Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2024

Đi tìm mối chúa qua cuốn sách cấm của Tạ Duy Anh - Đoan Trang

 Mối Chúa by Đãng Khấu | Goodreads

 

Giữa lúc dư luận bàn tán rất xôn xao và chính trường Việt Nam bị phủ bóng đen bởi những phiên tòa xét xử vụ chuyến bay giải cứu, cuốn tiểu thuyết “Mối Chúa” gây tranh cãi một thời của Đãng Khấu nổi lên như một tác phẩm nói thẳng vào những vấn đề trầm kha của xã hội Việt Nam, nơi cả quốc gia phải sống dưới những đường đi lắt léo có tính hệ thống của bầy mối.

 <!>

Đãng Khấu là một bút danh của nhà văn Tạ Duy Anh, mà theo chính tác giả đề cập trong lần xuất bản đầu tiên của cuốn sách, vốn chỉ là một cái tên cúng cơm được đặt bừa chứ không có ý nghĩa gì. Tuy vậy, cái tên này nếu hiểu theo nghĩa Hán Việt sẽ là diệt trừ kẻ xấu, một cách vô tình lại giúp làm rõ hơn nội dung của cuốn sách.

Tác phẩm được ra mắt vào đầu tháng 9/2017 và rất nhanh sau đó vào cuối tháng đã bị Cục Xuất bản, In và Phát hành đình chỉ phát hành với lý do “phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp đến cao đều được xây dựng với hình ảnh đen tối, vô vọng, đau đớn”. Cuốn sách bóc trần mặt tối của xã hội đến mức độ nào mà khiến chính quyền phải tức tốc thu hồi?

Sách của Lão Tạ, như nhà văn Sương Nguyệt Minh từng viết, “cứ 3 tiểu thuyết thì phải thu hồi 2 quyển và 1 quyển còn lại cũng bị nhắc nhở, hoặc đình bản chờ hội đồng thẩm định rồi mới cho phát hành tiếp hay không”, quả thực dám nói đến những điều thực tế ai cũng thấy nhưng không phải ai cũng can đảm nói ra, qua đó lột tả được nỗi uất ức của những người dân lao động bình thường trước sự trấn áp dữ dội của những thế lực bề trên.

Câu chuyện trong cuốn sách “Mối Chúa” được tác giả trình bày thành 20 tường thuật được đánh số từ I đến XX cùng với các chương truyện dẫn dắt và các phần giới thiệu, được diễn ra tại làng Đồng - một ngôi làng nhỏ thuộc quận Chương Mỹ ở ngoại thành Hà Nội - cũng là nơi ông sinh ra và lớn lên. 

Người kể chuyện là Việt, một chàng trai du học ở phương Tây được tiếp thu lối tư duy thoáng mở cùng tinh thần dân chủ, bỗng dưng thừa hưởng công ty lớn của cha mình là ông Nam sau khi ông qua đời. Ở vị trí chủ tịch công ty với hàng loạt dự án tham vọng đang được triển khai, Việt phải đứng trước ngã ba khi một bên là sống với những lý tưởng tự do khai phóng, bên kia là chịu hạ thấp mình, luồn cúi với nhiều người tai to mặt lớn để xây dựng cơ nghiệp. 

Những dự án của công ty khiến hàng ngàn nông dân trong vùng rơi vào cảnh mất đất. Đứng trước những cám dỗ bạc tiền và áp lực giữ nhà giữ cửa, người trong làng kẻ thì dẫn dụ người khác, kẻ lại bị lừa trắng tay; rồi lại quay sang căm ghét nhau, tình cảm láng giềng sứt mẻ, người kia thân tàn ma dại, kẻ nọ cũng tự vẫn để hối lỗi với bà con.

Việt càng dấn sâu, càng nhận ra những sự thật cay nghiệt. Anh biết được bố mình ngay từ đầu đã chẳng có toàn quyền kiểm soát công ty, thay vào đó quyền hành rơi vào một nhân vật “trùm cuối” được gọi là Mối Chúa cùng bộ sậu các “papa” - những cá nhân rất mưu mẹo, khéo léo, có mối quan hệ tốt với chính quyền.

Anh bắt đầu hành trình vừa thoát khỏi vị trí chủ tịch đầy nhiễu nhương, vừa đi tìm chân tướng Mối Chúa để qua đó diệt trừ mối họa cho người dân. Tiểu thuyết phê phán hiện thực xã hội này không chỉ đơn giản là một câu chuyện về mafia thường thấy, nơi công dân lương thiện phải đương đầu với thế lực hắc ám. Điều gây ám ảnh trong tác phẩm chính là sự xấu xa được bọc lấy bởi lớp vỏ đạo đức, nhân văn, do dân và vì dân.

Cán bộ ở địa phương trong “Mối Chúa” là những quan chức cố hết sức để đem tiền tài, lợi ích về cho bản thân. Từ ông chủ tịch cấp xã đến vị tỉnh trưởng, ai nấy đều tranh thủ câu kết với doanh nghiệp để vơ vét những gì có thể, bất chấp người dân trong vùng bị bần cùng hóa đến cực độ, ruộng đất cằn cỗi chẳng cày cấy được mấy sào cũng bị tước đi mất để làm dự án, xây nhà máy, cất biệt thự, dựng sân golf.

Xuyên suốt câu chuyện, Lão Tạ tả lại cảnh ăn chơi không ai sánh bằng của quan chức xứ này, nào là những buổi làm tình với những thiếu nữ trinh tiết, những bữa tiệc tùng liên miên với rượu vang đỏ nhập khẩu trực tiếp từ Tây, v.v. 

Tạ Duy Anh đã thành công trong việc xây nên một thế giới hư cấu vô cùng gần gũi với đời thật, nơi tính cách của các nhân vật ở hai đầu quyền lực được phát triển đối nghịch nhau, tức là hoặc rất hống hách và trơ trẽn, hoặc rất cam chịu và tủi hèn. Ông còn đưa vào câu chuyện của mình một nhân vật giữ vai trò là nhân tố mới của xã hội: cô sinh viên tên Diệu, một người trẻ được kỳ vọng sẽ giúp xóa bỏ các lề thói cũ, đem tới thông điệp về hy vọng cho tương lai đất nước.

Tuy vậy, nhìn chung đây không phải là một tác phẩm xuất sắc, ít nhất là khi đem so sánh với những cuốn sách từng được xuất bản trước đó của ông. Tác giả đã rất dày công dựng nên những nhân vật bí ẩn đầy nguy hiểm, đứng sâu trong “cánh gà” mà một tay đạo diễn cả “sân khấu” lớn là xã hội, để rồi lại trao cho họ một cái kết quá dễ đoán và thiếu thuyết phục, cách tháo gỡ vấn đề đơn giản đến khó chịu.

Lối kể, chủ đề truyện, cũng như những thông tin, mẩu chuyện, thông điệp được đưa vào tác phẩm không phải là mới mẻ, thậm chí đã được nhiều tiểu thuyết với nội dung tương tự làm tốt hơn vào nhiều năm trước đó, có thể kể đến như những cuốn sách cấm “Thời của thánh thần” hay “Chuyện kể năm 2000”.

Giữa không khí đốt lò nóng hầm hập như hiện nay, độc giả hoàn toàn có thể nhâm nhi cuốn sách này, qua đó tự tìm kiếm cho mình mối chúa cùng bầy mối vẫn đang hiển hiện ngay trước mắt mỗi chúng ta. Mối chúa không là ai cả, mà cũng có thể là bất kỳ ai, như cách Đãng Khấu từng nói “Đó chính là sự kỳ diệu. Sáng tác không dừng lại mà tiếp tục tồn tại trong độc giả, độc giả sẽ sáng tác tiếp.”

Tác phẩm này đã được Nhà xuất bản Penguin khu vực Đông Nam Á (đặt văn phòng tại Singapore) thông báo phát hành phiên bản tiếng Anh vào tháng 11/2023. Cuốn sách được dịch bởi Giáo sư văn học Hà Mạnh Quân (Đại học Montana, Mỹ) và Giáo sư văn học Charles Waugh (Đại học Utah State, Mỹ).

 

Đoan Trang




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...