Thứ Hai, 29 tháng 1, 2024

ĐUỐC GIÓ - Tru Sa

Tranh vẽ Nguyễn Sơn | Photography - Malerei. Loanguyen son

tranh nguyễn sơn                                                    

 

Tuổi 17 của tôi qua lâu rồi. Thuở tôi 17, mọi thứ thật đáng yêu, chuyện tình thôi âm thầm không hứa hẹn trong cái nghéo tay tráo trở ở tuổi 13, vác trên vai chiếc cung lửa, tôi săn mọi cô gái mình ưng ý, đường tên ngọt sớt, giương cung là trúng tử huyệt, có lúc tôi nhắm trượt, phải đặt bẫy, náu mình, bắn hụt, mất cả giỏ tên, bỏ cuộc rồi tiếp tục, cứ thế, tôi mải mê trong cánh rừng say, trái tim tử thương đã bao lần vẫn run rẩy vì tình. Ông không nói cụ thể về tuổi đôi mươi của mình, mỗi lần hứng chí kể về quá khứ, ông chỉ nói đại khái thời kỳ đất nước còn bom đạn, lòng người loạn ly, đói, bệnh và chết. “Ơi tuổi trẻ bầm tím…trai tráng hoặc ra trận hoặc trốn chui trốn nhủi như loài gián đất. Cơm trắng chưa biết ngon vải trắng đã quấn đầu, rượu… uống nửa…tưới mộ…” Có lần, ông sụt sùi, hớp vội ngụm trà, bị sặc, châm thuốc hút, nghe thấy tiếng ông nhổ phì, tôi nhìn ra, té ra ông ngậm ngược thuốc, đốt đầu lọc. “Ẩu quá đi mất!” – Ông nói và cười, tôi cười, lấy điếu thuốc mới cho ông.

 <!>

 

  “Lắm lúc, tao hãi lắm. Đang đi dạo trong lùm cỏ thì dẫm phải một xác người đã chết từ bao giờ. Thời đấy, bầu trời Hà Nội mờ đen, người í ới gọi nhau rất khẽ, nhà cửa thấp lè tè chứ không cao ngút như bây giờ. Trời Hà Nội bây giờ vẫn xanh nhưng thấp quá, khói bụi nhiều hơn khói súng, muốn nhìn vùng trời rộng thì phải leo lên sân thượng tòa nhà, mà ta thì lười.”

   “Cháu thì càng lười hơn.”

   “Dào ôi, vấn đề không nằm ở đó. Cháu thiếu gì thứ đề nhìn, không cần thiết là một bầu trời ngút ngàn trên sân thượng.”

   “Cháu nhìn thấy ông rồi.”

   “Ai chẳng biết. Mà này, vừa rồi tao nói đến đâu rồi nhỉ. Hôm nay trời oi quá, hôm qua lại mưa, chắc mai trời đẹp.

     Người trong gia đình ông đã dọn đi hết. Hai đứa con của ông đã rời khỏi miền Bắc, chàng lớn lập nghiệp trong Sài Gòn, người thứ hai định cư ở Canada. Thỉnh thoảng, họ vẫn về thăm ông, chỉ thỉnh thoảng và ông không ép nhưng chuyện thư từ thì phải thường xuyên. Một lá thư trên giấy, viết tay chứ không phải thư điện tử trên máy tính gửi qua mail. Một cú điện đường dài, lê thê những lời chào, dò hỏi về bất cứ món quà nào miễn là ông muốn, và rồi, tôi thấy ông ném điện thoại ra ngoài cửa sổ “Đáp một tiếng không thì có chết ai, viện lắm cớ thế không thấy chán à.” Ông nói với chiếc điện thoại đã tan nát dưới mái xi măng – “Tao vẫn quá ổn cơ mà.” Tiếng ông rọi vào tôi, mắt ông xa ngái không rõ vào đâu. Bận rộn, một cái cớ miễn chê trong mọi trường hợp. Không ai mong sự từ chối quá thẳng thừng từ người khác. Tôi vẫn bỏ ngoài tai nhiều cuộc thăm nom người này người kia bằng lý do như vậy. Bận quá, tôi bận thật khi công việc ngổn ngang, khóa cứng trí óc tôi trong các hợp đồng ký vội trên bàn nhậu. Tiệc tùng, vái hỏi nhau trong ngày lễ, rồi thì hàng lố những đám hỷ bắt buộc phải có mặt như một kẻ dưng quen mặt, chén rượu đáp nhau côm cốp, tiếng cười xuề xòa miễn cưỡng. Trong mớ bòng bong rởm đời, tôi thà náu thân trong một hiệu sách vắng vẻ, đi lại giữa những hàng sách, điểm từng cái tên trước khi với một cuốn, lật ngẫu nhiên trang sách, đọc.

     Ông sống một mình. Vợ ông từ vài năm trước đã vào Nam ở cùng vợ chồng con cả, anh này cách một tuần lại về Hà Nội. Ông có nói rằng mấy đứa con muốn đón ông đi, biệt khỏi ngôi nhà rêu cũ, cơ ngơi như một căn phòng cho thuê. Ông là giáo viên trung học, biên soạn và dịch các tài liệu liên quan đến bài học. Tiền lương nhà giáo còm cõi không đủ sống nên ông phải viết báo, dịch những mẩu truyện ngắn nước ngoài, tôi cũng nghe ngóng được việc ông quản lý shop quần áo, quán café lề đường. Dáng người ông to lớn nhưng hơi lùn bởi chứng đau lưng cũng bởi đôi chân của ông rất ngắn, mái tóc lơ thơ lụi gần hết, ông mở cửa mỗi lần tôi đến và đón tôi bằng nụ cười trơ ra chín cái răng già. Một ấm trà ngon với dăm điếu thuốc châm mồi cho cuộc trò chuyện hàng tiếng trời. Tôi không tin về bất cứ sự rèn luyện nào trong học đường. Bài vở, kiến thức hoặc sự cung kính không hữu ích khi đời sống này luôn nghịch quỹ đạo. Đứng lớp, ghi chép, trả bài rồi ra về. Đời một người có vô khối người thầy, hiếm hoi lắm có vài người thực sự là tri âm, và tôi, đến nay không nhớ nổi người thầy nào. Họ đến và vuột đi rất mau. Những gì tôi học của họ cũng đã xếp xó trong sọt rác. Tôi kể với ông điều này. Đáp lại sự lẩn thẩn của tôi, ông cười nhẹ.

   “Tao không mong đợi sự thăm hỏi của học trò. Gọi là thầy giáo nhưng thực tâm tao không mong gì, một thứ hư danh viễn vông thôi. Hàng chục năm ròng, tao chỉ làm tròn bổn phận của một nhân viên mẫn cán đến mức như một con máy hình hề. Tao mong một sự phản kháng từ học trò nhưng đám trẻ đã chọn cách cúi đầu. Tao luôn kiểm tra cặp xách của học sinh lớp mình dạy, với cái cớ về một món hung khí nguy hiểm. Tao cần và rất thèm tìm thấy một thứ gì đó quái quỷ từ đám học trò nhưng luôn trắng tay. Đồ chơi hay máy móc hiện đại ta thiết gì, thư tình cũng vậy, tao cứ đợi mãi, hết lớp học sinh này đến lớp học sinh kia, những năm đằng đẵng rập khuôn trong sự rụng rơi của tuổi tác. Đợi chờ quá lâu, bây giờ tao đã hết đời thầy giáo, một hưu trí vứt đi. Nhiều lúc, tao tự hỏi, có thật mình đang đợi chờ sự ngông cuồng của học trò để rồi dập tắt nó như mọi đồng nghiệp trong ngành, hay tao sẽ tán dương nó trong im lặng, âm thầm nhấm nháp sự nổi loạn trong hình dung về một nhân vật ấn tượng trong tương lai. Lắm lần, tao tưởng tượng về một cô bé lớp 12 viết lá thư tuyệt mệnh cho cuộc đời mình không vì bất cứ ảnh hưởng nào từ nhà trường, bạn bè, người tình hay gia đình, con hiểu không, cô bé đó quá bình yên, quá hạnh phúc, hốt nhiên một ngày nhìn lại cuộc đời mình và ngửi thấy mùi cỏ hầm mộ. Này nữa, tao còn mơ thấy một cậu bé nuôi dày sổ nhật ký bằng những cảm xúc đen tối, những dòng chữ tuyệt thú đốt cháy hết mọi quy ước, ràng buộc về cấu trúc hành văn trong sách giáo khoa, mặt khác, cuốn nhật ký đó như đám cháy lớn, tiêu hủy trường học để trả lại bộ mặt thật cho học đường.”

   “Nhưng đấy vẫn là ý nghĩ của ông về một cuốn tiểu thuyết riêng. Cháu từng  tìm kiếm một mối tình thầy trò. Cháu dành sự tôn trọng, lễ độ với họ và quên phéng tất tần tật. Các bài giảng dày đặc hết khóa học không hào hứng bằng việc quàng tay qua cổ người tình, vuốt qua cái cổ non, lần tìm hương tóc trong một nụ hôn. Lũ bạn cháu thời đó không tin vào những bài giảng về tình cảm tuổi học trò, chúng gật gù cho xong và tìm bài học giới tính cho riêng mình trong những bộ phim khiêu dâm, cháu cũng thế, tất nhiên, nhưng lệch lạc khi không quá thèm muốn chuyện chiếm đoạt thân xác phụ nữ. Giường chiếu là chuyện đã rồi. Cháu thích viết thư tình cho người mình yêu và giấu tiệt nó vào ngăn kéo, chôn cất thật kỹ càng, ngày lại ngày. Bữa tỏ tình không có bất cứ lá thư nào, hoa hồng héo rũ, mỗi lần theo đuổi bất thành, cháu lại có tâm tư để chép cho riêng mình một lá thư. Giờ cáo phó cho một chuyện tình đơn phương hoặc khi mối tình tan thành mây khói, cháu gói chúng cùng lưu vật là một sợi tóc của nữ chính, đóng vào một chiếc hộp giấy mình gấp, vùi lửa…”

*

Ông cười sặc và nhìn tôi thích thú. Ông hướng mắt ra cửa sổ. Tầm nhìn bay một quãng ngắn rồi gãy cánh trước bức tường nhà cao tầng. Lần hồi nhớ nhớ. Ông từng kể với tôi rằng cửa sổ này đáng lẽ nên khóa vĩnh viễn hoặc tháo phứt đi, đóng gạch, đổ bê tông cho tuyệt tích. Trong vị trí người trong hàng chục năm trước, ông nói về một cửa sổ nhìn ra cánh đồng vàng tơ. Những hàng cỏ lau ngơ ngác. Cành lau lớn, dài nhất được trẻ con hái làm đạo cụ chơi trận giả, có hôm thấy một đàn chim bay di trú trong mưa. Thường xuyên trong hàng chục năm, nắng tưới qua cửa sổ, ngập nửa căn phòng. Rồi ông cười, nói với tôi, dù trong lúc nắng đổ hay mưa cắt vào phòng qua ô cửa sổ, ông vẫn đứng đó như một cái bóng trong nắng, con cú thui thủi dưới màn mưa. Hàng chục năm sau, cánh đồng tiêu vong, bị xới tung để xây nhà. Lời ông như bịa tạc về một đàn dơi bay vòng tròn trong ngày cánh đồng bị xóa sổ. Đấy là lúc chiều về, sẩm tối chứ ban ngày ông đi dạy, chẳng biết dơi có liều mạng, rủ cánh dưới thứ quyền phép đã hóa kiếp bá tước của lâu đài cổ. Những cái cây tốt nhất gục xuống, thế thân vào đó là những cọc thép và giàn giáo, ông nói rằng mình từng mơ thấy bị xiên trên bãi cốt thép. Ngờ ngợ nhưng tôi tin ông khi cánh cửa sổ phòng ông luôn mở, e ấp một cánh hoặc toang hoác như một thói quen. Mười năm sau, đôi mắt duy nhất của căn phòng như khuyết tật, ông thấy từng dãy nhà nhấp nhô, cao dần và nhiều lên. Giờ đây, ông đã bị phong tỏa giữa tường, mái của các ngôi nhà xa lạ. Những hàng xóm chưa một lần biết mặt và ơ hờ một cái tên.

   “Mày đâu rồi.” – Tiếng ông làm tôi giật nảy, sực tỉnh.

   “Cháu đây! Vừa nãy ông nói gì, cháu lại quên.”

   “Mấy tháng trước, tao ngờ ngợ trước việc mình đã thấy một con quạ đậu trước cửa sổ. Lúc đó, ta đang thiu thiu ngủ bởi quá mỏi mắt sau khi đọc sách. Khi nhìn ra thì con quạ đã bay mất, ta đi thật chậm và nhẹ, nhìn ngút ra cửa sổ nhưng không thấy gì ngoài những bức tường bê tông, các mái nhà trồi ra, thụt vào, dây điện chăng nhằng nhịt như bẫy chim. Tao đi ngủ ngay, nằm trằn trọc mãi không được giấc. Tuổi của tao đáng lẽ dễ ngủ, giấc ngắn đủ đầy. Bởi nghĩ ngợi mãi về con quạ, tao thức trắng đêm. Nhiều tuần lễ sau, tao đợi mãi để thấy lại con quạ. Mày biết không, đó chẳng giống một giấc mơ hão. Một con quạ lạ lùng, đứng quay lưng trước cửa sổ và…và…đúng thế, phải đến mấy tuần lịch, trong lúc tao nghe Beethoven, tay chống trán nghĩ ngợi…”

     Ông ngập ngừng, đứng lên nhìn ra khung cửa sổ. Bàn tay gầy nhỏ với lên, hướng ngón chỉ về kẽ hở cánh cửa khép hờ. Dường như trí nhớ ông đang đứt đoạn, chập chờn, lìa gãy. Tôi châm một điếu thuốc, đặt lên ngón ông. Một hơi rít dài, khói thuốc thả vút lên cao. Công dụng của thuốc lá giúp ông tỉnh táo hơn.

     “Chính lúc đấy, ở ga cuối trước khi đến Moskva[1] tao đã thấy con quạ trước bậu cửa nhà mình. Vài giây hững mình, cái tíc tắc ngắn ngủn đó, tao thấy lại con quạ. Nó quá nhỏ so với kích thước chuẩn của một con quạ trưởng thành, chỉ lớn hơn con bồ câu chút xíu. Nó đứng quay lưng về ta, ở cái gáy lộ ra một cái gì đó. Thoạt đầu, tao tưởng một vết thương lớn đã bào hết lông, ăn vào xương nhưng không, gáy con quạ có một con mắt. Nghe động, con quạ quay cổ nhìn ra. Cái mỏ dài sắc kéo lên như rất cố tình, rạch một nụ cười. Tao không nhìn thấy đôi mắt quạ, có lẽ lớp lông trên đầu nó quá dày. Thế rồi, con quạ vút đi. Tao nhớ mãi con mắt sau gáy nó, dường như trong quãng bay lên bầu trời, mắt nó vẫn nhìn ta, cho đến khi tao chỉ còn là hạt đỗ trong khu nhà đang teo nhỏ khỏi tầm cánh màu đen.”

     Điếu thuốc tôi đưa ông chỉ hút một hơi rồi bỏ đó. Đôi mắt ông lơ lửng, mải kể về con quạ quên béng đi điếu thuốc. Không có một bức tranh chép lại quang cảnh ngày hôm đấy. Tôi nghĩ ngợi về ký ức của ông. Lúc ông nhìn thấy con quạ là lúc nào nhỉ, sáng sớm, chờn vờn trưa, lúc chiều tàn, chạng vạng hay lúc tối trời, giữa cảnh khuya leo lắt. Trong những ngách hẻm thành phố, trên các mái nhà, sân trống công viên tôi chỉ đếm thấy chim sẻ, bồ câu, vài mảnh cánh chào mào sổ lồng, còn quạ, lâu quá rồi tôi không thực chứng một con quạ đầy đủ xương thịt. Loài vật tinh khôn này dễ gì để tôi thấy. Tôi lờ mờ, cố chép lại trên giấy tấm hình ông đứng trong góc đèn khuất nhìn ra bậu cửa, nơi con quạ đứng xoay lưng. Con mắt sau gáy hé nhìn, sáng quắc. Ông nói với tôi rằng muốn vẽ lại con quạ. Hôm nay, trong lúc kể lại thời khắc minh mẫn nhất của mình, ông vẫn muốn vẽ lại toàn cảnh nhưng không được, ngón tay ông run rẩy, cầm bút ngoáy mãi những đường gạch xóa loằng ngoằng.

     Tôi có thú lang thang trong thành phố vào những lúc trời tắt sáng. Chọn lấy cho mình một chỗ ngồi vắng vẻ và ngắm nghía người, những kẻ xa lạ trong các con phố quen tên. Công việc của tôi thất thường, chỗ ở cũng tạm bợ trong các dãy phòng trọ rẻ tiền nhất, lúc túng quá, tôi tá túc trong nhà bạn bè, độ vài lần cho đến khi tôi hiểu họ không quen sự có mặt của mình trong nhà, tôi chào họ và tìm nơi nương mình trong nhà những người thân trước khi trở lại khu nhà trọ trống rỗng. Cuộc đời tôi ba năm về trước là thế. Trước đó ba năm mọi thứ còn tồi tệ hơn nhưng càng quyến rũ, ý tôi là sự chuyển dịch của những nhát xẻng liệm quên tình đời. Tôi chưa kết hôn nhưng đã sống với hai người đàn bà. Người đàn bà trước của tôi có thai và bị sảy, mối tình thứ hai chập chờn, yêu không hẳn yêu, thương không ra thương, hai chúng tôi sống chung nhưng ít khi giáp mặt. Mỗi ngày một vòng ôm hờ hững, tôi hôn nàng rất vờ và nàng cũng không đòi hỏi gì. Tôi, nàng cười với nhau và nói những lời mùi mẫn cốt để căn nhà không hoang lạnh. Rất nhiều lần, sau khi làm tình, mỗi người một góc. Nếu nàng mệt mỏi, muốn ngủ thì tôi ra ngoài, uống rượu chờ mặt trời. Có lần, cả hai cùng trần truồng trên chiếc giường nhỏ, nàng ngồi dựa tường, không ngủ, tôi ngồi đó, vài chục phút thì đứng dậy ra ngồi cái ghế phía góc phòng. Lúc đó tôi chần chừ không đi như e sợ về sự tàn nhẫn, bỏ rơi nàng trong đêm, khi đã thỏa thú nhục tình. Ôm lấy người tình, dỗ nàng ngủ, hai thân thể sưởi ấm cho nhau, tôi đã làm rồi nhưng nàng đã đẩy tôi ra, còn tôi mỗi lần nghĩ về chuyện đó cũng lắc đầu bởi tôi đâu muốn làm chuyện đó. Tôi hôn nàng, chẳng chắc có yêu nàng không, tôi và nàng lên giường, điên cuồng sục sạo như hai con thú trong mùa động đực. Không thuốc ngừa thai, không condom và cũng chẳng có đứa con nào.

     Mỗi cuối tuần, nàng thường gọi cho tôi, hỏi rằng có đi cùng nàng đến nhà thờ. Chủ nhật là cách nói của những kẻ ngoại đạo như tôi,  với thì là một lễ nguyện dưới bóng người cha tinh thần. Trong căn phòng thuê của hai người, tôi, nàng không hề có tượng Chúa hay thánh giá. Cha mẹ nàng gốc Công giáo, nàng sinh ra đã được rửa tội và ban cho tên thánh. Giáo lý và nhà thờ, những quy củ không thể chối bỏ. Một chiều chạng vạng sau hoàng hôn, tôi và ông đi ngang qua Nhà Thờ Lớn. Dãy hàng rào bọc quanh nhà thờ được mở khóa, vài người đứng lại chụp ảnh, nhìn lên nóc nhà thờ cao ngút. Lúc đó, chuông nhà thờ đổ tiếng dài, ông nhìn lên chiếc đồng hồ, chợt cười. Ông đứng một lúc lâu, như nghĩ ngợi gì đó. Chuông không đổ thêm tiếng nào, còn tôi đang ong đầu vì tiếng còi xe, tiếng loa phường rè rè phía kia đường, lẫn lộn đủ thứ chào gọi khách của mấy quán trà chanh, tiệm phở gần rìa nhà thờ. 

   “Mày đọc chuông nguyện hồn ai chưa?” Ông nói thế, còn tôi gật, vâng dạ cho xong. “Tên du mục trở về chưa nhỉ?[2]” Ông lại nói, tôi chưa hiểu, ngần ngừ né ánh nhìn của ông vốn đang hắt qua chiếc đồng hồ, chạm vào cây thánh giá trên nóc nhà thờ… “Thế còn Maria?” Tôi nói rằng “Mẹ của Jesus.” Sau đó, ông nhìn tôi, với tay vỗ vai tôi nhưng đập trượt, bàn tay ông nhào xuống. Ông cười, nói rằng chuông không nguyện nữa và muốn đi dạo thêm một lúc nữa. Maria, dường như đã một lần tôi vuột lời, rất hờ hững và thấy nàng quay lại. Maria Lệ, nghe cũng lọt tai đấy chứ nhưng chỉ thế thôi, sẽ không còn cái tên này nữa. Lệ là Lệ. Vào năm…nàng đã bỏ đạo, còn chuyện đến nhà thờ vào ngày cuối tuần, chỉ như một thói quen. Tôi và nàng đi cùng nhau, một người ở lại đến hết buổi, một người bỏ về hoặc giữa chừng, khi linh mục gọi giáo dân lên phát bánh thì nàng đứng lên, rời khỏi nhà thờ. Hết chủ nhật này đến chủ nhật nọ, tôi kè kè theo nàng đến phát ngán, lúc nào cũng là đứng lên, đọc nhẩm, đấm ngực, làm thánh giá rồi ngồi, lại đứng, lại ngồi, cho đến hết giờ giảng. Nàng rời khỏi nhà vào ngày Chúa Nhật của mình trong chiếc áo trắng mỏng, quần jean trắng nhạt, rời đi trong vẻ mặt tỉnh bơ, mắt lác đác buồn và khi về nhà vẫn khuôn mặt đấy cùng một nụ cười hờ như không có. Không ai đợi ai vào ngày cuối tuần rảnh rỗi, sự gặp nhau giữa hai người ngoài một kế hoạch đã định từ hôm trước thì chỉ là ngẫu nhiên. Sống với nàng, tôi vui, không gò bó trong sự ràng buộc về thời gian, tôi vui và tôi cười, âu yếm nàng, nàng thấy vui, mỉm cười…ai hạnh phúc. Lệ vẫn mặn, còn tôi?

*

Bàn tay chỉ ấm khi nắm vào nhau, hiếm ai thỏa dạ khi tự nắm tay mình. Những bàn tay xòe, xiết trong lời chào hỏi xã giao luôn thiếu khí đốt, chúng là những cái tay chết. Người nắm tay nhau chưng hửng, một câu chào, kẻ có bàn tay khỏe bóp chặt tạo ra nhiệt, kẻ tay lạnh, sức yếu chỉ bắt như chưa từng, tôi không tin vào trò bắt tay ngoại giao, càng không tin vào việc hai bàn tay sẽ dính liền vĩnh viễn. Ông từng kể với tôi rằng, thời trai trẻ của ông lận đận chẳng bình yên, hễ các thủ lĩnh đảng họp nhau, bắt tay là y như rằng sau đó súng nổ càng dữ tợn. Hiệp ước Geneva bắt đầu bằng những cái bắt tay, cắt đôi quốc thổ nhưng thế đã là may, ông đốt thuốc nhiều, hút liền một chập cho đến lúc ho, ông thều thào, giọng nghẹn ngào rằng “Cái bắt tay trong bóng tối mới nguy tai, những thỏa thuận trong lòng đất, giấu giếm mọi ánh lửa hòng che đi bàn tay dao sắc. Nguyên thủ bắt tay nguyên thủ và nhồi xác người cho đầy đại bác…” Lửa trong bàn tay người rất ngắn ngủi, cháy đó rồi tàn lạnh ngay. Tôi yêu bàn tay của người con gái và luôn muốn nắm mỗi ngày. Hai bàn tay đặt lên nhau, che giấu thứ gì đó ở giữa hoặc từng ngón tay đan lại như vòng ôm ngọt ngào. Bàn tay vươn lên cao, vươn ra xa, rồi thả buông rỗng không, ôi ôi, tôi đã biết bao lần xòe với tay như vậy cho đến khi mỏi nhừ. Bàn tay người lạnh rất nhanh, dù là bạn bè, chồng vợ, gia đình rồi sẽ cụt mất cái bàn tay thương quý mình từng nắm vào. Mười ngón tay quên xòe và mải nắm, cầm chặt chuôi dao, một xấp tiền nhàu nhĩ hay vẫn bàn tay đó đã rữa mủ thời gian. Bàn tay của ông đã nhăn nheo, xương xương, đầy gân và tàn nhang, tôi thích nắm tay ông mỗi lúc dìu ông xuống bậc cầu thang, băng qua đường. Nhiều lúc khi nắm tay ông, tôi thấy ông bóp chặt, cái bóp rất nhẹ, như víu giữ chiếc gậy chống. Tôi thuộc làu ký ức bàn tay giữa tôi và cha mình. Hôm đó, cha tôi quát tháo tôi về chuyện điểm số của môn toán, điều ông đã kỳ vọng vào tôi, còn tôi, vốn không ưa thậm chí ghét nhớ đời tất thảy những môn học không khiến mình hứng thú. Vài lời qua lại, cha tôi trong lúc nổi điên đã bóp cổ tôi ghì xuống bàn, cái siết quá mạnh so với một đứa trẻ trung học. Trong cơn ngạt thở đang phá dần cuống họng, tôi quờ tay thấy cái gì đó và nắm chặt đâm liên tục vào vai cha mình. Tôi đâm nhiều và liên tiếp, khiến ông ta kêu đau và buông tôi ra. Mẹ tôi nghe động chạy vào can. Tàn cuộc, cổ họng tôi bầm đỏ mười ngón tay lớn còn cha tôi vai ướt đẫm máu. Cây bút mực của Pháp, di vật của bà ngoại đã cong ngòi, đầu bút dính máu. Lúc đó cha tôi gầm gừ, dường như thôi ý định bóp cổ tôi nhưng vẫn ép buộc tôi chuyện học toán. Ngày đó, tôi vẫn ước, thứ mình nắm được trong lúc bị cha bóp cổ không phải cây bút của bà, tôi nắm lấy cái gì cũng được dù là chiếc compa nhọn hay con dao Thái Lan gọt hoa quả. Năm tháng trôi đi, cũ dần, chết đời thiếu niên trong ngón tay liếm máu, lật giấy viết trang tuổi trưởng thành. Ký ức ngày xưa bớt ác cảm ngăn cách tình cha con như hồi bé nhưng tôi vẫn không muốn nắm lấy bàn tay của ông ấy cũng không ăn năn trong một cuộc lội ngược về quá khứ trong trí tưởng tượng, tôi sẽ với cái compa chứ không phải cây bút.

   “Đợi một lát, tôi ra ngay.”

     Luôn là một phút đợi ngoài cửa, ông lựa chìa khóa, mở cửa lật cánh cửa, mời tôi vào. Ông đón tôi với nụ cười nhẹ. Đôi mắt ông bụi tuổi nhưng vẫn rất sáng. Tôi vào bếp đun phích nước sôi để pha trà. Đáng lẽ ông muốn làm nhưng tôi nói ông ngồi đó, những chuyện vặt này tôi làm riết. Ngày tết, người về quê hết. Nhà tôi ở Hà Nội, người trong gia đình từ đời cụ nội đã ở đây, mở mắt trên đất Tràng An và khóa mắt trong nghĩa trang Mai Dịch. Quê, trong trí nhớ tôi là một bãi mộ lớn, nơi bà ngoại tôi ngủ trắng xương dưới sáu tấc đất. Tết Hà Nội nguội lắm, được cái đường phố thoáng đãng, ít rác, đi lại không kẹt xe, tiết trời lạnh se se chút nắng vàng khoái thú. Tôi không qua lại nhà họ hàng như tất thảy ai cũng thế. Mỗi tết, Lệ đều về quê và ngắt mọi liên lạc. Tôi nghĩ nàng đang rất vui trong gia đình nhưng một năm về trước, đột nhiên mẹ nàng gọi điện cho tôi hỏi về nàng. Tôi chỉ nghe, và biết rằng đã rất lâu Lệ không về nhà vào ngày tết. Tôi có tìm nàng lúc đó không nhỉ, có lẽ có hoặc tôi nóng ruột nhưng vẫn thờ ơ bởi sau cùng nàng đã về nhà.

     Sau giờ pháo hoa, mùng một rồi mùng hai, tôi đến nhà ông, thấy nhiều dép ngoài cửa nên ra về. Năm ngoái, tôi đứng trên cầu thang đi lên tầng trên, đợi mãi cho đến lúc khách về hết. Khi có ai đó lên xuống cầu thang, tôi giả vờ bấm máy điện thoại, khi thì hí hoáy bóc thuốc lá hút. Đèn cầu thang lòe nhòe chỉ đủ thấy mặt nhau. Khách về, cửa nhà ông để hé. Tôi đi xuống định gõ, lại thôi, muốn mở đi vào chúc tết nhưng ngần ngừ. Nhìn qua kẽ cửa, ông ngồi một mình ở cái bàn trước giờ tôi vẫn tiếp trà, tiếp rượu và hút thuốc cùng ông. Không có nhạc tết, máy dạo một bản không lời của Trịnh Công Sơn. Nghĩ về bản Cát Bụi, tôi nghe tiếng ngân nga trong nhà…đám rong rêu xếp hàng…những mặt đường nằm câm…những mặt người buồn tênh…Ông ngồi quay lưng phía cửa, quay lưng về phía con mắt tôi nhìn qua khe cửa. Đầu ông gật gật, giọng ông khàn và nhỏ. Cây đào nằm sát cửa sổ, cái cây nhỏ, hơi gầy, như ông và như tôi, đúng rồi, tôi có thấy một cành đào gãy nhưng không rơi xuống, lắt lay mãi cùng cánh đào phai…Nhưng dù mưa chớp hay nắng cồn như bão sa mạc chỗ ở của tao vẫn bất khả xâm phạm. Tôi liếc vào xấp giấy đang lên màu trong trí nhớ mình Lắm lúc, muốn nhìn mây trên đầu, liếm mưa trời, với chiếc lá vàng, đặt trong lòng bàn tay hứng ngọn nắng thu, lắm lúc tao thèm cái rét se lạnh của Hà Nội, nhớ hương hoa sữa mỏng tang đã ru mình ngủ trên ghế đá lạnh năm nào, lắm lúc, tao lội ra ngoài và thêm não lòng vì sự ngắc ngoải của phố xá. Tiết trời hôm nay là lạ, tết đã bẵng vào xa xôi. Tôi lẩm bẩm. Trong khu tập thể, tầng ba, cánh cửa số 6, nhà ông luôn là nơi tôi muốn gõ vào. Ông hỏi tôi sao chẳng tết nào ghé nhà chơi, tôi không dùng lý do bận rộn chuyện ghé thăm họ hàng hoặc ngụy biện cớ này kia, tôi chỉ im lặng, lờ đi câu hỏi của ông bằng việc châm một điếu thuốc. Câu hỏi của ông khiến tôi nghi hoặc bản thân mình. Đáng lẽ tôi nên ghé nhà ông vào ngày tết nhưng không phải mùng một hoặc mùng hai, tôi sẽ nghía trước giao thừa vài tiếng, trong trường hợp nhà ông có người thì tôi cáo về, tôi sẽ ở cùng ông cho đến sáng hôm sau. Đêm pháo hoa chẳng nghĩa lý gì ngoài sự làm dáng, lòe bịp của những khối hồn rỗng. Tiếng pháo đốt khiến tôi nhức tai, còn ông, thở dài cũng nhiều lần, bảo tôi rằng pháo phiếc, năm nào cũng như năm nào, người chật ních đường xá, nước nghèo vẫn nghèo. Nẫu ruột lắm…Nhưng tết năm nay tôi đã ghé nhà ông, chưng hửng nhìn ông qua khe cửa, cho đến lúc sơ ý làm động tiếng, khiến cánh cửa bập vào. Ông quay ra, hỏi về một người khách ngoài cửa. Không một lời, tôi lẳng lặng đi xuống nhà. Tôi không về nhà, cũng không đi dạo trên đường phố như mọi ngày. Giữa màn mưa mỏng thấu thịt da, tôi phóng xe ra ngoại thành.

     Hà Nội mờ theo từng cây số, mưa đậm lên theo tiếng rồ ga vun vút, mưa xuân sao mà buốt ruột. Quốc lộ vắng queo, mấy chiếc xe vọt qua lại. Người đã về quê hết hoặc đang sung túc trong ngôi nhà ấm. Họ cắt bánh chưng, chúc tụng nhau những ly rượu ngon và cười ha hả trong một câu đùa tiếu. Lũ trẻ áo quần tươm tất, hẹn hò nhau những cuộc du xuân, tấp nập trong nhưng ngôi nhà quen, đám họ hàng ghé chơi chúc tết và nhét vào tay nhau phong bao lì xì. Một cú quành xe vào đoạn đường quẹo phía kia đường, chỉ như vậy, một cái bẻ lái nhẹ nhàng, uốn mình theo chiếc Honda nứt nẻ, đi ngược lại những cây số cũ là tôi sẽ trở lại Hà Nội. Trong Hà Nội là nhà, gia đình, chiếc chăn nồng nàn gói người hong khô lạnh giá sương mưa. Các ông bác, ông chú, người dì, anh chị em họ đứng quanh, rào thành nhiều lớp, đằng nội đằng ngoại xen kẽ hết mọi chỗ trống, rồi thì lũ bạn đã vợ con lẫn những kẻ như tôi, vẫn ngác ngơ như con thú không nhà…Dễ lắm, chỉ một cú bẻ lái thuận theo ngã rẽ phía kia đường. Mưa mặc mưa, gió mặc gió, tôi phóng bạt hết dãy đường này đến dãy đường kia. Không có sự trở về, tôi đâm vút như vậy. Lệ không về nhà vào ngày tết và tôi cũng vậy. Lắm người trách móc nhau về một sự tróc gốc, lãng quên ruột thịt trong ngày tất niên, người Việt tự cổ chí kim đã nặng nhọc về sự sum họp, đời đời nối dõi trong cái lồng kính triển lãm trong viện bảo tàng. Trong lúc hít thở mùi đất ướt, nghía mắt lên bầu trời cao vút, là là một vết xanh, tôi đốt mãi không được điếu thuốc nào, bởi gió và bởi mưa xuân lèm nhèm. Như con quạ lạ lùng trước bậu cửa ông đã kể với tôi, tôi hồ nghi cái tên của hạnh phúc. Sống cùng nhau, chia sẻ và yêu thương hay chỉ là sự trói rọ lẫn nhau trong nụ cười gượng gạo. Những cái quàng ôm rồi sẽ hoen rỉ như hàng dây thép gai, những nụ hôn gắn hai chiếc miệng vào nhau sẽ thổi ra kịch độc. Lễ cưới hay lễ tang cũng là sự đưa đám. Tôi ngắt một bông hồng, ném xuống rồi ngắt thêm, tự kết cho mình một vòng hoa lớn như chiếc quan tài. Giữa đám tang và lễ cưới, là tôi, kẻ vay mượn nước mắt trong lời ru à ơi của chiếc nôi trống rỗng.

     Lúc này đây, hít thở một cơn gió lạnh thấu tim gan, tôi thấy thật bình yên. Từ chỗ tôi đứng, một bãi đất trống hoác nhìn lại không thấy Hà Nội đâu nữa. Một cành cây rơi xuống, va vào yên xe máy, gãy đôi. Con tôi, đáng lẽ là đầu lòng của tôi qua đời cũng đã lâu. Tôi không kể với ai điều này, cũng không toan tính về một đứa con thứ hai. Và rồi, tôi cầm một cành cây gãy, ném vút đi, ngọn gió mùng hai thổi văng khúc gỗ trở lại, quất vào mặt tôi ê rát.

   “Ông còn nhớ ngày đầu tiên cháu gặp ông không?”

   “Sao cơ, mày quên rồi à?”

   “Cháu hỏi vậy thôi.”

   “Ừ, quan trọng gì đâu nào. Qua đây ngồi đi.”

     Ông đi chậm vào phòng. Đi mấy bước, ông dừng lại, lâu hơn lúc trước.

   “Mày mở cửa sổ giúp tao cái.”

     Tôi định dìu ông ngồi xuống ghế nhưng ông gạt đi, bảo tôi mở cửa. Hôm nay rất oi, lúc tôi đến nhà ông, khí thở nặng nhọc, ngồn ngột khiến áo quần, tóc tai tôi ướt nhèm. Không biết đã bao lâu kể từ khi tôi đứng trước cửa, kéo giãn thêm thời gian lúc ngồi với ông trong nhà nhưng chắc trời đã dịu hơn. Cửa sổ nhà ông to gấp đôi mọi cánh cửa sổ trong khu tập thể. Tháo chốt, tôi mở toang hai cánh cửa sổ.

*

“Ngôi nhà này tao sống đã lâu nhưng kỳ thực nơi này không thuộc về ta. Mày biết mà, hai đứa con của ta đã lưu lại tuổi thơ ở nơi này trước khi dọn đến nơi mới. Tao cũng dọn đi cùng chúng, sống và nuôi chúng đến lúc đủ lớn để không cần đến tao. Còn tao, vẫn luôn trở lại nơi này. Tao quên chưa kể với mày về người chủ thực sự của ngôi nhà này, người chính ta cũng không biết. Vào những năm…ôi, chính tao cũng không nhớ nổi và không muốn nhớ, những tháng ngày chinh chiến loạn lạc, mỗi người gá víu cho mình một lý tưởng yêu nước để quên đi tội lỗi mỗi khi giết người. Tao cũng đi lính và cũng từng giết người. Bữa đó, có một trận đánh quá đột ngột, tiểu đoàn của tao không kịp chuẩn bị gì, ngoài một kẻng miệng thất thanh phía ngoài. Tao, hôm đó, điên khùng sao không ở cùng đồng đội của mình mà ra ngoài, lang thang một mình. Tao đi mãi, đi mãi, nhìn những khúc cây đổ nháo nhào bởi bom đạn. Nơi này vốn lẽ là một thị trấn nhỏ, yên bình nhưng lúc đó chỉ còn một đống hoang tàn. Nhà cửa trọc hết ngói, lâu lâu lại thấy một bàn tay trồi ra từ đống gạch. Người đã đi tản hết, những gì có thể mang theo họ đã lấy cả. Tao ngồi trên một ụ đất, cứ nghĩ mãi và đi ngơ ngẩn như kẻ mộng du cho đến khi đi vào một trường học nhỏ. Bàn ghế hỏng hết rồi. Cái bảng đen ngòm không vết phấn. Tao nhìn lên cái bảng tên, muốn viết cái gì đấy nhưng lại thôi. Nói hay viết gì lúc đó cũng thừa. Cứ vậy, tình cờ tao đi lạc vào một cái kho cũ kỹ. Tao thấy mấy chiếc nến trên bàn và đốt cây đầu tiên lên. Nhà kho ngoài ít bàn ghế cũ, vài mấy cây gậy, xẻng xúc đất còn có mấy quyển sách. Rặt là sách tiếng Pháp. Phủi lớp bụi, ta nghiêng lửa nến mới biết đấy là một cuốn sách văn học. Trước lúc vào lính, tao cũng từng học ngoại ngữ. Chữ nghĩa trong đầu tao lúc đó nhộn nhạo, đầy hào hứng, các con chữ nối tao vào quyển sách nằm trên mặt bàn. Tuyển tập Stefan Zweig. Tao vừa đọc vừa nhẩm dịch, giá lúc đó có giấy bút thì tốt biết mấy, tao sẽ chép xuống từng dòng một. Lật sang trang rồi giở lại, tao tìm thấy thiên truyện Bức thư gửi người đàn bà không quen. Mắt tao ướt theo từng trang viết. Tình yêu người con gái đẹp và cô độc quá. Tao đọc xong một trang tiếng Pháp thì lật trở lại, đọc to bằng tiếng việt mình chuyển ngữ. Nến hết, tao đốt thêm, hết một cây lại một cây, cho đến khi không còn chút ánh sáng nào trong nhà kho. Ngồi trong căn buồng tối, tao ôm cuốn sách trong lồng ngực, thèm rượu thèm thuốc lá…chà chà, rõ lạ đời, thời đó ai cũng thèm cơm gạo, thịt, giò lụa hay chí ít một bữa no, ngủ cho đến sáng mai, còn tao chỉ mê được đọc sách, thèm uống rượu, hút thuốc, lang thang khắp hè phố đuổi theo mùi hoa sữa cuộn trong tiếng cười dài. Tao, thằng sinh viên quèn chưa học binh pháp ngày nào, nghèo nhưng vẫn mang trong đầu suy nghĩ phản trắc tiểu tư sản. Tao trú thân trong nhà kho không biết bao lâu, cho đến khi nghe một tiếng nổ rất lớn. Cái nhà kho nghiêng ngả, tao ngã dúi xuống đất còn cuốn tuyển tập Stefan Zweig lạc mất tiêu trong bóng tối. Tao rời khỏi nhà kho, lúc đó trời chạng vạng, quá chiều và sắp hết chiều, hoàng hôn đã tận đời từ lâu nhưng trời chưa hẳn tối. Từ phía tiểu đoàn của ta dựng lều nghỉ, thấy một dải khói dài. Thị trấn nghèo nàn, tác tan, thế là tao tức tốc chạy về. Những đốm sáng nhỏ dần thui chột đi như con mắt ta lúc đấy…Mũi tao tưởng như đang nghẹt bởi gió lạnh trong cuộc bộ hành mệt mỏi, một bên mũi thông suốt trong mùi máu tanh, hốc mũi còn lại sặc sụa mùi khói súng. Đã có một trận đánh úp hoặc sự đụng độ vô đơn chí, tiểu đoàn của tao chết cả. Từ vị trí tao đứng, sải một đường cánh dài là những xác chết, bạn bè, đồng đội, họ bê bết máu, óc trắng tứ tung, ngoái cổ là thấy một xác người. Cây đàn trước đó thằng Lâm vẫn ôm trên tay, nghêu ngao đời lính giờ không còn nữa, còn Lâm đã chia làm hai mảnh, máu rưới trong đất mà ta ngỡ hộc từ miệng mình. Lẫn lộn trong xác lính Bắc Việt là lính Cộng Hòa, rặt là những khuôn mặt người Việt. Chợt, tao nghe thấy tiếng động đâu đó. Tiếng hy vọng gù gù chốc lát thì tắt ngấm bởi bộ quân phục Việt Nam Cộng Hòa ố máu. Cái nón sắt nghe động, ngoái lên và thấy tao. Một tàn binh còn sót trong bãi chiến trường. Ôi, mày có thấy rượu không, hãy rót và hắt vào mặt tao một cái…hút một điếu thuốc để tao nhìn rõ hơn cảnh hoang tàn, tao nhớ rằng chiều đã tắt thở, đêm tối phủ xuống chiếc váy đầm màu đen nhưng lửa đã quạt diêm, biến đôi mắt tao thành ngọn nến. Lửa tứ bề. Sau trận giao chiến, những mảnh tử thi đang bị thui nướng, tại sao tao không tìm thấy một cơ thể thân quen đang rẽ vào cõi chết mà là một tên giặc bàn tay đầy máu. Còn một thằng Việt Cộng, gã nói thế khi thấy tao, thả bàn tay ôm phần bụng đầy máu, quờ lấy khẩu súng dưới đất. Thân thể tao lành nguyên nên đã phóng đến dẫm vào bàn tay đang nắm vào báng súng của gã, dẫm mạnh, di đế dép, nghiến xuống như muốn đào một cái huyệt vùi bàn tay kẻ địch lẫn khẩu súng xuống đất. Thấy tay gã thả ra, tao đạp ngược cây súng ra xa rồi rút khẩu súng trong túi mình, dí vào vết thương dưới bụng gã. Lợi thế là của tao, chiến thắng chỉ trong một cái bóp cò. Tiếng la hét, giằng co gần sát mặt khiến tao sững mình. Trong bộ áo quần, chiếc mũ sắt với phù hiệu là cờ vàng ba sọc trên vai là giọng nói người Bắc, giọng người Hà Nội. Một tên Bắc di cư, kẻ phản bội đầu quân kẻ địch. Tao ấn sâu mũi súng vào bụng gã đang ộc máu, báng súng ta giữ rất chắc, ngón cò xiết lại, chỉ một tí ti là viên đạn sẽ bật khỏi ổ và chấm dứt trận chiến vớt với chữ V cay đắng viết trên trán kẻ trốn ngũ, tao. Gã lính Cộng Hòa dường như thúc thủ, đành buông lỏng mình, miệng giục tao giết hắn. Lâu quá rồi, tao đã không nhớ mình lúc đó, súng trong tay tao mà, uy quyền của lính khi ra trận không gì ngoài khẩu súng, tương tự như con dao nhà bếp, tao có thể lựa chọn chọc tiết gà hoặc cắt cà rốt. Đạn sắp phá ổ, ta vẫn nhìn gã lính chằm chằm. Mắt đối mắt, mắt xỉa vào mắt, cả hai còn rất trẻ. Khuôn mặt đen nhẻm bùn đất, đôi mắt gã tròn và đen, trong tròng mắt buồn bã tao thấy một khuôn mặt đang ngùn ngụt hận thù. Mặt tao hay mặt ai đó sau lưng tao. Giết chóc dễ như trở bàn tay…Tao thả cò súng, buông báng súng, lúc đấy tao nghĩ gì nhỉ…bạn bè đã chết hết thì sống làm gì nữa, phải thế không hay trái tim thỏ đế đã phản trắc ruột gan loài hùm beo khát máu…Tao để lại khẩu súng, quay lưng, lết bước ngắn…”

     Ông châm thuốc, không hút mà giữ thẳng đứng giữa ngón cái ngón trỏ. Ông nhìn khói thuốc uốn lên, xoáy trắng tàn thuốc.

   “Rồi sau đó.” – Tôi nói.

   “Súng nổ.”

   “…”

   “Không ai quyết định được gì trong đời mình nhưng ai cũng có quyền lựa chọn, ngoại trừ việc được sinh ra là không, chẳng thể chọn lựa cũng không thể định quyết.” – Ông gạt bàn tay với của tôi rồi nắm thành quả đấm, đập mạnh xuống mặt bàn. Tôi không nắm được bàn tay ông và tôi biết tay ông đang run, cú đấm của ông hều nhẹ và mong manh đến mức chỉ nghe tiếng xương rơi xuống mặt gỗ. Ông quay lưng về phía tôi. Quang cảnh này thật giống với ngày tôi đến nhà ông trong hôm bão về Hà Nội. Tôi bảo thèm rượu và muốn uống một mình. Ông lấy rượu và ngồi xoay lưng về phía tôi, mặc tôi uống đến mềm nhũn.

   “Đấy là lần đầu tiên tao giết người.” Và rồi một tiếng còi tàu vút lên, kéo dài trong căn phòng leo lét bóng đèn vàng.

   “Ga Hàng Cỏ chạy chuyến nào thế?”

   “Điện thoại của cháu đổ chuông, để cháu tắt máy.”

   “Lâu quá rồi, tao chưa được nghe còi tàu.”

     Tôi không nghe máy. Còi tàu đi hết một chuỗi, nối thêm một cuộc hẹn thứ hai rồi mất tăm. Cái bóng ông đổ trước ông còn lưng ông đổ trước tôi.

   “Đấy là lần đầu tiên tao giết người. Gã lính chết bởi khẩu súng của tao, trong một tiếng đạn rền nhẹ như pháo tết. Tao không thể hiểu được điều này, lý do gì chứ, gã hoàn toàn có thể lấy mạng tao. Ổ bụng của gã chưa trầm trọng đến mức chỉ một cái nhoài mình là đổ ruột. Văn chương muôn đời chỉ là sự gỡ gạc trễ nải trước hiện thực tráo trở, tao không tin rằng phút yếu lòng, phó mặc sống chết giữa bãi xác đồng đội đã đánh tráo sĩ khí trong lòng địch, thế nhưng cứ cho là vậy cũng không thể nào…Tao, không thể hiểu nổi hành động của gã, duy chỉ một điều luôn cước gai trong lồng ngực tao…Tao đã giết người. Gã đã chết bởi súng của tao cũng như đã chết trong tay tao. Dường như tao đã bật khóc lúc đó, ôi, trí nhớ tao đã nhiễu loạn đi nhiều, hay tao đang cố dối lừa mày giữa dòng nước mắt với tiếng cười xé tim trong bãi hoang tàn khét thịt. Còn lâu lắm trời mới sáng nhưng quanh tao mọi thứ chói quắc trong ngọn lửa. Đi lại giữa đống hoang tàn, bên này là cánh tay mất ngón, phía kia là thân người nằm bẹp dí trong vũng máu, nhìn ai tao cũng thấy lạ và nhìn những kẻ lạ tao lại thấy đau đớn, lúc đó tao thấy mình cô độc ghê gớm. Tính khí tiểu tư sản nửa mùa đã bán đứng lý tưởng về ngày hòa bình trong ta ư. Thế rồi…Tao…Chắc là vậy, tao đã làm gì đó cho đến khi vùn củi khô để ngọn lửa thêm cuồng nộ, hòng vùi đi mọi tàn tích chiến trường. Tao đi mãi thế. Trong tay tao lúc đó ngoài cái balo cũ nát, còn có một xấp những thư từ của người lính đã vì tao mà chết. Quên mất rồi, lúc tao được bộ đội tìm thấy, có lẽ ta đã kể lại cho họ những gì đã xảy ra với đồng đội mình, có khi tao đã giấu biến việc mình bỏ ra ngoài, giấu luôn cả những lá thư mình lấy trong người kẻ địch. Mỗi ngày, tao đọc một lá thư. Những dòng chữ nắn nót viết cho người tình ở Hà nội. Tao mê mẩn thứ tình cảm tuyệt đẹp của kẻ được mặc định là giặc. Những lá thư chưa kịp gửi, người đã chết. Qua những trang thư, tao biết về cái tên của người con gái, nàng tao tên Xuân, cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ. Hăng say lý tưởng lẫn chí khí chiến đấu trong ta lụi dần sau xấp thư như một sự trả giá. Tao giết đi cuộc đời của người lính miền Nam, và tự phế đi tương lai trên con đường đi tới Chủ Nghĩa Xã Hội của mình. Không Đảng phái, không tả hữu, sống lè nhè, cố tìm đến những niềm vui như để say thật say. Chiến tranh, làm lính, tao có thêm bạn và cũng mất đi từng người một nhưng, thà rằng gục khóc vì bạn chết vẫn khuây lòng hơn việc chứng kiến từng người trở về, say hào quang chiến thắng rồi điên cuồng trước thế quyền. Đã vào sa trường, trở về ai cũng lết về một linh hồn mốc, ớn nhất là những vết thương chiến trận đã gặm mòn lương tính người, dĩ nhiên, tao cũng vậy thôi, ta cũng vui mừng khi miền Bắc đại thắng, thống nhất hai bờ cõi theo lệnh của lãnh tụ tối cao. Ai ra trận chẳng vì chính nghĩa, ha ha…chính nghĩa theo hướng phất cờ, chính nghĩa chót vót trên xác đồng bào…”

   “Cháu hiểu.”

   “Làm sao mày hiểu được.”

   “Bởi vì ông đang ở đây, với cháu.”

     Ông vẫn quay lưng, tôi cũng quay lưng. Hai tấm lưng giáp hai bên, tôi nghe không sót một chữ.

   “Về Hà Nội một thời gian dài, ta tìm đến ngôi nhà của người con gái tên Xuân. Tao hỏi thăm những người sống quanh đó về cô gái nhưng không ai biết. Tao ngờ rằng họ đã quá hoảng loạn trong những ngày chiến tranh, đến mức mất trí, hoặc những người quen với cô Xuân đã dọn đi hết. Địa chỉ trong thư rành rành, tao do dự, trở về rồi lại tìm đến, hỏi thăm hết người này đến người kia. Tao lảng vảng mãi trước cánh cửa mấy tháng liền. Tao đã gõ cửa dù biết không có ai trong nhà. Lúc đẩy vào mặt cửa thì căn buồng mở tung. Bụi và tối lắm. Dọn dẹp xong, ta tìm thấy giấy tờ nhà đất của căn nhà bé tẻo teo trong khu tập thể này.”

   “Ông ở đây, thế còn bà Xuân?”

   “Không.”

   “Bà ấy không về nữa hở ông?”

   “…” – Ông ho hoặc như vờ ho trước khi đứng dậy, té nhào tại chỗ bởi ngồi một chỗ quá lâu. Tôi đã quay lưng trở lại nhìn ông, sau vài cái liếc trộm dò xét cái lưng to lớn đang gù theo tuổi tác. Tôi dìu ông đứng lên, cùng nhìn ra cái cửa sổ đang mở toang. Thanh sắt chắn cửa sổ ông đã gỡ đi, nhìn ra ngoài không vướng nhưng càng vướng bởi những mái ngói tân thời, bể nước sân thượng, một dãy dây điện lùng bùng lẫn lộn trong các dây phơi quần áo trống không. Chú quạ như gầy đi, bé con hơn cả con bồ câu, nhưng đó là tao mơ. Tao trông thấy nó tít ngoài cửa sổ, còn ta như thoát hồn, lửng lơ trên không. Con quạ đứng quay mình trên nóc tòa nhà chắn trước mặt. Tao thấy rõ mồn một khi bơi gần lên nóc nhà, chính xác hơn, mỗi khi tao chuồi lên cao thì tòa nhà nhỏ dần, thuôn thành một hình chóp kiểu nhà mái ngói vẩy cá. Toàn thân nó tuyền màu đen, mắt quạ thụt vào lớp lông vũ hoặc đã rơi mất trong trò đùa ác của trò bắn ná. Khi tao vỗ mình lên cao, định ngồi cạnh con quạ thì nó lao vút xuống. Cặp cánh quạ vẫn gập lại, chú bé rơi như vừa mới qua đời. Tao vẫn nhìn thấy đôi mắt sau gáy của nó, mắt đen, lay láy ngây ngô, rồi thì mọi thứ cứ lún xuống theo cú rơi nhào buồn thiu đó. Tao vỡ mộng…Ông từng nói với tôi như thế trong bữa tôi và ông ngồi trên cầu thang bộ lúc tối trời. Tôi mang theo chai rượu nhỏ, lấy nút chai thay chén, còn ông gập một cái lá bàng làm chén riêng. Giấc mơ của ông qua rồi, tan rồi, tàn rồi. Giờ đây, đối thẳng với ô cửa sổ rộng là bức tường dày của nhà cao tầng. Trời tối thỉu, cột đèn đường hướng sáng cho mắt người, tôi tiếc, bóng đèn trắng chứ không phải đèn vàng lá thu của Hà Nội phố.

   “Tao đã ở nhà anh ta đã ngần ấy năm trời.”

   “Ông đợi bà Xuân…”

   “Đúng một nửa.”

   “Cháu hiểu, thời đó ai cũng đói, thiếu thốn đủ điều.”

   “Đó chỉ là một phần của cái một nửa sự thật của tao.”

   “Nếu đấy là bí mật, ông hãy giữ cho riêng mình.”

   “Tao là kẻ tội đồ. Đã biết bao nhiêu năm trời tao tìm kiếm người con gái tên Xuân nhưng khó quá vì chẳng có ảnh cũng không có thông tin gì nhiều hơn những gì ta đọc trong thư. Tao đợi mãi, thăm hỏi mãi và vẫn giấu kín với vợ và con trai mình, coi đó là sự chuộc lỗi bí mật của riêng mình. Nhưng sao chứ, làm sao tao tìm gặp được hư vô.”

   “Cháu không hiểu.”

   “Xuân là tác phẩm của người lính đã chết bởi khẩu súng của tao.”

   “Sao kia ông?”

   “Có một lần mất mát mới thương người đơn độc[3], nhạc viết như đạn xuyên làm người đời ôm ngực. Thư tình trong chiến trận là sự giải lao giữa giờ bom đạn, quý giá hơn, đấy là thời khắc mỗi người buông bỏ vũ khí, tháo xuống chiếc mặt nạ thép u uất để tự vấn và trở về với cõi lòng thuần nhất của mình. Trong sa trường không có sự phân vai thiện ác, cầm súng hướng vào người cũng là chĩa vào mình. Việt Nam khốn khổ lắm mày ơi, nhân dân bù nhìn đã hàng trăm năm, đến bọn lính như tao cũng thế, khi tao hiểu mọi điều thì đã quá muộn, trận cờ đã chiếu tướng và chẳng có sự tự quyết nào ngoài mảnh linh hồn te tua. Tao và người lính gốc Hà Nội, ai hạnh phúc hơn ai, ai tội lỗi hơn ai…Tao mải miết tìm tiếng cười và chỉ hứng được nước mắt, tao mong một trận khóc bạt mạng đổ ào như bão lốc, tiếng khóc của một thằng trai tráng ngây ngô và của thằng đàn ông đã tinh tường hết lịch sử, mong lắm một cơn đau nước mắt đến liệt hủy tứ chi nhưng chỉ thêm trắng tay. Buồn bã, đớn đau nhưng lòng tao vẫn lâng lâng men say, thấy khoái chí, mê man trong tiếng cười cái đời sống lộn ngược như kính vạn hoa. Con người chỉ có hai lần khóc, tiếng khóc khi ra đời và tiếng khóc lúc đã đánh mất cuộc đời. Tao khóc lần đầu tiên khi chui ra từ bụng mẹ, như mọi đứa trẻ trên đời, như mày, tao khóc bằng bản năng của sinh vật chưa hoàn thiện. Tao đã không nhớ nổi tiếng khóc thứ hai của mình, ắt hẳn không phải trong cái nhà kho trường học hay trước cái chết của đồng đội mình. Sự rấm rứt, vỡ ào từ ngực trái những lúc yếu lòng đó chỉ là những xúc động ngắn, râm ran theo bản năng người. Mũi dùi đâm vào tao, và cả mày nữa, dù hai ta thuộc về hai thế hệ ngược nhau, hai cuộc đời nghịch đảo, đứng chung một quê hương nhưng mỗi người một thế giới, quan trọng là giữa tao và mày có một đường chỉ nối để hai thế giới gần lại. Chỉ là sự kéo gần, xích lại thôi, chỉ như thế, giống như cái cổng thép của tòa thành niêm kín nhiều năm, nay mở ra một cánh. Kể từ khi biết thực hư về người con gái tên Xuân, tao thêm hiểu và thêm thương chàng lính buồn miền Nam. Sài Gòn nắng quá, Sài Gòn không có mùa Xuân. Hà Nội đã xuân chưa. Em hãy là mùa Xuân, chờ anh về nghen, lá thư ngày xuân thì phải, pháo tết chưa kịp nổ, pháo súng đã lên nòng, nghe Duy Khánh mà mơ ngày đào ngũ, thư về Bắc rồi thư vào Nam…Tao đọc hết thư của anh ta trong những ngày hành quân, rồi khi trở về, nương náu đợi chờ trong căn nhà này, tao đốt ấm, sưởi lại những năm bụi mù trong phòng bằng tiếng cười nói của ta, bạn bè ta, tiếng vợ và con ta cho đến ngày mọi sự thật được gỡ nút, tao càng mong ở lại đây. Chàng lính chết rồi, xác thịt đã khét, quện với thi cốt của hai phe Quốc – Cộng, hai bên đồng đội của hai miền, còn linh hồn anh ta vẫn lang thang không lối về hay đã tìm thấy nàng Xuân của mình. Hàng chục năm trôi qua, căn nhà này đã được tao thay đổi rất nhiều để hợp với nhu cầu sinh hoạt của thời đại nhưng cánh cửa sổ nhìn ra cánh đồng lau đã tận mạng thì vẫn còn. Vợ con và cháu tao quở tao rất nhiều khi tao quyết ở lại đây một mình. Tao cũng thèm sự sum họp như mọi ông già Việt Nam, nhưng mày à, có nhiều thứ còn đáng quý hơn sự vui vầy bên gia đình. Đi khỏi đây, tao hoàn toàn có một chốn riêng nếu tao muốn, ngày lại ngày chơi với bọn trẻ trong nhà. Lấy thuốc và châm lửa cho tao cái. Phải rồi, tao, con người ta không chấp thuận một đời sống tuần tự, điều tao đã nhập vai quá hoàn hảo sau mấy mươi năm dạy học. Tao muốn ở đây, một mình để suy tư, tự đọc lại cuốn sách của đời mình, tự truy vấn, luận giải những điều chỉ thực hữu khi đã đi hết cuộc đời. Căn phòng này lạnh lùng bao năm chiến trận rồi, chàng lính đã đánh mất nó, cớ gì ta lại bỏ rơi nó một lần nữa. Nếu chăng, hồn anh ta có về đây theo lý lẽ mê muội của người Việt thì tao càng không thể đi.”

     Tiếng còi tàu một lần nữa báo cuộc gọi đến. Hồi còi ngắn, dài chưa hết chuỗi đã tắt, chắc ai đó nhá máy.

   “Tàu đến hay tàu đi.” – Ông nói và thổi lọn khói cuối cùng của điếu thuốc. Mảnh khói vút lên trần.

   “Đi hay về cũng một chuyến tàu, ông ạ.” – Tôi nói, nhìn ông, tóc ông lại bạc, phần tóc đã bạc lúc trước đã rụng đi, cái đầu ông tròn vo như đá tảng.

   “Lại gần đây, để tao nhìn mày.”

     Tôi ghé sát mặt ông. Cửa sổ vẫn mở, một cơn gió hắt vào, lành lạnh. Tay ông quờ lên lên đôi vai tôi, nửa nắn nửa bóp rồi vươn lên mặt. Những ngón to, lạnh và sần sùi của ông vuốt hai bên má, chạm xuống hai cánh môi, vuốt lên cái mũi, lúc ông vuốt tới đáy mắt thì tôi nhắm hai mắt, mặc ông vuốt trán và xoa mái tóc lởm chởm của mình “Râu ria gớm quá, cạo đi.” Ông nói, rồi bỏ tay ra, ngồi trở về chỗ mình.

   “ Tao sẽ nhớ khuôn mặt mày!”

     Tôi nhìn ông một lúc, xê lùi ra sau rồi nhướn gần lại. Bàn tay tôi vươn lên, định vẩy vài đường quạt trước mặt ông nhưng rồi lại hạ xuống nắm lấy bàn tay còm cõi của ông, nắm chặt như một cái ôm.

   “Ông sẽ ổn chứ.”

   “Trước giờ tao vẫn ổn mà. Tao giữ mày lâu quá rồi, liệu có ảnh hưởng gì tới chuyến đi không?”

   “Ngày đã hết nhưng vẫn quá sớm với cháu.”

   “Tao nghĩ, cũng đến lúc phải ngồi xuống viết một cuốn sách.”

   “Con sẽ là độc giả đầu tiên của thầy.”

   “Mày vốn đã là độc giả của ta rồi, chàng trai ạ.”

     Tôi dìu ông ra cửa, bàn tay ông ấm hơn, không rõ nhiệt từ tay tôi còn lưu lại hay khí nóng của ông đang thổi vào. Cúi chào nhau xong, ông khép cửa lại. Tôi đứng một lúc ngoài cửa, giữa dãy hành lang với những căn phòng đóng, đèn đóm leo lét chẳng đủ nhìn. Tiếng chân ông lê chầm chậm, hết quãng đường ngắn từ cửa vào phòng. Tai tôi chỉ nghe đến thế, không biết ông có ngủ luôn không hay đang ngồi trên chiếc bàn tiếp khách, ngồi quay lưng ra phía cửa sổ, ngấu điếu thuốc cuối cùng.

*

Tiếng còi tàu réo inh từ túi áo ngực khiến lồng ngực tôi giật giật. Tôi mở khuy áo, lấy điện thoại ra. Màn hình điện thoại sáng lên trong lối lên xuống cầu thang đang tù mù không ánh đèn. Còi tàu chưa ngớt, cuộc gọi từ Lệ.

   “Anh đây.”

   “Anh về đâu rồi, đi với em chứ.”

   “Xin lỗi em, có lẽ anh không đi.”

   “Em biết anh sẽ không đi, đừng an ủi em bằng viện cớ có lẽ nữa.”

   “Vậy thì…Em…”

   “Em đi, còn anh ở lại, tốt lành.”

   “Không, anh cũng đi.”

   “Em rời khỏi Hà Nội, mãi mãi.”

   “Anh cũng vậy, mỗi chúng ta đi, mang theo Hà Nội.”

   “Đấy là anh, còn em…sẽ đợi anh hoặc không bao giờ.”

   “Mong em bình yên, Maria Lệ.”

     Cuộc gọi lỡ dở tại đó. Pin điện thoại vẫn còn, nút gọi chưa ngắt, dường như một thuê bao nhiễu sóng. Lối lên xuống cầu thang lại tối. Tôi quờ tay níu lấy thành cầu thang, rồi đi xuống, chậm chậm từng bậc, đi cho hết bóng tối.

 

TRU SA

 



[1] trong tiểu thuyết Bản Sonate Kreuzer của Lev Tolstoy

[2] Câu nói của Robert Jordan trong tiểu thuyết Chuông Nguyện Hồn Ai của Hemingway. Maria là nhân vật nữ chính của tiểu thuyết.

[3] Nhạc của Vũ Thành An


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...