Mãi rồi cũng về đến núi.
Chính xác là về đến chân núi, đèo Ngao. Vượt qua con đèo dài 32 cây số cả lên lẫn xuống này, mới đến bản Tồng, quê Mìn. Nhảy xuống khỏi thùng cái xe tải chở hàng cứu trợ, nằm vật xuống bãi cỏ bên một búi tre chân đèo. Thở dốc. Mệt mỏi. Mìn ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu thu xanh thẳm không một gợn mây, nắng vàng rười rượi ấm áp tỏa khắp nhân gian. Vậy mà sao Mìn thấy lạnh lẽo quá. Lạnh từ trong tâm can ruột rà sâu thẳm lạnh ra. Xung quanh không một bóng người, không một tiếng gà kêu chó sủa. Con đường quốc lộ chạy qua chân đèo, con đường đèo nối mấy huyện vùng cao thường ngày tấp nập người xe, vậy mà nay vắng lạnh. Mà mới chỉ đầu giờ chiều. Mọi thứ như có một cái phép thần của mụ phù thủy, vung lên một cái, biến sạch.
Khi dời bản bỏ núi xuống phố làm thuê, ba tay Mìn, Lù, Phủ đã uống rượu thề sống chết có nhau. Thế mà bây giờ, về tới chân núi chỉ còn có một mình…
<!>Nhưng chẳng hiểu sao rào kỹ bịt chặt đến thế rồi mà Covid vẫn cứ
loang nhanh như gió thổi. Chỗ nào cũng thấy F0,F1,F2…”ép” gì gì nữa
không biết? Đang từ người có tên có tuổi, bỗng thành ra “F” gọn lỏn!
Không biết rồi đây còn ra cái giống gì nữa. À đúng rồi, Mìn đọc trên
phây thấy bảo Covid là virus lan theo hơi thở của người bệnh sang cho
người lành, thế thì chả theo gió là gì? Thế thì sợ lắm, ngồi đâu rồi
cũng bị con covid này nó bay vào mồm vào miệng mất thôi, chả lẽ nín thở
mãi? Rồi nó chui vào trong cào họng xé phổi người ta ra. Rồi chết. Chết
đau chết đớn. Chết vật chết vã. Kinh lắm. Xem hình ảnh trên ti vi, đài
báo thấy ghê! Bọn mình chạy về núi thôi. Có chết cũng còn được chôn ở
đất bản Tồng cho mát mẻ, chứ chết ở dưới này họ cho vào cái lò thiêu,
nghe bảo những mấy ngàn độ, thành tro ngay. Nóng lắm. Sợ lắm. Về thôi.
Ba tay trai bản âm thầm vượt rào thông chốt trong đêm, lầm lũi đi bộ
trên đường quốc lộ đến mờ sáng thì gặp một chiếc xe tải. Xe chở hàng từ
thiện. Họ bèn đỗ lại hỏi đi đâu. Và cho lên thùng xe chở đi theo.
Xe gần đến đầu tỉnh, mấy người đi từ thiện bảo: “Các anh phải xuống xe, đi bộ vòng qua trạm kiểm soát chống dịch này, rồi mới lên đường quốc lộ bắt xe đi tiếp được. Giờ ngồi trên xe, đến đó họ kiểm soát giấy tờ phòng dịch không có, tống vào khu cách ly ngay.”
Ba tay xuống xe, lẩn ra xa mãi cánh đồng, men dưới bờ ruộng lúp xúp những bụi cỏ hoang, đi vượt qua trạm kiểm soát rồi định vòng trở lại lên quốc lộ. Nhưng vừa thò mặt lên đường, bỗng đâu xe cảnh sát, xe hồng thập tự, dân quân du kích người súng người gậy ào ào xông đến vây kín.
“Đứng yên tại chỗ, không được động cựa!”
Một giọng đàn ông đanh thép như sấm rền vang lên. Mìn, Lù, Phủ rụng
rời chân tay. Cả ba chưa hiểu chuyện gì đã tức khắc bị mấy người mặc
quần áo bịt bùng, đeo bình bơm xông đến phun thuốc sát trùng mù mịt, tối
tăm mặt mũi. Rồi họ ném đồ cho, bắt đeo mấy lớp khẩu trang, mặc quần áo
nilon kín từ đầu đến chân đưa về trụ sở ủy ban, ngồi sau một tấm kính
cho người tra hỏi. May mà cả ba đều có chứng minh nhân dân nên không bị
coi là kẻ gian, chỉ coi là chống lại lệnh cách ly covid, liền đem đi
chọc mũi xét nghiệm. Trong khi chờ đợi kết quả, bị tống vào khu cách ly
tập trung dành cho các “F1”. Tay cán bộ tra hỏi còn dọa: “Các ông mà
dương tính thì sẽ ra tòa, đi tù vì tội gieo rắc dịch bệnh!”
Mìn, Lù, Phủ sợ cứng người, thốt nhiên thấy mình giống ra như ba con
lợn hồi dịch tả châu Phi. Bị bắt giữ, sát trùng, cách ly xét nghiệm.
Bỗng dưng cũng tự thấy sờ sợ chính mình. Hay là mình cũng đã thành cái ổ
dịch bệnh lúc nào rồi không biết? Cả ba líu ríu lên thùng xe tải đến
khu cách ly.
Nơi cách ly là một ký túc xá của trường dạy nghề. Rất rộng lớn, có thể chứa được vài ngàn người. Mười người nhốt vào trong phòng có năm chiếc giường tầng sắt. Mỗi người một giường. Vào trong phòng vẫn phải đeo khẩu trang, mặc quần áo nilon. Người nọ nhìn người kia gườm gườm đề phòng, cứ như họ đều là cái ổ virus di động, chạm vào là nó lây sang mình. Vậy nên chẳng ai nói chuyện với ai. Mỗi người một giường, hết nằm sấp mặt vào tường, úp mặt xuống chiếu lại ngồi dậy thở dài ngao ngán nhìn nhau. Hết lướt phây xem bên ngoài dịch bệnh thế nào lại chát chít điện thoại với người thân. Cũng chỉ toàn những câu chuyện dịch giã nguy hiểm, chết người. Chán ngán hoang mang đến cực độ. Đến cả Mìn, Lù, Phủ cũng còn chả buồn nói chuyện với nhau. Mệt mỏi. Lại đói nữa. Cả mười người trong phòng đều là các thành phần được coi là bất hảo, trốn tránh chính sách chống dịch của nhà nước. Toàn công nhân bỏ chạy khỏi vùng dịch về quê, bị bắt lại. Không có tiền. Nhà nước đành bỏ tiền ra nuôi. Sáng một gói xôi bằng nắm tay trẻ lên ba hoặc bát mì tôm lỏng chỏng. Trưa tối là một suất cơm hộp ăn chẳng đủ no. Sức vóc như Mìn, Lù, Phủ phải ăn hai suất mới ấm bụng. Đã thế suốt ngày cái loa đầu hồi nhà chĩa thẳng vào oang oang đọc chính sách chống dịch bằng một cái giọng đàn bà chua loét. Toàn cấm đoán và đe dọa. Thỉnh thoảng lại thấy xe cứu thương hú còi lao tới rầm rĩ, hoặc chở người tới khu cách ly, hoặc chở người dương tính đi bệnh viện điều trị. Bất an. Sợ hãi. Hoang mang.
Được ba ngày, bỗng nhiên Phủ bị sốt, ho, đau người, nước mũi xổ ra
giàn giụa không dứt. Cả phòng cuống cuồng gọi y tế. Ai nấy sợ xanh mắt
không hiểu tại sao, bởi họ vừa test nhanh sáng nay, âm tính với Covid cả
kia mà.
Y tế xuống lấy mẫu đi làm PCR, một tiếng sau xe cứu thương nhấp nháy
đèn xanh đỏ lao vào đưa ngay Phủ lên xe chạy như ma đuổi. Cả phòng hoảng
loạn. Một người dương tính thì rồi cả phòng sẽ bị mất thôi. Lại ngoáy
mũi. Lần này là PCR chứ không phải là test nhanh như hồi sáng. Thêm ba
chú nữa lên xe cứu thương. Mìn và Lù vẫn âm tính. Hai tay thầm thì với
nhau qua lần khẩu trang:
“Phải tính thôi, chứ bị nhốt ở đây thì kiểu gì cũng dính.”
Nhưng tính thế nào, Mìn và Lù nghĩ mãi không ra. Khu cách ly là một
ký túc xá riêng biệt ngoài khu dân cư, vốn đã có cổng tường rào kiên cố
kín đáo. Nay họ lại còn đem dây thép gai quân dụng sắc như dao cạo quây
lên cao vút, chỉ có hóa thành chim mới bay qua được. Đã thế xung quanh
đèn thắp sáng suốt đêm, công an quân đội dân phòng túc trực tuần tra
24/24, súng lăm lăm trên tay. Đứng ngoài nhìn vào, người ta tưởng đó là
trại giam những kẻ tội đồ nguy hiểm giết người cướp của, hay sắp lật đổ
chế độ đến nơi chứ không phải là nơi hỗ trợ y tế cho người dân bị ảnh
hưởng dịch bệnh nữa. Mìn và Lù nằm suốt đêm lo lắng không biết tin tức
gì của Phủ. Càng lúc càng căng thẳng. Gọi điện không thấy nghe máy. Gọi
về trên núi báo tin cho người nhà rằng Phủ đã dính, phải đi viện. Người
nhà bảo, trên đó cũng phong tỏa cả bản rồi, nội bất xuất ngoại bất nhập.
Ai có thân tự lo thôi. Sống chết có giời.
Được ba hôm, có mấy ông cán bộ mặc quần áo bảo hộ, kính mũ giày tất
bịt kín từ đầu xuống chân xuống phòng gặp Mìn và Lù thông báo, Phủ đã
chết! Mìn và Lù choáng váng ngồi phịch xuống giường. Lúc lên xe cứu
thương đi viện chỉ là cơn sốt sơ sơ như cảm cúm thường mọi khi, mà sao
lại đã chết người nhanh như thế được? Cán bộ nói là Phủ bị một cơn bão
xy- tô- kin gì đó tràn ngập hết phổi nên chết đột ngột, kiểu như người
ta chết đuối nước ấy. Nói thế thì biết vậy thôi, Mìn và Lù sao hiểu
được. Càng hoảng sợ. Cán bộ hỏi địa chỉ quê nhà để làm thủ tục khai tử
cho Phủ, thế thôi. Rồi họ cho xác vào công ten nơ lạnh để đó tính sau,
giờ nhiều người chết quá không thiêu kịp…
Mìn, Lù và cả phòng tuyệt vọng, ngồi yên quay mặt vào tường, không ai
nói với ai lời nào. Chán nản đến mức không cả buồn điện thoại zalo,
facebook cho người nhà như mọi khi.
Nhưng đêm ấy, bỗng Lù nằm giường dưới bỗng thều thào gọi lên: “Tao
sốt quá, có khi dính rồi! Lấy cho xin ca nước rồi gọi y tế. Nếu chẳng
may tao có bị làm sao, mày trốn về núi cố sống lấy một thằng rồi ít nữa
biết đường xuống mang tro xác chúng tao về nhé…”
Xe cứu thương lại ủ còi, nhấp nháy đèn xanh đỏ như mắt ma trong đêm lao tới, đưa Lù đi.
Mìn ở lại trong khu cách ly, nằm ôm đầu, sợ hãi tột độ.
Sáng hôm sau gọi điện cho Lù, không thấy bắt máy. Gọi mãi, có một
giọng lạ nói là y tá trong khu điều trị, anh ấy phải thở máy, hôn mê
rồi, đừng gọi nữa không nghe được đâu. Mìn nghe xong đầu óc rối beng như
đám dây rừng, không biết làm gì, nghĩ gì nữa. Nằm thở dài mắt mở trừng
trừng nhìn lên trần nhà. Kể từ hôm bị bắt vào đây cách ly, phòng mười
người thì đến 8 người dương tính rồi. Họ đem người dương tính đi rồi lại
cho người khác vào. Người bị “ép” gì đó đông lắm, cả khu cách ly hàng
ngàn người lúc nào cũng ồn ào như cái chợ sắp vỡ. Chỉ đến đêm mới yên
được chút. Mà không biết phải cách ly đến lúc nào nữa đây.
Mìn cứ nằm miên man suy nghĩ. Mìn bây giờ chỉ muốn hóa thành con chim
bay ngay về núi rừng quê mình. Về bản. Hít thở không khí cho đã. Trong
này, không khí ngột ngạt quá, lại còn lúc nào cũng phải đeo khẩu trang
nữa, chỉ mỗi lúc ăn uống mới bỏ ra thôi. Mà ăn uống trông cứ như lũ ăn
mày vậy: mỗi người một xuất cơm hộp, ngồi một góc, quay mặt vào tường
chả nói câu nào, xì xụp ăn lấy được. Xong lại ngồi bó gối, lướt điện
thoại. Mà Mìn cũng chán cả điện thoại với phây rồi. Nghe tin Mìn bị bắt
vào khu cách ly, nàng “Mỹ nhân ngư” vội vàng block ngay, chặn cả số điện
thoại nữa. Đến lạ. Chả lẽ cái con virus quái ác này nó lây qua cả hàng
trăm hàng chục ki lô mét, nó theo sóng điện mà đến được sao? Mìn chả
hiểu. Chỉ thấy loa đài oang oang là lây do tiếp xúc người với người dưới
hai mét, qua hơi thở, trong phòng kín… Thế sao lại nhốt ráo cả người ta
vào phòng kín với nhau thế này? Thế là nhốt để cho lây nhau sao? Càng
nghĩ, Mìn càng thấy khó hiểu. Có lẽ cũng lại phải liều một phen, chứ chả
nhẽ nằm đợi chết vì con virus ở đây sao? Mìn ra ngoài cửa sổ, nhìn xung
quanh nghĩ cách nào có thể trốn ra khỏi khu cách ly này được. Sợ quá
rồi. Chưa nghĩ ra cách nào thì cán bộ lại xuống. Ông ấy báo cho Mìn biết
là Lù đã chết rồi! Cũng cơn bão xy- tô- kin gì đó… Mìn nghe chưa hết,
nằm vật ra giường, mắt nhắm nghiền. Nước mắt cứ tràn ra không dứt, chảy
chan hòa trên mặt mũi, tràn trề xuống chiếu, nhỏ thánh thót xuống nền
nhà. Cả người Mìn rung giật dữ dội, co quắp như một con tôm đang bị
nướng trên lửa đỏ. Ba thằng trai bản Tồng vừa đang phơi phới cùng nhau
đi làm, cùng nhau đi chơi. Cùng hẹn nhau “lấy của miền xuôi nuôi đứa
miền ngược”, gắng làm mọi cách kiếm ít tiền đem về mua vài khoảnh rừng
rồi sống cùng vợ con đến già không phải lo gì nữa. Vậy mà cái con Covid
quái ác kia tự dưng lại ở đâu sinh ra. Ba thằng thì chết hai rồi, còn
cái thân mình lúc nào cũng như hòn đá chênh vênh trên vực, rơi lúc nào
hay lúc ấy. Cái con Covid kia nó nhập vào người là xong thôi. Mìn nằm co
quắp trên giường ôm mặt khóc một mình. Đau đớn quá. Chết cô đơn lạnh
lẽo vì con Covid dưới này còn chẳng được làm ma, không có vợ con, người
thân dân bản đưa tiễn nữa kia. Rồi chẳng có ai cúng ma cho, thành con ma
đói lang thang khắp rừng hoang núi sâu, không được về nơi ban thờ gia
tộc để hưởng hương hoa đâu. Sợ lắm…
Hồi lâu, có đoàn cán bộ y tế quần áo bịt bùng lại vào phòng gọi đúng
tên Mìn. Họ nói lấy mẫu lần cuối, nếu âm tính là Mìn được kết thúc cách
ly, vì hôm nay đã đủ hai mươi mốt ngày. Mìn thảng thốt ngồi dậy cho họ
ngoáy mũi. Không biết là lần thứ bao nhiêu nữa. Giờ đây Mìn còn chả cảm
thấy đau hay nhột khi họ đưa cái que lấy mẫu vào ngoáy. Thích ngoáy thế
nào thì ngoáy. Bao giờ ngoáy xong thì thôi. Có quan trọng gì đâu. Mìn
cũng có cần biết gì nữa đâu. Hai thằng bạn thân thiết sướng khổ có nhau
đã bỏ xác dưới này rồi. Còn một mình có mang được thân về núi không hay
lại cũng vào nằm trong công ten nơ lạnh không biết nữa. Mìn không nghĩ
được gì nữa. Mặc kệ thôi.
***
Thật may, lần lấy mẫu xét nghiệm cuối cùng của Mìn cho kết quả âm tính với Covid.
Mìn được ra khỏi khu cách ly, được phép đi về nhà. Nhưng làm
cách nào để về nhà? Không tiền, không phương tiện, không có gì trong tay
có đi bộ cũng chết đói chết khát dọc đường mất thôi. Nhưng ở dưới này
còn sợ hơn. Nằm trong khu cách ly thấy người ta bị nhiễm Covid, rồi đi
điều trị mà chẳng mấy ai qua khỏi sợ lắm rồi. Thôi cứ đi đã, đi xa khỏi
cái khu này rồi tính sau.
Vai khoác ba lô quần áo, có thêm vài hộp sữa, chai nước, mấy gói
lương khô của bộ đội canh giữ cho. Và giữ chắc trong người mớ giấy chứng
nhận âm tính, hoàn thành cách ly, Mìn ra đường quốc lộ, nhằm về phía
núi, đi. Tay cán bộ trại bảo, cứ đi ra đường quốc lộ, nhìn thấy các xe
có biển “hỗ trợ chống dịch covid” mà vẫy, thế nào họ cũng cho đi nhờ.
Quả không sai, cái xe tải đầu tiên có băng rôn ở đầu “xe chở hàng cứu
trợ dịch Covid” dừng lại ngay khi Mìn vẫy. Hỏi han vài câu, họ mở thùng
xe cho Mìn lên ngồi cùng với hàng hóa vì cabin hết chỗ. Họ cứu trợ mãi
vùng xa, giáp biên giới, có đi qua chân đèo Ngao lối rẽ về bản Tồng. Thế
là tốt rồi. Lên thùng xe, nửa nằm nửa ngồi, đói ăn bánh mì uống sữa. Xe
chạy đến đầu chiều thì đến chân đèo Ngao. Mìn đập thùng xe ra hiệu xin
xuống. Họ dừng xe bảo Mìn, hàng cứu trợ trên xe có lấy được gì, mang
được bao nhiêu thì cứ tự nhiên. Họ còn phải đi tiếp. Mìn xin họ mì tôm,
nước uống, sữa… đầy ba lô rồi chào tạm biệt. Mìn đi vào chân đèo, nằm
vật ra trên bãi cỏ, dưới khóm tre, ngửa mặt nhìn trời. Trời đầu Thu
trong veo không một gợn mây. Mìn khoan khoái, hít những hơi thở dài sâu
vào trong phổi, tưởng như không khí ngọt ngào đầy ô xi của rừng núi quê
hương tràn vào từng chân tơ kẽ tóc Mìn, đánh thức sức lực của một tay
trai bản bừng dậy. Mìn chợt thấy khỏe mạnh hẳn lên, không thấy yếu bấy
như những ngày sống trong khu cách ly nữa. Sảng khoái. Mìn vùng dậy,
khoác ba lô và bắt đầu ngược dốc.
Con đèo Ngao này là đường duy nhất vượt qua dãy Vạn Sơn cao ngất để
về đến bản. Bản Tồng của Mìn nằm ở trên một ngọn đồi nhỏ giữa thung lũng
bên kia chân núi. Lúc khỏe mạnh, bọn Mìn cũng phải cần đến khoảng 5-6
tiếng đồng hồ đi liên tục mới vượt qua được đèo. Thế nhưng lúc này, gần
như người vừa ốm dậy, Mìn nhẩm tính có đi bộ xuyên đêm luôn cũng phải cỡ
gần sáng mới về đến nhà. Về nhà. Nghĩ đến hai tiếng đó, lòng Mìn thấy
sục sôi phấn chấn lạ. Xốc ba lô lên vai, dấn bước. Tay khoanh trước
ngực, mắt nhìn xuống đường, phăm phăm ngược núi. Với người miền xuôi,
vượt đèo trèo núi là một cái gì ghê gớm, nhưng với những người như Mìn,
sinh ra trên núi, bước chân đầu tiên cũng là trên sườn núi, việc trèo
đèo vượt núi là một chuyện quá thường tình. Đôi chân thoăn thoắt trên
đường đèo cũng như bước chân của người dưới xuôi trên đường làng, trên
phố mà thôi.
Mới chỉ vài năm trước, Mìn cùng Lù, Phủ đã vượt đèo này ra đường quốc
lộ bắt xe về xuôi, đi làm ở khu công nghiệp kiếm tiền gửi về cho vợ
nuôi con. Cuộc đời đưa đẩy khiến cho Mìn, Lù, Phủ làm cả những việc mà
không biết nên gọi là tốt hay xấu nữa. Cái chuyện ba thằng cùng “vỗ
mông” chị chủ nhà trọ đơn thân. Cái chuyện mỗi thằng ngoài đi làm công
ty còn tranh thủ đi “vỗ mông” một nàng. Không biết tốt hay xấu. Chẳng
nghĩ nhiều đâu. Mỗi đận đi “vỗ mông” phục vụ ba chị về, bọn Mìn, Lù, Phủ
hay làm một chầu rượu thịt say sưa với nhau cho quên sự đời. Bảo nhau,
sướng thì có sướng thật nhưng xong cũng mệt ra phết, toàn những người
đàn bà không biết bao nhiêu cho đủ. Nên cứ phải cố. Có cố gắng thì các
chị lại càng mê, dấm dúi cho thêm nhiều. Tiền kiếm được ba tay Mìn, Lù,
Phủ gửi đều về bản cho vợ nuôi con. Còn cái sự “vỗ mông” gái khác, thực
ra trên bản của Mìn cũng có gì quan trọng lắm đâu. Ở dưới này, người
Kinh bảo, cũng như chúng mày đi đái một phát ấy mà, đằng nào chẳng phải
xả ra, để dành mà mang về núi được à? Mìn thấy cũng có lý, ngày xưa ở
trên vùng Mìn, còn có chợ tình để cho trai gái yêu nhau không lấy được
nhau, thỉnh thoảng đến gặp gỡ một đêm trong rừng, uống bát rượu cùng
nhau rồi làm gì thì làm, cả đêm ấy cho thỏa cái thèm cái nhớ. Rồi hôm
sau tan chợ về nhà lại của chồng của vợ thôi, có mất mát gì đâu…
Vừa đi vừa nghĩ miên man, Mìn bỗng thấy nhớ thèm cái không khí ồn ào
nhộn nhạo của chợ phiên vùng mình đã lâu không đi. Mùi rượu ngô thơm
lừng, mùi sa nhân, thảo quả thơm hắc, mùi thịt ngựa dê ngào ngạt trong
chảo. Lẩn quất trong không khí cả mùi ngai ngái của phân trâu bò cuối
chợ đưa lên. Nhưng Mìn nhớ nhất là mùi quần áo thân thể của các cô gái
quanh vùng xuống chơi chợ. Nhớ ánh mắt đong đưa của các nàng. Giờ chẳng
còn ai hát soong hao, sli, lượn, múa khèn thổi sáo… như xưa. Nhưng ánh
mắt giao tình gái trai vẫn vậy. Như ngàn đời nay vẫn vậy. Gái, trai nhìn
nhau chỉ cần một tia chạm phải, như con thú đêm bắt phải ánh đèn thợ
săn, thế là mê đi. Dẫn dụ bằng ánh mắt là theo nhau. Mà núi cao rừng
thẳm đêm đen dìu dặt cây cỏ đồi rừng mới mời gọi làm sao. Mời gọi che
chở cho gái trai hòa mình vào núi rừng, hòa vào nhau như muôn thủa đất
trời vẫn thế.
Mìn dừng lại, lấy chai nước uống một ngụm. Nghĩ về đến nhà, đến chợ
phiên phải rủ Lù và Phủ cùng đi lại một buổi, không thích “vỗ mông” nữa
thì cũng để chơi hít thở lại cái không khí chợ cho đã… Mìn chợt giật
mình: hai thằng bạn đã thề sống chết có nhau còn đâu nữa. Hai đứa đã
thành những lọ tro hay vẫn còn là cái xác vô hồn lạnh ngắt trong công
ten nơ không biết nữa. Mìn ứa nước mắt thương bạn. Khi đi ba thằng hăm
hở, khi về chỉ còn có một mình cô đơn leo núi. Mìn chợt thấy đau đớn
trong ngực, không thở nổi. Dựa lưng cả ba lô vào ta luy dương bên đường,
đứng thở dốc…
Chợt có tiếng xe máy gằn gằn leo dốc phá tan dòng suy tư của Mìn.
Phía dưới, một người đàn bà bịt bùng kín mít, lái một chiếc xe máy cũ kỹ đầy những đồ túi ngổn ngang sau xe, quanh xe đang lao lên dốc. Chiếc xe vượt qua chỗ Mìn, người đàn bà cũng không liếc nhìn sang Mìn đang đứng cô đơn bên sườn đèo. Hình như trước ngực cô ta còn đeo một đứa nhỏ được bọc trong cái địu. Chiếc xe máy cũ lắm rồi, phụt khói mù mịt cố vượt lên. Đèo Ngao khá dốc với không biết bao lần cua tay áo, xe máy cũ mà vượt đèo là chuyện khá mạo hiểm. Xưa Mìn cũng đã vượt đèo nhiều lần bằng xe máy. Nhưng sau này ô tô chạy nhiều nên người bản Tồng xuống phố ít người chạy xe máy nữa. Mìn xoay người, xốc ba lô tiếp tục đi. Tiếng xe máy vẫn gằn gằn vang vọng âm âm trong chiều núi. Bỗng nó khực lên vài tiếng như con trâu bị chọc tiết rồi mới gục xuống. Chiếc xe máy phía trước dừng hẳn, bốc khói mù mịt. Vì cách không xa nên Mìn vội chạy tốc lên kịp, đỡ người đàn bà ra khỏi xe, dỡ đồ quẳng sang bên cạnh vừa nói: “Đứng xa ra, có khi xe cháy bây giờ”. Mìn vừa dỡ xong đồ ra khỏi xe thì chiếc xe bốc lửa cháy đùng đùng. Mìn kéo người đàn bà với đứa con nhỏ trước ngực nép vào khe đá bên sườn taluy để tránh nhỡ xe nổ. Lúc bấy giờ họ mới kịp nhìn mặt nhau:
“A Mìn! Đi đâu về vậy?”
“Giàng ơi! Con Nếnh! Sao lại về có một mình thế này?”
Thì ra là người cùng bản. Mìn biết hai vợ chồng nhà này, vốn đi làm mãi trong Bình Dương kia. Nhưng chưa kịp hỏi gì thêm, Nếnh đã òa khóc nức nở. Nước mắt tuôn ra như con suối đầu bản mùa lũ. Chan hòa. Mìn không biết làm gì, nói gì để cho Nếnh ngừng khóc mà hỏi chuyện tiếp. Cái xe bị ngọn lửa thiêu rụi nằm chơ chỏng giữa đường, bốc khói nghi ngút, khét lẹt. Mìn rời khe đá đi ra gom đống đồ lúc nãy vứt lung tung vào sườn núi mang về chỗ hai người ngồi. Một cái vali kéo, một cái balo to, vài cái túi vải, nilon lủng củng những đồ. Lại còn có cả một cái hộp các tông trong có cái lọ gì đó như lọ sành. Mìn bê tất cả về gom lại một chỗ bảo Nếnh: “Đường xa thế mà cô còn tha cả cái lọ sành gì đó?”
Nếnh vừa vãn khóc, đang sụt sịt, bỗng òa lên to hơn: “A Sáng chồng em đó Mìn ơi…”
Mìn choáng váng, ngồi thụp xuống cạnh đường.
Mìn biết rõ cả vợ chồng nhà này. Đã từng đi chợ cùng với A Sáng rồi
“bắt” Nếnh về làm vợ từ năm cả hai còn đang học nội trú. Cưới nhau xong,
bỏ học luôn, ở nhà làm nương đẻ con. Cũng đẻ đâu được mấy lứa rồi đó
nhưng chết yểu cả. Thày cúng trong bản nói, vía hai vợ chồng này cao,
trẻ con không ở cùng được. Chán, hai đứa bỏ đi miền Nam, vào tận Bình
Dương làm công nhân lâu lắm rồi. Thế mà hôm nay về có một mình vợ, còn
chồng lại ở trong cái lọ sành rồi! Mìn chợt hiểu, trong ấy dịch giã
nhiều lắm, cũng nhiều người chết lắm, A Sáng chết dịch rồi. Vợ nó cái
Nếnh bỏ chạy theo đoàn người về quê, đến chân đèo Ngao thì rẽ lên có một
thân một mình.
À, không phải một mình, còn đứa bé con không biết mấy tháng tuổi đang
nằm ngủ ngặt nghẹo trước ngực mẹ kia. Nó vẫn ngủ ngon, mặc lửa cháy, mẹ
khóc.
Nếnh bảo: “Vợ chồng em ở khu trọ. Bị nhốt chặt cứng. Thế là bệnh cả
xóm. A Sáng chuyển nặng, chỉ có một đêm đến sáng, không cả kịp đi cấp
cứu đã chết rồi. Chỉ kịp dặn mang con chạy về núi may sống sót. Tốp từ
thiện họ vào đem đi thiêu xác cho đó. Lại cho ít tiền, đồ đạc mới có cái
sống qua ngày. Nới phong tỏa là tất cả công nhân chạy về quê. Thôi cứ
chạy ra khỏi ổ dịch lấy sống người đã rồi tính sau, ai biết thế nào
được…”
Mìn nghe, thở dài ngao ngán. Đâu cũng đất nước này. Đâu cũng là ổ
dịch. Đâu cũng bao vây phong tỏa. Dịch bệnh. Đói ăn. Chết chóc…Covid nó
là cái gì mà kinh khủng vậy? Nó là “ông thần trùng” đi bắt người ta như
tay thầy cúng của bản vẫn nói sao? Nhẽ nó muốn bắt hết cả người nước Nam
sao?
Chợt có tiếng trẻ con ọ ẹ. Thằng bé con thức dậy, mở mắt thao láo ra nhìn mẹ, nhìn Mìn, ngơ ngác nhìn xung quanh.
Nếnh vừa cởi địu, đưa con ra bế đặt trên lòng cho đỡ mỏi vừa kể: “Vào
Nam mấy năm ròng bọn em cũng chẳng chửa đẻ gì. May dịp gần đây, theo
một phòng khám sản gần nhà họ điều trị cho, thế rồi có chửa sinh ra được
thằng cún này. Chưa kịp mừng, chưa kịp mang con về bản làm lễ cúng ma
cho nó thì dịch nổ ra khiếp quá. Thế là con mất bố. Lúc sắp mất A Sáng
cứ rướn lên nhìn mãi vào thằng cún trên tay em mà không nhắm được mắt.
Em khổ quá rồi Mìn ơiiii…”
Nếnh nước mắt chan hòa, nhưng một tay vẫn ôm chặt thằng bé, tay kia
cởi cúc chiếc áo đồng phục công ty, vén cao cái áo phông bên trong ra.
Cả bộ ngực thây lẩy mọng sữa bày ra trước mắt Mìn. Nếnh cho con bú.
Thằng bé con mới khoảng hơn tháng tuổi nhưng đã khá cứng cáp vục ngay
mặt vào bầu vú mẹ mút chùn chụt.
Mìn quay mặt nhìn ra rừng núi xung quanh. Không có cảm giác gì trước
cặp vú đang nuôi con của Nếnh. Vú vợ nuôi ba đứa con đã quá quen thuộc.
Vả lại hồi còn ở nhà sống với vợ, mỗi lần ngủ với nhau, Mìn cũng không
có thói quen để ý đến chỗ đó. Người ở bản nói, chỗ đó là để dành cho
con, chỗ của đàn ông chỉ là ở phía dưới thôi. Thế nhưng về dưới xuôi,
nhất là đến khi gặp nàng “Mỹ nhân ngư”, được nàng “dạy dỗ” cho các
cách, các kiểu làm tình “làm xương cho sáo”, Mìn vỡ ra nhiều điều. Nàng
còn bảo, đàn ông khi làm tình là phải chăm sóc massager bộ ngực của đàn
bà thật đầy đủ, để chống lại bệnh ung thư vú đấy. Ai mà không làm đầy đủ
mỗi khi gặp gỡ nhau là không hoàn thành trách nhiệm của đàn ông đâu.
Nàng “Mỹ nhân ngư” thật là một cô giáo sành điệu, nàng mang laptop đi
vào khách sạn cùng Mìn, mở chương trình thực hành của cô nàng Maria
Ozawa ra. Và hai người làm theo. Mìn được mỹ nhân khen lắm, tiếp thu
nhanh lại còn có nhiều sáng tạo. Mỗi lần mỹ nhân lên cơn, Mìn ngồi lên
bụng, thân dưới vẫn dính chặt nhau, hai tay Mìn nắm chặt hai bầu vú căng
tròn của mỹ nhân, bóp, vò xoắn, lắc thẳng tay trong động tác “phi ngựa
thảo nguyên”. Phi thẳng cánh, hết tốc độ và sức mạnh của đàn ông. Nhưng
thế dường như vẫn chưa đủ cho mỹ nhân. Nàng nhắm nghiền mắt, người cong
lên hưởng ứng cái vũ điệu điên cuồng, mặt đỏ rực, miệng gào: “Mạnh nữa,
nhanh nữa, sâu vào Mìn ơiiiii…”
Nhiều lúc xong cuộc gặp gỡ, về phòng trọ nằm nghỉ ngơi, Mìn nghĩ mãi
không hiểu cô nàng “Mỹ nhân ngư” người tình của mình lấy đâu ra năng
lượng và sự ham muốn tột cùng như vậy. So với cô vợ ở bản của mình thì
quả là một trời một vực. Mà vợ Mìn mới ngoài hai mươi, “Mỹ nhân ngư” đã
bốn mốt. Ở bản, cái tuổi bốn mốt thì gầy quắt tong teo lắm rồi. Có đi
chợ tình, người yêu cũ nhìn thấy có khi cũng chẳng muốn mời bát rượu nữa
đâu. Đằng này. Đằng này nàng “Mỹ nhân ngư” lúc nào cũng rừng rực như
cái bếp than hồng đêm đông vẫn đốt trong nhà chống rét trên quê Mìn. Cứ
rừng rực cả một buổi từ sáng đến chiều mỗi lần nàng gặp gỡ Mìn. Sau này
Mìn lên trên Facebook đọc, có một tay sành điệu viết về thú ăn chơi của
người thành phố bây giờ: “Rượu vang, xì gà, đàn bà bốn mươi”! Mìn mới
ngộ ra. Mìn đang trẻ, thích uống rượu mạnh chứ không khoái rượu vang như
mấy ông ra vẻ sành điệu kia nhưng súng đạn sắp đến hồi thanh lý. Uống
cái thứ rượu chát chát chua chua nhạt thếch, không bằng cả rượu sắn nấu
men lá trên núi. Còn xì gà, Mìn cùng với Lù và Phủ cũng mua về thử cho
biết rồi, nó cũng chẳng có vị gì. Mìn đồ rằng, nó cũng chỉ “sành điệu”
là chính thôi. Nhưng riêng món “đàn bà bốn mươi”, qua trải nghiệm của
bản thân, cả ba tay đều công nhận là xứng đáng ngợi ca! Bởi vợ của cả ba
ở bản tuy đã đẻ mấy lứa, đều đang lứa tuổi hăm nhăm hăm bảy. Thỉnh
thoảng vẫn phải về bản “nộp thuế” cho yên cửa yên nhà. Cả ba tay đều
ngậm ngùi nói với nhau rằng, giờ sao như đi vào chỗ “vườn không nhà
trống” vậy! Nó khác xa với cảm giác khi ở trong phần đàn bà của các nàng
người tình “bốn mươi” dưới xuôi. Êm ái, khít khao, nồng nàn, ấm nóng…
Nhưng trong ánh chiều đang buông nhập nhoạng lưng đèo Ngao, bộ ngực
căng sữa của Nếnh sáng rỡ hoàn toàn không gợi cho Mìn điều gì. Không nhớ
đến bất cứ một cái gì liên quan đến thân thể đàn bà, vợ hoặc người
tình. Không thèm muốn. Không khát khao. Có lẽ nào con Covid kinh khủng
kia nó đã tiêu diệt hoàn toàn mọi sinh lực đàn ông trong người Mìn rồi?
Mìn đứng ngắm núi chán, quay lại nhìn thằng bé vẫn đang bú mẹ. Nó đã gần
no nên bú mẹ có vẻ thảnh thơi hơn không tham lam chộp choạp như lúc
đầu. Nó vừa bú một bên, tay kia đưa sang vân vê giữ cái đầu vú còn lại.
Nó vừa bú vừa hé mắt nhìn Mìn. Mìn mỉm cười âu yếm với nó. Chợt nhớ, cả
ba đứa con của mình ở bản hình như chưa lúc nào Mìn nhìn cảnh vợ vén áo
cho bú như thế này. Thằng bé buông hẳn vú mẹ, quay ra cười thật tươi với
Mìn. Nụ cười của nó như sáng rực cả đường đèo. Mìn thấy xôn xao, nhớ
con nhớ vợ nhớ nhà nhớ bản quay quắt. Mìn đưa tay đón thằng bé, bảo
Nếnh: “Em đưa cháu anh bế, rồi thu dọn đồ đạc cho gọn, anh em mình vượt
đèo đi không sắp tối đến nơi rồi, cố về đến bản cáng sớm càng tốt.”
Rồi họ lên đường, tiếp tục vượt đèo.
Ngoài cái balo của mình, trước ngực Mìn đeo cái ba lô đựng lọ tro cốt
của chồng Nếnh nữa, một tay kéo chiếc vali có bánh xe, một tay xách túi
đồ của em bé. Nếnh địu con trước ngực, lưng một cái balo, cũng hai tay
hai túi nữa. Họ cắm cúi đi. Vừa leo đèo vừa nghỉ. Trời sập tối từ lúc
nào nhưng ánh sao trên trời và dải đường nhựa mờ mờ trong nền đêm đen
thẫm của núi rừng khiến cho họ vững bước, không sợ bị sa chân xuống vực.
Thằng bé con được bú no, ngồi trong địu, rúc vào ngực mẹ ngủ khìn khịt
ngon lành. Nó đã cùng mẹ vượt gần hai ngàn ki lô mét từ miền Nam xa xôi
ra đây. Nó không hề biết bố nó đã khuất núi, nó không biết là xung quanh
nó, khắp quê hương làng xóm người ta đang sôi sùng sục như trong cái
nồi lẩu. Người ta đang lên cơn động rồ như lũ chó hoang dại về một cái
hư hư thực thực có tên Covid. Cả thế giới đều đang lên cơn động rồ như
một phản ứng nổ dây chuyền không sao ngăn được. Chỉ đành kệ nó nổ tung
tóe tanh bành vung vãi mọi thứ sâu kín bẩn thỉu của nhân loại ra giữa
thanh thiên bạch nhật, xong rồi có yên mới yên. Thằng bé con không cần
biết đến điều đó. Nó bình an ấm êm trong ngực mẹ. Ngủ tít. Lúc nào đói
bụng, thức giấc, nó chỉ cần ọ ẹ vài tiếng là lại có ngay bầu sữa thơm
tho ấm nóng kê vào tận miệng...
Mìn cứ vừa đi vừa nghĩ, vừa đợi Nếnh. Thỉnh thoảng, họ lại buông đồ
cầm tay, đứng dựa lưng vào taluy dương mà nghỉ ngơi, uống chút nước,
sữa, ăn chút bánh trái gì đó. Thật may lúc từ biệt đoàn cứu trợ, Mìn
được họ đưa cho khá nhiều đồ ăn. Và Nếnh trên đường cũng được nhiều trợ
giúp của dân. Nên họ không đói. Họ chỉ phải cuốc bộ vài mươi cây số nữa
trong đêm để về đến bản. Nghĩ đến đó, Mìn giục Nếnh lúc nghỉ trên đỉnh
đèo: “Cố lên em, chỉ còn hơn chục cây là xuống đến chân núi, là về đến
bản mình rồi, sẽ nghỉ một thể.”
Về đến bản mình. Câu nói đó thốt nhiên cứ âm vang mãi trong chính đầu
của Mìn không dứt. Mìn bỗng thấy cái bản Tồng nghèo khó toàn ngô khoai
sắn, không khí lúc nào cũng thoang thoảng mùi phân trâu bò gà lợn, góc
rừng xó sàn chỗ nào cũng thấy một vài tay say rượu nằm gục vạ vật, và
đám trẻ con cởi truồng chim có tím ngắt trong giá lạnh chạy chơi ngoài
đường…Mìn thấy những hình ảnh đó như một chốn nương náu an lành. Mìn
thấy những ồn ào bụi bặm, những ánh đèn xanh đỏ lập lòe nơi phố thị mới
khiếp hãi làm sao. Đầy cạm bẫy và bệnh tật. Đầy những con người hung ác
và lạnh lẽo. Mìn thấy sợ hãi. Mìn tự thề với bản thân, lần này về bản sẽ
bỏ hết, không đi đâu nữa. Sẽ đi làm nương làm rừng để nuôi con. Sẽ sống
yên phận cùng cô vợ với mấy đứa con của mình. Cuộc du hí mang tên về
xuôi với Mìn có lẽ đã chấm dứt. Mìn hăm hở thả dốc.
Nhưng leo lên dốc đã khổ, lúc xuống cũng gian nan không kém. Chiếc vali có bánh xe của Nếnh không nặng lắm, lúc lôi lên dốc cũng đã vất vả, lúc xuống dốc lại còn mỏi hơn, khi cứ vừa phải kìm giữ và lái cho nó theo đường chính không lăn xuống vực. Nhưng thật may, Mìn vốn là một tay trai khỏe mạnh nên rồi cũng lựa thế xử lý được. Mìn điều khiển chiếc vali xuôi dốc nhẹ nhàng. Vừa đi vừa phải đợi mẹ con nhà Nếnh. Họ cùng nhau đi miên man trong đêm như thế, đến lúc tang tảng sáng thì xuống đến chân núi. Ngồi thở dốc. Nếnh bảo: “May quá gặp anh chứ không cháy xe giữa đèo mẹ con em chỉ biết ôm nhau mà khóc.”
Mìn ngồi nhìn hai mẹ con, không nói gì. Đầu óc trống rỗng, thân thể
mệt mỏi. Chỉ một đoạn ngắn nữa là về tới bản, là được nằm lăn ngay ra
tấm phản gỗ quen thuộc, xoải chân xoải tay cho hết mệt mỏi. Mìn không
nghĩ gì nữa, xốc ba lô đứng dậy vơ đồ bảo Nếnh: “Về nhà thôi em.”
***
“Đứng lại!”
Khi Mìn và Nếnh hăm hở định bước xuống con suối lội qua để vào
bản, bỗng khựng lại khi nghe một tiếng quát chói tai, vang động cả rừng
núi buổi sáng sớm. Ngẩng đầu nhìn…
“A Lúi! Tao đây mà Mìn đây! Người bản mình mà! Không nhận ra à? Cả Nếnh cũng người bản mình đấy…”
Nói rồi, Mìn lại xăm xắm đỡ đồ cho Nếnh, dắt tay lội xuống nước.
“Đứng lại ngay! Không tao bắn!”
A Lúi quát to hơn, đồng thời lên đạn khẩu súng trong tay roàn roạt. Mìn lạnh người, chết đứng bên rìa suối, không hiểu ra sao nữa. Lúc ấy bên bờ suối bên kia, lố nhố những người trong bản chạy ra. Toàn người quen. Mìn định gọi, tay trưởng bản A Phóng đã chĩa chiếc loa điện qua, choe chóe: “Đề nghị anh chị đứng yên tại chỗ, không được lội qua suối vào bản. Tổ chống dịch Covid cộng đồng của bản sẽ sang xử lý mọi việc!”
Mìn thở hắt ra, quẳng đồ ngồi thụp xuống bờ suối. Lại chống dịch!
Tưởng về đến núi cao rừng sâu thì trốn được con Covid rồi, thế mà nó đã
bay lên đây trước từ lúc nào.
Tổ Covid cộng đồng cũng quần áo mũ miện bịt bùng như dưới xuôi, tay
cầm bình bơm thuốc sát trùng thận trọng lội qua suối tiến sang. Mặt lạnh
băng. Họ ra hiệu cho Mìn và Nếnh thu gọn đồ đạc đứng vào một chỗ. Và
bắt đầu phun thuốc sát trùng vào. Một làn sương trắng hăng hắc mùi thuốc
trùm lên tất cả. Thằng bé con ngửi thấy mùi lạ, thức dậy ngơ ngác nhìn
quanh hoảng sợ khóc toáng lên. Tổ Covid cộng đồng phun xong không nói
lời nào, lùi lại, lội qua suối về bên kia. Trưởng bản A Phóng lại chĩa
loa sang: “Anh Mìn và chị Nếnh đi từ vùng dịch về, theo quy định của
trên, phải cách ly hai mốt ngày mới được vào bản. Vì vậy yêu cầu anh chị
lùi xa bờ suối mười lăm mét! Dân quân sẽ sang làm lều cách ly, người
nhà sẽ mang đồ dùng, gạo mắm cho để ở tại chỗ. Cấm tiếp xúc với người
trong bản. Tuyệt đối không được tự ý vào bản. Vi phạm xử lý ngay. Chống
dịch như chống giặc, phải kiên quyết!”
Mìn ngồi bệt xuống dưới một gốc cây, nhìn mọi người. Toàn những gương mặt thân quen trong bản cả mà sao bỗng hôm nay họ như hóa thành người khác. Lạnh lẽo. Kín bưng. Không thèm nói chuyện hỏi han. Hình như họ sợ hỏi thăm người từ vùng dịch về là cũng sẽ bị lây nhiễm bệnh. Luôn gườm gườm ánh mắt nhìn Mìn và mẹ con nhà Nếnh đề phòng. Mìn thở hắt ra mặc đời, thì mình bây giờ bị coi là “giặc” rồi, họ không dám cả giao tiếp nữa kia.
Chỉ một loáng, mấy tay dân quân trong bản đã sang bờ suối hạ cây,
dựng xong cái lều được che chắn bằng bạt dứa. Họ đưa xoong nồi, chăn
chiếu, gạo muối hai nhà gửi ra để trong lều rồi trở về bên kia suối.
Trưởng bản A Phóng lại chĩa loa sang, the thé: “Anh Mìn và chị Nếnh vào
trong lều ở. Cấm tự tiện ra ngoài. Ở đâu yên đấy. Các đồng chí dân quân,
thay nhau canh gác bên này suối. Ai tự tiện vào bản cứ bắn què chân,
tội đâu trưởng bản chịu! Mỗi bản là một lô cốt vững chắc không cho con
Covid nguy hiểm xâm nhập, rõ chưa!”
Thằng A Lúi vâng một cái rõ to, rồi kéo cái ghế nhựa ra ngồi giữa con
đường mòn từ suối lên về bản. Tay nó đeo một cái băng đỏ chói, đầu đội
mũ cối. Khẩu súng trường đặt trong lòng nâng niu như người mẹ bế đứa con
đầu lòng.
Đã quá mệt mỏi vì đi bộ cả đêm vượt đèo, Mìn trải chiếu chăn ra nền
đất, rồi mặc kệ mẹ con Nếnh chăm sóc nhau, lăn ra ngủ luôn, không biết
trời đất gì nữa.
Mìn ngủ suốt cả ngày. Nếnh lay dậy ăn cơm cũng không. Định ngủ qua đêm luôn.
Nhưng đêm về sáng trời bỗng chuyển mùa. Gió lạnh. Rồi mưa. Mưa bỗng
nhiên đổ xuống sầm sập như thác nước trời mở ra. Mìn tỉnh dậy nhìn ra
con suối thường ngày chỉ cần vén quần lội qua, giờ bỗng biến thành một
dòng nước đục ngàu gào réo, lồng lộn chảy như con quái thú lên cơn, sẵn
sàng nuốt phăng mọi thứ. Không còn đường vào bản. Mà cái lều được che
bằng bạt dứa mong manh không chịu nổi cơn mưa xối xả của trời, nước tuôn
xuống khắp nơi. Mẹ con nhà Nếnh ôm nhau dúi dụi góc lều. Mìn vùng dậy
đem tất cả chăn chiếu trùm lên rồi vòng tay ôm lấy hai mẹ con. Nếnh ôm
con, chúi đầu dưới ngực Mìn. Mưa vẫn đổ. Gió vẫn gào thét. Con suối vẫn
ầm ầm réo. Đến gần sáng, trời bỗng đổ mưa đá. Những hòn đá trời lao vun
vút xuống mái lều mong manh, quất lên thân thể những kẻ tha hương như
đòn thù của số phận. Mìn và Nếnh ôm chặt nhau, cố che chở cho thằng bé
trong lòng. Cả ba ôm chặt lấy nhau. Họ tê dại trong lạnh giá. Mê đi…
Sáng hôm sau, mưa tạnh, gió ngừng. Dòng suối lại chảy nhẹ nhàng rì
rào như chưa từng có trận cuồng nộ đêm qua. Thằng A Lúi vác súng ra bờ
suối nhìn sang. Lều sụp đổ, đồ đạc vung vãi tan hoang. Không thấy động
tĩnh gì. Nó chạy vội vào gọi trưởng bản A Phóng. Nghe tiếng nó gào hoảng
hốt: “Trưởng bản ơi, lều đổ rồi, mấy người kia chết hết rồi!”. Cả bản
rùng rùng kéo ra. Lội sang suối, dỡ lều, dỡ chăn chiếu. Họ thấy Mìn và
Nếnh ngồi đối diện. Đầu gác lên vai nhau. Cả hai đã chết cứng trong tư
thế khum lòng thành cái lồng che cho thằng bé con. Chết cóng. Dân bản gỡ
ra, trong lòng họ, thằng bé con được bọc kỹ trong chăn khố, phủ nilon
vẫn say ngủ. Thấy động, nó mở mắt ra ngơ ngác nhìn quanh rồi bỗng cất
lên những tiếng khóc oe oe thảm thiết…
3/2022
Trần Thanh Cảnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét