Thứ Ba, 27 tháng 8, 2024

Địa Danh QUẢNG NAM - Và những diễn biến Lịch sử liên quan đến việc thay đổi Danh xưng - Ngô Tấn Cúc


 Bản đồ Tỉnh Quảng Nam

 

Địa danh Quảng Nam ta là một phần đất thuộc 2 Châu Ô, Rí do vua Chiêm là Chế Mân đem dâng vua Trần Anh Tôn - vào đầu thế kỷ 14 - để làm sính lễ xin cưới Huyền Trân Công Chúa. Đến cuối thế kỷ 15, vua Chiêm bội ước nên vua Lê Thánh Tôn mới xuất quân chinh phạt. Sau khi đại thắng quân Chiêm, vua Lê lấy lại đất Hoá Châu gồm đất Chiêm Động, Đồ Bàn, Đại Chiêm, và Cổ Lũy mà lập thành Đạo Quảng Nam kể từ năm 1470, bao gồm một vùng rộng lớn, tiền thân của toàn vùng Nam-Ngãi-Bình-Phú.<!-- Read more --> Vào năm 1806, dưới thời vua Gia Long, Đạo Quảng Nam lại được chia thành 1 Doanh và 3 Trấn: Quảng Nam Doanh, Quảng Ngãi Trấn, Bình Định Trấn, và Phú Yên Trấn. Đến năm 1832, vua Minh Mạng dùng danh xưng Tỉnh thay cho các Doanh và Trấn, và từ đó cho đến ngày nay, vùng đất của Đạo Quảng Nam ngày trước đã biến thành 4 Tỉnh là Tỉnh Quảng Nam, Tỉnh Quảng Ngãi, Tỉnh Bình Định và Tỉnh Phú Yên.

<!>

Riêng Tỉnh Quảng Nam chạy dài từ phía Nam đèo Hải Vân, giáp ranh tỉnh Thừa Thiên, đến vùng núi Trà My lan ra bải biển Vũng Quýt còn có tên gọi là Dung Quất, giáp ranh tỉnh Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ Tỉnh Quảng Nam chia ra làm 4 phủ và 4 huyện là: phủ Điện Bàn (gồm cả thị xã Hội An), phủ Duy Xuyên, phủ Thăng Bình, phủ Tam Kỳ, huyện Hoà Vang (gồm cả Đà Nẵng), huyện Đại Lộc, huyện Quế Sơn, và huyện Tiên Phước. Trải qua nhiều thời đại, Tỉnh Quảng Nam bị chia cắt rồi sát nhập, rồi lại chia cắt, do đó địa danh Quảng Nam cũng đã có những thay đổi đáng kể như sau:



1/ Thành phố Đà Nẵng.


Là một thị trấn trên bờ sông Hàn, nên dân gian vẫn thường gọi là Chợ Hàn hoặc Cửa Hàn, thuộc huyện Hoà Vang ngày trước. Theo tác giả Nguyễn Văn Xuân, ‘‘Thành phố Đà Nẵng cổ là do vua Minh Mạng lập ra. Chính nhà vua đã tự tay đo sông, vẽ kiểu trên núi Ngũ Hành Sơn... lập công cuộc xuất khẩu trước nhất với quy mô lớn bao gồm một hải đội để đấu tranh với thương gia Hoa và ngoại quốc chở hàng sang các nước Đông nam  á...’’ (trích Đất Quảng Quê Tôi, Đặc San Quảng Nam Đà Nẵng Dallas-Fortworth, Xuân Kỷ Mão '99). Năm 1888, triều đình Huế ký nhượng Đà Nẵng cho Pháp làm thuộc địa và người Pháp đặt tên là Tourane. Theo học giả Thái văn Kiểm thì chữ Tourane xuất phát từ nguồn gốc sau: ‘‘Tại Đà Nẵng có một làng chính trong thị xã tên là Thạch Gián và theo Hán văn thì chữ Thạch và chữ Tu gần giống nhau chỉ khác bộ Thạnh và bộ Tu bên trái. Thời Pháp công phá hải cảng Đà Nẵng và tiếp xúc với dân địa phương có người thông ngôn phát âm Tu Gián, người Pháp nói ra là Tou-Ran, biến thành Tourane’’ (Trích Lai Lịch Địa Danh Tourane và Đà Nẵng, Giai Phẩm Xuân Quảng Đà, Tân Mùi 1991).  Mãi đến tháng 7 năm 1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, người Nhật mới chính thức trao trả Đà Nẵng lại cho chính phủ Việt Nam cùng một lần với Hà Nội và Hải Phòng. Dưới chế độ Việt Nam Cọng Hoà, thành phố Đà Nẵng được mở rộng thêm và lập thành 3 Quận: Quận I là Tourane cũ nới rộng về hướng Chợ Mới, Quận II là miền đất duyên hải phía Bắc Tourane cũ, và Quận III là vùng duyên hải bên kia bờ sông Hàn, đối diện với Tourane cũ, chạy dài từ núi Non Nước đến Tiên Sa.

Sau biến cố 30.4.1975, thành phố Đà Nẵng và 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín được sát nhập chung thành 1 đơn vị hành chánh lấy tên là Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, tỉnh lỵ đặt tại Đà Nẵng. Nhưng kể từ ngày 6.11.1996 đến nay, thành phố Đà Nẵng bao gồm toàn bộ địa giới Đà Nẵng và Hoà vang cũ lại được tách rời tỉnh Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng để lập thành 1 đơn vị hành chánh mới, trực thuộc Trung ương, bao gồm 5 quận nội thành, 1 huyện ngoại thành và 1 huyện đảo, được tái phối trí lại như sau:
-Quận Hải Châu, gồm dịa giói của Quận I cũ.
-Quận Thanh Khê, gồm phần lớn địa giới của Quận II cũ.
-Quận Liên Chiểu, gồm các xã miền duyên hải kéo dài từ ranh giới Quận Thanh Khê ra đến đèo Hải Vân.
-Quận Sơn Trà, gồm một phần địa giới của Quận III cũ chạy dài từ vùng China Beach cũ đến vùng núi Tiên Sa.
-Quận Ngũ Hành Sơn, gồm một phần địa giới của Quận III cũ chạy dài từ vùng China Beach cũ đến vùng núi Non Nước.
-Huyện Hoà Vang, tất cả phần đất còn lại của huyện Hoà vang cũ.
-Huyện đảo Hoàng Sa, gồm có 18 hải đảo.

Đến năm 2005, một phần huyện Hòa Vang được tách ra để thành lập thêm một quận nội thành mới là Quận Cẩm Lệ, gồm địa giới của 6 phường, đó là Phường Khuê Trung, Phường Hòa Thọ Đông, Phường Hòa Thọ Tây, Phường Hòa An, Phường Hòa Phát, và Phường Hòa Xuân.
Từ khi tách rời khỏi tỉnh Quảng Nam để trở thành một đơn vị hành chánh riêng, thành phố Đà Nẵng tính đến nay đã được trên 100 năm. Có thể nói thành phố Đà Nẵng là trung tâm kinh tế hàng đầu của các tỉnh Miền Trung và thành phố Đà Nẵng là một thành phố quan trọng đứng hàng thứ nhì tại Miền Nam Việt Nam (sau Thủ Đô Sàigòn).


2/ Tỉnh Quảng Nam.-

Sau khi Đà Nẵng tách rời làm nhượng địa cho Pháp, Tỉnh Quảng Nam vẫn bao gồm 4 Phủ và 4 Huyện. Sau năm 1945, dưới thời Việt Minh cướp chính quyền, họ lập thêm 4 Huyện miền núi là Huyện Bến Hiên, Huyện Bến Giằng, Huyện Phước Sơn, và Huyện Trà My. Sau hiệp định Genève 1954, chính quyền quốc gia Việt Nam tiếp thu toàn bộ lãnh thổ Miền Nam Việt Nam, và riêng tại Quảng Nam, chính phủ Ngô Đình Diệm đã nhanh chóng lập thêm 4 Quận mới nhằm tạo sự hiện diện của chính quyền quốc gia tại các vùng miền thượng mới tiếp thu để phát huy dân trí, cải thiện dân sinh, và thu phục các sắc dân thiểu số. Bốn Quận mới đặt tên là Quận Hiếu Đức (gồm các xã ven vùng núi Hòa Vang lên tận Bến Hiên), Quận Thường Đức (gồm các xã ven vùng núi Đại Lộc lên tận Bến Giằng), Quận Hiệp Đức (gồm các xã ven vùng núi Tiên Phước lên tận Phước Sơn) và Quận Hậu Đức (gồm các xã ven vùng núi Tam Kỳ lên tận Trà My). Chính quyền quốc gia Việt Nam dùng danh xưng Quận thay cho Phủ, Huyện trước kia, do đó Tỉnh Quảng Nam lúc bấy giờ gồm có tất cả là 12 Quận (không kể Thành phố Đà Nẵng).


3/ Tỉnh Quảng Tín.-

Nằm trong kế hoạch chung về phát triển và bình định nông thôn, năm 1962 chính phủ Việt Nam Cọng Hòa thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chia tỉnh Quảng Nam ra làm 2 tỉnh. Tỉnh mới lấy tên là Tỉnh Quảng Tín, tỉnh lỵ đặt tại Tam Kỳ, gồm phần đất của 5 Quận Thăng Bình, Tiên Phước, Tam Kỳ, Hiệp Đức, và Hậu Đức. Về sau, để phát triển và củng cố an ninh lãnh thổ khu vực chung quanh căn cứ Chu Lai, chính quyền đã cắt bớt phần đất ở vùng cực nam Quận Tam Kỳ, lập thêm một Quận mới lấy tên là Quận Lý Tín, nâng tổng số Quận tại Tỉnh Quảng Tín là 6 Quận.


4/ Tỉnh Quảng Nam (sau khi chia cắt để lập tỉnh Quảng Tín).-

Gồm phần đất của 7 Quận còn lại (Hoà Vang, Hiếu Đức, Điện bàn, Đại Lộc, Thường Đức, Duy Xuyên, Quế Sơn) của Tỉnh Quảng Nam cũ, tỉnh lỵ vẫn đặt tại Hội An. Sau đó, Tỉnh Quảng Nam cũng lập thêm 2 Quận mới nữa: Quận Đức Dục (cắt bớt phần đất liên ranh giữa 3 Quận Duy Xuyên, Đại Lộc và Quế Sơn) nhằm bảo vệ an ninh hữu hiệu cho khu kỷ nghệ An Hoà và mỏ than Nông Sơn và Quận Hiếu Nhơn (cắt bớt một phần đất vùng duyên hải của Quận Điện Bàn và Duy Xuyên), nhằm mở rộng vòng đai an ninh cho tỉnh lỵ (Hội An) đến tận Cửa Đại nâng tổng số Quận tại Tỉnh Quảng Nam là 9 Quận.

  

5/ Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.-

Sau biến cố 1975, nhà cầm quyền Hà Nội hợp chung 3 đơn vị hành chánh Quảng Nam, Quảng Tín và Đà Nẵng làm một, lấy tên là Tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, tỉnh lỵ đặt tại Đà Nẵng, nhưng đến ngày 6.11.1996 họ lại tách rời thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, và phần còn lại là Tỉnh Quảng Nam cũ, nhưng tỉnh lỵ đặt tại Tam Kỳ.


6/ Quảng Đà.-

Dưới chế độ Việt Nam Cọng Hòa, Quảng Đà không phải là địa danh chính thức về phương diện hành chánh. Đó chỉ là tên đặt cho Bộ Tư Lệnh Biệt Khu Quảng Đà (1966), bao gồm Tiểu Khu Quảng Nam và Đặc Khu Đà Nẵng, một tổ chức lãnh thổ thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I/ Vùng I Chiến Thuật, sau này là Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn I/ Quân Khu I.

Qua lược giải trên, đất Quảng Nam ta trước kia là một phần lãnh thổ của Chiêm Thành và địa danh Quảng Nam đã có từ năm 1470, tính đến nay đã trải qua hơn 500 năm với bao nhiêu lần bị chia cắt rồi sát nhập, rồi lại chia cắt; các Quận, Huyện, Xã cũng cùng chung số phận thay đổi danh xưng và thay đổi ranh giới nhiều lần, nhưng đối với chúng ta, dù sinh trưởng ở Đà Nẵng hay Quảng Nam, hay Quảng Tín, chúng ta đều là người Quảng Nam cả. Vì chúng ta có chung một nguồn gốc về tiền hiền tiên liệt, có chung một giọng nói, có chung niềm hãnh diện về miền ‘‘địa linh nhân kiệt’’ mà những bậc tiền nhân hiễn hách đã làm rạng danh cho tỉnh nhà với danh hiệu ‘‘ngũ phụng tề phi’’. Vì vậy, mỗi khi nói đến mỏ than Nông Sơn hay mỏ vàng Bông Miêu, là nói đến những khoáng sản quý của Quảng Nam chúng ta; mỗi khi nói đến khoai lang Tiên Đoả, quế Trà My, tiêu Tiên Phước, nước mắm Nam Ô, thuốc lá Cẩm Lệ,... là nói đến những đặc sản của quê hương Quảng Nam chúng ta. Trong tâm tưởng thầm kín đó, các Hội ái Hữu hay Hội Đồng Hương ở hải ngoại dù danh xưng có khác nhau nhưng tất cả đều hướng về một mục đích chung là phát huy tinh thần đoàn kết và tìm về những kỷ niệm quê hương giữa những người đồng hương và thân hữu đã từng sinh trưởng hoặc cư ngụ lâu năm ở miền đất phía Nam đèo Hải Vân mà trước năm 1975 là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và thành phố Đà Nẵng.

 

Ngô Tấn Cúc
(Trích bài thuyết trình của Ông NGÔ TẤN CÚC trong buổi lễ ra mắt Hội Đồng Hương và Thân Hữu Quảng Nam-Đà Nẵng ngày 24.1.1999,  và đã được nhuận sắc lại năm 2010 cho phù hợp với tình trạng hiện hành)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Biển dâu tôi - Trần Yên Hòa

  tranh nguyễn trung   Biển dâu tôi   Ơi rừng xanh kia còn đó hay không? Hay cũng biến thành sông, thành suối Ơi núi non kia cò...