Thứ Bảy, 11 tháng 6, 2022

Chú Ba Vỵ - Truyện Trần Thế Phong

 Nỗi sợ “thoát nghèo” của người nghèo — Tiếng Việt


Người ta thường nói: nghèo rớt mồng tơi, nghèo không có một miếng đất cắm dùi. Mà thiệt đúng với chú Ba Vỵ. Một người vô sản thứ thiệt. Chú nghèo mà đến nổi không có mồng tơi để rớt.

Tên trong căn cước mà chính quyền miến Nam cấp cho chú là Ngô Văn Vạy, nhưng bà con làng xóm ở quê sợ gọi đúng tên thật mất lòng nên gọi trại ra là Ba Vỵ. Cũng như chú Hai Nhơn bà con gọị là chú Hai Nhân. Chú Năm Đường gọi là Năm Đàng. Nếu có con người ta gọi tên con đầu lòng. 

<!>

Không biết gốc gác họ hàng ở đâu, chỉ thấy chú sống có một mình. Ông Học có 2 sào đất canh tác trồng hoa màu phụ, khoai, đậu, rau cải, cho Chú môt miếng ở góc vườn, bề ngang 4 mét bề dọc 3 mét để cất nhà. Nói là nhà cho xôm tụ chứ thật ra là cái chòi lá thì đúng hơn. Trong nhà trống trơn, chỉ có cái giường tre ộp ẹp, kê sát vách phía trong bên phải, góc trong bên trái kê 3 cục gạch làm bếp, một cái nồi, hai cái chảo treo trên vách, thạp gạo để cạnh chân giường. Một cây sào tre gát từ vách trước ra vách sau phơi quần áo. Có hai cửa ra vào, một trước và một sau, hai cửa sổ hai bên vách dọc. Giữa nhà kê một cái bàn và hai cái ghế bằng tre đã xiêu vẹo để ngồi ăn cơm. Gần vách bên trái kê một cái bàn vuông một thước để làm bàn thờ. Trên bàn thờ để một hình Đức Phật Bà Quan Âm, một bát cắm hương, hai cây đèn, môt bó hương, môt hộp quẹt. Chú thắp hương trên bàn thờ hằng đêm trước khi đi ngủ…

Chú đi làm thuê quanh năm suốt tháng. Khi nào trời lụt, mưa dầm, gió bão thì chú ở nhà. Ở nhà chú nấu một nồi khoai lang hay nồi cơm ăn với cá khô và dưa muối. Làm chi có radio để nghe tin tức. Chú có biết chữ đâu mà đọc sách. Chú nằm chèo queo một mình hát nghêu ngao những câu hát nhân ngải mà chú nghe được của những cô gái cấy lúa, buổi tối xay lúa giã gạo cho chủ hát đối đáp với nhau. Hoặc tự ru mình bằng những câu hát ru:

Một mình thui thủi một mình 

Một ôm củi quế, một bình gạo châu…”

“Một mình lo bảy lo ba. 

Lo cau trổ muộn, lo già hết duyên 

Còn duyên kẻ đón người đưa 

Hết duyên đi sớm về trưa một mình”

Hát chán nằm chèo queo mà ngủ…

Mưa nước lớn chú vát chạp ra suối Sào Đế kéo cá về để dành ăn trong những ngày mưa gió…

Chú có nhớ thương ai đâu mà buồn, chú có ghét ai đâu mà giận, chú có làm gì ai đâu mà ghét. Hiền như cục đất là đúng với chú.

                                            ***

Nhà tôi cũng có khá ruộng đất, một số ở xa cho người ta làm để chia lúa, một số ở gần thì canh tác. Cha làm việc hội đồng xã đi suốt ngày, chị hai đi dạy, hai anh em tôi đi học. Chỉ có mẹ tôi lo việc đồng áng, nên nhờ chú Ba Vỵ làm cặp. Ruộng nhà tôi canh tác hai mùa: mùa tháng ba và tháng mười. Làm cặp là trông coi hết công việc ngoài đồng từ cày, cấy, gieo, gặt…chú toàn quyền quyết định.

Mỗi mùa mẹ tôi trả lúa cho chú và may cho chú hai bộ đồ. Hết mùa rảnh rổi ai kêu đâu làm đó. Nào là sửa cái chuồng heo, chuồng bò, đào gốc tre làm củi…Chú làm rất siêng năng nên ai cũng muốn chú làm giúp, ăn cơm ba bữa, tối chủ đong một ký gạo, ngày nào trả ngày nấy. Chú thường nói: đời chú sáng úp nón, tối ngửa nón có nghĩa là sáng đội nón đi làm, tối về ngửa nón chủ đong gạo đem về…

Cha mẹ tôi thương và tin cậy xem chú như người trong nhà. Chú làm hết việc chứ không làm hết giờ. Những ngày giỗ kỵ ông bà hay chạp mả đều có mặt chú. Đến ngày tết cha mẹ tôi dặn chú sáng sớm mồng một đến nhà xông đất. Cha tôi thường nói:

-  - Chú Ba Vỵ là người hiền từ, chân thật, không hơn thua, không giận hờn, có lòng từ tâm đến xông đất đầu năm cả năm gia đình mình khỏe mạnh, bình an, gặp nhiều may mắn.

Từ ngày chú Ba Vỵ làm cặp, năm nào sáng mùng một khoảng 7 giờ là chú đến chúc tết cha mẹ, mấy chị em tôi và ở lại dự cúng trưa. Ngày tết mẹ tôi để dành cho chú một ký thịt heo, bánh tét, banh ú, bánh tổ, mứt, kẹo, mỗi thứ một ít để về cúng ông bà.  

Có một năm nghe chó sủa, tôi chạy ra mở cổng thì thấy phía sau có cô Tám đi theo. Tôi ngạc nhiên quá đổi chưa kịp vòng tay chúc tết thì chú xoa đầu tôi và chúc:

- Năm mới chúc cu Anh mau lớn, học giỏi và mau lấy vợ cho cha mẹ nhờ.

Cô Tám cười ngủng ngoẳng không nói gì. Cha Mẹ chuẩn bị cúng buổi sáng nghe tiếng nói ngoài cổng ra cửa đứng nhìn và cũng ngạc nhiên. Vào trong nhà chú Ba và cô Tám vòng tay chúc tết và chú nói với cha mẹ tôi:

-- Thưa câu mợ: con và Tám đây tính góp gạo nấu chung, hai đứa cũng nghèo nên không làm đám hỏi, đám cưới, nhân dịp đầu năm hai con xin cậu mợ chứng giám cho. Tụi con xin thắp hương trên bàn thờ để ra mắt ông bà, xin ông bà phù hộ cho hai con ăn đời ở kiếp với nhau. Con xin cảm ơn cậu mợ nhiều

Cha mẹ tôi rất vui và nói với chú Ba và cô Tám:

- - Chuyện nầy cậụ mợ cũng mong ước từ lâu, mong cho chú Ba có đôi có cặp để chung sức làm ăn và kiếm vài chút cháu bỏ trên đầu trên cổ.

Cả ngày mùng một chú Ba và cô Tám ở chơi nhà tôi dự cúng trưa và chiều đến tối mới về.

Khi hai người đã ra về, mẹ tôi nói:

- - Ông Tơ Bà Nguyệt có con mắt khéo xe duyên. Chú Ba thì cạy răng cũng không nói, còn con Tám nói suốt ngày.

Cô Tám là em chú Năm Đàng làm thợ mộc. Hai anh em mồ côi cha mẹ sống nương tưa vào nhau. Có lúc đi làm xa cả tuần mới về nhà. Cô Tám ở nhà, ai cần việc nhà nhờ đến làm giúp ăm cơm ba bữa. Nhiều lúc không có việc làm, ở nhà một mình qua nhà hàng xóm “ngồi lê đôi mách”. Bà con trong ấp đặt cho một tên riêng là Tám Đít. Có một lần nói với mấy bà hàng xóm:

- Anh Năm tui có tình với chị Bốn Lai, hai người gởi thư qua lại tôi có đọc, Thương nhau da diết lắm.

Chị Bốn Lai cũng gần ba mươi tuổi mà chưa có chồng, nhà ở ngay chợ, có một sạp hàng bán quần áo trẻ em. Không dang nắng, dầm mưa nên nước da trắng trẻo dễ thương, nhưng vì lớn tuổi nên trai tráng trong làng không ai để ý. Thật sự thì năm hâm mấy tuổi có nhiều thanh niên dòm ngó, nhưng vì lựa chọn quá nên bị ế.

Không biết ai học lại với chị Bốn Lai. Tức lắm vì không có mà dựng chuyện, chị Bốn thưa ra ấp, nhờ ấp giải quyết hỏi cho ra lẽ. Anh hai Hoành, con đầu ông Học, làm ấp trưởng mời tất cả bà con trong ấp họp để giải quyết vấn đề. Bà con tò mò đến tham dự rất đông. Anh Hai Hoành trình bày lý do buổi họp và mời cô Tám đứng lên để giải thích lý do đọc thư của chị Bốn Lai gởi cho anh Năm Đàng:

- Tui có đọc thư của chị Bốn để trong tủ.

Biết là cô Tám từ nhỏ đến lớn có đi học ngày nào đâu, anh Hai Hoành đưa một tờ báo bảo đọc thử. Cô Tám cầm tờ báo xoay qua xoay lại và nói:

T - Tờ báo chữ in tôi đọc không quen, nhưng tôi có nói lỡ lời thì chị Bốn và bà con trong ấp tha thứ cho. Từ nay về sau tôi xin hứa sẽ không bao giờ nói láo nữa.

Bà con trong ấp cười xòa, chị Bốn Lai cũng cười huề cả làng. Từ đó trong ấp ai nói láo bảo học sách Tám Đít.

Nhưng không biết từ câu nói láo của cô Tám, chị Bốn Lai để ý anh Năm Đàng và hai người thành vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc, sinh được hai đứa con trai rất kháu khỉnh. Và cũng từ đó trong ấp truyền nhau một câu thơ:

Gió đưa gió đẩy bông trang

Ai đưa ai đẩy anh Năm Đàng với chị Bốn Lai

Từ ngày chú Ba Vỵ và cô Tám góp gạo nấu chung, hai người chịu khó chịu cực, làm ăn khấm khá. Ông Học cho thêm đất xây được nhà gạch, rộng rãi và sạch sẻ khang trang. Nền nhà tráng cimen, cửa ra vào và bàn ghế tủ giường bằng gỗ. Làm thêm một nhà bếp phía sau nấu ăn và để đồ đạc lỉnh kỉnh. Phía trước nhà có một sân gạch nhỏ để mấy chậu hoa khi xuân về…Ba ngày tết bà con làng xóm đến thăm và chúc tết nghe rất rộn ràng vui vẻ. Ai đến thăm cũng chúc vợ chồng chú Ba khỏe mạnh, hạnh phúc và rán kiếm chút cháu để hủ hỉ tuổi già…

***

Xã của tôi ở gần tỉnh lỵ nên rất an ninh, Việt Cộng không giám mò về thu lúa, đắp mô, phá cầu, ám sát, tuyên truyền… Nhờ có an ninh nên bà con trong xã làm ăn khấm khá. Nhà nào cũng cất được nhà gạch lợp tôn, hoặc nhà ngói sạch sẽ khang trang. Ruộng đất không bỏ hoang, hằng ngày chợ họp đông vui bán đủ thứ nông sản. Ngày tết hay giỗ kỵ đều đến với nhau rất vui và đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. Ba ngày tết, bà con trong xã tụ tập chơi bài chòi, lô tô, văn nghệ hát hò. Trẻ con đến trường học mẫu giáo ê a đọc vần, học sinh lớn hằng ngày đến trường hồn nhiên vui vẻ. Có gia đình khá giả cho con ra Huế hay vào Sài Gòn học đại học. Nhiều thanh niên đậu tú tài không có điều kiện học đại học, tình nguyện vào trường bộ binh Thủ Đức hay trường Võ bị Đà Lạt, hoặc học Sư phạm đi dạy học. Có nhiều thanh niên vì hoàn cảnh gia đình neo đơn, cha mẹ già yếu không người chăm sóc thì xin vào nghĩa quân đánh giặc, không cho Việt Cộng mò về…

 Đùng một cái, tháng tư năm 1975 Việt Cộng trên núi kéo về nói là đánh đuổi Mỹ Ngụy “giải phóng miền Nam”. Bà con sợ quá, những người có tham gia chính quyền Quốc Gia hay trong quân đội bỏ chạy ra Đà Nẵng hoặc vào miền Nam lánh nạn. Đến ngày 30/4 miền Nam sụp đổ, bà con lần lượt trở về. Người nào có tham gia chính quyền hoặc quân đội bị lùa đi tập trung cải tạo không có bản án, không biết ngày về.

Mấy Ông đi tập kết ra Bắc năm 1954 lần lượt trở về, oai phong hách xì xằng. Mặc đồ kaki vàng, đội nón cối, đeo xà cột, đi xe đạp Trung Quốc. Có ông nói giọng Bắc Kỳ, gặp ai cũng tuyên truyền đường lối Xã Hội Chủ Nghĩa ưu việt…

Sáu tháng ổn định chính quyền. Ban lãnh đạo xã là mấy ông đi tập kết. Lãnh đạo thôn là mấy ông nhảy núi…Khi đã ổn định chính quyền, ấp trưởng đến từng nhà thông báo mỗi hộ một người đến trụ sở thôn có lãnh đạo xã về thành lập hợp tác xã nông nghiệp.

Chủ trương của Cộng Sản là bần cố nông lãnh đạo. Trong buổi họp, anh Hai Hoành đề nghị Chú Ba Vỵ làm chủ nhiệm hợp tác xã. Bà con dơ tay đồng ý một trăm phần trăm. Buổi họp phần đông là đàn bà vì đàn ông nhiều người đi ở tù.

Ông chủ tịch xã hỏi Chú ba Vỵ có ý kiến gì không? Chú Ba Vỵ trả lời:

-- - Bà con bầu tôi làm chủ nhiệm thì tôi nhận nhưng tôi xin đề nghị những người cùng làm với tôi: anh Ấm làm phó chủ nhiệm, vì anh Ấm học đại học ở Sài Gòn nhưng vì lao động là vinh quang nên anh bỏ học về cày ruộng, anh Lân làm thư ký và anh Minh làm thủ kho. Hai anh nầy tốt nghiệp lớp 12 cũng bỏ học cày ruộng. Vì tôi không biết chữ nên nhờ mấy anh nầy giúp đỡ, tôi cũng như bà con trong thôn biết gia đình đàng hoàng có tư cách và đạo đức…

Ông chủ tịch và phó chủ tịch nông nghiệp tức giận phản đối kịch liệt:

- - Bà con miền Nam không thông suốt đường lối của Bác và đảng. Mấy người xuất thân học vấn của miền Nam đều do Mỹ đầu độc dạy dỗ theo tư bản đang dẩy chết, ngồi mát ăn bát vàng, tham nhũng, thiếu đạo đức phải học tập nhiều để thấm nhuần đạo đức cách mạng mới có thể cách mạng tin dùng lại được.

Chú ba Vỵ đề nghị không chấp thuận chú từ chối và nói thêm:

- - Tôi không được học hành, nghèo mạt rệp, làm thuê quanh năm suốt tháng, tôi cần những người biết chữ, tin cậy, con nhà có giáo dục, để cộng tác với tôi làm việc mà cấp trên không chấp thuận. Tôi xin từ chối không giám nhận.

Tiếp tục đề nghị thêm mấy người nữa nhưng không ai giám nhận chức chủ nhiệm.  

Một tháng sau xã đưa một ban chủ nhiệm hợp tác xã toàn là mấy ông nhảy núi và cách mạng ba mươi tháng tư về lãnh đạo hợp tác xã. 

Hợp tác xã hoạt động được gần bốn mùa thì dẹp tiệm. Vì xã viên toàn là đàn bà, ra đồng tán gẩu, nói chuyện trên trời dưới đất hơn là làm việc. Phân bón không đủ, lúa gần trổ đòng đòng mà èo uột, thất thu. Thanh niên trai tráng bỏ ra thành phố làm thuê, bỏ lên cao nguyên tìm đất phá rừng làm rẩy…

Thấy hơp tác xã không thành công, dân thì càng ngày càng đói và bỏ làng đi vào nam sinh sống. Chủ tịch xã và phó chủ tịch nông nghiệp về triệu tập một buổi họp dân tuyên bố:

- - Theo đường lối, chủ trương của đảng và nhà nước, xã ta không canh tác ruộng đất theo hợp tác xã mà chia ruộng đất cho từng hộ tùy theo số lượng người trong gia đình…

Gia đình chú Ba Vỵ có hai khẩu nhận được sáu sào ruộng và một sào đất. Nhờ vợ chồng chú siêng năng nên làm cũng đủ ăn, nhiều gia đình con đông và còn nhỏ cũng đói lên đói xuống… 

 ***

Nhiều lúc mùa màng rảnh rổi, ngồi với nhau uống vài chén trà, có người hỏi chú Ba Vỵ:

- Từ ngày Quốc Gia sụp đổ, cách mạng về chú cảm thấy vui hay buồn.

Chú trả lời rất thành thật:

- - Tui không vui cũng không buồn nhưng tui tiếc. Tiếc là bà con dân mình không còn như ngày xưa. Trước năm 1975 xã mình vui quá là vui. Nhà nào cũng làm ăn khấm khá, có của ăn của để trong nhà, xây nhà xây cửa, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau. Nhà nào có chuyện vui buồn đều đến với nhau. Tết nhứt tự do vui chơi, ăn nhậu. Mấy người giàu cũng thương những người ngheò như tụi mình. Làm công chọ họ thấy có bóc lôt gì đâu. Thời vàng son đã hết rồi.

Từ ngày cách mạng về chú thấy sao? Có người hỏi thêm.

-- - Chắc anh em cũng thấy như tui, mấy người giàu cũng như nghèo bỏ đi, sống cứ phập phồng lo sợ. Ai cũng nghèo, ngày tết, ngày lễ vắng vẽ, đìu hiu, làm cả ngày mà không đủ ăn lấy đâu vui chơi. Ban ngày làm việc bá thở, tối lại họp hành quán triệt đường lối của đảng và cách mạng…

Nói xong mắt chú buồn vời vợi và nói một câu chắc nịch: 

- Tôi là dân bần cố nông, nghèo mạt rệp, tôi nói thật tôi chẳng sợ ai…                                                                     

Rồi thời gian lặng lờ trôi qua, bà con cũng tự đùm bọc lấy nhau để mà sống qua ngày đoạn tháng, tối lửa tắc đèn qua lại an ủi, giúp đở lẩn nhau.

 ***

Một buổi tối mùa hè tháng bảy, trời nóng nực nên bà con thức khuya, bỗng nghe tiếng la của cô Tám phát ra từ nhà chú Ba Vỵ:

-  - Bà con cứu giùm anh Ba tui trúng gió nằm ngay đơ rồi.

Anh Hai Hoành ở gần nhà chú Ba chạy đến sớm nhất cạo gió, bà con trong ấp chạy đến mỗi lúc một đông. Cạo gió sau lưng không thấy nổi màn đỏ, tay chân càng lúc càng lạnh. Khi lật ngửa cạo trên cổ và ngực nhìn thấy quần đùi bị ướt, anh Hai Hoành đậy nắp dầu gió và nói với bà con:

- - Thôi hết cứu được rồi bà con ơi, Chú ba đã tắt thở.

Nghe nói tắt thở, cô Tám khóc bù lu bù loa và kể lể:

-- - Anh Ba ơi là anh Ba, anh bỏ em đi thật sao anh Ba. Em đã nói với anh rồi, đi làm về mệt mỏi, không nghỉ ngơi mà cứ đòi ráng kiếm chút cu Tý, giờ ra nông nổi nầy em sống sao đây anh Ba ơi…

Bà con nghe cô Tam kể lể hiểu được lý do chú Ba tắt thở, ai cũng ngậm ngùi, rơm rớm nước mắt thương cho chú Ba vắn số…

Anh hai Hoành là người có uy tín và thương chú Ba nhiều nhất, nói với bà con:

- - Tôi thấy hoàn cảnh chú Ba và cô Tám đây cũng neo đơn nghèo khổ, bà con xóm mình thương chú Ba, mộĩ người một tay giúp cô Tám lo hậu sự cho chú Ba ấm đám.

Hưởng ứng lời đề nghị của anh hai Hoành bà con lo tang lễ chú Ba thật ấm đám. Cả làng già trẻ đều nghỉ việc tiễn đưa chú Ba đến nơi an nghỉ cuối cùng. Còn góp công góp của xây mộ kịp ngày mở cửa mả. Trên mộ phần dựng một tấm bia đề chữ: Vợ: Nguyễn Thị Tám và Toàn Thể Bà Con Ấp An Mỹ - Đồng Phụng Lập.

Ngày mở cửa mả, Chú Năm Đàng tổ chức một bữa tiệc để cảm tạ bà con trong ấp tình làng nghĩa xóm đã tận tình giúp đỡ cô Tám lo ma chay và xây mồ yên mả đẹp cho chú Ba.

Trong bữa tiệc ai cũng nhắc những kỷ niệm vui buồn với chú Ba ngày còn sinh tiền và ngậm ngùi thương tiết

Cô Ba Tập con Bà Hường, đứng lên nói thật lớn:

 - Bởi, người ta nói thật đúng: “Ở cho có đức, mặc sức mà ăn”. Bữa đầu năm ông chủ tịch xã nghẽo, chỉ có vợ, con và mấy ông cán bộ xã, thôn, lèo tèo đi sau quan tài chẳng có một tiếng khóc…

 

 Trần Thế Phong

(Tác giả gởi)

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

THƠ THÁNG 6 - Lý Thừa Nghiệp

  THƠ THÁNG 6    Một ngày tuyết sẽ tan thành sữa Én nhạn về quanh những cánh đồng Trùng trùng bông nắng và bông lúa Bát ngát là khi l...