Thứ Ba, 4 tháng 6, 2024

Chị hai tôi - Trần Yên Hòa

 

hình chụp 3 mẹ con: từ trái TYH, mẹ, chị hai, anh Trần Thế Phong

 

 

Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi? Cho tôi tìm lại một

ngày ấu thơ…

(Từ Huy)

 

Chị hai tôi là cô gái quê. Chị có khuôn mặt tròn như mặt trăng rằm. Nước da rám nắng, đôi mắt lớn như đôi mắt chim bồ câu. Chị có cái miệng, làn môi và nhất là hàm răng chị rất đẹp. Hàm răng đều như hạt bắp và trắng tươi. Nên nhìn chị mũm mĩm dễ thương chi lạ. Chị lớn lên được nhiều anh thanh niên trong làng để ý.

Hồi quê tôi còn ở trong vùng Việt Minh, chị khoảng mười một, mười hai tuổi…Chị sinh hoạt trong đoàn thiếu niên Tiền Phong (thì phải?)…Chị hát hay và có giọng ngâm thơ. Giọng ngâm nghe réo rắc đến não ruột.

<!>

 

Những ngày ấy, ngày còn kháng chiến mười năm, hầu như tối nào chị hai tôi cũng được các bạn bè rũ nhau ra đình An Mỹ tập hát, tập múa, tập kịch… không có đêm nào ở nhà.

Cứ buổi chiều gần tối đến là các chị cùng xóm như chị Sử, chị Cần, chị Khương ơi ới gọi. Nhất là chị Sử ở xóm An Lương. Chị Sử là con gái con ông Sử, một gia đình bần nông ở xóm, đã giác ngộ cách mạng. Ông Sử từ tá điền, không có miếng đất cắm dùi, nay được cách mạng cho làm ở Uỷ ban kháng chiến, nên rất hăng say công tác, luôn luôn đi đầu trong mọi sinh hoạt. Chị Sử sống trong gia đình đó nên chị cũng hăng hái lắm.

Hằng đêm, chị Sử từ xóm An Lương ơi ơí gọi vọng lên, Khiêm ơi, Khiêm hởi, đi sinh hoạt nghe Khiêm. Thế là chị hai tôi cũng phải đèn đuốc ra đình, cùng các chị trong đoàn thiếu niên Tiền Phong (?), tập hát, tập múa, tập đóng kịch. Thường là tập các bài hát, vở kịch gây lòng căm thù quân giặc Pháp và tề ngụy đối với quần chúng nhân dân, sách động nhân dân làm hầm chông, để chống càn và diệt tề ngụy.

Chị hai tôi hát hay, ngâm thơ hay nên chị được đóng vai chính trong một vở kịch thơ. Bây giờ tôi chỉ nhớ tên nhân vật người thiếu nữ đó là “Em Ríp”. Vở kịch được trình diễn toàn xã và rất được nhiều người hoan nghinh. Đại ý của vở kịch là Em Ríp căm thù giặc Pháp vì giặc Pháp chiếm quê em, giết chết cha mẹ em, nên em phải trả thù, với hành động là “bung lựu đạn” vào những tên lính Pháp, để tiêu diệt chúng.

Trên sân khấu, chị hai bận cái áo đầm xanh, áo sơ mi trắng, và hát những câu sau:

 

Ríp buồn lắm

Ríp khổ lắm

Cha đâu còn

Cha đã chết ra ma

Tây đến đây vây kín khắp cả nhà

Bắt cha Ríp đánh mấy hồi chết giấc

Rồi chúng đem thân già lia mất…

 

Sau đó em Ríp được một cán bộ cách mạng giác ngộ và em theo cách mạng, chuyên đi “thảy lựu đạn” vô bọn Tây, và bọn Tây “chết nhăn răng” rất nhiều.

Đó là vở kịch thơ, chị hai tôi đã đóng, đã lên diễn ở sân khấu đình làng nhiều lần và được khen thưởng nồng nhiệt. Người thanh niên đóng vai cán bộ cách mạng là anh Nguyễn Lương, một huynh trưởng trong đoàn thiếu niên Tiền Phong.

Trong vở kịch, anh Lương là cán bộ cách mạng, nhưng ngoài đời, anh Lương lại có tình ý với chị hai, thương trộm nhớ thầm chị hai tôi mà anh không giám ngỏ. Anh gởi cho chị hai tôi một bài thơ dài, tôi nhớ mấy câu đầu:

 

Yêu em từ thuở son đào

Là không một bóng chim nào vờn qua

Dẫu rằng trăng xế bóng tà

Một lần thôi, một lần là yêu em

Có ai biết giữa trời đêm

Anh đang bay mãi cánh chim bạt ngàn…

 

Anh Lương yêu chị hai mà không giám ngỏ, chỉ làm những bài thơ tỏ tình kiểu đó. Chị hai tôi nhận được những tờ giấy có viết những bài thơ dài, chị vẫn thường một mình nằm đưa võng ngâm nga.

Oái ăm thay, trong mối tình ấy, có xen vào một vài chi tiết khá éo le, pha chất diễm tình, ngang trái, đó là anh Lương có một người anh em họ, tên là Mậu, ở ngoài Kỳ Bình, biết chị hai tôi là học sinh, hát hay, múa đẹp, nên cậy nhờ người mai mối “đi nói” chị hai. Cha mẹ tôi thì vô tư, vô tình, thấy anh Mậu là học sinh giỏi trường cấp hai Phan Chu Trinh ở Rừng Rang, Tây Lộc và con của một gia đình gia giáo, nên thuận gả. Còn chị hai thì nhỏ nhít nên đâu biết mô tê gì, cha mẹ đã thuận gả thì đành khứng chịu thôi.

Đền ngày tập kết, anh Mậu được tuyển là một trong những học sinh ưu tú, được xét cho đi tập kết ra Bắc.

Thế là chị tôi đành phải chịu đựng cảnh tình bắc duyên nam. Chị hai mới mười sáu tuổi phải chịu cảnh đợi chờ người chồng học sinh đi tập kết, hứa hẹn hai năm hiệp thương thống nhất đất nước, sẽ trở về. Thế rồi anh Mậu đi mút mùa lệ thủy, không tin không tức. Đến khi quốc gia tiếp thu, cha tôi ra làm hội đồng xã, mới biết là hai năm hứa hẹn trở về của Việt Minh chỉ là hứa hẹn lèo, nên cha thương con gái đứt ruột vì chị hai gánh chịu cảnh “có chồng” khơi khơi này, chị trở thành người con gái vọng phu trẻ nhất, năm muời sáu tuổi.

Anh Mậu vẫn đi biệt không về.

Mấy năm sau ngày tập kết, anh Lương vẫn còn yêu chị hai, nhưng bị kẹt vì chị hai là gái có chồng, mà người chồng là anh em họ với anh Lương, nên anh Lương ở thế tiến thối lưỡng nan. Sau đó anh xin đi dạy tiểu học, vì cái dấu ấn là huynh trưởng của đoàn thiếu niên Tiền Phong ngày trước, anh bị công an phe quốc gia theo dõi sát nút, khiến anh phải bỏ trường lớp đang dạy học mà chạy vào Sài Gòn.

Cuộc ra đi như một sự lánh nạn, một cuộc trốn chạy, nhưng anh Lương đã thành công, anh học thi đỗ vào trường Nông Lâm Súc và tốt nghiệp thủ khoa Kỹ sư nông nghiệp.

Từ khi xa quê, anh Lương có một bước đi khác và đã kết thúc mối tình không biết là đơn phương hay song phương này, nhưng chị hai thì vẫn rất kính thương anh Lương, trong những lúc nằm đưa võng, chị vẫn thường hay ngâm ngợi những câu thơ tình cũ.

Cho đến năm tôi học lớp nhất trường tiểu học.

Hồi tôi học lớp nhất trường tiểu học, thầy dạy của tôi là thầy Khâm. Tôi thương thầy nhưng tôi cũng ghét thầy. Bởi vì thầy (lúc này) muốn làm anh rể tôi, tức là muốn cưới chị hai tôi làm vợ. Thầy đã chinh phục được trái tim của chị tôi. Điều đó khiến tôi ghét thầy.

Thầy Khâm là con bà Nghĩa, một bà già bán nước chè dưới gốc cây bàng, chợ Quán Rường. Bà Nghĩa suốt ngày luay hoay với những nồi nước chè. Bà nấu rồi bán cho những người đi chợ, những bác xe thồ, “nậu rỗi”, bạn hàng xáo, ai khát nước thì ghé bà mua mấy hào nước uống cho đỡ khát. Buôn bán như vậy chắc là chẳng lời lãi được bao nhiêu. Nhà của bà là một căn nhà tranh nhỏ, nằm sát bên mấy cây bàng cành là xum xuê. Bà nương vào bóng mát mấy cây bàng, đặt một cái bàn nhỏ, mấy cái ghế gỗ thấp, đó là cái quán bán nước chè của bà.

Tôi còn nhỏ nên chưa chú ý đến chuyện giai cấp, giàu nghèo, “môn đăng hộ đối”, nhưng mà nhìn cái nhà ngói đỏ au của gia đình tôi với cái nhà tranh của thầy Khâm, tôi không muốn chị hai tôi về làm dâu nhà bà Nghĩa chút nào.

Thầy Khâm là con trai duy nhất của bà Nghĩa. Thầy còn có một người chị là chị Trọng, chị chưa chồng, có sạp hàng xén bán trong chợ. Sạp hàng bán những thứ cần thiết cho dân làng như kim, chỉ, nút áo, ghim tây, đèn, hộp quẹt…nghĩa là những thứ linh tinh, giá năm giác, một hào, hai hào là cùng.

Thầy Khâm đậu bằng tiểu học, không có tiền học lên cao hơn nên phải xin đi dạy tiểu học, ngạch hương sư phụ khuyết. Đây là một chức việc “công nhật”, vì không có học trường sư phạm nào ra, nên không có ngạch trật gì. Thầy hưởng lương “hương sư mà còn phụ khuyết” nữa, nên cũng chẳng khá gì. Thầy đi chiếc xe đạp cà tang cà tàng, cái dàn (sườn) xe bao năm chưa sơn lại nên loang lỗ, cái râng (niềng) bằng nhôm không lau chùi, đánh bóng, nên trở thành một màu xám xịt. Cái ghi đông “ca rê” cao nghểu nghệnh như con ngựa trời. Thầy bận cái quần tây rộng, cái áo sơ mi bạc màu nên trông thầy lam lũ lắm. Thầy chỉ có nụ cười là tươi và hàm răng trắng đều là dễ thương.

Thầy ăn nói nhỏ nhẹ, cũng biết làm thơ nên chắc là tâm hồn lãng mạn. Chị tôi là con gái mới lớn, cũng thích văn thơ, sách báo, nên anh chàng giáo làng này đã chiếm cảm tình chị tôi bèn cách cho chị tôi mượn những cuốn tiểu thuyết diễm tình. Tôi còn nhớ những cuốn đó như là Bên Dòng Sông Trẹm, Là Ngọc Cành Vàng, Đâu Hình Bóng Cũ…Những quyển truyện mà đọc cái tựa đề không thôi cũng đã thấy “chảy nước mắt.”

Mối tình của chị hai tôi xảy ra năm chị hai khoảng mười tám tuổi. Chị tôi vì muốn giúp gia đình nên theo những người ở quê đi “buôn nguồn”. Chị làm việc gì cũng giỏi. Ở nhà chị quán xuyến hết mọi chuyện như cắt lá, quơ củi, đi gặt, đi cấy. Khi xong công việc đồng áng chị đi “buôn nguồn” kiếm lời. “Nguồn”, nơi chị hai tôi đến mua thổ sản - là xứ Cẩm Y.

Chị hai tôi “đi nguồn” nên dậy rất sớm, khoảng ba giờ sáng đã thức dậy rồi. Chị chuẩn bị một số hàng như muối, các loại cá khô, mắm… để “lên nguồn” trao đổi lấy thổ sản… Chị đi độ khoản hai ba ngày, đổi hàng và thu mua thêm những hàng cần thiết, rồi thuê “nậu xe thồ” như ông Lệ, ông Yên hoặc anh sáu Quế chở về. Những chuyến đi nguồn đó là dịp để thầy Khâm đưa đón chị. Có lẽ nhờ vậy mà thầy Khâm đã “tán dính” chị.

Chuyện “yêu đương” này đã gây một cơn “sốc” lớn cho mẹ tôi. Cha tôi thì hiền, không nói gì, nhưng mẹ tôi thì cấm quyết liệt. Chiến thuật ngăn cấm của mẹ tôi rất giản dị, là sáng sớm, khi chị hai tôi lên đường, bà liền đi theo, đưa chị lên tận trên Cẩm Khê, trời sáng rõ bà mới trở về.

Khi chị về, bà cũng lên đón tận Cẩm Khê, nên với chiến thuật đó, mẹ tôi đã “ngăn cản từ xa”, làm đứt đoạn nhịp cầu hẹn hò của hai người.

Tôi còn nhỏ, nhưng cũng không thích chị hai tôi với thầy Khâm, nhìn quán nước chè của bà Nghĩa ngoài chợ, bên gốc bàng, tôi tự dưng thấy như chứng kiến một cảnh trong truyện Nhà Mẹ Lê của Thạch Lam vậy.

Mối tình đó có một chuyện khá bi hài, là một buổi tối sáng trăng, chị tôi cùng anh năm Đạt, một người quen trong xóm, đi xem văn nghệ dưới thị xã. Mẹ tôi cứ nghĩ rằng chị tôi hẹn hò đi chơi với thầy Khâm, nên quyết chí phen này cho hai người biết tay. Mẹ tôi cầm cái chổi chà, xuống ngồi phục dưới cầu gò ông Đốc. Tan văn nghệ, anh Đạt chở chị hai về ngang qua cầu thì mẹ tôi xông ra, cầm chổi chà quất túi bụi vào hai người. Khi chị hai tôi nhảy xuống khỏi baga xe, thì mẹ tôi mới tá hỏa, là chị hai không đi chơi với thầy Khâm. Cuộc phục kích bị phản ứng ngược, chị hai tôi về nhà bù lu bù loa, khóc lóc, la làng la xóm quá trời. Cuối cùng chị vào buồng lấy chai thuốc trừ sâu dọa uống tự tử. Mẹ tôi thấy vậy hoảng hồn bèn xuống nước năn nỉ.

Rồi mọi chuyện cũng qua đi. Có một điều là sau đó chị hai tôi “thức tỉnh”, thấy gia đình không ưa thầy Khâm, cũng như nhìn đi nhìn lại, cái nhà cũng là cái quán bán nước chè của bà Nghĩa, mẹ thầy Khâm, thảm thương quá, nên chị tôi nghe lời mẹ mà “xa tình”.

Chuyện “xa tình” của chị hai, có lẽ làm đau lòng thầy Khâm không ít. Thầy đã dùng thơ để san sẽ tấm lòng và gởi đến chị những đoạn thơ rất ướt át, những câu thơ thất tình “sên sến”, khiến đọc lên, ai cũng nghe lòng chao chát:

 

Em tôi đã phụ tôi rồi

Chao ôi biết khóc hay cười từ đây

Khóc cho duyên kiếp đọa đày

Cười cho năm tháng đổi thay lòng người

….

Mấy tháng sau chị quen với một chàng trai ở Cẩm Y tên là Quý, làm thư ký hội đồng xã, kết thúc “gọn bâng” mối tình với thầy Khâm. Chàng trai này, nay tức là anh hai tôi  sau này, hai vợ chồng anh chị đã sống với nhau gần 65 năm, đã sinh ra 7 đứa con dễ thương sau này. Anh chị rất hạnh phúc.

 

Trần Yên Hòa

(từ: Rớt xuống tuổi thơ, tôi) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...