Thứ Năm, 11 tháng 4, 2024

Tháng ngày "lính lác" (tiếp) - Trần Yên Hòa

Đường Quang Trung Nắng Đổ - Chu Kim Long

 

Dẫn 2.

 

Đó cũng là những ngày Tết Mậu Thân 1968. Tết Mậu Thân, tôi vê Tam Kỳ ăn Tết với cha mẹ. Lúc này cha mẹ tôi đã tản cư từ Quán Rường xuống Tam Kỳ. Cha mẹ xin dượng Liệu, ở Kỳ Hương, một người bà con xa với mẹ tôi, một khoảnh đất nhỏ sau vườn nhà dượng, cùng cậu Tiến (em trai mẹ) làm cái nhà tranh nhỏ để có chỗ tạm trú cho gia đình. Cái nhà nhỏ làm chung, nhưng chia làm hai bằng tấm vách bằng tấm cót tre. Cậu Tiến tôi lúc này đang làm xã trưởng xã Kỳ Mỹ, nên buổi sáng cậu về quê làm việc, buổi tối, cậu và các con trai cậu về đây ngủ.

 <!>

Tết Mậu Thân, 1968), tôi về ở đây, và trong đêm mùng một, nghe đạn bắn tứ tung, từ tiểu khu Quảng Tín, từ Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 6 BB, không biết địch tấn công ở đâu, mà từ nhà cha mẹ tôi, đạn bắn như sát sạt. Mẹ tôi hoảng quá, ra ngoài chạy lung tung, khiến tôi sợ quá, phải ra dẫn mẹ tôi vô nhà.

Lúc đó tôi thấy chiến tranh thật quá gần kề.

Cũng nửa tháng sau, tôi vào lại Quảng Ngãi để thăm lại trường cũ. Tôi chưa vào Mộ Đức, vì tình hình nghe nói trong đó còn lộn xộn. Tôi ghé thăm nhà trọ cũ của thầy hiệu trưởng Lê Hữu Quả, thì nghe tin, dịp Tết này, thầy Quả về Huế ăn Tết, đã bị bắt và vì là công chức (dù là giáo chức) thầy Quả bị giết trong một số đông, bị giết trong dịp này. Tôi nghe mà thương cảm cho thầy. Thiệt tình thầy Quả tốt với tôi, đã giúp đỡ tôi tận tình những ngày đầu tiên tôi về dạy học ở Mộ Đức. Thầy lại mới cưới vợ đâu được ba, bốn tháng gì đó.

Nghe tin thầy Quả mất, tôi buồn vô cùng. Thấy mình không có duyên với xứ Quảng Ngãi, nên tôi quyết định nghỉ dạy luôn ở Mộ Đức, chỉ dạy ở trường Lý Tín thôi.

Lý Tín là quận lỵ mới mở sau này, khi tỉnh Quảng Nam cắt từ quận Thăng Bình trở vào trong, là tỉnh Quảng Tín. Các cấp chính quyền thấy quận Tam Kỳ quá rộng, nên bèn cắt đôi ra, từ xã Kỳ Hưng trở vô trong là quận Lý Tín.

Quận Lý Tín có quận đường và Bộ Chỉ Huy Chi Khu đóng ở xã Kỳ Khương. Phía trong quận đường là trường trung học công lập Lý Tín. Khi tôi về dạy ở đây, trường mới mở đến lớp đệ ngũ.

Ngôi trường mới thành lập được hai, ba năm gì đó. Hiệu trưởng là thầy Tôn Thất Khởi. Thầy tốt nghiệp Sư Phạm Quy Nhơn (hay Huế?). Sau vì thầy Khởi có bằng tú tài 2, nên được đưa lên dạy trung học, và thầy được giữ chức vụ hiệu trường (hay quyền hiệu trưởng) gì đó, mà tôi không biết.

Tôi về dạy ở trường trung học Lý Tín cũng rất vui, vì có thầy Tú, dạy Anh Văn, cũng là bạn quen biết khi học ở Tam Kỳ. Thầy Trương Văn Hào, học cùng lớp tôi, khi học ở Trần Cao Vân. Có thêm thầy Nguyễn Viên, quê ở Chiên Đàn, Kỳ Lý, học sinh Nguyễn Dục, Tam Kỳ. Thầy Nguyễn Viên không học chung với tôi, nhưng nhà thầy Viên ở trên đường tôi đi học, nên tôi biết thầy. Về đây, thầy Trương Văn Hào đã có vợ, thầy làm nhà ở riêng, còn lại, tôi, Đặng Hữu Tú, Nguyễn Viên, ở nhà trọ của một phụ huynh học sinh, ăn cơm tháng.

Lý Tín là một quận mới, trước đây, tôi chưa một lần vào nơi nầy. Học trung học Trần Cao Vân 7 năm, tôi cũng chỉ đi loanh trong thành phố Tam Kỳ, ngày hai buổi đi học từ Quán Rường - Tam Kỳ rồi Tam Kỳ - Quán Rường. Chỉ có một lần tôi và Trịnh Tộ, bạn cùng quê, cùng lớp, hồi học tiểu học, rủ nhau đạp xe đạp ra Hà Lam, quận lỵ Thăng Bình chơi. Nhưng, đi như vậy chỉ đến Hà Lam, vào quán cơm ăn trưa, quanh quất, loanh quanh, khoảng 1 tiếng đồng hồ, rồi hai đứa đạp xe về. Chẳng biết gì hơn là những hàng quán bán cơm, bán mì Quảng, bán phở mà thôi.

Bây giờ về dạy trường Lý Tín, tôi biết thêm phía dưới biển là căn cứ Chu Lai (lúc đó mới có tên). Tôi không hiểu Chu Lai có nghĩa là gì. Dĩ nhiên là danh từ riêng. Mỹ đóng quân ở căn cứ Chu Lai rất đông. Thêm trên các ngọn núi phía Tây, lính Mỹ cũng có đóng đồn. Phía ngoài cầu ông Bộ, có một nơi gọi là quán bà Miết, trên đồi có một đồn lính Mỹ đóng, nên dẫn dắt theo một đám "chị em ta" ăn theo. Họ làm các dãy nhà tranh dọc theo quốc lộ một, là nơi ăn chơi của lính Mỹ.

Ở trường trung học Lý Tín, thầy Khởi làm hiệu trưởng, thầy Tú dạy Anh văn. Thầy Khởi có mời một số lính Mỹ đến dạy cho học sinh tiếng Mỹ. Những người lính Mỹ này rất dễ thương, họ đối xử ôn hòa với giáo sư và học sinh. Thường thường mỗi tháng, các người lính Mỹ này đem đến nhiều thùng Ration C, (thực phẩm), cho các giáo sư. Tôi cũng thực buồn lòng và (hơi) xấu hổ khi thấy các giáo sư tranh dành nhau lấy thực phẩm. 

Phía trong trường trung học, qua một cây cầu gọi là cầu An Tân, thuộc xã Kỳ Liên. Đây cũng gọi là An Tân. An Tân là một khu phố ăn chơi của lính Mỹ. Dãy nhà từ ngoài vào, 2 bên, là những nhà gọi là "động", chứa "chị em ta". Chứa công khai, mời gọi công khai. Với thể diện của một vị giáo sư, tôi ít khi giám vào đây, vì đi đâu cũng có thể gặp học trò hoặc phụ huynh học trò. Một quận lỵ nhỏ, làm giáo sư trung học, tôi nghĩ, chắc ai cũng biết mình, nên không giám léo hánh đến chơi những nơi đó.

Lúc này tin về việc, chính phủ ban hành luật Tổng Động Viên, sau Tết Mậu Thân, rất là gắt gao. Thanh niên đến tuổi, có tú tài 1 trở lên, là phải bị động viên đi lính hết. Nên tôi rất lo lắng cho số phận của mình. Vào dạy ở trường, có tin là các giáo sư trung học, có thể được động viên tại chỗ, chỉ đi thụ huấn quân sự 9 tuần, ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, rồi sẽ được trả về dạy học lại. Tin đó thì vui, nhưng tôi không vui tí nào vì tôi chỉ là giáo sư tư nhân dạy giờ, không có tốt nghiệp trường sư phạm nào, không biết có được về dạy lại hay không? Tôi hoang mang quá. Thật sự lúc này tình hình thật xao động, thanh niên cở tuổi tôi, đi đến đâu cũng đều nói đến luật Tổng Động Viên.

Vì sự hoang mang và tính toán đó, nên tôi nghĩ, nếu bị động viên theo giáo chức, đi học quân sự 9 tuần ở Quang Trung, mà mình không được xét, phải qua quân trường Thủ Đức, thì eo ơi! Ra tác chiến như chơi. Với thân cô, thế cô như tôi, thì chuyện ra tác chiến, với cái lon chuẩn úy (quai chảo) trên vai, nắm giữ chức trung đội trưởng, thì chết chắc. Những người bạn cùng quê tôi, như anh Võ Bán, đi sĩ quan địa phương quân, ra trường chuẩn úy, mấy tháng sau thì chết. Một anh nữa là Trần Ngọc Nam, bị động viên đi Thủ Đức trước tôi mấy khóa, ra trường mấy tháng cũng tử trận. Tin buồn diễn ra liên tiếp, sao mà không lo lắng cho được.

Như tôi đã nói trên, vì sự lo lắng, sợ chuyện phải đi lính, nên tôi tính toán phải tìm cách "nhảy". Những người có thân có thế, có tiền có bạc thì có thể "chạy" bằng cách đem sự thân thiết, quen biết với các cấp chỉ huy, rồi bỏ tiền bạc ra "chạy" cho được về đơn vị không tác chiến. Còn tôi không có gì cả, nên tôi có hai cách "nhảy". Cách nhảy thứ nhất, là thi vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, học 4 năm, lúc này cũng đang kêu gọi thi tuyển vào Khóa 25. Và cách nhảy thứ hai, là thi vào trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, học 2 năm.

Vào trường Võ Bị thì học 4 năm, thời gian 4 năm thì ngon ơ, ở trong quân trường 4 năm, tình hình chiến tranh ở VN, có thể thay đổi. Nhưng tôi biết chắc, là học ở Võ Bị ra trường, chắc 100% là đi tác chiến, là đi đánh nhau, chữ "thọ" cũng không chắc lắm, dù có được lên lon cao, lên chức cao, nhưng cũng trầy vi tróc vãy. Sống sót như hột gạo trên sàng. Dù biết vậy, nhưng tôi cũng "bắt cá hai tay", tôi nộp đơn thi vào  cả 2 trường.

"Nhảy" vào trường Đại học Chiến Tranh Chính Trị, chỉ học hai năm, nhưng nghe sơ qua danh xưng trường cũng hấp dẫn tôi hơn. Tôi lúc này chỉ hiểu biết sơ sài là trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, nôm na là trường sẽ đào tạo những sĩ quan ra cầm cương về chính trị, đánh giặc bằng mồm (nói) hay bằng viết lách (sách vở lý thuyết), trong quân đội. Tôi cũng nghĩ thêm, theo ý tôi, là tốt nghiệp trường này như là, văn trong võ. Lính là võ, nhưng Chiến Tranh Chính Trị là Văn.

Đề thi hai bên, trường Võ Bị và Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, tôi đều làm được cả, nghĩa là theo suy đoán của tôi là trên 70%. Dù sĩ số lấy vào mỗi bên khoảng 200, nhưng tôi rất hy vọng. Kết quả bên trường Võ Bị tôi chưa biết, thì tôi được thông báo là đậu vào Trường Đại Học Chiến Tranh Chính Trị, nên tôi "hồ hởi, phấn khởi" đi trình diện nhập ngũ như đã kể trên.

Hồ hởi phấn khởi nói thì nói cho vui thế thôi, chứ tôi không phải là người thanh niên hào hùng như trong các bản nhạc của các nhạc sĩ mà sau này tôi biết, chỉ là người ở hậu phương an lành, viết ra những bản nhạc như "người ơi quan hà xin cạn chén ly bôi, ngày mai, tôi ra ra đi rồi..." Rồi mong chiến thắng "Giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu"...hay rẻ tiền hơn là "đi quân dịch là thương nòi giống."

Tôi cũng xin cá cược là có những ai, khi bước chân vào đời, học giỏi, có thể thi đậu vào những trường "danh giá" như Y, Nha, Dược, hay các ngành Kỹ sư Phú Thọ, hay Quốc gia Hành Chánh, Đại Học Sư Phạm, mà bỏ nhưng nơi đó để vào Thủ Đức để làm người hùng "trong đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu" thì tôi phải phục là "thánh".

Trong những người bạn học cùng thời với tôi, một số đi Võ bị Đà Lạt. Khóa 23 có Trần Ngọc Kỵ, Nguyễn Ngọc Huẩn. Huẩn ra trường, tử trận sau đó một thời gian ngắn, Trần Ngọc Kỵ, xin về học Kỹ Sư Công Binh, được cấp trên chuẩn thuận, nhưng trong cuộc hành quân sau cùng, Kỵ đã tử trận. Khóa 24 có Dương Quang Quyền, bình an. Khóa 25, có Võ Văn Lê, Lê Văn Lương, Nguyễn Triệu Hoàng. Lương được về làm ở BCH/Trung đoàn. Mất sau 75. Nguyễn Triệu Hoàng bị thương cụt chân, sau 1975 cũng mất, chỉ còn Võ Văn Lê, bị thương. Hiện ở San Jose.

Trong lúc đó, một số anh em, bạn bè, dù có bằng Tú tài 1 hay Tú Tài hai, cũng xin vào nghĩa quân thị xã để được an thân (lính kiểng). Một số vào Xây dựng Nông Thôn để được ở gần nhà. Những bạn học giỏi, xuất sắc đều thoát qua cuộc chiến, khi thi đậu vào trường Kỹ thuật Phú Thọ, xin hoản dịch vì lý do học vấn từng năm...cũng thoát qua "truông" quân đội.

 

Trần Yên Hòa

(còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét