Năm 1980 tôi được “xả chế”, nhớ mẹ quá chừng mà không có tiền về thăm, tôi bán hai quyển sách cho mấy người buôn sách củ trên đường Cách Mang Tháng Tám (Lê văn Duyệt). Một cuốn là Chiến Hữu của E.M Remarque, một cuốn Nạn Nhân Buổi Giao Thời của Pearl Buck được ba chục đồng. Tôi mượn thằng bạn thân hai chục đồng, chị hai gởi ba chục đồng là tám chục đồng. Cuối năm đó tôi mua vé tàu lửa về quê thăm mẹ. Biết là không đủ tiền cho chuyến đi và về, nhưng cứ về gặp mẹ rồi hãy tính sau.
<!>
Bốn giờ sáng vợ chở xuống ga Bình Triệu mua vé tàu nhanh để về Đà Nẵng. Tàu nhanh chạy ba đoạn: Từ ga Bình Triệu ra Nha Trang, Nha Trang ra Quy Nhơn và Quy Nhơn ra Đà Nẳng. Nói là tàu nhanh nhưng chạy chậm như rùa, cũng ngừng những ga nhỏ để đón khách và chở hàng hóa.
Lấn vào sắp hàng mua được tấm vé rất trần ai, vì cuối năm bà con trở về quê quán ăn tết và người đi buôn hàng chuyến từ Sài Gòn ra miền trung tấp nập…Mua được vé rồi mà lên tàu tìm chỗ ngồi lại càng khó hơn, vì trên ghế ngồi, lối đi chất đầy hàng hóa. Có lẽ kiểm soát viên trên tàu và những người đi buôn ăn chia nên những người đi buôn xem thường hành khách, chỗ nào trống là chất hàng. Tàu chạy khoảng mười phút thì những hàng hóa để trên ghế được sắp xếp vào dưới ghế nên hành khách có chỗ ngồi.
Lo lắng cho chuyên đi, và gặp mẹ sau bao năm xa cách nên cả đêm tôi không ngủ được. Lên tàu vợ dặn cố gắng ngủ cho lại sức. Có chỗ ngồi, tôi cố dổ giấc ngủ, mỗi lần thiu thiu là khách bỏ hàng lên xuống ồn ào như chợ chiều ba mươi tết.
Tàu chạy đến tám giờ tối mới đến Nha Trang. Những hành khách đi tiếp về Quy Nhơn hay Đà Nẵng ngủ tại ga để ngày mai mua vé sớm tiếp tục cuộc hành trình. Tôi tìm một góc vắng dựa vào tường, xắc tay mang theo ôm trước ngực, hành lý mang theo không có gì quý giá nên chẳng sợ bị đánh cắp. Tôi ngủ được một giấc thì giựt mình thức dậy vì hành khách đã sắp hàng mua vé. Tôi cũng sắp hàng và mua được vé. Đúng bảy giờ sáng tàu khởi hành. Tàu từ Nha Trang chạy ra Quy Nhơn ít người đi buôn nên không ồn ào như ở ga Bình Triệu. Tôi kéo mũ che mặt và cố ngủ một giấc để lấy lại sức.
Đang lim dim ngủ thì nghe một người hát dạo từ phía cửa trước lên xuống nói thật lớn:
- Kính thưa bà con cô bác, kính chúc cô bác nhiều sức khỏe, thượng lộ bình an, mua may bán đắc, gặp nhiều may mắn. Để giúp vui cho bà con đi đường bớt mệt nhọc, tôi xin trình bày bản nhạc: Tàu Đêm Năm Cũ.
Tôi nhìn lên thì thấy một người thương phế binh cụt hai chân, tóc dài ngang cổ, mặc áo rằn ri biệt động quân, đầu đội mũ đi rừng, ngồi trên một ghế thấp có 4 bánh xe phía dưới. Một thằng bé khỏang mười tuổi đi trước, tay cầm một ca nhựa để xin tiền. Tôi đoán người nầy là thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa.
Giọng ca của anh, trầm, buồn, lưu luyên, tiếng đàn ghita đệm theo điệu bolero rất điêu luyện. Khi anh cất giọng hát: trời đêm dần tàn tôi đến sân ga đưa tiễn người trai lính về ngàn…Cả toa tàu đang ồn ào chuyện trò, bỗng dưng im lặng để nghe. Có lẽ từ ngày 30 tháng tư 1975, Cộng sản chiếm miền Nam, tất cả những sách vở, báo chí… đều bị tịch thu và đốt hết, nhạc vàng của miền nam cấm hát, ai hát sẽ bị bắt. Thay vào là sách của Lenin, Kart Mart, Hồ Chí Minh… và hát nhạc miền Bắc. Bây giờ nghe lại một bảng nhạc xưa do một người thương binh Miền Nam hát gợi lại nhiều kỷ niệm, im lặng lắng nghe và nhớ những lần tiễn đưa cha, anh, chồng, em, đi vào chiến trường…
Tôi nhìn những hành khách trên tàu phần đông là đàn bà. Có nhiều cô gái còn rất trẻ khoảng trên dưới hai lăm, mặt mày sáng sủa, yểu điệu thục nữ nhưng ăn mặc xuề xòa, mộc mạc, trông có vẽ khổ cực lam lủ. Những đôi mắt sáng nhưng có long lanh những buồn phiền…
Khi anh chấm dứt bài hát, bà con bỏ tiền đầy ca nhựa cho thằng bé, anh lết gần đến trước mặt và hỏi tôi:
- Ông thầy mới gở lịch ra phải không?
Tôi biết anh hỏi tôi mới ở tù ra phải không, nhưng tôi giả vờ không hiểu và trả lời anh:
- Có lịch đâu mà gở, tôi về trung thăm gia đình.
- Em đi trên tàu nầy hằng ngày em gặp nhiều người mới ra tù, em đoán là trúng chốc ông thầy ơi!
Tôi thấy anh thương phế bình nầy là người cùng một chiến tuyến không may bị thương tật cụt hai chân, tôi cảm thấy xót xa thương cảm, tôi hỏi lại anh:
- Trước anh binh chủng biệt động quân hả và bị thương ở chiến trường nào?
- Dạ, bị thương năm 1972 mùa hè đỏ lửa, giải tỏa Kontum.
Anh trả lời tôi với giọng buồn và chân thật:
- Em gia nhập vào binh chủng biệt động quân năm 1968, năm 1970 em cưới vợ, vợ em làm thợ may và sinh được đứa con trai. Năm 1972 em bị thương tàn phế, em được hưởng trọn lương và giải ngũ. Năm 1975 mấy ông nội nầy vào cúp hết nên rất khổ cực, vợ bỏ đi lấy chồng khác. Cũng may em có biết đàn và hát nên hai cha con đi hát trên tàu, bến xe, kiếm ăn qua ngày.
- Anh học đàn và hát bao giờ mà đàn hay quá vậy? Tôi hỏi để biết thêm về anh.
- Dạ, em có một thằng bạn cùng đơn vị, nhà ở Sài Gòn, có đi học đàn, buồn chuyện tình nên tình nguyện đi lính biệt động quân, hai đứa ở cùng một trung đội. Mỗi khi về hậu cứ dưỡng quân nó dạy em đàn. Năm 1972 em bị thương cụt hai chân, nó tử trận.
- Con trai anh bây giờ ở đâu?
- Dạ, đi cùng em đó, nó gần mười tuổi rồi, em cụt hai chân, nó giúp em nhiều việc, hai cha con sống đùm bọc lẫn nhau cũng đỡ tủi thân.
- Bây giờ gia đình anh ở đâu? Tôi hỏi để biết thêm hoàn cảnh của anh.
- Dạ, cha mẹ em ở Tuy Hòa, ông bà mất để lại cho em một căn nhà nhỏ, cũng may có chỗ cha con trú ngụ cũng đỡ khổ.
Tôi thấy xót xa vời hoàn cảnh của anh, tôi hỏi tiếp.
- Anh không cho thằng bé đi học sao?
- Đi học làm sao theo em xin tiền cô bác để cha con sống qua ngày. Thời bây giờ không học cũng làm đại úy ông thầy ơi…
Anh nói mắt nhìn về đứa con trai với chiếc áo thun và quần tà lõn đã bạc màu, nón lưởi trai đội ngược, đang đưa ca cho bà con hành khách bỏ tiền vào. Nhìn hai cha con người thương phế binh tôi rất buồn và đau khổ. Chiến tranh đã qua rồi, nhưng để lại những đau thương tan tác cho dân miến Nam, nhất là những người lính Việt Nam Cộng Hòa bị thương tật tàn phế phải lê lết sống qua ngày.
Anh nhìn tôi với đôi mắt đượm buồn và nói:
- Ông thầy cũng như em, thỉnh thoảng nhớ lại những ngày đầu vào lính, em xin hát bài Biệt Kinh Kỳ để tặng ông thầy, hết cơn bỉ cực đến hồi thái lai ông thầy ơi.
Nói xong, những ngón tay phải rảy nhẹ lên những giây đàn đệm nhạc và cất tiếng hát, mắt nhìn xa xăm ngoài cửa sổ toa tàu: “Bạn ơi quan hà xin cạn chắn ly bôi, ngày mai tôi đã khoát chiến y rồi, người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên, giã từ trường yêu với bao bạn hiền, có về là khi nước non vui bình yên…”
Hành khách trên tàu cũng lặng yên lắng nghe, khuôn mặt người nào cũng đượm buồn…Hát xong bảng nhạc anh chào tôi theo kiểu nhà binh và nhìn tôi nói nhỏ :
- Sau cơn mưa trời lại sáng, chào ông thầy em đi kiếm cháo.
Ở tù mới ra, chưa có công ăn việc làm, vợ con còn nheo nhóc, vay mượn được 80 đồng về thăm mẹ già nhưng tôi cũng bấm bụng bỏ vào ca thằng nhỏ 5 đồng và tôi nói với anh:
- Tôi mới ở tù ra, nhưng tôi còn lành lặn hơn anh, hai anh em mình cùng chiến tuyến, tôi biếu anh mấy đồng và để kỷ niệm lần đầu gặp nhau, chúc cha con anh nhiều sức khỏe. Anh cuối đầu cảm ơn tôi và lếch lần qua toa tàu khác.
***
Cha con người thương binh biệt động đi rồi, tôi nhớ lại bài hát Biêt Kinh Kỳ mà anh vừa hát tặng tôi.
Năm 1968 tôi đang học ở Sài Gòn thì thằng bạn ở Đà Nẵng đánh điện vào cho biết tôi đã có lệnh gọi nhập ngũ vì tôi khai lượt giải cá nhân ở nhà Lâm. Nhận được điện tín tôi không buồn cũng không vui vì những năm chiến tranh ác liệt những người bạn từ giáo chức, hành chánh, sinh viên đều gọi nhập ngũ.
Tôi đến Air Việt Nam mua vé về quê thăm cha mẹ và đi trình diện trại nhập ngũ số 1 ở Đà Nẵng cho kịp thời gian đã ấn định trong giấy gọi. Tôi báo tin cho mấy thằng bạn chơi thân ở đường Hòa Hưng: Giang, Châu, Định, Hùng và Henry (lai Pháp bạn bè hay gọi hắn là Henret, vì có hai răng cửa bị sún). Ngày tôi về quê, đêm hôm đó mấy thằng bạn chung tiền mua một két bia 33 và một con gà (tiền gà thằng Henry mua vì nó con lai nên có tiền hơn mấy đứa bạn khác), lên căn gát của nhà Châu nhậu suốt đêm. Bia đổ hết vào một thau lớn, môt cái ly uống xây chừng, con gà trộn với rau răm và củ hành đưa cay.
Vì thằng nào cũng học sinh, sinh viên tửu lượng ít, uống được ba tuần bia thì ngà ngà say.
Thằng Henry ôm đàn ghita hát bài Biệt kinh Kỳ tặng tôi, mấy thằng bạn gõ đủa vào thau bia nhịp theo tiếng đàn và hát theo Henry. Henry xỉn xỉn cứ hát đi hát lại bản nhạc. Hát một đoạn uống xây chừng một tua.
Rồi đây mai ngày ai hỏi đến tên tôi
Bạn ơi! hãy nói "khoác chiến y" rồi
Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên.
Thau bia đã cạn, bạn nào cũng say mềm và lăng ra ngủ khò. Đến sáu giờ sáng tôi giựt mình thức dậy và gọi Henry chở tôi ra phi trường vì 7 giờ 30 máy bay cất cánh. Khi chia tay Henry ngậm ngùi nói:
- Mày vào quân trường tau cũng về Pháp, tau có quốc tịch Pháp bà già sợ chiến tranh lan rộng không yên ổn nên đưa tau đi. Chúc mày thượng lộ binh an, vào quân trường vui khỏe và gặp nhiều may mắn. Sẽ gặp lại nhau…
Henry bắt tay tôi và đi nhanh ra nơi gởi xe, tôi nhìn theo bạn lưu luyến ngậm ngùi…
***
Mãi nhớ chuyện xưa và nhớ bảng nhạc Biệt kinh Kỳ mà Henry hát trong đêm chia tay, nhớ những thằng bạn từ thuở ấu thơ, những ngày sống ở Sài Gòn và những ngày trong quân ngũ, tôi thiếp vào giấc ngủ chập chờn.
Đang lim dim ngủ, một người công an đứng sát ghế ngồi, nhìn thấy công an tôi sợ quá, kéo mũ che mặt ngủ tỉnh bơ như không để ý. Người công an lấy mũ che mặt đập vai tôi và hỏi:
- Ông thầy quên em rồi sao?
- Bây giờ già rồi đầu óc lú lẩn nên chẳng nhớ ai.
- Em là Dũng bóng làm trong phòng siêu tầng số với thượng sĩ Bàu.
Thật sự tôi nhìn lên tôi cũng biết là Dũng bóng làm phòng siêu tần số dưới quyền tôi làm trung tâm trưởng. Nhưng tôi trả lời:
- Dũng hả anh nhớ rồi, em vào ngành công an lâu chưa?
- Em vào ngành công an cũng được bốn năm. Ông thầy vẫn khỏe? Gặp và thấy ông thầy khỏe mạnh em mừng lắm. Em đi kiểm soát trên tàu hằng ngày mà em chưa gặp một người bạn cùng đơn vị, hôm nay em găp ông thầy và thấy ông thầy mạnh khỏe em rất vui. Xin phép ông thầy em đi làm nhiệm vụ, em đợi ông thầy ở ga Quy Nhơn, thầy trò mình nói chuyện nhiều.
Nói xong Dũng đi lần qua toa tàu khác.
***
Đơn vị tôi là một trung tâm truyền tin diện địa đồn trú trong bộ tư lệnh quân đoàn 2. Truyền tin là mạch máu của quân đội, chịu trách nhiệm các đường giây liên lạc, công văn, công điện trong vùng 2 chiến thuật và điện thọai các phòng ban trong bộ tư lệnh và tiểu khu Pleiku…
Trung tâm gồm có các ban: siêu tần số, tổng đài, viển ấn tự, mật mã, điều chỉnh, giai tần đơn, quân xa, máy điện, đường dây cáp điện thoại. Làm việc theo ca, chia làm 3 ca trực ngày và đêm.
Nguyễn Anh Dũng cấp bậc hạ sĩ nhất, độc thân, người hiền lành, nước da trắng trẻo thư sinh, ăn nói nhỏ nhẹ, làm việc chăm chỉ, tới phép thường niên 15 ngày là xin về thăm gia đình. Bạn bè thấy Dũng giống con gái nên gọi Dũng bóng.
Binh chủng truyền tin điều chuẩn an ninh rất kỷ. Sáu tháng là ban an ninh đơn vị gởi giấy điều chuẩn an ninh về địa phương ký xác nhận gia đình, cha mẹ, anh chị em, bà con họ hàng có theo Cộng sản hoặc liên hệ với Cộng sản. Nếu có thì cho làm những công việc không quan trọng hoặc đỗi ra tác chiến. Hồ sơ an ninh của Dũng rất trong sạch không có liên hệ với Cộng sản thế mà sau 1975 lại được vào ngành công an.
Tôi nghĩ Dũng là Việt cộng nằm vùng khai man lý lịch trà trộn vào lính truyền tin chờ cơ hội đặc chất nổ phá hoại trung tâm. Nếu trung tâm mà bị đặc chất nổ hư hỏng là tôi sẽ bị ra tòa án quân sự bị tử hình hoặc ở tù rục xương.
Mãi suy nghĩ tàu đã đến ga Quy Nhơn, tôi bước xuống và đi vào sân ga thì thấy Dũng đứng chờ tôi. Gặp tôi Dũng nói:
- Thiệt tình em gặp lại ông thầy em mừng lắm, bây giờ cũng đã tối rồi, em mời ông thầy đi ăn cơm với em.
Tôi nói với Dũng:
- Bây giờ thầy trò gì nữa, gọi anh em với nhau cho thân mật.
- Ông thầy cho phép em mới giám gọi. Mời anh vào tiệm cơm bên kia đường.
Vào tiệm cơm Dũng gọi hai phần cơm 2 người, hai chai bia. Và Dũng tâm sự:
- Chắc thấy em đi công an anh ngạc nhiên và không thích phải không?
Tôi nói đải đưa với Dũng:
- Anh biết ngành công an phải lý lịch trong sạch, gia đình tham gia cách mạng… mới được tuyển vào. Anh rất mừng cho em.
- Không phải vậy, trường hợp em là khác. Dũng kể:
- Năm 1970 quốc lộ 19 do sư đoàn mảnh hổ Đại Hàn kiểm soát an ninh, mỗi sáng đi mở đường, nếu có du kích Việt Cộng nấp những làng hai bên đường bắn sẻ một người lính chết là tràn vào làng kéo thanh niên, thanh nữ ra bắn hết. Em có một thằng em cũng bị Đại Hàn bắn chết. Năm 1975 mấy ông nầy về, những gia đình có người bị bắn chết được cấp giấy gia đình liệt sĩ.
- Nhờ gia đình liệt sỉ em được vào ngành công an phải không?
- Dạ, đầu năm 1977 ở tỉnh Bịnh Định tuyển công an em lấy giấy gia đình liệt sĩ làm đơn xin vào.
- Anh nghe nói ngành công an kiếm chát cũng khá hả em?
- Dạ, khá lắm, nhưng đối với em là khác. Dù sao em cũng ở trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, có giáo dục nhân bản, thương dân mình bây giờ đang đói khổ, nhất là những vợ của những người lính cùng chiến tuyến với mình, bị đi ở tù, hoặc đi kinh tế mới, em không giám tìm cách bắt chặt những người đi buôn phải đóng huị hằng ngày không biết hàng hóa nhiều hay ít, như những thằng công an ngoài Bắc ăn tàn nhẫn lắm.
- Em không ăn tiền đâu mà nộp lên trên.
Tôi hỏi Dũng để biết thêm về ngành công an mà dân ai cũng ghét.
- Bởi vậy nên em nghèo hơn tụi Bắc kỳ. Chắc em làm một thời gian nữa em xin đổi qua ngành khác, để lấy đức cho vợ con.
Nhắc đến vợ con, tôi hỏi để biết hoàn cảnh Dũng.
- Bây giờ vợ con em đang ở đâu và làm nghề gì?
- Dạ, nhà em ở thành phố nầy. Em cưới vợ năm 1978, nhân viên bán vé tàu ở ga Quy Nhơn và sinh một cháu trai được ba tuổi. Em dành dụm mua được căn nhà nho nhỏ để cho gia đình trú ngụ.
- Như vậy em cũng yên ổn rồi, anh rất mừng cho em.
- Thú thật với anh em cũng không muốn vào ngành nầy nhưng đổi đời không biết làm nghề gì nên phải chấp nhận.
Tôi nói với Dũng:
- Em có ý định chuyển nghành thì rất tốt, giữ phúc đức cho con cháu sau nầy.
Dũng nhìn tôi hơi rụt rè và nói:
- Gặp anh em mừng lắm, nhắc lại cho em những kỷ niệm thời còn bạn bè, công việc làm, em rất buồn biết bao giờ tìm lại. Anh mới ra tù còn vất vã lo cho vợ con, em xin biếu anh một ít tiền làm lộ phí và em đã mua vé cho anh về Đà Nẵng.
Dù sao, với nhân cách của người sỉ quan quân đội miền nam, tôi từ chối và cảm ơn Dũng. Nhưng Dũng nài nỉ và nói:
- Anh nhận cho em vui, xin anh cứ nghĩ em là lính của anh như ngày xưa, không thay đổi gì.
Nghe Dũng nói rất chân thật, hơn nửa tôi mới ở tù ra cũng thiếu tiền cho chuyến đi. Tôi nói với Dũng:
- Anh nhận số tiền nầy, sau nầy anh khá lên anh sẽ gởi lại cho em. Cảm ơn em rất nhiều.
Tôi nhìn Dũng rất vui, tôi nói tiếp:
- Thôi em về kẻo vợ con trông. Hy vọng chuyển vào anh sẽ gặp em, sẽ ghé lại thăm vợ con em. Anh em mình tâm sự nhiều.
Tôi bắt tay Dũng và chúc Dũng nhiều sức khỏe và gặp nhiều may mắn.
***
Dũng đi rồi, tôi lang thang vào ga tìm một chỗ ngủ. Mãi suy nghĩ về Dũng mà tôi cứ thao thức không ngủ được.
Cộng Sản đã xâm chiếm miền Nam, tất cả sĩ quan bị đi ở tù không biết ngày về, những người có chút học thức tham gia chế độ miền Nam không bị ở tù thì đày đi kinh tế mới, nhưng caí tình của người miền Nam vẫn còn thương yêu nhau, đùm bọc lẩn nhau…Nhất là những người lính huynh đệ chi bình.
Khi còn tại chức trước năm 1975, người sĩ quan QLVN phải làm đúng bổn phận, trách nhiệm của người sĩ quan chỉ huy. Tôi cũng làm đúng bổn phận và trách nhiệm. Nghiêm khắc, la rầy, phạt trọng cấm, cúp phép…Tôi cứ nghỉ một người sĩ quan thất cơ lỡ vận bị Cộng Sản tuyên truyền, lính sẽ thù hận nhưng không ngờ vẫn còn kính nễ, thương yêu nhiều hơn xưa.
Lan man suy nghĩ, có vé tàu Dũng đã mua, tôi không lo thức sớm để sắp hàng mua vé, và có uống một chai bia, tôi thiếp vào giấc ngủ mặc dù nhiều hành khách đi lại nói chuyện ồn ào. Sáu giờ sáng thức dậy, mua môt ổ bánh mì điểm tâm và lên tàu với tâm hồn nhẹ nhàng, vui tươi.
Có tiền của Dũng đến ga Quảng Ngãi tôi mua một con gà luộc (ga QN bán gà đã luộc chín rất ngon) và kẹo mạch nha về làm quà cho mẹ.
***
Tôi về ăn tết với mẹ được một tháng vào lại Sài Gòn tìm việc làm nuôi vợ con. Khi vào tôi mua mè xửng Huế và bánh đậu xanh để làm quà cho Dũng, người thương phế binh và vợ con. Buổi tối nghỉ lại ga Quy Nhơn tôi đi lang thang hỏi thăm Vợ chồng Dũng không ai biết, có lẽ buổi tối nhân viên nghỉ hết. Trên đường tàu chạy vào Tuy Hòa tôi hỏi mấy anh công an kiểm soát họ trả lời là Dũng đã chuyển ngành và không biết ngành gì.
Khi nghe tin Dũng đã chuyển nhành tôi rất vui và mừng cho Dũng đã giữ đúng lời hứa. Ít ra người quân nhân miền Nam cũng phải có bản lỉnh như vậy.
Trên đường từ Tuy Hòa vào Nha Trang tôi cũng không thấy cha con người thương phế binh hát dạo, tôi hỏi hành khách trên tàu đi buôn hằng ngày họ trả lời cũng không thấy hai cha con người thương phế binh hơn nửa tháng rồi. Tôi rất buồn, không biết có mệnh hệ nào cho hai cha con…Anh lê lết trên tàu, bến xe hát những bản nhạc vàng của miền Nam như một cái gai trước mắt bôi bát chế độ họ muốn nhổ đi cho khuất mắt. Tôi thương và buồn vô cùng cho hai cha con người thương phế binh phải gánh chịu những tai ương sau chiến tranh điêu tàn…
Chuyện đã xảy ra trên bốn mươi năm rồi, tôi vui, buồn mỗi khi nhớ lại…
Trần Thế Phong
(Tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét