Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

có gì mà phải vội vã nữa đâu! - Hoàng Chính

Tranh & Nhạc, Quỳnh, Nguyễn Sơn & Phạm Anh Dũng | Phạm Anh Dũng

 tranh Nguyễn Sơn

 

“Em phải đi bác sĩ,” tôi buột miệng nói.

Đang ngồi cạnh chiếc nôi, đỡ bình sữa vào miệng thằng bé, Nancy ngẩng đầu lên, “Tại sao?”

Tôi lúng túng, “Em phải làm… mammogram.”

Nancy tròn mắt ngạc nhiên, “Tại sao?”

“Để định bệnh.”

“Bệnh gì?”

<!>

Tôi hít một hơi dài, gom góp hết dũng khí, và thở ra đứt quãng, “Có cục gì trong ngực trái của Nancy.”

Nancy trợn mắt, “Làm sao anh biết?”

“Bữa… hôm bão tuyết,” tôi lúng búng trong miệng.

Hai má ửng đỏ, Nancy úp vội bàn tay lên ngực. Hai con mắt mở lớn, bối rối và kinh ngạc. Nàng rút bình sữa từ miệng thằng bé, đưa cho tôi, bước vội vào nhà tắm.

“Bên trái,” tôi nói với theo.

Chuyện như thế này, nhà có hai phòng ngủ. Là chủ nhà nên tôi nhường phòng ngủ chính rộng rãi, có nhà vệ sinh riêng, cho Nancy. Bữa hôm bão tuyết, bận công việc và loay hoay với thằng bé sơ sinh chưa đầy sáu tháng, tôi không kịp vào rừng chặt cây hoặc ra khu ngoại ô mua củi đốt lò sưởi nên nhà lạnh cóng. Nhà chỉ có một máy sưởi điện xách tay, để trong phòng Nancy bởi cái nôi của thằng bé đặt trong ấy. Đêm lạnh, tôi đã phải liều mạng mò vào phòng Nancy. Vậy đó!

Nancy lủi thủi bước ra từ nhà tắm. Hai con mắt đờ đẫn, “Bây giờ làm sao đây?”

“Để anh gọi bác sĩ lấy hẹn cho Nancy.”

Tôi ôm điện thoại. Một loạt những thông tin từ máy ghi âm, chỉ dẫn bấm số này nếu muốn thế này, bấm số kia nếu muốn thế kia. Quay vòng vòng chóng mặt. Sau mười phút chờ, tôi gặp được nhân viên bệnh viện. Bệnh viện thành phố này nhỏ, không đủ phương tiện. Người ta giới thiệu Nancy lên thành phố lớn kế bên. Tám chục cây số. Nancy phải lên đấy để chụp hình quang tuyến vú. Chúng tôi lặn lội đường dài. Tới, lui, và chờ đợi. Cũng may thằng bé con ngủ suốt quãng đường.

Rồi cả hai chúng tôi nôn nóng chờ kết quả mammogram. Bác sĩ gọi Nancy, bảo chưa thể kết luận trên hình quang tuyến, nhưng cho cái hẹn, đòi nàng tới bệnh viện để làm sinh thiết.

Thời gian trôi. Thời gian ngừng. Thời gian đan chéo vào nhau. Buổi sáng lẫn vào buổi chiều. Ban trưa rối tung với những mảnh đêm u uẩn. Chúng tôi đã hiểu thế nào là chờ đợi. Đó là khoảng thời gian chúng tôi quay cuồng, khốn khổ.

Rồi gió dông cũng đến. Người ta tìm ra tế bào ung thư. Và không phải chỉ có ở bên trái, nơi tôi tình cờ nắn trúng cục gì đó cứng như viên sỏi. Trong phòng chờ đợi của Khu Ung Thư bệnh viện đa khoa, nghe cái tin khốn khó, Nancy bật khóc. Tôi đứng nhìn. Rồi tôi ngồi xuống cạnh Nancy. Ngồi chán tôi lại đứng. Tôi không biết phải làm gì khi Nancy khóc. Tôi hoàn toàn tan biến khi phải đối diện với một người đàn bà đau khổ. Tôi sợ những giọt nước mắt.

Rồi tôi nghĩ ra. Tôi vòng cánh tay ôm lấy hai bờ vai gầy guộc. Những tế bào ung thư khốn nạn đã làm Nancy gầy ốm từ lúc nào mà – ở chung nhà biết bao lâu – bây giờ tôi mới nhận ra. Những cái rung nhẹ của cơn khóc truyền sang tôi nỗi xót xa, niềm tuyệt vọng.

Mãi lâu sau Nancy mới sụt sùi, kể lể, “Em mới chỉ được ảo tưởng làm mẹ mỗi một lần. Thằng bé con của anh cho em cảm giác tuyệt vời ấy. Nó cho em làm mẹ. Anh là đàn ông, anh không hiểu được nỗi khao khát làm mẹ của đàn bà.”

Nancy ngưng nói, hai vai rung nhẹ theo từng tiếng nấc. Tôi chạy đi xin cô y tá miếng khăn giấy, cô ta đưa cho tôi nguyên hộp. Tôi gỡ một miếng, vùi vào lòng bàn tay Nancy.

“Em nhớ cảm giác ấy,” Nancy nói rì rầm, như cho một mình nàng nghe. “Cảm giác của người đàn bà khi đứa bé – dù không phải là con em – mút chùn chụt núm vú của em. Ban đầu em ngượng chín người. Nhưng rồi em thấy ấm áp. Em thấy gần gũi với thằng bé. Dù nó không từng nối liền với em bằng cuống rốn sơ sinh nhưng nó nối với em bằng cái núm màu hồng trên ngực em. Cảm giác đó giúp em bay bổng. Lúc nó bú, em nhìn vào mắt nó, em thấy chút gì đó như sự biết ơn. Nó cứ bú hoài, làm em khao khát được truyền cho nó sự sống, để nó lớn lên. Để nó không còn là đứa trẻ sơ sinh. Nó thành con em. Em thèm thấy nó lớn lên.” Nancy ngưng nói, đưa khăn giấy lên lau nước mắt. “Em thèm nghe nó gọi em bằng ‘mẹ’, dẫu chỉ một lần thôi. Chưa bao giờ em thấy thèm có con như bây giờ. Nó nhìn em bằng con mắt biết ơn. Em nhìn ra như thế chẳng biết có đúng không. Nhưng rồi chính em mới là kẻ mang ơn. Nó đem lại cho em niềm vui làm mẹ.”
Nancy ngưng nói, quay qua tôi, “Anh hiểu không?”

Tôi cuống quýt gật đầu. Đầu óc tôi quay cuồng. Tôi nhớ đã từng đọc đâu đó về chuyện những người đàn bà không mang nặng đẻ đau, không phải cho con bú, cơ thể vẫn có thể làm ra sữa. Nancy đã từng sống cảm giác của người sản phụ mới sinh con từ khi Tiểu Quyên đem thằng bé – con của Tiểu Quyên và tôi – về cho chúng tôi nuôi. Và do biến chuyển sinh lý cơ thể, đứa bé bú hoài, kích thích cơ thể Nancy làm ra sữa. Điều đó đã xảy ra. Điều đó có thật. Chính tôi đã nếm vị sữa ấy một đêm kia. Tôi là người phát hiện ra điều đó khi chúng tôi quấn quyện vào nhau mà đo, đếm hạnh phúc.

Khi nhận ra hạnh phúc là thứ vô cùng hiếm hoi, tôi mất ngủ mấy đêm liền. Hai chữ “mất ngủ” nghe buồn cười nhưng thật chính xác. Tôi vẫn có những giấc ngủ tròn đầy, bỗng dưng dạo này những giấc ngủ ngon ấy biến đi như thể chúng bị kẻ nào lấy mất.

Lúc cô y tá gọi Nancy vào gặp bác sĩ chuyên khoa. Nancy đặt thằng bé vào tay tôi và thất thểu dò từng bước như can phạm bị điệu lên pháp trường. Tôi ngồi với thằng bé trong phòng chờ đợi. Gần nửa tiếng sau, Nancy bước ra. Nancy không còn là người đàn bà trẻ trung, linh hoạt mà chỉ là chiếc bóng của người đàn bà ấy, chiếc bóng mà một cơn gió nhẹ cũng có thể cuốn bay đi. Chiếc bóng ngồi thụp xuống trong chiếc ghế phòng chờ đợi. Tôi nhận ngay ra cái tin buồn. Kết quả mammogram vốn đã u ám, kết quả sinh thiết còn đen tối hơn cả ngàn lần. Những khối tế bào ung thư đã rải đều hai bên vú. Tôi đặt thằng bé vào xe đẩy, quỳ xuống trước mặt Nancy, choàng tay ôm lấy cái bóng chập chờn ấy. Tôi sững sờ. Nancy mỏng manh như chiếc bóng của chính nàng. Chúng tôi lặng câm như hai pho tượng. Đôi vai mỏng mảnh run rẩy trong vòng tay tôi. Người thư ký áo trắng nhìn chúng tôi. Ánh mắt nồng nặc mùi ái ngại. Những bệnh nhân khác nghiêng đầu, chớp mắt, trộm nhìn.

“Chừng nào?” Tôi thì thầm trong tóc Nancy.

Nancy sụt sùi, “Càng sớm càng tốt. Bác sĩ bảo vậy.”

Trên đường về, cơn xúc động nguôi dần, Nancy mím môi, “Em sẽ phải cắt bỏ cả hai bên.”

Tôi không biết nói gì nên tôi lặng thinh. Những con đường chợt dài ra trước mặt. Những ngọn đèn giao thông chớp nháy loạn cuồng. Tôi đặt tay lên cánh tay Nancy. Tôi muốn nói gì đó nhưng không nghĩ ra.

“Em không sợ xấu, em không sợ khuyết tật,” Nancy nói, rồi xoay người ra sau nhìn thằng bé đang ngủ trong chiếc ghế trẻ em. “Em chỉ buồn là sẽ không cho con bú được nữa.”

“Anh biết,” tôi cố tìm lời an ủi Nancy. “Nhưng con mình cũng sắp cai sữa rồi.”

Tôi nhấn mạnh hai chữ “con mình”, tôi biết mỗi lần tôi nói hai chữ ấy, đôi mắt Nancy lại thắp sáng niềm biết ơn.

“Sau khi làm mastectomy, bác sĩ sẽ cho em làm implant.” Nancy nói. Có chút gì đó như niềm hy vọng thấp thoáng trong giọng nói của Nancy. Nàng dùng tiếng Anh để nói về cái phẫu thuật ngặt nghèo ấy, bởi khi dùng tiếng Việt, sẽ nghe ra cái sự tàn bạo của dao kéo, thuốc mê. Tôi hiểu lờ mờ rằng người ta sẽ phải cắt bỏ hai bên vú của Nancy. Rồi độn cho nàng hai miếng silicone để giữ cái hơi hướm đàn bà.

“Có phải chờ lâu không?” tôi buột miệng hỏi. Rồi chợt nhận ra câu hỏi của mình có thể làm Nancy hiểu lầm. Đàn ông vẫn mê muội với những đôi vú mây mẩy của đàn bà. Không có đôi vú, đàn bà không hiện hữu trong thế giới trần tục của đàn ông. Vì vậy tôi vội sửa, “Bây giờ hẹn cái gì cũng lâu.”

“Bác sĩ bảo chờ vài tháng cho vết mổ lành hẳn.”

Tôi hình dung Nancy trần truồng trước tấm gương phòng tắm, hai tay nâng hai bầu vú tưởng tượng trên khoảng ngực lép kẹp hằn những đường chỉ khâu, và nước mắt hai dòng tuôn như suối.

“Trong khi chờ đợi, em phải làm hóa trị,” Nancy nói nhỏ như thể sợ tôi nghe được.

Tại sao lại là Nancy! Tôi muốn gào lên như thế suốt tám mươi cây số đường về. Tôi lái xe như tên điên trên xa lộ. Tôi quên bẵng đi rằng trong xe ngoài hai chúng tôi còn thằng bé con chưa đầy sáu tháng.

Chợt Nancy níu lấy tay áo tôi, “Chạy chậm lại đi anh. Có gì mà phải vội vã nữa đâu!”

 

Hoàng Chính

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...