Chủ Nhật, 24 tháng 11, 2024

GHÉ BẾN MONTREAL - SONG THAO

 Nhan sắc thời trẻ của vợ ông Donald Trump


Vậy là cuộc tranh cử chức tonton Mỹ đã ngã ngũ. Ông Donald Trump sẽ trở lại tòa Bạch Ốc. Nhiều người ngỡ ngàng. Bà Kamala Harris khí thế như vậy, cuộc vận động nào cũng đông nghẹt người, tiền thu được cho quỹ tranh cử lên tới một tỷ đô, số tiền kỷ lục chưa có ứng cử viên nào vận động được từ trước tới nay. Vậy sao lại thua ông Trump vừa ăn nói bỗ bã, vừa là một tội phạm, vừa có cuộc đời tư thiếu đạo đức. Một trong những lý giải được nhiều người đồng ý: vì bà là…thị mẹt!

 <!>

Năm 2016, bà Clinton đã tính làm cách mạng leo lên ngôi cao chót vót của đại cường quốc Hoa Kỳ mà bà gọi là “phá vỡ bức trần kính”. Nhưng bức trần quá dày chưa phá được. Nay tới Bà Harris, với ít lợi thế hơn vì màu da, cũng toan tính cầm búa nhưng chiếc búa lại một lần nữa tuột khỏi tay khi chưa nên cơm cháo chi. Ký giả David Gardner trong The Daily Beast Podcast đã chỉ rõ chuyện gọi là kỳ thị giới tính này trong bài báo “Kamala Harris Lost for the Same Reason as Hillary Clinton: Because She’s a Woman”. Bài báo nhắc lại câu trả lời đài NBC hai tuần trước ngày bầu cử của ứng cử viên Harris: “Kinh nghiệm mà tôi có được là thứ không liên quan chi tới giới tính, cử tri muốn biết tổng thống của họ có kế hoạch giảm phí tổn chi tiêu, muốn biết tổng thống của họ có bảo đảm được vị trí của nước Mỹ trong cộng đồng thế giới. Đúng, tôi đích thị là một phụ nữ. Điểm mà phần lớn người dân quan tâm là bạn có hoàn tất được nhiệm vụ và bạn có một kế hoạch  nhắm tới việc đó không”. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn của của phóng viên đài Fox Laura Ingraham, ông Trump nói các nhà lãnh đạo thế giới sẽ coi Harris như “một món đồ chơi”: “Họ nhìn bà và nói họ không tin là bà may mắn như vậy. Họ sẽ dẫm trên bà. Tôi không muốn nói tại sao nhưng một số người sẽ hiểu điều đó”. Ký giả David Gardner kết luận: “Nhìn theo khía cạnh lịch sử trên thế giới, những phụ nữ bảo thủ phá vỡ bức trần kính cầm đầu chính quyền bởi vì  trước hết cử tri muốn bầu một phụ nữ có thể đảo ngược truyền thống vai trò của giới tính. Hãy nhớ tới Margaret Thatcher của Anh và Giorgia Meloni của Ý”.

Ngay sau ngày bà Kamala Harris thất cử, trong số báo ra ngày 6/11/2024, tờ The Washington Post đã có bài báo của hai ký giả Sammy Westfall và Dylan Moriarty nhan đề: “The U.S. has never been led by a woman. See how many countries have been”. Nước Mỹ chưa bao giờ được dẫn dắt bởi một phụ nữ. Coi xem có bao nhiêu nước đã có. Theo bài báo, đã có tới 175 phụ nữ giữ địa vị lãnh đạo chính quyền tại 87 quốc gia trong Liên Hiệp Quốc. Người ta phải kể thêm 2 bà lãnh đạo hai quốc gia không có chân trong Liên Hiệp Quốc là bà Thái Anh Văn của Đài Loan và bà Aung San Suu Kyi của Myanmar. Người mới nhất là bà Claudia Sheinbaum, Tổng Thống Mexico, nữ tổng thống đầu tiên của đất nước này, vừa được bầu vào tháng 6 năm 2024. Tính theo quốc gia, các nước Peru, San Morino và Thụy Sĩ đã có tới 6 phụ nữ lãnh đạo quốc gia. Phần Lan, Iceland, Lithuania và Moldova có 4 vị. Ngoài ra có tới 10 nước có 3 phụ nữ lãnh đạo quốc gia; 25 nước có 2 vị trong đó có Philippines và Thái Lan của Á châu; 45 nước có một vị.

Tìm hiểu thêm từ các nguồn khác, tôi lượm được ít điều thú vị. Nổi tiếng nhất là các bà gạo cội ở những nước quen thuộc như bà Angela Merkel bên Đức, bà Margaret Thatcher và bà Theresa May bên Anh, bà Indira Ghandi bên Ấn độ, bà Golda Meir bên Do Thái, bà Julia Gillard bên Úc hoặc bà Kim Campbell bên Canada chúng tôi. Những nước Á châu, nơi phụ nữ thường bị coi là…phụ, cũng đã có bà Park Geun-hye bên Đại Hàn, bà Corazon Aquino, bà Gloria Maccapagal Arroyo bên Phi Luật Tân, và bà Thái Anh Văn bên Đài Loan. Các nước Bắc Âu nhỏ bé cũng có các bà nắm quyền quốc gia, ngay cả nước Iceland chút xíu nằm cheo leo trên Bắc cực cũng có tới 4 bà là bà Katrin Jacobsdottir, bà Vigdis Finngobadottir, và bà Halla Tomasdottir. Tại các nước Phi châu, tưởng chuyện phụ nữ cầm quyền tối cao của quốc gia sẽ chẳng bao giờ xảy ra, vậy mà cũng có. Như bà Janet Jagen của Guyana, bà Mame Madior Boye và Aminata Touré của Senegal, bà Cecile Manorohanta của Madagascar, bà Kamla Porsad Bissessar của Trinidad và Tobago, bà Portia Simpson Miller của Jamaica, bà Catherine Samba-Panza của Cộng Hòa Trung Phi. Nhưng điều thú vị nhất là người phụ nữ đầu tiên trên thế giới giữ quyền quốc trưởng lại là tại một nước vô danh tiểu tốt: Tannu Tuva. Quốc gia lạ hoắc này ở đâu, tôi tò mò muốn biết. Tìm trên mạng mới hay đó là một nước nhỏ bé nằm gần Mông Cổ, chỉ hiện diện từ năm 1921 đến 1944 và sau đó bị sáp nhập vào Sô Viết Nga rồi Liên Bang Nga. Bà…số dách này tên là Khertek Anchimaa-Toka, tại vị từ 1940 đến 1944. Tính từ năm 1940 tới nay, đã 84 năm, nước Mỹ vẫn chưa sẵn sàng cho giới “đái không qua ngọn cỏ” được thi thố tài năng. Chuyện này ông Khổng Tử, vốn ít thiện cảm với giới thị mẹt, nghe thấy chắc mừng húm, cười rung râu, gọi con dân nước cờ hoa là hảo tử!

Tôi mới cư ngụ ở Montreal được bốn chục năm, vậy mà cũng bày đặt tự hào mình là con dân xứ lạnh ơi là lạnh này. Cái chi dính tới Montreal đều làm tôi khoái chí tử. Năm 2016, khi bà Kamala Harris đắc cử chức Phó Tổng Thống Hoa Kỳ, các học sinh của trường tiểu học Notre Dame des Neiges và trường trung học Westmount hớn hở reo mừng vì bà đã từng theo học tại đây. Họ trưng ra hình bà trong kỷ yếu của nhà trường để nhận họ nhận hàng. Năm đó tôi đã viết bài “Harris ở Montreal” nói về thời gian bà Harris sống tại thành phố “của tôi” này.

Bà Harris sanh năm 1964, là con đầu lòng của ông Donald Harris, một kinh tế gia người gốc Jamaica và bà Shyamala Gopalan Harris, một y sĩ chuyên khoa ung thư ngực. Năm 1971, họ ly dị. Hai cô con gái sống với mẹ tại vùng San Francisco, tiểu bang California, mỗi cuối tuần về sống với cha tại Palo Alto. Năm 1976, bà nhận được công việc giảng dậy tại Đại học McGill và làm tại bệnh viện Do Thái Jewish General ở Montreal. Khi đó Harris mới được 12 tuổi. Và bà chỉ về lại Mỹ vào năm 1981, khi bà được 17 tuổi. Như vậy bà đã sống cả tuổi teen tại Montreal. Cô bé Harris qua Montreal vào tháng 2, giữa mùa đông, lạnh kinh khủng nên bị sốc. Có lẽ vì vậy nên sau này bà  không nhắc tới thời kỳ ở đậu tại Canada. Tuy vậy, trong hồi ký “The Truths We Hold: An American Journey”, bà đã viết: “ Cứ nghĩ tới việc rời  miền nắng ấm California vào tháng 2, giữa năm học, tới một thành phố ngoại quốc nói tiếng Pháp bị bao phủ bởi lớp tuyết dày tới 12 feet là đã thấy nản, đó là nói nhẹ nhất. Mẹ tôi cố tạo cho tôi cảm tưởng đây là một chuyến phiêu lưu thú vị, mua sắm cho chúng tôi áo lông vịt và găng tay đầu tiên, làm như thể chúng tôi là những nhà thám hiểm lên miền Bắc vào mùa đông. Nhưng khó cho tôi nghĩ theo như vậy”. Hai chị em được vào học tại trường tiểu học Notre Dame des Neiges, nơi về sau là khu người Việt mới qua Montreal định cư thường cư ngụ. Các ông Luân Hoán, Lưu Nguyễn, Hoàng Xuân Sơn và tôi đều trải qua một thời gian lưu lại trong khu này. Hiện ông Hồ Đình Nghiêm vẫn còn cố thủ tại đường Barclay trong khu Côte des Neiges. Mới chân ướt chân ráo tới miền đất tuyết, Harris đã…bơi. Bà viết trong hồi ký: “Tôi có cảm tưởng như mình là một con vịt bởi vì suốt ngày ở ngôi trường mới, tôi cứ luôn miệng hỏi đi hỏi lại ‘quoi, quoi, quoi’”. “Quoi?” tiếng Pháp có nghĩa là “chi?”, dùng để hỏi lại khi không hiểu người khác nói gì. Ở đây bà Harris chơi chữ. Chữ “quoi” phát âm nghe như tiếng vịt kêu! Sau khi xong tiểu học, Harris lên học trung học tại trường trung học Westmount rồi trường CEGEP Vanier. Theo hệ thống giáo dục tại tỉnh bang Quebec mà Montreal là một thành phố, sau trung học, học sinh phải học hai năm tại một trường CEGEP (Collège d'enseignement général et professionnel) trước khi lên Đại học. Tại đây bà đã hết kiếp…vịt vì ngôn ngữ dùng là tiếng Anh. Dù sao cô học trò tuổi teen Harris cũng đã có cái lợi khi sống tại Montreal. Bà đã thông thạo tiếng Pháp. Sau khi rời Montreal, không thấy Harris dùng tiếng Pháp bao giờ. Không biết “em còn nhớ hay em đã quên”?

Các em học sinh trường trung học Westmount 8 năm trước đã vui mừng có được một đồng môn leo lên tới ngôi thứ nhì tại Mỹ. Năm nay một thế hệ nữ sinh mới của trường cũng đã hồi hộp theo dõi cuộc bầu cử. Trên nhật báo Montreal Gazette số ra ngày 1/11/2024, chỉ bốn ngày trước khi cử tri Mỹ tới phòng phiếu, có bài báo “ ‘Maybe The Future President Went to Our High School’: Cheers for Kamala Harris in Westmount” ghi nhận những ý kiến của các em học sinh trường trung học Westmount.  Em Olivia Schnurbach, 14 tuổi, nói: “Tôi nghĩ thật cool khi có thể tổng thống tương lai đã theo học tại trường của chúng ta”. Em Kadiatou Barrie cho biết: “Đáng lẽ trước đây đã có một nữ tổng thống rồi. Và một phụ nữ da đen, nữ tổng thống đầu tiên, thiệt là một thành tựu to lớn. Đó là một cảm hứng cho chúng tôi”. Nữ sinh Marouli Karidogiannis phát biểu: “Điều này cho chúng ta hy vọng một tương lai trước mắt”. Em Aminata Diallo, hậu sinh nhưng cảm thấy mối liên hệ bền chặt với Harris: “Tôi nghe nói bà ở trong đội múa của trường, và bây giờ tôi cũng đang trong đội múa, vì vậy nên tôi cảm thấy bằng cách nào đó chúng tôi có liên hệ với nhau”.

Phó Hiệu Trưởng Matthew Shapiro không muốn chính trị xen vào học đường nhưng ông hy vọng vai trò lãnh đạo thượng tầng của bà Harris gây cảm hứng cho các nữ sinh. Ông nói: “Chúng tôi hãnh diện ghi tên bà vào danh sách những cựu học sinh ưu tú của trường, bên cạnh Leonard Cohen”. Leonard Cohen là một khuôn mặt văn nghệ nổi đình nổi đám của Montreal đã danh vang thế giới.

Các học sinh của trường cũ của bà Harris đã đặt nhiều hy vọng vào người có thể là nữ tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ. Một nữ tổng thống da màu. Nhưng sự việc không được như vậy. Montreal chúng tôi mất một cơ hội “bắt quàng làm họ”. Nhưng bến đỗ Montreal cũng giây mơ rễ má với ông tổng thống phùa hai Donald Trump.

Năm 1976, khi đó bà Harris còn đi học tại Montreal, thành phố Montreal đã tổ chức Thế Vận Hội 1976. Ông Donald Trump đã qua dự một cuộc trình diễn thời trang của bà Ivana Zelnickova. Vậy là hai ứng cử viên của hai đảng tranh cử chức tonton Mỹ năm 2024 đã cùng hít thở bầu không khí hội hè của Montreal. Dĩ nhiên họ không biết nhau. Khi đó bà Harris chỉ là một nữ sinh 12 tuổi, ông Trump đã là một thanh niên biết xông xáo bay qua Montreal cua đào. Đào đây là bà người mẫu Ivana. Họ gặp nhau lần đầu vào mùa hè tại thành phố New York. Ông Trump chẳng hẹn hò chi mà muốn gây bất ngờ cho người con gái ông đang theo đuổi. Sau này bà Ivana kể lại trong hồi ký “Raising Trump”: “Tôi đang xuất hiện trên sàn diễn trong chiếc áo lông thú thì thấy một anh chàng cao lớn tóc vàng trong đám khán giả. Hai cặp mắt nhìn nhau và chàng mỉm cười với tôi. Donald có mặt ở đây sao? Hắn đã biết tôi trình diễn ở Montreal và bất ngờ tới để làm tôi ngạc nhiên. Tôi hơi bất an vì thấy hắn biết hoạt động của tôi tuy tôi không cho hắn tin tức chi. Có lẽ vì tính dè dặt đã thành cố hữu trong tôi từ thời trẻ sống dưới chế độ cộng sản. Nhưng tôi cảm thấy thỏa tự ái”. Khi đó Ivana đang là người mẫu và huấn luyện viên môn trượt tuyết tại Montreal.

Sau biến cố này Trump rời Montreal ngay nhưng một cuộc tình đã nhanh chóng trở thành sợi dây ràng buộc lâu dài. Với hôn lễ vào năm 1977, Ivana trở thành người vợ đầu của Trump. Bà đã có với ông ba người con: Donald Jr, Eric và Ivanka. Bà mất vào ngày 14/7/2022.

Cuộc sống chồng vợ với Ivan đã bị xáo trộn vào năm 1989 khi Trump sa vào cuộc tình với một người mẫu khác, cô Marla Maples. Trong một chuyến nghỉ hè tại Aspen, Ivana đã mặt đối mặt với Marla Maples, đưa tới cuộc ly dị nhanh chóng. Trump và Marla gặp nhau lần đầu vào thập niên 1980 tại một cuộc thi đấu quần vợt giữa các người nổi tiếng. Khởi đầu chỉ là bạn nhưng rồi họ tiến xa hơn. Báo chí hồi đó đã phanh phui ra cuộc tình vụng trộm này. Tuy rõ ràng đây là một vụ ngoại tình nhưng Marla Maples không chấp nhận đã chen vào gia cang của người khác. Marla đã sinh hạ một bé gái tên Tiffany chỉ ít lâu sau khi họ tổ chức một đám cưới linh đình vào năm 1993. Cuộc hôn nhân này không bền , chỉ vỏn vẹn ba năm khi họ ly dị vào năm 1997 vì khác nhau về quan điểm và lối sống.

Năm 1998, Trump gặp người mẫu Melania Knauss, gốc Slovenia, tại dạ tiệc của  “Tuần Lễ Thời Trang New York”. Thoạt đầu Melania thoái thác cuộc tình này nhưng vì Trump kiên trì theo đuổi nên đã siêu lòng sau đó. Họ cưới nhau năm 2005 và có với nhau một con trai tên Barron.

Trump đã trải qua ba bến đỗ. Thường ít ai muốn nhớ về cây đa cũ con đò xưa. Trong những ngày bận rộn sửa soạn vào tòa Bạch Ốc, chắc ông chẳng nhớ chi tới ngày ông tới Montreal năm 1976. Không rõ ông có biết ngày đó bà Harris cũng đang ở đây không. Nhưng dân Montreal chúng tôi nhớ rất rõ.

 

                                                                                                          11/2024

SONG THAO

(Tác giả gởi)                                                                                          Website: www.songthao.com

 


Kamala Harris tren Kỷ yếu của trường trung học Westmount, Montreal.


Hình chụp với bạn bè tại lớp 11 trung học Westmount, bà Harris ngồi hàng đầu, thứ tư từ trái qua.

 


Donald Trump và Ivana

Ba bến đỗ của ông Donald Trump.

 

Ba bến đỗ của ông Donald Trump.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...