Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Tháng ngày "lính lác" - Trần Yên Hòa

 BBC News Tiếng Việt

 

Dẫn 1.

Không biết chữ "lính lác" có từ bao giờ? Có lẽ sau ngày 30 tháng tư bảy lăm. Thời gian đi qua lâu quá, tôi cũng không còn nhớ nổi. Chữ "lính lác" - lính là người gia nhập trong quân đội, lính bắc việt gọi là bộ đội. "Lác" theo tiếng bắc là hắc lào, theo tiếng miền nam, miền trung, là bị bịnh ngứa nổi lên như đồng tiền. Từ này dùng chỉ những anh lính lội rừng, lội núi, qua truông, qua khe, không có nước tắm rửa nên bị bịnh "lác". Cũng nói lên với tính cách vui cười là lính nghèo, cực khổ trăm bề, nên lính bị "lác".

 <!>

Tôi dùng từ này với tính cách vui cười, không chê bai hay làm xấu người lính. Chuyện lính thì trăm hình vạn trạng (lính miền nam hay bộ đội miền bắc.) Ý của tôi muốn nói đến lính miền Nam, nơi tôi đã tham gia ở đó hơn gần bảy năm, từ ngày trình diện nhập ngũ (23-10-1968) đến ngày miền nam tan hàng, quân đội cũng tan theo (30-4-1975)

Tôi đi lính ngày 23 tháng 10 năm 1968. Một buổi chiều tôi từ Tam Kỳ chạy chiếc xe Suzuki ra Đà Nẵng, vào Bộ Tư Lệnh QĐI và QK1 để trình diện nhập ngũ. Lòng tôi rất vui vì tôi đã thi đậu vào trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, một quân trường mới mở đâu được khoảng 2 năm. Đã có Khóa 1 đang theo học, sắp ra trường...Tôi thi đậu vào Khóa 2, mà trong các lời quảng cáo trên báo chí, các poster dán khắp nơi là trường sẽ đào tạo những sĩ quan văn võ song toàn, sẽ là những kỹ sư tâm hồn. Tôi thích chí, làm đơn thi vào và đã trúng tuyển. Theo suy nghĩ, tôi sẽ vào đây học trong hai năm...Hai năm là một thời gian tạm cho là dài, để có thể thay đổi tình hình chính trị, quân sự trong ván bài Việt Nam. Biết đâu hai năm sẽ hết chiến tranh, hai năm ra trường tôi sẽ về một đơn vị không tác chiến, như làm ở các văn phòng, các đơn vị CTCT. Đầu óc tôi đã trải qua những đêm dài không ngủ vì chuyện đi lính này. Bây giờ thì tạm ổn trong 2 năm.

Trước đó, tôi đã loay hoay tính toán cho cuộc đời mình. Nghĩa là sau khi đậu tú tài 2, được cha mẹ cho vào Sài Gòn học Đại Học, tôi luôn luôn suy nghĩ đến tương lai mình.

Ai không muốn tương lai mình, với tuổi trẻ mình, đạt được hoài bảo, như là thi đậu vào một trường Đại Học Sư Phạm, ra trường sẽ đi dạy ở một trường trung học nào đó. Chuyện đứng trên bục để giảng cho học sinh nghe về những điều mình học được, về văn chương, chữ nghĩa, thì  thú vị biết bao. Tôi cũng từng mơ thi vào một trường Y khoa, Nha khoa, để ra trường trở thành một bác sĩ, nha sĩ. Nếu có đi lính thì cũng được làm ở hậu phương, ở các bịnh viện quân đội. Hay thi vào trường Quốc gia Hành Chánh để học khóa Đốc sự, ra phục vụ trong chính quyền, tệ nhất là phó quận hay trưởng ty...Tất cả những mơ ước đó đã vượt khỏi tầm tay tôi. Lý do chính là thi vào các trường đó, ngành đó, thí sinh thi vào rất đông và tiêu chuẩn lấy vào rất ít. Hình như Y khoa chỉ thâu vào khoảng 20, 30 ngươi cho một năm. Đại Học Sư Phạm cũng vây. Quốc Gia Hành Chánh ban Đốc sự 4 năm, cũng chỉ lấy vào 25 hay 30 thí sinh/năm. Niên khóa 1966, tôi thi vào Nha khoa, với hy vọng mơ hồ...Vì trình độ ngoại ngữ yếu nên tôi rớt là chuyện bình thường. Quốc gia hành chánh và Đại Học Sư phạm, tôi không thi, nhưng tôi nghĩ, có thi vào cũng khó mà đậu, vì sĩ số thí sinh lấy vào quá ít, với lại tình trạng con ông cháu cha, thí sinh có thân có thế, con nhà giàu có lắm tiền nhiều bạc, có thể "chạy" cho con cái họ vào các trường ấy, cũng chiếm một số, nên bản thân tôi, một học sinh nhà quê, mới bước chân vào đại học, học lực chỉ vào hạng khá thôi, thì chắc chắn là không chen chân vào những trường danh giá đó được.

Học đại học ở Sài Gòn, tôi vừa đi học vừa đi dạy kèm cho các gia đình có con em cần học thêm ở nhà. Trước tiên tôi ghi danh ở Đại học khoa học, khoa MPC (Toán Lý Hóa). Học đâu được khoảng 3 tháng, tôi thấy tôi không thể tiếp tục theo học được, vì quá khó, dù tôi đậu tú tài 2 ban B (Toán). Nhưng tự lượng sức mình, tôi bỏ. Tôi nhảy qua ghi danh bên trường Luật.

Học ở trường Luật, ở đường Duy Tân (sau này mới có bản nhạc Trả Lại Em Yêu của Phạm Duy, con đường Duy Tân cây dài bóng mát, coi như là một con đường tình sử của những cặp trai gái yêu nhau). Khi tôi học niên khóa 1966, trường luật khuấy động bởi những cuộc biểu tình, bãi trường, bãi khóa, và cuộc tranh dành trong cuộc bầu cử Ban Đại Diện Đại Học Luật Khoa. Tôi là người bàng quang, chỉ lo đời sống của mình, với chiếc xe đạp cọc cạch, đạp xe từ Hòa Hưng đến giảng đường trường Luật, với những buổi chiều các giáo sư thường dạy buổi chiều từ 4 - 6 giờ. Sau khi bãi lớp, tôi phải đạp từ trường luật về đến ngã ba ông Tạ, chạy xe vào đường Thánh Mẫu, dạy kèm cho 2 cô con gái một vị giáo sư...mà tôi không biết tên. Hai cô gái khoảng 11, 12, 13 tuổi. Cô chị lớn hơn cô em chút. Cô chị thì tính tình hiền lành, dễ thương. Còn cô em thì giọng nói gắt gõng, chát chúa, mất đi tính ngây thơ của một cô bé học trò trung học đệ nhất cấp (khoảng đệ thất hay đệ lục).

Thêm một thời gian nữa, hình như khoảng đâu 6 hay 9 tháng, tôi thấy sống và đi học ở Sài gòn thấy linh đinh quá, nhiều lúc phải đi dạy kèm tốn nhiều thì giờ, cho nên có người bạn mách nước là Bộ Giáo Dục đang tuyển giáo sư dạy giờ ở các tỉnh miền trung, tôi bèn nộp đơn xin đi dạy. Khoảng 3 tháng sau, tôi nhận được sứ vụ lệnh của Bộ Quốc Gia Giáo dục về dạy tại trường Mộ Đức, Quảng Ngãi. Tôi bèn mua vé máy bay về Quảng Ngãi, và đây là bước đầu tôi làm một thầy giáo quận lỵ. Mộ Đức là một quận nằm phía trong thị xã Quảng Ngãi khoảng 20 cây số...Đây là một quận "nửa nạc nửa mỡ", có nhiều xã ban ngày quốc gia ban đêm cộng sản.

Tôi được thầy hiệu trưởng trường này là anh Lê Hữu Quả, tốt nghiệp viện Hán học Huế, cho dạy khoảng 40 giờ một tuần, vì một trường quận, đang ở trong tình trạng chiến tranh, thiếu giáo sư nghiêm trọng, nên tôi bao thầu. Nhưng giáo sư dạy giờ, phải dạy khoảng 2, 3 tháng mới kê khai giờ dạy, rồi cũng khoảng một tháng nữa mới được lãnh lương, nghĩa là từ ngày bắt đầu dạy đến lúc lãnh được lương cũng, 3, 4 tháng. Nhưng rồi cái gì cũng qua đi. Dạy ở đây thật là vui. trường mới mở đến lớp đệ ngũ, nhưng các em đã lớn sộ, vì học trò nhà quê đi học trễ. 

Dạy học ở trung học Mộ Đức, tôi buổi sáng vào trường dạy, và tối thì chạy xe về thị xã Quảng Ngãi ngủ. Tôi xin giáo sư Lê Hữu Quả, ở chung nhà trọ với anh, và chia sẻ với anh tiền thuê phòng. Cứ như vậy khoảng một năm trôi qua. Tôi biết được chiến tranh trong những buổi sáng đi vào trường dạy, phải đợi cho toán lính Mỹ rà mìn xong mới cho xe các loại lưu thông, những lúc ấy tôi thấy chiến tranh gần kề mình quá, như khi đi trên đường, thấy những chiếc xe nhà binh, hay xe đò bị mìn nổ hất tung lên, xe bị cháy đen, còn người thì không biết thế nào. Vì chứng kiến những chuyện như vậy nên tôi lo sợ về chuyện đi đi về mỗi ngày của mình, cho nên tôi cùng với một anh bạn giáo viên tiểu học là anh Lê Văn Thí, thuê một căn nhà tranh nhỏ của một phụ huynh của một học trò trong trưởng, nhờ vị phụ huynh này nấu cơm luôn cho chúng tôi ăn. Đây là những ngày bình an nhất của tôi khi đi dạy ở trường trung học Mộ Đức.

Nhưng đến Tết năm đó, tôi chuẩn bị tổ chức một bữa tiệc cho các em học sinh lớp đệ ngũ do tôi làm cố vấn, tôi cho tiền mua kẹo, bánh ngọt, nước ngọt cho các em liên hoan. Nhưng ở một nơi toàn lính tráng như vậy, giữa buổi liên hoan, có một anh lính nghĩa quân say rượu, vào sân trường la lối, hăm dọa các giáo sư, nên tôi đành cho giải tán buổi liên hoan, và vào dịp tết, tôi lại được thêm một sự vụ lệnh, cho tôi về trường Lý Tín, Quảng Tín, dạy. Nên tôi suy nghĩ, và (lòng tham), tôi liền dạy hai nơi, một trường Mộ Đức, (khoảng 35 giờ/tuần) dạy buổi sáng đến khoảng 11 giờ sáng là tôi chạy xe ra Lý Tín dạy buổi chiều, từ khoảng 2 giờ đến 6 giờ chiều. Như vậy tôi dạy hai nơi khoảng 30 giờ/tuần. Tổng cộng tôi dạy khoảng 65 đến 70 giờ một tuần. "Cày" như vậy khoảng 2 tháng, thì tôi đuối sức, chạy xe từ Mộ Đức ra Lý Tín khoảng 50 cây số, quá vất vã, nhất là lúc đó, hãng thầy RMK đang thầu làm đường quốc lộ 1, nên đường sá bị đào lên, toàn đá, nên tôi nghỉ dạy ở Mộ Đức luôn.

 

Trần Yên Hòa

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...