Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Củng Sơn, Mai Có Người Quen Hỏi - Đặng Kim Côn

 Nguoi linh VNCH


        

 Nhật Ký 

 

"Củng Sơn, mai có người quen hỏi,

                                                                 Ta ừ rừng núi cũng tình thân..."

                                        

                                                       

 

Ngày 16 tháng 3 năm 1975

Bên cạnh chúng tôi là tiểu đoàn 237 địa phương quân tỉnh Phú Yên. Họ đã đi hành quân đến 3/4 quân số kể cả tiểu đoàn trưởng và tiểu đoàn phó. Ðiều đó cũng thường xảy ra và nếu bất thường thì đối với tôi cũng chẳng có gì lạ. Ngay cả cuộc họp quan trọng vừa diễn ra, tôi cũng không hề bận tâm. Cuộc họp tại chi khu Sơn Hòa, Thiếu tá Hiếu, quận trưởng kiêm chi khu trưởng úp úp, mở mở thông báo một cuộc hành quân mở đường lớn nhất từ trước tới nay sẽ ngang qua thị trấn Củng Sơn, và có thể Việt cộng sẽ lợi dụng tình hình để tấn công. Chúng ta có nhiệm vụ vừa phòng thủ, vừa bảo đảm an ninh cho các đơn vị bạn, vừa bảo vệ đồng bào. Trong trường hợp nghiêm trọng, mỗi đơn vị phải tự lo liệu vũ khí, đạn dược, truyền tin, lương thực mà trên thực tế, đã từ hơn hai năm qua chúng tôi đã được lệnh phải sử dụng rất hạn chế từ đạn dược, thuốc men, đến xăng dầu. Cuộc họp đơn giản, không có bản đồ hành quân, không có ghi chép, không có ai đưa ý kiến gì, với đông đủ các trưởng ban của chi khu, và các đơn vị trưởng yểm trợ, trong đó tiểu đoàn 237 địa phương quân (chỉ còn một đại đội trừ bị ở căn cứ) do Trung úy An, bạn tôi, đại diện; và tôi, trung đội trưởng trung đội 201 pháo binh diện địa tiểu khu Phú Yên dự họp.  

 <!>

 

Hầu như xong cuộc họp, chẳng ai còn để ý, mọi người tiếp tục cuộc sống bình lặng của cái thị trấn bé nhỏ, lẻ loi này, cái thị trấn nằm trên liên tỉnh lộ 7, chỉ còn sinh hoạt trong bán kính 10Km, hay đúng hơn, thật sự bình yên trong khu vực thị trấn, có chiều ngang gần 2Km và chiều dài hơn 5 Km dọc theo đường 7. Quân dân cán chính cần đi về thành phố (Tuy Hòa) hoàn toàn lệ thuộc vào trực thăng của không quân, bởi vì đường 7, huyết mạch duy nhất từ Tuy Hòa lên và từ Phú Túc xuống từ nhiều năm không sử dụng được. Việt cộng đã đặt mìn bẫy chi chít ở đó; mặc dù có một vài lần quân đội Việt Nam Cộng Hòa khai thông nhưng chỉ tạm thời một lúc. Cư dân tại Củng Sơn khá đông, vì phần lớn đồng bào từ các xã mất an ninh trong quận đã tị nạn Cộng sản tập trung về đây. Và đặc biệt, trong từ nhiều năm, Củng Sơn chưa xảy ra một trận đánh nào đáng kể, nếu có một vài trận lẻ tẻ thì Việt cộng cũng nếm mùi thất bại nặng nề.  Vị trí của pháo binh và tiểu đoàn 237 đóng cách chi khu khoảng 3Km về phía tây bắc, trên đồi Hòn Ngang, cũng bên cạnh con đường 7.

    

Ngày 17 tháng 3 năm 75

Chúng tôi vẫn nhởn nhơ quanh các bàn bi-da và các quán café. Trời đất vẫn bình yên, các đại đội hành quân của tiểu đòan 237 địa phương quân vẫn bình yên. Các thi, ca sĩ nhà lính đêm đêm vẫn mượn PRC.25 gửi cho nhau những vần thơ ướt át và những giọng hát lâm ly. Trời có sập ở đâu đó thì chúng tôi cũng chẳng nghe, chẳng biết và cũng không nghĩ có ảnh hưởng gì đến mình hay không?

Sau cuộc họp, từ Chi khu về, tôi và An bàn nhau tổ chức canh phòng kỹ hơn.

Tôi gửi công điện về BCH pháo binh xin thêm đạn chiếu sáng, mìn và được họ trả lời là chờ máy bay.

    

Ngày18 tháng 3 năm1975

An nói là tiểu đoàn của nó đã di chuyển mỗi lúc một xa hơn về phía đông (phía Tuy Hòa). Trung đội chúng tôi còn 12 người kể cả tôi. Chúng tôi chia làm hai toán, thay nhau, một nửa canh gác bắn quấy rối và một nửa ngủ.

Qua tin tức của ban 3 tiểu đoàn, chúng tôi biết có một số trận đánh lớn ở các quận giáp ranh (Tuy Hòa, Ðồng Xuân, Tuy An), chúng tôi bắt đầu cảm thấy khẩn trương. Tiếng động cơ máy bay ầm ì cả ngày đi đi, về về theo hướng Phú Túc, Tuy Hòa. Chiến tranh mà, có gì là lạ. Chúng tôi cứ như nằm trong trống.

    

Ngày 19 tháng 3 năm 1975

10 giờ sáng, một chiếc xe tăng lù lù bò lên dốc Hòn Ngang- “Việt Cộng!”, lính gác báo động, cả trung đội nhốn nháo, ôm súng đạn ra vị trí chiến đấu, M72 được sẵn sàng ở vị thế “chống chiến xa”, hai nòng 105 ly nạp đạn hạ thấp về chiến xa với các pháo thủ sẵn sàng trực xạ. Phú Yên không có một đơn vị thiết giáp nào yểm trợ, và Sơn Hòa lại càng không thể nào có thiết giáp, thâm tâm chúng tôi, nếu không phải là Việt cộng thì nghĩa là tin vui đã tới: con đường duy nhất, liên tỉnh lộ 7 từ Tuy Hòa lên đã được khai thong (từ hàng chục năm nay, một đoạn hơn 20km giữa chiều dài 60km Tuy Hòa và Sơn Hòa, đã trở thành nơi múa gậy vườn hoang của VC). Tôi chưa cho lệnh khai hỏa, dù là mấy “ông lính” hào hứng quá! Lỡ phe ta thì sao? Chiếc xe tăng vẫn chậm chạp tiến lên. 30m, 20m, 15m, chiếc xe M113 dừng lại, một quân nhân bước xuống, vừa bước tới phía tôi vừa đưa tay lên mũ chào, nói lớn:

-Anh cho tôi hỏi thăm, đây là đâu?

-Anh là ai?

-Tôi là trung úy X. từ Pleiku xuống. Trung úy cho hỏi, còn bao xa nữa về tới quốc lộ?

-Ðây là Củng Sơn. Còn 60 cây số nữa tới quốc lộ 1 và cũng là Tuy Hòa. Các anh mở đường?

-Trung úy không nghe gì sao? Có lệnh bàn giao 6 tỉnh Tây nguyên cho Việt cộng. Phú Yên còn là của mình. Cám ơn, chào Trung úy.

-Chào Trung úy.

Chiếc xe lùi lại, quay đầu đi sâu vào thị trấn. Chúng tôi thảng thốt nhìn nhau. Tôi gọi An sang nói cho nó biết.

Buổi chiều có mấy chiếc xe jeep dân sự chạy vào Củng Sơn. Nửa đêm, một vài vị trí xung quanh (ngoài vòng yểm trợ của tôi) phía quận Tuy An và Hiếu Xương phát lên nhiều ánh chớp kéo dài cả giờ đồng hồ, chúng tôi cũng nghe được cả tiếng nổ của đạn đại liên, lựu đạn và súng cối. Lên máy hỏi thăm, có tin là các lực lượng đồn trú đã thất thủ. Nhưng tôi vẫn nghĩ sẽ đâu vào đó. Phú Yên còn là của mình, Sơn Hòa sẽ là vùng địa đầu, hỏa lực sẽ được tập trung mạnh mẽ hơn.

     

Ngày 20 tháng 3 năm 1975

Thị trấn bỗng nhộn nhịp khác thường. Số người di tản từ Kontum, Pleiku, Phú Bổn mỗi lúc đổ về một đông, mọi người về được đây đều thở phào kể như đã thoát khỏi vùng “giao cho Việt cộng”. Họ nghỉ ngơi, cười nói, ăn uống. Các hàng quán ven chợ Củng Sơn trở nên tấp nập. Bãi đáp nhỏ trước chi khu, trực thăng thỉnh thoảng vẫn “hấp tấp” hạ cánh bốc thương binh hoặc tướng tá cao cấp gì đó, rồi hối hả bay lên. Tôi đi tìm thằng em kề, pháo binh biên phòng yểm trợ cho tiểu đoàn 90 Biệt động quân ở Thanh An, Lệ Ngọc gì đó, và được nghe nhiều chuyện kể về các trận đánh ở Thanh An, Lệ Ngọc (Pleiku), Đèo Chư Sê, Đèo Tô Na (Phú Bổn) và những cảnh hỗn loạn chết chóc trên đường di tản.

    

Ngày 21 tháng 4 năm 1975

Một vài trận đánh nhỏ xung quanh quận cho mọi người hiểu được ranh giới sẽ không dừng lại ở Sơn Hòa. Những loạt súng nghe được từ Củng Sơn như chừng nhắc nhở mọi người là một trận đại hồng thủy sẽ tới, không chóng thì chầy. Cư dân Củng Sơn nhốn nháo. Nhiều người dân ở đây cũng thu xếp và bồng bế ra đi.

Những người bị thương tập trung lại trạm xá Sơn Hòa. ở đây họ được sơ cứu và cho ăn uống chờ máy bay tải thương, nhưng máy bay mỗi lúc một thưa hơn và rồi họ không thể hạ cánh được nữa. Người di tản đứng, ngồi đông nghẹt sân bay, có một chiếc UH1D và một chiếc trực thăng khác màu trắng đã bị bỏ lại, phi công phải tháo chạy bộ vì người ta đã bu bám quá đông, thậm chí bám cứng cả cánh quạt. Nghe nói chiếc trực thăng màu trắng là của phóng viên một đài truyền thanh quốc tế nào đó.

Chúng tôi không có những tin tức chính xác về tình hình chiến sự các nơi khác, chỉ biết Ban Mê Thuột đã rơi vào tay cộng quân và chính phủ đang tổ chức tái chiếm. Quân dân di tản từ Tây nguyên vẫn tràn ngập trên đường 7 xuyên qua Củng Sơn, cầu sông Nhau, có người gọi là sông Con cắt ngang đường 7 cách Củng Sơn gần 10 cây số về phía đông (hướng Tuy Hòa), chảy ra sông Ba, bị Việt cộng đánh phá và dân di tản ùn tắc ở đó, có vài cuộc chạm súng ở đây, hay đúng hơn Việt cộng đã hung hãn “quyết chiến” với đám người di tản, phần lớn là thường dân, phần nữa là những người lính mồ côi đói khát không còn đơn vị, không người chỉ huy, không còn tinh thần và hầu hết đã không còn vũ khí. Con sông nhỏ, cạn nên nhiều người, xe liều chết và may mắn thì cũng vượt qua được, tiếp tục xuôi về hướng đông, hoặc rẽ qua đường 7B nằm phía Nam đường 7, tản sâu vào trong núi.

Là một người lính ở ngành yểm trợ, tôi chỉ nghĩ đơn giản là khi cần thiết, chúng tôi còn 2 chiếc GMC, một chiếc jeep, có thể cõng hết trung đội (chỉ chưa tới 20 thầy trò) và cũng có thể mang theo đơn vị của An nữa, vù một cái về đến Tuy Hòa, Nếu găp Việt cộng đoạn nào trên cái khoảng 30 cây số mìn bẫy (trừ 30 cây số được coi là an ninh trước đây ở 2 đầu gần Củng Sơn và  Tuy Hòa), chúng tôi sẽ bỏ xe và chiến đấu, thế thôi… (chưa hề nghĩ rằng chỉ cần 3 mét đường với một quả  B40 hoặc mấy loạt súng phục kích là đủ chết, cần gì tới 30 cây số !)

    

Ngày 22 tháng 3 năm 1975

Khu vực sầm uất của Củng Sơn chừng 3 cây số vuông gần như dày đặc những người và xe cộ. Có lớp rời Củng Sơn tiến về Tuy Hòa, có lớp mới tới chưa kịp hoàn hồn, và con đường 7 từ Phú Túc xuống 24/24 giờ bụi mịt mù, người ta tiếp tục đổ về. Không thiếu những cảnh thương tâm trên dọc đường đã được họ kể lại: những cái chết do đói khát, đau yếu, kiệt sức, có cả những người lính tự tử sau khi bắn chết hết vợ con anh ta, nhiều đứa bé cha mẹ bị chết hay bị thất lạc, và nhiều trẻ thơ khác, giữa cái nắng như đốt, nằm vật vã ngậm vú mẹ đã lạnh ngắt tự bao giờ.

Anh em trong đơn vị rất hoang mang, tôi điện về Trung tâm hành quân tiểu khu hỏi thăm và chỉ được họ trả lời là hãy cố gắng phòng thù, các quận khác cũng đang bị áp lực nặng, lại còn phải lo tổ chức an ninh cho cuộc di tản. Có vẻ như mọi người ở Ban hành quân chi khu cũng như đại đội yểm trợ của tiểu đoàn 237 địa phương quân bên cạnh và hầu hết các lực lượng quân sự trên địa bàn quận cũng không ai biết gì nhiều hơn tôi. Tất cả đều chìm trong một cơn mê với nỗi hoang mang ngột ngạt nặng nề và không ai có một quyết định rõ rệt nào.

Đại đội trừ bị của Trung úy An bên cạnh tôi, 1 một nửa quân số là dân của Củng Sơn, họ lo về nhà sắp xếp gia đình, và hầu hết trong số họ đã không trở lại đơn vị. Nhiều người đã tự ý dẫn gia đình theo đoàn người di tản. Tôi bắt đầu nhận nhiều tọa độ yểm trợ của trung tâm hành quân và chi khu. Hai khẩu đại bác 105ly đã đến lúc phải nóng nòng lên. Tiếng đại bác ầm ì gây thêm bất an cho các đơn vị, binh sĩ còn lại cũng như người dân trong khu vực vốn ít khi nghe tiếng súng. Gia đình binh sĩ trên căn cứ lần lượt gồng gánh xuống chân đồi.

Chúng tôi nhận lệnh bắn yểm trợ liên tục dọc theo liên tỉnh lộ 7 về phía tây bắc Sơn Hòa (Đông Nam Phú Túc)

Tiếng súng cá nhân cũng rộn ràng hướng Đông, Đông Nam cách chúng tôi trên dưới 15 cây số (nếu trong bán kính 11 cây số nằm trong tầm yểm trợ của tôi chắc chắn là tôi biết rõ hơn, nghĩa là trong khu vực trách nhiệm của Sơn Hòa chưa có giặc giã gì đáng phải quan ngại. Phần lớn tọa độ yểm trợ là chúng tôi nhận lệnh từ máy bay quan sát L.19 và từ Trung tâm hành quân Tiểu khu. Đạn nổ pháo binh 105 đã vơi khá nhiều, tôi xin thêm đạn nhưng chỉ được trả lời lửng lơ: Chờ!

Có 2 pháo thủ được báo cáo là đã trốn đi. Vài quân nhân có gia đình tại khu gia binh thì vợ con khóc lóc, lo lắng. Tôi tập họp trung đội ra lệnh phân phối thuốc men, lương thực, thực phẩm cho những quân nhân có “gia đình tại chỗ”, cho phép họ dẫn gia đình ra đi, còn những quân nhân độc thân, hoặc “độc thân tại chỗ” (vợ con, gia đình ở xa), thì phải ở lại với tôi. Một cảnh chia ly cảm động diễn ra, có người đã khóc yêu cầu tôi cùng đi với họ, và cũng có người muốn ở lại với anh em, nhưng tôi đã đóng mặt lạnh, cứng rắn ra lệnh cho họ rời đơn vị.

Buổi chiều chi khu mời họp, trước cổng chi khu, cũng có một bãi đáp trực thăng nhỏ, quân dân cán chính từ Tây nguyên tụ tập ở đây khá đông, có nhiều sĩ quan cao cấp của quân khu II, cũng như nhiều trung tá, thiếu tá, đại úy từ nhiêù quân binh chủng của Kontum, Pleiku, Phú Bổn… Tôi gặp lại các bạn bè cũ, các đơn vị trưởng Pháo binh cũ lúc tôi còn ở Phú Bổn, trong đó có cả Trung Tá Lò Văn Bảo, tỉnh trưởng Phú Bổn, cùng các sĩ quan các ban ngành thuộc Tiểu khu. Họ bàn tán xôn xao về thời cuộc, nhiều người đã không còn tin là chỉ “bàn giao 6 tỉnh Tây nguyên” như những lời đồn đoán ban đầu, nghĩa là không phải chạy đến đây là đã thoát khỏi cái “vùng đất bị chia” 

   

23 tháng 3 năm 1975

Trung đội còn lại 8 thầy trò chia nhau làm 2, nửa ngủ, nửa thức gác và bắn quấy rối - nếu có lệnh yểm trợ thì cả trung đội sẽ cùng thức hoạt động hết -. Sáng sớm, lính Địa phương quân báo cáo phát hiện 4 xác Việt cộng nằm chết ngoài hàng rào kẽm gai phòng thủ phía Pháo binh, không biết tại sao chết và chết lúc nào (tối qua không ai nghe có mìn nổ), mọi người cùng đồng ý là chắc Việt cộng muốn cho đặc công bịt miệng 2 khẩu đại bác, hai nắm đấm khó chịu và hùng hổ nhất ở đây lúc này, và chúng trước khi kịp hành động, đã bị một loạt đạn vu vơ “tiều quảng” nào đó của lính gác. Khác cái mừng bình thường là chúng tôi vừa lập được công trạng, chờ báo cáo nhận thưởng, lần này chúng tôi vừa mừng thoát được một tai họa lớn vừa lo không biết sẽ còn những trò gì sắp tới nhất là đang lúc chúng tôi như đang lơ lửng giữa trời, la hết hơi cũng chẳng ai nghe.

Củng Sơn vẫn “nhộn nhịp” trong một bầu không khí nặng nề. Đoàn người di tản ít dừng lại hơn, nghỉ ngơi, ăn uống ít hơn - hàng quán cũng đã cạn thực phẩm - và tiếp tục hành trình một cách hối hả hơn. Lính gác ở chi khu vẫn kiểm soát chặt chẽ mọi sự xuất nhập. Thấy có mấy anh biệt đông quân, tôi hỏi thăm họ về thằng em kề của tôi, Pháo binh biên phòng, ở Thanh An, Lệ Ngọc nào đó, tôi gặp được một người bạn cùng đơn vị với nó cho biết là nó đã bị chết dưới một trận mưa pháo, sau đó chính mắt bạn nó thấy xe tăng T54 còn cày lên xác nó.

Vào lúc 1giờ trưa thì có mấy quả đạn cối pháo kích vào bãi đáp trực thăng chi khu. Tôi cũng có mặt ở đó, đạn nổ cách tôi không đầy 10m. Tôi trở lên đơn vị, điện về hỏa yểm tiểu khu, nhờ báo lại hung tin cho gia đình tôi ở Tuy Hòa. Điểm danh lại trung đội, một binh sĩ nữa được báo cáo là đã đi từ sáng đến giờ chưa về.  

   

24 tháng 3 năm 1975

Trung đội vẫn tiếp tục yểm trợ hết hướng tây lại qua hướng đông. Đạn còn không nhiều, tôi tập trung vào yểm trợ các đơn vị đụng trận và bớt bắn các tọa độ tiên liệu hú họa. Thỉnh thoảng tôi chạy xuống Chi khu nghe ngóng, tìm hiểu những tin tức, quyết định của cơ quan đầu não cao nhất và duy nhất của mọi người (của chiến trường, của Tỉnh, của Tổ Quốc) lúc này. Có tin chi khu cũng chuẩn bị di tản nhưng chưa biết chính xác giờ H. Và đặc biệt là tiên liệu được lệnh lạc của cấp trên thế nào, nhất là tôi, một quân nhân không là quân số của chi khu. Nhiều người nói là trực thăng UH1D và Shinook đã hạ cánh xuống bất cứ nơi đâu có người để cứu nạn về Tuy Hòa, miễn là ở đó số người tập trung không đông quá. Khu vực Củng Sơn hiện tại vắng lặng tiếng máy bay, hầu như không còn một chiếc nào lảng vảng trên bầu trời. Tuy nhiên cũng có một ít người vẫn hy vọng một may mắn nào đó.

Tôi nhận lệnh bắn yểm trợ đều đặn trên máy truyền tin, 2 khẩu 105 liên tục nhả đạn suốt hơn 2 giờ liền. Số đạn dự trữ ít ỏi của trung đội cũng đã kiệt, chỉ còn vài chục đạn khói và chiếu sáng. Từ trên đỉnh đồi, số quân nhân hậu cứ tiểu đoàn 237 lếch thếch kéo xuống núi, còn đại đội của An thì đã lặng lẽ “hành quân” từ lúc nào! Tôi liên lạc ban 3 tiểu đoàn, không có ai trả lời, gọi xuống chi khu không còn ai, 2 khẩu đại bác vẫn cần cù nhả đạn, lệnh tác xạ vẫn thúc giục trên máy, tôi nghĩ, lệnh từ một máy bay quan sát xa xôi đâu đó, chúng tôi đã bị bỏ lại để bắn chặn cho họ. Tôi liên lạc máy về Trung tâm hành quân Tiểu khu, không gặp được một sĩ quan nào, các binh sĩ truyền tin của pháo binh (mà mới tháng trước là thuộc cấp của tôi) cũng không giúp tôi được gi.

Tôi cho anh em chất gạo, đồ hộp, thuốc men, các loại vũ khí cầm tay như M72, M79, lựu đạn lên xe GMC, một pháo thủ quê Củng Sơn, tôi cho về nhà, còn lại sáu thầy trò, mỗi người một cuộn băng cá nhân, một gói gạo sấy (thật là thiếu kinh nghiệm quá, một gói gạo sấy thì chịu được bao lâu? Có lẽ lúc ấy tôi cậy vào xe lương thực đã được chuẩn bị kia) sẵn sàng di tản.

Gần 5 giờ chiều nhiều tiếng nổ lớn phía chi khu và lửa bốc lên cao. Cùng lúc dưới chân đồi lố nhố nhiều màu áo lính mà chúng tôi không biết là địch hay bạn. Tôi quyết định ra đi. Anh em hỏi tôi việc phá hủy 2 khẩu 105, tôi thở dài ứa nước mắt, nó gắn bó thân thiết với mình quá, đã biết bao nhiêu tiền của công lao, nó mới từ những đống sắt trở thành hai người bạn kề vai sát cánh cả cuộc đời quân ngũ của mình, mà để nguyên lại thì sợ Việt cộng lấy “gậy ông đập lưng ông” theo bước đường di tản của mình, với lại cũng hy vọng còn có ngày tái chiếm, tôi lắc đầu, cho tháo 2 khối cơ bẩm chất lên xe Jeep và dồn tất cả anh em lên chung chiếc xe Jeep - lính dưới chân đồi đông quá, chúng tôi nghĩ là với một chiếc xe nhỏ lao đi may ra thoát được, nên chiếc GMC đầy ắp nhu yếu phẩm đã bị bỏ lại. Chiếc Jeep hốt hoảng lao xuống đồi, may cho chúng tôi, tất cả chịu trận trên chiếc xe không cách nào xoay trở được nếu gặp tấn công (lại một sai lầm “tài tử” nữa), đám lính dưới chân đồi là anh em quân nhân mới xuống tới đang nghỉ ngơi, thấy xe xuống họ dè dặt chỉa súng về phía chúng tôi, bên nào cũng tưởng bên kia là Việt cộng. Suýt nữa chúng tôi bắn lầm nhau, mà tổn thất chắc chắn về phía đơn vị “tài tử” vừa bị động vừa ngờ nghệch như chúng tôi. Con đường 7 trước mặt chi khu cũng như khu vực chi khu vẫn phát ra nhiều tiếng nổ, đó là lý do mà chúng tôi không còn đường chạy thêm nữa, phải dừng xe lại khi còn cách chi khu nửa cây số, trên bờ sông, ngậm ngùi bắn vào 4 cái bánh xe, ôm 2 khối cơ bẩm súng 105 thả xuống sông, tất cả cùng băng qua giòng sông cạn, đi ngược lên phía Tây Nam, mà nghe đồng bào nói trước đó (và bây giờ vẫn đang) nhiều người, trong đó có cả Quận Hiếu và Ban Chỉ Huy của chi khu, đã băng qua đó.

Một giờ sau, chúng tôi kịp gặp Thiếu Tá Hiếu và Ban Chỉ Huy Chi Khu ở Chí Thán, với đông đảo đồng bào theo chân. Đó là cái tính chất đặc biệt của cuộc chiến Miền Nam, quân đi đâu thì dân chạy theo đó, như mấy câu thơ của Lê Nguyên Ngữ “Đường tiến quân ngược đường chạy loạn…” bất chấp lửa đạn, người dân lúc nào cũng chực thoát ra khỏi phía bên kia chạy ngược về mũi súng của quân đội, để khỏi phải nằm trong tay VC. Cái khó của người lính Việt Nam Cộng Hòa là vừa đánh giặc vừa phải lo bảo vệ dân, là vậy.

Thiếu tá Hiếu tập họp tất cả quân nhân lại chỉnh đốn đội ngũ, phát lương thực cho anh em tàn quân từ Tây nguyên xuống hiện đang có mặt ở đây, yêu cầu anh em không phân biệt binh chủng đoàn kết dưới sự điều động của Thiếu tá. Hơn 200 quân nhân và gần 2000 thường dân kéo nhau lặng lẽ đi vòng sâu vào núi theo hướng Nam.

Rừng núi um tùm, rậm rạp trong bóng đêm lờ mờ, với hơn hai ngàn người, đoàn người hầu như đi hàng một, chắc phải kéo dài 3 cây số là ít. Mọi người đi nhanh như chạy, lặng lẽ, không hút thuốc cố bám theo nhau vì chỉ cần cách nhau 4, 5 mét, là người đi trước bị lấp trong cây lá dày đặc và bóng tối âm u, người sau sẽ bị mất dấu người trước.

Đi đến nửa đêm chúng tôi gặp những người từ Cầu Sông Con (Sông Nhau) ngoài đường 7 bị Việt cộng chận đánh hôm trước đã túa vào nằm chịu trận chưa biết tính sao ở đây. Mọi người dừng lại nghỉ ngơi, thản nhiên nấu nướng, ăn uống và nói chuyện râm ran. Thức ăn nước uống cũng được san sẻ cho những người thiếu thốn nhiều ngày qua đang ngồi ở quanh đó. Tôi lên máy tìm An và biết nó đang ở phía trước tôi khoảng 5 cây số và mới bị đụng một trận nhỏ trước đó 10 phút. 

   

25 tháng 3 năm 1975

Chúng tôi tiếp tục di chuyển về hướng Đông Nam, nghĩa là càng lúc càng xa đường 7, ý định của Thiếu Tá Hiếu là chúng tôi sẽ gặp Quốc lộ 1 tại Đèo Cả, cách Tuy Hòa 30 cây số về phía Nam. Đoàn người đông thêm do những người từ đường 7 chạy vào, có cả nhiều người đi trước chúng tôi từ nhiều ngày trước. Người ta nói cho biết là Việt cộng đã và đang chặn đánh đoàn người di tản theo đường 7. Đoàn người, đoàn xe phải rẽ qua liên tỉnh lộ 7b phía Nam đường 7 (nghĩa là họ ở giữa chúng tôi và đường 7)

Trời nắng khủng khiếp, chúng tôi vẫn còn hàng một và có vẻ đội ngũ không còn chặt chẽ, linh hoạt nữa. Nhiều người phải chậm lại vì mệt hoặc người nhà bị đói khát quá sao đó, cũng có người còn khỏe thì vượt lên phía trước. Những người còn đi đuợc thì cứ đi, không kịp có thì giờ thương xót hay hỏi han một ai đó ngất xỉu ven đường vì kiệt sức, hay đau bệnh. Nhiều người cắm đầu cắm cổ đi, khi dừng lại thì người thân của họ lạc đâu mất. Cũng có người nói người thân của họ mới chết, nhưng tất cả không ai còn được giọt nước mắt nào.

Mọi người càng lúc càng đi sâu hơn vào trong núi, cây cối mịt mùng, không thể thấy nhau trong vòng 5, 6 mét. Suốt cả ngày chúng tôi không gặp nước uống, mà có đến hơn 80% là không có mang nước uống theo, mà lúc gặp nước thì cũng không lấy gì để chứa. Người ta nói mấy ngày qua, nhiều người đã từng đổi cả lượng vàng lấy một lon guigoz nước uống mà cũng không được.

Thêm nhiều người nữa không tiếp tục nổi hành trình. Một điều lạ là suốt mấy chục cây số đoàn người không ai đạp phải mìn bẫy, con rắn dài mấy cây số này cũng chẳng khúc nào gặp Việt cộng, chỉ có thỉnh thoảng nghe được ở những khúc đầu, đuôi bất chợt nào đó tiếng trực thăng hạ xuống và bay lên, những người biết chuyện nói là trực thăng trong mấy ngày qua đã bốc khắp núi rừng tốp 5, tốp 7 những ai may mắn phi công phát hiện được, nhất là gặp lúc họ đang đứng ở vị trí có bãi cho trực thăng đáp xuống.

   

Ngày 26 tháng 3 năm 1975

Một ngày nữa trôi qua, Thiếu Tá Hiếu, Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng Sơn Hoà đã tỏ ra là một người lãnh đạo có trách nhiệm và tận tâm. Có lúc Ông vượt lên trên, có lúc ông chậm lại hỏi han khuyến khích mọi người. Các phi công trực thăng cũng vẫn rất nhiệt tình tìm kiếm cơ hội đáp xuống nhặt từng người khắp nơi. Nhiều người trong đoàn, do lúc nhanh lúc chậm, đã kể cho mọi người biết là vừa rồi, trước đó mười, hai, ba chục phút gì đó, một vài nhóm người phía trước, đằng sau, đâu đó đã được bốc đi. Không nhất thiết phải thuộc thành phần nào, dân quân quan lính gì cũng không ra ngoài sự chọn lựa của sự hên xui. Khoảng 4giờ chiều chúng tôi gặp một con suối và dừng lại nghỉ ngơi. Sáu thầy trò Pháo Binh, mỗi người chỉ có một gói gạo sấy duy nhất phòng thân, không ai dám đụng tới. Anh em chi khu nấu cơm và chia xẻ cho chúng tôi.

Cuộc di chuyển có phần chạm chạp, lặng lẽ, cẩn thận hơn khi chúng tôi băng qua một khu nhà lá cũ nát, mà có người cho là mật khu Mặt Cật của Việt cộng. Tôi vẫn còn đủ sức lãng mạn nghĩ tới chiếc máy ảnh khi chúng tôi gặp một bộ xương người vẫn còn nằm nguyên trên một cái võng rách, kế đó là một chiếc ba lô, chứng tỏ đã khá lâu không có người lui tới “mật khu” này. Tên Việt cộng chắc đang mơ thấy một miếng cơm cháy thì một mảnh đạn pháo binh vu vơ đã cắt đứt thiên đường của hắn.

    

Ngày 27-3-1975

Qua một ngày yên tĩnh nữa, sau một đêm chúng tôi vật vờ bên một sườn đồi cỏ, ướt sương. Cái máy liên lạc vô tuyến PRC.25 đã không còn công dụng nữa, tất cả các đơn vị bạn mà tôi muốn liên lạc trên lộ trình di tản đều hoàn toàn mất tín hiệu. Người lính truyền tin của tôi coi bộ cũng bước hết nổi, nó hỏi ý kiến tôi “Cục sắt này đâu còn giá trị gì, cho em quăng, trung úy nhé!” Và tất nhiên tôi đồng ý. Bây giờ là buổi chiều, tôi đang ngồi chờ trực thăng trên một bãi đất rộng, với khoảng vài trăm người sau khi tản lạc mấy tiếng đồng hồ bởi một trận đụng độ nhỏ vào buổi trưa, lúc chúng tôi đang ưu thế trên một đỉnh đồi, đã sớm phát hiện ra chúng và đang ghìm súng sẵn sàng nhả đạn. Trong tư thế súng mang vai, đấu hót vô tư, giung giăng giung giẻ, hai nam và một nữ Việt cộng vừa tắm dưới suối đủng đỉnh đi lên, đã sớm làm chủ ngọn đồi, mấy giây đồng hồ đã xé nát đoàn người di tản, chỉ vì một tiếng hét thất thanh, hốt hoảng, mất tinh thần của một chuẩn úy thuộc Tiểu đoàn 237 ĐPQ, không biết sao ở chung với ban chỉ huy Chi khu.

Tôi không biết mọi người đã chạy, đã trốn, đã tìm đường thế nào mà tập trung được ở đây, và cũng đã được các shinook bốc đi hàng chục chuyến. Riêng tôi, sau mấy loạt súng “làm rơi” xuống một gộp đá, đã phải nín thở ẩn nấp, mò mẫm trong các lùm bụi rậm rạp, không còn phương hướng, cuối cùng may gặp một người lính, nhờ là anh leo lên cây cao được, đã thấy bãi tập trung này.

5giờ chiều ở phi trường Đông Tác, tôi gặp lại rất nhiều những người đã đồng hành. Một lời ngắn ngủi chân thành xin được gửi đến các anh em KHÔNG QUÂN, chúng tôi xin được tri ân các bạn, trong những giây phút cam go, ác liệt này, các anh vẫn đã quả cảm, hy sinh cứu chúng tôi ra thoát khỏi cái vận hạn khó tránh của các quân binh trong kiếp nạn của một bàn cờ cạn nước. Tôi biết các anh đã quay cuồng, vật lộn với hiểm nguy trong suốt bao ngày qua, chiếc máy bay kềnh càng, lên xuống giữa rừng (những nơi mà bao năm qua Việt cộng coi là an toàn khu của chúng), không có bảo vệ, không được an ninh bãi đáp, dễ dàng làm bia cho một quả b40, hay một loạt đạn cá nhân vô lương nào đó. Ngay cả chúng tôi khi đã ngồi được trên máy bay rồi, vẫn lo lắng một quả đạn pháo kích bất chợt. Xin Cám Ơn Các Anh, Người Chiến Sĩ Không Quân Quân Lực Việt Nam Công Hòa.

Tôi đã về đến Tuy Hoà, không khỏi giật mình nhớ lại cái kế hoạch ban đầu của tôi: Đường 7. Nếu tôi theo lộ trình ấy không biết bao nhiêu ngày mới về đến, chưa nói là có khi phải vĩnh viễn nằm lại. Con đường của Thiếu Tá Hiếu, có gì khác với con đường 7 của Quân Đoàn II, tất nhiên là không hoàn chỉnh, như những kỳ thủ ở những nước kết thúc lại bị sót nước, đã không tính tới hàng triệu sinh mạng phải bảo vệ, hàng triệu đồng bào đã quá đủ kinh nghiệm về cộng sản, bất chấp mọi giá, kể cả phải trả bằng sinh mạng của mình. Tôi chỉ là một cấp nhỏ, thấy từ cái nhỏ của tôi, trong cuộc triệt thoái hỗn loạn ấy, quân đội đã gồng gánh theo thêm gấp trăm ngàn lần quân số của Quân Đoàn, mà cái giòng thác người ấy đã làm tính bí mật của cuộc di tản bị mất tác dụng, thêm nữa, đoàn người cũng trở ngại không nhỏ cho việc giàn trận, điều động hoặc khi phải cần dùng đến chiến thuật, chiến lược này nọ. Hãy nghĩ tới Quốc lộ 19, bao nhiêu cây cầu đã bị Việt cộng phá, hai cái đèo dài đã bỏ ngỏ cho Việt cộng kiểm soát, (chưa kể là xuống đến Quốc lộ 1, Tiểu Khu Bình Định cũng đã di tản trước, đoạn Qui Nhơn Tuy Hòa Việt cộng đã chuẩn bị sẵn bao nhiêu kế hoạch giết người!), ai tài ba lỗi lạc dẫn một đoàn quân dân ào ạt bỏ Kontum, Pleiku, qua khỏi những cái miệng lưới đã chờ sẵn kia, sẽ còn được bao nhiêu người về tới Tuy Hòa?

 

Đặng Kim Côn

(Tác giả gởi) 

Tháng 3, 1975


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Áo Tết - Nguyễn Ngọc Tư

  Con bé Em cười tủm tỉm khi nghĩ tới cái áo đầm màu hồng mà má nó mới mua cho: -Tết này, mình mà mặc cái áo đó đi chơi, đẹp như tiên cho m...