Thứ Năm, 5 tháng 1, 2023

Căn phòng riêng, Tiểu luận văn học VIRGINIA WOOLF - TRỊNH Y THƯ dịch  

 

Văn Học Press

22 Agostino, Irvine, CA 92614 USA • vmail: +1-949-981-3978

email: vanhocpress@gmail.com • Facebook: Van Hoc Press

 

PR 01/01/2023

SÁCH MỚI

                                                           

 

 

Trân trọng giới thiệu:

 

Căn phòng riêng

Tiểu luận văn học

 

VIRGINIA WOOLF

TRỊNH Y THƯ dịch

 

VĂN HỌC PRESS xuất bản, 2023

 

 

 

 

 

 


 

LỜI NGƯỜI DỊCH

 

Suốt thời gian gần trăm năm qua, từ ngày xuất bản năm 1929, cuốn Căn phòng riêng của Virginia Woolf vẫn được xem là tập tiểu luận văn học có tầm ảnh hưởng rất lớn bởi tính cách đặt vấn đề của nó. Nó là cuốn sách được nhật báo Le Monde của Pháp quốc xếp hạng thứ 69 trong số 100 cuốn sách hay, giá trị, đáng đọc nhất thế kỷ XX. Kỳ thực, nó là cuốn sách đặt nền móng cho Nữ quyền luận trong hai lĩnh vực tư tưởng và phê bình văn học. Cuốn sách được hình thành dựa trên loạt bài thuyết trình Woolf đọc trước cử tọa toàn phái nữ tại hai trường cao đẳng dành riêng cho phụ nữ, Newham và Girton, thuộc trường đại học danh tiếng Cambridge của Anh quốc, vào năm 1928, xoay quanh chủ đề “Phụ nữ và sáng tác văn học.”

<!>

 

Trong cuốn sách, Woolf tường tận truy nguồn qua sách vở, thư tịch viết trong mấy thế kỷ qua, và xác quyết về những bất công người phụ nữ phải gánh chịu trong suốt chiều dài lịch sử trên gần như mọi bình diện của cuộc sống như văn hóa, chính trị, giáo dục, xã hội, tài chính. Do đó nó có tính công phá bởi cho đến thời điểm Woolf viết cuốn sách, người phụ nữ trong xã hội (dù là xã hội Tây phương) vẫn bị xem thường do định kiến. Trong gần như tất cả mọi sinh hoạt xã hội, người đàn ông vẫn nắm giữ vai trò trọng yếu, định đoạt; đàn bà chỉ làm công việc nội trợ, nuôi con.

 

Mặc dù có nhắc sơ qua về cao trào tranh đấu cho Nữ quyền vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhưng trọng tâm Woolf muốn xoáy vào là phụ nữ và sáng tác văn học; trong cuốn sách bà lặp đi lặp lại luận điểm chính của mình, đó là, “Phụ nữ muốn viết văn, phải có tiền và một căn phòng riêng.”

 

Trong mắt nhìn của Woolf, lịch sử và văn học trong quá khứ là do phái nam xây dựng và họ chủ ý gạt người đàn bà ra ngoài lề. Một thế giới toàn trị, trọng nam khinh nữ, nơi người đàn bà không có chỗ đứng ở những địa vị trung bình, chứ đừng nói là cao quý. Đàn bà lúc trẻ không được đến trường học; không được nhận của kế thừa cha mẹ để lại; tài sản của mình, nếu có, thuộc về người chồng. Một quan niệm phổ cập, ai nấy mặc nhiên công nhận: phụ nữ thì thiên tư tầm thường, trí tuệ thấp kém hơn đàn ông. Người phụ nữ viết văn làm thơ bị người đời ví như “con chó bông xù làm trò mua vui trong gánh xiệc.” Qua sách vở suốt mấy thế kỷ để lại, Woolf chua xót nhận xét rằng “bất cứ người phụ nữ nào sinh ra với thiên tư hơn người ở thế kỷ XVI đều trở nên điên loạn, và cuối cùng, phải tự kết liễu đời mình hoặc sống cô độc nốt quãng đời còn lại trong túp lều bên ngoài thôn làng, nửa phù thủy, nửa pháp sư và bị người đời sợ hãi, nhạo báng.”

 

Đó là số phận của những phụ nữ có tài thơ văn thời đó!

 

Chưa hết, nấc thang giá trị trong văn học cũng được đánh giá qua lăng kính giới tính: “Đây là cuốn sách quan trọng, nhà phê bình bảo thế, bởi nó nói về chiến tranh. Còn đây là cuốn tầm phào bởi nó nói về cảm xúc của phụ nữ trong phòng khách.” Woolf không che giấu được sự phẫn nộ khi nói như thế.

 

Sự thành công của cuốn Căn phòng riêng nằm ở chỗ nó là tác phẩm đầu tiên dám đặt vấn đề một cách thách thức – trên các bình diện triết học, lịch sử, và nhất là văn học – đó là, văn chương của phái nữ có khác với phái nam không. Và nếu khác, thì phải chăng đó là hệ quả tất yếu của cuộc sống kinh tế và xã hội của người phụ nữ? Những mảnh đất nào của phụ nữ chưa được khai phá trong văn chương? Và có không những điều về phụ nữ mà ngôn ngữ văn chương không thể diễn đạt bởi phái nam?

 

Cơ sở cho Woolf đặt vấn đề, hiển nhiên, là sự phân biệt giới tính trong văn học, và sự phân biệt này đã giết chết không biết bao nhiêu thiên tài phái nữ. Woolf tưởng tượng ra một nhân vật hư cấu: Judith Shakespeare, em gái của William. Judith cũng có tài năng thiên bẩm chẳng kém gì ông anh nổi tiếng của mình, nhưng cô bị cha mẹ răn cấm nghiêm ngặt, không cho đụng đến chữ nghĩa sách vở. Thế là, một hôm cô trốn nhà lên London tìm cách chen chân vào thế giới kịch nghệ và văn chương. Nhưng cô đã thất bại và thất vọng ê chề trước sự nhạo báng xem thường của người đời, và trong tuyệt vọng, sau khi có bầu với anh chàng quản lý rạp hát thô lỗ, cô đi tìm cái chết. Xác cô bị vùi trong một nấm đất vô danh ngoài đồng nội.

 

Có lẽ những cô gái như Judith có thật ngoài đời chứ không hẳn chỉ là do Woolf hư cấu dựng nên.

 

Nhưng Judith, trong mắt nhìn của Woolf, là một thiên tài, sinh trưởng trong gia đình thế giá chứ không phải cô gái con nhà nghèo. Ở chừng mực nào đó, Woolf chỉ chú tâm tới thành phần thượng lưu trong xã hội, và là một quan tâm cho văn học, không phải những giá trị xã hội phổ quát. Câu nói “… thiên tài như Shakespeare không sinh ra trong gia đình lao động không được học hành, họ không thuộc tầng lớp tôi đòi” của Woolf có thể gây tranh biện, và có lẽ có không ít kẻ, như D. H. Lawrence chẳng hạn, nhíu mày khó chịu. Thế nhưng Woolf bám chặt lấy luận điểm của mình. Thiên tài cần tự do, nó không thể nở hoa nếu bị ràng buộc bởi sợ hãi, hiềm thù hay tùy thuộc vào kẻ khác. Và, không có tiền thì sẽ không có tự do. Chỉ giản dị vậy thôi.

 

Ngoài những khó khăn chủ quan cản trở một phụ nữ làm văn, họ còn gặp một trở lực to lớn khác nữa, đó là, họ không có một truyền thống văn học phái nữ. Nói cách khác, họ không tìm thấy trong sách vở một câu văn, một câu thơ, một trải nghiệm nào khả dĩ giúp họ biết bắt đầu từ đâu cho đam mê của mình. Nhìn đâu họ cũng chỉ thấy văn chương phái nam. Theo nhận định của Woolf thì tâm hồn và trải nghiệm của phái nam không giống phái nữ, và bởi thế, cần có một “bút pháp nữ” để định hình diện mạo văn chương nữ.

 

Thật vậy, trong suốt cuốn sách, Woolf không ngớt quay quắt với thắc mắc: mặc dù không thiếu phụ nữ có tài năng, thiên tư xuất chúng, nhưng lại không có nhiều tác phẩm văn học tầm cỡ viết bởi phụ nữ. Phải chăng chính ngôn ngữ đã là rào cản, một ngôn ngữ viết bởi và cho những giá trị phái nam chứ không phải phái nữ? Nếu thế thì cần phải sửa đổi văn chương sao cho phù hợp với tiếng nói của phụ nữ và phản ánh được trải nghiệm chân thực của họ.

 

Đề xuất của Woolf là một ý tưởng táo bạo đi trước thời đại, bởi phải mất gần một thế kỷ, Nữ quyền luận mới thâm nhập vào các thao tác tạo hình, tạo thanh, và đương nhiên, văn học, mà một trong những thành tựu quan trọng nhất có lẽ là luận thuyết Bút pháp Nữ do một số nhà nghiên cứu nữ người Pháp đề xuất đầu thập niên 70 của thế kỷ XX.

 

Woolf xem “cái tôi” của nhà văn là rào cản cho văn chương. Woolf đòi hỏi người viết phải khước từ “cái tôi,” phải đạt tới mức độ vô ngã như một vị thánh (như Shakespeare hay Jane Austen đã làm) thì thiên tài mình mới có cơ hiển lộ. Woolf viết về Jane Austen như sau:

  

Người đàn bà [Jane Austen] này sống vào khoảng năm 1800, nhưng trong văn chương của bà không hề thấy sự thù ghét, không cay đắng, không sợ hãi, không chống đối, không rao giảng. Đó là cách mà Shakespeare viết…

 

Đoạn đem tác phẩm Jane Eyre của Charlotte Bronte ra đối sánh với Austen:
 
Người đàn bà [Charlotte Bronte] viết những dòng này là người có thiên tư hơn Jane Austen; nhưng nếu đọc lại đoạn văn và ghi nhận giọng điệu phẫn nộ thúc mạnh trong đó, người ta sẽ thấy tài năng của bà chẳng bao giờ hiển lộ toàn vẹn. Tác phẩm của bà bị bóp méo, vặn vẹo. Thay vì viết bình thản, bà viết trong giận dữ. Thay vì viết cho minh triết, bà viết trong điên rồ. Thay vì viết về các nhân vật của mình, bà viết về chính bà. Bà gây chiến với chính con người bà. Biết sao hơn, bà đành chết trẻ và chết trong muộn sầu, thất vọng.

 

Quan điểm này của Woolf là khá cực đoan, và chẳng cần nói nhiều, không phải ai cũng đồng ý. Văn học hiện đại – từ Kierkegaard cho đến văn chương hư vô của Ibsen, Strindberg, Pirandello, Gide, Malraux, Camus hay các tác phẩm Chủ nghĩa Hiện sinh của Sartre, Chủ nghĩa Phi lý của lonescu và Beckett, rồi đến tiểu thuyết Nga như Pasternak – đều trĩu nặng “cái tôi” từ bên trong, dù là “cái tôi” thất lạc với hiện thực. Con người trong tiểu thuyết cũng như thi ca hiện đại nhìn thế giới như một nơi chốn vong bại và bạo tàn, đầy bi quan và nghi hoặc, bị ý thức bằm nát, phải ẩn nấp bên trong “cái tôi.” Nhưng vào được “cái tôi” chỉ để khám phá thôi chứ hắn vẫn chẳng hề hiểu biết gì thêm về chính hắn.

 

Câu hỏi được đặt ra là: Khước từ “cái tôi” như Shakespeare và Jane Austen để thiên tài của mình hiển lộ, hay quay về nó, thậm chí ẩn nấp, trốn tránh thực tại trong nó như các nhà văn hiện đại đã làm? Cái nào tốt đẹp hơn cho văn chương? Cái nào đúng đắn hơn? Có lẽ ta chẳng bao giờ có câu trả lời thỏa đáng bởi ta đang sống trong một thế giới đa chiều kích, chẳng có gì tuyệt đối. Và mọi lý giải về bản ngã đều dẫn đến sự thất lạc đến tội nghiệp của kiếp người.

 

Một khái niệm khác, khá lạ lùng và thú vị, Woolf đưa ra trong cuốn sách là “khối óc lưỡng tính.”

 

Nhưng “khối óc lưỡng tính” là gì?

 

Trong lúc đứng trên căn gác trọ nhìn qua kính cửa sổ, trông thấy một cặp có vẻ như là tình nhân nam nữ dìu nhau chui vào chiếc xe đang đỗ bên lề đường, Woolf bỗng nảy ra ý nghĩ rằng một khối óc sẽ siêu việt biết bao nếu nó được hợp nhất bởi hai nửa khối, một nửa nam và nửa kia nữ. Hãy nghe Woolf nói về khái niệm này:

 

… trong mỗi chúng ta có hai năng lực chỉ huy song hành, một nam, một nữ; và trong trí óc người đàn ông, đàn ông chiếm ưu thế hơn đàn bà, trong trí óc người đàn bà, đàn bà chiếm ưu thế hơn đàn ông. Khi cả hai chung sống với sự hòa đồng, trong tinh thần hợp tác, thì trạng thái của hiện hữu là trạng thái bình thường và thoải mái. Nếu là đàn ông thì phần đàn bà trong trí óc ông ta phải có hiệu ứng; và ngược lại, người đàn bà cũng phải giao hòa với phần đàn ông trong trí óc mình.

 

Kỳ thực, Woolf vay mượn ý tưởng này từ Samuel Taylor Coleridge (1772-1834), nhà thơ, nhà phê bình, triết gia người Anh, một trong những người sáng lập trào lưu Lãng mạn Anh. Theo Coleridge, khối óc vĩ đại là khối óc lưỡng tính. “Đó là lúc sự hợp nhất xảy ra và trí óc trở nên phong phú, tận dụng tất cả khả năng của nó.”

 

Woolf đề cao “khối óc lưỡng tính” như một con thuyền tuyệt hảo chuyên chở văn chương toàn bích, chỉ thấy ở những người như Shakespeare:

 

… khối óc lưỡng tính thì vang dội và dễ thẩm thấu; nó dễ truyền đạt cảm xúc mà không gặp trở ngại nào; nó sẵn tính sáng tạo tự nhiên; nó sáng tỏ và không vẹn toàn. Thật vậy, người ta có thể quay lại Shakespeare để biết thế nào là khối óc lưỡng tính, khối óc nam-nữ tính, dù không ai biết ông nghĩ gì về đàn bà.

 
Trong cuốn sách, Woolf cũng không chút ngần ngại thách thức những ta-bu vẫn còn tỏa chiết lên xã hội Anh, nhất là dưới thời nữ hoàng Victoria bảo thủ. Thí dụ, Woolf đặt câu hỏi đã có ai, từ trước đến nay, viết về quan hệ giữa hai người đàn bà với nhau chưa, một quan hệ tách biệt ra khỏi lề thói thông thường đàn ông-đàn bà? Tại đây, Woolf đã châm quả bom công phá thành trì kiên cố ngàn năm của xã hội Anh bảo thủ xem chuyện đồng tính luyến ái là một ta-bu lớn. “Đừng giật mình. Đừng đỏ mặt. Chúng ta hãy chấp nhận trong sự riêng tư của xã hội này rằng điều đó đôi khi xảy ra. Đôi khi đàn bà thích đàn bà.” Woolf nói với cử tọa của mình như thế.

 

“Dòng ý thức” của Woolf trong cuốn Căn phòng riêng đã là những viên gạch lót đường cho Nữ quyền luận sau này. Chúng mở đường cho những suy nghiệm của Simone de Beauvoir, Susan B. Anthony, Mary Wollstonecraft và rất nhiều người khác, trong suốt thế kỷ XX, triển khai  thành một học thuyết quan trọng được giảng dạy rộng rãi trong trường học khắp nơi ngày nay.

 

Ngót một trăm năm sau, khi đọc lại cuốn sách, phần nào ta có thể hình dung được hoàn cảnh xã hội thời Woolf sinh sống, trong đó người đàn bà bình thường bị khước từ gần như mọi quyền lợi về giáo dục, về thăng tiến xã hội, và bị người đời xem thường, rẻ rúng. Và ta hiểu động lực nào thúc đẩy Woolf làm công việc đó. Trong một lá thư gửi cho G. Lowes Dickinson, một người bạn, giải thích lý do tại sao viết cuốn sách, Woolf đặt bút viết dòng chữ sau: “Tôi muốn khuyến khích những thiếu nữ trẻ, dường như các cô ấy bị trầm cảm một cách đáng sợ.”

 

Gấp cuốn sách lại, ta đừng nên nghĩ rằng Woolf tìm cách tiêm vào tim óc những cô nhà văn trẻ ý tưởng phụ nữ phải làm thế nào để viết văn hay hơn đàn ông. Không, ngàn lần không. Hiểu như thế là hiểu sai ý hướng của Woolf khi viết cuốn sách. Hãy nghe Woolf kết luận:

 

… quan hệ của chúng ta là quan hệ với thế giới của hiện thực chứ không phải thế giới của đàn ông và đàn bà. Chỉ như thế, cơ hội mới đến và nhà thơ nằm dưới mộ sâu, người em gái của Shakespeare, mới có cơ sống dậy. Vẽ lại đời sống của cô từ đời sống những người vô danh đi trước, như anh cô làm trước thời của cô, cô sẽ hồi sinh. Chúng ta đừng mong có chuyện cô sống lại và làm thơ nếu chúng ta không chuẩn bị, không có một phần nỗ lực và không có những quyết tâm từ phía chúng ta, bởi đó là điều không thể. Nhưng tôi quả quyết cô sẽ trở lại nếu chúng ta dồn mọi nỗ lực cho cô, và nếu được như thế thì dù trong nghèo khó và tối tăm, nó vẫn là điều đáng giá.
 

Virginia Woolf thường được xem là một trong bốn “tượng đài” kỳ vĩ của văn học hiện đại khởi đi từ thập kỷ đầu thế kỷ XX, bên cạnh James Joyce, Marcel Proust, Franz Kafka. Chính sự đam mê sáng tạo vô bờ, cộng với lòng nhiệt thành và niềm xác tín về những điều mình tin tưởng, xuyên qua cuộc đời và sự nghiệp, Woolf đã có đáp án cho những câu hỏi về năng lực sáng tạo của người phụ nữ mà cuốn Căn phòng riêng đã nêu ra. Nó cho thấy một Virginia Woolf không chỉ táo bạo, cao rộng trong tư tưởng mà còn hết sức phóng khoáng, tự do trong bút pháp khi làm mờ đường biên giữa tiểu luận và hư cấu, giữa triết lý và tự sự.

 

 

Dịch Căn phòng riêng

 

Trong bài phỏng vấn do phát thanh viên Thanh Hà của đài Radio France Internationale - Tiếng Việt (RFi) thực hiện năm 2017, khi được hỏi về khó khăn nào  gặp phải  khi  dịch  cuốn tiểu luận văn học Căn phòng riêng  của  nhà  văn  Virginia Woolf,  tôi đã trả lời chị như sau:

 

Dịch,  nhất là dịch tác phẩm văn học, luôn luôn là thử thách đầy cam go. Ngoài những tiêu chuẩn cơ bản như trung thành với văn bản nguyên tác, chú trọng đến yêu cầu tiếp nhận của ngôn ngữ dịch, người dịch còn phải cố gắng duy trì càng nhiều càng tốt cái phong cách văn học trong tác phẩm nữa. Chính cái phong cách văn học này trong tác phẩm của Virginia Woolf đã gây khá nhiều khó khăn cho tôi. Cuốn sách mang hình thức một tập tiểu luận, nhưng mặc dù không thiếu những ý tưởng uyên bác, nó không được viết bằng thứ ngôn ngữ hàn lâm lạnh lùng, khô cứng, tràn lan những thuật ngữ văn học khó hiểu vô hồn, mà bằng giọng văn sôi nổi đầy cảm tính chứa đựng niềm xác tín mãnh liệt vào những điều mình muốn chia sẻ cùng người đọc. Woolf là tiểu thuyết gia, bà thường được ghép vào xu hướng sáng tạo văn học có tên gọi là “dòng ý thức.” Tôi không rõ điều này có ảnh hưởng gì lên văn lý luận của bà, nhưng tôi có cảm tưởng, với cuốn Căn phòng riêng, bà đã dốc tất cả tâm tư mình vào đó với tấm lòng chân thành tuyệt đối. Bà viết nó với trái tim nhiều hơn là khối óc; hơn nữa, nó cũng không thiếu những đoạn trần thuật, miêu tả, độc thoại nội tâm như tiểu thuyết. Khi dịch cuốn sách sang Việt ngữ, tôi đã cố gắng duy trì phong cách duy cảm đó trong văn của bà. Điều đó, với tôi, chẳng dễ dàng chút nào, và quả thật tôi không dám chắc mình đã thành công.

 

Với một câu hỏi khác, phát thanh viên Thanh Hà hỏi tôi có ấn tượng gì khi tiếp cận quan điểm của tác giả, và tôi trả lời:

 

Chính  cái  sôi  nổi  đầy  cảm tính của  Virginia Woolf trong tập sách đã gây ấn tượng mạnh mẽ nơi tôi. Bạn có thể không đồng ý với nhiều điều trong quan điểm văn chương của bà (chẳng hạn, thiên tài như Shakespeare không thể sinh ra trong một gia đình tôi đòi, thất học, lao động tay chân; hoặc, phụ nữ viết văn phải có tiền và một căn phòng riêng), nhưng bà không hề khoan nhượng hoặc chấp nhận một quan niệm hòa giải nào, chẳng hạn, như khi bà đưa ra lập luận về sự ưu việt của khối óc lưỡng tính […]    Tôi cho đó là biểu hiện đặc trưng của nhà văn. Nhà văn như bà, khác với chính trị gia, là người không bao giờ chịu ép mình để đi đến sự hòa giải, vo tròn. Phải chăng bà là người cực đoan, có cá tính mạnh, chân thành với niềm tin của mình, xem nó như một đức tin tôn giáo? Và phải chăng bởi thế một hôm bà ra bờ sông, bước xuống dòng nước đang chảy xiết và không bao giờ trở về nhà?

 

Ấn bản Việt ngữ đầu tiên của cuốn Căn phòng riêng được Nhà xuất bản Tri Thức (Hà Nội) xuất bản năm 2009, nằm trong Tủ Sách Tinh Hoa và do Quỹ Phan Châu Trinh tài trợ. Đó cũng là tác phẩm đầu tiên của Virginia Woolf được dịch sang tiếng Việt. Năm 2016, cuốn sách được tái bản với ít nhiều sửa chữa và tăng bổ. Tuy nhiên, cả hai ấn bản chỉ phát hành trong nước, và đó là lý do khiến tôi quyết định tái bản lần này ở hải ngoại để độc giả bốn phương có cơ hội tìm đọc.

 

Rất mong cuốn sách được đón nhận một cách nhiệt tình để nó có thêm một đời sống thứ ba.

 

Trịnh Y Thư

 (California, 2023)

 

@@@

 

Sách đã có bán trên BARNES & NOBLE

216 trang, bìa cứng, giá bán: US$25.00

Xin bấm vào đường dẫn sau:

Can phong rieng by Virginia Woolf, Hardcover | Barnes & Noble® (barnesandnoble.com)

Search Keywords: Can phong rieng, virginia woolf

 

Hoặc liên lạc với người dịch qua địa chỉ email sau:

trinhythu2000@yahoo.com

trinhythu@gmail.com

  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...