Thứ Sáu, 20 tháng 5, 2022

THỤC ĐI LẤY CHỒNG - Truyện Trần Thế Phong

 

 

Năm nay, sáng 29 Thục mới về quê ăn tết, trễ hơn mọi năm. Đã là 28 mà Thục còn phải đi mua sắm những thứ cần dùng trong ba ngày tết như mứt, bánh, hạt dưa, kẹo… không quên mua hai bộ đồ mới về làm quà mừng tuổi cha mẹ.  Và nhận lời mời của Lực đi ăn một bữa cơm cuối năm.

Tính Thục rất cẩn thận, khi ra khỏi phòng trọ nàng không quên kiểm tra điện, nước, áo, quần, mùng mền chiếu gối đâu vào đó. Nghỉ tết được tám ngày nàng gỡ những tờ lịch ngày nghỉ của năm mới. Gỡ đến ngày 5 tháng giêng nàng chợt nhớ đến ngày sinh nhật của mình. Nàng giật mình, năm nay đã tròn 30 tuổi. Tự nhiên Thục thấy buồn. Người con gái ba mươi tuổi vẫn còn lẻ loi…

<!>

Thục chất đồ lên xe khóa cửa phòng cẩn thận và nổ máy xe chạy một mạch về nhà. Đường từ Sài Gòn về Mỹ Tho gần hai giờ đồng hồ, Thục không biết mệt và xua tan những ý nghĩ buồn lo, cố về sớm giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa để đón tết. Mẹ thì suốt ngày bán quán cafe ngoài chợ, cha lo việc nhà, khi nào rảnh ra phụ mẹ. Ngày Oanh chưa lấy chồng hai chị em về phụ mẹ và cha, một đứa phụ bán cafe với mẹ và một đứa phụ cha dọn dẹp và trang trí nhà cửa cho sạch sẻ, tươm tất để đón xuân về. Tính Oanh không giống Thục, Oanh vô tư, không lo lắng suy nghĩ, đến đâu hay đến đó. Học xong lớp mười hai xin học kế toán hai năm và xin đi làm. Đi làm một năm thì lấy chồng. Nhà bên chồng cũng khá, chồng Oanh là con một nên Oanh rớt vào hủ nếp, có bà già chồng lo hết. Năm nay mồng ba tết vợ chồng Oanh mới về thăm cha mẹ. Mấy năm trước sáng 27 là Thục đã có ở nhà, năm nay trễ hai ngày, nên Thục bắt tay vào dọn dẹp cho hoàn tất trong ngày 29, để chiều mai 30 phụ mẹ nấu mấy mâm cơm cúng rước ông bà. Chiều 30 lo cúng quảy, và dọn dẹp, trang trí thêm mấy chậu hoa cho nhà thêm tươi mát và khang trang.

Suốt ngày mồng một, Thục phải chở mẹ đi xuất hành đầu năm, đi lễ Chùa, mừng tuổi ngoại, mấy dì và mấy cậu...đi loanh quanh hết cả ngày.

Ngày mùng hai Thục ở nhà tiếp khách để cha mẹ đi thăm bạn bè, hàng xóm láng giềng. Loay hoay ba ngày tết Thục nghe rã rời tay chân. Mới chin giờ tối mà Thục quá buồn ngủ, tắm rửa xong là vào giường nằm ngủ không biết trời trăng. Đến 2 giờ sáng, tự nhiên giựt mình thức giấc. Căn nhà vắng lặng, Thục bước lần ra phòng khách, đèn trên bàn thờ sáng trưng. Thục mở cửa đi lần ra sân, tối mồng hai tết trong khu phố nhỏ ngoại ô thành phố quá là im lìm, có lẽ nhà nào cũng bận rộn vui chơi nhậu nhẹt, nên mỏi mệt ngủ sớm. Nàng đi lần ra ghế xích đu ở bìa sân và ngồi xuống.

Thục nhìn lên bầu trời trong xanh, có những vì sao khuya lẻ loi lấp lánh. Đêm thật tĩnh lặng, êm đềm.  Nhìn căn nhà mái tôn ba gian hai chái mà suốt ba mươi năm Thục và cả gia đình đón xuân đầm ấm. Cả một tuổi thơ ngọc ngà, cha mẹ, chị em quây quần bên nhau. Vẫn còn đó mái hiên, vuông sân gạch, cây mít, cây ổi, cây xoài, cây khế, cây dừa quanh nhà lớn dần với tuổi Thục. Nhất là cây mai trước sân nhà, khi mẹ có bầu, cha trồng cây mai, cha cầu mong mẹ đẻ con trai đầu lòng cùng tuổi với cây mai để mỗi năm tết đến, xuân về, trỗ hoa đem mùa xuân đến.

Nhưng mẹ sinh con gái, cây mai giờ cũng đã ba mươi năm cùng tuổi với Thục. Năm nay ra bông thật nhiều, vàng rực cả một góc sân. Ôi khu vườn, căn nhà đi xa thì nhớ, ở gần thì thương...

Bỗng dưng Thục nghe tiếng khóc của trẻ con nhà hàng xóm và tiếng ru của người mẹ:

À ơi! Ví dầu cầu ván đóng đinh

Cấu tre lắc lẽo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời.

 

Thục nhận ra tiếng ru con của Huyền, vợ Phố.

Phố, người bạn học suốt từ lớp một đến tốt nghiệp phổ thông. Nhà Phố cách nhà Thục 6 căn, cùng một dãy. Năm cuối lớp mười hai, sau khi thi tốt nghiệp, Phố đến nhà Thục trao cho Thục một lá thư, bảo Thục đọc và trả lời. Thư tỏ tình. Thư viết rất dài, Phổ kể từ năm lớp 9, Phố đã để ý đến Thục và đã yêu nàng. Phố khen Thục có đôi mắt đẹp sáng long lanh như vì sao khuya, mái tóc đen mượt mà, ăn nói dịu dàng, là một người trong mộng, trong mơ. Những kỷ niệm của hai đứa Phố không bao giờ quên. Những năm lớp 4 lớp 5, mỗi lần đi học về, Phố thường ghé vào nhà Thục chơi. Nhớ một lần hai đứa chơi giả làm bác sĩ khám bịnh, Phố làm bác sĩ, Thục làm bệnh nhân. Thục không giám kéo áo lên cho bác sĩ khám bệnh, Thục đã biết mắc cở. Ba Phố có một cửa

hàng bán đồ điện tử, ông muốn giao cửa hàng cho Phố trông coi, Phố là con một nên không thể học tiếp đại học được. Đợi đến lớp 12 hai đứa mười tám tuổi Phố mới giám tỏ tình. Mong Thục trả lời thư Phố.

Đọc thư, Thục rất xúc động nhưng chưa nghĩ đến tình yêu. Thục nghĩ phải học lên đại học, tốt nghiệp đại học và tìm việc làm giúp đỡ cha mẹ, vì nhà còn nghèo, cha mẹ suốt đời lo cho con cái. Thục không viết thư trả lời, sẽ gặp Phố nói hết những ước mơ và hoàn cảnh gia đình Thục. Trước ngày lên thành phố, Thục đến nhà từ giã và nói cho Phố biết những ý nghỉ của mình.

Thục lên Sài gòn học được ba năm thì Phố cưới vợ. Vợ Phố là Huyền, cũng bạn học cùng lớp với Thục, bây giờ là cô giáo dạy cấp một, nhà cùng thành phố. Ngày đám cưới Thục có về dự. Khi đi chào bàn Thục chúc mừng Phố và Huyền trăm năm hạnh phúc, con đàn cháu đống.

Khi chiều, Thục đến nhà Phố thăm và chúc tết. Huyền đi thăm bạn bè. Hai con của Phố rất ngoan, gái đầu 4 tuổi và trai gần 2 tuổi. Vừa bước vào cửa, đang ngồi hát karaoke với hai con, nhìn thấy Thục, Phố mừng quá đổi chạy ra đón Thục vào nhà, mời Thục ngồi và nói:

- Phố đợi Huyền về sẽ ghé chúc tết Thục và mừng tuổi hai bác, không ngờ Thục đến thăm Phố. Thục vẫn đẹp như ngày nào, khi nào có tin vui cho Phố biết nhé.

Hai con Phố đến khoanh tay chào Thục rất lễ phép. Thục đưa hai

bao lì xì mừng tuổi hai cháu. Thục nói rất thật lòng:

- Thấy Phố và Huyền hạnh phúc Thục mừng lắm. Hai con Phố ngoan và dễ thương quá.

- Nhưng mối tình đầu đẹp và khó quên lắm phải không Thục. Phố nói trong đôi mắt buồn nhìn Thục.

- Vợ chồng cũng do duyện nợ, Thục cao số lắm trên 30 tuổi mới có chồng. Biết đâu năm nay Thục sẽ lấy chồng, Thục nói để cho không khí vui tươi trong ngày đầu năm.

- Bạn bè củ lần lượt đi hết, có còn ai ở lại khu phố nầy đâu. Chỉ mình Phố lẻ loi. Nhiều lúc nhớ lại bạn bè buồn kinh khủng. Buồn buồn Phố hát karaoke một mình. Để Phố hát tặng Thục một bài hát nhé.

Nói xong Phố cầm micro và chọn bài Phôi Pha của Trịnh Công Sơn. Giọng Phố trầm và buồn:

Ôm lòng đêm nhìn vần trăng mới về. Nhớ chân giang hồ. Ôi phù du từng tuổi xuân đã già một ngày kia đến bờ đời người như gió qua. Không còn đi đường về ôi quá dài. Những đêm xa người. Chén rượu cay một đời tôi uống hoài. Trả lại từng tin vui cho nhân gian chờ đợi. Về ngồi trong những ngày nhìn từng hôm nắng ngời nhìn từng khi mưa bay. Có những ai xa đời quay về lại về lại nơi cuối trời làm mây trôi. Thôi về đi đường trần đâu có gì. Tóc xanh mấy mùa. Có nhiều khi từ vườn khuya bước về. Bàn chân ai rất nhẹ tựa hồn những năm xưa

- Không ngờ Phố hát hay quá và cũng buồn quá. Thục khen và nhìn Phố trong nét buồn vời vợi…

- Từ ngày Thục lên Sài Gòn và bạn bè lần lượt đi hết, Phố buồn quá, tập hát và tập bài nầy đợi khi nào có dịp gặp Thục, Phố sẽ hát tặng Thục. Đến bây giờ hai đứa 30 tuổi mới được hát tặng Thục.

Tiếng xe ngừng trước sân. Huyền về.

Bước vào cửa chợt thấy Thục, Huyền rất vui:

- Chào Thục, Huyền đi thăm bạn bè, anh Phố dặn về sớm đến thăm Thục, không ngờ Thục lại đến thăm tụi nầy trước. Huyền trách Phố:

- Anh Phố thật tệ không lấy nước và bánh kẹo mời Thục. Vừa nói Huyền vừa lấy bánh kẹo và nước ngọt mời Thục.

- Đúng là con gái hai con trông mòn con mắt. Huyền càng ngày càng đẹp và trẻ ra. Phố có phước lắm mới gặp Huyền đó nghe.

Thục nói và nhìn Huyền rất thân thiện.

Mà Huyền đẹp và trẻ ra thật, trông rất duyên dáng lanh lợi, ăn nói bặt thiệp, khôn khéo. Nếu ngày đó Thục không lên Sài Gòn học đại học và làm vợ Phố thì có bằng Huyền không nhỉ? Thục tự hỏi lòng mình và một nỗi buồn len lén vào hồn. Ba mươi tuổi còn lẻ loi. Sợ Phố và Huyền nhìn thấy nỗi buồn hiện lên đôi mắt, Thục chúc tết và xin phép về.

Trên đường về nhà, Thục nhớ lại lời nói của Phố khi chiều, bạn bè bỏ đi hết chỉ còn mình Phố. Con Huệ Liên, con Kim Ngân, con Hồng Phượng theo chống về Cần Thơ, Vĩnh Long và Tây Ninh, Lan Ngọc lấy chồng đi Mỹ, con Phương theo gia đình đi định cử ở Úc. Chỉ còn mình Thục chưa lấy chồng và làm việc ở Sài Gòn…Thục cảm thấy buồn, buồn kinh khủng..

Đêm càng khuya càng vắng lặng, một cơn gió nhẹ thổi qua làm Thục rùng mình và cảm thấy lạnh. Tiếng ho của cha trong đêm khuya làm Thục xót xa thương cảm. Cha cũng đã già rồi. Cha mẹ một đời lo cho con cái yên bề gia thất. Khi chiều đi về đến sân cha nói với mẹ:

- Cây mai nhà mình trổ bông nhiều quá, chắc con Thục năm nay có chồng.

Cha nói với mẹ nhưng cốt ý để cho Thục nghe. Nàng nghe và hiểu, nhưng duyên nợ chưa đến thì biết làm sao. Cảm thấy lạnh và cô đơn, nàng trở vào nhà, cha mẹ vẫn ngủ say, nàng đến bàn thờ thắp ba cây nhang khấn lạy ông bà và trở vào giường ngủ.

Nàng trằn trọc không ngủ được, chợt nhớ quyển sách mà chiều 28 tết, Lực tặng lúc đi ăn cơm. Nàng lấy đọc cho dễ ngủ. Tên đề quyển sách: Mùa Xuân Đợi Ở Cuối Đường của Hạ Đình Nguyên. Lật trang đầu Thục đọc hàng chữ của Lực: “Tặng Hiền Thục để về quê đọc trong ba ngày tết. Lực mong Hiền Thục lên Sài Gòn trước ngày 5, để có một buổi sinh nhật giành riêng cho Hiền Thục và Lực hết lẻ loi...Mong lắm và vui lắm được nhìn thấy Hiền Thục ở Sài Gòn trước khi về lại Mỹ. Chúc Hiền Thục một mùa Xuân có nhiều hoa, bướm và nụ cười…. Công Lực.

Bất chợt Thục nhớ đến Lực. Người con trai Việt kiều mà Thục

quen biết thật tình cờ.

Đang loay hoay tìm chọn vài quyển truyện của  nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và Nguyễn Nhật Ánh để về quê đọc trong ba ngày tết. Một anh chàng trắng trẻo có vẻ thư sinh cũng đang lựa sách bên cạnh, lịch sự hỏi nàng:

- Sách của tác giả nầy có hay không cô, tôi đọc tên đề cũng lạ lạ?

- Anh không biết và chưa đọc sách của tác giả nữ nầy sao?

Thục hỏi và ngạc nhiên vì ở Việt Nam ai cũng biết Nguyễn Ngọc Tư nhà văn nữ, người miền Nam viết truyện đồng quê rất hay và chân thật.

- Tôi chưa bao giờ đọc. Mấy ngày tết không biết đi đâu, mua vài quyển sách về phòng đọc cho giết thời giờ. Xin cô chỉ cho tôi vài tác giả và vài quyển sách hay.

- Anh có thể mua quyển Cánh Đồng Bất Tận của Nguyễn Ngọc Tư và Mắt Biếc của Nguyễn Nhật Ánh. Một tác giả viết về cảnh sống của dân quê Miền Nam và một tác giả viết về tuổi thơ.

- Cám ơn cô nhiều.

Chàng lựa sách và đợi Thục lựa xong đến quày tính tiền, chàng

xin phép được trả tiền luôn để trả ơn. Thục cảm nhận anh chàng nầy trông rất lịch sự, có vẻ hiền từ chân thật. Thục đưa ba quyển sách đang cầm trên tay cho chàng tính tiền. Khi ra đến cửa, chàng nói thật lịch sự:

- Tôi tên là Lực, nếu cô không bận tôi mời cô đi uống café và để được làm quen.

Về nhà sớm cũng chẳng làm gì, thôi nhận lời đi uống café với chàng thử thế nào. Nàng dạ thật nhỏ.

 Hai người cùng đến café Hẹn gần tiệm sách. Lực mở cửa nhường Thục vào trước, chọn một bàn ở gần cửa sổ kéo ghế cho nàng ngồi và hỏi:

- Cô muốn uống gì?

- Cho Thục ly cam tươi.

Khi người tiếp viên đến, Lực goị một ly cam tươi cho Thục và một ly café đá cho mình.

Lực hỏi:

- Cô tên Thục phải không?

- Dạ em tên Thục. Hiền Thục

- Tên rất hay. Nhìn dáng dấp và cách ăn nói của cô đã nói lên rồi. Lực nói rất thành thật.

- Anh quá khen, nhưng Thục quê mùa lắm. 

- Người con gái đẹp nhưng có một chút quê mùa là một người con gái chân thật, hiền và ngoan.

Thục nhìn thật lâu vào Lực và suy nghỉ người con trai nầy dáng dấp của một người trí thức, lịch sự, ăn nói khéo và chân thật. Thục tiếp xúc rất nhiều thanh niên, bạn bè cùng trường, cùng sở. Có những người để ý đến Thục mời nàng đi café, tán tỉnh có vẻ sổ sàng, ăn nói thiếu văn hóa, cách cư xử thiếu lịch sự. Mời nàng đi uống café mà mở điện thoại nói chuyện với bạn bè, check mail hoặc nhắn tin. Con trai bây giờ thật vô cảm. Để xóa đi sự im lặng Thục hỏi:

- Tết anh Lực không về quê ăn tết với gia đình sao mà ở lại Sài Gon mua sách về đọc?

- Lực không có quê ở đây. Ở bên Mỹ lận. Về ăn tết ở Sài gòn thử xem sao. Nhưng môt điều sai lầm là những ngày tết bà con về quê hết, thành phố thưa người và vắng vẻ quá. Lực cảm thấy lẻ loi.

Lực nói một hơi như một lời tâm sư và hỏi lại Thục:

- Quê Thục ở Sài Gòn, không về quê, nên hôm nay mua sách về đọc?

- Quê Thục ở Mỹ Tho. Ngày 27 tết công ty nghỉ, Thục mới về quê. Những ngày tết ở quê cũng rảnh rổi nên Thục mua sách về đọc. Thục nghỉ được 8 ngày.

- Bao giờ Thục trở lên Sài Gòn làm việc?

Không hiểu sao ngồi trước người đàn ông nầy Thục nói rất thật, nói như một lời tâm sự:

- Sinh nhật của Thục ngày mồng 5 tết. Năm nào cha mẹ cũng tổ chức tại nhà để bạn bè bà con gặp nhau vui chơi đầu năm. Ngày 7 tết Thục trở lại thành phố đi làm. Qua trao đổi những câu chuyện đời thường, hai người cảm thấy gần gủi và thân thiện.

Thục nhìn đồng hồ đã hơn sáu giờ chiều nàng xin phép về để lo ngày mai đi làm và không quên cho Lực số điện thoại theo lời xin của Lực.

Lực đưa nàng đến nơi gởi xe và chia tay.

  Những ngày cuối năm công ty thật bận rộn, công việc phải giải quyết cho xong trước khi nghỉ tết. Ngày 27 là ngày cuối, suốt cả ngày nàng lay hoay với công việc, đến 6 giờ chiều mới bước ra khỏi văn phòng. Nàng ghé tiệm cơm mua một phần cơm về phòng trọ, nàng tính ăn cơm xong tắm rửa và đi nghỉ sớm, mai đi mua những đồ cần thiết rồi về nhà phụ giúp cha mẹ chuẩn bị tết. Vừa nằm lên giường thì điện thoại reo. Thục bất máy, tiếng của Lực:

- Lực đây, Thục đã ngủ chưa, em có khỏe không?  Ngày mai em đã nghỉ tết rồi phải không? Chiều mai khoảng 5 giờ mời Thục đi ăn cuối năm với Lực nhé.

Tưởng anh chàng nầy quên mình rồi, không ngờ lại gọi điện thoại đến, giọng nói nhẹ và trìu mến quá chừng. Nàng cảm thấy vui vui và trả lời không suy nghĩ:

- Dạ, nhưng gặp anh Lực ở đâu?

Nghe giọng chàng rất vui, nói như đã chuẩn bị trước:

- Em đi taxi đến trung tâm thương mại Sài Gòn, góc đường Hai Bà Trưng và Lê Duẩn, trong đó có restaurant, mình ăn cơm Đại Hàn. Năm giờ anh sẽ chờ em ở đó. Chúc em ngủ ngọn. Bye em

Thục ngẫn ngơ, một cái hẹn bất ngờ mà sao nàng đồng ý một cách dể dàng. Nàng suy nghĩ và ngủ lúc nào không hay.

Suốt buổi sáng nàng cố gắng đi mua hết những đồ dùng cần thiết. Bốn giờ ba mươi phút nàng gọi taxi đến chỗ hẹn. Xe vừa ngừng, nàng bước xuống thì thấy Lực từ trong cửa trung tâm thương mại bước ra, đưa nàng vào cầu thang lên lầu hai nơi có tiệm cơm Đại Hàn... Hai người chọn một bàn ở góc phòng ăn.  

Thục như một cô gái nhà quê, chưa bao giờ đi ăn mấy chỗ nầy, vả lại cũng không có điều kiện mà đi ăn mấy tiệm sang trọng của nước ngoài. Nàng để cho Lực chủ động kêu những món ăn mà nàng chưa bao giờ biết đến.

Con trai ở những nước văn minh có khác, Lực tiếp thức ăn cho nàng và rất quan tâm lo lắng. Trong bữa ăn nàng chỉ nghe Lực nói, chàng nói rất chân thật.

Lực kể hết những ngày định cư ở Mỹ, về học hành, về cha mẹ, anh em và cuộc sống…Con trai, con gái ở Mỹ lấy vợ lấy chồng rất trễ trên 30 tuổi là chuyện bình thường, vì phải lo học hành, xin việc làm, mua nhà cửa ổn định cuộc sống mới lập gia đình. Lập gia đình chỉ sinh một hoặc hai con và phải chăm sóc, dạy dỗ con cái cho thành tài mới hết trách nhiệm.

- Ở Việt Nam như Thục, ba mươi tuổi là ế rồi đó anh Lực.

Thục nói mắt nhìn xa xăm ngoài đường như nghỉ đến số phận mình.

- Ở Mỹ 30 tuổi còn rất trẻ. Như Lực 34 tuổi mới đi tìm người yêu.

- Anh Lực tìm đã có người yêu chưa? Thục hỏi và nhìn Lực như dò xét.

- Con gái Sài Gòn về quê ăn tết hết rồi còn đâu mà tìm.

Lực nói như một sự tiếc nuối.

- Anh đợi sau tết người ta trở lại thành phố rồi tha hồ mà chọn.

- Đợi người ta lên hết thì Lực trở về Mỹ rồi. Lực đi phép được có hai tuần lễ. Nhưng Lực nghĩ, tình yêu phải có duyên mới gặp nhau, đi tìm mỏi mắt chưa chắc có. Thục có nghĩ như vậy không?

Lực hỏi bất ngờ như một phản xạ, tự nhiên nàng trả lời:

- Em cũng nghĩ như anh, phải có duyện nợ.

Bữa cơm cuối năm hai người cảm thấy rất thân thiện và gần gủi, có vẻ ý hợp tâm đầu. Những quan niệm về đời sống, về tình yêu đều cùng một quan điểm. Mãi mê nói chuyện, đến mười giờ tối hai người chia tay. Lực kêu taxi cho nàng về, và tặng nàng quyển sách, chúc nàng ngủ ngon về quê ăn tết thật vui vẻ. Khi xe đã chạy mà Lực còn đứng trông theo ngẫn ngơ.

Đọc những lời Lực viết trong quyển sách, Thục cứ suy nghĩ hoài, duyên nợ của người con gái chỉ đến một lần. Nếu nàng lên Sài Gòn theo lời mong ước của Lực thì sao nhỉ, chuyện gì sẽ đến? Tình yêu? Nàng suy nghĩ, và nhớ lại trong quãng đời con gái từ khi đi học, đi làm, nàng chưa nghĩ đến một người con trai nào, có lẽ, chưa hợp với nàng, chưa làm cho nàng xao xuyến, rung động.

Với Lực nàng cảm nhận có một cái gì đó, tình cảm, thân thiện, cách suy nghĩ, cách sống.. hợp với nàng.

Đã ba mươi tuổi mà còn lựa chọn gì nữa, nàng quyết định ngày mai sẽ trọn vẹn vui chơi với gia đình Oanh, và sẽ thưa với cha mẹ là năm nay nàng lên Sài Gòn sớm vì có những người bạn tổ chức sinh nhật.

 Những ngày tết ở quê rất bận rộn, nhất  là ngày vợ chồng Oanh về, chị em lâu ngày gặp nhau, thức suốt đêm hàn huyên tâm sự. Khi xin phép cha mẹ lên thành phố sớm vì có bạn bè tổ chúc sinh nhật, cha mẹ rất ngạc nhiên, nhưng nghĩ con gái đã lớn rồi nên cũng không có ý kiến.

Lên đến phòng trọ, nàng lau chùi phòng ngủ, bếp núc và ngủ một giấc thật êm đềm. Bốn giờ chiều nàng thức giấc, ra phố mua một ít thức ăn và những thứ cần thiết. Về nhà nàng gọi điện thoại cho Lực. Giọng Lực bên kia đầu giây rất vui:

- Lực nghe đây, Thục còn ở quê hay đã lên thành phố. Thục có khỏe không? Ăn tết ở quê chắc là vui lắm nhỉ? Lực ở đây buồn hiu là buồn.

Nghe Lực nói một hơi, nàng xúc động và trả lời Lực:

- Em đã lên thành phố rồi, mệt quá nên bây giờ mới gọi anh. Anh Lực vẫn khỏe chứ? Những ngày tết anh làm gì vá đi chơi ở đâu?.

Không biết tại sao Thục hỏi và có vẻ lo lắng quan tâm. Lực không trả lời và nói với Thục:

- Thục đã lên thành phố anh mừng quá là mừng. Ngày mai bốn giờ chiều Thục đến nhà hàng Love ở đường Nguyễn Huệ, sẽ có một bữa sinh nhật giành riêng cho Thục. Lực sẽ đợi Thục ở đó đúng giờ. Em nghỉ cho khỏe ngày mai chúng mình sẽ gặp nhau.

- Dạ, em cảm ơn anh.

Một niềm vui đến với Thục, nhưng cũng một nỗi lo là từ trước đến giờ Thục chưa bao giờ đến nhà hàng sang trọng. Với đồng lương trung bình của một người công chức, nàng còn phải giúp đỡ cha mẹ, còn phải sắm sửa cho một người con gái sống và làm việc ở thành phố...

Ngủ một giấc thật ngon và thức dậy tám giờ sáng. Lục lại tủ áo quần để tìm một bộ quần áo đẹp và trẻ trung. Nàng chọn áo đầm màu hồng nhạt, chỉ mặc một lần khi đi dự đám cưới Ái Liên, nàng mặc lại và nhìn ngắm trong gương, nàng rất bằng lòng với màu áo hợp với nước da trắng hồng, vừa vặn với vóc dáng của người con gái tròn ba mươi tuổi. Nàng ủi lại chiếc áo cho thẳng nếp và để sẳn trong tủ.

Tự nhiên nàng thấy lo lắng và hồi hộp, Chưa bao giờ hẹn với ai như lúc nầy. Sinh nhật của mình mà người bạn trai mới quen tổ chức và tổ chức trong nhà hàng sang trọng. Nếu mình đến đó mà vụng về quê mùa thì mắc cở chết đi được. Thôi kệ, đến đâu hay đến đó, ăn qua loa và ngủ thêm một giấc nửa để khuôn mặt tươi mát và rạng rỡ.

Ba giở chiều, nàng bất đầu sửa soạn và trang điểm. Đôi mắt to và trong sáng, nàng kẻ đường chì đậm hơn mọi ngày, một lớp phấn hồng thật nhẹ lên đôi má, một lớp son môi hồng lợt hợp với màu da, mái tóc đen mượt chấm ngang vai. Nhìn kỷ khuôn mặt vừa trang điểm, nàng rất hài lòng. Mặc chiếc áo đầm màu hồng, mang đôi giày hợp với màu áo, nàng đúng trước gương ngắm lại dung nhan mình. Đã từ lâu không để ý đến dung nhan, bởi cuộc sống, bởi nghèo khó. Bây giờ nhìn ngắm thật kỷ, nàng rất hài lòng vơí nhan sắc của người con gái ba mươi tuổi, mạnh khỏe, cao ráo... dễ thương, như lời con Huệ Liên nhận xét hôm đi đám cưới. Nàng mĩm cười, nhìn đồng hồ và gọi taxi.

Taxi vừa ngừng trước cửa nhà hàng Love, Lực từ trong nhà hàng chạy ra, mở cửa, dìu nàng bước xuống xe và nhìn Thục rất ngở ngàng, vì hôm nay Thục đẹp quá và Lực cũng đẹp trai không kém. Với complet màu xanh đậm, áo semi trắng, cà vạt màu xanh nhạt, rất đúng điệu một chàng trai Việt kiều. Lực nắm tay đưa Thục lên lầu hai của nhà hàng.

Thục như con chuột trước con mèo hồn vía lên mây. Từ ngạc nhiền nầy đến ngạc nhiên khác, cái gì cũng xa lạ. Một căn phòng rộng của lầu hai giành riêng cho tối nay sinh nhật Thục. Một chiếc bàn và hai chiếc ghế trải khăn và bọc vải màu hồng đặt giữa phòng. Trên bàn một chiếc bánh sinh nhật rất đẹp mắt có hàng chữ trình bày công phu: Hiền Thục: Mừng Sinh Nhật Thứ Ba Mươi. Trên bánh cắm ba cây đèn cầy tượng trưng ba mươi năm, một bình hoa hồng thắm tỏa mùi thơm thoảng thoảng, một chai rươu sâm banh trong thau đá lạnh, hai chiếc ly thủy tinh, và một người tiếp viên ăn mặc lịch sự khoanh tay đứng chờ. Nhạc trong phòng nhè nhẹ...

Thục và Lực vừa vào đến gần bàn thì người tiếp viên kéo ghế mời hai người ngồi và bậc diêm đốt ba cây đèn cầy. Thục sửa dáng ngồi. Lực mời Thục đứng lên và chậm rải nói trong giọng hồi họp:

- Hôm nay là ngày sinh nhật thứ ba mười của Hiền Thục, Lực mạn phép tổ chức, để đánh dấu những ngày đầu tiên gặp và quen biết nhau. Mong rằng hôm nay và những ngày tiếp nối mãi mãi là những ngày hạnh phúc.

Tự dưng nước mắt ứa ra, Thục nhìn Lực thật trìu mến quên thổi ba cây đèn. Lực nhắc, ba cây đèn vừa tắt, nhạc trong phòng cất lên bài Happy Birthday To You, Lực vỗ tay hát, Thục cũng hát theo.

 Bài nhạc vừa dứt, người tiếp viên đến rốt hai ly rượu. Lực mời Thục nâng ly. Hai ly rượu chạm nhau như chạm vào hạnh phúc vỡ òa. Khi hai ly rượu đặt xuống bàn, Lực lấy trong túi áo một hộp nhỏ mở ra, quỳ xuống đúng phong cách tỏ tình của người Tây Phương, cầm ngón tay áp út của Thục đeo chiếc nhẩn vào và nói:

- Anh không biết đợi đến lúc nào khi tình yêu của anh đã chín mùi, anh đeo chiếc nhẩn đính hôn cho em và mong em nhận lấy tình yêu chân thật của anh giành cho em bây giờ và suốt quãng đời còn lại.

Thục đưa hai tay đở Lực đứng dậy và ôm hai bờ vai Lực khóc òa, nước mắt Thục chảy ướt trên đôi vai Lực, nàng nói trong hơi thở:

- Anh Lực, em không ngờ tình yêu đến với em thật bất ngờ, nhưng em cảm nhận những lời nói của anh là những lời nói chân thật phát ra từ con tim chân thành. Em nhận tình yêu nầy và hạnh phúc sẽ mãi mãi ở cùng em và anh bây giờ và mai sau.

Nhạc trong phòng lại cất lên bài Love Story của Francis Lai. Giọng ca êm ái của Thanh Lan và màn hình lớn chiếu hai tài tử: Ryan O’Neal và Ali Mac Graw thủ vai chính trong phim Love Story đang đùa giỡn trên tuyết trắng và những nụ hôn cháy bỏng,

Lực hôn thật nhẹ lên đôi môi mọng ướt của Thục và dìu nàng ngồi vào ghế. Lực nói lại câu nói trong phim: Love means never having to say you’re sorry.

Hai đĩa beefsteak, khoai tây và những gia vị được mang lên, hai ly rượu được rót đầy.

Hai người cụng ly và những lời tâm sự được kể hết cho nhau nghe.  

Những ngày tết ở lại Sài Gòn, Lực quá cô đơn, môt mình đi lang thang những vỉa hè, những restaurant, những tiệm cafe và trông mong Thục trở lại thành phố. Tối hôm qua nghe điện thoại Thục, anh mừng hết lớn. Gọi về Ba Mẹ nói anh đã gặp và quen em. Ba thì đồng ý ngay còn mẹ thì hỏi đủ chuyện, Em con gái miền nào?  Trung Nam Bắc? Bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, có hiền từ không. Mẹ nói không cần đẹp, có duyên và hiền là được. Anh khen em lên tận mây xanh. Ba ra nhà bank gởi tiền cho anh mua chiếc nhẩn đính hôn cho em đó. Anh nghĩ là duyên nợ phải không em?
Những ly rượu cạn dần. Đêm đã về khuya. Lực thanh toán chi phí và đưa nàng ra xe. Ngồi lên xe Lực ôm vai Thục và hỏi thật nhỏ nhẹ:

- Em muốn về đâu?

Nàng trả lời không do dự:

- Về với anh.

Khi xe chạy, Thục lấy điện thoại nhắn tin cho cha me:

- Thưa cha mẹ, đêm nay con đi lấy chồng, hình của chồng con kèm theo đây cha mẹ xem chắc là vừa lòng. Chúc cha mẹ ngủ ngon, Hiền Thục.

Nàng bấm chữ gửi và gục đầu vào vai Lực.

Lực cũng gởi về ba má những lời nhắn và hình ảnh. Chúc ba mẹ nhiều sức khỏe. Lực bấm chử Send.

Xe taxi vừa ngừng trước khách sạn A & EM Corner.

 Đồng hồ trên xe chỉ mười một giờ PM...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét