Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

TÀU ĐÊM - Trần Thanh Cảnh

 tàu đêm

 

Thiếu uý Luyện, Trung đội trưởng ở đại đội tôi cưới vợ.

Đại đội tôi là đơn vị độc lập, trực thuộc trung đoàn nên đại đội trưởng có quyền cho phép lính về tranh thủ. Nhà tôi ở Bắc Ninh, gần quê Luyện. Đại đội trưởng bảo: “Thôi, cho mày về tranh thủ, chịu khó đạp xe sang ăn cưới, thay mặt cho đơn vị chúc mừng nó!”

 <!>

 

Luyện quê Hải Dương, đi lính năm 1978, đánh nhau tá lả ở chỗ cầu Khánh Khê hồi 79, thoát chết. Được đi học quân chính quân khu, phong hàm chuẩn uý nhưng dính kỷ luật lên kỷ luật xuống, mãi mới có một sao đậu xuống ve áo, thoát cái cảnh “chiều chiều ra đứng bờ ao/ thấy anh chuẩn uý không sao em buồn!”

      Luyện hay bị kỷ luật là do hắn…máu gái!

Mà đương trai trẻ khoẻ mạnh, hừng hực sức sống thằng nào không máu gái?

Có điều thiếu uý Luyện máu quá, làm ẩu nên hay bị kiện cáo, dính kỷ luật. Ví như vụ ở đội trồng rừng Tân Sơn…

      Tối hôm ấy đầu tháng.

Lính tráng vừa được lĩnh ít đồng phụ cấp, mấy thằng thân nhau nhấm nháy rủ Thiếu uý Luyện ăn cơm xong vào Đội trồng rừng Tân Sơn gần đấy, mua con gà tăng gia của em Loan công nhân, đặt nồi cháo. Nàng này không chồng nhưng có hai con, không biết bố là ai. Mua thêm ít lạc rang lên ngồi uống rượu, đợi cháo nhừ. Mỗi thằng cứ chơi xong một “cam”- (từ địa phương, chỉ chai 650 ml), rồi làm bát cháo gà là đêm ấy ấm bụng, vừa phê. Sướng đời thằng mục. “Đời thằng mục, không đi thì nhục, đi thì chết rục xó rừng, đáng đời thằng mục!”

Gà thịt, chặt làm sáu miếng to cho sáu thằng, cho vào nồi thêm vài nắm gạo, đỗ xanh…đặt lên bếp củi đun sôi, rồi để âm ỉ cho nhừ. Cả bọn trải chiếu ngồi quây góc sân, dưới gốc cây nhãn gần bếp đun tập thể của đội trồng rừng uống rượu với lạc rang trước. Đội này có khoảng trên trăm công nhân, chủ yếu là gái. Vài mống trai. Họ lập trại dưới chân đồi, cạnh một con suối theo hình chữ U: giữa là nhà của ban chỉ huy đội, hai bên là những dãy nhà tranh tre nứa lá của công nhân. Thôi thì hầm bà lằng: công nhân trẻ, công nhân nhỡ nhàng có con riêng, gia đình công nhân…ở chung hỗn độn cùng với gà lợn tăng gia. Bởi thế nên cánh lính bọn tôi hay vào gạ mua bán đổi chác, dần thành chỗ thân quen. Mà lính với công nhân, đều giai cấp “cùng đinh đít ếch”, cả phải thương yêu đùm bọc chia sẻ lẫn nhau! Đó là lời thằng Cường Quắt nó nói thế khi rẽ vào vườn hái trộm quả bí đỏ, bị phát hiện, họ làm um lên. Nhưng đó là trường hợp cá biệt thôi, về cơ bản bọn tôi sang đội mua bán đổi chác sòng phằng. Thân mật lắm. Còn trên cả thân mật nữa kia: chị em công nhân nhỡ nhàng, nhìn cánh lính trẻ khoẻ tự nhiên mắt cứ nhấp nháy làm sao ấy. Và cánh lính trẻ cũng nhấm nháy lại. Thế rồi tình thân lại càng thân…Tối ấy bọn tôi đang uống rượu và tán chuyện. Rôm rả. Loanh quanh cũng lại chuyện trai gái. Mấy thằng lính trẻ, suốt ngày cắm mặt ở rừng xanh núi đỏ, đài báo không có, ti vi càng không, còn chuyện gì ngoài chuyện ấy đây?

Rượu đang vào, chuyện đang ran, Thiếu uý Luyện bỗng đứng dậy: “Ra vườn đái bãi!”

Lát sau, đêm thanh vắng rợn lên tiếng gào inh ỏi của em Loan: “Ối giời ơi! Có thằng nó hiếp tôi!”

Luyện hồng hộc chạy về chiếu rượu, ôm mồm líu lưỡi: “V ê ề do oanh… ại… ay! Ung uốc ánh! Ề ề ayyyy”

Cả chiếu rượu ngơ ngác…

Thiếu uý Luyện khua tay rối rít tít mù: “A a ao áo… ộng…”! À, báo động…

Bọn tôi bật dậy như tên bắn. Bỏ mặc rượu, lạc cùng nồi cháo gà đang sôi thơm nức, phi như tên bắn trong đêm về đơn vị. Báo động chiến đấu, Trung Quốc đánh sang mà tay không tấc sắt, không ở vị trí chiến đấu thì xong đời! May mà đội trồng cây chỉ cách đại đội có một quả đồi thấp và một con suối nhỏ nên chỉ vài phút băng mình qua cây cỏ sim mua lúp xúp là bọn tôi đã về doanh trại. Im ắng. Thiếu uý Luyện ra hiệu im lặng, tay vẫn bưng mồm, vào phòng y tá đại đội ngủ chung với cần vụ, nuôi quân, quản lý…Đèn được thắp lên. Thì ra Luyện ta bị ai đó cắn cho một phát vào lưỡi, máu chảy be bét, nom rất kinh! Bọn tôi đoán ngay ra tình hình, tay Luyện cấn cá quá lại mò đi làm ẩu! Chán nản, phẩy tay bỏ mặc tay y tá lau rửa, về đi ngủ. Thế là mất oan bữa rượu cháo gà, tiền phụ cấp của cả tháng nay…

Vụ ấy, bên đội trồng rừng sau cũng chẳng đặt vấn đề truy cứu. Bởi ba cái chuyện trai gái đực cái ở cái chốn thâm sơn cùng cốc giam hãm cả trăm con gái đương xuân thì, mà hầu như không có con trai nên những chuyện như thế, tương tự thế đầy ra…Không ai sức đâu mà giải quyết cho xuể! Mà em Loan cũng không thấy buồn bã hay tổn thương gì, sáng sau vẫn vác cuốc, đeo dao đi rừng bình thường.

Chuyện là, sau khi cánh lính tháo chạy, nàng bèn xuống bếp tập thể bê nồi cháo về, gọi mấy cô bạn hàng xóm cùng cảnh đánh thức đám trẻ con dậy cho chúng nó liên hoan một bữa. Nàng vừa nhai xương gà vừa cười, kể: “Tao đang nằm thiu thiu ngủ, có thằng cha lách cửa vào, tụt quần tao ra, chẳng nói chẳng rằng định tống ngay cái của nợ của nó vào! Nó cứ thế húc bừa làm tao đau gần chết! Tao mới cáu lên giả vờ há miệng cho nó hôn, đợi hắn lùa lưỡi vào, nghiến răng cắn cho một phát đích đáng! Không đứt lưỡi là may! Thế là ôm mồm xách quần chạy mất vía, ha ha…”

Sau chuyện ấy, Đại đội trưởng gọi Luyện ra bảo: “Cho mày nghỉ phép gộp hai năm, về bảo bố mẹ cưới vợ cho luôn. Không cưới được vợ, đừng lên đây nữa. Lên tao báo quân pháp tước quân tịch đuổi về địa phương lập tức!”

Về phép một tuần, Luyện đánh điện lên báo cáo: “Hôn lễ được tổ chức vào ngày X tháng Y năm Z, xin kính mời!”

Thế nên tối ấy tôi mới lang thang ở ga Đồng Mỏ, đợi tàu đêm xuôi về Bắc Ninh.

***

       Hơn bốn mươi năm sau.

Sau chuyến tàu đêm ấy, nay tôi mới dám về lại phố Ga, Bắc Ninh.

Từng ấy thời gian, tôi đã kịp ra khỏi quân ngũ, đi học đại học, đi làm ở một thành phố miền nam, tích luỹ được một gia sản kha khá để về hưu không phải lo nghĩ gì. Chỉ đi chơi ngao du sơn thuỷ, “chơi đợi chết”, như người ta vẫn nói thế. Tôi chẳng bận tâm. Rồi ai chả phải chết? Lăn tăn làm gì, cứ chơi đã! Tôi bèn làm một chuyến về thăm quê, tiện thể lang thang xứ Bắc.

Tôi đến số nhà 12. Nay là một quán cà phê. Vào gọi một tách nâu đá. Chủ quán là một cô gái trẻ. Không có một nét gì gợi nhớ đến Hằng, cô gái đã đi cùng chuyến tàu đêm từ ga Đồng Mỏ về Bắc Ninh năm xưa.

Cùng chuyến đó, còn có Thu, người ở một xã thuộc huyện Chi Lăng, cách ga Đồng Mỏ một quẵng núi. Hai cô đưa nhau về ăn cưới anh trai Thu, xong rồi cùng xuôi tàu về Trường Thống kê, nơi họ đang theo học.

Cuộc đời con người ta có thể gọi là một chuỗi những sai lầm. Nhưng bi kịch là, có những sai lầm còn sửa chữa được, còn có những sai lầm mang tầm thảm hoạ không có cơ nào mà sửa chữa. Nhất là tuổi trẻ bồng bột và cảm tính, đời là liên tục những phép “thử- sai”. Những sai lầm thô thiển mắc phải, nó ám ảnh hết cuộc đời. Nhiều lúc sau này trong cuộc đời, vì duyên cớ nào đó ta bỗng nhớ lại những sai lầm thời trẻ, thậm chí có khi phải bật lên một câu chửi tục. Nên đã rất nhiều lần nằm một mình trong đêm đen, chợt nhớ lại cái chuyến tàu đêm ngày ấy, tôi phải buột miệng nguyền rủa chính mình: “Khốn kiếp! Sao mình lại khốn nạn đến thế nhỉ?”. Có thời gian mải mánh mung, làm ăn, buôn bán. Rồi rượu chè tiếp khách triền miên, về đến nhà nhiều hôm không kịp cởi giày cứ thế là phi lên giường chìm ngay vào giấc ngủ, cái kỷ niệm ấy tưởng như đã được chôn vùi sâu kỹ trong ký ức của tôi rồi. Nhưng đến khi tôi ăn nên làm ra, có cơ nghiệp kha khá, nhàn nhã hơn, và bắt đầu có tuổi. Thì những âm thanh hình ảnh ấy lại bất thình lình hiện về lúc đêm khuya. Rõ mồn một. Tôi lại dằn vặt và tự nguyền rủa mình. Rồi đến khi tôi nghỉ hưu, buông bỏ hết mọi chuyện sân si ngoài đời, những mong muốn sống những năm cuối của cuộc đời thật thanh thản. Thì những hình ảnh kỷ niệm nhức nhối đó lại hiện về nhiều hơn, rõ nét hơn. Không những là âm thanh hình ảnh, mà có lúc đang nằm trên giường, trong phòng riêng với chăn đệm thơm tho tôi còn như ngửi thấy cả cái mùi đặc biệt của toa đen trên chuyến tàu đêm ấy. Trong đêm tôi giật mình tỉnh dậy, mồ hôi toát ra đầm đìa bất kể đông hay hè. Có lúc tôi lâm vào trạng thái gần như hoảng loạn. Tôi cố nghĩ cách thoát ra khỏi cái ám ảnh của một thời quá khứ tuổi trẻ…

Sau rất nhiều vật vã, tự nguyền rủa, xỉ vả chính mình chán chê không ăn thua gì. Tôi chợt nảy ra ý nghĩ, có lẽ mình cần làm một chuyến kiểu “trở lại chiến trường xưa”, như mấy tay cựu binh Mỹ, Hàn gây ra những vụ thảm sát dân thường ở miền Trung đã từng. Tôi cần phải đến đối mặt xin lỗi, thậm chí quỳ xuống trước mặt hai người con gái năm xưa xin tha thứ. Chắc làm thế lương tâm tôi mới thanh thản được mà sống nốt những năm cuối đời được. Nhưng nghĩ xong kịch bản như thế rồi, tôi lại sợ. Tôi kinh sợ phải đối mặt với ánh mắt trong veo tin cậy của hai cô gái trẻ xưa. Họ đã tin vào tôi. Nhưng tôi đã hầu như phụ lại cái niềm tin cảm tính trong sáng thơ ngây ấy. Tôi đã giày vò họ. Chà đạp xé nát tâm hồn họ. Làm họ tổn thương cả thể xác lẫn tinh thần. Sau hơn bốn mươi năm, họ có còn căm thù tôi không? Họ có tha thứ cho tôi không? Và, sau cú sốc như vậy, họ có đủ nghị lực để đứng lên bước tiếp con đường đời không hay bị huỷ hoại cả tâm hồn và thể xác rồi? Nhưng cứ dằn vặt mãi với những câu hỏi đó, chỉ càng khiến tôi thêm u uất. Mà thời gian của tôi trên cuộc đời này không còn nhiều, tuổi già và bệnh tật đang lao đến sầm sập như đoàn tàu tốc hành đưa về ga cuối. Chẳng nhẽ mình cứ mang mối ân hận giày vò đến lúc chết? Mà hai cô gái năm xưa giờ có khi cũng già rồi, rất có thể vết thương lòng gây ra ở chuyến tàu đêm năm ấy đã liền sẹo lâu rồi, có thể họ đã quên rồi, họ sẽ tha thứ cho tôi. Nhưng nếu họ không tha thứ? Họ nguyền rủa, chửi bới, đánh đập…Thì cũng có sao đâu nhỉ? Tôi xứng đáng bị thế mà! Nghĩ thế tôi cũng dần có đủ can đảm để từ thành phố miền nam, nơi tôi sinh sống về quê Bắc Ninh, rồi đến ngôi nhà số 12, phố Ga năm xưa…

“Nhà cháu có bà nào tầm tuổi bác tên là Hằng không?”

“Dạ, không bác ạ.”

“Đây là nhà cũ vốn của gia đình hay mua lại?”

“Bố mẹ chồng cháu mua lại, rồi giao cho vợ chồng cháu làm cà phê bác ạ.”

“Thế thì cháu không biết gì về gia đình chủ nhà cũ nhỉ?”

“Dạ…À, cháu có nghe mẹ chồng nói là chủ cũ ấy, đi định cư nước ngoài nên mới bán nhà bác ạ.”

Thế là biệt bóng chim tăm cá! Hơn bốn mươi năm, đủ cho vài thế hệ sinh ra lớn lên. Mỗi thế hệ lại có những định mệnh khác nhau. Nhưng thế hệ sau như những con sóng trùm lấp lên thế hệ trước, dìm thế hệ cũ kỹ vào trong vũng biển quá khứ tối tăm lạnh lẽo của sự quên lãng, huỷ diệt. Điều đó là tất yếu.

Trả tiền cà phê, tôi bần thần ngổn ngang bước đi vô định về phía cái nhà ga nhỏ trên đường sắt Hà Nội- Lạng Sơn. Ga vắng teo. Chỉ có độ dăm hành khách đợi chuyến tàu ngược Lạng Sơn sắp đến. Tôi như kẻ mộng du, bước đến quầy bán vé, mua một ghế ngồi lên ga Đồng Mỏ…

***

       Hồi ấy là những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước.

Tàu hoả Hà Nội- Lạng Sơn đâu chỉ chạy đến gần thị xã rồi quay lại, vì đường ray bị chiến tranh 79 phá hỏng, chưa khôi phục xong. Tàu hơi nước cũ, đường kém nên chậm giờ vài tiếng là chuyện bình thường. Chuyến tôi về hôm ấy đáng ra tàu xuất phát 8h tối từ ga Đồng Mỏ, nhưng loa thông báo tàu hỏng đang sửa chữa, dự kiến khoảng 12 đêm mới có tàu xuôi. Tôi nghe thông báo một cách thờ ơ, bởi đằng nào cũng ngủ ga ngủ đường đêm nay, xác định thế rồi. Dằn bụng bằng hai cái bánh chưng rán nóng hổi trên mâm, tráng miệng vài cốc trà nóng, mua thêm một bó thuốc “con gà”, tôi khoác hờ cái ba lô nhẹ tênh bên vai, đi vào trong ga, kiếm một góc tương đối sạch sẽ, quẳng ba lô ngồi bệt xuống. Tôi dựa lưng vào tường cho thư giãn đôi chân vừa cuốc bộ hơn ba mươi cây số qua đèo Trang. Mồi thêm một điếu thuốc, khoan khoái rít vài hơi sâu cho đã, mắt lim dim nhìn ra phía cửa phòng đợi. Phòng đợi nhưng không có một chiếc ghế nào, chỉ may là nền gạch hoa cũ còn khá nguyên vẹn, tương đối sạch sẽ. Nên ngủ tại đây một giấc rồi dậy lên tàu cũng tốt chán, so với việc ngủ lán tạm, ngủ bên đường, ngủ trong bụi sim mua của đời lính.

Bỗng mắt tôi sáng lên: có hai cô gái trẻ, áo sơ mi trắng, quần âu xám, xách túi đi vào. Họ đến quầy mua vé, rồi đứng kín đáo nhìn khắp phòng đợi một lượt. Phòng đợi tàu chủ yếu là lính, nằm ngồi ngổn ngang. Chỉ có thêm vài bà buôn hoa quả, lâm thổ sản về xuôi. Cả hai đứng cạnh quầy bán vé một lát, ghé tai thầm thì với nhau điều gì đó, xong tiến thẳng đến chỗ tôi ngồi: “Anh cho bọn em ngồi nhờ cạnh nhé?”

Lòng hân hoan khôn xiết, tôi dịch sát vào góc: “Mời hai em!”

Bởi trong lúc họ đứng nói chuyện riêng với nhau, tôi đã kịp quan sát, quả là hai cô gái đẹp, mỗi người một vẻ. Một cô có dáng người cao ráo khoẻ mạnh trắng hồng, môi đỏ rực, mắt sắc to đen, lông mi dài cong rợp xuống như diễn viên chụp ảnh trên hoạ báo. Một cô hơi gầy, trắng xanh, khuôn mặt hơi nhợt nhạt nhưng bù lại có cái miệng rất xinh, với hàm răng trắng đều tăm tắp và đôi môi hồng nhạt như màu của bông hoa đào trên núi.

Họ lấy trong túi ra tấm ni nông, trải xuống đất, rồi ngồi xuống: “Anh ngồi cùng chúng em cho khỏi bẩn quần!”. “Các em cứ tự nhiên, bọn anh lính tráng thế này nó quen rồi!”

Thế rồi chúng tôi tự giới thiệu làm quen với nhau. Thu và Hằng cùng đang học ở Trường Thống kê, Bắc Ninh. Họ thân nhau. Anh trai Thu cưới vợ, Hằng theo về chơi ăn cưới, nay xuống trường. Họ thấy mừng rỡ khi biết tôi cũng xuống ga Bắc Ninh. Tôi tán thêm: “Thế là có thể coi bọn mình cùng chung chuyến đò đấy.”

Hằng, cô gái trắng xanh người phố Ga, Bắc Ninh bảo: “Anh với em là đồng hương đấy.”

Tôi mỉm cười, hơi tự ti. Tôi là trai làng cách Thị xã hơn chục ki lô mét, nàng là gái phố thị, thường kiêu kỳ lắm.

Câu chuyện của tuổi trẻ miên man trong đêm khiến cho thời gian qua mau. Đã nửa đêm, nhưng chưa thấy nhà ga thông báo gì về chuyến tàu xuôi sẽ tới. Trong phòng chờ, ngoài sân ga đông đúc toàn lính tráng chờ tàu xuôi. Hình như có đợt phép từ trên các chốt xuống. Ồn ào. Tôi đã phải đứng lên đi ra phía đầu hồi nhà ga, nơi có một cái cột gỗ, trên treo cây đèn bão vàng ệch, có những búi cây dại mọc lúp xúp, được mặc định là nhà vệ sinh để đi tiểu vài lần. Tôi đang âm thầm thắc mắc, sao bọn con gái họ nhịn tiểu tốt thế nhỉ? Hai cô nàng ngồi từ tối đến nửa đêm không thấy đi lần nào? Thì Hằng bảo tôi: “Anh ngồi trông túi cho bọn em ra ngoài chút nhé!”. Tôi mỉm cười: “Đi đi, anh trông cho, yên tâm.”. Hồi ấy xã hội đói kém sinh ra trộm cắp như rươi, hở cái gì ra mất cái đấy, từ tiền bạc cho đến nồi niêu xoong chảo quần áo cũ cũng không tha. Hằng và Thu vừa ra đã thấy quay lại. Tôi hơi ngạc nhiên, nhưng không tiện hỏi. Nhẽ nào lại hỏi bạn gái mới quen là sao các em đi đái nhanh thế?

Ngồi một lát, dường như không chịu nổi, Hằng oằn mình lên, mặt tái dại, quay sang nói với tôi: “Anh ra trông cho chúng em…đi với! Có mấy thằng nó cứ rình đi theo…”

Tôi chợt hiểu. Cánh lính trên chốt cả năm không thấy bóng con gái, nay xuống núi về phép nhìn thấy hai cô nàng  trẻ trung óng mượt, thật như mèo thấy mỡ. Bọn này hở cơ ra là làm ẩu ngay, tôi biết. Tôi khoác ba lô lên vai, tay xách túi của hai cô, đi cùng họ ra chỗ bụi cây lúp xúp. Xa hơn chút, đủ để ánh đèn mù mờ không rọi thấy gì. Hằng gọi: “Anh đến đứng gần đây cho bọn em đỡ sợ”, khi thấy tôi định dừng ở chỗ gần cột đèn. Tôi hơi xôn xao. Bước tới lùm cây dại cạnh bờ ke. Quay mặt ra phía đường ray hút thuốc. Hai nàng ngồi thụp xuống phía bên kia bụi cây dại. Và…

“Re re re re… ri ri ri ri…”

Tôi điếng người. Ngưng thở. Điếu thuốc lá “con gà” dính chặt cứng trên môi. Cái âm thanh kỳ lạ kia tôi chưa từng nghe thấy bao giờ vang lên rõ mồn một trong đêm. Không phải như tiếng nước róc rách trong khe núi đá, hay tiếng tí tách của mưa rơi trên lán lá nơi rừng sâu. Nó nhẹ nhàng và mơ hồ. Cái thanh âm phát ra từ thân thể hai trinh nữ, trong đêm hầu như vắng lặng, bỗng nhiên thành điệu nhạc gợi cảm làm sao. Nghe như tiếng sáo réo rắt trên cõi thiên thai, hay như tiếng đàn phong cầm được một người nghệ sĩ tài ba kéo lên mơ hồ trong rừng vắng. Nó là một bản hoà âm thoát ra từ tiếng lòng của thân thể nữ trẻ trung, vừa khoan khoái vừa ngượng ngùng trút xả. Nó là một trường âm thanh kỳ bí cực kỳ khó diễn tả cho chính xác. Nhưng nó khiến cho thằng trai trẻ là tôi khi ấy, được diễm phúc hưởng thụ bản nhạc không lời của đôi trinh nữ thốt nhiên căng cứng. Thân thể nóng rực. Đầu lâng lâng mù mịt đầy những hình ảnh hỗn loạn như tia chớp đan xen lẫn nhau loang loáng…

Hằng và Thu đến bên tôi, mặt đỏ rực trong ánh đèn đêm mờ mờ, bẽn lẽn: “Mình vào nhà đợi đi anh!”.

***

       Tàu hoả Hà Nội - Lạng Sơn giờ không như xưa.

Đầu máy diezen nên không còn bụi than mù mịt và ghế ngồi khá thảnh thơi. Rất ít người đi tàu. Tàu đến ga Đồng Mỏ lúc đầu giờ chiều. Tôi xuống sân ga. Không còn gì gợi nhớ đến cái ga leo lét đèn dầu ngày xưa. Tôi đi bộ lang thang vào trong thị trấn. Phố xá tấp nập nhà cửa khang trang, không còn đâu cái dấu vết phố núi tạm cư trong chiến tranh nữa. Tôi muốn tìm về nhà Thu, nhưng không có một cái địa chỉ khả dĩ nào lưu lại trong trí não để mà bấu víu. Tôi đánh liều gọi xe ôm chạy thẳng vào Phòng Thống kê huyện Chi Lăng hỏi, có ai tên là Thu đã từng làm việc ở đây? Có ai biết một cô Thu đã học Trường Thống kê không? Không! Cũng lại tuyệt bóng chim tăm cá…

Tuyệt vọng. Chán nản. Tôi rẽ vào chợ Đồng Mỏ mua mấy thứ sản vật gợi nhớ thời xa xưa: măng ngâm ớt, thịt lợn quay nhồi lá móc mật. Và a lô cho mấy ông bạn cùng đơn vị cũ, tập trung ở một địa chỉ nhậu, ôn lại chuyện thời lính tráng. Tôi ra đường Quốc lộ 1 bắt xe xuôi về Hà Nội. Trải nghiệm lại cái cảm giác năm xưa, ngồi trên tàu hoả chạy nhẩn nha cà rịch cà tàng thế là đủ rồi. Nước mình sau mấy chục năm đổi mới, mọi mặt đời sống, mọi ngành nghề đều có những bước đột phá vượt bậc. Nhưng riêng ông tàu hoả hình như vẫn thế. Vẫn đường sắt bé tí với con tàu chạy chầm chậm huýt còi inh ỏi. Bởi thế trừ những người nhàn nhã du cảnh, giờ ít ai đi tàu hoả bởi tốc độ chậm của nó. Tôi lên xe tốc hành Lạng Sơn- Hà Nội. Kéo ghế cho ngả ra chút, dựa lưng buông lỏng chân tay cho thoải mái. Xe máy lạnh chạy êm ru, mở nhạc réo rắt khiến tôi chìm dần vào giấc mơ màng…

      Trong giấc mơ, tôi thấy mình và hai cô gái lên tàu xuôi từ ga Đồng Mỏ.

Ba chúng tôi lên một toa tàu chợ, còn gọi là toa đen: hai bên thành tàu là một hai dãy ghế dài, không đánh số, ai muốn ngồi đâu thì ngồi. Giữa toa là lối đi và nơi để hàng hoá của những người buôn chuyến đưa lâm thổ sản về xuôi bán. Ba chúng tôi ngồi giữa toa. Tôi ngồi cạnh Thu. Ba lô và túi để trong gầm ghế, dưới chân. Tàu chật, chủ yếu là lính. Lính từ trên chốt tiền tiêu tuyến một xuống, mặt xanh nanh vàng, tóc tai bờm xơm, quần áo cũ bẩn, trông như thổ phỉ. Tôi cũng là lính, nhưng ở thê đội hai, thuộc quân đoàn dự bị đóng quân dọc theo đường chiến lược 279, sẵn sàng xung trận nếu tuyến một thất thủ. Nhưng thực sự bọn tôi khi ấy nhênh nhang lắm, không tin sẽ có đánh lớn lại như tháng 2/79. Trên tuyến một, lính tráng hai bên chửi nhau như chó ăn vã mắm bằng loa phóng thanh. Thỉnh thoảng nóng máu nện quả pháo cối hay bắn tỉa sang nhau nên cũng có hy sinh, nhưng ít. Chỉ khổ nhất là trên chốt phải thường trực chiến đấu 24/24 nên rất căng thẳng. Và đời sống cực kỳ kham khổ nữa. Không hiểu tại sao hồi ấy người ta như bỏ quên những người lính trên chốt nói riêng và cả cánh lính biên giới phía Bắc nói chung: ăn đói mặc rách, thiếu thốn đủ bề. Đến mức một ông lãnh đạo cao cấp phải viết thành thơ về bữa cơm lính: “nước mắm đại dương và bát canh toàn cuốc”! Khốn khổ thế nên mỗi khi được xuống núi, nghỉ phép là các chú lính trẻ quậy phá tưng bừng như hình thức xả stress cũng không có gì lạ.

Toa tàu mỗi lúc một đông. Đến lúc tàu chuyển bánh chạy ra khỏi sân ga thì càng đông nữa, chật ních. Cánh lính về phép đa số không mua vé, mà đợi ở đầu đường ghi ngoài ga, tàu bò ra khỏi vọng kiểm soát là chạy theo nhảy tàu, bám đu lên, “ cho đi nhờ tí”! Đó là lời họ nói với nhân viên soát vé của đường sắt nếu chẳng may bắt gặp. Vào trong toa không còn chỗ, nhiều tay liều lĩnh đu nhảy lên nóc toa, gối đầu lên ba lô nằm khểnh cho mát. Mà quả là mát thật, trong một lần trả phép lên tàu từ ga Bắc Ninh, tôi đã leo lên nóc toa nằm. Mùa hè, tàu chạy giữa cánh đồng đồi núi, gió thổi mát như gió nồm nam ở quê buổi chiều hè, thật sướng đời thằng mục…

Tàu chưa xuống đến ga Sông Hoá, toa đã chật cứng người. Chủ yếu là lính. Cánh lính ồn ào đủ mọi chuyện, văng bạt mạng. Con tàu có lẽ quá tải gấp nhiều lần tải trọng cho phép của nó, nên đầu máy thỉnh thoảng lại hồng hộc gào lên và hú còi như than thở. Nhưng nó vẫn kiên nhẫn ì ạch trườn đi trong đêm. Đêm cuối tháng tối đen. Trong toa tàu không có một chút ánh sáng nào gọi là có, càng tối tăm kinh khủng. Tối đến nỗi tôi ngồi sát sạt Thu mà chỉ thấy mặt em mờ mờ. Và trong không gian chật chội, những thân thể như nêm vào nhau, thêm bóng tối quái quỉ như đồng loã xúi giục, những con thú bắt đầu lần mò…

“Làm cái gì thế?”- tiếng một chị buôn hoa quả cáu gắt.

“Vui một tí, làm gì đâu?”- tiếng nhâng nháo trả lời.

“Mày định sờ lồn hay lần tiền?”- tiếng mợ buôn sắn khô về xuôi cứu đói nhấm nhẳng.

“Sờ lồn!”- tiếng một tay lính giọng trẻ măng trả lời tỉnh bơ.

Bỗng vang lên tiếng tát đôm đốp, tiếng đàn bà rít lên:

“Mày sờ thì sờ hẳn hoi, cứ véo với rứt lông thì cụ tổ mày chịu được à!”- cả toa rộ lên tiếng cười man dại, khả ố.

Sau tràng cười ấy, là một sự im lặng tương đối bí hiểm, không ai nói gì nữa. Không gian trong toa nồng lên mùi người. Chỉ có những tiếng nho nhỏ cáu gắt cấu chí lẫn nhau, nhộn nhạo, sột soạt. Và cả những tiếng rên rỉ đã cố kiềm chế, không biết vì đau hay do sướng. Con tàu cứ thế trườn đi trong màn đêm đen đặc như con tàu ma, mà những kẻ ngồi trong toa đen hầu như đang biến thành ma cả rồi.

Thu run bắn lên, thì thào vào tai tôi: “Sao họ lại thế hả anh?”. “Em chưa đi tàu đêm bao giờ hả?”. “Đây là lần đầu”. “Thế thì phải cứng rắn lên, đứa nào thò tay vào, cấu thật mạnh cho nó rụt tay lại nhé”. “Em sợ…”. Giọng Thu bắt đầu run rẩy. Hằng ngồi bên kia, nhoài người qua Thu, ghé sang tôi hổn hển: “Anh sang ngồi giữa, ôm lấy cả hai chúng em cho đỡ sợ.”

Tôi chuyển sang ngồi giữa Thu và Hằng. Hai cô nép dúi vào người tôi. Tôi vòng tay ôm lấy eo hai cô gái. Họ tê liệt vì sợ, run bần bật, cố bíu chặt vai tôi. Thân thể họ nóng bừng, run rẩy như có những làn sóng không ngớt bên trong dội ra không ngừng. Va đập vào người tôi. Mềm mại. Rắn chắc. Nóng hổi. Sự tiếp xúc thân thể trai gái như có một luồng điện đánh thức bản năng đàn ông của tôi dậy. Tôi tức khắc nhớ lại khoảnh khắc đê mê mình được thưởng thức bản nhạc thần tiên lúc nãy. Đầu óc tôi mờ đi, bấn loạn. Tôi không nghĩ được gì nữa, hai bàn tay như có tiếng gọi hoang dã bản năng lôi kéo, từ từ lần mò vuốt ve sờ nắn thân thể cả hai cô. Từ ngực xuống đùi. Tay tôi dần đưa xuống cái chỗ bí hiểm nhất của thiếu nữ, nơi mọi thằng con trai đều mơ tưởng khao khát. Chốn động tiên, nơi khởi thuỷ của bản nhạc trinh nữ vừa khiến tôi bay bổng lên chín tầng mây…

Khung cảnh trong toa đen lúc ấy khiến cho hai cô gái trẻ sợ hãi đến mức tê liệt, mất mọi khả năng phản kháng dù là yếu ớt nhất. Người họ mềm nhũn phó mặc trong tay tôi. Còn tôi, lúc ấy trong đầu dục vọng bốc lên ngùn ngụt, không nghĩ được điều gì nữa. Hừng hực thèm khát. Tôi vuốt ve sờ nắn khám phá thân thể họ từ trên xuống dưới. Tôi luồn tay qua cạp quần, lách những ngón tay tham lam qua lần quần lót, làm những “trò mèo” mà sau mấy chục năm, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn nóng bừng mặt vì thấy nhục nhã. Và thậm chí đã tự nguyền rủa mình không biết bao lần, rằng sao lúc đó mình lại hành động thô bỉ khốn nạn như một tên súc sinh vậy? Nhưng lúc đó, có trời biết tôi không nghĩ được gì thật. Hai bàn tay tôi hành động hoàn toàn theo tiếng gọi của bản năng, tham lam thám hiểm thân thể cả hai cô ngày càng bạo dạn trơ trẽn hơn…

       Và đây là sự ngu xuẩn, thô bỉ nhất đời của tôi.

Đêm rất đen. Không gian trong toa đen sệt đặc quánh. Nhưng khi đã ngồi đủ lâu trong bóng đen ấy, mắt người ta lại tự điều chỉnh và có thể hầu như nhìn thấy khá rõ mọi thứ. Mọi hành động của tôi không thoát khỏi ánh mắt cú vọ hằn học ghen tức của các tay lính từ trên chốt xuống. Họ tiến đến trước mặt tôi: “Này đồng đội! Ông hai tay hai em như thế này là không công bằng! Nhường bọn tôi một em!”. “Các ông ra chỗ khác, đây là hai bạn gái tôi!”. “ĐM mày cũng là lính mà hai tay hai em, còn chúng tao cả lũ không có em nào, mày có thấy thế là bất công không? Nhường một em đi!”. Vừa nói dứt lời, mấy cánh tay đã nhâu nhâu thò vào ngực vào đùi của Hằng và Thu sờ nắn. Hai cô rú lên, ôm chặt tôi tuyệt vọng. Tôi gạt tay họ ra: “Các ông không được làm bậy!”. “ĐM thằng lính cậu này láo! Bọn tao xin tí tiết giờ!”. Vừa trợn mắt đe doạ, tay lính kia vừa rút con lê AK trong người ra, túm tóc dí vào cổ tôi. Hai cô gái sợ hãi nhắm mắt rú lên, tay bíu chặt tôi khiến không thể nhúc nhích gì được. Tay lính chốt gằn giọng: “Mày muốn bay qua cửa sổ tàu cho mát không?”. Mấy tay khác xúm vào túm kéo lôi hai cô xuống sàn tàu. Tôi cố giữ cả hai. Tay phải tôi ôm Thu, khoẻ hơn ghì cứng lại, tay trái yếu lực bất giác buông ra. Hằng sợ hãi quằn quại hầu như ngất đi. Cả một đám lính chốt nhâu nhâu xúm vào thân thể cô bé yếu đuối. Thu hoảng loạn ôm chặt lấy tôi: “Anh ơi giữ lấy em đừng buông tay ra!”…

Bị lăn lộn vầy vò trong đám đông là một sự đau đớn ê chề cùng cực. Nhưng cũng còn sót chút may mắn: vì đông quá, tay nào cũng muốn được chạm vào thân thể cô gái nên rốt cuộc, Hằng chỉ bị bóp nắn sờ soạng cấu véo chứ không bị hiếp dâm. Thần kinh lúc đó tê liệt nên có lẽ Hằng đã buông xuôi, co rúm người. Liệt kháng. Mặc kệ bọn họ làm gì thì làm. Đau đớn quá, thậm chí khiến con người ta không còn cảm giác đau nữa. Tôi và Thu ôm nhau khóc vì bất lực, ê chề, nhục nhã. Thu rúc sâu mặt vào ngực tôi không dám nhìn. Trong cơn hoảng loạn, tôi thực sự cũng không còn biết làm gì hơn. Nếu nhảy vào can thiệp để cứu Hằng, rất có thể đám lính đang điên cuồng vì khát tình kia sẽ xọc cho vài mũi lê và quẳng tôi ra ngoài cửa sổ tàu đang chạy như đã từng, không cần biết sống chết ra sao. Tôi nhắm mắt nghiến răng tuyệt vọng, thầm mong có một biến cố kinh hoàng nào đó xảy ra ngay tức khắc để chấm dứt cảnh này: tàu lao xuống sông, đâm vào vách núi chẳng hạn…

Nhưng con tàu vẫn cứ ì à ì ạch bò đi trong đêm. Mãi rồi gần sáng nó cũng về đến Bắc Giang, thị xã gần như là hậu cứ biên giới khi đó. Thị xã có điện. Tàu vừa chạy qua trạm ghi, ánh sáng điện bên ngoài bừng lên chiếu vào trong toa. Thốt nhiên tất cả đám lính chốt ngừng tay, ngưng mọi trò chọc ghẹo đám đàn bà con gái trong toa, sửa sang quần áo ba lô xuống tàu. Lính Bắc Giang và vùng xung quanh lên chốt rất nhiều. Tàu vừa giảm tốc độ để tiến vào sân ga, có tiếng hô inh ỏi: “Có kiểm soát quân sự!”

Chỉ trong tích tắc, đám lính chốt trong toa đen đã nhảy khỏi tàu xuống đường bằng hết.

Tôi gỡ tay Thu ra, đứng dậy định ra dìu Hằng lên ghế ngồi. Cô ấy rú lên: “Đừng động vào người tôi!”

Thu nhào đến, ôm lấy vai Hằng, nức nở: “Mình đây, Thu đây mà…”

Hằng lả người đi trong vòng tay Thu.

Lúc tàu xuống đến ga Bắc Ninh, trời đã sáng hẳn. Thu lạnh tanh bảo tôi: “Anh cõng bạn tôi về nhà ngay cửa ga đây.”

Tôi xốc Hằng lên lưng, mềm oặt, bấy bá. Đưa về cửa nhà số 12 phố Ga. Thu đỡ Hằng xuống, quẳng chiếc ba lô xuống vỉa hè, mắt long sòng sọc rít lên: “Cút nhanh cho khuất mắt! Trông cái mặt tưởng tử tế, thế mà ra khốn nạn!”

Tôi gằm mặt, không dám nhìn, vơ vội cái ba lô, chạy thẳng ra phía Cổng Ô, bắt xe về làng…

***

        Về đến Hà Nội thì trời vừa sụp tối.

Xuống khỏi xe ô tô tốc hành, xách túi đồ mua trên Đồng Mỏ, tôi mở ra kiểm tra xem có còn nguyên vẹn không. Mùi măng chua giấm ớt hoà cùng mùi thịt lợn quay nhồi lá móc mật cùng lúc xộc lên, khiến tôi nôn nao khó chịu. Từ trong sâu thẳm bụng dạ có một cơn quặn thắt co rút dữ dội trào lên cổ lên miệng khiến tôi cảm thấy đau đớn không chịu nổi. Tôi lao vào gốc cây vệ đường nôn thốc nôn tháo. Nôn mãi như không dứt được. Nôn ra cả mật xanh mật vàng mới thôi…

Toát mồ hôi, loạng choạng đứng dậy, nhìn cái túi thức ăn đầy sợ hãi. Tôi cầm lấy ném tất cả vào thùng rác, rồi lết trên vỉa hè gọi một chiếc taxi đưa đến khách sạn gần đấy. Tôi chỉ kịp gọi cho một ông bạn lính cũ, nói gọn lỏn “huỷ nhậu”, rồi vật ra giường. Nằm liệt. Tôi nhanh chóng chìm vào trong một cơn ác mộng. Tôi nhìn thấy khuôn mặt của hai cô gái cùng chuyến tàu đêm năm nào. Họ đang bay ngay phía trên tôi, trong bầu trời mùa xuân đầy hoa thơm cỏ lạ chim hót ríu ran. Còn tôi đang nằm trong cái toa tàu đen sì nhìn lên. Tôi muốn gọi, nhưng miệng đau đớn như vừa bị muôn ngàn cái tát đến tê liệt, không cất lên lời. Tôi cố vùng dậy, nhưng cả người tê cứng đau đớn kinh khủng. Tuyệt vọng. Tôi thấy mình đang từ từ trôi vào một thứ gì đen ngòm. Tối tăm. Hôi hám. Ngạt thở…

4/2024. 

Trần Thanh Cảnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...