tranh nguyễn sơn
Phần đông, những người đi tù cải tạo về thường là rách te tua. Chỉ có một số nhỏ có dây mơ rể má với "cách mạng", hay có nhà ở thành Sài, còn của ăn của để, thì mới khá hơn một chút, không te tua trôi dạt như những người quê quán ở các tỉnh, huyện xa, miền trung hay miền nam. Đám người này, họ được thả ra, về quê thì sợ tư thù tư oán cá nhân, nên bỏ quê mà đi vào thành Sài để mưu sinh, để thoát khỏi cảnh kìm kẹp một cổ hai ba tròng phủ lên đầu.
<!>
Có một điều làm mấy chàng trai này vất vã lao đao nhất là cái giấy ra trại.
Theo quy định, giấy khai về địa chỉ nơi đâu thì phải về nơi đó trình diện, làm
ăn. Nhưng ở một vùng quê mới thay đổi chủ, phe quốc gia đã cai trị trên hai
mươi năm, biết bao nhiêu oán thù chồng chất lên nhau giữa hai phía, nên những
chàng đã từng là sĩ quan, công chức, họ không giám trở về quê cũ, phải bỏ quê
ra đi. Thành ra, cái giấy ra trại trở thành vô tác dụng hay tác dụng ngược lại,
là tố cáo các chàng là người của phe địch cũ, mà nay không chấp hành đường lối
chính sách trở về quê xây dựng cuộc sống mới, đó là một cái tội. Các chàng bèn
xếp bỏ cái giấy ra trại của mình trong một xó xỉnh nhất, rồi bước ra đời sống,
như một kẻ lang thang, vô gia cư...Cái này cũng được cái lợi là ít ai chú ý, có
thể làm bất cứ nghề gì để kiếm ăn.
Phụng trở về cũng trong hoàn cảnh đó. Khi chàng ra trình diện theo lệnh gọi tập trung, chàng và vợ con đang tá túc ở cư xá Thanh Đa. Cư xá Thanh Đa lúc này đang xây lở dở, có một số phòng đã xong, đã bán cho người dân vào cư ngụ, nhưng cũng có một số phòng ở các khu như khu E, D...chẳng hạn, vừa mới xây lên, chưa tô láng tường thì đến ngày "đứt phim". Mọi công trình đều bỏ dỡ và việc xây cất bị ngưng ngang. Kế tiếp là làn sóng dân chúng di tản từ cao nguyên, từ miền trung ùn ùn kéo vào, họ biết tựa vào đâu...Không có nhà người thân nào chứa chấp được họ cả gia đình, nên có nhiều người được bạn bè mách bảo, họ tấp vào cư xá Thanh Đa, những căn nhà mới xây còn lỗ chỗ nhưng vôi vữa, xi măng...Nhưng hề gì, có chỗ tá túc là may mắn lắm rồi. Trường hợp của Phụng là vậy, từ tây nguyên chạy về thừa sống thiếu chết...gia đình chàng qua sự mách bảo của Lịch, một người lính cùng đơn vị ở tây nguyên, chàng mang vợ con vào tá túc nơi đây.
Đến khi chàng xách gói ra đi vào "lò cải tạo", chàng chẳng để lại cho vợ con cái gì cả. Chạy từ tây nguyên về không chết là may, đoàn tụ gia đình là may, nên chàng liền mở ngay cho Quyến, vợ chàng, một chỗ bán trà đá ở dưới lề đường ngoài cư xá, bán cho những phu phen, dân xích lô, ba gát khi đạp xe đi qua, khát nước khô cổ thì tấp vào uống. Nghề bán trà đá là nghề ít vốn, ít dụng cụ, chỉ cần cái nồi lớn nấu nước sôi, bỏ ít trà vào cho có màu vàng, một số ly lớn, bỏ đá vào, khách đến uống thì múc nước trà đổ vào ly mời khách. Thế đó, xã hội đã thụt lùi về phía đàng sau hàng mấy chục năm, nhưng cách kiếm sống này lương thiện, dễ kiếm bạc cắc, ngày kiếm khoảng mười đồng, mua ký gạo và chút rau, mắm muối, là sống qua ngày cũng đủ. Nhưng một tháng sau, đến ngày Phụng xách gói đi tù, thì mọi chuyện cũng thay đổi hết.
Nghĩa là từ đó, Phụng thất lạc vợ, không một liên lạc, không một lần thăm
nuôi...Anh trở về thành Sài tứ cố vô thân, làm qua không biết bao nhiêu nghề
khổ cực, rồi sau nhờ người bạn giới thiệu đi bỏ hàng xe đạp, anh theo nghề
này... Và quen Thu, cô chủ sạp bán phụ tùng xe đạp tại Thị Nghè, đưa đến tình
yêu.
Thế đó, cuộc sống của họ là những cánh bèo dạt, bị nước cuốn trôi, gặp đâu tấp
đó. Nói về tinh thần, Phụng tấp vào Thu, hai con người có hai hoàn cảnh khác
nhau, nhưng cùng thân phận bị bỏ rơi, nên tìm đến, đầu tiên là để sưởi ấm tâm
hồn nhau.
Nhưng
tình yêu, lại có những cái lắc léo của nó. Mới đầu thì chỉ là chuyện sưởi ấm,
nói theo cách các nhà văn, nhà thơ thì "yêu để nhìn". Dần dần như tằm
ăn lên, tình yêu là một cái gì cao hơn, nó cứ bò trên thân thể, khua động, làm
hai người cứ rạo rực khôn nguôi. Vì hai người, dù sao cũng bước qua chặn đường
tình yêu trong cuộc sống, nên cảm giác của những lần ân ái cũ, nay lại bùng về,
quậy những cảm giác cũ cứ như đã an nghỉ trong tận cùng thân thể, nó sống lại.
Nghĩa là sau những lần Phụng và Thu hẹn gặp nhau ở quán cà phê bụi rậm (cũng cà
phê bụi rậm!) Phụng ôm lấy Thu trong vòng tay, và hôn nàng bằng nụ hôn của con
thú đam mê, sau gần mười năm không có một bóng dáng đàn bà nào len vào hồn
chàng. Cú hôn mạnh bạo đã làm bật lên bao nhiêu cảm giác tưởng đã chết, nay trở
dậy mạnh mẽ hơn, kêu gào riết róng đòi ăn, như cái bao tử rỗng không đòi ăn
trong những ngày tù cải tạo. Giữa hai cái, ăn và ái ân...nó giống như nhau, đói
thì đòi ăn, khát thì đòi uống, cái này các nhà sinh học gọi là sinh lý của con
người.
Nhưng
ai cũng sợ, chưa giám tiến tới đích cuối cùng. Vì họ đã trải qua bài học trường
đời đầy chông gai trắc trở. Với Phụng là gia đình tan nát, như gần sáu mươi
phần trăm những chàng tù cải tạo trở về đều tan nát như vậy, nghĩa là phải tan
đàn sẻ nghé, nên chàng sợ. Còn Thu thì cái cảm giác ái ân với Hiển còn mới rợi
đây, vẫn còn tê tái những tế bào, nhưng Hiển đã gieo cho nàng một cái bụng bầu,
rồi một đứa con được sinh ra với bao đau đớn tủi nhục, rồi nàng phát hiện Hiển
đã có vợ con, rồi Hiển quất ngựa...Tất cả đã để lại lòng nàng một vết bầm, mưng
mủ và sưng tấy lên. Nên nói đến tình yêu xác thịt, nàng cũng run sợ, không dám
chạm đến nữa. Cho đến ngày gặp Phụng.
*
Buổi chiều, Hiền đi làm về, sẳn trời còn sớm, nàng ghé sạp bán hàng phụ tùng xe đạp của Thu, tán gẫu.
Thấy có một chàng ngồi đó, Hiền chào cả hai và hỏi:
- Chào Thu, chào anh. Rồi nàng nhìn qua Thu với con mắt dò hỏi:
- Ai đây Thu?
Thu mỉm cười đáp:
- Đây là anh Phụng, bạn của Thu đó. Anh đi bỏ hàng cho Thu bán, rồi quen đó Hiền.
Phụng nhìn Hiền cười, rồi lên tiếng:
- Chào cô, cô có phải là cô Hiền không, tôi nghe Thu giới thiệu về cô nhiều lắm...
Hiền chợt thấy vui vui trong dạ, nàng nói:
- Đúng tôi là Hiền, bạn láng giềng với Thu. Nhưng mà Thu nói gì về tôi với anh vậy? Chắc nói xấu về tôi lắm hả?
Phụng đáp nhanh:
- Không đâu, Thu nói về Hiền toàn những lời tốt đẹp, là Hiền đảm đang, tử tế, hiền lành, chân thật. Thu rất quý mến Hiền đó mà.
Cả ba cùng cười với lời nói của Phụng. Thật ra, tuy lần đầu tiên gặp gỡ nhau,
nhưng Thu và Hiền cũng đã tâm sự cho nhau biết về tình yêu của hai người và đối
tượng mà họ đã có. Thu thì nói về Phụng, còn Hiền thì nói về Hoán, cả hai anh
chàng đều là dân tù cải tạo trở về, nên họ nói về nhau dễ hơn, thông cảm nhau
hơn, vì hai chàng bây giờ, ai cũng sống trong đời sống mà trong toán học thường
gọi là "tận cùng bằng số".
Rồi Phụng nói thêm:
- Nghe Thu nói cô Hiền cũng có bạn trai phải không, cũng giống hoàn cảnh của tôi phải không? Hôm nào cô giới thiệu để tôi được biết chàng của cô Hiền một chút. Dù gì chúng tôi cũng cùng cảnh ngộ với nhau, cùng trong "một lò" ra nên dễ thông cảm và thương nhau lắm. Biết đâu sau này chúng tôi sẽ là bạn thân cũng nên.
- Dạ, anh Hoán tội lắm anh, hôm nào mình đi uống cà phê nhe. Mai ảnh có xuống tôi sẽ hẹn ảnh.
Thu khi nãy đến giờ ngồi nghe Hiền và Hoán trao đổi qua lại, cô buột miệng nói chen vào:
- Sao tụi mình không tổ chức một bữa đi ăn mừng với nhau ở Vịt Thanh Đa đi, ở Thanh Đa có quán bán thịt Vịt nổi tiếng lắm, ngon lắm.
Phụng hùa theo:
- Ờ, Thu nói đúng đó, ở đó thịt vịt rất ngon, tôi đã ăn rồi. Mình gặp nhau lần đầu, có chút "bia lên" nói chuyện vui vẻ hơn, thoải mái hơn, ha?
Hiền thì thường ăn chay, nhưng trong tình huống này, nàng thấy mình cũng nên hòa đồng với những người bạn thân thiết này, phá giới chút cũng không sao, nên nàng nói:
- Anh Phụng nói đúng đó, vậy mai gặp anh Hoán tôi hẹn mình buổi tối đi ăn Vịt Thanh Đa nhe.
Cả ba
đều đồng ý tối mai sẽ rủ Hoán cùng đi.
*
Theo đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, Phường Bình Thạnh, qua cầu Sơn, đến ngã ba đài liệt sĩ, là đường xuống cư xá Thanh Đa. Khi qua khỏi cầu Thanh Đa, có một dãy nhà liên tiếp, là các quán quảng cáo bán thịt Vịt, ngôn ngữ của giới bình dân ở đây là, đường Thịt Vịt Thanh Đa.
Dù có khoảng 5 quán treo bản bán Thịt Vịt, nhưng chỉ có một quán, không có quảng cáo rùm beng như các quán kia. Đó là một quán lợp bằng lá dừa nước, kê nhiều bàn cho khách đến ăn. Quán này tuy hơi xập xệ hơn các quán kế bên, không có đèn xanh, đèn đỏ nhấp nháy, nhưng dân sành ăn, vẫn thường tấp vào đây, vì quán này bán thịt Vịt đủ loại, vừa rẻ, vừa ngon, nên quán vẫn thường chật ních khách ăn, nhiều khi khách đến đông quá phải ngồi đợi.
Buổi sáng khi Hoán đạp xe đến Hợp Tác Xã Giấy mua thùng cạt tông, Hiền đon đả
nói với Hoán:
- Anh Hoán ơi, bạn em là cô Thu, có người bạn trai cũng là "dân cải tạo" như anh vậy, Thu muốn chúng mình tối nay cùng nhau đi ăn ở quán Thịt Vịt Thanh Đa đó anh. Em đã đồng ý rồi, nên hôm nay em rủ anh cùng đi cho vui. Anh đi nhe.
Hoán
lâu rồi, ít khi chè chén với ai. Chỉ khi quá cô đơn, quá buồn, chàng mới tấp
vào một quán nhậu bình dân xập xệ bên lề đường, kêu xị rượu đế, dĩa mồi thường
là cánh hay đầu vịt, rồi ngồi uống một mình, suy nghĩ sự đời. Uống rượu một
mình thì buồn quá. Ai cũng biết điều đó, nhưng Hoán bây giờ có còn ai đâu, để
mà chia xẻ.
Mấy đứa nhóc đi móc bọc cùng trú ở đây, thì thường nhỏ tuổi hơn anh, mới mười
lăm, mười sáu. Tụi nó có cái nhìn khác về cuộc đời, nên mấy lần anh mua rượu đế
và ít khô mực về khu gò mả, rủ tụi nó nhậu chơi. Nhưng tụi nó chỉ biết phá mồi,
uống chút đế vào là say. Say, chúng nó chưỡi thề vung vít, văng mạng. Chặp tối
lại có mấy đứa con gái đứng đường về nhập bọn, chúng cùng nhau la hét vang
trời. Xong chúng rủ nhau qua bên những ngôi mộ khác, cùng làm tình tập thể.
Hoán thấy mình không hợp với đám nhóc này nên từ đó anh thôi, không mua rượu về
gò mả nhậu nữa. Thà không uống còn ít buồn hơn, chứ uống vào thấy ngất ngưỡng,
"lắc lư con tàu đi" thì anh lại đắm vào những suy tư, bi lụy.
Bây giờ được Hiền rủ đi ăn thịt vịt Thanh Đa, lại có một bạn tù đi chung nữa, anh lại thấy vui lên. Biết đâu sẽ gặp lại một thằng bạn nào đó cùng ở tù, may mắn hơn là nằm chung lán, chung phòng, hay chung nhà thì tốt quá. Thường thị bọn cải tạo như anh, chỉ ở chung nhau khoảng một năm, dài lắm là hai năm, rồi tất cả bị "xào bài", đổi đi trại khác, kẻ thì Kà Tum, kẻ thì Thành Ông Năm hay Suối Máu. Còn những tay "chiến", tức là những tay "chây nười nao động", "ăn lói ninh tinh", thì bị ghi vào sổ đen, có thể đổi đến những trại khắc khe hơn, như trại kiên giam E.20 Xuân Phước, trại Gia Trung Kontum, hay tống bọn nó ra bắc thì "khỏe re như con bò kéo xe."
Hoán khấp khởi mừng và vui, vì sẽ gặp lại bạn đồng tù. Bạn đồng tù có nhiều loại, nhưng phần đông có mẫu số chung giống nhau là đều là sĩ quan quân đội, được đào tạo từ những quân trường hiện dịch hay trừ bị của miền Nam, đều có học vị tú tài bán phần trở lên, nên họ không đến nổi nào. Dĩ nhiên trong tập thể nào cũng có những con sâu, làm ăn teng, trật tự, thi đua, hãm hại anh em đồng tù để mong về sớm. Nhưng số này chiếm rất ít. Còn lại thì tuổi đời thường ngang nhau, cách nhau vài ba, đến năm tuổi là cùng, cấp bậc còn nhỏ, họ thường tháo vát, năng động và dũng cảm.
Hoán vui vẻ nói với Hiền:
- Như vậy thì vui quá. Biết đâu anh lại gặp bạn quen. Tụi anh ở tù chung nhưng nhiều khi không biết tên nhau em à. Vì đông quá, chỉ những người gần gủi như nằm chung chỗ, chung phòng thì mới nhớ, còn thường thì chỉ nhớ mặt nhau thôi. Mong cho anh gặp người quen. Vậy tối nay anh xuống em rồi mình cùng đi nhe. Mà hẹn mấy giờ vậy em?
- 8 giờ anh à. Anh về nghỉ ngơi tắm rửa, rồi chạy xuống đây em chở đi.
Hiền tâm lý và có ý săn sóc cho Hoán nên nói vậy, bởi vì rằng, Hoán chạy chiếc xe đạp cà tàng quá, lại còn luôn đèo cái giỏ cần xé phía sau, nên đi chơi, thì phải mở bỏ cái cần xé ra, cũng phiền phức. Chiếc xe đạp của Hiền, tương đối còn mới hơn, đạp nhẹ hơn. Với lại nếu Hoán xuống nàng, nàng sẽ để cho Hoán chạy xe, nàng sẽ ngồi yên sau ôm eo ếch chàng, như vậy vừa tình, vừa âu yếm nữa.
Hoán thấy cũng tiện nên nói:
- Ừ, vậy nhé em.
Hoán lên xe chạy về "nhà mình", khu gò mả. Ngày hôm nay Hoán lại trúng mánh những thùng cạt tông, anh chạy đi bán cho vựa ve chai, kiếm cũng được chút chút. Anh vừa đạp xe, vừa suy nghĩ. Lần đầu tiên Hiền và Thu mời anh, nhưng anh phải tỏ ra hào phóng chút chứ, Hiền thì một thân một mình, lại còn nuôi bốn đứa con, nên thôi, mình phải bao chầu nầy mới được. Bốn ngưới ăn, chắc khoảng một trăm đồng là đủ, anh về phải mở ống để dành, lấy ra thêm năm chục nữa, để chi cho đủ bữa nhậu.
(1998)
Trần Yên Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét