Như con tầm ăn lá dâu, để nhả tơ cho người, nhà văn Trần Yên Hòa cảm thụ thực tế qua nhiều kênh mạch đời thường khác nhau… đã đem lại cho ông những trang văn xuôi đậm chất hiện thực… Đó cũng là dạng thức họ Trần… “nhả”… văn cho đời.
Từ đó, tôi nghĩ, những độc giả của Trần Yên Hòa, không mấy ai ngạc nhiên, khi thấy, có những năm, ông đã ân cần gửi tới bạn đọc thơ, văn của ông, nhiều hơn một tác phẩm.
<!>
Hôm nay, dù mới chỉ bán niên của năm 2016, họ Trần đã cho tái bản truyện dài “Mẫu hệ” và, tập truyện mới cùng những bài tạp ghi chọn lọc, viết về bằng hữu, tựa đề “Sấp Ngửa”.
Trong lời nói đầu, trước khi vào truyện, tác giả bộc bạch:
“Tôi chọn đề tài “Sấp Ngửa” cho tập truyện này, cũng đã nói lên một phần ý nghĩa và chủ đích của tôi. Đó là tôi muốn đề cập một thực tế đáng buồn của con người, là Sấp Ngửa khôn lường.
“Cũng có nhiều nhà văn viết lên sự thật này, những nhân vật bề ngoài trông thật đạo mạo, lịch sự, luôn nói ra những lời đạo đức, dạy cho mọi người phải sống cho có lòng nhân ái, yêu tha thiết tha nhân… Nhưng bên trong thì ngược hẳn lại. Như tấm huy chương bên ngoài thì láng bóng, đẹp đẽ, nhưng xoay lại mặt trái thì thô nhám, sần sùi.
“Con người như đồng tiền xu xưa, cũng có hai mặt, sấp và ngửa.
“Nguyễn Du trong Truyện Kiều có Thằng bán tơ, Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Khuyển, Ưng. Nguyễn Đình Chiểu trong Lục Vân Tiên có Võ Công, Võ Thế Loan, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, quan Thái Sư. Nam Cao trong Chí Phèo có bá Kiến, lý Cường. Vũ Trọng Phụng trong Số đỏ có Xuân tóc đỏ, bà phó Đoan, Khái Hưng trong Nửa chừng xuân có Hàn Thanh, Ngô Tất Tố trong Tắt đèn có Nghị Quế, tên cai lệ, quan huyện, quan cụ… Thời trước bảy lăm, Nguyễn Thụy Long trong “Vang tiếng ruồi xanh” với biết bao nhân vật phản diện…
“Biết bao cái tên được các nhà văn đưa lên mặt giấy…
“Cuộc sống ai cũng mong muốn được hạnh phúc, được bằng an, được chan hòa tình yêu thương giữa người và người… Nhưng cuộc sống cũng chứa đủ mọi thủ đoạn, âm mưu, lừa lọc, gian lận, cạm bẫy.
“Nay tôi bước tiếp theo những nhà văn đàn anh, viết tập truyện Sấp Ngửa này.
“Xin thưa thêm, mọi nhân vật của tôi đều là hư cấu…”
Mặc dù họ Trần đã cẩn thận, rào đón khi nhấn mạnh các nhân vật trong “Sấp Ngửa” của ông, là sản phẩm của trí tưởng tượng… Nhưng, không cần tinh ý lắm, người đọc cũng sẽ dễ dàng nhận ra, “Sấp Ngửa” là tập truyện có từ việc thật, người thật của nhà văn và, cũng là nhà thơ mẫn cảm này.
Như đã nói, giống “con tầm ăn lá dâu, để nhả tơ cho người, nhà văn Trần Yên Hòa cảm thụ những thực tế qua nhiều kênh mạch đời thường khác nhau… đã đem lại cho ông những trang văn xuôi đậm chất hiện thực… Đó cũng là dạng thức họ Trần… ‘nhả’ văn cho đời...”
Với 14 truyện ngắn ở phần thứ nhất của tác phẩm dày trên 350 trang, gần như mọi cảnh đời hôm nay đã được họ Trần rọi sáng từng ngõ ngách tối tăm, ngoắt ngoéo một cách tinh tế - Khiến người đọc như gặp lại những hình ảnh quen thuộc - Từ đó, dấy lên trong cảm thức những ghi nhận “thân quen” với họ… Chỉ hiềm nỗi họ không có khả năng ghi lại, diễn tả như họ Trần mà thôi.
Lại nữa, tôi nghĩ trong số những độc giả đọc “Sấp Ngửa”, có thể cũng có những người… “giật mình”… thấy mình thấp thoáng đâu đó, trong truyện.
Với tôi, đó là thước đo hay, chỉ dấu rõ nét nhất của một tài năng văn xuôi.
Và, với “Sấp Ngửa” (phần truyện ngắn), Trần Yên Hòa xứng đáng được nhìn như thế.
Cần thêm chi tiết, xin vào banvannghe.com, hoặc điện thoại (714) 360-7356.
Du Tử Lê
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét