Thứ Tư, 28 tháng 6, 2023

Trầm Hương Phố Lạ - Hoàng Chính


HỌA SĨ HỒ HỮU THỦ VÀ THẾ GIỚI MỘNG ẢO... - Green Palm Gallery | Facebook

tranh hồ hữu thủ

 

Hai cây cột đèn bên kia đường mỗi cây ném cho hắn một chiếc bóng. Một nghiêng về bên phải, một ngả sang bên trái nhưng cùng một đôi chân, như thể từ đôi chân ấy mọc ra hai hình hài riêng biệt. Hắn liếc nhìn ông anh vợ đi bên cạnh. Bóng anh ta cũng chẻ thành đôi. Những đôi chân dán cứng xuống đất khi hai người ngập ngừng bước lên bậc thềm, lọt vào khung một cửa tiệm đỏ thẫm ánh đèn.

Mùi thơm phảng phất của nước hoa, của trái cây chín tới lùa vào mũi hắn.

<!>

 

Ánh đèn đỏ lè bên trong. Hắn phải nheo mắt lại để nhìn cho rõ. Ngay bên lối vào là một cái quầy phủ lớp vải ren mỏng. Một đĩa trái cây nằm trên mặt quầy. Hắn liếc vội mấy trái táo tròn bóng lưỡng chen chúc với chùm nho chín mọng, rồi hồi hộp nhìn qua người đàn bà đứng tuổi ngồi phía sau quầy.

Cặp lông mày tô đặm nhướng lên, vòng môi người đàn bà cong lại, “Massage?”

Hắn vội vã gật đầu. Bởi chần chừ, người đàn bà sẽ hỏi han lôi thôi bằng thứ tiếng Anh lai giọng, hắn sẽ phải vất vả tìm câu trả lời. Hơn nữa đây là tiệm massage. Bảng hiệu ba thứ tiếng gắn ngoài cửa ghi rõ ràng như thế.

Người đàn bà nói giá tiền. Hai gã thanh niên loay hoay đếm từng đồng bạc. Hắn đã chuẩn bị sẵn. Những đứa có dịp trốn trại ra thành phố chơi, đem về vô số thông tin. Tiệm nào, ở đâu, giá cả bao nhiêu, đi ta-xi hết bao nhiêu. Có đứa còn cả quyết tiệm này hình như có một em người Việt. Người đàn bà tỉ mỉ vuốt cho thẳng và thong thả đếm những đồng tiền giấy. Hắn cẩn thận nhét tờ hai chục – tờ giấy bạc duy nhất – còn lại sâu vào túi quần. Mất là lát nữa không có tiền trả ta-xi về trại.

Người đàn bà chỉ những chiếc ghế kê cạnh nhau ở sát vách ba bức tường, “Ngồi đi.” Hai đứa nhanh chân ngồi thụp xuống chiếc ghế nệm dài. Mỗi đứa một đầu. Cả hai quả tim cùng lao xao trong hai lồng ngực. Người đàn bà ngoái cổ ra phía sau réo một tràng tiếng Mã Lai. Vài giây sau, ba cô gái vén tấm màn ren thưa như vải mùng bước ra nhìn hai đứa hắn.

“Pick one.” Người đàn bà nói lớn. Hắn hiểu. Gã anh vợ của hắn cũng hiểu và nhanh tay chỉ cô gái da đen to con gấp đôi anh ta. Hắn nhếch mép cười và rụt rè chỉ ngón tay vào cô gái có dáng người nhỏ nhắn nhất: cô gái Á Châu. Thông tin rỉ tai quả là chính xác, nhìn cô gái này biết ngay là người Việt. Nhưng người Việt sao lại lạc qua tận nơi này. Chút băn khoăn dấy lên trong lòng hắn.

Cô gái thứ ba – một cô Ấn Độ có đôi mắt to, bộ ngực bề thế và chếc váy cũn cỡn trên đùi – nhún vai, xoay lưng, vén tấm màn ren ngúng nguẩy bước vào phía trong. Hắn chợt áy náy. Hắn không muốn làm ai thất vọng. Trong đời hắn đã thất vọng nhiều rồi. Hắn cảm được nỗi ê chề của cô gái không được chọn. Nhưng biết làm sao bây giờ.

Cô gái da đen nắm tay anh vợ hắn lôi đi. Cô gái Á Châu nhìn hắn, cười, rồi ngoắc tay. Hương trầm thoang thoảng không gian. Hắn ngoan ngoãn bước theo cái dáng mỏng manh ấy, thầm tiếc sao cô không nắm cổ tay hắn mà kéo đi, như cô gái da đen làm với anh vợ hắn.

“Con ấy nhỏ xíu, đấm bóp yếu xìu, sao không lấy con nhỏ Ấn Độ?” Anh vợ hắn đã bị kéo đi còn ráng nghểnh cổ lại, nói tiếng Việt với hắn. Hắn vội xua tay, bởi hắn sợ lỡ cô gái của hắn nghe được tiếng Việt thì kỳ lắm.

Anh vợ hắn toét miệng cười. Dưới ánh đèn đỏ lè, mờ ảo, cái bóng nhỏ bé của gã Việt Nam chìm vào cái khung đồ sộ của cô gái da đen. Cả hai biến đi sau một khung cửa. Cô gái của hắn thoăn thoắt bước, buông lại phía sau mùi hương lạ lẫm. Hắn nhanh chân bước theo. Hai cánh mũi phập phồng. Lồng ngực căng cố nén cho đầy, cho sâu cái mùi dịu dàng hương phấn lẫn chút trầm hương thanh thoát. Lâu lắm không hít hà được mùi hương của đời sống. Phải như hắn có thể đổ đầy cái mùi gợi cảm ấy vào một chiếc hộp, đậy nắp kỹ, đem về cái góc lụp sụp trong căn lều ở trại tị nạn, lâu lâu mở ra hít hà thì hạnh phúc biết chừng nào.

Đang thoăn thoắt bước, cô gái đứng sựng lại, quay người đẩy một cánh cửa bên lối đi. Hắn dán mắt vào tấm bảng nhỏ gài trên khung cửa. Ba con số nằm cạnh nhau. 007. Vậy là hắn vào phòng số bảy. Hắn quên nhìn xem ban nãy anh vợ hắn bị kéo vào phòng số mấy. Và hắn ngạc nhiên về cách ghi số phòng của tiệm này. Như thể họ có hàng trăm căn phòng nên phải ghi tới ba con số để khỏi nhầm lẫn. Cô gái khép cửa, vói tay bật công tác điện. Ánh sáng màu xanh tràn ngập căn phòng. Vừa mới quen với chất màu đỏ thẫm của ngọn đèn hành lang và phòng khách, hắn phải chớp mắt mấy lần mới quen được với ánh đèn xanh dịu dàng, màu của bầu trời mùa hạ ngập nắng và vũng biển biếc xanh. Máy lạnh ở góc phòng phả ra cái hơi mát dịu dàng.

Cô gái cởi áo khoác, treo lên cái móc trên tường. Rồi cô xoay lại, nhoẻn miệng cười, chỉ vào người hắn. Hắn lúng túng loay hoay mấy cúc áo. You need help? Cô hỏi, giọng trong. Hắn xua tay, it’s okay. Cô cởi luôn áo ngực, treo lên tường. Thân hình mỏng mảnh chỉ còn chiếc quần lót vừa một lòng bàn tay. Hắn hồi hộp liếc trộm đôi vú vun đầy. Dưới ánh đèn biếc xanh, vệt bớt son trên vòm cong ngực trái cô gái tím ngắt, như vết bầm. Và hắn chóng mặt. Ánh đèn xanh mướt biến thân thể cô thành loài thủy quái dưới thủy cung.

Cô lấy trong túi xách một cái kẹp tóc, gom mái tóc và kẹp lại sau lưng. Hắn đứng ngẩn nhìn và thầm tiếc. Phải chi cô cứ để tóc xõa nhìn sẽ thơ mộng hoặc có chút gì đó liêu trai hơn.

Cô chỉ chiếc giường nhỏ có tấm nệm mỏng và khăn trải biếc xanh ánh đèn, gật đầu nhìn hắn. Hắn ngoan ngoãn trèo lên và nằm sấp trên lớp vải mát rượi. Cô leo lên giường theo hắn, hai đầu gối hằn trũng mặt nệm.

“Anh ở đâu?” cô hỏi bằng tiếng Anh, hai bàn tay xoa nhẹ trên lưng hắn.

Hắn nghiêng đầu trên mặt chiếc gối tẩm nước hoa để trả lời, “Kuala Lumpur.”

Hai bàn tay cô sựng lại, “Đây là Kuala Lumpur mà.”

“À, trong trại tị nạn.”

Những ngón tay lại xoa đều trên lưng hắn, “Làm gì trong đó?”

Hắn bảo hắn chẳng làm gì cả. Ngày ngày học Anh Văn và chờ được phỏng vấn. Những ngón tay người con gái lại nằm yên trên lưng hắn. Hắn vội tiếp, “Tôi là dân tị nạn.” Và để cô khỏi hiểu lầm, hắn nói thêm, “Tôi là người Việt Nam.”

“À!” Cô gái thở phào. “Thì ra vậy.”

Cô vừa xoa bóp lưng hắn vừa hỏi ở trại tị nạn được ăn những gì. Hắn kể về những con cá rán cháy. Những miếng thịt gà nướng khô. Và những thố cơm nồng mùi khét. Cô chép miệng. Cô hỏi hắn hết ở trại tị nạn thì đi đâu. Hắn bảo cũng không biết nữa. Tính xin đi Mỹ mà chẳng biết có được nhận không.

Nắn bóp từ cổ sang bả vai, xuống lưng hắn xong, cô chống hai tay hai bên người hắn, và đắp thân thể cô lên người hắn. Dùng đôi vú mềm xoa đều lưng hắn.

“Trại tị nạn tên gì?” Cô hỏi. Hơi thở nóng ran trên gáy hắn. Da thịt mùi trầm gây gây. Hắn nói cho cô nghe cái tên trại bằng giọng hụt hơi. “À,” cô reo lên khe khẽ. “Tôi biết rồi. Ngày nào tôi cũng đi qua chỗ ấy. Thấy người ta đứng bám tay vào hàng rào, nhìn ra ngoài.”

Cô làm hắn nhớ những buổi chiều đứng ở hàng rào bên hông trại, nhìn ra Kuala Lumpur, đứng hoài cho đến khi đêm xuống, mơ tưởng cái ngày khăn gói rời trại, đi định cư ở một quê hương khác. Đêm xuống, một vừng ánh sáng bao phủ những cao ốc nhấp nhô trong cái nền đen của bầu trời nhiệt đới lấp lánh những vì sao. Có những đêm trăng tỏ, hắn say trăng. Nhìn hoài, bởi trăng rất quen, như trăng ở quê nhà.

“Nhìn họ, thấy tội nghiệp,” cô chợt nói.

“Có tôi trong đám ấy đó.”

Hắn nghe tiếng thở dài của cô gái, cảm động hay mỏi mệt sau một ngày dài làm việc hắn cũng không rõ, nhưng hắn cố tin cô thở dài vì cảm động.

“Tôi cũng người Việt Nam,” cô chợt nói.

Hắn ngóc đầu dậy như con kỳ đà thấy mồi.

“Hồi nhỏ tôi ở Việt Nam,” cô nói nhỏ. “Trong Chợ Lớn.” Cô phát âm hai chữ Chợ Lớn nghe tức cười nhưng hắn không buồn cười. “Mẹ tôi gửi tôi cho dì nuôi tôi hồi ba tuổi.”

“Tại sao?”

“Bên Việt Nam đánh nhau hoài… với lại cha tôi không thích…”

“Sao cha cô lại không thích?”

“Tôi không phải con ông ấy.”

“Thế bây giờ cha mẹ cô…”

“Mất liên lạc.”

Hắn nhớ như in thời kỳ chiến dịch bài Hoa trong nước lên cao độ khi có chiến tranh biên giới phía Bắc. Giọng cô rì rầm, “Sau 75, mất liên lạc. Nhưng nếu ông bà trốn ra nước ngoài được, chắc chắn họ sẽ liên lạc với dì tôi. Chỉ sợ…” Cô ngưng ngang câu nói và bảo hắn lật người nằm ngửa cho cô nắn bóp bả vai và hai cánh tay.

Hắn hiểu cái nỗi “chỉ sợ” của cô gái. Và hắn trấn an cô, “Chắc không sao. Người Hoa được cho phép đi, chỉ cần có tiền.” Hắn nghĩ cha mẹ của cô gái này trong Chợ Lớn hẳn phải có đủ khả năng đóng ghe, mua bãi. “Không chừng họ đang ở cùng trại với tôi…” Hắn nói.

Cô gái tròn con mắt. Ánh đèn xanh làm đôi mắt ấy long lanh, và hắn đọc được trong đó niềm hy vọng. Từ bao lâu nay, con người – ở bất cứ nơi đâu – đều bám lấy hy vọng mà sống.

“Cha cô tên gì?” hắn hỏi.

Cô đọc cho hắn một cái tên, nhưng cô phát âm bằng tiếng Quảng Đông, nghe lạ lẫm. Hắn cố lẩm nhẩm cái tên ấy.

“Khi về trại tôi sẽ để ý tìm,” hắn nói.

Hắn nghe tiếng thở dài của cô gái. Giọng cô bỗng đượm nỗi buồn, “Lúc trước dì tôi cứ nói sẽ đưa tôi qua thăm mẹ tôi, nhưng chần chừ mãi. Bây giờ thì hết thăm được rồi.”

Not anymore. Âm thanh hụt hẫng. Nghe như một lời than của đám đông hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu người thở ra cùng một lúc. Chẳng còn nữa đâu, chẳng còn gì nữa đâu.

Hắn hình dung đến những người Việt gốc Hoa trong trại. Và hắn chợt nhận ra cái hay của họ là ở đâu cũng xoay sở để nắm được những chức vụ then chốt. Trong trại tị nạn nơi hắn tạm trú. Ban Ẩm Thực, Ban Thư Tín, Ban Y Tế, Ban Nhân Lực, Ban Vệ Sinh… nghĩa là những ban có đặc quyền hoặc có những thứ “ăn” được đều do người Hoa làm trưởng ban. Câu réo gọi của nhân viên ban ẩm thực bằng tiếng Quảng Đông khi nhận thẻ từ tay người xếp hàng lãnh cơm còn vang trong đầu hắn. Dất co. Dì co. Sám co. Một người. Hai người. Ba người. Tất cả bằng tiếng Quảng, để nhân viên cho một, hai, hay ba con cá. Cha mẹ của cô gái này biết đâu là một trong những nhân viên ấy.

“Mẹ tôi thương tôi lắm,” cô gái nói, tay vẫn không ngừng nắn bóp hai vai hắn. Hắn nghĩ thương mà lại đem con cho người khác nuôi. Như đọc được ý nghĩ hắn, cô nói, “Ở lại bị pháo kích chết á.”

Rồi cô hỏi hắn có vợ con chưa. Hắn thật thà kể chuyện đi vượt biên, xuống ghe hoảng hốt sao đó, vợ hắn bị lọt lại. Hắn đi thoát. Và hắn thở dài. Hắn nhớ vợ và đứa con còn ẵm trên tay, nhưng phút giây này hình ảnh vợ nhòe nhoẹt như bức tranh màu nước chưa kịp khô, ai đó sơ ý đánh rơi vào vũng nước. Và mùi trầm thoang thoảng từ thân thể cô gái làm lòng hắn lâng lâng.

“Anh nhớ vợ anh không?” Cô gái chợt hỏi. Câu hỏi như nhát cuốc đào trúng mạch nước ngầm, hắn ngậm ngùi, “Nhớ chứ. Hồi còn ở đảo Bidong, nhiều đêm không ngủ được, tôi ra bờ biển, nhìn hoài về phía Việt Nam. Bị phạt mấy lần vẫn không chừa.”

“Sao lại bị phạt?” Cô hỏi.

“Giới nghiêm. Sau chín giờ không được ra ngoài.”

“Bây giờ hết nhớ chưa?”

“Còn chứ, nhưng trại tị nạn ở Kuala Lumpur không có biển, nên chẳng biết nhìn về đâu.”
Những ngón tay thuôn vuốt lên má hắn, “Anh thèm lắm phải không?”

Câu hỏi xoáy vào thịt da hắn như trăm ngàn mũi kim châm cứu đâm sâu vào huyệt đạo khát khao. Hắn nuốt nước bọt.

“Anh muốn không?” Cô thì thầm. Tim hắn ngưng đập. Hắn chưa biết trả lời sao thì có tiếng gõ cửa. Và giọng phụ nữ gắt gỏng vọng vào, “Phone.”

Cô gái ngưng vội hai bàn tay. Bước qua người hắn, xuống đất, vói tay lấy chiếc áo choàng khoác lên người. “Anh chờ chút xíu,” cô nói rồi thoăn thoắt bước ra ngoài. Giọng người đàn bà gắt gỏng bên ngoài, hắn nghe tiếng được tiếng không, và hắn đoán là cô gái đang bị mắng vì để ai đó gọi cô trong giờ làm việc. Hắn ngểnh cổ nhìn theo. Ánh đèn xanh trong phòng hắt ra, trộn lẫn với ánh đèn đỏ ngoài hành lang, tô thân hình cô gái một màu nâu sẫm như màu gạch cũ.

Một lát cô trở lại, mang theo một không gian đằm thắm hương trầm. “Dì tôi gọi.” Cô vừa nói vừa thở phì phò.

Hắn “Vậy à?” rồi lặng thinh. Hắn không biết nên hỏi tiếp câu gì cho phù hợp. Nói chuyện với phụ nữ đã khó mà còn không được nói bằng tiếng nước mình thì khó gấp trăm lần. Nhưng vừa leo lên chiếc giường bé và chật nơi hắn đang nằm tay chân duỗi dài, cô đã tiếp, “Dì tôi không đến đón được.”

Hắn lại “Vậy à?” và vẫn lặng thinh. Hắn chờ cô hỏi lại cái câu ban nãy, bởi cả người hắn đang bừng bừng cơn sốt.

Cô bảo hắn nằm sấp trở lại và nắn bóp hai bả vai hắn. Hắn nằm ngoan thưởng thức cái mềm mại, ấm áp của những ngón tay thon. Rồi hắn bỗng nghĩ ra được câu để hỏi, “Vậy làm sao lát nữa cô về nhà được?”

“Tôi phải đi bộ ra bến xe.”

Hắn “Vậy à?” rồi lặng im suy nghĩ. “Sao không đi ta-xi?” Hắn hỏi, bởi hồi chiều hắn và ông anh vợ cũng đi ta-xi ra đây. Có hơi đắt chút xíu nhưng bảo đảm đến đúng nơi, đúng chỗ mình muốn.

“Sao không đi ta-xi?” Hắn lặp lại câu hỏi.

“Đi ta-xi thì còn được bao nhiêu tiền để đi chợ mua đồ ăn,” cô nói.

Trán hắn cau lại, mặt hắn nhăn nhúm. Hắn cố hình dung những đồng tiền Mã Lai, những đồng Ringit. Thân nhân ở nước ngoài gửi chi phiếu qua trại, đổi sang tiền Mã Lai có hình ông vua Abdul Rahman, trên đầu quấn thứ vương miện có hình dáng lạ kỳ. Tất cả tiền giấy đều có hình ông ấy ở một mặt. Chỉ mặt sau tiền giấy thì có những hình ảnh khác nhau. Mỗi đồng có một màu riêng biệt. 5 đồng xanh lá mạ, 10 đồng màu đỏ gạch, 20 đồng màu cam, 50 đồng màu xanh da trời, 100 đồng màu tím. Và những đồng tiền cắc có kích thước khác nhau. Từ lúc đến Mã Lai, hắn đã cố nhớ mặt những đồng tiền giấy và tiền cắc của xứ này. Trong túi hắn chỉ còn mỗi một tờ màu cam đủ để trả tiền ta-xi về trại tị nạn. Mấy tháng trời ăn nhờ ở đậu trên cái đất Mã Lai này hắn chưa từng thấy tờ giấy bạc màu tím nào.

Cô nhún vai, “Không sao, chỉ là từ đây ra bến xe hơi xa, qua mấy khúc đường vắng, tôi sợ, vậy thôi.”

Hắn buột miệng, “Tôi sẽ đi với cô ra bến xe.” Nói rồi hắn chợt nhớ mình đi chung với ông anh vợ, chẳng biết anh ta có chịu đi cùng với hắn đưa cô gái ra bến xe không. Nhưng lỡ nói rồi, hơn nữa, đưa cô gái lẻ loi, dù xa lạ, một quãng đường có mất mát gì đâu. Cứ coi như đi dạo Kuala Lumpur. Thăm những con phố lạ về đêm.

Cô gái chợt nằm hẳn lên người hắn. Sức nặng thân thể và hơi ấm da thịt cô làm tim hắn rối nhịp. Rồi cô ngồi lên bên cạnh hắn, luồn tay vào sợi dây thun chiếc quần đùi của hắn, tuột xuống.

Hắn run rẩy nắm lấy bàn tay cô, “Tôi không đủ tiền.” Hắn nghĩ đến đồng hai chục nhét sâu trong túi quần, vừa đủ chuyến ta-xi về trại tị nạn.

Cô gái cười. Nụ cười thiểu não dưới ánh đèn biếc xanh khuấy lên nét liêu trai pha chút u uẩn, “Cho anh thiếu nợ.”

Hắn điếng người, “Tôi cũng không có tiền để tip cho cô.”

“Cũng cho thiếu luôn,” cô nói, giọng vui, nhưng với nụ cười buồn.

Cô bước xuống giường, mở ngăn kéo chiếc tủ kê sát tường, bới loạt xoạt mớ đồ trong ngăn tủ, lôi ra vật gì đó, đưa cho hắn. “Cho thiếu nợ, nhưng anh phải mang cái này.”

Hắn trố mắt nhìn cái vật nằm gọn trong lòng bàn tay cô gái. Bao cao su ngừa thai bọc trong giấy kính màu đỏ càng sậm lại dưới ánh đèn xanh mờ ảo.

Rồi cái thân hình mỏng mảnh ấy nằm ép xuống bên hắn, đẩy hắn sát cạnh giường. Hơi hướm Việt Nam rộn ràng khứu giác. Tóc rất đen và mắt đặm nâu. Hắn bàng hoàng nhìn thân mình mỹ nhân ngư biếc xanh ngan ngát hương trầm. Ký ức những lần nằm dài trên bãi cát biển Bidong, chờ con sóng cuốn đi, hoặc nhắm mắt hình dung một nàng tiên cá dạt vào bờ nằm kề bên bỗng tràn về như trăm ngàn con sóng. Da thịt mát rượi vỗ về hắn. Người con gái Mã Lai gốc Việt. Em là người Việt, người Hoa hay người Mã. Những câu hỏi vô nghĩa. Em là ai tôi cũng thấy quá đỗi gần. Như cô gái bên nhà. Như cô bạn học ngồi ở bàn ngay phía trước. Những câu hỏi quấn vào nhau trong óc. Tim hắn rối nhịp. Hơi thở ngắt quãng. Hắn thấy mình run rẩy, lúng túng và vấp váp như thằng bé học trò lần đầu làm chuyện người lớn. Lâu lắm rồi, hắn không được gần gũi, không được ôm ấp, không được nâng niu một thân thể đàn bà. Người con gái xa lạ này ban cho hắn niềm hạnh phúc bất ngờ. Hắn sắp ngất đi vì hạnh phúc. Hắn hít hà mùi da thịt ngai ngái hương trầm. Hắn vùi mặt vào mái tóc nồng hương thơm thứ thuốc gội đầu nào đó mà cả đời hắn chưa lần nào bắt gặp. Đôi cánh tay lạ lùng của người con gái xa lạ siết quanh tấm lưng èo uột của gã lưu dân ốm đói. Đôi cánh tay ấy ôm hắn sát vào thân thể nàng. Hắn hung hăng nhưng dịu dàng, mạnh bạo nhưng nhẹ nhàng, bởi hắn sợ sức nặng thân mình trần tục hắn làm nhàu nhò đôi vòm cong của bờ ngực mỏng mềm con gái. Hắn cong người, đứt hơi, hai bàn tay vò nát cơn thèm trên mặt nệm. Rồi hắn rũ xuống, đuối người, vô vọng. Hắn ngẩn ngơ tiếc nuối cơn động kinh hạnh phúc chưa đầy một phút đồng hồ. Phù du biết chừng nào.

Cô gái ngơ ngác một giây rồi nhẹ nhàng gỡ hai cánh tay rã rượi như hai khúc bột mềm của hắn thả xuống mặt nệm. Hắn bối rối giấu cái bao cao su trong lòng bàn tay. “Đừng bỏ ở đây.” Cô nói nhỏ, và lấm lét nhìn quanh, “Tôi không muốn bị phạt.”

Hắn nhét vội cái vật nhơm nhớp vào túi quần, rì rầm, “Mai mốt…”

Cô nhướng mắt nhìn hắn, ngón tay gài vội cái khuy áo ngực, gói lại hai bầu vú xanh non. Hắn nói như hụt hơi, “Mai mốt kể chắc chẳng ai tin.”

“Chuyện gì?” Cô hỏi.

Hắn lắp bắp, “Chuyện tôi có… người yêu ở Kuala Lumpur.”

“Người yêu?”

“Vâng, người yêu, bởi…” hắn toan nói “người yêu mới không tính tiền” lại ngậm ngay lại, và nói trớ đi, “người yêu mới… yêu như thế.”

“Cho thiếu nợ mà.”

“Biết bao giờ trả được.” Giọng hắn trộn lẫn chút hớn hở và một thoáng ngậm ngùi.

Cô gái cười. Rồi cô suy nghĩ một giây, “Tôi sẽ cho anh cái gì đó làm bằng chứng.”

“Chi vậy?”

“Để người ta tin anh nói thật.”

Cô nhìn quanh, tìm kiếm, hắn nghĩ đến cái áo ngực mỏng và nhỏ như cánh bướm ban nãy cô treo trên móc và vừa mới khoác lại lên người. Giả như cô dúi vào tay hắn cánh bướm màu đen ấy chẳng biết hắn có dám đem về trại không. Nhất là khi đang ở chung phòng với ông anh vợ. Dù hai đứa xê xích tuổi nhau nhưng khi đã là anh vợ, vai vế của gã cũng được nâng cấp lên theo. Nếu đem về được qua xứ sở định cư, hắn sẽ treo cánh bướm ấy trong phòng ngủ, để sống mãi phút giây hạnh phúc bất ngờ. Dẫu vô cùng ngắn ngủi.

Chợt cô đưa tay lên đầu, nhanh nhẹn tháo cái kẹp tóc. Mái tóc đen nhánh bung ra, lòa xòa hai bờ vai. Cô đưa cái kẹp tóc cho hắn. “Có tên tôi khắc trên đó đó,” cô nói.

Hắn nghiêng cái kẹp tóc kim loại dưới ánh đèn. Ba chữ Tàu khắc trên mặt ngoài cái kẹp tóc. Hắn xoay chiếc kẹp tóc về phía cô, “Cô đọc tên cô được không?”

Cô cười, “Không. Anh tự tìm lấy. Và nhớ đọc bằng tiếng Phổ Thông nghe mới hay.”

Rồi cô mở cửa căn phòng màu xanh cho hắn bước ra cái hành lang đỏ loét. “Đừng kể cho cha mẹ tôi nghe chuyện này.” Cô dặn với theo làm như chắc chắn hắn sẽ tìm cha mẹ dùm cô. Hắn mau mắn gật đầu.
Hắn ngồi với ly nước lạnh. Không biết thằng anh vợ hắn làm gì mà lâu lắc đến như thế. Quán sắp đóng cửa rồi. Cuối cùng, anh ta cũng ra tới, hai tên thanh niên cảm ơn người đàn bà ngồi ở quầy rồi bước ra cửa. Phố đêm mờ ảo ánh đèn. Hắn đứng xớ rớ bên cánh cửa. Cô gái người Hoa (của hắn) cũng ra tới. “Let’s go!” Cô nói nhỏ. Và nhanh chóng rảo bước. Hắn lặng lẽ đi theo. Phố vắng tanh. Chiếc bóng nhỏ nhoi của cô lạc loài trong đêm tối. Tiếng giầy cao gót lóc cóc khua vang động lòng phố.

“Đi đâu đây?” Gã anh vợ hỏi.

Hắn lắp bắp, “Tôi hứa đưa cô ta ra bến xe. Khuya rồi, đường vắng, tội nghiệp.”

Anh vợ hắn tròn mắt ngạc nhiên, nhìn hắn rồi nhìn cái bóng nhỏ bé của cô gái nhập nhòe trong bóng đêm. Gã nhún vai, rồi lặng lẽ gật đầu.

Không nói gì với nhau, họ đi hoài như thế. Qua vô số ngõ ngách quanh co, qua những đoạn đường vắng tanh. Thỉnh thoảng một chiếc xe chạy vụt qua dưới lòng đường. Lũ đèn giao thông xanh đỏ, chớp tắt ở ngã tư, những cửa tiệm rực rỡ ánh đèn, lác đác đám người đi chơi đêm. Cuối cùng ba người cũng đến được bến xe.

Cho tôi ở lại đây, với một người con gái Việt, giữa trăm ngàn con phố lạ.

Hắn cứ đứng hoài như thế. Cho đến khi ông anh vợ níu vai áo hắn, “Chờ gì nữa?”

Hắn không biết mình chờ điều gì. Cô gái đã lên xe, cô đã an toàn rồi, còn chờ gì nữa. “Thì về vậy,” hắn nói nhỏ.

Trên ta-xi trở về trại, gã anh vợ tò mò về “con nhỏ Tàu”, rằng con nhỏ có mát-sa tử tế không mà cậu lịch sự với em ấy như thế. Hắn không trả lời mà hỏi ngược lại rằng cô gái da đen vai u thịt bắp của anh thế nào.

Anh vợ hắn lắc đầu, “Nó lười lắm, làm qua loa, chẳng thấm vào đâu.”

“Thế có nói chuyện nhiều không?” Hắn hỏi.

“Nó hỏi tôi làm nghề gì, ở đâu, tôi nói tôi là du khách.”

Hắn tròn mắt ngạc nhiên. Câu nói dối của ông anh vợ không phù hợp chút nào với cái diện mạo xác xơ, với áo quần nhăm nhúm trên người, và đôi dép Nhật mòn nhẵn dưới chân hai đứa. Hắn nghĩ đêm nay hắn may mắn chắc là nhờ nói thật. Mẹ hắn ngày trước đã chẳng từng nhắc đi nhắc lại rằng thật thà là cha quỷ quái đó hay sao.

Hắn bâng khuâng nhớ dáng mỏng cô gái lạc loài trên lề phố Kuala Lumpur. Hắn biết hương trầm của thịt da, cảm giác mát lạnh đôi vú người con gái miết trên lưng, vệt bớt son trên vòm cong ngực trái, ánh đèn xanh nhập nhòe vóc dáng loài thủy quái trong căn phòng hẹp mang số 007 sẽ mãi còn đặm nét trong trí nhớ. Và tiếng gót giầy khua vang lòng phố đêm Kuala Lumpur sẽ còn hoài trong ký ức rộn ràng.

“Thế còn cánh hồng Trung Quốc của cậu thế nào?” Anh vợ hắn hỏi.

Hắn muốn kể hết cho anh ta nghe cái phép lạ hắn bắt gặp trong căn phòng nhỏ bé dưới ánh đèn màu xanh dịu dặt, hắn muốn kể về mùi thịt da ngan ngát hương trầm làm hắn ngất ngây, hắn muốn kể về những móng tay bấu vào lưng hắn như móng vuốt lũ cào cào, châu chấu thời thơ ấu, và nhất là hắn muốn khoe với gã anh vợ cái kẹp tóc nhưng nghĩ sao đó lại thôi. Hắn biết anh ta sẽ không bao giờ tin hắn. Hắn biết không có người nào trên thế gian này tin đó là chuyện có thật, rằng có một người con gái hoàn toàn xa lạ, cho hắn yêu mà không tính tiền.

Hai người về đến trại tị nạn lúc gần sáng. Cái kẹp tóc có khắc tên cô gái cả chục năm sau hắn vẫn giữ. Như dấu tích của một lần hạnh phúc. Thứ hạnh phúc nhỏ nhoi hái được trong tiệm massage. Như một nhắc nhở rằng hạnh phúc có thật cho dù quá đỗi phù du.

Ít lâu sau, bảo lãnh vợ qua, đôi lần vợ hỏi, hắn nói dối là kẹp tóc của một đứa em bà con đi cùng chuyến ghe vượt biên. Vợ nghĩ hắn nói dối bởi hắn không giải thích được vì sao bà con người Việt lại có chiếc kẹp tóc khắc ba chữ Tàu.

Nhiều lần hắn toan nói thật hết cho vợ nghe nhưng hắn không sợ vợ sẽ ghen cho bằng sợ vợ sẽ không tin và nhạo rằng hắn nói dóc để xóa đi cái mặc cảm thua thiệt. Cái mặt anh, con nào điên mới cho anh chạm vào người nó. Thì thôi vậy, cứ giữ lấy một mình cho yên chuyện. Vợ không biết và sẽ không bao giờ biết rằng ở giữa thủ đô Kuala Lumpur có một cô gái Hoa gốc Việt cho hắn yêu mà không lấy tiền.

Hắn chỉ áy náy một điều là đã không bỏ công tìm cho ra bố mẹ của cô gái Kuala Lumpur. Cũng vì cô đọc tên họ bằng tiếng Quảng Đông hắn chẳng biết phiên âm thế nào sang tiếng Việt. 

 

Hoàng Chính

(từ: damau.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đêm hội ở Phan Sơn - Lê Thanh Hùng

    Đêm hội ở Phan Sơn                                              Tặng anh K’Bé Em gái K’ho, cõng chiều qua núi Nắng nhảy ngập ngừ...