.<!>

 
Con người mắc kẹt trong lịch sử và lịch sử mắc kẹt trong con người. Nhà văn Mỹ James Balwin nói vậy trong tập tiểu luận Những ghi chú của đứa con bản xứ (Notes of a Native Son). Lịch sử không mắc kẹt trong Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết The Sympathizer (Cảm tình viên, Kẻ hai mặt, Kẻ nằm vùng, Kẻ nội tuyến) xuất bản năm 2015, nó bùng nổ dữ dội với nỗi phẫn nộ rát bỏng hiếm thấy trên một trang viết văn học nào.
    Năm 2016, cuốn The Sympathizer đi vào lịch sử với giải thưởng Pulitzer bộ môn văn học, giải thưởng cao quý nhất của Hoa Kỳ, trao tặng hằng năm cho những tác giả xuất sắc nhất thuộc các ngành văn chương, báo chí. Trước đó cuốn sách đã được văn giới Bắc Mỹ không tiếc lời ca ngợi như một tác phẩm tiểu thuyết sâu sắc, có chiều kích lịch sử và chính trị cao rộng; là tiếng nói mới đầy khích động trong văn học Mỹ; là cuốn tiểu thuyết bắt người ta phải đánh giá lại chẳng những chiến tranh Việt Nam mà cả cặp phạm trù chính trị-văn hóa; là một tác phẩm văn học đúng nghĩa nhất bởi nó “mở rộng ý thức con người ra khỏi giới hạn của thân xác và những cảnh huống cá nhân.” Vân vân và vân vân. Đâu đó người ta còn so sánh Nguyễn Thanh Việt với Joseph Conrad, Graham Greene, Denis Johnson và George Orwell, những tác giả của văn học kinh điển phương Tây.
    Dưới đây tôi chỉ xin trích dẫn câu nói của ông Robert Olen Butler, một nhà văn viết nhiều về Việt Nam, cũng đoạt giải Pulitzer với cuốn Bửu Sơn Kỳ Hương (A Good Scent from a Strange Mountain). Ông nói về Nguyễn Thanh Việt như sau, súc tích gọn gàng nhưng đầy đủ:
    "Nguyễn Thanh Việt chẳng những đã đem lại tiếng nói hiếm hoi và trung thực cho khối tác phẩm văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam, với cuốn sách, anh còn vượt qua những đường biên lịch sử, chính trị, quốc gia, và nói lên được chủ đề muôn thuở trong văn học: cuộc kiếm tìm bản ngã và bản nguyên ở tầm mức phổ quát. The Sympathizer là một tác phẩm đầu tay sáng chói của một nhà văn có chiều sâu và tài năng."
     Hiển nhiên, với những lời ca ngợi như thế, đây quả là một thành tựu to tát của một tác giả di dân da màu, với tác phẩm đầu tay, đã có khả năng và tài năng đi thẳng vào “dòng chính” của văn học nghệ thuật Bắc Mỹ, vốn là một môi trường đa dạng và cực kỳ khó khăn chen chân vào. Nếu không có thực tâm và thực tài, cộng thêm chút may mắn, chuyện đó chẳng bao giờ có thể xảy ra. Bởi thế, có lẽ tôi chẳng nên nói gì thêm về tác phẩm của Nguyễn Thanh Việt, có ca ngợi cũng bằng thừa, và bài viết này giản dị chỉ là những cảm nhận và suy nghĩ cá nhân về một tác phẩm tầm vóc trong mắt nhìn lịch sử.
 
***
 
Hoa Kỳ là quốc gia yêu chuộng sách vở và quan tâm nhiều đến lịch sử. Do những tương quan và hệ quả trực tiếp của Hoa Kỳ đối với lịch sử Việt Nam thời cận-hiện-đại, đã có một số lượng khổng lồ sách vở viết về chiến tranh Việt Nam, cả phi hư cấu lẫn hư cấu, nhưng từ lâu có sự khô hạn trầm trọng những tác phẩm tiểu thuyết viết về chiến tranh Việt Nam mà tiếng nói chính là người Việt. Những tiểu thuyết gia lừng lẫy có chỗ đứng vững vàng trên văn đàn Mỹ hiện nay như Tim O’Brien, Philip Caputo, Larry Heinemann viết nhiều về chiến tranh Việt Nam, nhưng do kinh nghiệm bản thân, họ viết dưới con mắt một chiến binh Hoa Kỳ. Đọc tác phẩm của họ, chúng ta thấy hình ảnh người Việt chỉ là những bóng mờ, không, những bóng ma chập chờn ẩn hiện thì đúng hơn. Người Việt không có tiếng nói nào trong đó, hoặc nếu có thì cũng chẳng ai thèm nghe họ nói gì. Cuốn Bửu Sơn Kỳ Hương của Robert Olen Butler có lẽ là trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Bản dịch cuốn Nỗi buồn chiến tranh (The Sorrow of War) của Bảo Ninh, và một số tác phẩm khác của các tiểu thuyết gia người Mỹ gốc Việt, tuy có gây một vài tiếng vang, nhưng phần lớn chỉ được nhắc đến trong phạm vi đại học và các buổi hội thảo chuyên ngành. (Còn các sản phẩm phim ảnh của Hollywood thì khỏi cần nói ra, thú thật, tôi ít xem vì thấy buồn cười, thậm chí xấu hổ, mỗi khi trông thấy một nhân vật Việt Nam nào xuất hiện trên màn ảnh.) Bởi thế sự ra đời của một tác phẩm như cuốn The Sympathizer là cần thiết và quan hệ, nó lấp được lỗ hổng to tướng này trong văn học Mỹ viết về chiến tranh Việt Nam.
    Đọc The Sympathizer tôi có cảm giác sự phẫn nộ của nhân vật chủ thể ngôi thứ nhất, và ở chừng mực nào đó, của chính tác giả, tràn ứ trên mỗi trang viết. Với nhiều dụng ý có tính ám dụ, Nguyễn Thanh Việt đã xây dựng một nhân vật hư cấu không điển hình – nếu không muốn nói là phản anh hùng sử thi – một nhân vật vừa chính diện vừa phản diện, đen trắng không rạch ròi, phân minh, một kẻ hai mặt, hai mang, chính tà lẫn lộn.
 
Không nhạc nhiên chút nào, đôi khi tôi mơ thấy mình giơ tay kéo cái mặt nạ ra khỏi mặt, và chợt thấy cái mặt nạ ấy chính là khuôn mặt tôi.
 
Hắn tự thú nhận như thế.

Hắn (nếu tôi có thể gọi nhân vật không tên tuổi ấy như thế) là một đứa con đẻ hoang. Mẹ hắn là người giúp việc cho một linh mục người Pháp và có lẽ trong một cảnh huống nào đó bà bị ông cha hiếp dâm, đẻ ra hắn. Hắn thương mẹ nhưng thù ghét cha mình khôn tả và chỉ mong cha mình chết. Tuổi thơ hắn sống trong tủi nhục và mặc cảm, mặc cảm của đứa con vô thừa nhận. Nhưng lớn lên nhờ thông minh hắn được ăn học đàng hoàng, thậm chí còn sang Mỹ du học, và khi về nước hắn trở thành người làm việc cho cả hai phe lâm chiến. Hắn đeo lon đại úy, làm sĩ quan tùy viên cho một ông tướng, Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia, nhưng đồng thời là một gián điệp được cục R gài vào; hắn đều đặn báo cáo mọi bí mật quân sự của phe miền Nam cho tổ trưởng Mẫn trong tổ gián điệp phe Cộng sản. Thực ra, hắn, Mẫn và Bốn là ba người bạn chí thiết từ thuở nhỏ. Ba cậu bé “cắt máu ăn thề” xem nhau như ruột thịt và quyết chí bảo vệ lẫn nhau trong mọi trường hợp. Câu chuyện “Tam Quốc Chí vườn đào kết nghĩa thời đại” này lại chính là xung lực đối nghịch giữa các nhân vật trong cuốn sách. Mẫn theo cách mạng, hành tung bí mật và tuyệt đối trung thành với cách mạng. Bốn, ngược lại, đi lính Quốc gia thứ dữ, từng là sát thủ trong chiến dịch Phượng Hoàng chuyên ám sát Việt Cộng. Cha của Bốn bị Cộng sản giết hại nên hắn đi lính để giết Việt Cộng trả thù cho cha chứ chẳng có lý tưởng gì. Trong bộ ba, Bốn là người mờ nhạt nhất.
    Xây dựng các nhân vật như thế, chúng ta nhìn thấy ngay dụng ý của tác giả: Lịch sử và định mệnh khốc liệt đã đẩy anh em vào chỗ chém giết nhau. Và nguyên do cho thảm kịch ấy bắt nguồn từ sự việc một quốc gia bị hãm hiếp.
    Một linh mục Pháp hiếp dâm một người đàn bà Việt Nam, sinh ra hắn. Tôi đồ đây là một ám dụ. Ông linh mục chính là nước Pháp và bà mẹ là nước Việt Nam khốn khổ. Ông Cha miệng nhân danh sứ mệnh cao cả đi rao giảng ánh sáng Thiên Chúa nhưng thực tế thì hiếp dâm một phụ nữ, cũng như nước Pháp nhân danh “sứ mệnh đi khai hóa các dân tộc kém văn minh” để biện minh cho hành động xâm lăng chiếm nước, như lời ông thủ tướng Pháp Jules Ferry hùng hồn tuyên bố lúc Pháp đem quân vào đánh chiếm Việt Nam. Hắn thương mẹ nhưng căm thù cha và chỉ mong cha mình chết! Đạo lý đi chỗ khác chơi. Ở đây chỉ có lòng phẫn nộ và căm thù.
    Hắn theo cách mạng một phần vì hắn nhìn thấy bộ mặt thối nát, đạo đức giả của đám lãnh đạo miền Nam lúc đó mà đại diện chính là ông tướng, sếp của hắn. Ông tướng thuở trước đi lính cho Pháp, kẻ thù của dân tộc, bây giờ lại tiếp tục nghe lệnh Mỹ quay súng giết hại dân mình. Đại diện cho quyền lực tối cao của nước Mỹ là Claude, một anh CIA, và hành tung của anh ta thì bí mật khôn lường. Trong mắt hắn thì cả Pháp lẫn Mỹ đều là đế quốc. Đế quốc đi chiếm nước, chiếm bằng vũ lực hay bằng những thủ đoạn gian manh nhưng cực kỳ tinh vi đều đáng ghét và đáng bị đánh đuổi như nhau.
    Sau khi Sài Gòn thất thủ, quốc gia thống nhất, mặc dù muốn ở lại xây dựng đất nước thời hậu chiến, nhưng theo lệnh của Mẫn, hắn theo gia đình ông tướng chạy sang Mỹ để tiếp tục nằm vùng ở hải ngoại. Từ đây, câu chuyện trở nên bi hài. Hắn đều đặn gửi thông tin những hoạt động của ông tướng về cho Mẫn, nhưng đồng thời hắn cũng lao đầu vào những cuộc phiêu lưu mới trên đất Mỹ. Hắn dính líu vào chuyện tình với cô thư ký người Mỹ gốc Nhật làm việc chung. Thậm chí hắn còn tán tỉnh cả cô con gái cưng của ông tướng. Có dạo hắn sang Philippines phụ trách phần vụ hướng dẫn các diễn viên phụ người Việt tuyển từ trại tị nạn trong một cuốn phim về chiến tranh Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất hắn vẫn theo dõi hoạt động kháng chiến phục quốc do ông tướng và thủ hạ của ông âm thầm bàn tính kế hoạch. Ông tướng nghi có nội gián, hắn bảo ông kẻ ấy chính là gã thiếu tá say trong bọn. Để đánh lạc hướng và lấy lòng tin của ông, hắn đồng lõa với Bốn đi ám sát gã thiếu tá say. Bốn bắn gã thiếu tá say chết tươi ngay trước cửa căn hộ của gã. Chưa hết, sau đó ít lâu sau khi ở Philippines về, hắn tự tay giết luôn một anh nhà báo tên Sonny, bạn học cũ của hắn, vì anh này viết những bài báo bất lợi cho công cuộc kháng chiến của ông tướng. Hắn giết hai mạng người vô tội và cái giá rất đắt hắn phải trả là lương tâm hắn không ngừng cắn rứt.
    Ở phần này cuốn sách được viết như một cuốn tiểu thuyết trinh thám gián điệp với những tình tiết hồi hộp và lôi cuốn. Tâm lý đầy phức tạp của nhân vật, sự xâu xé trong tâm tư kẻ sát nhân, cũng được tác giả mổ xẻ với ngòi bút sắc sảo.
    Cuối cùng với sự yểm trợ tài chính của Claude CIA và một chính trị gia hữu khuynh người Mỹ, ông tướng gửi người về biên giới Thái Lan để mưu đồ việc kháng chiến. Dĩ nhiên Bốn là người đầu tiên xung phong. Cả vợ lẫn đứa con trai duy nhất của Bốn bị lạc đạn chết tại phi trường Tân Sơn Nhất trong lúc chạy lên phi cơ di tản. (Hết cha rồi đến vợ con đều chết do đạn Việt Cộng, nhân vật Bốn này của tác giả có vẻ như bị tô mầu, sơn phết hơi đậm.) Bốn từ đó sống như cái máy, không thiết tha với cuộc sống nữa mà chỉ chờ đợi cơ hội phục thù, dù biết trở về là đi vào cõi chết. Hắn gửi báo cáo về cho Mẫn và Mẫn ra lệnh cho hắn không được về. Nhưng hắn cãi lệnh vì hắn cảm thấy phải đi theo để bảo vệ tính mạng cho Bốn. Hắn biết đây là một cuộc mạo hiểm tự sát. “Làm sao tôi có thể cùng lúc vừa phản bội vừa cứu mạng Bốn đây?” Lòng hắn rên rỉ lời than thở như thế.
    Bị giằng xé khủng khiếp nhưng cuối cùng hắn chọn con đường ra đi. Kết quả không tránh khỏi là cả bọn bị phục kích chết hết, ngoại trừ hắn và Bốn bị bắt về giam tại trại cải tạo. Tại đây suốt một năm trời hắn phải viết lời khai thú tội và lời khai báo ấy chính là cuốn tiểu thuyết The Sympathizer. (Cuốn sách được viết dưới dạng lời khai báo của một tù nhân với người Chỉ huy trưởng trại tù.) Điều bất ngờ nhất cho hắn là viên Chính ủy của trại tù, người nắm toàn quyền sinh sát trong tay, lại chính là Mẫn! Mẫn sau khi nghe tin hắn cãi lệnh, nhất định theo toán lính kháng chiến về biên giới, đã tìm mọi cách xin về làm Chính ủy trại tù mà Mẫn biết chắc hắn sẽ bị đưa về giam giữ. Đây là phần ba của cuốn tiểu thuyết, được viết như kịch bản một cuốn phim kinh dị, đôi chỗ khiến người đọc liên tưởng đến đoạn cuối cuốn 1984 của nhà văn George Orwell, lúc nhân vật Winston bị đưa vào phòng 101 để tẩy não. Hắn bị tra tấn tàn bạo và có lúc thần trí như điên dại. Cuối cùng hắn đối mặt Mẫn. Vào những ngày cuối của cuộc chiến, Mẫn bị bom napalm đốt cháy khuôn mặt, mặt mũi biến dạng như quỷ sống.
    Chính vào lúc thần trí như rơi vào cõi sa mù ấy, hắn bỗng nhận thức ra một điều là hắn và những người như hắn, những kẻ hy sinh quá nhiều cho một lý tưởng cao cả, tất cả đều bị phản bội! Chính Mẫn cũng phải thú nhận như thế sau khi tranh luận với hắn. Có lúc Mẫn lạnh lùng bảo hắn: “Now that we are the powerful,  we  don’t need the French or the Americans to fuck us over. We can fuck ourselves just fine.”
    Câu nói  của  Mẫn  có lẽ là lời thú nhận đau xót nhất cho những kẻ hy sinh cả đời người cho lý tưởng cách mạng để cuối cùng nhìn ra sự thật là sự hy sinh đó của mình bị người ta ném đi như ném một món đồ phế thải. “Giờ đây chúng ta có quyền lực trong tay, chúng ta chẳng cần bọn Pháp bọn Mỹ đào mả nhà chúng ta. Chúng ta tự đào mả nhà mình cũng ra trò không kém.” Thật là trò hề, “một cuộc cách mạng đấu tranh cho độc lập và tự do lại có thể biến những thứ ấy thành cái gì vô giá trị hơn cả một con số zero.”
    Cuối cùng Mẫn sắp xếp đưa hắn và Bốn về Sài Gòn, và còn lo cho hai người tìm đường vượt biên. Nhưng sau những trải nghiệm bầm giập, cay đắng ê chề như thế, lý tưởng của hắn, cái lý tưởng đặt không đúng chỗ và không đúng thời, có bị tiêu tan hay sứt mẻ đi không? Hoàn toàn không! Hắn vẫn tự xem mình là người chiến sĩ cách mạng, đang đi tìm một cuộc cách mạng khác, vẫn hy vọng dù đôi lúc tự nhận là kẻ mơ mộng hão huyền, vẫn chờ đợi một cơ hội đúng lúc và một chính nghĩa sáng ngời. Hắn là kẻ không bao giờ bỏ cuộc! Cuốn sách chấm dứt bằng câu: “Chúng tôi sẽ sống!” như một lời hứa hẹn tương lai.
    Chúng tôi sẽ sống và sẽ tiếp tục chiến đấu cho dù bị phản bội. The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết nói về sự phản bội.
    Nhưng  phải  chăng  cuộc  cách  mạng  nào từ trước đến giờ cũng bị phản bội. Phản bội lại chính những lý tưởng cách mạng cao cả tưởng chừng không bao giờ có thể lay chuyển. Lịch sử nhân loại chứng minh điều đó. Phản bội nối tiếp phản bội dẫn đến tình trạng con người ngày nay sống trong chân không lý tưởng. Lý tưởng cạn kiệt trong một môi trường sống tù túng, ngột ngạt. Không có lý tưởng người ta sống như những thây ma biết đi, những zombie trong loạt phim kinh dị The Walking Dead. Ngày nay chúng ta đừng nên trách các thanh thiếu niên chỉ biết suốt ngày ngồi lê la ngoài hàng quán hay chúi đầu vào những trò chơi video vô nghĩa và vô bổ. Chúng ta cũng đừng ngạc nhiên khi thấy hàng triệu thanh thiếu niên nước Mỹ đổ xô đi ủng hộ ông Bernie Sanders tranh cử Tổng thống. Họ đều là những người thiếu lý tưởng và khao khát lý tưởng. Họ là những người đáng thương, đáng thương vì bị phản bội.
    The Sympathizer là cuốn tiểu thuyết chứa đựng nhiều chủ đề phức tạp, đa chiều kích, và có tham vọng giải mã và giải tỏa một số những ngột ngạt ấm ức bấy lâu trong lòng những người thuộc thế hệ hậu chiến. Họ không trực tiếp tham gia cuộc chiến, không bị những đau thương và thù hận chi phối nhận thức nên cái nhìn của họ là tương đối khách quan. Do sự phi lý của cuộc chiến ấy, họ có cái nhìn gay gắt, có lẽ không đồng quan điểm với đa số những thành phần thủ cựu thuộc cả hai bên thắng và thua trận. Quan trọng hơn cả, cái nhìn của họ sẽ góp phần vào việc thẩm định đúng đắn lịch sử sau này.
    Công tâm mà nói thì không nên nhìn một tác phẩm tiểu thuyết từ góc độ chính trị, nhưng The Sympathizer là một cuốn tiểu thuyết chính trị từ những dòng chữ đầu tiên, chính trị xã hội và chính trị lịch sử đan xen nhau, khó tìm được một chương nào của cuốn sách không liên quan đến các vấn đề chính trị. Từ lịch sử chính trị của cuộc chiến Việt Nam ba mươi năm cho đến chính trị nước Mỹ. Và đấy là một quan điểm chính trị nặng phần tả khuynh. Tác giả phê phán gay gắt việc lâm chiến của nước Mỹ vào Việt Nam đã đành mà còn tỏ ra không chút cảm tình với văn hóa và đời sống nước Mỹ. Biểu tượng của nước Mỹ là anh Claude CIA, thông minh, tài năng xuất chúng nhưng cũng cực kỳ lưu manh và xảo quyệt. Còn phía miền Nam thì sao? Đại biểu cho phe lãnh đạo miền Nam trong thời chiến là ông tướng, kẻ liếm gót thực dân và đế quốc. Còn tiêu biểu cho phe chống Cộng là Bốn, một kẻ giết Việt Cộng vì căm thù cá nhân chứ chẳng có lý tưởng gì. Vì là tiểu thuyết nên tác giả sử dụng các biểu tượng và ẩn dụ cho quan điểm lịch sử của mình. Trong mắt tác giả đấy là một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, anh em mỗi người một chiến tuyến. Mặc dù người Mỹ là thủ phạm chính nhưng người Việt đã chẳng những không thương xót nhau mà còn quay ra thẳng tay giết hại lẫn nhau. Quan điểm này đúng hay sai có lẽ sẽ còn được tranh cãi dài lâu và tùy vị trí cá nhân, không một quan điểm nào là chân lý. Điểm đáng nói là cái lý tưởng cao cả cho cuộc chiến tranh ấy, cái lý tưởng chống Mỹ cứu nước, ở đây đã bị giải thiêng.
 
***
 
Sự Thật lịch sử có lẽ không đơn giản, không trắng đen rành rọt như tác giả vẽ ra trong cuốn tiểu thuyết dày gần 400 trang được viết với ngòi bút nghệ thuật hiếm có. Lịch sử là một con voi và tất cả chúng ta đều là những thầy mù xem voi. Hơn nữa, “Tiểu thuyết gia không phải là kẻ hầu của sử gia.” Nhà văn Milan Kundera có lần nói như thế. Rất tiếc ở đây tiểu thuyết gia Nguyễn Thanh Việt đã theo hầu sử gia một cách khá tận tình, thậm chí có lúc ông đội chiếc mũ sử gia, lúc khác mũ chính trị gia. Theo tôi, đấy là nhược điểm của cuốn tiểu thuyết The Sympathizer.
 
Trịnh Y Thư
(2017)
 

Buổi chiếu phim đặc biệt: The Sympathizer / “Cảm Tình Viên”* tại Quận Cam

 
poster

Tối thứ sáu, 5 tháng Tư, 2024, tại rạp chiếu bóng AMC Orange 30, thành phố Orange, chỉ cách trung tâm Little Saigon năm, sáu dặm, HBO đã tổ chức buổi tiếp tân và chiếu phim đặc biệt nhằm giới thiệu bộ phim truyền hình 7 tập, The Sympathizer / Cảm tình viên, do kênh truyền hình HBO thực hiện, dựa trên cuốn tiểu thuyết đoạt giải Pulitzer năm 2016 nổi tiếng cùng nhan đề của nhà văn Nguyễn Thanh Việt,  kể về một điệp viên Cộng Sản nửa Pháp, nửa Việt trong những ngày cuối của chiến tranh Việt Nam. Tuy sau đó anh có cuộc sống mới khi tị nạn ở Los Angeles, công việc gián điệp của anh vẫn tiếp tục trên đất Mỹ. Bộ phim chính thức công chiếu trên kênh HBO ngày 14/4. Buổi chiếu tối thứ sáu này, do HBO và Gold House tổ chức với sự hợp tác của các nhóm văn hóa-nghệ thuật, gồm có  VAALA (Vietnamese American Arts and Letters Association), CAPE (Coalition of Asian Pacifics in Entertainment) và A24, nhằm giới thiệu bộ phim với truyền thông-báo chí và một số quan khách thân hữu. Chỉ Tập 1 của bộ phim được trình chiếu. Đó là đoạn mở đầu, giới thiệu các nhân vật, cốt truyện, và miêu tả không khí căng thẳng cùng cảnh tượng náo loạn của thành phố Sài Gòn khi thất thủ, bị Cộng quân tràn vào trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

poster wall

Bảng quảng Cáo về bộ phim The Sympathizer tại 9000 Sunset Blvd,  hướng đông. Hình chụp lại từ trang facebook của nhà văn Nguyễn Thanh Việt.


Chờ đợi từ nhiều tháng nay, cũng như nhiều khán giả, chúng tôi bộ ba từ Việt Báo, chủ bút Trịnh Y Thư, Hòa Bình và Doãn Hưng đến đây vừa hào hứng vừa với tâm trạng “khó ở” của những người Việt sống xa quê hương trong tháng Tư đen, hiểu rằng những hình ảnh trong bộ phim này sẽ gợi cho mình nhiều suy tư, trăn trở. Trước khi chiếu phim, ban tổ chức có nhã ý mời đại diện các cơ sở truyền thông-báo chí đặt câu hỏi đến các thành viên nòng cốt trong bộ phim và các diễn viên. Việt Báo đã có một vài trao đổi ngắn với ông Nguyễn Thanh Việt, tác giả cuốn tiểu thuyết và cũng là Giám đốc điều hành sản xuất của bộ phim, và Kiều Chinh, nữ diễn viên đóng vai bà mẹ. Đại cương cuộc trao đổi như sau.
 
Việt Báo: Thưa nhà văn Nguyễn Thanh Việt, ông tự đánh giá cuốn tiểu thuyết The Sympathizer / Cảm tình viên của ông như thế nào? Một cuốn tiểu thuyết lịch sử, chính trị, hay gì khác? Và, trong lúc chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết sang kịch bản làm phim, ông có phải thêm/bớt, chỉnh sửa văn bản nhiều không?
 
Nguyễn Thanh Việt: Tôi nghĩ, trước hết, đây là một cuốn tiểu thuyết trinh thám gián điệp. Tiểu thuyết trinh thám gián điệp có tính cách giải trí, hấp dẫn vì được lồng trong một bối cảnh nhiều tình tiết hồi hộp, căng thẳng. Đồng thời, nó cũng chứa đựng rất nhiều các yếu tố lịch sử, chính trị, mà người Việt chúng ta rất quen thuộc trong suốt thế kỷ 20. Đó là điều tôi rất quan tâm, nó va chạm đến cuộc chiến, đến các vấn đề của người tị nạn, bởi thế nó trở thành một cuốn tiểu thuyết viết về người tị nạn, về cuộc sống và trải nghiệm của họ trên đất Mỹ.
 
Về việc chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết sang phim, tôi nghĩ là kịch bản phim đã bám sát khá kỹ nội dung tiểu thuyết. Tuy nhiên vì đây là màn ảnh lớn, với mục đích giải trí, nên chúng tôi chú trọng nhiều hơn vào khía cạnh trinh thám gián điệp của câu chuyện kể. Tôi nghĩ điều này cũng tốt thôi, vì nhờ đó, chúng ta có cơ hội đào sâu thêm vào các khía cạnh khác như lịch sử và chính trị.
 
Việt Báo: Khi mới ra mắt ở Bắc Mỹ, cuốn tiểu thuyết đã nhận được sự ca ngợi và tán thưởng nồng nhiệt của giới phê bình văn học cũng như độc giả Mỹ. Sau đó, giải Pulitzer đã khẳng định vị thế của cuốn sách trong văn học Mỹ đương đại. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, phần nhiều là chính trị, cuốn sách đã không nhận được sự đón nhận của chính quyền Cộng sản Việt Nam trong nước lẫn số đông thành phần tị nạn Cộng sản ở hải ngoại. Xin ông cho biết chúng ta phải làm gì để thay đổi nhận thức đó?
 
Nguyễn Thanh Việt: Tôi không hề có ý định làm điều gì để thay đổi nhận thức đó. Tôi nghĩ là người Việt chúng ta, khi tiếp cận với nghệ thuật, thông thường muốn bắt nghệ thuật đại biểu cho chúng ta, cho chính thể chúng ta sinh sống bên trong, cho ý thức hệ của chúng ta, cho cộng đồng của chúng ta. Tôi nghĩ đó không phải là nhiệm vụ của nghệ thuật. Nhiệm vụ của nghệ thuật là nói lên Sự Thật. Và, nói lên Sự Thật thường không làm vừa lòng nhiều người. Tôi không muốn mình là người viết những điều làm vừa lòng tất cả mọi người. Về nhận thức mà ông nói đến, tôi nghĩ nó sẽ thay đổi theo thời gian. Thế hệ cha anh chúng ta mang nặng vết thương chiến tranh, chúng ta tôn trọng họ, tôi tôn trọng họ. Nhưng tôi thuộc thế hệ trẻ hơn, chúng tôi muốn thuật câu chuyện của chúng tôi về quá khứ, bởi đó cũng là quá khứ của tôi, một quá khứ định hình bởi thực dân, ngoại xâm, chiến tranh, xâu xé nội bộ... Đây là câu chuyện của riêng tôi. Có càng nhiều câu chuyện như thế càng tốt. Và, tôi không có tham vọng muốn kể một câu chuyện của hết thảy người Việt Nam.
 
Trả lời những câu hỏi khác về cuốn tiểu thuyết, ông Nguyễn Thanh Việt cũng nói rằng ông đã đọc rất nhiều tài liệu, sách vở viết về cuộc chiến tranh Việt Nam trước khi viết. Thậm chí ngay từ khi còn rất trẻ ông đã tìm đọc lịch sử, bởi vì, theo lời ông, cuộc sống của ông, của cha mẹ và những người thân của ông, bị chi phối trực tiếp bởi lịch sử ấy. Ông tỏ ý hãnh diện vì cả cuốn sách lẫn bộ phim đều là tiếng nói của người Việt, 90% diễn viên là người Việt, tiếng Việt là ngôn ngữ chính, và quan trọng không kém, tinh thần của bộ phim không bị chi phối bởi cái nhìn lệch lạc, thiên kiến của người nước ngoài.
 
Kế đến chúng tôi trao đổi với nữ tài tử Kiều Chinh. Kiều Chinh là một diễn viên huyền thoại, một tên tuổi lớn của nghệ thuật phim ảnh Việt Nam. Năm nay bà đã 87 tuổi, nhưng vẫn tràn trề năng lượng đi đóng phim và tích cực tham dự các chương trình văn hóa-nghệ thuật trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Trong bộ phim The Sympathizer / Cảm tình viên, bà thủ diễn vai bà mẹ người Thiếu tá. Được hỏi lúc mới đọc lần đầu kịch bản bộ phim, bà có cảm tưởng như thế nào, Kiều Chinh đã tâm tình là bà vô cùng xúc động vì đây là một bộ phim lớn do HBO, một kênh truyền hình nổi tiếng của Hoa Kỳ thực hiện, và được tạo dựng bởi một đội ngũ làm phim đầy khả năng như Giám đốc điều hành sản xuất Nguyễn Thanh Việt, đạo diễn nổi tiếng Park Chan-Wook, nhà biên kịch người Canada Don McKellar, tài tử Hollywood vừa đoạt giải Oscar Robert Downy, Jr. và cô tài tử nổi tiếng Sandra Oh. Nhưng cảm động nhất với Bà là khi được làm việc với các tài tử Việt Nam thế hệ trẻ, như Hòa Xuân-đệ, Fred Nguyễn Khan và Nguyễn Duy. Bà thật hãnh diện vì họ là các tài tử chính nổi bật của bộ phim này.
 
Lúc chúng tôi vào rạp, không quên cầm theo hộp popcorn và ly Coca-Cola do ban tổ chức chiêu đãi, thì rạp đã chật cứng người ngồi. Chúng tôi theo dõi chuyện phim với nhiều cảm xúc. Như các bộ phim truyền hình khác, tập một mở đầu cho bộ phim dài 7 tập, các nhân vật lần lượt xuất hiện, toàn bộ bối cảnh câu chuyện được thiết lập, ở đây bắt đầu với bối cảnh Sài Gòn những ngày cuối cùng trước 30 tháng Tư, với phần cuối là cảnh hỗn loạn của cuộc di tản.
 
Vì đây không phải một bài điểm phim, và bởi chỉ mới xem Tập 1 của bộ phim 7 tập nên, trong phạm vi bài phóng sự, bài này sẽ không có lời bình phẩm nào.
 
Sau buổi chiếu kéo dài một tiếng đồng hồ, ban tổ chức còn dàn xếp để có một buổi gặp gỡ, hỏi/đáp với hầu hết các diễn viên trong phim và dĩ nhiên nhân vật linh hồn của bộ phim, tác giả-nhà văn-nhà điều hành sản xuất Nguyễn Thanh Việt.
 
Thành phần diễn viên ngồi trên sân khấu, chúng tôi thấy có ông Hòa Xuân-đệ (vai chính, Đại úy / The Captain); ông Fred Nguyễn Khan (vai Bốn); ông Nguyễn Duy (vai Mẫn); bà Sandra Oh (vai Cô Mori); ông Lê Toàn (vai ông Tướng / The General); bà Nguyễn Cao Kỳ Duyên (vai Phu Nhân / Madame) và bà Kiều Chinh (vai bà Mẹ / Crapulent Major’s Mother). Buổi hỏi/đáp được đặt dưới sự điều hợp của ông Jeremy Trần, Giám đốc Điều hành của tổ chức Gold House, cũng là người lớn lên ngay giữa lòng thành phố Westminster.
 
Hai ông Don McKellar, nhà sản xuất chính, nhà biên kịch, và ông Niv Fichman, nhà sản xuất ngồi dưới khán giả, đứng lên chào mọi người khi được giới thiệu, nhưng không nghe hai ông phát biểu. Bộ phim có ba đạo diễn, mỗi đạo diễn phụ trách một hay nhiều tập: Park Chan-wook; Fernando Meirelles và Marc Munden. Không thấy đạo diễn nào có mặt trong buổi chiếu phim đặc biệt.
 
Trong phần trò chuyện này, ông Nguyễn Thanh Việt và các diễn viên lần lượt nói lên tâm tình của mình với khán giả về bộ phim, mà theo họ, là một sự kiện không nhỏ trong sự nghiệp nghệ thuật của họ. Họ cũng kể thêm về những kỷ niệm đáng nhớ trong lúc thực hiện bộ phim. Chúng tôi có một câu hỏi cho diễn viên thủ diễn vai “Đại úy”, “cảm tình viên” (hay đúng hơn, phải gọi là "kẻ nội tuyến", "kẻ nằm vùng"), nhân vật chính diện của cuốn tiểu thuyết cũng như bộ phim, nhưng không có cơ hội hỏi ông trực tiếp. Rất may, trong phần hỏi/đáp chung, câu hỏi đó đã được ông gián tiếp trả lời phần nào.
 
Câu hỏi là: “Nhân vật Đại úy, “cảm tình viên” là một nhân vật phức tạp về cả hành vi lẫn suy nghĩ nội tâm. Ông có thấy khó khăn khi đóng vai nhân vật này không? Và bí quyết của ông là gì để khắc phục khó khăn đó?” Trong câu trả lời, diễn viên Hòa Xuân-đệ đã trả lời một cách khá tinh tế và thông minh. Ông bảo nhân vật Đại úy là một gián điệp trong tiểu thuyết, trong phim, nhưng đó cũng là một con người, một con người đã phải dùng ý chí và năng lực trong mọi phấn đấu hòng tồn tại. Ông nói tiếp, chính khía cạnh nhân bản đó đã giúp ông đóng trọn vẹn vai trò.
 
Khi được hỏi kể về chuyện vui trong quá trình đóng phim, Nguyễn Cao Kỳ Duyên (vai Phu Nhân / Madame) cười kể rằng Cô thấy thú vị khi làm việc cùng đoàn phim, thí dụ như trong vai ông tướng, Lê Toàn khó chịu, nghiêm ngặt, nhưng ngoài đời thì Ông rất vui, thân thiện, nói về “Phở” rất hay, và còn hơi “flirty” nữa đằng khác.
 
Được hỏi về cảm nghĩ và vai trò của bà trong bộ phim, Kiều Chinh trả lời về vai Bà thủ diễn: “Tôi đóng vai một bà mẹ của một Thiếu tá, rời Việt Nam sang Mỹ, như bao nhiêu người phụ nữ khác trong chúng ta, người mẹ này sống những ngày xa quê hương, không hợp với đời sống xứ người, luôn luôn nhớ nhà, nhớ quê hương.”
 
Bộ phim The Sympathizer / Cảm tình viên, dựa trên phản ứng của khoảng 200 khán giả trong rạp, phần nhiều là giới trẻ, hứa hẹn một sự kiện văn hóa đáng suy ngẫm. Như cuốn sách, The Sympathizer chắc chắn sẽ gây ra nhiều bất đồng. Đồng ý hay không với người viết, người làm phim, không quan hệ. Cái đáng để bàn cãi, tranh luận là Sự Thật, mà Sự Thật thì chỉ có thể phơi bày khi tất cả chúng ta có cùng một thiện tâm tìm kiếm, và nỗ lực tìm kiếm nó trong tinh thần tương kính, thành thật.
 
Việt Báo
 
“Cảm tình viên” là tên do HBO dịch sang tiếng Việt từ tựa đề “The Sympathizer”, không phải do Việt Báo dịch.

Phụ lục hình ảnh:

Hình cast_SympathizerOC_@christinechangphoto_048

Từ trái sang phải: Don McKellar (giám đốc sản xuất chính, biên kịch và nhà sản xuất); Nguyễn Duy (“Mẫn”), Fred Nguyễn Khan (“Bốn"), Nguyễn Cao Kỳ Duyên ( “Phu Nhân” / “Madame”), Kiều Chinh (“Mẹ của Thiếu Tá”), Hoà Xuande (diễn viên chính “Đại úy” / “The Captain”), Lê Toàn (“Tướng”), Sandra Oh (“Sofia Mori”), Nguyễn Thanh Việt (nhà điều hành sản xuất; tác giả tiểu thuyết "The Sympathizer"), Niv Fichman (Giám Đốc Sản Xuất). Hình của Christine Chang. 


Hình khán giả_SympathizerOC_@christinechangphoto_104
Khán giả trong rạp AMC Orange 30.  Hình của Christine Chang. 

Hình việt báo 2_20240405_180947
Trịnh Y Thư phỏng vấn Kiều Chinh. Hình Việt Báo.

Cast trong rạp_SympathizerOC_@christinechangphoto_092

Đoàn phim trong buổi trò chuyện sau khi chiếu phim. Từ trái: Người điều hợp Jeremy Trần (Gold House), Nguyễn Thanh Việt (nhà điều hành sản xuất; tác giả tiểu thuyết "The Sympathizer"), Hoà Xuande (diễn viên chính “Đại úy” / “The Captain”), : Fred Nguyễn Khan (“Bốn"), Nguyễn Duy (“Man”), Kiều Chinh (“Mẹ của Thiếu Tá”), Nguyễn Cao Kỳ Duyên ( “Phu Nhân” / “Madame”), Lê Toàn (“Tướng”), Sandra Oh (“Sofia Mori”). Hình của Christine Chang. 

 (từ: vietbao.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét