Năm nay một số vùng của đất Mỹ sẽ gặp nạn ve sầu. Nạn này chỉ xảy ra vào mỗi 221 năm. Lần trước là vào năm 1803, thời Tổng thống Thomas Jefferson. Hàng ngàn tỷ ve sầu sẽ làm náo động người dân ở khu vực Đông Nam Hoa Kỳ. Tại sao lại có đại hội ve sầu huy hoàng như vậy, hãy nghe các nhà khoa học giải thích.
<!>
Ve sầu có hai…trường phái: ve sầu hàng năm và ve sầu định kỳ. Ve sầu hàng năm xuất hiện mỗi kỳ hè có màu xanh và thân hình cồ nô hơn ve sầu định kỳ. Ve sầu định kỳ chỉ xuất hiện ở khu vực Bắc Mỹ, có màu đen, mắt đỏ chia ra làm hai nhóm: nhóm Brood XIX xuất hiện mỗi 13 năm và nhóm Brood XIII có chu kỳ xuất hiện mỗi 17 năm. Năm nay cả hai nhóm Brood XIX và Brood XIII đều tới chu kỳ xuất hiện trùng nhau nên mới ra cớ sự. Như đã nói ở trên, cuộc trùng phùng giữa hai nhóm ve sầu Brook XIX và Brook XIII chỉ xảy ra mỗi 221 năm. Người ta tính ra con số này khi làm một con tính nhân 13 với 17. Kết quả là lần trước vào năm 1803, lần này 2024. Lần tới sẽ là năm 2245. Chúng ta sẽ chẳng có ai có cơ hội được coi cuộc hội tụ tới của ve sầu định kỳ.
Chúng đông như quân Nguyên mà chỉ tiếng ồn do chúng tạo ra cũng đủ làm chói tai. Tiếng ồn đo được tới 120 decibels đó lớn hơn tiếng máy cắt cỏ từ sáng sớm cho tới chiều tối. Năm nay nhóm Brood XIX với chu kỳ 13 năm sẽ tới hỏi thăm cư dân tại các tiểu bang Kentucky, Missouri, Arkansas, Tennessee, Mississippi, Alabama, Georgia, South Carolina, North Carolina và Virginia. Nhóm Brood XIII với chu kỳ 17 năm sẽ xuất hiện nhiều tại hai tiểu bang Illinois và Iowa. Một khu vực nhỏ tại tiểu bang Illinois, vùng Champaign, là nơi hội tụ của cả hai nhóm trên. Đó là chưa kể tới nhóm ve sầu Brook X xuất hiện hàng năm. Bạn nào cư ngụ tại các tiểu bang này lo mà bịt tai.
Ve sầu dù thuộc nhóm nào cũng có một cuộc đời tăm tối. Phần lớn thời gian chúng sống dưới lòng đất. Ve sầu là loài côn trùng có tuổi thọ cao, khoảng từ 3 đến 5 năm. Ve sầu định kỳ Magicicada sống dai nhất, tới 17 năm lận. Nghe thì dài nhưng phần lớn cuộc sống của ve sầu là chui rúc dưới lòng đất. Tạo hóa đã sắp đặt như vậy để các ấu trùng của ve sầu không bị các loài ong, bọ ngựa và chính các con ve sầu khác sơi tái nếu ấu trùng lộ trên mặt đất. Làm anh hùng núp dưới đất chúng lột xác tới bốn lần và khi chui lên khỏi mặt đất, chúng lột xác thêm một lần nữa, lần thứ năm. Sau lần lột xác này chúng trở thành những con ve trưởng thành và đi tìm bạn tình để tò te liền. Tìm được bạn tình, tò te xong, chúng lăn quay ra chết. Lối sống kiểu “thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt” đã được thiên nhiên lập trình sẵn, chẳng chạy đi đâu được. Đấy là phần anh đực rựa, các chị ve sau khi thụ tinh sẽ tự đào những rãnh nhỏ trên vỏ cây để làm ổ đẻ trứng. Chúng đẻ tới vài trăm trứng tất cả. Trứng sẽ nở ra thành ấu trùng và rơi xuống đất. Ấu trùng sẽ đào những đường hầm có độ sâu từ 2 phân rưỡi tới 30 phân và chui vào lòng đất. Chúng hút nhựa rễ cây và các chất dinh dưỡng khác trong đất để sinh trưởng và phát triển.
Vòng đời trên mặt đất của ve sầu diễn ra vào mùa hè. Chúng là loại côn trùng hiền lành nhất, chẳng hại ai, sống rất cam phận. Trong khoảng thời gian khoảng từ 15 tới 20 ngày có ánh mặt trời này, chị ve cái chỉ chờ thụ tinh, anh ve đực chỉ đi cua đào. Tiếng kêu ve ve râm ran suốt mùa hè là tiếng gọi tình của các anh ve đực. Khác với các loài côn trùng khác, như dế chỉ cọ xát hai cánh vào nhau tạo ra tiếng kêu, ve sầu đực tạo ra âm thanh bằng cách rung hai cái “loa” làm bằng màng mỏng, phát triền từ lồng ngực có sườn bên trong. Những vòng sườn được co giãn thật nhanh, làm rung màng mỏng, tạo ra sóng âm thanh. Bụng ve rỗng nên có thể khuếch đại thành tiếng kêu rất lớn. Ve lắc mình và đập đôi cánh để tạo nhịp trầm bổng cho bài hát của mình. Mỗi giống ve có một thứ tiếng riêng, cường độ và cao độ khác nhau để có thể mời gọi ve sầu cái cùng giống. Ve cái không tạo được âm thanh nhưng cũng có hai cái màng bên mình dùng để “nghe” ve đực cùng giống hát và bị dụ dỗ. Cuộc đời lộ thiên ngắn ngủi, chỉ vài chục ngày nhưng vui. Bởi vì chúng chẳng làm chi khác ngoài việc nhởn nhơ tống tình nhau, giao phối, đẻ trứng rồi bai bai cuộc đời. Chuyện ăn uống đã có nhựa cây được tặng free.
Viết tới đây tôi thấy phiền ngài La Fontaine hết sức. Hồi học tiểu học, chúng ta đều được học thuộc lòng bài thơ ngụ ngôn “Con ve và con kiến” được ông Nguyễn Văn Vĩnh dịch ra tiếng Việt. “Ve sầu kêu ve ve / Suốt mùa hè / Đến kỳ gió bấc thổi / Nguồn cơn thật bối rối / Một miếng cũng chẳng còn / Ruồi bọ không một con / Vác miệng chịu khúm núm / Sang chị kiến hàng xóm / Xin cùng chị cho vay / Dăm ba hạt qua ngày / Từ nay sáng tháng hạ / Em lại xin đem trả / Trước thu, thề đất giời / Xin đủ cả vốn lời / Tính kiến ghét vay cậy / Thói ấy chằng hề chi / Nắng ráo chú làm gì? / Kiến hỏi ve như vậy / Ve rằng: luôn đêm ngày / Tôi hát thiệt gì bác / Kiến rằng: xưa chú hát / Nay thử múa coi đây”. Ngài La Fontaine không thèm biết tới chuyện kiến và ve sầu sống bằng những “thực phẩm” khác nhau. Ve sầu không ăn hạt mà chỉ sống bằng nhựa cây. Thiệt ngớ ngẩn. Ông nhà thơ dựng lên một cảnh vay hạt y như thiệt, hệt như người ta vay gạo sống qua ngày. Nhưng cũng phải hiều cho ông nhà thơ chuyên làm thơ ngụ ngôn người Pháp này. Ông chỉ muốn “dạy” con trẻ là phải siêng năng làm việc để tích cóp thực phẩm như kiến chứ đừng rong chơi ca hát như ve sầu lười biếng để phải hạ mình đi vay mượn. Bóp méo khoa học nhưng có lợi cho giáo dục đạo đức, thôi thì cũng OK đi cho vui vẻ cả làng!
Ve sầu gân…bụng lên kêu là tiếng rổn rảng báo hiệu cho mùa hè nhưng trong thơ nhạc chúng bị cho ra rìa. Nói tới mùa hè các ông thi sĩ và nhạc sĩ chỉ ghi công cho hoa phượng. Thiệt là bất công. Bài “quốc ca” mùa hè là bài “Hè Về” của Hùng Lân. Từ nhỏ, mỗi lần thày trò chia tay nhau về quê nghỉ hè, chúng tôi không bao giờ không căng miệng ra…hét: “Trời hồng hồng, sáng trong trong / Ngàn phượng rung nắng ngoài song / Cành mềm mềm, gió ru êm / Lọc mầu mây bích ngọc qua mầu duyên”. Bản nhạc hè quen thuộc tới mức có lời nhạc chế. Từ nhỏ tôi và bè bạn đã hát nhạc của Hùng Lân. Hết “Hè Về” tới “Khỏe Vì Nước” rồi “Việt Nam Minh Châu Trời Đông” nhưng khi lớn bộn tôi mới gặp và đánh bạn với ông tuy tôi thua ông tới 16 tuổi. Năm 1967, tôi qua thủ đô Washington của Mỹ dự hội thảo. Sáng ngày đầu tiên ở Washington, không ngủ được, mới 8 giờ sáng tôi đã rời khách sạn đi dạo phố. Phố vắng tanh vắng ngắt chẳng có ma nào ngoài đường vào một sáng mùa thu lành lạnh. Đành chỉ biết ghé mũi vào các ô kính của các cửa hàng đang đóng cửa cho qua thời giờ. Bỗng ánh lên trong khuôn kính bóng vài anh đầu đen với câu hỏi bằng tiếng Việt: “Việt Nam hả?”. Thiệt vui mừng. Quay lại nhận liền. Hàn huyên trên đất nước người mới biết ông già già đeo kính trắng là ông Hùng Lân qua tu nghiệp. Ông hỏi người ngụ đâu tá, tôi cho biết mới tới tối qua và ngụ tại khách sạn Metropolitain. Ông nhạc sĩ vồn vã: “Ở vậy buồn chết, tới ở với tụi tớ cho vui”. Vậy là về khách sạn khăn gói quả mướp dọn…nhà. Chỗ ông Hùng Lân cư ngụ là nhà trọ Harnett Hall. Đây là cái tổ của dân Việt xa nhà. Có lẽ vì giá rất rẻ. Tôi nhớ hồi đó chỉ có 17 đô một tuần mà được ăn sáng ăn tối. Ông Hùng Lân và tôi có lẽ hợp số nên thân nhau liền một khi. Chúng tôi vẫn còn tới nhà thăm nhau khi về lại Sài Gòn cho tới ngày ông mất vào năm 1986. Khi đó ông khoe tôi là quá may mắn khi tai ông bị rách màng nhĩ và được y khoa Mỹ vá lại đàng hoàng. Có lẽ vì vậy mà tôi không chất vấn ông vì sao quên mất chú ve sầu ngày nhỏ của tôi trong bản nhạc “Hè Về”!
Ve sầu đang lột xác
Nhạc đã bội bạc với ve sầu, thơ cũng rứa. Bài thơ “Chút Tình Đầu” nổi tiếng của ông thi sĩ Đỗ Trung Quân cũng phớt lờ tiếng ve kêu khi nói về mùa hè:
Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng - mối tình đầu
Mùa hè tới bằng màu đỏ chói chang của phượng vĩ chứ không nghe được bằng tiếng dế hát ồn ào tới 120 decibels. Đôi mắt lanh hơn cặp tai!
Mùa hè của lũ học trò đực rựa chúng tôi chẳng care tới hoa phượng dù chúng đỏ tới đâu mà chỉ biết tới các chàng dế tha thiết gọi tình. Tiếng kêu ra rả thúc dục chúng tôi đi tìm…bạn. Ngày đó tôi ở Hà Nội. Địa bàn hoạt động của tôi và lũ trẻ hàng xóm là đường Ngô Thời Nhiệm, đoạn từ ngã tư Trần Xuân Soạn tới ngã tư Hàm Long, nơi có cây cao bóng cả, ve sầu kêu ra rả mời gọi. Chúng tôi bắt ve sầu đậu trên cây bằng cách dính keo vào cánh ve. Ngày đó, túi không có tiền, ăn kẹo kéo còn dè xẻn, tiền đâu mua keo? Chúng tôi “phát minh” ra thứ keo home made, cắt những chiếc đế dép cũ bằng kếp, ngâm vào xăng cho tới khi thành một thứ keo dính. Những buổi trưa hè trời nắng chang chang, mỗi đứa vác một cây sào tre dài, mặt ngẩng lên vòm cây tìm kiếm…bạn. Khi thấy được một chú ve đang vỗ bụng hát ca, chúng tôi vội phết keo trên đầu sào, nhẹ nhàng nhích đầu cây sào tới lưng ve, vững tay ấn vào. Chú ve bỗng nhiên bị kéo rời khỏi thân cây giơ chân quẫy trong không khí. Hạ sào xuống, nhẹ nhàng gỡ ve sao cho cánh còn nguyên, bỏ vào hộp. Chúng tôi chơi ve bằng cách cột một sợi chỉ vào cổ ve, đầu dây kia cột vào một thân cây cảnh ngoài vườn. Thỉnh thoảng ra ngắm ve. Vậy mà thích vì sở hữu được một chú ve cho riêng mình. Mỗi lần đi săn ve, mỗi tên bắt được khoảng chục chú là mỏi cổ. Cột chục chú ve vào một cây, có khi chúng bay rối tít dây thành một đám bùi nhùi, ngồi gỡ mà thích thú. Như giải được một bài toán.
Buổi tối trời mát mẻ hơn, chúng tôi đi săn nhộng ve. Lúc trời nhá nhem là lúc nhộng ve từ dưới đất bò dần lên cây để lột xác thành ve. Chúng tôi dùng đèn pin soi và bắt những chú nhộng này. Nói là đèn pin cho oai chứ đèn cũng là thứ tự chế. Ngày đó có những cục pin vuông vức do quân đội Pháp thải ra, bán rẻ ở chợ trời. Chúng tôi mua về, đấu dây làm sáng bóng đèn thường dùng cho đèn pin nhỏ xíu. Bóng đèn được gắn vào đui đèn có hai sợi dây một đỏ một xanh, đấu vào pin sẽ phát ra ánh sáng. Mang những nhộng ve như những con bọ về, cho đậu vào mùng ngủ. Đêm đêm nằm nhìn vào đám nhộng trong mùng mà khoái mắt, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Buổi sáng, khi mở mắt dậy, thấy ve bay vù vù trong màn. Khoái chí như ngắm một đại hội máy bay biểu diễn! Dính trên vải mùng là những xác nhộng màu ngà bất động. Vội gỡ chúng ra kẻo bố mẹ trông thấy.
Hè của chúng tôi là những chú ve sầu. Phượng đỏ chỉ dành cho con gái ướp khô trong những tập lưu bút có ghi những lời tạm biệt rất cải lương. Trò yểu điệu thục nữ đó chúng tôi chê. Tính nam nhi được phùng mang trợn má biểu diễn ngay từ thời râu mép chưa mọc. Mỗi khi mấy bạn gái trong lớp dí cuốn lưu bút xin viết vài câu là chúng tôi vội biến, trò con gái ai thèm chơi. Cho tới khi bỗng nổi lòng từ tâm trang hoàng bút xanh bút đỏ cho lưu bút của một bạn gái mình thích. Vậy là giã từ đời ngây ngô, như một chú ve lột xác lần thứ năm, biến hình từ nhộng thành ve, bay tíu tít mà chẳng biết bay về đâu.
Ve sầu gắn liền với tuổi thơ tôi. Xa quê, mỗi khi hè về thèm nghe tiếng ve mà bất khả. Nhưng có một lần tôi nghe được bài ca của ve ngoài quê hương bản quán. Đó là mùa hè năm 2012, tôi tới nghỉ hè tại miền Provence của nước Pháp một tuần. Trưa trưa, bắc chiếc ghế nằm ra vườn olive, lim dim mắt nghe tiếng ve rỉ rả. Cả một tuổi thơ ập về. Sao bày ve biết tôi ở đây mà theo chân tới chốn xa xôi này. Mở mắt ra, tiếng ve vẫn râm ran, nhưng đâu có phải ve quê nhà, hồn hơi hụt hẫng. Bày ve xưa vẫn còn xa lắm.
SongThao
06/2024
(Tác giả gởi)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét