Thứ Tư, 1 tháng 5, 2024

Tháng Ngày "lính lác" (tt) - Trân Yên Hòa

 

 TYH ngồi hàng cuối, thứ 3, mang kính


Khoảng 2 giờ chiều, vị sĩ quan coi chúng tôi 2 tuần nay, đến phòng và nói lớn:

- Các anh chuẩn bị, tất cả gọn gàng quân trang quân dụng, 30 phút sau các anh ra sân tập họp và di chuyển lên phi trường Đà Nẵng, để vào Sài Gòn, đến nhập trại Nguyễn Tri Phương. Các anh sẽ thụ huấn quân sự 9 tuần, giai đoạn tân binh. Các anh nhớ 30 phút nữa, tôi sẽ trở lại và đưa các anh lên đi.

Tất cả bọn chúng tôi đều hô to, tuân lệnh, rồi ai cũng nhảy xuống giường, lo sắp xếp mền, mùng, quân trang quân dụng. Tôi bỏ tất cả tư trang cá nhân vào cái xách marin, rồi ngồi tại giường của mình, đợi viên sĩ quan tới đưa đi.

<!>

Tôi kệ nệ xách cái xách morin, tới ngồi bên giường của Trần Thanh Ng. Trong lúc Ng. cũng vừa thu xếp đồ đạc xong. Tôi nói:

- Vào Quang Trung, tôi với bạn nằm gần giường nghe.

Ng:

- Không biết vào trong đó họ có sắp cho mình nằm gần không? Sợ họ phân chia theo vần A, B, C quá.

Tôi nói:

- Nếu mình không nằm gần, thì cùng trung đội, hay cùng phòng cũng được. Để tụi mình về phép Sài Gòn, đi chung với nhau cho vui.

Đang nói chuyện thì có tiếng tu huýt réo lên, cùng theo tiếng viên sĩ quan:

- Tập họp, tập họp! Các anh ra tập họp ngoài sân.

Chúng tôi lại ồn ào, ai cũng mang theo cái túi xách ra sân. Chúng tôi khoảng mười lăm, hai chục người. Với bộ quần áo lính mới tinh, xềnh xoàng, cái nón lưỡi trai đội trên đầu, đúng là "lính mới tò te", trông "ngố" hết biết. Chúng tôi tập họp xong, cũng ngay hàng thẳng lối. Vị sĩ quan đứng trước hàng quân, điểm danh từng người. Xong, ông nói:

- Bây giờ các anh lên chiếc GMC đang đậu ngoài kia. Tôi là sĩ quan hướng dẫn các anh vào Sài Gòn, rồi bàn giao các anh cho một vị sĩ quan khác đưa các anh đến trại Nguyễn Tri Phương. Đến Tân Sơn Nhất, bàn giao xong là tôi hết trách nhiệm. Mong các anh chấp hành mọi qui định.

Rồi vị sĩ quan chỉ ra ngoài gần cổng trại Nhập Ngũ, một chiếc GMC đã đậu sẳn ở đó, đang nổ máy. Tôi cùng các bạn lần lượt leo lên xe. Chúng tôi chia nhau ngồi ở hai hàng ghế hai bên. Vị sĩ quan ngồi ở cabine với tài xế. Xong, chiếc xe rồ máy, chạy theo hướng phi trường Đà Nẵng. Trên xe, tôi nhớ con đường Đống Đa, từ nơi trại Tuyển Mộ Nhập Ngũ số 1, xe chạy qua Chợ Cồn, tôi chợt nhớ bác Lục, nhớ anh Lộc, anh Lâm, anh Tôn, những người đã giúp đỡ tôi, cưu mang tôi trong những ngày tôi thi vào lính và sống ở đây. Xe chạy qua bệnh viện Duy Tân rồi hướng thẳng vào phi trường.

Chúng tôi cùng nhảy xuống khỏi chiếc GMC, theo lệnh của viên trung úy hướng dẫn, sau khi tới phi trường Đà Nẵng.

Tiếng viên trung úy hướng dẫn:

- Các anh tập họp tại đây rồi theo tôi vào bên trong, đợi chờ, có chuyến bay thì các anh lên.

Tôi và Ng. vào ngồi trên chiếc ghế dài của phòng đợi nơi phi trường. Ng. hút thuốc Pall Mall, gu của Ngọc. Tôi cũng nhấn lấy một điếu, lấy bật lửa Zippo lên châm lửa. Tôi không ghiền hút thuốc nhưng những lần chờ đợi như thế này, lòng vẫn thấy lòng xốn xang.

Chợt nhớ câu thơ:

Thương nhớ ơ hờ, thương nhớ ai?
Sông xa từng lớp lớp mưa dài
Mắt kia em có sầu cô quạnh
Khi chớm thu về một sớm mai?

(Quang Dũng)

Tôi đang ngồi đây, ở phi trường Đà Nẵng, lòng ơ hờ thương nhớ KY, nhớ mối tình đã được nửa năm từ quê hương LT, nhớ những lần lên nhà em chơi và em đã đưa tôi ra tận Đà Nẵng. Ở trung tâm 1, tôi ra phép về nhà anh Tôn với em (em là em vợ anh Tôn), nên khi đi xa như thế này, thương nhớ ơ hờ là phải. Những con đường Đà Nẵng mấy ngày qua đã trở thành kỷ niệm với tôi, trường Sao Mai, trường Tây Hồ, em theo học ở đó...Tà áo trắng em bay bay khi em vào Trung Tâm 1 thăm tôi. Tôi ngác ngơ, thương nhớ ơ hờ quá, nên tôi cần điếu thuốc để vơi đi..nỗi buồn.

Ng. thì đã có gia đình ở Quảng Ngãi, chàng ta đã có 2 con, và người vợ hiện làm việc ở trường nữ trung học Quảng Ngãi. Hạnh phúc trong tầm tay, nhưng thời cuộc này, ai cũng phải vào lính, nên Ng. phải đi lính thôi.

Nói một cách lý tưởng và theo tuyên truyền là, chúng tôi đi theo tiếng gọi của quê hương, tiếng gọi của đất nước,  thì cũng tội cho chúng tôi quá! Danh từ đó thì rất xa vời. Những lời đó nên để cho những nhà thơ quân đội, những nhạc sĩ dân sự (hay quân đội), ngồi ở hậu phương, viết lên kiếm điểm với chính quyền, với chế độ, như:

"Ai đi chinh chiến xây đắp tương lai,
con đi chinh chiến để nước yên vui
lời mẹ hiền khuyên nguyện khắc trong tim bao giờ dám quên."
(Biệt Kinh Kỳ)

Minh Kỳ & Hoài Linh

Bản nhạc lý tưởng hóa những người trai trong thời chinh chiến, nhảy vào lo lửa chiến tranh, mà cứ mang trong lòng sự hy sinh vì quê hương đất nước, trong lúc đó, thì có hàng ngàn, hàng vạn thanh niên có thân  có thế hay giàu có tìm cách "chạy", tìm những nơi an thân tránh đạn.

Nhưng chuyện lính, chuyện rời xa nhau, chuyện chia ly, đã làm gợn lên trong tôi niềm xót xa, thương nhớ. Tôi không như những nhạc sĩ kia, chỉ biết thơ mộng hóa cuộc chiến đấu và xúi những người trai trẻ nhảy vào lò chảo nóng chiến tranh, làm cây đuốc sống,  thế thân cho những tướng tá, xuất thân từ các lò quân đội Pháp, lại bất tài và quân phiệt, như ton ton Nguyễn Văn Thiệu đã từng nói: Máu xương dân miền nam không thiếu...chỉ thiếu quân viện cùa Mỹ 350 triệu Mỹ kim. Hay như phe phía bên kia, HCM đã nói: “Dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập… ” (Chỉ thị của Hồ Chí Minh phát lệnh khởi nghĩa, tại Lán Nà Lừa cuối tháng 7/1945). Tất cả những người lãnh đạo, cũng chỉ lấy sinh mạng của nhân dân, làm tấm bia đở đạn, cho sự thành công của mình.

Chuyện chia ly ở đâu, cũng buồn, nhưng với tuổi trẻ bồng bột, với lại, tôi gặp được những người bạn mới và sắp đến một nơi mới mẽ, nên trong tôi cơn buồn cũng qua, để đón nhận, tiếp xúc với hoàn cảnh mới.

Chúng tôi đợi ở phi trường Đà Nẵng khoảng một tiếng đồng hồ thì viên trung úy hướng dẫn xuất hiện và ra hiệu chúng tôi đứng dậy, tập họp điểm danh một lần nữa. Vì theo kinh nghiệm dẫn tân binh đi thụ huấn ở các trung tâm huấn luyện như Hòa Cầm, Phú Bài, các tân binh thường lợi dụng lúc xe chạy chậm ở chỗ đông người, các tân binh "bị bắt lính" thường nhảy xuống đất rồi chạy trốn vào đám đông, cho nên những cuộc áp tải đi như thế này, tháp tùng theo xe thường có một hai người lính mang súng, đầy đủ đạn dược, đi theo từng xe. Xe bị đóng khung trong những tấm bạt phủ kín. Nếu có tay tân binh nào nhảy khỏi xe trốn thì người lính nhảy xuống xe chạy theo bắn dọa, và hay chạy theo bắt lại. Tuy nhiên, ai cũng thủ cho mình, nếu người sĩ quan hay hạ sĩ quan dẫn lính đi thụ huấn mà để lính chạy thoát, thì về lại đơn vịm thế nào cũng bị phạt trọng cấm hay khinh cấm. Nếu tội nặng hơn thì có thể bị đổi ra tác chiến. Điều này cho nên khiến ai cũng "thủ", để khỏi gặp những "sự cố" trên.

Nhưng có lẽ với nhóm tụi tôi là, những người xung phong, tình nguyện vào lính, lại đi sĩ quan nữa, cho nên viên sĩ quan dẫn dắt chúng tôi cũng không lo lắng nhiều. Viên sĩ quan cũng chỉ điểm danh lấy lệ. Thấy đủ, nên ra lên cho chung tôi ra ngoài phi trường, đang có chiếc máy bay vận tải C123 đang đậu đợi chúng tôi. Khi chúng tôi lên máy bay, tất cả đều ngồi bệt xuống sàn, vì không có ghế ngồi. Tôi cũng mệt mỏi quá nên để cái xách morin trên sàn, là nằm dài trên sàn máy bay nhắm mắt lại. Viên sĩ quan dẫn dắt được lên ngồi trên ghế, gần phòng lái của phi công.

Tôi nằm im và cố ngủ.

Chiếc máy bay vần vũ trên không trung rồi bay thẳng về phương nam. Tôi ngủ một giấc ngon lành.

Đón chúng tôi ở phi trường Tân Sơn Nhất cũng là viên trung úy. Khi chúng tôi lục đục bước xuống khỏi lòng phi cơ C 123, ai cũng mệt mỏi rả rời. Mới bước chân vào lính, chưa mang trên cầu vai cái lon lá gì, tức chỉ là một tân binh. Có người gọi chúng tôi là tân khóa sinh. Từ nào cũng vậy thôi, cũng chỉ là "đơ dem cùi bắp" tức là binh nhì, hạng cùng đinh trong lính (xã hội lính là xã hội phân biệt giai cấp nhất). Dù có bài hát "huynh đệ chi binh"

"Huynh đệ chi binh là mình cùng chung đời lính
Thương nhau khác chi nhân tình, từ người deuxième cùi bắp, và rồi đi lên đại tướng đều là huynh đệ chi binh
"

(Anh Bằng)

 

Nhưng từ người binh nhì đến ông đại tướng khác nhau một trời một vực, gặp nhau không dám nhìn thẳng mặt nữa chứ đừng nói là "thương nhau khác chi nhân tình.

Ông nhạc sĩ Anh Bằng thật là bá láp hết sức.

Rồi chúng tôi lại tập họp điểm danh, bàn giao quân số, rồi lại lên xe GMC chạy về hướng trung tân Huấn Luyện Quang Trung, trại tiếp chuyển Nguyễn Tri Phương.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...