Căn nhà của cha mẹ tôi dựng trên một khu đất rộng, chung quanh có hàng
rào, là những cây chè tàu được cắt ngay hàng thẳng lối, có cổng ra vào
được xây cao, có bức tường thành bằng quánh bao bọc.
Tôi nhớ là tôi ở trần, ở truồng, bò quanh khu nhà bếp một mình. Nhà
không có ai, mẹ tôi đi chợ, cha tôi đi làm ruộng, còn anh Giảng và chị
Khiêm bỏ đi đâu không biết. Tôi một mình, bò qua, bò lại nơi ảng nước,
nơi cối xay lúa, cối giã gạo. Bùn đất lấm lem, tôi vọc bùn, vọc nước,
vọc đủ thứ. Tôi bò loanh quanh đợi mẹ đi chợ về, lúc đó tôi hai, ba tuổi
gì đó.
<!>
Mẹ tôi đi chợ về thường mua cho tôi kẹo, tép phơi khô, hay bánh tráng,
bánh đúc và bế tôi lên, đem tôi ra giếng tắm rửa. Xong, lau qua quít cho
tôi, rồi cũng bỏ tôi bò lê bò la trong bếp, mẹ tôi còn phải đi cho heo
ăn, đi nấu cơm cho cả nhà ăn buổi tối.
Đó là những năm Việt Minh cướp chính quyền, là cuộc kháng chiến mười
năm. Có lúc chợ phải họp vào ban đêm, ai ai đi chợ đều phải cầm đèn, rất
sợ máy bay Pháp bắn. Phiên chợ như là một phiên chợ ma, mẹ tôi đi về
lầm lũi. Mẹ nấu cơm, kho cá, kho thịt lầm lũi. Đến khi ăn cơm, mẹ kêu cả
nhà xuống bàn, mẹ thường mua thịt heo về luộc rồi quấn với bánh tráng,
rau sống, món ăn cả nhà rất thích. Anh Giảng tôi thường được mẹ cho ra
đứng canh ngoài ngõ, có ai đến thì chạy mau vào nói với mẹ, mẹ liền dẹp
ngay mấy dĩa cá hoặc dĩa thịt, còn lại trên bàn toàn là rau và mắm.
Một hôm, cũng một buổi chiều, có ông Nuôi là người tham gia chính quyền
xã, ông vốn là một nông dân, là thành phần bần nông, nay Việt Minh lên,
ông hăng say hoạt động, rồi được tham gia chính quyền, làm trong uỷ ban
kháng chiến xã. Ông bận cặp đồ đen, chắp tay sau đít, vào nhà tôi và đi
xuống dưới bếp. Mẹ tôi đang nấu cơm, ông Nuôi tới gần bếp, dòm vô nồi
cơm đang nấu và nói: “cụ Hồ biểu mợ sáo khoai.”, câu nói có ý nghĩa là
trong lúc đất nước đang chiến tranh, mọi người dân phải thắt lưng buộc
bụng, không được ăn cơm không, gạo cần cho kháng chiến. Mẹ tôi nói: “Tôi
sáo ba phần khoai một phần cơm rồi đó.”. Ông Nuôi im lặng đi ra. Mẹ tôi
càng ngày càng giữ gìn hơn, lúc nào trong bếp cũng có một rổ khoai lang
khô để bên, như là đang chuẩn bị độn thêm vào nồi cơm đang nấu.
Đó cũng là những ngày chính quyền phát động chiến dịch tiêu thổ kháng
chiến. Buổi tối nào cũng có loa phát động phong trào, đèn đuốc sáng
trưng ngoài đình, ngoài “dỏ”, ngoài trường tiểu học. Chị Khiêm tôi vào
đoàn thiếu nhi cứu quốc, cùng các chị bạn như chị Cần, chị Sử, chị
Phương, thành phần bần cố nông cốt cán trong làng, cùng đi họp suốt đêm.
Cứ mặt trời vừa lặn là tôi nghe tiếng chị Sử từ xóm dưới đi lên, đứng
ngoài ngõ nhà tôi réo gọi: ”Khiêm ơi! Đi họp”, cùng tiếng hát của thiếu
nhi ngoài đình vọng lên: “Đoàn kết chung ta là sức mạnh, đoàn kết chúng
ta là sắt gang…” hay “Việt Trung Xô muôn năm Việt Trung Xô.”
Trong giai đoạn này, dưới miệt biển đông, dưới miệt biển Tam Ấp, máy bay
bà già của Pháp bay ì ầm, thả hỏa châu sáng trưng. Dân chúng cả xã
chuẩn bị tản cư, ai cũng tay nãi, tay xách. Nhưng quân Pháp suốt thời
gian đó không đổ bộ lần nào, thế mà chiến dịch tiêu thổ kháng chiến vẫn
tiến hành rầm rộ. Cứ mỗi tối đến là các gian nhà ngói của những gia đình
giàu có trong xã như nhà ông xã Sáu, ông xã Chánh, ông chánh Tri, ông
trợ Ngọc, ông chánh Thận, lần lượt bị nông dân trèo lên dỡ sập. Hàng
hàng lớp lớp dân chúng, người khiên kèo, người khiên cột, rui, mè, ngói,
gạch, quánh, đá, đều được gánh đi, được chính quyền thông báo là số
vật dụng này sẽ làm hàng rào để cản quân Pháp khi Pháp tấn công, sẽ làm
những hầm chông đào sâu xuống đất như cái giếng nước, bên trên được lợp
một lớp ván, rồi trải đất lên, khi quân Pháp kéo đến, lớp ván sẽ được
rút đi, còn lại lớp đất mỏng ngụy trang, quân địch đi ngang qua sẽ bị
sụp, rớt xuống, bị xóc chông, không còn đường nào thoát. Nhưng thật
tình, ngói, gỗ được dỡ từ những căn nhà trên phần nhiều đều lọt vào tay
những nông dân. Thật là một cuộc san bằng giai cấp kỳ diệu.
Mẹ tôi thuê anh sáu Quế tìm một bụi rậm nhứt trong hàng rào, đào hầm bí
mật ở đó. Anh đào cả chục ngày mới xong. Cái hầm bí mật sâu trong lòng
đất được đậy điệm kỹ lại bằng những tàng cây rậm, có lỗ thông hơi. Tôi
đã rúc xuống dưới đó thử và nghe lạnh cả người, không khí lạnh, đất ẩm
rất ngột ngạt.
Nhưng quân Pháp vẫn chưa đổ bộ lần nào mà dân chúng thì sống thật chộn
rộn trong không khí chuẩn bị chiến tranh cận kề. Có những đêm, bộ đội ở
đâu tập trung về đầy cả sân vườn nhà tôi. Trong ánh đèn bập bùng đó, tôi
biết có anh tên Huê, có anh tên Hành, có anh tên Thủ, thường hay đóng
quân trong nhà tôi, hay bồng bế tôi. Mẹ tôi hay nấu cơm vắt cho các anh
đem theo, vì mẹ là “mẹ chiến sĩ” mà, chiến sĩ đã dùng ba tấc lưỡi ngọt
ngào để bòn rút từng bát cơm, từng củ khoai của mẹ, đáng lẽ mẹ để dành
cho các con ăn.
Có một ngày, máy bay Pháp đến oanh tạc, tôi không biết có bao nhiêu
chiếc khu trục mà nó bay vần vũ ầm ầm cả một vùng trời, rồi thả bom và
bắn. Tôi, chị Khiêm, anh Giảng liền rúc xuống hầm tránh đạn, mẹ tôi
xuống sau cùng. Căn hầm thì chật mà đến bốn người nấp. Mẹ tôi nấp phía
ngoài cùng, cả thân hình mẹ dang ra che chắn cho ba chị em tôi ở phía
trong. Tôi chưa biết gì nhưng cũng sợ hãi lắm. Máy bay vần vũ trên đầu
rồi bắn và thả bom. Vỏ đạn rơi lanh canh trên sân, trên nóc nhà. Chúng
tôi nằm úp mặt xuống đất phó cho trời đất. Cũng hơn một giờ đồng hồ sau
máy bay mới bay đi. Thật hú hồn! Chúng tôi ra khỏi hầm thì một cảnh trí
kinh hoàng bày ra trước mắt. Cây cối trong vườn đều bị ngã rạp hết. Cây
dừa, cây vú sữa, cây mãng cầu đều bị tiện ngang. Lửa bốc cháy trên chợ,
trên đường rầy xe lửa. Đạn bắn trúng hầm chứa dầu đậu phụng của bà giáo
Sam, lửa bốc cháy cao có ngọn. Tôi chỉ biết đi tìm vỏ đạn nhặt để dành.
Sau này khi nghĩ lại cảnh núp hầm tránh máy bay của mẹ con tôi, tôi thấy
mẹ như con gà mẹ dang cánh che cho đàn gà con khi bị diều hâu sà xuống
bắt, gà mẹ có đôi cánh cứng và bộ lông xù, khiến cho diều hâu không làm
gì được, còn mẹ tôi, chỉ có thân hình người, da thịt người, làm sao che
được đạn bom.
*
Mẹ tôi rất quê mùa, ăn mặc đơn giản, áo đen, quần đen, thường thì mẹ đi
chân không, đôi bàn chân mẹ đúng là bàn chân giao chỉ, hai ngón cái chìa
ra. Mẹ rất ít khi mang guốc dép. Sau này khi tụi tôi lớn lên, thường
bắt mẹ mang guốc hay dép, bận áo dài, nhưng mẹ tôi mặc đó rồi lại cởi
đó.
Mẹ không đẹp, lỗ mũi to và hơi hỉnh. Răng mẹ đều nhưng lại ăn trầu đen.
Tóc mẹ búi ra phía sau thành cục. Thỉnh thoảng đi đâu mẹ mới xức dầu
dừa, còn không thì tóc mẹ khô. Mẹ đi nhanh và làm gì cũng hấp tấp, nên
cuộc đời mẹ khổ. Mẹ không bao giờ ngồi không, không làm việc ngoài đồng
thì ở nhà mẹ cũng làm một việc gì đó, như nuôi tằm, làm giá đậu xanh,
tưới rau, nghĩa là mẹ không bao giờ yên nghỉ.
Tôi chưa thấy cha mẹ tôi ngủ chung bao giờ. Thường thì buổi tối tôi ngủ
với cha và anh Giảng ở bộ ván ngựa giữa căn nhà, còn mẹ tôi nằm trên
giường dưới nhà ngang. Tôi chưa thấy cha mẹ tôi có cử chỉ âu yếm với
nhau lần nào, như hôn nhau hoặc cầm tay nhau. Thường thì mẹ tôi thức dậy
rất sớm, mẹ xuống bếp nấu cơm cho mọi người ăn sáng. Cha tôi cũng dậy
sớm. Khi tôi thức dậy thì thấy hai người đã ngồi dưới bếp nói chuyện với
nhau, thường thì nói chuyện công việc làm ăn cũng như chuyện thiên hạ
sự.
Mẹ tôi có một thời làm “mẹ chiến sĩ” của bộ đội, nhưng bộ đội chỉ bòn
rút của mẹ thôi. Họ làm như thương dân lắm, đến nhà nào cũng cầm cây
chổi quét nhà, cũng xách cây cuốc dọn cỏ, nhưng sau đó thì xin ăn. Trong
lúc dân chúng ai cũng đói nhăn răng mà phải nhường cơm cho bộ đội, lo
cơm đùm cơm gói cho bộ đội mang đi. Sau này đến ngày “quốc gia tiếp thu”
mẹ tôi mới nói ra điều đó.
Trong những ngày phát động chiến dịch cải cách ruộng đất, tôi luôn nhớ
những đêm tối có những tiếng loa vang vang khắp thôn xóm. Tiếng loa
thông báo hôm nay có đấu tố tên địa chủ nào, ở đâu, và kêu gọi đồng bào
đi tham dự đấu tố. Tôi còn nhớ hai lần mẹ tôi đã đi. Mẹ tôi bỏ hai ngày
làm ruộng cùng dân chúng trong xã lên đến tận xã Kỳ Long, nơi có cuộc
đấu tố ông Vũ Ấn, được gọi là “tên địa chủ ác ôn” (ông Vũ Ấn là cha giáo
sư Vũ Ký và họa sĩ Vũ Hối) và cuộc xử tử ông Hồ Đệ, một đảng viên Việt
Nam Quốc Dân Đảng, với tội danh Việt gian đã bỏ kháng chiến, nhảy đồn
theo Tây. Vụ xử làm xôn xao cả huyện. Tôi chỉ nhớ đó là một đêm sáng
trăng, mẹ tôi, chị hai tôi, đi từ chiều đến khuya lơ mới về. Buổi sáng
hôm sau thức dậy, tôi thấy mặt mẹ buồn xo, tôi hỏi mẹ, mẹ nói nhỏ với
tôi, “con đừng hỏi, dễ sợ lắm.”
Đó là thời kỳ trí nhớ tôi còn mù mờ, nhớ cái được, cái mất. Nhưng những
hình ảnh kể trên nó như một dấu ấn dập mạnh vào tâm hồn trẻ thơ của tôi,
để đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn hình dung như có tiếng phèng
la đánh liên hồi, tiếng trống cơm giục giã, đèn đuốc sáng trưng tỏa khắp
thôn làng, và người người tấp nập đi dỡ nhà của các gia đình giàu có
trong xã, để làm chiến dịch vườn không nhà trống trong công cuộc tiêu
thổ kháng chiến. Nhà tôi lúc đó là một ngôi nhà tranh nhưng cha mẹ tôi
không đi dỡ nhà nhà của người khác làm của mình. Chỉ có đám nông dân tá
điền được thời thế tạo nên, hăng say trong chiến dịch tiêu thổ kháng
chiến, phá nhà người khác đem về làm của riêng. Thoáng chốc chỉ trong
mấy đêm mà làng tôi không còn một ngôi nhà ngói nào. Làng xóm tiêu điều
xơ xác. Gia đình ông xã Sáu, ông xã Chánh tản cư lên Thành Mỹ làm cái
chòi nhỏ giữa vườn để tránh bom đạn, hay khu chợ Quán Rường buồn thiu,
không ai dám họp chợ ban ngày…
Đến ngày quốc gia tiếp thu, những toán lính quốc gia đội nón sắt, tay
cầm súng, vai mang ba lô đi từ Quốc Lộ 1 vào thôn An Phước, rồi những
toán lính khác đi từ ngã ba Chiên Đàn tiến lên quê tôi. Toán từ ngã ba
Chiên Đàn dừng quân lại ở Cống Trắng, vì bị đám dân chúng biểu tình cản
trở không cho tiến quân. Chị Vân, chị Thu, bạn chị Khiêm tôi, đang đi
học, nghe nói đi biểu tình, thấy vui nên đi theo, gặp chị Khiêm tôi đi
chợ Chiên Đàn về, rủ đi, nhưng chị Khiêm tôi nói về nhà cất đồ rồi xuống
sau. Đám dân chúng đi biểu tình đứng trước đoàn lính quốc gia, tay cầm
cuốc, cầm xẻng, chỉ vào mặt đám lính mà chửi, “đồ phản quốc, đồ Việt
gian”. Ông Toán cầm đầu đám biểu tình đã nói rỉ tai dân chúng: “Các ông
các bà cứ chửi và cản đường bọn nó lại, súng ống của tụi nó, xe cộ của
tụi nó đều làm bằng giấy”. Toán lính tiến lên, đám biểu tình vừa chửi
vừa dùng cuốc xẻng gậy gộc cản đường. Người chỉ huy được lệnh tiến, ai
cản sẽ nổ súng, rồi có tiếng súng nổ, tiếng người kêu khóc, tiếng chân
chạy sầm sập. Cuộc biểu tình ở Chiên Đàn đã làm cho một số dân chết oan.
Ông Toán mở ngực áo nói: “Tụi bay bắn tau đi, có giám bắn không? đồ
súng giả”, thì một loạt đạn nổ. Ông Toán chết. Hôm đó xác dân chúng biểu
tình chết khiêng về nườm nượp, trong đó có chị Thu, chị Vân đi coi biểu
tình cũng bị chết. Còn có anh Truy, người anh rể họ của tôi đã hăng hái
đi biểu tình cũng bị bắn lủng ruột, đem về nằm nhà khoảng tuần sau là
chết. Toàn xã dân chúng bị chết rất nhiều, nhưng những cán bộ nằm vùng
xúi giục dân chúng đi biểu tình lặn đâu mất tăm. Đó là vụ “đấu tranh” ở
Chiên Đàn. Cùng thời điểm đó cũng có những cuộc đấu tranh ở Cây Cốc
thuộc huyện Tiên Phước, ở Chiêm Sơn…
*
Cha tôi ra làm hội đồng hương chính xã với chức vụ uỷ viên kinh tài lo
việc thu thuế chợ, thuế đất, cho vay tiền nông tín. Cha tôi sắm một
chiếc xe đạp sườn cao, đi làm ở cơ quan ngày hai buổi. Mẹ tôi vẫn làm
việc đồng áng, nếu rảnh rỗi thì đi mua đậu phụng về ép dầu bán. Thời
gian này là thời gian thanh bình. Dân chúng họp chợ, coi cải lương, đi
xe đạp có chuông bóp kêu leng keng, thanh niên đầu chải brillantine láng
bóng. Chị Khiêm tôi đã lớn, đi làm y tá, má đỏ môi hồng, có nhiều chàng
thanh niên gắm ghé. Cha mẹ tôi đã làm nhà ngói, một căn nhà to ở trên,
một nhà ngang và một nhà bếp. Ngoài vườn có một cái chuồng bò, bên cạnh
chất một đống rơm cao nghệu. Người ta thường nhìn đống rơm của từng nhà
mà ước lượng sự giàu có của gia đình đó, đống rơm càng to thì gia đình
đó càng sung túc.
Tôi cũng đã lớn theo thời gian, đã mười một, mười hai tuổi, nhưng vẫn
còn thích bú vú mẹ, mỗi khi mẹ đi đâu về tôi thường sà vào lòng mẹ, kéo
vú mẹ ra bú. Mẹ hết sữa nhưng bú vú mẹ như là được một sự che chở, một
niềm vui, và tôi cũng ngủ đi trong những giấc ngủ trẻ thơ như thế.
Tôi cũng bắt đầu nghịch ngợm, bắt đầu phá phách và “hoang” lắm. “Hoang”
nghĩa là ngỗ nghịch, là tập tò hút thuốc lá, là đi bắn chim dang nắng
suốt buổi trưa ở ngoài trời, là đi hái chanh trộm ở khu vườn nhà ông
Nhẫn, ông tư Trí láng giềng. Mỗi lần như vậy, mẹ tôi thường lấy roi quất
vào mông tôi đau quắn đít. Tôi thường chạy chứ không giám đứng lại, tôi
chạy thục mạng nên mẹ tôi phải đuổi theo và la to “bớ làng, bắt dùm tôi
cái thằng cộng sản”, tôi cứ chạy để tránh xa cái tầm chạy của mẹ và tự
nghĩ rằng “cái thằng cộng sản là cái thằng ghê lắm, ác lắm nên mẹ tôi
mới ví với tôi, để bắt tôi lại cho ăn đòn".
Từ một người mẹ chiến sĩ có gì cũng mang cho bộ đội ăn, đến bây giờ mẹ
tôi không ưa thích nữa, có phải là cha tôi ở về phía quốc gia, và những
ngày kháng chiến mười năm đã khiến cho mẹ tôi thấy hết bộ mặt thật. Mẹ
tôi thường ngâm câu ca dao: “Bề ngoài thơn thớt nói cười. Bề trong nham
hiểm giết người không dao.”
*
Mẹ tôi thật đáng yêu biết dường nào.
Thế mà khi “yêu em”, em cao vời, cao vọi. Tôi lại thấy mặc cảm vì tôi có
người mẹ quê mùa. Lúc đó, tôi đi dạy học ở một trường quận lỵ. Tôi đã
đi dạy mấy năm mà chưa cho mẹ được đồng nào. Mỗi khi nghỉ dạy tôi về nhà
chỉ thoáng qua, rồi đi chơi với bạn bè. Rồi khi tôi “dính” vào mối tình
em, tôi càng ít về nhà hơn. Lúc này, nhà tôi đã tản cư từ quê xuống
quận lỵ tị nạn cộng sản. Quê tôi không còn yên ổn nữa. Nhà tôi ở quê bị
bắn cháy, đạn từ hai phía cày nát ruộng vườn, cây trái, cày nát bức
tường thành, sân gạch… Nhưng không cày nát được cánh cổng nhà tôi, cho
nên mỗi khi về, đứng trên nền nhà cũ, tôi vẫn thấy như ngôi nhà của tôi
còn sừng sững trước mặt tôi.
Bây giờ thì cha mẹ tôi đã bỏ ruộng, bỏ vườn, bỏ quê, bỏ xóm, để đi tản
cư, tị nạn. Cha mẹ tôi buồn lắm. Cha tôi chỉ còn cái radio Ấp Chiến Lược
bên mình nghe làm vui. Còn mẹ tôi thì đi bán thuốc lá ngoài chợ khu Nam
kiếm đồng lời nho nhoi, ít ỏi, nuôi gia đình. Ngôi nhà tranh cha mẹ tôi
mua lại của ông tú Duyên, người cùng quê, đã vào Sài Gòn sinh sống. Vào
nhà phải đi sâu vào một con đường đất hẹp, uốn khúc đôi ba lần mới tới,
căn nhà nhỏ trông thật tồi tàn.
Nên khi tôi yêu em, tôi nghĩ em cao vời, cao vọi, em như là ở một giai
cấp khác tôi, còn cha mẹ tôi thì nhỏ nhoi, cái chức hội đồng hương chính
xã của cha tôi lu mờ quá.
Có một hôm tôi đi trên đường Nguyễn Thái Học, đường về nhà tôi, tôi
thấy cha tôi đi chiếc xe đạp từ trên quê về. Ông bận cặp đồ bà ba trắng
đã cũ, đội chiếc mũ phớt cà tàng. Khi cha tôi tới gần, tôi ngó lơ. Cha
tôi thấy tôi chở em trên chiếc xe liền quay lại nhìn, em hỏi tôi: “Ai
vậy anh?” . Tôi lấp liếm quanh co “Một người quen”. Với mẹ tôi cũng thế,
tôi đi trên chiếc xe Suzuki mới mua, chưa chở cha mẹ một lần nào, chỉ
chở em. Gặp mẹ tôi đi bán thuốc rê ở ngoài chợ về, tôi không dừng lại mà
chạy xe qua luôn, em hỏi tôi, “Ai vậy anh?”. Tôi nói: “Bà hàng xóm.”
Vừa nói vừa đỏ mặt tía tai, không biết tôi ngượng vì mẹ tôi quê mùa hay
vì tôi dối trá.
Sau ngày miền Nam thất thủ, tôi đi trình diện và vào trại tập trung.
Những ngày ở trại tập trung tôi nhớ em nhiều hơn nhớ mẹ, có lẽ thế,
nhưng mẹ dù ở xa bao nhiêu, khi tôi gởi thư về nói mẹ đi thăm là mẹ đi.
Mẹ gầy rạc, mẹ đói lả, mẹ cũng không bỏ tôi. Giọt nước mắt mẹ tôi rơi ở
trại tập trung Xuân Phước năm nào còn rơi thấm mãi trong hồn tôi cho đến
bây giờ. Mẹ ốm o, mẹ gầy mòn, mẹ quê mùa, nhưng mẹ chơn chất, thật thà,
chịu đựng.
Những ngày mẹ già nua, mẹ cũng ở một mình. Sau khi ra khỏi trại tập
trung, tôi không giám trở về quê cũ. Sau bảy năm tù tội, tôi đã thấm
đòn, nên tôi phải bỏ quê nhà mà đi. Không có một đồng bạc lận lưng,
không có một mái nhà, không nghề nghiệp lại bị công an theo dõi từng
ngày, nên tôi không dẫn được mẹ tôi theo, cả anh tôi cũng vậy. Hai đứa
con trai của mẹ phải sống lẩn lút trên vùng kinh tế mới suốt mấy năm,
nên cả hai đành bất lực, không nuôi nổi được mẹ, không được ở gần mẹ. Đó
là một điều tôi ân hận suốt đời. Cuộc đời có biết bao lần ân hận vì
những điều không toại ý, nhưng nỗi ân hận về mẹ, không chăm sóc, không
sống được với mẹ lúc mẹ đã già, đã làm tôi đau nhói nhất, đau điếng
nhất, ân hận nhất.
Tôi chưa bao giờ tưởng tượng cái ngày mẹ tôi mất, hay tôi mất mẹ. Nghĩ
tới ngày đó tự nhiên tôi rùng mình sợ hãi. Khi mình có vật gì quý nhất
trên đời mình chỉ sợ mất đi, nên tôi không dám nghĩ tới, không dám tưởng
tượng. Chỉ tưởng tượng thôi cũng đủ thấy nó hãi hùng thế nào, huống hồ
gì khi mình chạm mặt với sự thật.
Nhưng tôi mãi ám ảnh về ngày chết của mẹ trong những lúc ở tù, ở vùng
kinh tế mới, những ngày đạp xích lô rạc rài sống lang thang ở Sài Gòn.
Tôi nghĩ đến nỗi cô đơn của một bà già trên tám mươi tuổi, sống đơn độc
trong ngôi nhà lạnh lẽo, tôi như bị hụt hơi. Dù mỗi lần Tết tôi đều về
thăm mẹ, thấy mẹ khoẻ là tôi vui, thấy mẹ ốm là tôi lo buồn, nhưng tôi
cứ tự trấn an mình là “nước mắt chảy xuôi.”
Ơi! Nước mắt chảy xuôi! Cho đến ngày ở Sài Gòn, tôi được tin mẹ tôi đau
nặng, tôi liền mua vé xe đò về ngay bên mẹ. Mẹ ốm o, mẹ gầy mòn, mẹ còm
cõi, mẹ bịnh hoạn. Những cơn ho của mẹ bất tận, những cơn tức ngực làm
mẹ giãy giụa, quằn quại. Mẹ bị bịnh có nước trong phổi và tim bị lớn, mẹ
phải nửa nằm, nửa ngồi, chứ không thì bị tức ngực. Thế mà tôi không đủ
tiền để mua cho mẹ cái ghế nằm dựa lưng cho mẹ dễ thở.
Cuối cùng thì mẹ chết trên tay tôi, tôi ôm mẹ trong tay như ôm một cành
cây khô trụi, đã hết nhựa sống. Suốt cuộc đời mẹ, nhựa trong người mẹ đã
chuyền hết cho các con, mẹ đã trải qua những chặng đời cực nhục quá. Sự
vinh hiển về những đứa con chỉ nằm trong tâm thức, còn suốt đời mẹ,
không một ngày nào mẹ được sung sướng.
Tôi ôm mẹ trong tay, mẹ như một cành khô, mắt mẹ đăm đăm nhìn vào một
khoảng xa nào đó, rồi mẹ lịm đi, tim mẹ đã ngưng đập. Tôi biết mẹ tôi đã
chết, cái giờ phút kinh hoàng, hãi hùng nhất của tôi đã đến. Mẹ đã đi
vào cõi vô cùng, của huyền bí, ngút xa.
Và tôi nhận chân là tôi đã mất mẹ từ đây. Vĩnh viễn. Suốt chặng đời còn
lại, tôi sẽ không còn được thấy mẹ, được rờ tay mẹ, được hôn lên trán
mẹ, hôn lên khuôn mặt nhăn nheo cam khổ của mẹ nữa.
Đó là ngày tôi cảm thấy cô đơn nhất, bơ vơ nhất. Tôi chợt nhận ra rằng
tôi đã mồ côi mẹ, ngày tôi bốn mươi hai tuổi, như câu thơ tôi được đọc
từ ngày nhỏ dại:
tôi thấy tôi mất mẹ
như mất cả bầu trời
lần đầu tiên tôi hiểu
thân phận kẻ mồ côi
Từ đó, ở đâu và lúc nào, tôi thấy như không còn ai thương tôi nữa. Không còn ai, thay thế được tấm lòng ấy, con người ấy.
Mẹ! Mẹ đã đi về phía hoàng hôn.
Trần Yên Hòa
(tương nhớ mẹ nhân ngày của Mẹ
14-5-2023)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét