tranh đinh cường
Ngày trở về, anh bước lê, trên quãng đường đê đến bên lũy tre (PD)
Buổi sáng thứ hai của tuần thứ ba, Hiên đang ngồi trong lớp, thì chị thư ký từ văn phòng trường đem lên đưa cho người giảng viên một mảnh giấy. Người giảng viên đọc qua, rồi nói lớn:
- Cô Hiên có khách, lên văn phòng để gặp.
Hiên sững người một giây. Ai vậy? ai biết mình học ở đây mà đến thăm. Mà chắc
cũng là khách quý nên dưới văn phòng mới cử người đến đưa giấy thông báo tận
tay người giảng viên. Hiên đứng dậy rời khỏi ghế. Nàng nói:
- Xin phép thầy em đi.
Người giảng viên mắt không nhìn nàng, miệng nói:
- Cô đi đi.
Nói xong ông tiếp tục giảng bài.
<!>
Hiên bước ra hành lang, những người bạn cùng học nhìn nàng với cái nhìn dò xét. Ai thế nhỉ, ai đi tìm thăm Hiên trong lúc này. Thường thường, những người khách đến tìm thăm phải là các cán bộ từ cấp huyện trở lên văn phòng mới cho mời người được mời lên thăm gặp. Hiên phân vân suy nghĩ. Ai đến thăm mình lúc này? Nàng đi qua khoảng sân rộng là đến văn phòng trường.
Nắng chói chan trên đầu, nhờ có luồng gió mát thổi qua làm Hiên thấy khỏe ra. Nàng nhìn một lượt cái sân trường, đã bao lần nàng nhìn mà lúc nào nàng cũng cảm động. Cũng trên sân trường này, mười lăm năm trước nàng đã tung tăng chạy nhảy với bạn bè cùng lớp, con Xuân Thu, con Bảo, con Minh, con Thu Nguyệt. Bây giờ tụi bay đi đâu hết rồi, chỉ còn tau trên sân trường đã đổi chủ, đổi tên. Hiên bước qua những bồn hoa trông xơ xác, tiêu điều. Nàng bước lên bực thềm rồi đi vô văn phòng. Nắng dịu lại phía sau.
Người đàn ông bận đồ bộ đội chờ nàng ở phòng khách. Ông ngồi trên bộ sofa bằng simili màu nâu sẩm. Một khuôn mặt lạ. Hiên chưa gặp bao giờ. Nàng chẳng có ai quen là bộ đội, trừ anh chàng đi cùng xe từ Sài Gòn về đây. Khuôn mặt người đàn ông trung niên sạm đen, choắt. Tóc bắt đầu hoa râm được chải thẳng ngôi, nhưng vẫn lộ ra những cuộn tóc bám bụi màu vàng trông dơ dáy. Nại Hiên nở nụ cười xã giao:
- Thưa chú muốn tìm tôi.
Người đàn ông đứng lên vội vàng chìa tay cho nàng bắt. Hiên lừng khừng chưa biết có nên bắt tay hay không? Cách xã giao này tuy cũ mà vẫn mới đối với nàng. Ngày trước bạn cùng trường, cùng lớp, nếu gặp nhau chỉ chào hỏi chứ không bắt tay, nhất là với phái nữ như nàng. Bây giờ, chế độ mới phát huy bình đẳng giữa con người và con người nên bắt tay loạn xạ. Nàng do dự, nửa muốn bắt nửa muốn không thì người đàn ông vội vã chụp tay nàng, cầm lấy lắc lắc và nói mau:
- Cô là cô Hiên phải không, tôi là anh tư Lộc đây, tôi là
chồng chị Loan, đi tập kết ngoài bắc trở về. Tôi có tìm gặp mẹ ở trong quê nên
biết về dì. Tôi đang làm ở phòng văn hóa thông tin thị xã. Hồi tôi đi tập kết,
dì mới ba, bốn tuổi gì đó. Mới mà mau quá.
Hiên từ từ nhớ ra, thì đây là anh rể của nàng đi tập kết mới về. Chị Loan đã
mất. Tất cả đã mất, đã sụp đổ. Người chồng ra đi, bỏ lại đàn con năm đứa, trách
nhiệm đổ lên người đàn bà. Gánh trên vai năm đứa con, chị Loan phải chạy vạy đủ
thừ, làm đủ mọi nghề, sống đủ mọi nơi để kiếm ăn, để nuôi con. Bây giờ chị đã
chết, người chồng trở về cũng chỉ là hình bóng.
Hiên kêu lên:
- Vậy anh là anh tư Lôc. Em chỉ nghe nói đến anh đi tập kết, bây giờ anh đã trở về, đã hơn hai mươi năm. Lúc anh đi em còn nhỏ xíu. Bây giờ anh làm gì, ở đâu? Mà sao anh biết em học ở đây mà đến thăm.
Hiên hỏi dồn dập. Nàng nghĩ đến chị Loan, đến những đứa cháu kêu nàng bằng dì, nay đã thất tán tứ phương.
Ông tư Lôc trầm ngâm nhìn Hiên. Ngày ông đi Hiên còn quá nhỏ. Ông không nhớ ra
nỗi. Bây giờ trước mặt ông là một cô gái chững chạc, là em ruột vợ ông. Người
vợ đã mất mãi đến ngày ông trở về lại miền Nam sau ba mươi tháng tư bảy mươi
lăm mới biết. Từ ngày ông đi tập kết, ông bị nghi ngờ vì gia đình vợ theo Việt
Nam Quốc Dân đảng, nên lý lịch của ông có những vết đen. Ông không được giữ
chức vụ gì quan trọng. Đi tập kết, ông vẫn hy vọng trở về sau hai năm ký hiệp
thương, thống nhất đất nước theo hiệp định Genève. Nhưng sau đó, với những biến
chuyển chính trị, ông biết ông không thể trở về được. Năm năm sau, ông lấy một
người vợ bắc kỳ, đến nay sinh được hai con đang sống ngoài bắc. Ông xung phong
trở về miền Nam và được đưa về huyện. Ông đã vào thăm bà Ngọ và biết gia đình
chỉ có một Hiên di tản trở về. Bây giờ ông đang ngồi trước cô em vợ.
Ông nhìn Nại Hiên một lượt rồi nói:
- Anh có vô chợ Trạm thăm mẹ, nên biết được dì từ Sài Gòn trở về xin đi dạy lại và đang học lớp bồi dưỡng chính trị ở đây nên anh ghé thăm. Biết hoàn cảnh của dì cũng quá khó khăn vì dượng phải đi trình diện học tập ở trong Nam, các con còn nhỏ dại quá. Anh cũng chẳng biết làm gì hơn, chỉ mong dì phấn đấu, cố gắng cho qua cơn khó khăn này.
Rồi giọng ông trầm xuống, nhỏ lại:
- Anh đã sống ngoài bắc hai mươi năm nên anh biết rõ hơn ai hết. Muốn sống cho an thân để nuôi các con, em phải chịu đựng, gió chiều nào theo chiều đó. Trước mắt là không biết em đi học rồi có được đi dạy lại hay không, tại vì ngành giáo dục họ xét lý lịch kỹ lắm. Em có chồng là ngụy quân và anh em đều tham gia ngụy quyền. Anh thấy khó lắm.
Hiên ngồi im nghe anh tư Lộc nói. Nàng thấy như mình bị khó thở. Đây là anh rể nàng, đã đi tập kết hơn hai mươi năm nay trở về, đã sống dưới chế độ này, đã biết hết đường đi nước bước của chế độ, đã nói thế, thì nàng còn hy vọng gì đây.
Hiên bày tỏ lòng mình:
- Em chỉ mong được đi dạy lại, có chút lương để nuôi các con, chứ anh Sĩ em đi học tập, em biết xoay xở làm sao đây, em lo lắng quá.
Ông tư Lộc nhìn quanh, những người làm ở văn phòng đi qua đi lại, ông thấy ngồi ở đây nói chuyện không tiện lắm, nhất là nói chuyện liên quan tới chính trị. Mấy nhân viên văn phòng như lắng tai nghe hai người đang nói gì.
Ông chuyển sang chuyện khác:
- Nhớ hồi anh đi, dì còn nhỏ xíu. Bây giờ về lại, dì đã có chồng, có con. Thời gian qua mau quá. Anh thì ở ngoài bắc lao động nhiều, cực nhọc nên sức khoẻ cũng kém lắm.
Hiên vẫn cứ nghĩ anh tư Lộc muốn dấu mình, chứ dù gì đi nữa, anh là người đi tập kết trở về, chắc là có ưu tiên và có quyền thế. Nàng thấy mình nên nhờ vả ảnh một chút, làm sao cho nàng được đi dạy lại là tốt nhất.
Nàng xuống giọng:
- Hoàn cảnh của em anh biết rồi, em chỉ mong học xong khóa bồi dưỡng này, về lại trong quê, được bổ dụng dạy học lại ở trường cũ là em mừng lắm. Em sợ như theo anh nói đó. Em không được bổ dụng thì không biết phải làm sao nuôi con đây, anh giúp em được không?
Thật ra, khi biết chuyện của Hiên, ông tư Lộc cũng thấy chạnh lòng, nhưng ông cũng sợ can dự vào chuyện liên quan đế những bà con ở miền Nam, có tham gia trong chính quyền hay quân đội ngụy. Sự liên lụy cũ đã làm ông điêu đứng bao nhiêu năm. Ông tuy tập kết ra bắc nhưng không được tin dùng, chỉ làm những chức vụ không có thực quyền. Bây giờ, trước hoàn cảnh này ông chỉ còn một cách là hoản binh:
- Chuyện của dì phải để từ từ. Dì còn học ở đây hai tuần lễ nữa mới về lại trong quê. Để anh tìm hiểu trường em thế nào. Từ từ đã nhé. Bây giờ trước mắt là em hãy học cho tốt, cho đủ tiêu chuẩn nhé, nhé.
Giọng ông đã đổi nhiều, hai mươi năm sống ở miền bắc, đã làm ông đổi khác, từ giọng nói đến ngôn ngữ ông dùng, cái gì cũng nghe lạ.
Cuộc thăm viếng chỉ có thế, ông tư Lộc cầm cái nón cối để trên bàn rồi đứng lên:
- Thôi anh thăm em chỉ có thế, em vào lớp học tiếp để khỏi phải bỏ tiết học. Anh đi về đây, tuần sau anh sẽ trở lại.
Ông đội cái nón cối lên đầu, mang cặp kiếng đen. Ông nói với các nhân viên văn phòng:
- Tôi về đây, cảm ơn các đồng chí đã cho tôi thăm gặp.
Ông bước ra hành lang. Chiếc xe đạp dựng bên hiên đã khóa kỹ. Ông lấy chìa khóa
ra mở rồi cẩn thận nhấn một chân lên pedal xe đạp, rồi ông đưa chân kia choàng
qua cái yên xe, ông ngồi lên rồi đạp xe chạy thẳng ra cổng.
Hiên trở về lớp học.
***
Buổi học cuối cùng của lớp bồi dưỡng
không có gì vui. Không khí im lìm, u uất. Chỉ có cô giáo Hoan là còn xăng xái
chạy chỗ nọ, chạy chỗ kia, để phân công anh chị em giáo viên làm một bữa liên
hoan nhỏ, bữa tiệc chia tay. Số giáo sư cũ của các trường trung học - bây giờ
tất cả giáo sư trung học, giáo viên tiểu học đều gọi chung là giáo viên - đa số
đều có dây mơ rễ má với chế độ cũ. Họ là cha, là chồng, là con, là anh em của
những nhân viên, công chức, sĩ quan quân đội cũ, nên ai cũng có thái độ dè
chừng. Không muốn hăng hái xông xáo như những kẻ “cách mạng ba mươi”, vì ít ra
họ cũng còn cái sỉ diện của kẻ sĩ, nhưng sợ bị chú ý nên họ cũng vỗ tay, cũng
dơ tay phát biểu, cũng cười nói hỉ hả. Nhưng khi ngồi một mình họ lại trầm
ngâm.
Giáo sư Quát, đại học sư phạm, từng dạy đệ nhị cấp trường trung học tỉnh lỵ về
môn lý hóa, là người hăng hái thứ nhì sau cô Hoan. Quát không kết án chế độ cũ
nhiều, nhưng trong cách làm việc và ăn nói, lúc nào Quát cũng tỏ ra tiến bộ,
năng nổ.
Buổi tiệc liên hoan chỉ có bánh ngọt và nước trà. Mọi học viên đều được phát
giấy Chứng Nhận. Tấm giấy chỉ là một tờ pơluya trắng, được đánh máy bằng loại
máy chữ cổ điển. Thế mà Giấy Chứng Nhận này quan trọng vô cùng. Các giáo sư cũ
muốn dạy lại ai cũng phải qua cửa ải này.
Hiệu trưởng trường Trần Cao Vân là một người đi tập kết về, ông ba Phát. Ông
đứng lên phát biểu. Trước tiên ông lấy gương sáng của Hồ Chí Minh ra làm kim
chỉ nam và bắt đầu tràng giang đại hải về người giáo viên nhân dân. Sau đó là
ông tuyên dương các cá nhân xuất sắc trong lớp học.
Có ba người là cô giáo Hoan, thầy Quát và một nhân viên làm việc tại văn phòng.
Những tiếng vỗ tay cộng với tiếng lạch phạch của chiếc quạt trần tạo nên một
chuỗi âm thanh lạc lõng.
Đến phần văn nghệ, một ai đó đề nghị Hiên lên hát. Hiên chợt nghe tim mình
thảng thốt. Hát gì đây? Những bài tình ca cũ làm sao hợp ở đây. Một thời đứng
trên sân khấu cũng tại trường này, trong những đêm văn nghệ, nàng đã hát Cánh
Hoa Thời Loạn, Cánh Hồng Trung Quốc, Cô Gái Mường Luông. Bây giờ thì phải theo
thời, phải hát Cô Gái Sài Gòn Đi Tải Đạn, Chiếc Khăn Tay, Trường Sơn Đông
Trường Sơn Tây, Cô Gái Vót Chông…Làm sao nàng có thể hát những bài hát đó. Hiên
đứng lên từ chối những lời yêu cầu. Có những tiếng xì xào đâu đó.
Buổi liên hoan kéo dài đến mười một giờ trưa. Trời nắng gắt. Hiên chào một vài
người bạn rồi bước ra cửa. Nàng định đạp xe xuống mua cho các con ổ bánh mì,
mua cho bà Khai, mẹ chồng, gói thuốc Cẩm Lệ rồi về nhà sớm. Nàng bước qua văn
phòng định chào mấy chị làm việc ở văn phòng thì thấy anh Tư Lộc đứng dưới hàng
hiên đợi nàng.
Thấy Hiên, anh Tư Lôc lên tiếng ngay:
- Hứa với dì là đến thăm dì lần nữa mà anh bận công tác quá, hôm nay mới đến
được. Biết hôm nay là ngày kết thúc của khóa học nên anh phải tranh thủ.
Hiên cũng thấy vui vui. Trong mấy ngày qua theo lớp học bồi dưỡng này, đầu óc
nàng khô rang và tẻ lạnh. Tự nhiên, nàng muốn biến đầu óc nàng thành vô thức,
không tiếp thu một cái gì mới nữa. Mỗi lần lên lớp, việc đầu tiên của các giảng
viên là chữi ngụy, chữi vô tội vạ, rồi khi vào bài giảng, gặp được đoạn nào nói
về chế độ cũ thì mọi tội vạ đều được đem ra khai thác, khiến cho người nghe chỉ
muốn “điếc” tai luôn.
Bây giờ gặp lại anh Tư Lộc, nàng thấy mình như gặp được một chút hơi ấm gia
đình. Học ở đây bốn tuần, sáng đạp xe đi chiều đạp xe về, hai bận là mười sáu
cây số, nàng thấy mông mình tê đi, riết rồi không còn cảm giác. Những người bạn
cùng dạy học ngày trước, ngày trước sao mà xôn xao chào mời nhau, bây giờ gặp
lại nhau chỉ hỏi nhau vài câu xã giao lấy lệ, rồi ai cũng rút về thế giới của
riêng mình. Nàng không đến thăm ai và cũng chẳng có ai mời nàng. Những quán
chè, quán cà phê, một thuở học trò nàng cùng bạn bè đến đó, nay nàng cũng thấy
xa lạ đi. Nàng xếp hết lại những thân quen cũ. Đạp chiếc xe đạp cà tàng, ăn cơm
đem theo mỗi buổi trưa. Tự dưng nàng thấy mình như tách rời ra hẳn đám đông
này.
Hiên vừa cười vừa trả lời anh Tư Lộc:
- May mà anh đến kịp chứ không em đã về rồi. Em định ra phố mua ít đồ cho con
và cho bà nội mấy đứa. Có lẽ mai hay mốt là em về lại trong quê.
- Bởi vậy nên anh mới đi tìm dì. Thôi mình ra ngoài đường kiếm cái quán mình ăn
cái gì đi, anh cũng đói quá rồi. Cũng mười một giờ rưởi rồi đó chứ còn sớm siết
gì nữa.
Hiên đồng ý. Hai anh em đạp xe lên đường Trần Dư, thấy có quán đề Mì Quảng,
nàng đề nghị:
- Vào đây đi anh, ăn mì Quảng đi, lâu quá em cũng thèm ăn mì Quảng.
Hai người dựng xe đạp bên ngoài rồi bước vào trong. Quán trông thật sơ sài. Một
vài người đang ăn. Hiên ngồi vào một cái bàn vuông, trên để một số vật dụng như
tiêu, ớt, nước mắm. Anh Tư Lộc hỏi:
- Em ăn gì?
Nàng bất cười đáp:
- Đây là quán mì Quảng thì vào đây chỉ có ăn mì Quảng thôi. Em ăn mì gà.
Kêu món ăn xong, ông Tư Lộc trầm ngâm một hồi lâu rồi mới nói:
- Anh muốn nói với em một chuyện quan trọng về việc xin dạy lại của em. Anh đã
liên lạc với đồng chí hiệu trưởng trong ấy. Cũng nhờ chỗ quen biết cũ, nên anh
nhờ ổng giúp đỡ. Cũng thật khó. Em biết lý lịch của em rất đen, tất cả đều làm
bên chế độ cũ, nhất là chồng em, thằng Sĩ là sĩ quan chiến tranh chính trị, lại
được đào tạo chính quy ở trường Đà Lạt ra, nên điều đó rất khó khăn. Anh cố vận
động mãi ông hiệu trưởng mới chịu cho em về làm ở văn phòng, không được đứng
lớp. Như vậy tạm thời cũng ổn. Em làm việc một thời gian, nếu em làm tốt, tư
tưởng tiến bộ, sẽ được đề bạt dạy lại, vậy anh báo cho em biết, cũng là một tin
mừng.
Hiên nghe ông nói, tâm trạng nàng đi từ cảm giác này qua cảm giác khác. Nàng
nghe tim mình rúng động. Điều nàng sợ nhất là nàng không được dạy lại. Qua lớp
học, nàng mới thấy rõ sự hận thù và chia biệt đối xử giữa hai chế độ còn quá
nặng nề. Không như nàng tưởng, hết đánh nhau là hòa bình, là xây dựng, là hòa
hợp nhau để cùng chung sống hòa bình. Cái hố ngăn cách một ngày một sâu thẳm,
đến độ nàng rùng mình khi nghĩ đến những hận thù bên này đối với bên kia vẫn
còn cao chất ngất.
Khi nghe anh Tư Lộc nói nàng bị điều về làm ở văn phòng, nàng như nín thở.
Nhưng rồi nàng cũng thở phào ra. Nàng chấp nhận và có chút vui mừng nữa. Ít ra
cũng còn được đi làm để nuôi con.
Hai tô mì được bưng lên. Tô mì nghèo nàn thấy rõ. Không một con tôm, một chút
thịt. Chỉ có đậu phụng giã nhỏ và những tép mỡ rang vàng. Ông Tư Lộc cầm đủa lên,
rồi nói:
- Em ăn đi, ở bắc về, mong ăn một tô mì Quảng cho thật ngon, cho đã lòng ao
ước, cho đỡ nhớ quê. Nhưng rồi về ăn tô mì như thế này, cũng hết đi nỗi nhớ
quê.
Ông cầm đôi đủa xốc vô tô mì trộn đều. Hiên cũng bắt đầu ăn. Mùi bắp chuối xắt
nhỏ với rau tần ô nghe thoảng hương thơm dễ chịu. Tuy không có tôm thịt nhưng
tô mì ăn cũng ngon miệng vì nước nhưn ngọt và nàng thì quá đói bụng. Nàng nhìn
ông Tư Lộc ăn. Ông thật già rồi. Tuổi ông khoảng đâu trên dưới năm mươi mà
trông ông hom hem thấy rõ. Bộ quần áo bộ đội bùi nhùi, chiếc nón cối, cái
xắc-cốt, cặp kiếng đen. Đó là mốt của cán bộ “cách mạng” bây giờ. Ít ra, ông đã
đi tập kết, đã mấy mươi năm tuổi đảng, ông cũng được giữ một chức vụ cao hơn
chứ không phải là làm trưởng phòng thông tin thị xã.
Chợt Hiên nghĩ đến mấy tháng trước đây, hồi còn ở Sài Gòn, nàng và Sĩ đi dạo ở
đường Lê Lợi thì bỗng gặp Nam. Nam là bạn cùng lớp với Sĩ hồi trung học. Nam có
người anh đi tập kết. Gặp Nam, cũng hơn mười năm mới gặp lại, tay bắt mặt mừng.
Sĩ và Hiên hỏi thăm sức khoẻ, tình hình chính trị chung chung, đến lúc hỏi về
anh Phục, anh của Nam, đi tập kết ở bắc, nay thế nào? Nam huênh hoang:
- Anh Phục hiện làm vụ trưởng vụ đối ngoại thuộc bộ Ngoại giao, ngang hàng với
thứ trưởng.
Nghe Nam nói xong, Sĩ vội vã bắt tay Nam để đi. Đi một quãng xa, anh mới nói
với Hiên:
- Bây giờ ai có bà con xa gần với cách mạng cũng đều lôi ra mà khoe, hồi trước
khai lý lịch thì dấu như mèo dấu cứt.
Nhìn anh Tư Lộc ăn tô mì ngon lành, Hiên nghĩ tới Sĩ và thấy ân hận khi quyết
định trở về. Mình đã không nghe lời anh ở lại Sài Gòn để về đây dở sống dở
chết. Nàng nhìn anh Tư Lộc một lần nữa. Một đời theo đảng để bây giờ câu nào
anh nói ra cũng đầy vẻ chua cay.
Hiên nói:
- Em cảm ơn anh đã giúp đỡ em. Không có anh chắc em lọt sổ rồi.
Ông Tư Lôc bộc bạch tâm sự:
- Anh mấy mươi năm đi tập kết về, anh chẳng làm được gì cho vợ con, còn sức
giúp các em được chút nào hay chút đó. Đời nào cũng vậy em à, có quyền thì có
đủ mọi thứ thôi. Nhưng anh thì bây giờ không có quyền gì, chỉ còn chút uy tín
với đám cán bộ cấp dưới, là anh mang danh đã đi tập kết. Mai mốt nghỉ hưu là
hết.
Hiên cảm thấy ngậm ngùi. Nàng chạnh nghĩ đến anh Toàn, anh Đạt, anh Học, những
người anh ruột nàng, một thời trai trẻ đam mê lý tưởng, nổi trôi vào guồng máy
chính trị miền Nam. Bây giờ tất cả đều vào trại tập trung.
Hiên muốn nói thêm một lời cảm ơn anh tư Lộc, nhưng nàng thấy nó cũng trở thành
khách sáo. Điều anh Tư Lộc giúp nàng ở đây, như ngày xưa mẹ nàng đã cưu mang
đùm bọc mẹ con chị Loan, ngày anh Tư Lộc trốn gia đình đi tập kết. Có phải đây
là một món nợ được anh Tư Lộc trả lại cho nàng không?
Khi hai người đứng lên rời khỏi quán thì nắng bên ngoài đã gay gắt quá. Nàng
lấy cái mũ lác đội lên đầu, che miệng bằng khẩu trang, chào anh Tư Lộc rồi đạp
xe đi.
Con đường Trần Dư đã mấy mươi năm rồi vẫn chưa tráng nhựa.
Trần Yên Hòa
(từ: mẫu hệ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét