Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2025

KHÁNH TRƯỜNG (1948-2024) - THỤY KHUÊ

 

KhanhTruong0
Khánh Trường tháng 5-1990 tại phòng tranh

Đôi dòng tiểu sử

Họa sĩ, nhà văn, nhà báo, Khánh Trường tên thật là Nguyễn Khánh Trường, sinh ngày 8-4-1948, tại xã Khánh Thọ, huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Chính quán Nam Định. Qua đời ngày 29-12-2024 tại Fountain Valley, California, Hoa Kỳ.

Bút hiệu khác: Kim Thi, Nguyễn Thị Giáng Châu. Năm sinh đích thực là 1947, Khánh Trường chào đời khi cha mẹ chạy tản cư, không nhớ rõ ngày tháng, khi đi học, mới làm giấy khai sinh, ghi ngày 8-4-1948. Con ông Nguyễn Viết Hậu (1913-1986), họa sĩ, quê Nam Định và bà Hà Thị Chân (1920-1953) quê Lai Châu. Khánh Trường là anh cả của ba người em: Nguyễn Thị Minh Thi, Nguyễn Khánh Thọ (đã qua đời), Nguyễn Khánh Thịnh, hiện sống tại Đà Nẵng.

<!>

Từ 1953 đến 1959, Khánh Trường học tiểu học tại xã Hải Châu (Đà Nẵng). Năm 1960, vào trung học Phan Thanh Giản (Đà Nẵng); bốn năm sau, bỏ học, đi giang hồ, lưu lạc khắp miền Nam Việt Nam. Năm 1968, đi lính, vào binh chủng nhảy dù trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Năm 1973, bị thương được giải ngũ. 1986, vượt biển sang Phi Luật Tân. 1987 định cư tại California.

Năm 1970 Khánh Trường gặp Bùi Dương Thanh Lê, sinh viên Văn khoa, tại Sài Gòn, sống chung, có ba con: Nguyễn Khánh Tùng (1972) Nguyễn Minh Tân (1973) và Nguyễn Thị Giáng Châu (1975). Năm 1984, sinh con gái Nguyễn Thị Khánh Ly với Huỳnh Thị Ngọc Yến. Năm 1987, gặp Thạch Thu Oanh tại trại tị nạn, sống chung đến ngày nay, sinh con gái Nguyễn Khánh An (1990)[1]    

Khánh Trường là họa sĩ tự học. Đã triển lãm cá nhân và tập thể tại Việt Nam, Mã Lai, Phi Luật Tân, Pháp, Đức, Mỹ. Đã trình bày nhiều bìa sách cho các nhà xuất bản ở hải ngoại: Sống Mới, Xuân Thu, Đại Nam, Văn Nghệ, Văn Mới…

Khánh Trường sáng lập, điều hành, chủ biên tập san văn học nghệ thuật biên khảo Hợp Lưu. Số 1 ra tháng 10-1991, trực tiếp trông coi từ 1991 đến 2002. Sau hơn mười năm làm việc cật lực, tới số 66 (tháng 8-9/2002), Khánh Trường bị bạo bệnh (ba lần tai biến mạch máu não và bị ung thư thực quản), phải giao tờ báo lại cho Đặng Hiền.

Tác phẩm đã xuất bản:

Thơ: Đoản Thi Khánh Trường (Sống Mới, Hoa Kỳ, 1987). Truyện ngắn: Có Yêu Em Không? (Tân Thư, 1990, tái bản 1997), Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng (Tân Thư, 1991), Chung Cuộc (Tân Thư, 1997), Truyện Ngắn Khánh Trường (2 tập) (Nhân Ảnh, 2016). Tuyển tập:  20 Năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại 1975-1995, soạn chung với Trương Đình Luân, Cao Xuân Huy (Đại Nam, 1995). Tác Giả, Tác Phẩm, viết chung với nhiều tác giả khác (Thế Giới Lưu Vong, 1988). Hội họa: Khanh truong Paintings, sách tranh (Nhân Ảnh, 2018).

Khánh Trường viết về mình: "sinh ra, lớn lên, đi học, đi giang hồ, đi làm...du dãng (...) Nghề chính: không có. Nghề phụ: thập cẩm. Một cuộc đời trôi nổi hư hỏng và tầm thường, nhợt nhạt đến chính chủ nhân cũng phải thở dài!"[2]. Một "nhận định" về mình như thế, hiếm và lạ. Con người "tầm thường, nhợt nhạt" và vũ bão này, có những câu thơ thâm trầm, sâu  lắng:  

"Đá cao vách dựng im ngồi

Nghe thinh không vọng mấy hồi chuông xưa

Tay run đốt mẩu thuốc thừa

Khói bay hồn đắng nửa trưa ngậm ngùi".


Khánh Trường bắt đầu cuộc đời nghệ sĩ bằng thơ: cô đơn, tha thiết trong thơ. Đa tài. Rồi Khánh Trường vẽ, viết văn. Nhưng trước hết phải kể tới Khánh Trường của Hợp Lưu.

Khánh Trường sáng lập Hợp Lưu

Tháng 5 năm 1990, chúng tôi sang Quận Cam, nhà văn Mai Thảo dẫn đến thăm và giới thiệu với một họa sĩ, mà chúng tôi chưa quen: Khánh Trường. Mai Thảo cho biết Khánh Trường dự định ra một tập san văn học, đăng những tác phẩm ở trong và ngoài nước, và cần được giúp đỡ. Đó chính là Mai Thảo: ông ghét cộng sản, vì cái chết của Vũ Hoàng Chương và bản thân ông bị truy lùng trong gần hai năm, trước khi vượt biển, thoát. Ông không đọc tác phẩm trong nước, nhưng «đứa nào» làm chuyện hòa giải, giao lưu, ông ủng hộ; «đứa nào» bị đánh, ông tận tình bênh vực và giúp đỡ. Ở Mai Thảo là hai chữ Tự do đúng nghiã mà nhiều người Việt không hiểu, dù họ sang Mỹ để tìm «tự do». Bên cạnh Mai Thảo, Nhật Tiến cũng công khai ủng hộ Khánh Trường. Lập trường giao lưu của Nhật Tiến ai cũng rõ. Đó là hai nhà văn đàn anh, đứng đằng sau Hợp Lưu, trụ đỡ Khánh Trường trong những ngày sóng gió. Phía chống Hợp Lưu, cũng không thiếu những cây đa cây đề. Mai Thảo sang Paris cùng với Khánh Trường, để ra mắt Hợp Lưu số 1.   

Hợp Lưu số 1, ra đời tháng 10-1991. Chủ biên Khánh Trường viết:

«Hợp Lưu mở rộng cửa đón nhận những sáng tác mới. Chúng tôi sẽ phá vỡ mọi biên cương, mọi định kiến, mọi ràng buộc, mọi điều «cấm kỵ», cập nhật và theo kịp, theo sát những trào lưu mới của văn hóa nhân loại»[3]

Nói thì ngông vậy, nhưng Hợp Lưu số 1 còn nghèo, phần lớn đăng lại những bài viết của các tác giả trong nước mà Khánh Trường ẩu, không xin phép hoặc không thể xin phép. Tuy nhiên cũng có hai bài mới: Những bông cẩm chướng dại của Trần Vũ, với một bút pháp khác với những truyện ngắn đầu tay, và Những bàn tay trên cao, báo hiệu tính cách thiền sư của Phan Tấn Hải.

Trong ba số đầu, một mình Khánh Trường làm chủ biên, nghiã là xoay xở, vừa xin bài, vừa đánh máy, xin tiền in và mua tem gửi đi. Có hai khuôn mặt Mạnh Thường Quân nổi trội: Đỗ Kh. và Trương Vũ.

Từ số 4 (tháng 4-1992), thêm Phạm Việt Cường, Tổng thư ký, Phan Tấn Hải, trị sự. Phạm Việt Cường làm được 4 số thì bỏ. Kể từ số 8 (Xuân Quý Dậu, 1993, số đặc biệt Văn Cao), chỉ còn Khánh Trường và Phan Tấn Hải điều hành tờ Hợp Lưu trong 4 năm, từ 1993 đến 1997. Kể từ số 36 (tháng 8-9/1997) Phan Tấn Hải bận việc rút ra, chỉ còn lại Khánh Trường.

Tới số 66 (tháng 8 và 9 năm 2002), Khánh Trường, vì lý do sức khoẻ như đã nói ở trên, trao Hợp Lưu lại cho Đặng Hiền, có Trần Vũ ở Paris giúp đỡ, nhưng trên trang đầu, vẫn ghi tên Khánh Trường, chủ nhiệm, Phùng Nguyễn, chủ bút, Đặng Hiền, tổng thư ký[4].

Thực sự Trần Vũ đã bắt tay vào việc từ số 67 (tháng 10-11/2002), nhưng đến số 77 (tháng 6-7/ 2004) mới chính thức đứng tên chủ biên. Đặng Hiền vẫn làm tổng thư ký.    

Hợp Lưu số 67, là một bước ngoặt. Để đánh dấu chặng đường 12 năm hoạt động của Hợp Lưu với Khánh Trường, Trần Vũ viết bài Trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại, ghi lại rất chi tiết hành trình của Hợp Lưu trong bối cảnh xã hội và chính trị của cộng đồng người Việt hải ngoại thập nhiên 1990-2000. Cực kỳ khó khăn nhưng thành quả rõ rệt: Sau 12 năm hoạt động, Hợp Lưu đã kết hợp được hầu hết những nhà văn không thành kiến trong và ngoài nước, trên cùng một diễn đàn. Bài viết kỷ niệm 12 năm Hợp Lưu của Trần Vũ[5], trừ vài sai sót nhỏ, là một tài liệu đáng tin cậy cho những người viết văn học sử sau này. Phần chính của bài này được trích dẫn in trên mạng Văn Việt, điạ chỉ:

HL số 67, Đỗ Kh. trong bài «Khinh binh số một và ngón tay thứ sáu»[6] có mấy điểm đáng chú ý:

- Khánh Trường là Khinh binh số 1. Văn học hải ngoại trong có Hợp Lưu là ngón tay thứ sáu.

- Người ta phê bình: «mày giao lưu chỉ có một chiều, mày đăng bài trong nước mà trong nước nó có đăng bài mày đâu

- Thành quả: quy tụ được ở trên diễn đàn này một lực lượng văn học mới ở hải ngoại, dò dẫm mà tiến sau lưng khinh binh số 1 Khánh Trường. Nhưng lớn hơn nữa, là tờ tạp chí đã nhận dạng và phản ánh đúng đắn văn học Việt Nam trong thập niên vừa qua, ở một vị trí độc lập và ít bị chi phối hơn những tạp chí văn học trong nước (hay những tạp chí văn học khác ở bên ngoài).  

- Kết quả: Nhờ Khánh Trường, chúng tôi (trở lại tập thể «những người viết ở nước ngoài sau 75») khi nhìn lại 12 năm cũng đã có một quá khứ của chính mình...».

 

HL số 67, Phạm Xuân Nguyên, từ trong nước, đặt câu hỏi: Hợp Lưu là gì? Và tự trả lời:

«Đối với lắm người ta trong nước. Báo chí văn chương người Việt hải ngoại cơ hồ chỉ như là Hợp Lưu. Nó in dày trang. Nó gáy bề thế. Nó vẻ sang trọng. Nó được nhắc đến luôn. Một số tờ khác ra trước nó nhưng không mấy vang động đến trong nước, chỉ biệt lập và khuôn lại ở phạm vi hải ngoại...

Đối với lắm người ta trong nước, văn chương người Việt hải ngoại cơ hồ như chỉ là văn chương Hợp Lưu. Đọc nó gặp đủ mặt người viết khắp Mỹ Âu Úc, thấy đủ tâm tính giọng điệu văn chương, của những người xa nước đã lâu hay vừa rời nước, nếm đủ vị thanh đục tục phàm của mọi thi thố văn chương tự do bày tỏ thể hiện...

Đối với lắm người ta trong nước. Hợp Lưu là một sân chơi vừa vui vừa sợ. Có khi họ tự vào chơi. Có khi họ bị kéo vào. Trước còn e dè phấp phỏng ngó trước trông sau sợ còi thổi, cờ phất... »[7] Tóm tắt «tình hình» như thế, không thể nào... chính xác hơn.

 

Số 68 (12/2002 và 1/2003) và số 69 (tháng 2 và 3/2003), Trần Vũ tổ chức Chủ đề Yêu, Phạm Xuân Nguyên «hưởng ứng, chuyển lời mời tham dự đến toàn quốc».

Chủ đề Yêu đánh dấu sự kiện nhà văn trong và ngoài nước viết chung một đề tài, với 26 tác giả:

Hợp Lưu số 68, với: Đỗ Kh., Phạm Hải Anh, Nguyễn Thị Minh Ngọc, Mai Ninh, Nam Dao, Trần Thị NgH., Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lê Minh Hà, Dã Tượng[8] và Trần Vũ.

Hợp Lưu số 69 với: Đặng Thơ Thơ, Phan Huyền Thư, Nguyễn Hoà Trước, Thuận, Trần Tiễn Cao Đăng, Miêng, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Hồ Đình Nghiêm, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Lệ Hằng, Trân Sa, Thùy Dương, Phùng Nguyễn, Trần Mộng Tú và Nguyễn Thị Thanh Bình (HL số 70).

Bài mở Chủ đề của Trần Vũ (HL 68) và bài đóng Chủ đề của Trương Vũ (HL 69), tổng kết nội dung tất cả các tác phẩm đóng góp, chứng tỏ sự vững mạnh và đa dạng của Hợp Lưu, sau 12 năm hiện diện.

Từ khi Trần Vũ thay Khánh Trường làm chủ bút, Đặng Hiền, tổng thư ký, Hợp Lưu đã thay đổi rất nhiều: trẻ trung và xông xáo hơn. Một tài năng lớn chưa được trong nước nhận diện là Nguyễn Bình Phương, được giới thiệu trên Hợp Lưu, trở thành hiện tượng văn  học. Thời kỳ này, có hai nhà văn đầy triển vọng: Đặng Thơ Thơ và Đỗ Hoàng Diệu. Vi Thùy Linh xác định vị trí thi ca của mình.

Có thể nói, một số nhà văn tuy đã có tác phẩm in ở trong nước như Đỗ Hoàng Diệu, Vi Thùy Linh... nhưng từ khi tác phẩm của họ được giới thiệu trên Hợp Lưu, sự công nhận mới là toàn diện.

Sau ba năm tận tụy làm chủ bút, tìm kiếm những nhân tài mới, tới số 83 (tháng 6-7/2005), Trần Vũ rút lui, trao lại cho Nguyên Hương và Đặng Thơ Thơ phụ trách, nhưng chẳng bao lâu, chỉ còn lại một mình Đặng Hiền. Số người viết và người đọc đều đi xuống. Đặng Hiền cầm cự trong mấy năm để giữ vững bản chất của tờ bào, cuối cùng phải đưa Hợp Lưu lên mạng sau số 117, là tờ báo giấy Hợp Lưu cuối cùng (tháng 3/2013). Đặng Hiền là nhà thơ và họa sĩ, ngoài công việc trị sự, còn trình bày nội dung và bìa báo với những tác phẩm hội hoạ tuyệt đẹp…

 

Hợp Lưu ra đời sau Văn của Mai Thảo (1982), Văn Học của Nguyễn Mộng Giác (1986), và trước khi Viên Linh cho tục bản tờ Khởi Hành (1996), đã ra đời ở trong nước từ năm 1969. 

Văn có bề thế của Mai Thảo. Văn Học có uy tín của Nguyễn Mộng Giác, là người anh đầu đàn, với bộ trường thiên tiểu thuyết Mùa biển động, bắt đầu viết từ trong trại tị nạn, cùng với thầy Từ Mẫn Võ Thắng Tiết, chủ nhà xuất bản Văn Nghệ, hoạt động từ những năm 1985, 1986...in toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Hiến Lê và Võ Phiến, làm nền móng cho một con đường văn chương mới.

Trong ba năm, từ 1986 đến 1988, Nguyễn Mộng Giác đã thành công trong việc xây dựng một nền văn học hải ngoại, đặc biệt với ba khuôn mặt nổi trội, văn phong và tư tưởng hoàn toàn mới lạ: Võ Đình, nhà văn, họa sĩ, viết bài đầu tiên Cũng thư gửi bạn từ khi có tờ Văn Học Nghệ Thuật số 1 của Võ Phiến (tháng 2-1985), Đỗ Kh. xuất hiện lần đầu trên Văn học số 28 (tháng 5-1988) với truyện ngắn: Gaston (Alimad) Nhi, và Trần Vũ, trên Văn Học số 42 (tháng 7-1989), với truyện ngắn Ngôi nhà sau lưng văn miếu, đánh dấu ba phong cách hiện đại đặc biệt khác lạ của văn chương Việt Nam:

Võ Đình phân thân, tâm, họa của con người ly hương biệt xứ.

Đỗ Kh. đi khắp địa cầu, muốn bốc người Việt ra khỏi căn bệnh kỳ thị chủng tộc mãn tính.

Trần Vũ tạo phong cách tự do sáng tạo xuyên quá khứ và lịch sử, không tự chế bất cứ điều gì. Từ năm 1988, Nguyễn Mộng Giác vì lý do gia đình, không còn đích thực làm chủ biên, nhưng vẫn đứng sau. Tới năm 2003, Nguyễn Mộng Giác, bị ung thư, quyết định đóng cửa tờ Văn Học, Cao Xuân Huy một mình đứng ra lãnh trách nhiệm đến năm 2008, thì bị ung thư mắt, phải ngừng, hai năm sau qua đời (2010).

Khi Hợp Lưu của Khánh Trường ra đời năm 1991, tạp chí Văn Học, vẫn theo đúng đường lối của Nguyễn Mộng Giác, trở nên thủ cựu, vì không in các tác giả trong nước. Tuy vậy, chỉ mấy năm sau, chủ trương hòa hợp dân tộc của Hợp Lưu đã lây lan trên các báo khác, và có thể nói, nhờ Hợp Lưu mà văn học trong và ngoài nước gặp nhau, chập lại thành một dòng chung văn học Việt Nam, đặc biệt với những số chủ đề:

Văn Cao, số 8 (tháng 12-92, và tháng1-93), Mai Thảo số 16 ( 4-5/1994), Hoàng Xuân Hãn số 29 (6-7/1996), Phan Khôi số 33 (2-3/1997), Tạ Trọng Hiệp số 34 (4-5/1997), Bùi Giáng số 44 (12/1998-1/1999), Trịnh Công Sơn số 59 (6-7/2001), Chủ đề Yêu số 68 (12/2002-1/2003) và số 69 (2-3/2003), Nguyễn Tuân số 75 (2-3/2004), Nhân Văn Giai Phẩm số 81(2-3/2005), Bình Nguyên Lộc số 88 (4-5/2006), Lê Đạt số 89 (6-7/2006), Những người viết trẻ số 91(10-11/2006), Nguyễn Hữu Đang số 94 (4-5/2007), Nguyễn Huy Tưởng số 96 (9-10/2007), Mai Thảo (1927-1998) số 100 (5-6/2008), Khái Hưng, số 104 (3-4/2009), Cao Xuân Huy số 113 (3-4/2011). Nhiều chủ đề trở thành mẫu mực nghiên cứu

Mặc dầu vậy, nói dí dỏm như Đỗ Kh. văn học hải ngoại (đối với người trong nước) vẫn chỉ là ngón tay thứ sáu, dư thừa. Đúng thế, ngón tay thứ sáu này, đến nay vẫn còn bị coi thường, có khi người ta chỉ gọi xách mé là văn hải ngoại, mà không cấp cho chữ học hay chữ chương, thậm chí có vị đã nghĩ nên cầm dao giải phẫu cắt phăng cái của thừa này đi cho gọn. Nhưng trước khi cắt, có lẽ nên đọc thử, ít nhất một cuốn sách Xứ sấm sét của Võ Đình, hay Cây gậy làm mưa của Đỗ Kh. (Trần Vũ đã in ở trong nước) xem họ đứng ở chỗ nào, trên cái đài văn chương mới mẻ của thế giới được người Việt tôn thờ hiện nay? Nhất là cái văn hải ngoại này đã cướp đi tới ba chủ biên làm không công, bằng bệnh ung thư, vậy hẳn nó phải có gì dữ dằn, độc lắm?

Khánh Trường, nhà văn

Rồi một ngày nào đó, người ta sẽ phải làm công việc tổng kết những tác phẩm viết về cuộc chiến hai mươi năm, mà đến nay người Việt vẫn còn né tránh cái tên, sẽ tìm thấy những khác biệt sâu xa giữa những ngòi bút Bắc-Nam, hải ngoại-trong nước về cùng một đề tài. Biết đâu từ những khác biệt ấy, người ta có thể lần hồi vẽ lại được một thứ chân dung chiến tranh gần với sự thực hơn, gần với con người hơn những tấm bích chương phóng đại, tô màu, đã từng được dán trên tường, trên đường, khắp nơi, thời bình cũng như thời chiến.

Khánh Trường, Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, ba người lính và cũng là ba «chiến sĩ văn chương» đã từng trách nhiệm hai tờ tạp chí văn học lớn nhất ở hải ngoại: Khánh Trường với Hợp Lưu và Cao Xuân Huy, Hoàng Khởi Phong, với tờ Văn học.

Ba người lính này, còn là những tác giả viết về chiến tranh mà người đọc sẽ có ngày phải tìm đến, khi muốn nhận diện bộ mặt đích thực của chiến tranh, tìm hiểu những lũy tích đạn bom trên cơ thể và tâm linh những người sống sót. Cao Xuân Huy với Tháng ba gẫy súng, Hoàng Khởi Phong với Ngày N+.

Những truyện ngắn của Khánh Trường, được in trong ba tập: Có Yêu Em Không (1990), Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng (1991), Chung Cuộc (1997).

Có Yêu Em Không khai mào thứ bạo lực dục tình như tinh chất nhào nặn tác phẩm. Dục tình  xuất hiện trong hầu hết những truyện ngắn của Khánh Trường. Mưa Đêm là cuộc cãi vã của cặp nhân tình: cô gái điếm và gã lính bại trận, tử thương, là màn ẩu đả giữa sống và chết, giữa người và ma, là cuộc giao tranh và giao hoan giữa mộng và thực, giữa hồn và xác, là trận ác chiến giữa những thực tại tối tăm nhất của con người.

Bí Mật Của Rừng Già giao lưu thú tính và nhân tính trong lòng một tên thảo khấu cuồng sát, đàn em Pol Pot. Biến Cố Trong Rừng Tràm đặt câu hỏi về những tội ác khủng khiếp đã có thể xảy ra cho những kẻ vượt biên kiệt lực, cùng đường. Những Mảnh Đạn là đoản khúc yêu đương xuyên cõi âm dương, là trái mìn nổ chậm trong thân xác và vong linh những người còn sống mà đã chết. Chỗ Tiếp Giáp Với Cánh Đồng dấy lên khát vọng yêu thương của những trẻ tật nguyền, hậu quả của những bội tình, bội ước. Những Thảm Cỏ Nát Trong Khu Rừng Hoang mổ xẻ khía cạnh bạo tàn của một thứ luân lý, đạo đức thời trung cổ. Và Chung Cuộc viết về sự gặp gỡ của hai thân phận bị cuộc đời sa thải.

Khánh Trường là trường hợp phản kháng thường trực trong văn cũng như trong đời. Văn Khánh Trường là thứ văn chống lại văn chương, chống lại sự thơ mộng hoá của tất cả những loại văn bản, bài hát, bài thơ ve vãn chiến tranh, để tìm đến sự thực trần trụi nhất:

 

«Nửa đêm, một trái pháo vu vơ rơi ngay hầm chỉ huy. Kh. chia ba với thằng tà lọt và tên lính truyền tin quả đạn. Khi đào hầm lên, phải cố gắng lắm bọn lính mới gom được một đống thịt xương trộn lẫn cùng đất cát. Phần Kh., tôi chỉ nhận ra hắn nhờ chiếc thẻ bài và hai cái hoa mai trên cổ áo. Cái chết đúng như lời một bài hát, chết thật tình cờ... Chết thật tình cờ! Phải, nhưng nhất định không nằm chết như mơ! Các ngài nghệ sĩ đôi khi lãng mạn một cách tàn nhẫn. Các ngài chẳng biết mẹ gì trận địa, thậm chí có ngài chưa từng thấy mặt ngang mũi dọc cây M16 nó ra làm sao? Trái M26 nó tròn méo thế nào so với trái MK3? Nên trí tưởng tượng của các ngài đôi khi làm bọn lính tráng chúng tôi những muốn văng tục. Chết như mơ! Đụ mẹ, bảy năm trong một đơn vị tác chiến thực thụ, tôi chưa bao giờ nhìn thấy một cái chết như mơ! Chỉ có chết tan xương nát thịt, như Kh., chết cụt đầu cụt tay, chết cháy đen giống cây than hầm, chết banh ngực lòi phèo lòi phổi, chết phơi bụng đổ ruột cứt dái lòng thòng... như bao nhiêu thằng lính lớn lính nhỏ. Chết như mơ. Đụ mẹ, nói phét cũng vừa thôi.»[9]

 

Giữa mùi tử khí, giữa những xú uế, dòi bọ uất lên nơi những xác chết đã thối rữa chương sình, phả ra một tình bạn dai dẳng không dứt, một tình bạn chết người, một thứ tình bạn đỉa đói, nó theo con người vào cõi chết và cứ sống dai, sống dài sau cái chết. Người ta thường thấy những đối thoại giữa lính sống và lính chết, những cãi lộn, đanh đá cá cầy giữa gái điếm sống với những gã tình nhân lính đã chết toi chết tiệt từ kiếp nảo kiếp nào.

Khánh Trường là kẻ ngược dòng. Kẻ đi lột những mặt nạ. Khi người ta khóc thương quê hương, nhớ nhung lãng mạn, ca tụng tình yêu, ca tụng cái chết sĩ khí anh hùng thì Khánh Trường lăng nhục thứ văn chương điếm đàng, lừa thầy, gạt bạn. Khi người ta ca tụng những cao cả của sự vượt biên, vượt biển tìm tự do, như lẽ sống của con người, thì Khánh Trường nói hụych toẹt cái lý do vượt biên kỳ cục của những kẻ giống mình: "Tôi ra đi chẳng phải vì căm thù chế độ, vì bị kềm kẹp khủng bố, mà chỉ vì bị quyến rũ bởi những tấm hình màu, những thùng quà đầy ắp, những tape nhạc, những băng vidéo, những xếp đô la dày cộm của bà con bạn bè bên Mỹ gửi về."


Khánh Trường đi vào văn chương như một lính dù cảm tử, không sợ súng. Chính vì vậy mà anh viết những dòng chữ không tô hồng, không bọc điều, bọc đường. Chúng phả ra những sự thực quái đản, chúng gột sạch những son phấn hoá trang, chúng lột trần những áo quần loè loẹt, mà người ta đã điểm trang, trước khi tung ra vũ trường dư luận.
Khánh Trường vừa viết vừa chửi thề văn chương chữ nghĩa, vừa viết vừa nhổ bọt vào đạo đức luân lý. Vừa viết vừa hiếp dâm những thứ tình lãng mạn lý tưởng.

Người ta làm văn nghệ với những vai vế, chức sắc; khinh binh Khánh Trường, không bằng cấp, không quá khứ văn chương, nhẩy vào văn đàn như một tên du đãng cướp diễn đàn của các vị đại ca.

Người ta làm văn chương với những sứ mệnh, những nhiệm vụ cao cả, Khánh Trường kẻ phi số mệnh, phi đường lối, khơi khơi đi vào văn chương như một gã say rượu, loạng quạng chân nam đá chân xiêu, bạ mồm bạ miệng, điếc không sợ súng.

Nhưng sáng tác nào là không phát xuất từ những điếc đui dò dẫm?

Trách nhiệm tờ Hợp Lưu, đã là «bạt mạng» lắm rồi, ngòi bút của Khánh Trường lại ngược dòng, chiếu đèn pha vào một cộng đồng văn chương có những nét bảo thủ, thích rập theo những khuôn mẫu có sẵn. Ở thời điểm mà những người làm văn ở hải ngoại còn đang lâm ly khóc thương cho một "quá khứ vàng son", cho những "lý tưởng tự do" chưa đạt đích, những "buổi mai về xây dựng lại màu cờ"... thì Khánh Trường lù lù xuất hiện với cái tôi lính tráng, cái tôi rượu chè, cái tôi du đãng, mở miệng là chửi thề, «hùng» thì ít mà «hèn» thì nhiều.

 

Để rồi, nhiều năm sau trên đất Mỹ, trên "thiên đường mới", anh nhận thấy "sự bơ vơ cùng cực của mình, trên một xứ sở sống gần 15 năm, sao vẫn như kẻ lạ."

Thế giới của khinh binh Khánh Trường là thế giới của những kẻ ngoại đạo, tà đạo, ngược nước, ngạo nghễ, nghênh ngang, du côn, sống còm, chết bỏ, đối chất với một thế giới chính thống, khép kín trong những công thức cảm tình, những nhớ nhung vờ vĩnh, những thiên đường giả hiệu của những kẻ không tuần chay nào là không có nước mắt.

Tàn nhẫn nhưng thành thật đến độ phũ phàng, những nhân vật của Khánh Trường, không có tên. Chúng thường mang những danh xưng như: con đĩ, hắn, thằng cha, người đàn bà, thằng nhỏ, con nhỏ... Nếu có tôi thì cũng là cái tôi tàn mạt, vừa dâm, vừa ác, vừa hèn.

Những nhân vật của Khánh Trường coi thường tội lỗi, xỉ nhục đạo đức, một thái độ giới hạn giữa có luân và vô luân.

Thái độ đó bởi đâu? Phát sinh từ cái gì? Nếu không phải là từ những xác chết? Từ những trái phá phàng phũ ngoan cố chớp mắt đã xé nát những thằng bạn du thủ du thực đang ăn tục nói phét với nhau, bỗng lăn đùng ra, đứa mất đầu, đứa mất chân, đứa lòi ruột, bên cạnh những đống thịt bầy nhầy vụn nát của những thằng chết bằm.

Những truyện ngắn hay nhất của Khánh Trường đều xoay quanh "cái đó". Và từ "cái đó" nẩy sinh thái độ ngạo mạn, thái độ dửng dưng, đưa đến bạo lực, bạo tình.

Ở Khánh Trường là những thái quá. Là hiện tượng chiến tranh nổ chậm trên thể xác và tâm linh sau ngày đình chiến.

Những trái phá đó bị bỏ rơi, bỏ quên, tích tụ lại trong các hạch, các tuyến, các não thùy của người sống sót, và bất cứ lúc nào cũng có thể hồi sinh, mưng mủ, chạy cùng cơ thể như những chân rết nọc độc ung thư, như những trái mìn nổ chậm mà chắc.

Nhân vật của Khánh Trường là những kẻ dù lành mạnh thể xác, cũng tàn tật tâm linh, nam hay nữ, già hay trẻ, ít nhiều họ đều đã bị dính vào mìn cá nhân, mang những mảnh đạn chiến tranh trong cơ thể. Những truyện ngắn Có Yêu Em Không, Bí Mật Của Rừng Già, Biến Cố Trong Rừng Tràm,... đều có dấu vết của tạc đạn, của bạo tàn, của thần chết, của giết chóc, dẫn đến quẫn trí, dục tình và bạo lực. Nhưng trên tất cả các hung hãn bạo lực ấy, bao giờ cũng le lói chút tình người. Chỉ một chút thôi. Đủ cho thấy cái tình người nhỏ nhoi và khan hiếm ấy nếu cứ bị cưỡng hiếp lâu dài thì sẽ có ngày tuyệt kiếp.

Khánh Trường là một tác giả cần dán nhãn hiệu cấm trẻ em dưới mười tám tuổi. Có những khốc bạo thái quá. Có những màn sex sỗ sàng. Có những triết lý dài dòng không cần thiết.
Nhưng nếu muốn thám hiểm bộ mặt thực của chiến tranh, thì không thể bỏ qua tác phẩm của Khánh Trường. Bạo lực hóa thân thành những chân rết ung thư khuấy độc môi trường và đầu độc hạnh phúc.

Khánh Trường không muốn nhìn rõ biên giới giữa hai cực thiện ác, đạo đức và vô luân, nhân tính và thú tính. Sau mỗi hy sinh cho cuộc chiến đôi bên, người ta đọc diễn văn, cài huân chương, phủ poncho, phủ cờ, và tuyên dương công trạng. Đứng sau bàn thờ tổ quốc, Khánh Trường táy máy gỡ micro giật cờ, lật poncho để lộ những nét phế tàn hùng hãi trên thân thể những tử thi nằm trong mồ liệt sĩ, dưới đài hoa chiến thắng.

Paris tháng 5/1997-1/2025.

Thụy Khuê



[1]              Đó là tài liệu do tôi nhờ Khánh Trường soạn và gửi cho tôi năm 2018 để làm Từ Điển Văn Học. Trên cáo phó, có thêm tên hai người con gái nữa, là Trường Hảo và Trường Mỹ, con riêng của chị Thạch Thu Oanh. TK.

[2]           Chung Cuộc, Khánh Trường, Nxb Tân Thư, 1997, trang 170.

[3]           Thư toà soạn, Khánh Trường, Hơp Lưu số 1, trang 3.

[4]           Được 4 số: 66, 67, 68, 69 thì tên Phùng Nguyễn rút tên, chỉ còn lại Đặng Hiền.

[5]              Trang tôn kinh huyền hoặc hậu hiện đại, Trần Vũ, HL số 67, tháng 10-11/ 2002, trang 23-60.

[6]           Khinh binh số một và ngón tay thứ sáu, Đỗ Kh, HL số 67, tháng 10-11/ 2002, trang 61-64.

[7]              Hợp Lưu là gì? Phạm Xuân Nguyên, HL số 67, tháng 10-11/ 2002, trang 65.

[8]           Dã Tượng là bút hiệu khác của Nam Dao.

[9]              Có yêu em không, Khánh Trường, Nxb Tân Thư, 1990, trang 187.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...