Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

30 THÁNG TƯ: NGƯỜI LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA, BÂY GIỜ ANH Ở ĐÂU? - Hồ Như


 

Ngày ba mươi tháng Tư. Chính xác là ngày ba mươi tháng Tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm. Bốn mươi chín năm về trước. Một ngày thay đổi lịch sử và vận mạng của nhiều người, nhiều nhất là những người Việt. Một bên thắng, một bên bại. Đa số bên bại chịu nhiều thiệt thòi, mất mát, nhưng có lẽ không có thành phần nào chịu nhiều mất mát như những người lính Cộng Hòa, người lính Việt của miền Nam. Ngoài mất mát Tổ quốc, tự do, thậm chí phải tù đày, họ phải mang nỗi nhục của người bại trận, nỗi nhục như chiếc bóng đeo đuổi, thoạt tiên có thể là nơi ẩn trốn, rồi dần dà là khoảng tối che khuất, xóa nhòa.

<!>

Cần phải nhắc lại là người lính Cộng Hòa đã bị đặt vào thế bại trận trước ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, khi đồng minh Mỹ bắt đầu hòa đàm riêng với miền Bắc ở Paris, chính thức xác nhận điều chính quyền Mỹ, truyền thông Mỹ và dư luận Mỹ vẫn hằng ngầm ý, rằng trong cuộc chiến Việt Nam hai phe chính là Mỹ và Bắc Việt. Khi Hiệp ước Paris được ký năm 1972 thì sự bại trận đã thành giấy trắng mực đen, không hẳn vì phe “địch” thắng, mà do đồng minh của “ta” muốn lui trong một danh dự phản trắc. Từ Hiệp định Paris cho đến ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, người lính Cộng Hòa tiếp tục đổ máu trong cuộc chiến tuyệt vọng, nhưng giữ lại danh vị chiến sĩ của mình. Sau ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, họ bị dồn hết vào hai chữ “đáng thương”, vì họ bị đồng minh và chính quyền của họ bỏ rơi, vì họ phải nói những lời thú tội bắt buộc, vì họ phải vào tù, vì họ phải trốn ra nước ngoài, vì họ là những chiến sĩ đã quy hàng (tuy rằng quyết định quy hàng không phải là lựa chọn của chính họ), và trên hết, vì họ dần dà bị bỏ quên.

Đã đành rằng người lính Cộng Hòa đã không còn tồn tại từ ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, nhưng lẽ ra họ vẫn còn trong ký ức, trong lịch sử, trong sáng tác? Đáng tiếc thay, cho đến nay, những tác phẩm viết về họ không gây được bao nhiêu tiếng vang. Trong những tác phẩm được biết đến rộng rãi hơn, họ chỉ được đóng vai phụ. Trong nước, nơi tự do có định nghĩa rất hẹp, dĩ nhiên họ đóng vai phụ, và vai ác. Ngoài nước, họ cũng đóng vai phụ, nổi bật nhất có lẽ trong bộ phim tài liệu The Vietnam War (Geoffrey C. Ward, Ken Burns và Lynn Novick) và tác phẩm The Sympathizer (Việt Thanh Nguyễn). Với The Vietnam War, một tác phẩm Mỹ mang một tầm nhìn của người Mỹ, vai chính phải là Mỹ. The Sympathizer, viết bởi một tác giả sinh ra ở miền Nam trước ngày ba mươi tháng Tư năm 1975, một trong những người Việt lưu vong hải ngoại, cũng đẩy người lính Cộng Hòa vào vai phụ. Trên phương diện thực tế, một tác phẩm viết bằng tiếng Anh (như thế đã loại trừ đa số độc giả lính Cộng Hòa và thế hệ đồng thời với lính Cộng Hòa), viết cho độc giả Mỹ, vai chính là người của miền Bắc (một trong hai phe chính trong cuộc chiến Việt Nam) rõ ràng là một quyết đinh “ăn khách”. Thêm vào một số vai phụ lính Cộng Hòa, cuộc đời ly kỳ của một gián điệp hai dòng máu, những tròng tréo của cuộc chiến anh em có người ngoài giật dây, tác phẩm được chú ý, đoạt nhiều giải thưởng, bao gồm giải Pulitzer 2016.

Người lính Cộng Hòa, trong thế “giả vờ” (“ngụy” theo miền Bắc) và phụ tá (theo Mỹ), hẳn không phải là một lựa chọn thu hút (sexy) cho vai chính. Nói thẳng thừng, kẻ bại trận mấy khi được nhớ đến? Vì thế, họ cần một tài năng và ý muốn soi chiếu tất cả những góc độ, sắc màu xấu đẹp, những hỷ nộ ái ố, cuộc chiến đấu thất bại của họ, tóm lại một cuộc đời thường, thậm chí tầm thường, của một con người. Như Don Quixote của Miguel Cervantes, như Paul Baumer của Erich Maria Remarque, như Ivan Denisovich của Aleksandr Solzhenitsyn.

Ngày ba mươi tháng Tư năm nay, người lính Cộng Hòa trẻ nhất khi miền Nam sụp đổ đã trên sáu mươi, đúng hơn là gần bảy mươi. Với đa số dân chúng Việt thuộc những thế hệ sau 1975, trong và ngoài nước, cuộc chiến Việt Nam chỉ còn là thứ bất liên can, câu chuyện kể, hay đề tài trong lớp học. The Sympathizer đang được chuyển thành phim bộ (HBO), còn người lính Cộng Hòa vẫn phải chờ được chọn làm vai chính của một tác phẩm có tầm cỡ. Trong lúc dấu vết của họ chưa phai nhạt hẳn, có lẽ cần phải kêu gọi: người lính Việt Nam Cộng Hòa, bây giờ anh ở đâu? (1)

04/2024

Hồ Như

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...