Thứ Ba, 30 tháng 4, 2024

Sài Gòn, Những Ngày Cuối Tháng Tư - Nguyễn Hoài Nam

 

Fall of Saigon - Wikipedia

Bức ảnh lịch sử của phóng viên người Hà Lan Hubert Van Es.

1.     Phía Sau Bức Ảnh Lịch Sử

Sáng sớm ngày 29/4, đích thân đại sứ Mỹ ra sân bay giữa tiếng nổ "ầm ầm" của đạn pháo để chắc chắn rằng không thể di tản bằng đường hàng không được nữa. Tới 10:48 trưa, khi không còn có thể chần chừ thêm được nữa, ông liên lạc về Mỹ xin khởi động "Chiến Dịch Cơn Gió Lốc" (Operation Frequent Wind). Chỉ 3 phút sau, đề nghị nhanh chóng được chấp thuận. Giai điệu bài hát "White Christmas" vang lên trên sóng đài phát thanh quân đội Hoa Kỳ. Cuộc di tản bằng trực thăng lớn nhất trong lịch sử loài người chính thức bắt đầu. Những người nghe hiệu lệnh này bao gồm người Mỹ, người nước ngoài, và những người Việt được lựa chọn, phải ngay lập tức tập trung tại 1 trong 28 điểm tập trung đã định khắp thành phố. Tại đây, các chuyến xe bus theo 4 tuyến đường khác nhau sẽ đưa họ đến văn phòng Tùy Viên Quân Sự Hoa Kỳ (DAO) cạnh sân bay. Từ căn cứ này, trực thăng sẽ chở người di tản ra các tàu của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ đợi sẵn ở ngoài khơi biển Vũng Tàu.

<!>

Thế nhưng, chẳng mấy chốc, mọi việc trở nên hỗn loạn. Số người muốn di tản quá nhiều, đến mức mà các chuyến xe bus và trực thăng chỉ như muối bỏ biển. Cái “hiệu lệnh bí mật” là bài hát White Chrismas kia được rỉ tai nhau đến mức dường như cả thành phố đều biết. Người ta đổ dồn đến các điểm chờ xe bus, các tòa nhà cao tầng nơi có điểm đỗ trực thăng, các bến tàu trên sông Sài Gòn, và đặc biệt là bủa vây tòa đại sứ, hòng mong chen lấn được một chỗ để ra đi.

Phi công Coalson, người đã bay một mình liên tục hơn 10 tiếng đồng hồ hôm đó kể lại “bạn phải để ý cánh quạt phía sau, phòng trường hợp có ai đó không biết chẳng may đi vào”. Khó nhất là khi cất cánh, vì luồng người vẫn trèo lên trực thằng không ngừng nghỉ. “Bạn phải bay lên thật từ từ chậm rãi, và dòng người sẽ nhận ra và tự ngắt”. Cũng có những người vẫn cố bám lấy càng máy bay dù biết nó đang cất cánh, và phi công chỉ còn cách lắc trực thăng cho đến khi họ buông ra. Cứ như vậy, các phi công bay đi bay lại liên tục không nghỉ trong tình trạng đói mệt và căng thẳng tột cùng. Trời tối dần, bắt đầu có mưa và sấm chớp, tầm nhìn giảm, các nóc nhà thì tối thui. Ở phía dưới, thỉnh thoảng súng lại nổ đì đùng. Tới 9 giờ tối thì các chuyến bay đón người từ các nóc nhà dừng lại. Từ sau đó, việc di tản chỉ còn tập trung ở tòa đại sứ.

Sự thực thì bức ảnhcủa phóng viên người Hà Lan Hubert Van Es không phải là tòa đại sứ mà là tòa nhà Pittman ở số 22 Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng), nơi ở của phó chi nhánh CIA.

Hubert Van Es mất năm 2009, khi ông 67 tuổi tại Hồng Kông.

Đại sứ Graham Martin là người có vai trò then chốt trong việc quyết định cách thức, thời gian, và danh sách người di tản. Vị đại sứ đã luôn nấn ná, bởi chính ông là người từ sau hiệp định Paris đã nhiều lần lên tiếng trấn an giới chức Sài Gòn rằng Mỹ sẽ không để yên nếu quân miền Bắc đe dọa chế độ. Mà có lẽ chính ông cũng tin vào cái điều không thể xảy ra đó. Ông đã đặt hy vọng vào phòng tuyến Xuân Lộc. Rồi ông lại hy vọng rằng phút cuối Mỹ sẽ can thiệp thế nào đó, để có thể đạt được giải pháp chính trị giữ quân giải phóng ở lại bên ngoài Sài Gòn. Ông ngăn cản một cách quyết liệt bất kỳ hoạt động nào có thể khiến người dân nghi ngờ là người Mỹ sẽ bỏ đi. Không cho dọn chướng ngại vật và vẽ chữ H cho trực thăng đỗ trên các nóc nhà. Không cho chặt cây me trong sân tòa đại sứ để dọn chỗ làm bãi đỗ trực thăng. Không cho lập danh sách đầy đủ những người Việt cần di tản. Ông sợ Sài Gòn sẽ loạn nếu biết người Mỹ chuẩn bị bỏ đi.

Martin đã luôn muốn ra đi đàng hoàng, giữ thể diện cho nước Mỹ. Và cho cả cá nhân ông nữa. Ông mong mỏi chính quyền Mỹ giữ những lời hứa mà ông đã thay mặt họ phát ngôn. Nhưng chẳng ích gì. Nếu quyết định di tản được chuẩn bị cẩn thận và đưa ra sớm hơn có lẽ còn giữ được chút ít thể diện hơn.

Khi bị ép buộc lên trực thăng rời tòa đại sứ, ra đến tàu chỉ huy USS Blue Ridge, ông đã cố gắng nài nỉ thêm các chuyến bay mới để đón tất cả những người còn lại, nhưng không thành công.

 

   

Đại sứ Martin mỏi mệt trả lời phóng viên trên tàu USS Blue Ridge

 

Trước khi làm đại sứ ở Việt Nam, Martin có thời gian làm đại sứ ở Thái Lan và Ý. Trong thời gian ở Thái Lan, con nuôi ông, trung úy Glenn Dill Mann chết trên chiến trường Việt Nam, năm 1965. Sau này về Mỹ, ông làm trợ lý cho ngoại trưởng Henry Kissinger một thời gian, rồi nghỉ hưu năm 1977. Martin mất năm 1990 ở tuổi 77.

2.     Là Những Gì Lịch Sử Ghi Lại

Hình ảnh người lính VNCH và phóng viên phương Tây tại cầu Tân Cảng

           

Cũng cùng thời gian cho cuộc di tản theo Chiến Dịch Cơn Gió Lốc, ngày 29 tháng 4, 1975 tại cầu Tân Cảng cửa ngõ chính để tiến vào Sài Gòn lực lượng quân lực Viêt Nam Cộng Hòa (với sự có mặt của nhiều nhà báo phương Tây) đang chiến đấu mãnh liệt để chận đứng nhiều mũi tấn công của việt cộng (bức ảnh trên do một phóng viên của AP chụp được). Họ đâu biết được rằng cuộc chiến đã kết thúc, không phải bằng lòng yêu nước, yêu quê hương dân tộc mà bằng sự “phủi tay” và “phản bội” của người bạn đồng minh Hoa Kỳ. Là biểu tượng của lý tưởng dân chủ, tự do và nhân bản cho cuộc chiến tranh bảo vệ của những người lính miền Nam Việt Nam trong suốt hơn 20 năm từ ngày đất nước chia cắt 1954, cùng với làn sóng người di cư từ miền Bắc.

 

           

                     Hình ảnh người lính VNCH dìu đồng đội bị trọng thương

 

            Hình ảnh luôn là những gì mà ngôn ngữ không thể nói lên, diễn tả và đôi khi bất lực trước hiện thực. Chúng ta không thể cầm được xúc cảm, nước mắt khi nhìn thấy hình ảnh người lính trong cuộc chiến tranh mà họ đã và đang hy sinh để bảo vệ cho quê hương đất nước; và gần gũi hơn, trân trọng hơn là đồng đội, đồng bào của mình. Họ nghĩ gì cho chính họ hay cho ngày mai của chính mình? Chắc chắn là không. Lịch sử không phải là những trang sách bụi bám nằm trong những kệ sách của thư viện mà phải được vinh danh, nhắc nhở trong bất cứ giai đoạn nào mà chúng ta có thể. Giá trị của lịch sử không phải là “đúng hay sai” mà những gì đã xảy ra trong một giai đoạn phát triển của đất nước, của nhân loại mà không bất cứ ai có thể nhân danh để phủ nhận.

            Dưới đây sẽ là một số biến cố lịch sử đã được ghi nhận lại bằng hình ảnh của các nhân chứng, phóng viên trong và ngoài nước có mặt tại hiện trường.

 

                                   Hình ảnh cuộc di tản hỗn loạn tại Pleiku

 

 

 

          Hình ảnh dân chúng di tản trật tự dưới sự bảo vệ của người lính VNCH tại Vũng Tàu

 

           

          Hình ảnh đồng bào chạy lọa tại ngả ba Dầu Dây, Long Khánh

 

                              Hình ảnh cảnh di tản tại bến Bạch Đằng, Sài Gòn

 

            Ngày 30 tháng 4, 1975 cuộc chiến tranh không khép lại mà mở ra một giai đoạn lịch sử khác của dân tộc Việt nam:

 

            Hình ảnh thuyền nhân Việt Nam đi tìm tự do sau ngày 30 tháng 4, 1975

 

Bốn triệu người Việt đang sinh sống cùng khắp trên toàn cầu. Họ đã, đang và sẽ đóng góp tài năng, trí tuệ và công sức cho sự phát triển của nhân loại và ngay cả quê hương mình.  Những thành tựu không thể chối cải này không phải tự nhiên mà xảy ra, tự nhiên mà có. Tất cả đã hình thành bằng những gì đã xảy ra trong một giai đoạn lịch sử của dân tộc Viêt Nam chúng ta, ngày 30 tháng 4 năm 1975. Hãy nhìn lại và trong mỗi chúng ta, dù bất cứ ở đâu nơi nào, thắp lên một nén hương lòng để tưởng nhớ những người đã hy sinh, nằm xuống cho những ngày tháng không quên trong dòng lịch sử chúng ta.

 

 

Tháng Tư trong nỗi nhớ,

Nguyễn Hoài Nam

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...